Bài Vở Cũ Tùy Bút Văn Nghệ

NhungNguoiDongHanhQuanhToi UyenPhuong



Những Người Đồng Hành Quanh Tôi

Uyên-Phương

Thoáng như một cơn gió tôi đã có mặt tại quê nhà. Theo hành trình, tôi sẽ có ba tuần để lo vừa công việc tư và công việc riêng.
Công việc tư là dành cho gia đình. Công việc riêng dành cho những bước hành trình trong chia sẻ cho kẻ cùng khốn. Bản nhạc Xin Mở Rộng Vòng Tay không biết tôi thuộc lòng từ lúc nào. Bản nhạc vừa buồn vừa có ý nghĩa qua những lời thật thấm thía cho một cuộc đời bất hạnh.

Thiết tưởng ba tuần thật dài đủ cho tôi lo thong thả mọi thứ. Nhưng ba tuần vùn vụt lướt nhanh hơn cả tuổi đời của tôi. Đã vậy tôi lại mơ mộng thực hiện thêm một CD nhạc Thánh Ca với nhan đề Xin Mở Rộng Vòng Tay. Vừa xuống sân bay, tôi liếng thoáng kiếm tìm đến phòng thâu đã liên lạc sẵn. Tôi hát đại loạt (gọi là hát nháp) để lấy đầy đủ tông điệu và lại tung tăng về.

Tính qua tính lại đã hai ngày rồi mà chưa được một giấc ngủ nào trọn vẹn cho dầu chỉ ước sao được ngủ sáu tiếng cho đầu óc tỉnh táo một chút. Buổi sáng mới chân ướt chân ráo buổi chiều lại biến ngay về Bảo Lộc và Phan Thiết. Như một bóng ma hiện hồn sau hai ngày tôi lại quay về thành phố Mỹ Tho – nơi mà trước đây tôi đã làm việc giúp cho  nhiều người trong hoàn cảnh éo le cần đến một bàn tay nhân ái. Một bác sỹ có lương tâm và một tấm lòng nhân hậu. Và tôi đã may mắn được gặp những tấm lòng nhân hậu hiếm hoi này nơi đó. Hôm nay đây tôi vinh hạnh được viết lên, nói lên những điều tôi chứng kiến và làm việc chung trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở bên quê nhà.  Bao nhiêu lần tôi được khích lệ bởi nhiều đồng huơng Bình Giả nhất là anh Khang, người đang tích cực làm trong hội bác ái cha Kiều, khích lệ và thúc đẩy nhiều lần muốn tôi chia sẻ  trong những chuyến đi làm việc thiện trước đây, để được cảm thông, để cùng nhau chia sẻ và tham khảo, nhưng tôi chưa hề viết hay nói đến bao giờ.

CIMG5202           CIMG5206

Hôm nay, chính tôi đích thân cùng chia sẻ và đi với họ để mong cảm thông được cái đau đớn phận hèn mà họ đang cam chịu trong cơn hoang mang, lo lắng và muộn phiền ấy.

Vào ngày 4 tháng 1 Tây lịch, theo như đã hẹn trước. Hai chuyến xe 15 chỗ ngồi, một từ Bình Giả và một từ Rạch Giá, mỗi chuyến xe mang theo 14 người đến điểm hẹn ở Bệnh Viện Đa Khoa Ung Bướu Mỹ Tho.

Bình Giả là anh Nguyễn Văn Hòa, từ Rạch Giá là chị Lê Thị Thuý, hai dướng dẫn viên nhiệt tình bỏ nhiều thời gian để giúp tôi trong chuyến này.

Tôi hân hạnh được biết Bác Sỹ Võ Giáp Hùng qua Bác Sỹ Wustrack ở tiểu bang Oregon này trong 4 năm về  trước. Từ đó Bác Sỹ Hùng thường xuyên thông tin cho tôi trong bất cứ cuộc mổ nào từ thiện từ nước ngoài vào hoặc ngay cả trong nước.  Cũng từ đó, tôi có nhiều cơ hội để được cộng tác góp sức và công của để mong được chia sẻ cho người cùng khốn. Đây là điều vinh dự và hạnh phúc nhất của tôi.

Bác Sỹ Võ Giáp Hùng giới thiệu cho tôi được trực tiếp tham khảo với Giám Đốc bịnh viện Đa Khoa Ung Bướu Tiền Giang đó là Bác Sỹ Hoàng Thọ Mẫn, trưởng Khoa là Bác Sỹ Dương Kim Chi, y tá Nguyễn Thu Hương và y tá Nguyễn Thị Hưng. Tất cả là những người có tấm lòng nhân hậu và rất thành tâm nhiệt tình đúng nghiã hiếm hoi trong lúc này. Trong suốt 13 ngày ròng rã, tôi được những người này hỗ trợ về tinh thần và cho tôi có can đảm và đầy nghị lực để tôi hy sinh bớt thời gian mình thay vì đi chơi thì lại đến thăm bịnh nhân trước và sau khi mổ từng ca để kiểm soát tình hình từng bịnh nhân.

P1040171        P1040165

Khi chứng kiến mới cảm thấy mình liều mạng. Thậm chí có vài bịnh nhận mổ ra qua đêm mới tỉnh, mà khi tỉnh lại không nói được. Tôi luôn cầu nguyện với cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và tôi cũng đích thân tìm về mộ cha Phêrô Kiều, cầu nguyện xin Ngài đồng hành với tôi. Tự dưng cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Khi trở lại bịnh viện thì tất cả bịnh nhân điều tỉnh táo và uống sữa, ăn được bình thường.

Cô Thuý là người ở bịnh viện suốt 13 ngày dài chăm sóc bịnh nhân thay cho tôi. Sáng xách giỏ đi mua cháo, mua sữa, trưa xách giỏ đi mua cơm và tối lại cũng như vậy. Tôi không ở thường xuyên nhưng gọi điện thoại liên tục nhắc nhở không cho bịnh nhân ăn vặt, hoặc ăn đồ có chất mỡ và đồ cứng. Thẻ điện thoại tôi cài liên tục cho cô vì gia đình cô  và hai cháu nhỏ cô cần gọi về thăm và phải cho bịnh nhân được nói chuyện với gia đình để họ an tâm. Cứ như vậy tôi loay hoay suốt ngày chẳng có lấy một ngày riêng cho mình.

Vì nghĩ mình đã bỏ công bỏ sức mà nếu có mệnh hệ gì xảy ra cho bất cứ bịnh nhân nào thì không biết mình phải xử thế như thế nào đây. Nỗi hoang mang này luôn ấp ủ từng giây từng phút. Hãy tưởng tượng sau ca mổ mà bịnh nhân không tỉnh lại thì mình làm sao an tâm được. Có khi lại suy nghĩ lung tung nếu không may họ chết thì sao?

Thiết nghĩ rằng tôi cần nêu rõ những chi tiết hơn trong những ca giải phẩu này.

Trong 14 người đến từ Bình Giả, có 3 ca nhẹ được giải phẩu trong ngày. Còn lại một bịnh nhận bướu tim nặng nằm lại 3 ngày để xét nghiệm máu. Trong 3 ngày đó được xét nghiệm tất cả chứng bịnh như tim, gan, phổi và được xét nghiệm máu hai lần trước khi giải phẩu. Cô này tên Bùi Thị Liên và sau khi giải phẩu nằm dưỡng thêm 3 ngày và chính tôi đích thân đưa cô về Sài Gòn rồi ra bến xe mua vé cho cô về Bình Giả. Sau đó, tôi tiếp tục về lại Mỹ Tho. 

Tôi chăm sóc cô Liên này đặc biệt hơn là vì người Bình Giả mình, mà ở lại chung với số  bịnh nhân không cùng quê nên cảm giác lẻ loi sẽ không tránh được, nên tôi dành sự ưu tiên. 

Với tất cả 14 bịnh nhân không cùng quê thì có hai người từ Long An, 3 người ở Tiền Giang và còn lại là ở Tỉnh Rạch Giá nhưng ở nơi rừng xa gọi là Miệt Xiêm người thượng. Trong số này có một ông trung niên khoảng 50 tuổi bị ung thư bướu rất nặng. Nhưng tôi yêu cầu bác sỹ Hùng không cho bịnh nhân này biết và chuyển về thành phố để được giải quyết. Còn lại 7 người bướu tim rất nặng, bướu lớn nặng từ 1 kýlô 2 đến 2 kýlô. Đa số là bướu ở cổ. Có hai người bướu lâu ngày bị lồi hai con mắt thấy rất thương tâm. Hai người này không giải quyết được, nên gởi về thành phố Sài Gòn giải quyết. (lý do không giải quyết vì thời gian của tôi không có mà tất cả ca giải phẩu đều phải hoàn tất trước khi tôi lên đường trở về Mỹ).

Tất cả những người được giải phẩu nằm tĩnh dưỡng cho đến ngày thứ sáu là ngày 15 tôi lên đường trở về Mỹ, thì họ được xuất viện bình an.

Tất cả bịnh nhân đều ra về bằng an trong chuyến xe thuê bao an toàn và tốt đẹp. Tiền ăn và tiền bồi dưỡng trong mấy ngày sau khi họ về nhà, tôi gửi cho họ mang theo đầy đủ.

Cô Lê Thị Thuý là người giúp tôi tận tình nằm lại để chăm sóc cho những bịnh nhân này trong suốt 13 ngày. Hiếm có được người tận tình như vậy trong khi cô còn có hai con nhỏ. 

Ngoài những bịnh nhận tôi yểm trợ này còn có nhiều bịnh nhân nằm la lết. Một trường hợp của một ông khoảng ngoài 50 nghe nói là nghệ sỹ lang thang gì đó không nhà không cửa. Bị tiểu đường và chân anh đang bị cụt dần. Vợ ngồi bán vé số mỗi ngày trước cửa bịnh viện và đưá con gái 6 tuổi đang nằm trên cái chiếu rách ở sàn nhà. Nằm cạnh bố trong khi mẹ đi bán vé số. Không tiền, không nhà. Bịnh viện Mỹ Tho cũng nhân đạo, họ khuyên anh cưa chân và hoàn toàn miễn phí. Chỉ mất vài mũi kim chích giảm đau. Khi nghe cô y tá thuật lại tôi không cầm lòng được xin đi theo lên thăm để giúp cho anh vài mũi thuốc giảm đau.

Khi vừa bước vào phòng. Tôi thấy một đám đông người đi theo sau tôi. Thoạt đầu tôi tưởng họ cũng đến để thăm. Nhưng không phải. Tôi thấy ai ai cũng theo tôi từ lầu dưới lên và cuối cùng thì mới biết số người này là người đi thăm nuôi người bịnh mà họ nghe tôi đến bảo trợ số người bị ung bướu và như thế họ đi theo từng bước. Thậm chí có người xin chụp hình tôi mang về làng để (quảng cáo). Cô y tá phải nói mấy người kia bước ra vì trong phòng vừa nóng vừa ngột ngạt mùi thuốc.

Khi nghe cô y tá cho biết có tôi ghé thăm, anh chau mày, cố gắng ôm chân để chỉ mong xoay được người nhìn thấy tôi. Nước mắt tôi chực trào vì cái đau đang hành hạ anh. Tôi nói với anh: Anh hãy nằm nghỉ đi không cần ngồi đâu. Anh đưa mắt nhìn tôi ái ngại và cúi xuống không nói gì. Tôi liên tưởng chắc anh tủi thân tủi phận. Cô y tá nói với tôi thay cho anh. Cô bảo mỗi mũi thuốc giảm đau là 100 ngàn tiền vn. Có hai người cho hai mũi thuốc giảm đau rồi. Bây giờ anh chấp nhận cưa chân và ngày mai là ngày sẽ làm thủ tục cho anh. Tự dưng anh ngước lên và lại cúi mặt xuống và tôi bắt gặp hàng lệ đang nhỏ hai bên khoé mắt của anh. Tôi nghẹn ở cổ và được biết cuộc giải phẩu này sẽ được nhà nước miễn phí nhưng cũng cần tiền bồi dưỡng. Tôi phân vân và đưa anh 2 triệu. Anh ngước mắt lên và đưa hai tay đỡ lấy hai triệu trên tay tôi và chỉ nói một câu: Sao nhiều quá! Anh quá cảm động  không nói lời cám ơn mà lại nói như thế.  Cô y tá giải thích vì anh đang mong làm sao có đủ tiền cho thuốc giảm đau là anh mừng lắm rồi. Anh nhìn tôi gật đầu.

Tôi khuyên anh hãy can đảm lên. Hãy kiên nhẫn và mọi việc sẽ tốt đẹp. Anh gật đầu và hai hàng lệ nhỏ xuống lăn dài trên vết thương của anh ở đầu gối. Tôi bước ra khỏi phòng, cô y tá hỏi tôi: Mùi tanh của vết thương không làm tôi ngạt thở hay sao? Thật tình tôi không hề ngửi mùi gì cả chỉ thấy nóng quá. Ai cũng nói có mùi tanh của vết thương mà riêng tôi không ngửi mùi gì hết. Đó là chuyện lạ? Vì tôi rất dễ bị dị ứng mùi thuốc trong bịnh viện. Riêng anh chàng này thì quá ghê sợ vì vết thương đang bị lở loét lụt dần  gần đến đầu gối. Nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp khi thấy rồi mới hiểu và cảm thương. Nếu chỉ nghe thì chắc ai cũng nghe về nhiều hoàn cảnh éo le lắm. Nhưng thực tế thì có khi còn thảm khốc hơn khi được nghe.

Khi tôi viết cảm tưởng này thì tôi lại gọi về VN để thăm xem những bịnh nhân ra sao, thì được biết cô Thuý đang dắt những người tôi tặng tiền mua bảo hiểm đang sắp hàng để mua bảo hiểm.

Và đây là thêm một kinh nghiệm nữa mà tôi muốn chia sẻ. Nếu như trong hoàn cảnh mình không có nhiều cơ hội. Hãy giúp cho những người bịnh ngặt nghèo mua cho họ cái bảo hiểm, để họ tự đi khám bịnh. Bảo hiểm có nhiều loại được tìm hiểu như sau.

  • Với 140 – 160 ngàn tiền Vn thì mua bảo hiểm loại chỉ được khám bịnh miễm phí. Tiền thuốc được trả nhưng tiền giải phẩu hoặc bịnh nặng thì bịnh nhân phải trả chi phí là 40% hoặc hơn.
  • Với 250 ngàn tiền Vn thì bịnh nhân vẫn phải trả tiền chi phí lên 30%

  • Với 365 ngàn tiền Vn thì hoàn toàn được bảo hiểm đài thọ.

Như vậy nếu có trường hợp muốn giúp cho bịnh nhân nào đó thì nên mua bảo hiểm trước cho họ và họ tự lo. Điều nầy theo tôi là thích hợp nhất bây giờ.

Trong tương lai tôi cũng sẽ đi theo tình trạng này nhiều hơn. Vì mỗi ca giải phẩu cho bướu tim thì tốn từ 8 đến 18 triệu VN. Nếu bướu ung thư thì phí tổn lên đến 32 triệu nếu còn kịp để trị liệu (đó là chưa nói đến chích hoá chất giảm đau).  Tiền thuốc rất mắc so với những căn bịnh khác. Tiền thuốc, tiền siêu âm, tiền xét nghiệm máu, tiền ăn, tiền sữa, tiền phòng trong mấy ngày dinh dưỡng trung bình một người có thể tốn là 6 triệu (chưa nói tiền giải phẩu) hoặc hơn tuỳ theo toa thuốc cuả mỗi căn bịnh. Như vậy tôi sẽ giúp số tiền này cộng với tiền bảo hiểm, vậy quý vị thấy là với số tiền giúp cho 10 người thì có thể giúp cho được 40 người.  (nên nhớ khi nằm lại bịnh viện thì từ cái khăn lau mặt, kem đánh răng..v…v đều phải tự túc)

P1040166-1 CIMG5205

Rất mong sự chia sẻ của tôi hôm nay sẽ đưa đến nhiều kinh nghiệm cho những ai có ý sẽ làm việc thiện. Có một điều mà tôi muốn nhấn mạnh rằng. Trong chuyến đi làm việc này là tự tôi yểm trợ 100%, không có hội nào cả. Có nhiều người vẫn nói là tôi được bảo trợ qua hội. Hoàn toàn sai. Vì tránh tình trạng nói tôi lạm dụng tiền của hội này hội nọ nên tôi xin nói điều này mong quý vị cảm thông và tiếp tục cầu nguyện cho tôi được may mắn có cơ hội giúp cho những người cùng khốn.

CD Xin Mở Rộng Vòng Tay sẽ phát hành nay mai với 12 bài. Nếu ai muốn có cuốn CD này xin liên lạc qua email, tôi hân hạnh gửi cho quý vị để mong được chia sẻ niềm tin yêu và mang đến cho mọi người niềm hy vọng sống và được sống trong niểm vui của cuộc đời. (CD này thực hiện chỉ mong giúp ủng hộ người nghèo) nhưng ai muốn có và muốn khích lệ tinh thần tôi thì liên lạc qua email : ngophuong98@yahoo.com

Nguyện xin Thiên Chúa luôn quan phòng chúng ta và xin Ngài giúp chúng ta biết đem lòng bác ái quảng đại để dâng Ngài một niềm tin nơi chính tâm hồn chúng ta. Xin cha Phanxicô Trương Bửu Diệp luôn đồng hành với con trong những chuyến đi sắp tới được thành công hơn trong công việc bác ái mà Chuá đã đặt trong tay con như ước nguyện của con. 

Uyên-Phương
2010

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời