Bài viết khác

Những Biến Cố Lớn Trên Hành Trình Cuộc Đời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2

Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP (+)

Hầu như tất cả những ai quan tâm theo dõi lịch sử và đời sống của Giáo Hội cũng đều ghi nhận rằng: triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II tính cho đến nay, không những là một trong những triều đại giáo hoàng dài nhất trong lịch sử Giáo Hội, mà còn là triều đại diễn ra vào một thời điểm quan trọng nhất, nóng bỏng nhất của lịch sử nhân loại. Chưa bao giờ Giáo Hội cũng như nhân loại phải đương đầu với những vấn đề có tính sinh tử, khó khăn, găy gắt và cấp bách như thế. Chỉ cần nhớ lại bối cảnh của thế giới cũng như của Giáo Hội trong lúc khởi đầu giáo triều của ngài và thử đem so sánh với bối cảnh hôm nay ta cũng có thể nhận ra được dấu ấn mạnh mẽ đến tuyệt vời của ngài trên biết bao lãnh vực.

Nếu Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã có ước vọng mở toang cánh cửa để cho Giáo Hội đón nhận một luồng gió mới, thì ta có thể khẳng định rằng chính Đức Gioan Phaolô II đã làm hết sức mình để phát huy tác dụng của luồng gió canh tân đó. Chính ngài đã đem lại sức sống và sự trẻ trung như chưa từng có cho đời sống Giáo Hội, trong khi vẫn bảo vệ với lòng nhiệt thành và sự kiên cường truyền thống cổ kính ngàn đời từ các tông đồ. Nếu chỉ tính bằng con số, thì những gì ngài thực hiện trong hai mươi sáu năm qua trên nhiều lãnh vực của đời sống Giáo Hội cũng là những kỷ lục. Nhưng ảnh hưởng của ngài không chỉ giới hạn trong khuôn khổ Giáo Hội, mà còn là mênh mông trong lịch sử thế giới. Không nghi ngờ gì nữa, ngài sẽ mãi được nhắc đến như một trong những vĩ nhân của mọi thời đại, vì ngài đã góp phần cụ thể thay đổi cục diện thế giới.

Chắc chắn không thể nói được bao nhiêu về một con người vĩ đại như thế trong khuôn khổ một bài thuyết trình với thời gian hạn chế của cuộc hội thảo này, chỉ mong lướt qua một vài nét sơ lược mà thôi.

I. Tôi muốn được chia sẻ chức linh mục của Đức Ki-tô

1. Chào đời–những ngày thơ ấu gian khổ–chàng trai Ba Lan

Karol Joseph Wojtyla chào đời ngày 18-05-1920, tại Wadowice, một thành phố kỹ nghệ gần Krakow. Cha em là Karol Wojtyla, từng là sỹ quan trong quân đội Áo, và là trung uý trong quân đội Ba Lan cho đến lúc nghỉ hưu năm 1927; và mẹ là Emilia Kaczorowska Wojtyla. Bà Emilia mất năm 1929 vì bệnh thận và suy tim, lúc bé Wojtyla mới lên chín. Người chị của Wojtyla chết chỉ mấy ngày sau khi sinh; còn người anh tên Edmund, một bác sĩ, qua đời năm 1932, lúc mới 27 tuổi, vì lây một bệnh dịch từ bệnh nhân mà anh tận tình săn sóc. Đến năm 1941 người cha cũng lặng lẽ lìa đời lúc Wojtyla mới hơn 20 tuổi.

Wojtyla theo học tại Wadowice, và đến năm 1938 nhập phân khoa triết học của đại học Jagiellonian ở Krakow. Những năm học Đại học, Wojtyla cũng là thành viên năng động của nhóm kịch thử nghiệm Studio 38.

Và rồi: đối với chàng trai Wojtyla cũng như bao thanh niên Ba Lan khác, cuộc sống thay đổi thật nhiều kể từ ngày 01-09-1939, khi thế chiến thứ hai bắt đầu. Quân Đức Quốc Xã xâm lăng đã đóng cửa Đại học Jagiellonian; Wojtyla phải làm thợ đập đá ở một công trường và sau đó làm việc ở xưởng hoá chất Solvay để tránh bị đưa sang Đức. Tháng 02-1940, Wojtyla may mắn gặp được Jan Tyranowski, một người thợ may, ông này đã trở thành người thầy dẫn đàng thiêng liêng cho Wojtyla và giúp cậu làm quen với các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh giá cũng như của Thánh Nữ Têrêsa Avila. Wojtyla cũng tham gia các nhóm kịch bí mật, bao gồm ban kịch thơ Rhapsodic của Mieczyslaw Kotlarczyk.

2. Linh mục

Mặc dầu quý trọng chức linh mục, Wojtyla chẳng bao giờ nghĩ chuyện đi tu. Một giai thoại kể lại rằng: trong dịp lễ tốt nghiệp, có sự tham dự của Hồng y Tổng Giám mục Adam Sapieha, Wojtyla được đại diện học sinh đọc lời chào mừng bằng tiếng La tinh. Đức Hồng y rất mến Wojtyla, mới hỏi linh mục Edward Zacher, giáo sư môn tôn giáo:“Liệu thanh niên xuất sắc này có ý định vào chủng viện không?” Cha Zacher trả lời Đức Tổng Giám mục: “Thưa Đức cha, anh ta chỉ muốn theo học môn triết và văn chương Ba Lan”, Đức tổng Giám mục Krakow thở dài: “Tiếc quá!”

Sau lần đó, mỗi lần được hỏi về chuyện đi tu, Wojtyla đều trả lời dứt khoát: “Tôi không xứng đáng với thiên chức linh mục”.

Nhưng về sau, khi đã lên Krakow theo học Đại học, những biến cố xảy ra trong đời: Đức Quốc xã xâm chiếm Ba Lan, hàng triệu con người bị đày ải trong các trung tâm lao động cưỡng bách, nhiều giáo sĩ và trí thức bị nhốt vào các trại tập trung (riêng tại Trại Tập trung Dachau đã có khoảng 3000 linh mục bị giam hãm), cái chết của người anh, và đặc biệt cuộc ra đi hết sức buồn thảm của thân phụ, tất cả đan kết lại như một lực đẩy, âm thầm nhưng lại hết sức mạnh mẽ nơi tâm hồn Wojtyla. Và kết quả là: Một chiều thu năm 1942, sau khi tham vấn cha linh hướng, linh mục Figlewicz, Wojtyla đến Toà giám mục Krakow, xin được gặp Đức Tổng Giám mục Sapieha, và nói: “Thưa Đức Cha, con muốn được chia sẻ chức linh mục của Chúa Ki-tô”. Kể từ đây, cuộc đời Wojtyla rẽ sang bước ngoặt quan trọng: Sức mạnh của Thiên Chúa đã thắng.

Trong cuốn Hồng Ân và Huyền Nhiệm, mừng kim khánh linh mục, Đức Thánh Cha nhìn nhận có rất nhiều yếu tố đã góp phần xây dựng ơn gọi của ngài: Đời sống đạo hạnh của song thân, đặc biệt gương sáng của thân phụ không may goá vợ lúc còn trẻ, thời gian lao động tại hầm đá, tại xưởng hoá chất Solvay mà Wojtyla coi như là một thứ chủng viện giữa đời, cũng như hình ảnh các tu sĩ Dòng Kín, dòng Don Bosco, tấm gương của thánh Maximilian Maria Kolbe, của anh Albert (mà sau ngài đã có vinh dự phong thánh cho anh), của thánh Gioan Maria Vianney và các tấm gương đạo hạnh khác, trong đó có bác thợ may Tyranowski, tất cả đã hun đúc ơn gọi linh mục của Wojtyla…

Ngày lễ Các Thánh 01-11-1946, K. J. Wojtyla đã lãnh tác vụ linh mục từ tay Hồng y Tổng Giám mục Sapieha. Ngày hôm sau, vị tân linh mục đã dâng thánh lễ cầu cho các linh hồn, đặc biệt cho song thân và anh trai trên phần mộ các vua và các vị anh hùng đất nước Ba Lan.

Hai tuần sau, ngày 15-11-1946 Wojtyla và Starowieyski (người bạn chủng sinh, sẽ thụ phong linh mục sau khi học xong) lên tầu đi Rôma, dừng lại ở Paris năm ngày. Cả hai trọ ở Học viện Bỉ. Ngày 27-11-1946, Wojtyla nhập học Đại học Angelicum.

Thoạt đầu, Wojtyla muốn viết luận án về thánh Gioan Thánh giá, nhưng Giáo sư bảo trợ, cha Mario A. Ciappi (nay là Hồng y) gợi ý cha nên viết về thần học Thomas trước đã. Và Wojtyla đã viết bằng tiếng Latinh, ngôn ngữ của Thomas.

Tiếp theo đó mới viết luận án “Yếu tính Đức Tin theo thánh Gioan Thánh giá”. Thật là khó cho một người theo tư tưởng Thomas đề cao trí năng hơn ý chí. Nhưng, ơn Chúa, cha Wojtyla đã viết thật khéo; đúng điệu thần học Ki-tô giáo. Có lẽ điều gây ấn tượng nhất là, ở vào tuổi 27, Wojtyla đã đọc Gioan Thánh giá bằng tiếng Tây Ban Nha, và thảo luận về thánh nhân bằng tiếng Ý với các giáo sư, viết luận án bằng tiếng La tinh.

Tháng 07-1948, Karol Wojtyla trở về Krakow, lần lượt phục vụ họ đạo Niegowic và họ đạo thánh Florian.

Tiếp đến, năm 1953, cha Wojtyla ghi danh học Đại học Jagiellonian, và đậu tiến sĩ Triết học với luận án “Hiện tượng luận của Max Scheler”. Sau đó cha Wojtyla dạy môn đạo đức xã hội tại Đại chủng viện Krakow từ năm 1952-1958. Năm 1956, giữ ghế giáo sư tại đại học Lublin.

3. Giám mục

Đầu tháng 07-1958, Hồng y Stefan Wyszynski, Giáo chủ Ba Lan triệu cha Wojtyla đến văn phòng và trao cho cha bức thư có lời lẽ sau: “Do lời thỉnh cầu của Đức cha Baziak, Tổng Giám mục Krakow, Ta chỉ định cha Karol Wojtyla làm Giám mục phụ tá tổng giáo phận Krakow…”

Sau đó Hồng y Wyszynski hỏi: “Xin cha cho biết cha có vui nhận sự đề cử này không?”. Cha Wojtyla không do dự, mà chỉ hỏi: “Thưa Đức Hồng y, con sẽ ký vào chỗ nào?”.

Nhận lời ngay, nhanh nhẹn quá! Nhưng ta cũng nên biết rằng, sau đó, trên đường về nhà, cha Wojtyla đã vào nhà nguyện các sơ Ursuline, sấp mình cầu nguyện lâu đến 8 tiếng đồng hồ! Quả là một kỷ lục.

Ngày 29-09-1958, cha Wojtyla được tấn phong Giám mục tại nhà thờ lớn Wawel ở Krakow, mười một ngày trước khi Đức Thánh Cha Pio XII qua đời, hưởng thọ 82 tuổi. Một tháng sau, Đức Gioan XXIII lên kế vị, mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo Hội qua việc triệu tập Công đồng Vatican II. Tân Giám mục mới 38 tuổi đã được mời tham dự Công đồng, cùng với 2593 vị Giám mục thuộc 141 quốc gia trên thế giới.

Năm 1960, Đức Giám mục Wojtyla cho xuất bản tác phẩm trứ danh “Tình yêu và Trách nhiệm”. Đức Thánh Cha Phao lô VI rất bằng lòng với nét minh giáo chắc chắn về giáo huấn truyền thống của Giáo Hội công giáo về hôn nhân, nên đã tham khảo ý kiến của Đức cha Wojtyla khi viết thông điệp Humanae Vitae.

Sự đóng góp tích cực và hữu hiệu của vị Giám mục trẻ người Ba Lan tại Công đồng đã khơi dậy lòng ưu ái đặc biệt của Đức Thánh Cha Gioan XXIII, và nhất là Đức Thánh Cha Phaolô VI. Với 7 diễn từ đọc trước các Nghị Phụ tham dự công đồng và 13 phát biểu, Giám mục Wojtyla đã gây ấn tượng sâu sắc đối với hầu hết các thành phần tham dự Công đồng.

Ngày 30-12-1963, Giám mục Wojtyla được Đức Thánh Cha Phaolô VI nâng lên chức Tổng Giám mục Krakow, trở thành một trong những vị Giám mục trẻ nhất trong Giáo Hội công giáo thời ấy (ở độ tuổi 43).

Tổng Giám mục Wojtyla tham dự đủ bốn khoá họp của Công đồng Vatican II, từ 1962 đến1965, và đã đóng góp rất nhiều trong việc soạn thảo bản Lược Đồ XIII, và sau này trở thành Gaudium et Spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Ngài cũng đóng góp vào Văn kiện Dignitatis Humanae (tuyên ngôn về tự do tôn giáo).

4. Hồng Y

Ngày 29-06-1967, Tổng Giám mục Wojtyla được thăng chức Hồng y, với nhà thờ hiệu toà ở Rôma kính thánh Cesario tại Palatio, và vẫn tiếp tục cai quản Tổng giáo phận Krakow.

Mặc dù đã chuẩn bị tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục đầu tiên diễn ra vào tháng 09-1967, Hồng y Wojtyla đến phút chót lại không đi nữa, để tỏ tình liên đới với Hồng y Stefan Wyszynski của Warsaw, giáo chủ Ba Lan, người bị chính quyền từ chối cấp giấy thông hành. Tuy nhiên, tháng 10-1969, ngài đã lên đường tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục.

II. “Tôi chấp nhận, dù biết khó khăn đang chờ tôi phía trước”

1. Vị Giáo Hoàng gây nhiều bất ngờ

a. Diễn tiến cuộc bầu cử

Khi Đức Gioan Phaolô I bất chợt qua đời ngày 28-09-1978, chỉ sau 33 ngày làm Giáo hoàng, các Hồng y mau chóng tựu về Rôma, mong chọn ra một vị có sức vóc thể lý tốt đứng vững được trước những đòi hỏi của chức vụ. Công luận trước lúc khai mạc Mật Tuyển Viện đã tập trung vào Hồng y Giuseppe Siri của giáo phận Genoa, một con người bảo thủ cực kỳ, lúc đó 72 tuổi, có thể đó là kết quả việc dàn xếp của giới báo chí bảo thủ Ý. Một liên minh các Hồng y trung lập, gồm Leo Josef Suenens (Bỉ), Bernard Alfrink (Hoà Lan), Franz Koenig Enrique y Tarancon (Tây Ban Nha), Francois Marty (Pháp), Paulo Evaristo Arns (Braxin), Aloisio Lorscheider (Braxin), và một số vị khác, đồng ý ủng hộ Hồng y Giovanni Benelli giáo phận Florence. Nhưng các thành phần khác của liên minh, đặc biệt các Hồng y Braxin, lại cảm thấy đây là thời buổi dành cho một vị không thuộc người Ý, và nếu Hồng y Benelli thất bại, thì sẽ đi theo hướng đó. Trong số các vị Hồng y không phải người Ý được nhắc đến, có Hồng y Jan Willebrands, của Hoà Lan, đứng đầu văn phòng Cổ Võ Hiệp Nhất Ki-Tô giáo, và Hồng y Karol Wojtyla, Tổng giám mục giáo phận Krakow. Các Hồng y người Đức cũng nhất định đứng sau lưng Wojtyla như một vị không phải người Ý mà họ có thể ủng hộ. Các vị ưa thích nét vững vàng của ngài khi đối đầu với những khó khăn, trí thông minh và nét duyên dáng của ngài, và nhất là lập trường chính trị thực tế của ngài. Hồng y Lorscheider cũng hết sức ủng hộ vị Hồng y người Ba Lan. Kết quả ra sao?

Cuối vòng đầu phiếu thứ nhất, ngày 15 tháng10, Hồng y Siri dẫn đầu, nhưng chỉ được hơn 30 phiếu, kém nhiều so với con số 50 mà những người ủng hộ ngài kỳ vọng. Hồng y Benelli theo sát, cũng được trên 30 phiếu. Còn Hồng y Wojtyla chỉ được 5 phiếu. Sang vòng hai. Hồng y Siri hụt 6 phiếu, Hồng y Benelli vượt lên dẫn đầu.

Sang vòng ba, Hồng y Siri tiếp tục mất phiếu. Đến vòng bốn, số phiếu dành cho Hồng y Colombo giáo phận Milan tăng lên như một hứa hẹn cho tất cả người Ý. Lúc này Hồng y Wojtyla mới được 10 phiếu. Nhưng Hồng y Colombo loan báo rằng nếu đắc cử ngài sẽ không nhận. Chiều hôm đó Hồng y Franz Koenig của giáo phận Vienna công khai vận động các Hồng y người Đức, Trung Âu, người Pháp, người Tây Ban Nha và người Mỹ ủng hộ cho Hồng y Wojtyla. Hôm sau 16 tháng Mười, ở vòng thứ năm, số phiếu của Hồng y Wojtyla được tăng gấp đôi từ 10 lên 20. Hồng y Poletti tiếp tục nhận được sự ủng hộ và vẫn còn một số vị ủng hộ Hồng y Willebrands. Hai Hồng y Siri và Benelli giờ đây đã mất số phiếu. Trước bữa ăn trưa, ở vòng sáu, số phiếu dành cho Hồng y Wojtyla tăng lên khoảng 40. trước vòng bỏ phiếu đầu tiên vào buổi chiều, Hồng y Willebrands nói với các Hồng y ủng hộ ngài rằng ngài đánh giá cao những lá phiếu của họ, nhưng lại nghĩ rằng các vị đó nên đoàn kết sau lưng Wojtyla. Đến vòng bảy, Hồng y Wojtyla gần đạt được số phiếu để đắc cử. Sang vòng tám ngài nhận được hơn 90 phiếu, đủ để đắc cử, nhưng không ai coi đó là chuyện nhất trí hoàn toàn.

Vị Giáo hoàng vừa được bầu, 58 tuổi, đã chọn danh hiệu Gioan Phaolô II vì ngài “tôn kính, yêu mến và nhiệt tình với Gioan Phaolô I và với Phaolô VI. Và cũng như vị tiền nhiệm của mình, Đức Gioan Phaolô II đã khước từ nghi lễ đăng quang long trọng (đội miện ba tầng) và bắt đầu nhiệm vụ Giáo hoàng vào ngày 22 tháng Mười. Ngài mang tấm Pallium, một miếng vải khoác bằng len choàng qua cổ một Vị Tổng Giám Mục, làm biểu tưởng cho uy quyền mục vụ của ngài. Ngài tiếp nhận nhà thờ chính toà của mình, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 12 tháng Mười Một.

b. Những câu chuyện bên lề

Khi Hồng y Felici xuất hiện trên bao lơn đền thờ thánh Phê-rô, cả đám đông nhốn nháo hẳn lên. Ngài mới nói được vài lời “Habemus papam” thì dân chúng hò reo và hoan hô. Đám đông nín thở để chờ những từ tiếp theo: họ đang mong biết danh tánh của vị Tân Giáo Hoàng.

Nhưng sau khi tên của vị tân Giáo Hoàng được xướng lên, cả rừng người chợt im lặng. Như Greeley ghi lại, hầu hết dân chúng chẳng biết vị Giáo Hoàng này là ai; ngay cả đám phóng viên cũng vậy, vì trong bản hướng dẫn dành cho giới báo chí, có danh sách khoảng 30 vị Hồng y có khả năng đắc cử, không thấy ghi tên Wojtyla. Khi tên ngài được xướng lên, có người hỏi phải chăng Đức Giáo Hoàng là một người da đen, thậm chí có người còn nói Đức Tân Giáo Hoàng là một người Trung Hoa. (tên Wojtyla phát âm theo giọng Ba Lan sẽ là “Voy-ti-wa”). Phóng viên Greeley mới trả lời, “Không, un Polacco (một người Ba Lan)”.

Giám mục Alfred Abramowicz của Giáo phận Chicago, sau khi nghe được tin trên radio, đã nói: “Chúng ta có một Giáo Hoàng người Ba Lan rồi!”, “Thật là mừng quá!”.

Jean-Marie Lustiger, một linh mục người Pháp sau này là Hồng y đã dành riêng một ngày cầu nguyện cho cuộc bầu cử. Khi biết tin, ngài thật vui mừng vì thấy rằng “đó là một vị Giáo Hoàng không phải người Ý, nhưng đến từ một đất nước Đông Âu, một dân tộc đang chịu đau khổ. Chúng ta có rất ít thông tin về các nước Đông Âu. Việc các Hồng y đã lựa chọn một vị từ phía Đông, hẳn là một quyết định quan trọng cho tự do”, rồi ngài tiếp tục cuộc nguyện gẫm.

Buổi sáng đầu tiên trong cuộc đời Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II rời Vatican, đi đến bệnh viện để thăm một người bạn vừa chịu cơn đột quỵ.

Sau khi nói nhiều về Chúa Giê-su, về Vatican II, Đức Giáo Hoàng đã phát biểu: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Ki-tô. Hãy mở rộng mọi biên cương quốc gia, các hệ thống kinh tế và chính trị, những trường văn hoá, văn minh và phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa. Đừng sợ!”

c. Những ghi nhận về Triều Đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II

Là Giáo Hoàng người Ba Lan đầu tiên trong lịch sử và là người đầu tiên không phải người Ý kể tứ Đức Hadrian VI (1522-1523), Đức Gioan Phaolô II là Giáo Hoàng đi công du nhiều nhất trong lịch sử. Tham dự Công đồng Vatican II (1962-1965), với tư cách một Giám mục, triều đại Giáo Hoàng của ngài luôn chống lại những lối giải thích và thực thi Công đồng theo hướng cấp tiến.

Khi ngài tôn phong hai thánh Cyril và Methodius làm đồng bổn mạng của Châu Âu vào năm 1985, Đức Gioan Phaolô II ngụ ý rằng Giáo Hội “phải thở bằng hai lá phổi”, đó là truyền thống Latinh (thiên về luật lệ và trật tự) với truyền thống Hy lạp (có tính thần bí nhiều hơn).

Trong bài nói chuyện với các Hồng y một ngày sau khi đắc cử, vị tân Giáo Hoàng đã hứa sẽ “khôn ngoan và kiên quyết” thúc đẩy việc canh tân của Công đồng Vatican II. Tháng 01-1979, ngài sang thăm Mêxicô để gặp gỡ Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh họp tại Puebla, ở đó ngài lưu ý các Giám mục và các giáo sĩ không được trực tiếp tham gia chính trị (thế cũng có nghĩa là gián tiếp chỉ trích thần học giải phóng Châu Mỹ La tinh). Cuộc nói chuyện sau đó tại chủng viện Palafox đã khiến cho cử toạ gồm các Giám mục, giáo sĩ và một số giáo dân phải bất ngờ. Đức Giáo Hoàng cảnh giác rằng “chúng ta phải giữ gìn nét tinh tuyền của đạo lý… Khái niệm về một Đức Giê-su làm chính trị, một con người cách mạng, một người làm khuấy đảo xuất thân từ Nazareth, không thể nào hoà hợp với đạo lý của Giáo Hội”. Tuy nhiên, trong phần hai của bài nói chuyện, ngài đã nhiệt tình nói đến công lý, và sử dụng từ “giải phóng” đến mười hai lần. Sứ điệp thế là đã rõ: công bằng xã hội, dĩ nhiên rồi, nhưng luôn luôn trong truyền thống của của Ki-tô Giáo như Đức Giáo Hoàng và Vatican đã giải thích.

Thông điệp đầu tiên của ngài được công bố vào tháng 03-1979, với tựa đề là Redemptor Hominis (Đấng cứu chuộc loài người). Thông điệp này nhấn mạnh đến phẩm giá mỗi con người, kết án việc “khai thác cạn kiệt địa cầu” và phá huỷ môi sinh, lên án chủ nghĩa thụ hưởng, tức là chuyện vơ vét và sử dụng sai những hàng hoá nơi một số tầng lớp xã hội độc quyền và những nước giàu có “một cách quá đáng”. Thông điệp cũng lên án cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là chuyện rút tỉa những nguồn tài nguyên cơ bản của người nghèo, và việc vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới.

Có hai thông điệp gây tranh cãi nhiều nhất về thần học luân lý, lần lượt được công bố trong các năm 1993 và 1995, đó là: Veritatis Splendor (Vẻ huy hoàng của chân lý), chỉ trích về những bất đồng về thần học trên các phương tiện truyền thông, chủ nghĩa luân lý tương đối và chỉ trích một phương pháp thần học luân lý được mệnh danh là chủ nghĩa tỉ lệ, và Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống) gay gắt lên án việc ngừa thai, tự tử và phá thai với cung giọng được dùng trong giáo huấn vô ngộ.

Làm Giáo Hoàng mới giáp năm, Đức Gioan Phaolô II đã làm giật mình giới thần học gia qua việc không còn coi nhà thần học Hans Kung người Thuỵ Sĩ là một thần học gia Công giáo nữa. Ngài cũng xử sự như vậy đối với một nhà thần học người Pháp là Jacques Pohier, vị này bị cấm viết sách, giảng dạy nếu không được phép. Nhà thần học Dòng Đaminh Edward Schillebeeckx, cũng bị Vatican xăm xét tỉ mỉ, và nhà thần học Dòng Phan Sinh, Leonardo Boff, người Braxin, bị cấm viết hoặc giảng dạy trong vòng một năm. Charles Curran, nhà thần học luân lý người Mỹ, cũng bị buộc phải rời khỏi Phân Khoa Thần học của Đại học Công giáo Hoa Kỳ. Tháng Giêng 1997, một nhà thần học nổi tiếng của thế giới thứ ba, Tissa Balasuriya, một linh mục 72 tuổi người Sri Lanka, thuộc hội dòng Marist, đã bị rút phép thông công khỏi Giáo hội vì lẽ “đã đi chệch khỏi sự toàn vẹn chân lý của đức tin Công giáo”. Nhà thần học này đã đặt vấn đề một số những quá đáng trong việc sùng mộ Đức Maria, và từ chối phủ nhận chuyện phụ nữ có thể được lãnh tác vụ linh mục.

Những biện pháp kỷ luật cũng được tiến hành chống lại nhiều Giám mục, bao gồm Raymond Hunthausen, Tổng Giám mục giáo phận Seatle, Walter Sullivan, Giám mục của Richmond, và Jacques Gaillot, Giám mục giáo phận Evreux nước Pháp.

2. Khi Giáo Hoàng bị bắn tại Quảng Trường Thánh Phê-rô

Vào buổi chiều ngày 13-05-1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bị bắn ba phát đạn đang lúc ngài đứng trên chiếc xe mui trần chạy chầm chậm quanh Quảng Trường thánh Phê-rô, ở đấy có khoảng 20.000 người tựu lại để nhìn xem Đức Giáo Hoàng. Cấp tốc được đưa vào bệnh viện, Đức Giáo Hoàng đã trải qua một cuộc giải phẫu lâu 6 giờ đồng hồ. Cả hai người đứng gần ngài cũng bị thường trong cuộc tấn công đó. Tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ là Mehmet Ali Agca, 23 tuổi, bị bắt ngay tại hiện trường. Trong túi của hắn có nhiều ghi chú, một trong số đó có nội dung: “Tôi giết Giáo Hoàng là để phản đối chủ nghĩa đế quốc của Liên bang Xô viết và Hoa kỳ, và để chống lại cuộc diệt chủng tại El Salvador và Afghanistan”.

Agca là một phần tử trong nhóm Sói Sám, nhưng hắn tuyên bố mình hoạt động đơn phương khi mưu sát Giáo Hoàng. Một năm sau, đang lúc Agca còn đang ngồi tù tại Italia, có những dư luận trong báo chí Tây phương cho rằng việc âm mưu ám sát Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được KGB của Liên Xô chủ xướng và giao cho mật vụ Bulgaria thực hiện. Kết quả đã có 3 người Bulgaria và 4 người Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt. Nhưng vào năm 1986, tất cả đã được thả “vì thiếu bằng chứng hiển nhiên”, sau khi Agca liên tục tự mâu thuẫn tại pháp đình Rôma.

Năm 1983, Đức Gioan Phaolô II đã vào tận nhà lao để thăm hỏi kẻ đã toan giết hại ngài, đó cũng là cử chỉ cho thấy ngài đã tha thứ cho Agca.

3. Những con số biết kể

Ngày nay, những người thuộc mọi tôn giáo và văn hoá đều thừa nhận Đức Giáo Hoàng như một “thánh nhân”. Mỗi ngày ngài cầu nguyện 7 tiếng đồng hồ, và thông điệp thứ mười bốn của ngài, nói về bí tích Thánh Thể, đã cho mọi người biết nhiều về đời sống thiêng liêng của ngài.

Là một người cổ động mãnh liệt cho giáo huấn của Công đồng Vatican II, tức là mỗi người được mời gọi để sống đời thánh thiện, ngài đã khuyến khích những người trẻ và già đi theo sát ơn gọi của mỗi người là nên thánh. Vì mục đích đó, ngài đã thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào năm 1984, và qua nhiều năm vẫn còn lôi cuốn nhiều triệu người, đặc biệt là con số kỷ lục tại Manila, năm 1995.

Cũng vì lý do đó, ngài đã phong thánh cho 432 vị, bao gồm 120 vị tử đạo Trung Hoa, và 117 vị tử đạo Việt Nam vào năm 1988; ngài cũng phong chân phước cho 1314 vị để cung cấp những kiểu mẫu thánh thiện cụ thể cho con người thời nay. Tính ra, con số các vị thánh và chân phước được ngài tôn phong thì nhiều hơn tổng số các vị mà những Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài đã tôn phong trong vòng 400 năm trước đó.

Đức Gioan Phaolô II cũng là “khách hành hương không mỏi mệt vì Chúa và vì con người”, như Hồng y Roger Etchegaray phát biểu tại Hội trường Lateranô. Đức Giáo Hoàng đã đi thăm 129 nước (trong đó có 12 nước tại Á Châu), trong 99 lần đi ra nước ngoài với thời gian là 572 ngày.

Đã có dư luận không đồng tình tại Rôma cũng như các nơi khác khi Đức Giáo Hoàng bắt đầu công du. Vì muốn miêu tả những cuộc thăm viếng của mình như “ân huệ của Thiên Chúa”, nhân dịp viếng thăm Phi Châu vào tháng 05-1980, Đức Gioan Phaolô II đã biện hộ cho việc ngài đi công du rằng: “Nếu không làm như vậy, làm sao tôi có thể biết các bạn là ai, các bạn sống thế nào?”

Đức Gioan Phaolô II muốn nói rằng những cuộc viếng thăm của ngài càng nhấn mạnh thêm niềm xác tín của ngài qua lời phát biểu “các giáo hoàng không nên coi mình chỉ là những vị kế nhiệm của thánh Phê-rô, nhưng còn phải tự coi mình như người thừa kế thánh Phaolô, một con người không bao giờ dừng bước, luôn luôn di động”.

4. Đức Gioan Phaolô II với Đức Mẹ

Chỉ cần nêu lên một ít sự kiện trước và sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, cũng đủ thấy Đức Gioan Phaolô II yêu Đức Mẹ đến mức nào:

Ngay từ nhỏ, Karol Wojtyla đã tham gia “Chuỗi Mân Côi Sống” do Tyranowski tổ chức.

Sau khi có kết quả bầu cử Giáo Hoàng ngày 16-05-1978, Hồng y Villot lên tiếng hỏi vị Tân Giáo Hoàng vừa đắc cử bằng La ngữ: “Chiếu theo giáo luật, xin Ngài cho biết là Ngài có chuẩn nhận việc đề cử này không?” Không do dự, Hồng y Wojtyla trả lời: “Với niềm tin và sự vâng phục Đức Ki-tô, Chúa tôi, và với sự tín thác nơi Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ Giáo Hội, tôi xin chấp nhận, dù biết trước những khó khăn đang chờ tôi ở phía trước”.

Châm ngôn mà ngài chọn cho cuộc đời mục vụ Giám mục của mình là “Totus Tuus”, là những chữ đầu tiên trong lời nguyện tận hiến của thánh Louis Marie Grignion de Monfort: “Totus Tuus Ego sum et Ommia mea Tua sunt…” (Con hoàn toàn thuộc về Mẹ, và mọi sự của con đều là của Mẹ).

Sau khi bị Agca bắn tại quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Gioan Phaolô II đau đớn quá, mắt nhắm nghiền, chỉ thì thào được mấy tiếng: “Maria, Mẹ của con. Maria, Mẹ của con!”. Nhớ lại biết cố đau thương đó, Đức Thánh Cha nói: “Bàn tay của một người xiết cò súng để giết hại tôi, nhưng bàn tay của một Đấng đã lái hướng đi của viên đạn để cứu tôi” (Như một phép màu, những viên đạn đã tránh tất cả những phần quan trọng, mà chỉ làm rách ruột của ngài).

Ngày 25 tháng Ba 1987, Đức Giáo Hoàng đã công bố thông điệp Redemptotis Mater (Mẹ Đấng Cứu Thế).

III. “Tôi đến như là người hành hương của tình thương, của sự thật và niềm hy vọng”

1. Chuyện hôm xưa, chuyện hôm nay

Ngày 14-09-1981, Đức Giáo Hoàng đã công bố thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người) để đánh dấu kỷ niệm 90 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) của Đức Leo XIII. Trong Thông điệp này, Đức Thánh Cha coi lao động của con người như một hình thức cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, do đó có phẩm giá cao quý vô cùng. Ngài nhấn mạnh đến ưu tiên của lao động trên tư bản và lên án những gì mà ngài gọi là chủ nghĩa tư bản “cứng rắn”. Thông điệp xã hội quan trọng thứ hai, Sollicitudo Rei Socialis (Mối ưu tư về vấn đề xã hội) được công bố ngày 30-12-1987 để kỷ niệm 20 năm Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc) (1967). Thông điệp nhấn mạnh đến nghĩa vụ của những nước giàu và phát triển đối với những nước nghèo và chưa phát triển, và “lựa chọn đứng về phía người nghèo” như chỉ nam cho hành vi luân lý. Ngày 01-05-1991, Đức Thánh Cha công bố thông điệp Centesimus Annus (năm thứ 100) để kỷ niệm 100 năm Thông điệp Tân sự. Trọng tâm của sứ điệp xã hội này hướng về phẩm giá mỗi con người. Ngài tái khẳng định việc Giáo Hội “ưu tư đứng về phía người nghèo”.

2. Tình hình Công giáo và hàng Giáo sĩ

Thượng Hội Đồng Giám mục 1990 tại Rôma đề cập đến chức linh mục. Kể từ 1979, trên thế giới, số người Công giáo thêm được 19%, và số linh mục bớt đi 4%.

Đức Gioan Phaolô II không hoảng hốt trước việc giảm bớt số linh mục như nhiều Giám mục của ngài đã lo sợ. Không những ngài đã quả quyết phẩm chất quan trọng hơn số lượng, mà còn cho rằng chính phẩm chất rồi sẽ sản sinh số lượng.

Trong bức thư Phục sinh đầu tiên, ngài tuyên bố rằng thời kỳ dễ dãi cho chuyện hồi tục đã chấm dứt. Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phaolô VI đã chấp nhận cho 31.324 linh mục hồi tục; Đức Gioan Phaolô I chỉ trong 33 ngày làm Giáo Hoàng cũng đã kịp chuẩn cho hơn 200 linh mục hồi tục. Giờ đây chuyện đó không còn xảy ra nữa. Đức Gioan Phaolô II liên kết tính cách không kiên định của các linh mục với sự đổ vỡ ngày càng gia tăng nơi các gia đình.

Linh mục John Navone, giáo sư thần học, phát biểu: “ngài làm cách mạng cho nền ngoại giao Vatican. Trước ngài, Vatican chỉ thương thảo để được quyền xây dựng một nhà thờ, bổ nhiệm làm Giám mục. Những gì vị Giáo hoàng này làm là đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, được thành lập các tổ chức–đại loại tất cả những gì có thể giúp đỡ con người”. Một chủ biên trong tờ báo Công giáo tại Luân Đôn, tờ The Tablet viết: “Chưa bao giờ trong lịch sử Ki-tô giáo lại có một sự đối đầu ghê gớm như vậy giữa một bên là sức mạnh tinh thần còn một bên là sức mạnh vật chất, như trong cuộc viếng thăm Ba Lan…”

Nhiều nhóm Giám mục quốc gia đã muốn Sách Giáo lý riêng của mình. Đức Giáo Hoàng nói với Hồng y Oddi: “Chúng ta tuyên xưng cùng một đức tin nơi mọi quốc gia, và như vậy cũng cần phải có chung một sách giáo lý.”

3. Các Vấn đề và Hoạt động

a. Những quan tâm đạo lý: Tính cách toàn vẹn của đạo lý Công giáo là mối quan tâm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngày 25-11-1981, ngài đặt Tổng Giám mục Joseph Ratzinger (sau này làm Hồng y) của giáo phận Munich, một nhà thần học nổi danh, làm Bộ trưởng Thánh Bộ Đạo Lý Đức Tin. Thánh Bộ dưới quyền Hồng y Ratzinger đã cho in ấn nhiều tư liệu về đạo đức sinh học, về thần học giải phóng (1984 và 1986), và về việc Giáo Hội không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ, điều sau cùng khẳng định rằng đạo lý về vấn đề này đã được “công bố cách vô ngộ” (1984).

b. Sách Giáo lý: Một trong những sáng kiến quan trọng nhất của Đức Gioan Phaolô II là Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Ý tưởng về bộ sách cập nhật này đã được loan báo tại phiên họp ngoại lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 để đánh giá việc thực hiện Vatican II. Đức Thánh Cha chuẩn y, và dự án được xúc tiến dưới sự điều động của Uỷ Ban Hồng y do Hồng y Ratzinger dẫn đầu. Được ấn hành vào năm 1992 với sự phê chuẩn của Đức Gioan Phaolô II (nguyên bản bằng tiếng Pháp, và bản dịch sang tiếng Anh ra mắt vào năm 1994, và bản tiếng La tinh được ấn hành vào năm 1997), bộ sách Giáo lý đầu tiên này cho Giáo Hội toàn cầu trong vòng bốn thể kỷ có ý nghĩa đặc biệt cho niềm hy vọng canh tân giáo lý.

c. Bộ Giáo luật: Đức Gioan Phaolô II đã giám sát việc duyệt lại Bộ Giáo luật, bắt đầu vào năm 1959 dưới sự điều hành của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ngài công bố bộ luật mới vào ngày 25 tháng Giêng 1983; và bộ luật năm này đi vào hiệu lực kể từ ngày 27 tháng Mười Một năm đó. Trong Sacrae Disciplinae Leges, Tông hiến đi kèm theo bộ luật được duyệt lại, Đức Giáo Hoàng nói bộ luật đó có “chung một ý hướng” với công đồng Vatican II–mà ý tưởng đã được Đức Gioan XXIII công bố trong thời gian đó–tức là, “canh tân đời sống Ki-tô hữu”.

d. Đại kết và Vấn đề Liên tôn: Những quan hệ đại kết và liên tôn đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hết sức chú ý. Hai trong số các tư liệu chính, Thông điệp Ut Unum Sint (xin cho họ nên một) và Tông thư Orientale Lumen (Ánh sáng Đông Phương), đều được phát hành trong năm 1995, đã liên quan đến các vấn đề trên. Đức Giáo Hoàng thường xuyên gặp gỡ đại diện các tôn giáo khác, đã thường nói về yêu cầu hiệp nhất, và kêu gọi người Công giáo cũng như những người khác cầu nguyện và hành động cho mục đích đó.

Đối với Đức Gioan Phaolô II, bước đường đối thoại liên tín được coi là cách “đẩy mạnh những căn cớ cho hoà bình, hiểu biết, và phẩm giá con người”.

Đối với Phật giáo: trong (Crossing the Threshold of Hope–Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng), Đức Gioan Phaolô II đã nêu lên đặc điểm của Phật giáo mà những người Phật tử không chấp nhận. Ngài nói rằng Nirvana (Niết bàn) là “một trạng thái dửng dưng tuyệt đối” và luận thuyết cứu độ của Phật giáo là (tiêu cực). Nhưng sau đó, trong một bài nói chuyện tại Sri Lanka, Đức Giáo Hoàng lại tỏ vẻ trân trọng đối với Brahma–viharas (tử tế mến thương, trắc ẩn, niềm vui đồng cảm, và sự bình thản), vốn là những sức mạnh tích cực của Nirvana cũng như cứu thế luận Phật giáo. Thay đổi quan điểm của Giáo Hoàng về Phật giáo đã được đánh giá cao.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Wayne Teasdale; Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn tả ấn tượng tốt về Đức Gioan Phaolô II, nhưng cũng cho biết ngài không hài lòng trước phát biểu của Đức Gioan Phaolô II về các đạo lý của Phật giáo được nêu trong Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng.

Robert Aitken, trong thiên khảo luận của mình, đã giải thích lý do tại sao ông cho rằng quan điểm của Đức Giáo Hoàng về Phật giáo trong Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng không được chuẩn. Tuy nhiên, Aitken cũng tìm thấy “ít nhiều vết tích chân lý trong những lối tổng quát hoá của Giáo Hoàng” (p.97), vì quả thực Aitken cũng thừa nhận rằng Phật giáo cần phải dấn thân hơn nữa về mặt xã hội.

Còn thiên khảo luận của Masao Abe nhấn mạnh đến việc Đức Gioan Phaolô II sử dụng thuật ngữ “vô vi” khi đề cập đến cứu thế học Phật giáo trong Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng; Abe cho rằng Giáo Hoàng đã đúng khi nói rằng việc giải phóng khỏi những ràng buộc là “điều kiện không có không được đối với với cứu độ Phật giáo (p. 108). Tuy nhiên, Abe nói Đức Gioan Phaolô II đã không hiểu vô vi Phật giáo cho đủ sâu. Phải “dửng dưng trước vô vi”, một giải phóng khỏi bất cứ ràng buộc nào đối với Nirvana. Trong lối phủ định về phủ định đó, người ta gặp thấy Khẳng Định Lớn về thế giới, đến độ người ta có thể sống không vị kỷ, và có lòng trắc ẩn để mưu ích cho tha nhân.

Còn trong khảo luận của mình, Jose Cabezon biện luận rằng đang khi những trước tác đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II về Phật giáo có “giọng gay gắt”, thì những trước tác gần đây lại cho thấy một xu hướng ưu tư hơn đến Phật giáo. Cabezon đặt cơ sở phán đoán này trên Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, và trên một số phát biểu gần đây của Đức Giáo Hoàng khi ngài nói đến mối quan tâm của Ki-tô hữu về việc thực hành quán tưởng Phật giáo. Hơn nữa, những phát biểu của Đức Gioan Phaolô II tại Sri Lanka và phát biểu tại Đài Loan, đã cho thấy rằng Bước qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng không phải là một khuynh hướng rời xa những giáo huấn dĩ vãng, nói về giá trị của đối thoại hay về nhiều khía cạnh tích cực của Phật giáo. Đức Gioan Phaolô II cũng không nói rằng người Ki-tô hữu không được thực hành quán tưởng theo lối Phật giáo, nhưng họ cần phải tỉnh táo và cảnh giác trước hiệu quả mà việc thực hành đó ảnh hưởng trên căn tính Ki-tô giáo của mình. Bất cứ ai trong chúng ta muốn đi vào cuộc đối thoại tinh thần, chắc chắn phải hiểu rõ tầm quan trọng trong việc phân định nơi thực hành liên tín (inerfaith practice)

Mặt khác, Cabezon đã có lý khi cho rằng “nếu tại Tây phương, người ta thích thú trong bước đường của Phật giáo, thì phần lớn là vì những người Tây phương không thấy được truyền thống tôn giáo của mình như nguồn mạch bồi dưỡng như vậy” (p.119).

Riêng đối với anh em Hồi giáo, ngoài những gì mà tuyên ngôn Nostra Aetate đã nói, thì trong Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, sau khi đã thẳng thắn phân biệt Thiên Chúa của kinh Coran với Thiên Chúa của Ki-tô giáo, Đức Thánh Cha đã có lời biểu dương, thán phục những người anh em Hồi giáo: chẳng hạn việc những người tôn thờ Thánh Alla quỳ gối và sốt sắng cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày, bất kỳ ở đâu và ở nơi nào, chuyện đó quả là tấm gương sáng cho những người Ki-tô hữu không còn lui tới nhà thờ, cầu nguyện rất ít hay chẳng bao giờ cầu nguyện. Ngoài ra còn phải kể đến những cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi, và đặc biệt cuộc cầu nguyện cho hoà bình ở Bosnia năm 1993. Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn đánh giá cao những buổi gặp gỡ tại các nước Hồi giáo mà ngài đã đến thăm nhân các chuyến công du.

Đối với Do thái giáo, thì thừa hưởng tinh thần của người cha. Đức Gioan Phaolô II ngay từ nhỏ đã rất thương yêu, trân trọng những người Do thái. Đặc biệt, ngài chơi rất thân với một người bạn Do thái có tên là Kluger; và chính tình bạn keo sơn đó đã khiến Đức Thánh Cha hối thúc việc thừa nhận nhà nước Israen. Đức Thánh Cha còn tế nhị đến độ khi sang viếng thánh địa Giêrusalem, ngài không đeo thánh giá vì sợ làm mất lòng người Do thái. Hoặc như, năm 1985, các nữ đan sĩ Cát Minh lập một đan viện tại Auschwitz, với ước nguyện là dùng những lời kinh tiếng hát để cầu xin ơn tha thứ cho một dĩ vãng không tốt đẹp của địa điểm này; nhưng những người Do thái lại không đồng ý với chuyện đó, họ cho rằng nơi mà xưa kia những người Do thái anh em của họ đã bị tàn sát, thì nay phải giữ im lặng hoàn toàn. Đức Thánh Cha đã cố vận động để các nữ đan sĩ dời đan viện sang một nơi khác: một cử chỉ đầy yêu thương, trân trọng đối với người Do thái. Đức Thánh Cha cũng đã thay mặt Giáo Hội để xin lỗi những người Do thái vì những sai sót của Giáo Hội khi xưa đối với Do thái giáo và người Do thái. Ngài đã từng phát biểu: “Không thể gán tội giết Chúa Giê-su cho dân tộc Do thái”.

e. Quan tâm đến Nữ giới: Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng, trung thành với ý muốn của Chúa Ki-tô, Giáo Hội không thể phong chức linh mục cho phụ nữ; điều này đã khiến ngài gặp nhiều sự chống đối từ phía những người hoạt động nữ quyền, cũng như giống trường hợp ngài phản đối việc phá thai và ngừa thai. Nhưng rõ ràng từ những trước tác của ngài, người ta thấy ngài rất mẫn cảm trước những vấn đề của phụ nữ, và ngài là một người kiên quyết bảo vệ phẩm giá và quyền lợi của phụ nữ. Năm 1995, ngài đã đặt một người phụ nữ, giáo sư Mary Ann Glendon của phân khoa Luật Đại Học Havard, dẫn đầu phái đoàn Toà Thánh đi dự hội nghị Liên Hiệp Quốc về phụ nữ, tổ chức tại Bắc Kinh từ 4 đến 15 tháng Chín, đây là lần đầu tiên một người phụ nữ được cắt cử vào chức vụ như vậy.

f. Ngoại giao trên Thế giới: Ít nhất kể từ tháng Giêng 1979, khi chấp nhận đi tìm trung gian hoà giải mối xung đột biên giới giữa Argentina và Chile, Đức Gioan Phaolô II đã hoạt động cho hoà bình tại nhiều miền trên thế giới. Ngài đã ủng hộ nỗ lực hoà giải giữa các bên tranh chấp ở các vùng xáo trộn như Lebanon, bán đảo Balkans, vùng Vịnh, ở đó ngài đã tìm cách ngăn chặn cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ngài đã bênh vực cho tự do tôn giáo và quyền con người trong các cuộc công du mục vụ đến nhiều nước, gồm cả Cuba và Nigeria năm 1998. Trong số những biến cố đại kết và liên tôn trong triều đại Giáo Hoàng của ngài, phải kể đến Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Hoà Bình ngày 27 tháng Mười 1986, mà ngài triệu tập tại Assisi và cùng lo toan với đại biểu của nhiều Giáo Hội cũng như các nhóm tôn giáo khác.

Năm 1984, Toà Thánh và Hoa Kỳ đã thiết lập liên lạc ngoại giao. Liên lạc ngoại giao với Ba Lan được tái lập năm 1989. Những mối quan hệ ngoại giao đã được thiết lập với Liên Bang Xô Viết năm 1990 và với Liên Bang Nga năm 1992…

g. Hành chính: Dưới thời Gioan Phaolô II, những vấn đề tài chánh dài hạn của Toà Thánh đã được kiểm soát. Vấn đề tài chánh đã được thảo luận trong phiên họp khoáng đại đầu tiên của Hồng Y Đoàn, từ 5 đến 9 tháng Mười Một 1979, và những cuộc họp sau đó của Hồng Y Đoàn. Một Hội Đồng Hồng Y với mục tiêu nghiên cứu các vấn đề tổ chức và kinh tế của Toà Thánh đã được thiết lập vào năm 1991. Năm 1988, lần đầu tiên tường trình tài chánh được in ra, cùng với ngân sách 1988. Tháng Tư năm 1991, cuộc họp Chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục đã được tổ chức để thảo luận về những đường hướng tăng cường Hội truyền giáo Thánh Phê-rô để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng.

Việc tổ chức lại các văn phòng của Vatican đã được xúc tiến vào năm 1984, đến năm 1988 có hẳn một Tông hiến,Pastor Bonus, nói về việc cải cách Giáo triều Rôma. Một văn phòng làm việc của Vatican đã được thiết lập năm 1989. Đức Gioan Phaolô II đã thiết lập Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội (năm 1994) và Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Sự sống (năm 1995). Ngày 08-04-1994, ngài đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường Sixtine để mở màn che những bức hoạ của Michelangelo, đã được tẩy rửa và được phục chế. Ngày 24 tháng Ba 1997 đã khai trương địa chỉ Internet của Toà thánh…

Kết luận

Viết về một người bình thường đã khó, nói chi đến chuyện về một nhân vật quá lớn, quá đa dạng như Karol Joseph Wojtyla, một con người đã từng trải nghiệm những thương đau của đời tư, của gia đình, của Giáo Hội địa phương, của cả một dân tộc; và sau cùng, như ta thấy hôm nay, ở cấp bậc cao nhất vế phía tôn giáo, đang lãnh đạo cả Giáo Hội Công Giáo toàn cầu. Người viết chỉ xin được ghi nhận một ít cảm tưởng sau: Karol Wojtyla là một con người đặc biệt, xuất chúng. Những gian nan đau khổ đã tạo nên một nhân cách lớn: Thời Thế Tạo Anh Hùng. Đến lượt con người đó lại trở thành: Người Tạo Thời Cuộc; tất cả những gì Wojtyla đã thực hiện trong và ngoài Giáo Hội, trước cũng như sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, quả thật đã gây ảnh hưởng rất nhiều trên thế giới. Một người thật phóng khoáng, táo bạo, nhưng cũng thật căn cớ, bảo vệ đạo lý chính thống của Giáo Hội. Một con người đã tin và cậy trông mạnh mẽ vào Thiên Chúa; đồng thời cũng đem hết tâm lực và khả năng để thi hành sứ vụ mà Wojtyla luôn tin là do thánh ý Thiên Chúa. Tóm lại, nơi Wojtyla, con người với Thiên Chúa cùng làm việc, tự nhiên và siêu nhiên kết hợp hài hoà, hay nói theo một thông điệp của ngài (Fides et Ratio), có một cuộc gặp gỡ giữa lý trí và đức tin.ª

Nguồn trích dẫn: daminhvn.net

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời