Bài Vở Cũ Tùy Bút Văn Nghệ

NguoiBoCuaToi TongChan



Người Bố Của Tôi


Có một người nông dân chất phác
Một đời lo gánh vác việc nhà
Ruộng đồng mưa nắng xông pha
Người nông dân ấy chính là bố tôi

Kính thưa quí bạn đọc,

Có một điều mà tôi lấy làm lạ, một điều nếu tôi không lầm là trong các tác phẩm văn học, trong các sáng tác thi ca nhạc kịch cũng như trong các sách vở quốc văn giáo khoa báo chí hầu hết đều viết về người mẹ. Viết ca tụng tôn vinh công đức trời biển của mẹ. Một việc làm công bằng và phải đạo lắm. Tuy nhiên, tôi lại ít thấy bài vở viết về người cha sinh của mình.

Chữ hiếu đạo từ ngàn xưa đã từng dạy cha sinh mẹ dưỡng, đức cù lao, lấy lượng nào đong. Ðạo hiếu dạy con người phải thảo hiếu với cha với mẹ, bậc sinh thành. Phải giữ đạo lý luân thường. Vậy mà ngày nay chữ luân thường hóa thành xem thường, thậm chí khinh thường người cha, người gia trưởng. Ngày nay thiên hạ đang đua nhau, hùa nhau xóa bỏ danh vị người cha người gia trưởng. Chẳng hạn như khi đề cập đến một vấn đề có tính cách độc tài độc đoán, ngay lập tức người ta gán ghép cho đó là hành vi gia trưởng.Vậy gia trưởng là gì.

Thưa gia trưởng là người đứng đầu trong một gia đình. Gia trưởng cũng như xã trưởng, tỉnh trưởng, người đứng đầu điều hành lãnh đạo một cơ quan, một tổ chức xã hội xét về mặt cơ cấu. Nhưng xét về mặt nhân bản thì người gia trưởng chiếm lĩnh một danh vị, một thiên chức vô cùng cao cả, nó vượt trên mọi danh vị. Không thể so sánh và không thể đặt ngang hàng với bất cứ loại danh vị nào khác. Càng không thể vẽ vời một danh vị hão huyền để thay thế danh vị người cha sinh, người gia trưởng được. Ngày nay người ta cố đánh phá gia đình, cố triệt hạ người gia trưởng, để làm gì, để đòi hỏi cái gọi là bình quyền bình đẳng. Gia đình là nền tảng xã hội. Ðánh phá gia đình gia trưởng cho tan rã thì xã hội cũng nát bét thôi. Ðó là hậu quả tất yếu.
Nhìn chung ngày nay xã hội, văn hóa, kinh tế lẫn đạo đức bị suy thoái, gia đình cũng theo đà tuột dốc, suy đồi. Nhưng đưa tầm mắt nhìn kỹ hơn thì xã hội này vẫn còn nhiều người con hiếu thảo và cũng không thiếu những tấm lòng tôn kính biết ơn đấng sinh thành, biết trên kính dưới nhường, thể hiện qua nhiều gia đình cha mẹ con cái sống chung sum vầy hòa thuận.

Trên đây là vài nhận định ‘‘thời cuộc’’, không phải để chê trách gì ai và cũng không phải là ‘‘bi quan yếm thế’’ mà để nêu lên ‘‘cái hay không bằng cái hại’’của lớp người tự xưng là cấp tiến là văn minh. Mà cấp tiến đâu chẳng thấy, chỉ thấy thụt lùi. Văn minh đâu chẳng có, chỉ gặp toàn thứ văn manh.

Phần tác giả khi nghĩ về người bố của mình thì nhiều lần muốn viết, muốn giới thiệu những công đức người, nhưng ngặt nỗi văn dốt võ dát đâm ra ái ngại chần chờ. Rồi nghĩ lại, nếu như viết về đề tài nào khác đòi hỏi văn tự phải văn hoa, còn viết về ‘‘câu chuyện lòng về người bố của tôi’’ thuộc chuyện kể miệt vườn cũng chẳng ai chê khen, miễn là viết với tấm lòng cung kính trung thực.

Vậy thì người bố của tôi là ai ?

Thưa người bố của tôi là một đấng thập phần tài đức. Thưa bố của tôi là ngọn núi Thái Sơn vĩ đại cao vời. Trong ngọn núi Thái, trong con người cao cả của bố tôi chứa đựng một kho tàng vô cùng quí giá.Với ngòi bút của tôi không tài nào diễn tả được. Dầu vậy, tôi cũng đem hết tâm lực để viết cho được một ít bài về người thân sinh yêu dấu của tôi.

Vâng đây, bài nầy tôi xin được giới thiệu về thân thề và sự nghiệp ‘‘Người Bố Của Tôi’’.

Cha tôi thuộc dòng họ Nguyễn tên Ðại, gọi là Nguyễn Ðại. Ông còn có một tên khác là Phao-lô. Ðây là tên thánh Bổn mạng. Tên thánh này do linh mục chánh xứ đạo chọn đặt cho trong ngày lãnh bí tích rửa tội Tổ Tông truyền.

Cha tôi sinh quán tại xã Xuân an, huyện Nghi xuân, tỉnh Hà tĩnh thuộc phía bắc Trung Việt. Ông là người con thứ năm trong gia đình mười người con của ông bà nội tôi. Cha tôi lớn lên trong hộ gia đình thuộc giai cấp nông dân, được nhân dân trong xã bình bầu, xếp thành phần trung nông khá.Tuổi học trò, ông theo học trường xã, hết lớp trường xã ông học lên trường huyện. Cấp bằng học lực của ông, nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống chẳng ai bằng.

Vào năm 1955 chàng trai Nguyễn Ðại tròn mười tám tuổi. Năm đó đất nước có một biến cố lớn xảy ra đó là cuộc chiến tranh Việt Pháp kết thúc bằng một bản Hiệp định đình chiến Genève chia cắt hai miền Bắc Nam. Theo Hiệp định người dân được thay đổi vùng sinh sống. Cha tôi theo gia đình ông bà nội di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Ngày bỏ nơi chôn nhau cắt rốn rời quê hương ra đi. Cha tôi kể lại, ông ra đi với hai bàn tay trắng bốn bàn tay trơn. Ông bỏ lại một người tình nhỏ, ruột đau chín chiều. Nghe câu chuyện tình lâm ly bi đát, chúng tôi hỏi: ‘‘Sao đành bỏ em ?’’. Ông trả lời: đứt ruột, đau khổ lắm ! Nhưng thời đó vùng quê của cha tôi tinh thần chống thực dân cao độ lắm nên dẫu là tình nhân cũng không dám ‘‘dụ dỗ’’em bỏ nhà đi theo địch đâu. Nói thế nhưng như ông kể cũng có lần ông năn nỉ rỉ tai dỗ dành nàng nên ra đi. Nàng buồn bã trả lời: ‘‘Làm mùa chớ bỏ khoai lang. Làm trai chớ bỏ làng mà đi’’. Thế là đường tình bị rút cầu.Mối tình đầu tuột vòng tay trở thành tình cuối. Thất bại. Chàng một mình khăn gói lên đàng, chào nàng ở lại với ruộng lúa nương khoai.

Bước đường Di Cư từ Nghi xuân Hà tĩnh, gia đình lũ lượt dắt nhau đi tuốt tận tỉnh Bà rịa miền Ðông Nam Bộ. Cuối năm 1955 gia đình ông bà nội tôi đến định cư lập nghiệp tại trại Di cư Bình giã. Trại này tập kết những người gốc giáo phận Vinh gồm đồng bào hai tỉnh Nghệ an Hà tĩnh. Bà nội tôi kể: Hồi đó đất Bình giả gọi là Bàu Ðỏ là một vùng rừng rú sơn lâm chưóng khí. Công việc đầu tiên của đồng bào là lo làm nhà để ở. Nhà dựng cột kèo…bằng gỗ, mái tranh vách lá. Bà tôi kể tiếp: Cha của các cháu được Ban Kiến Thiết phân công vào tổ Thợ mộc có công tác cưa cây, đục gỗ, đóng đinh sàm lắp khung nhà v.v…Lúc đó cha các cháu còn tuổi học trò, đã biết gì về cưa kéo đục đẽo đâu. (Câu chuyện tình của bố tôi ngoài Bắc bà nội tôi không hề hay biết). Nhưng nào ngờ lại có năng khiếu vừa cưa kéo cây gỗ vừa cưa cọ mẹ các cháu và đã ‘‘cưa dứt’’ được cô con gái nhà lành. Bà giải nghĩa thêm: Nói nhà lành cũng phải. Căn nhà ‘‘viện trợ’’ ông bà ngoại các cháu mới bắt thăm được đang trên lành dưới kín.

Mẹ tôi người thuộc xứ Thọ ninh, Ðức thọ, Hà tĩnh. Mẹ tôi được xem như ‘‘người đẹp trong tranh’’. Thật không ngoa, cho đến nay thời gian đã mấy chục năm trông mẹ tôi còn dáng vẻ nàng Tây Thi, nét sắc sảo thùy mỹ riệu ràng. Cha tôi thường vui ca: Ði mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh…Ông nói duyên tiền định. Thừa lúc tiện dịp chúng tôi phỏng vấn tiếp: Vậy thì nơi mẹ có những điểm mạnh nào khiến cha yêu thích. Ông nói: Cha vốn tính ưa nghe nhạc vàng êm dịu nên thích mẹ các con có giọng nói nhẹ nhàng, rặt dòng Thọ Ninh mìng mìng…ung ung…Trong giao tiếp những tiếng có dấu nặng, mẹ phát âm ra dấu huyền nghe êm tai mát ruột làm sao ấy. Chẳng hạn khi nói ‘‘bầu trời gió lộng’’, mẹ nói ‘‘bầu trời gió lôồng’’. Hoặc khi nói ‘‘vịt kêu ù ù cạc cạc’’ mẹ các con nói: ‘‘vịt kêu ù ù càc càc’’. Các con nghe có dễ thương không?


Lấy vợ nhớ cưới liền tay
Chớ để lâu ngày có kẻ dèm pha

Áp dụng ca dao ông bà để lại. Tháng tư năm sau đó hai người rủ nhau lên nhà thờ Làng Một lãnh Bí tích hôn phối theo nghi thức Công giáo đơn giản, không ca hát, chẳng chụp ảnh quây phim. Chỉ trao nhẫn và tuyên thệ nghiêm túc trước mặt cha chủ tế và hai người chứng. Cuối cùng lãnh ba dùi nước phép do cha xứ rảy ban, kết thúc một thời trai tơ gái trinh để bước vào đời sống hôn nhân thành đôi thành cặp như đôi chiền chiện ngoài đồng xanh

Phần mẹ tôi,

Những việc xảy đến trong đời, mẹ tôi cho là những biến cố. Với việc mẹ tôi đi lấy chồng, người cho rất hệ trọng nên người luôn luôn xin vâng, phó dâng và tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời ghi nhận và giữ kín trong lòng không hề thổ lộ với một ai. Có lần anh em chúng tôi xúm nhau lại khôn khéo hỏi ‘‘dò’’ mẹ. Lần này người chậm rãi trả lời rất cởi mở rằng: Tình yêu là một bí nhiệm, một phép mầu. Trí loài người không hiểu thấu được. Tình yêu như thần như thánh, cuốn hút ta bay lên đến tận chín tầng trời, rồi bắt ta chiều chuộng nâng niu để được hạnh phúc. Và tình yêu cũng có thể sánh ví như một con yêu tinh. Nó ma quái lắm. Nó luôn luôn cám dỗ , câu nhử, rủ rê. Nó luôn luôn tìm cách hớp hồn ta. Ông bà ta gọi tình yêu là lưới tình, là tơ tình, là nội tình hoặc ngoại tình…Thi hào Nguyễn Du thì nói: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Thật ra tình nó táo bạo lắm, nào có e dè gì đâu. Chẳng những không e không dè mà nó còn dám mở nhiều mặt trận đánh phá khắp nơi khắp chốn. Nó dùng chiến thuật ‘‘tiền pháo hậu xung’’ rất ác liệt. Giặc ái tình còn hơn giặc Cờ Ðen, gay go kịch liệt, tiến thối lưỡng nan, phiền hà rắc rối lắm. Kén được một người chồng đẹp trai con nhà giàu thì nó mang đủ thứ tật tội. Nó đưa “sức người sức của” ra làm áp lực đè đầu cỡi… cổ mình. Vơ đại đứa xấu trai nhà nghèo thất học, thất thế không dám ỷ giàu sang, nó lại “khoán sản phẩm”. Công việc nó chẳng động móng tay mà đến mùa thu hoạch nó vẫn thu lợi tức lớn. Gút mắc rối rắm là chỗ ấy…Ðang thao thao như một nhà hùng biện về hai chữ tình yêu, bỗng mẹ tôi ngừng lại như nhớ tưởng về một điều gì, bà buông hơi thở dài rồi cất tiếng Lạy Chúa tôi ! Ðến đây anh em chúng tôi không dám hỏi dò và dò hỏi gì nữa.

Về câu chuyện “Hai Người”, cha tôi lần lượt kể:

Thời gian hơn một năm sau ngày cưới, mẹ tôi mang bầu rồi sinh một đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh, cân nặng bốn kí lô. Ðặt tên Jean Baptitte
Nguyễn Trần Thuật. Chữ Trần tên lót được lấy từ tên họ mẹ. Mẹ tôi tên gọi Elizabette Trần Thị Thơ Thới Tăng Thu. Về cái tên của mẹ tôi, đọc hay viết ra dài giòng và trùng lặp nhiều chữ T, anh em chúng tôi lại tò mò hỏi mẹ, được người trả lời là vào năm sinh mẹ, một năm mưa thuận gió hòa, đồng điền lúa ngô bông hạt tràn trề. Một năm được mùa, lợi tức gia đình bội thu tăng thu, do dó ông bà ngoại đặt cho mẹ cái tên Thu tràng giang là vậy. Ngoài ra, ông bà đặt cho mẹ cái tên lãng mạn như vậy cũng để tỏ lòng hồ hỡi phấn khởi khi con nhà nông được mùa. Và cũng để tạ ơn Ông Trời ban cho được mùa no ấm.

Kính thưa quí bạn đọc,

Một khi cầm bút viết về người cha cũng phải có đôi giòng về người mẹ vì hai người “tuy hai mà một”, do đó đoạn mở đầu có cha sinh có mẹ dưỡng. Sau đây mời các bạn xem tiếp phần thân bài “Người Bố Của Tôi”.

Bố tôi sách tướng số xếp vào hàng “Hổ Tướng”. Ðúng vậy. Bất kể người nào, người thuộc lớp gan dạ hoặc lớp nhát đảm, thoạt trông thấy bố tôi lần đầu tiên đều phải kính sợ hay ít ra cũng phải nể mặt rụt rè

Cha tôi “Râu hùm hàm én mày ngài. Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”(Kiều). Bố tôi thân hình vạm vỡ cao lớn. Nước da sạm nắng ngâm đen. Ðôi chân cao dài, nước đi vững vàng chắc chắn. Hai tay rắn chắc, bàn tay to.
Ðôi vai rộng hơi gù. Ngực bụng nở nang. Khuôn mặt chữ điền. Trán cao và rộng. Mũi dọc dừa kín đáo, hai cánh mũi như hai túi mật. Miệng rộng, môi dầy. Ðôi mắt sâu, ngời sáng. Cặp lông mày dài, mọc xếch và rậm. Cằm vuông xích với hàm râu quai nón xồm xoàm đen bóng. Ông có giọng nói trầm hùng, hơi khàn mà trường thanh. Trông ông như vị tướng phá lộ phương phi uy dõng. Có lần anh em chúng tôi bá vai bám cổ ông rồi đồng thanh khen ngợi tướng mạo: “Cha ta đẹp trai, con nhà trung nông khá”. Xem ra ông chưa được hài lòng lắm. Ông nói: Cái thành phần trung nông khá hay khấm khá cũng chưa sát thực các con ạ. Nhân dân làng ta bình nghị theo kiểu “bình đại” cho xong chuyện đó thôi, chưa sâu chưa sát. Nhà ta đúng mức ra phải là phú nông kìa. Còn tướng to con đẹp trai của tao, các con không biết chuyện đó thôi. Ðáng ra tao phải là thượng tướng, tệ nhất kém nhất cũng trung tá. Nhưng mà lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Tại hồi đó, thời chiến tranh các thanh niên đều đi B, tao lại đi mê một con bồ nhỉ nên trốn lính. Giả như hồi đó tao không nghe tiếng gọi tình yêu mà biết nghe tiếng gọi núi sông lên đường tòng quân nhập ngũ, xông pha chiến trường thì cấp bậc quân hàm cũng đeo đầy vai đầy ngực rồi. Không biết là người em nhỏ
dấu yêu ngày nào, nay còn nhớ đến mình nữa hay không?. Tao nghĩ là nàng quên hết rồi. Ðàn bà trời ban cho bản tính dễ nhớ và cũng mau quên. Tao cũng mong cho nàng có được một người chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen.

Của đáng tội,

Tướng mạo bố tôi trông hùm hổ vậy mà tính tình lại hiền hòa ôn nhu. Thật vậy, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội bố tôi sống chung giao thiệp với mọi người rất hòa đồng thân thiện, chưa một lần làm phật lòng ai. Ông có khoa “lợi khẩu” nói chuyện với người đối diện và trước đám đông rất hấp dẫn lôi cuốn, gây được nhiều cảm tình. Ông còn có khiếu pha trạng hài hước chọc cười thiên hạ rất tự nhiên. Nhờ đó mả gia đình tôi mọi người đều khỏe mạnh chẳng ai đau yếu gì. Mẹ tôi là người bản tính trầm mạc, nhưng nhiều lúc cũng bị ỗng phá vỡ cục u trầm một cách dễ dàng, tạo cho bà những tràng cười ròn rã, vui cả nhà.


Người nông dân có tình yêu lạ
Yêu ruộng vườn đám mạ nương khoai
Yêu con bò đực đuôi dài
Yêu người thôn nữ đôi tay lấm bùn

Bố tôi là một người mang một mối tình khác lạ. Ông yêu thiên nhiên đất trời mây nước.Yêu rưộng đồng, yêu đến say mê. Tính ra một năm 365 ngày, trừ những ngày chủ nhật thì những ngày còn lại ông đóng chốt ngoài đồng, sống cùng sông nước cỏ cây. Ngoài việc cày bừa sản xuất, ông có một cái thú là đi thăm đồng. Ngày nào không ra đồng được không yên. Ông đi ra đồng để thăm coi bờ mội ruộng nước. Ông đi xem nương mía trổ lau. Coi đám cà ra nụ. Ông đi thăm đi ngắm nhiều nơi nhiều thứ. Nếu như có một người nhiếp ảnh nhà nghề nào đó theo chân bố tôi ngoạn cảnh đồng quê sẽ có được những bức hình nghệ thuật giá trị, như hình ông nằm chống vó trên tấm sạp tre trong túp lều cỏ giữa cánh đồng mùa lúa chín vàng. Nào bức hình chú nông dân cặp chiếc nón cời đắm say nhìn con bò cái đứng chạng te cho con bê húc bầu sữa bú. Nào cảnh chú thợ cày bận áo nâu để phành bụng ngực bước sóng đôi bên nàng thôn nữ quần lăn tận háng, hông nách chiếc rổ giậm cá, chậm chạp trở về làng trong buổi chiều tà. Hình ảnh người bố tôi, người nông dân với thiên nhiên với đồng ruộng rất nhiếu và nhiều lắm.

Việc đi thăm đồng ruộng của bố tôi tìm hiểu ra một công mà hai ba chuyện. Ông đi thăm đồng để canh coi mấy đứa chăn bò mảng chơi thả bò ăn lúa khoai làm thiệt hại hoa màu. Có hôm ông bắt gặp đàn bò mấy đứa xóm trên “liếm” hết một góc ruộng lúa đòng đòng nhà ông. Ông đưổi lùa đàn bò khỏi ruộng rồi chạy xuống bàu ông Tràng An hà nắm đầu mấy “nhà bơi lội” kéo lên bờ, bắt nằm sấp , cấm cựa quậy. Tay ông cầm roi giây điện múa tình tang. miệng quát nạt ầm ầm, khiến mấy thằng cao bồi, thằng nào thằng nấy sợ đái cả quần. Như kẻ khác thì mấy cu chăn bò này được ăn một trận đòn nên thân rồi. Nhưng đối với cha, ông Ðại lại khác. Người ta thường nòi giơ cao đánh sẻ, đàng này ông giơ cao mà không đánh. Không bao giờ cha tôi đánh đập bọn bầy bò (bầy bò là lớp trè chăn bò). Có người hỏi. Sao chú làm dữ vậy mà lại không đánh ai. Bố tôi đáp: Ðánh đập chúng nó thì đươc cái lợi lộc gì. Hồi mình còn nhỏ cũng là những đứa chăn bò, cũng chểnh mảng ham chơi, rồi cũng để bò ăn lúa mạ của người ta, vậy mình có muốn ai đánh đập mình không mà bây giờ mình lại đưa tay đánh đập trẻ con. Nạt nộ quát tháo, dọa non chúng một ít để chúng sợ mà lo chăn bò bê là được rồi. Tội nghiệp kiếp rèo bò !

Với người ngoài, bố tôi sống “lòng nhân” như vậy. Còn trong nhà đối với anh em chúng tôi là con cái hơi tiếc hụt một điều không được ông thưởng cho ít lằn roi để biết được lòng thương xót của người cha như thế nào. Trong nhà khôngs được thưởng thì ra ngoài xã hội đôi lúc cũng hân hạnh được mấy anh huynh trưởng TNTT tặng cho vài ba bớp tai tả hỏa tam tinh, thật đáng ghi nhờ công ơn các tôn huynh uốn nắn mầm măng non.

(còn tiếp)

Nguyễn Tổng Chân

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời