Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

PhoThac DinhThienTuong

Nguoi Tho Giay – Dang Xuan Huong

Phó Thác

Đinh Thiên Tường

Mỗi lần có Soeur tuyên khấn hoặc trùng vào những ngày lễ đặc biệt của Dòng, Tu Viện “Nọ” thường mời các cộng đoàn tới tham dự. Tôi có lần theo Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc tới tham dự thánh lễ và chiêm ngưỡng nơi tĩnh tu của các Soeur mà tôi vẫn kính mến. Sau thánh lễ, tôi đi tham quan khuôn viên của Tu Viện và tình cờ quen được anh Kha đang cắt tỉa những lá khô, chồi dư bên hàng cây kiểng với những động tác rất mẫn tiệp. Tôi được biết anh chỉ làm thiện nguyện cuối tuần và có cô con gái đang năm đầu nhà tập tại đây. Sau những lần thăm viếng nhau thành thân quen, anh Kha kể tôi nghe chuyện quảng đời ba người của gia đình anh lúc còn ở Việt Nam và trong ngàn ngày, có ngày đầu Xuân, ngày anh bắt đầu ươm lên một gia đình nơi đất khách quê người.

***

Kha ngồi một mình sát bên cửa sổ trên chiếc xe đò đang chờ thêm khách và lên hàng tại bến, cơn ngái ngủ vẫn còn vì tối hôm qua chơi khuya về trễ, sáng nay Kha phải đón chuyền xe sớm đi Đà Lạt. Tiếng ồn ào sinh hoạt buổi sáng tại bến xe lôi cuốn Kha đảo mắt nhìn và chăm chú quan sát hai cô gái đang quấn quýt với nhau. Vóc dáng và cách ăn mặc của hai người thu hút Kha không rời mắt. Người có vẻ chững chạc hơn, đang khệ nệ với chiếc vali, cô trẻ trung hơn đang bồng một bé gái chừng một tuổi trên tay. Tuy không nghe được gì, nhưng qua những điệu bộ bịn rịn, Kha đoán là họ đang chia tay. Không lâu sau đó, Kha lại thấy cô chững chạc tay xách túi, tay bồng đứa bé gái đứng gần chiếc ghế trống bên cạnh Kha ngồi, nhìn Kha cười tự nhiên nói trống:

– Chiếc ghế nầy vẫn còn trống?

– Dạ, chưa có ai ngồi, tôi có thể giúp gì được không? – Kha trả lời.

– Vậy phiền anh một tí.

Cô nầy vừa nói xong liền trao qua Kha đứa bé gái để tự xoay xở với cái xách tay và chỗ ngồi. Con bé thật kháu khỉnh, dễ thương nhìn Kha rồi xoay mặt ra hướng cửa sổ làm Kha dậy lên mối hảo cảm. Kha mỉm cười và giúp nó nhìn cô kia đang đứng gần bên dưới, thuận cơ hội, Kha đăm đăm nhìn cô kia đang tay vẫy, miệng cười, trông lên, Kha tự dưng thấy lòng giao động.

– Anh cho tôi xin lại bé Vy và cám ơn anh giúp đỡ mẹ con chúng tôi. – Người phụ nữ lên tiếng.

– Chị thật khéo nói, tôi rất vui nếu chị để tôi giữ cháu hộ một lúc bên cửa sổ để cháu có thể nhìn cô kia giây lát.

Kha vôi nhìn mẹ bé Vy như muốn hỏi… cô kia là ai?… Cô chị như thấu hiểu, mỉm cười nói:

– Tôi là Nhung, còn cô kia là Huyền, em kế tôi.

– Rất vui có mẹ con chị ngồi gần chung chuyến xe, còn tôi là Kha. – Kha lịch sự.

Xe bắt đầu chuyển bánh, Kha xoay bé Vy từ từ ngược theo hướng xe đang tới và thấy Huyền như gượng cười cùng với tay vẫy, Kha động lòng, vội cầm tay bé Vy vẫy lại tạm biệt. Kha trầm ngâm, sân ga và phi trường thường được thi vị hóa trong thơ văn, nhưng nơi xao động nầy, bến xe cũng là nơi người người biều lộ với nhau những cảm xúc chia ly hoặc hạnh ngộ. Khi biệt ly, họ u uẩn nhìn nhau để an ủi và những bàn tay đưa vẫy khi đã thật sự xa lìa. Ngược lại, họ lại hân hoan khi thấy nhau và những vòng tay ôm choàng chào đón lúc tái ngộ. Hình như nơi đây cũng là giao điểm của dở dang. Có người mượn nơi đây để kết thúc những dở dang khi thương nhớ đã tận, hay hạnh phúc hơn; có người chờ nhau để hàn gắn những dang dở, họ tìm nhau để mà thương cho vơi đi nỗi nhớ đang nặng trĩu đeo mang.

Suốt quãng đường từ Sai Gòn tới Bảo Lộc, qua những câu chuyện đứt quãng, Kha được biết chị Nhung vẫn cón trẻ, suýt sóat tuổi Kha, vợ của một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị gì đó, đang thụ huấn khóa đặc biệt ở Đà Lạt. Hôm nay, Nhung đưa con đi thăm ba. Kha tự dưng có hảo cảm với Nhung, không rõ có phải vì nhan sắc của gái một con, nhưng Kha biết rõ một điều, thấy con mến mẹ, hơn nữa. Nhung có nội tâm lẫn kiến thức sâu rộng so với tuổi, thích thơ văn và hội họa. Có lúc, Nhung thao thao những nét thảo chữ phóng khoáng, cái thanh tịnh và trầm mặc của những cây tùng hay những nét cương mãnh hùng hồn của từng phiến mã… trong hội họa Tàu. Bất chợt, Nhung tay chỉ miệng khẻ kêu: “Kha hãy nhìn xem cống nước trên bờ ruộng.” Nhìn theo, Kha thấy một cống nước tròn khô cạn nước cô quạnh, nằm ngang con đê dài dưới một bóng cây nhỏ sát bên bờ giữa những thửa ruộng không người bao la lấp cỏ vàng. Kha thấy ra cái trơ trọi của cây in bóng mát, đang nằm im lìm trong nắng oi ả chói chang của trưa hè.

                    vừa khấp khểnh vào đời muôn vạn lối
                    đôi vai gầy chớm mỏi gánh truân chuyên
                    ngày chưa đến ươm sẵn tiếng thở dài
                    biết khi cùng, cùng ai nâng gánh bước

Kha thoáng nghe Nhung tức cảnh thành thơ và tự hỏi Nhung đang tâm sự hay đang nói hoàn cảnh chung của người, sớm bước vào chợ đời trên con đê dài khô nứt rạn, đang mệt mỏi mong chờ bóng mát bên đường nghỉ chân.

Xe ngừng tại quán cơm bên đường, Kha cảm thấy khát, ngỏ ý mời mẹ con Nhung cùng xuống. Nhung đùa:

– Cám ơn Kha, tôi không quen ăn… đường!

– Chị không quen ăn đường, vậy đã từng bao giờ ăn chua chưa? – Kha mỉm cười thân thiện.

– A ha! bí mật đàn bà, không nói được, – Nhung mắt liếc cười nói tiếp, tôi cũng xuống cho cháu làm vệ sinh.

Kha tự nhiên bồng bé Vy xuống xe rồi trao lại cho Nhung đi hướng có nhà vệ sinh. Mấy phút sau, Nhung đi tới chiếc bàn Kha đang ngồi và hai mẹ con cùng ngồi xuống. Kha mời Nhung uống nước đã gọi sẵn. Nhìn nét dễ thương, ngây thơ thiên thần của bé làm Kha buộc miệng: “Ước gì tôi sẽ có con gái giống như con chị khi có gia đình.” Nhung nhìn Kha như được an ủi rồi đứng dậy trở lại xe. Kha đề nghị nhường chỗ để mẹ con Nhung ngồi bên cửa sổ thoải mái hơn, Nhung nghe theo và thái độ tỏ ra tự nhiên thân thiện hơn lúc đầu. Nhung bắt đấu “điều tra”:

– Kha làm gì trên Đà Lạt hả Kha?

– Kha đi học, bắt đầu năm thứ hai Quản Trị Kinh Doanh, hôm nay lên Đà Lạt để kiếm nhà tro khác.

Nhung nhìn Kha như có vẻ đắn đo điều gì rồi thốt:

– Kha nhớ cái cô tại bến xe, Huyền em chị, dự tính đi chơi chung với mẹ con chị, nhưng cuối cùng phải ở lại chăm sóc mẹ chị bất thường trở bệnh. Huyền cũng bắt đầu học Quản Trị Kinh Doanh năm thứ nhất. Chị đã thu xếp cô ấy ở trong cư xá Bình Minh. Nếu Kha rảnh rỗi, tới đưa Huyền đi chơi với, trong thời gian cô ấy còn xa lạ với thành phố… buồn Đà Lạt.

– Cám ơn “quyền tỷ thế mẫu” của chị. – Kha như đang đánh trống dựng cờ trong lòng.

– Nhưng mà coi chừng nhe, Huyền có huyền đai Judo. – Nhung cười di dỏm.

– À ha! thật là không may! Không cùng môn phái! Kha lại có đai đen VoviNam.

Nhung và Kha cùng cười xòa… Tiếng máy xe nổ đều đều trong cái thinh không vắng lặng của ban trưa đưa mọi người nhắm mắt chập chờn. Kha không tài nào ngủ được, bởi tâm trí đang trăn trở vì những sợi tóc của Nhung theo gió vương lên mặt, cùng với mùi nước hoa thoang thoảng quyện vào. Kha thả hồn theo những bâng khuâng cuộn đến và tiếc rẻ đường ngắn đến mau, vì Đà Lạt, thành phố một năm thân quen hiện ra trước mắt.

Kha tìm được phòng trọ như ý, có thể từ cửa sổ nhìn ra lưng chừng đồi, và lang thang phố chợ cho hết ngày chờ ngay mai lên xe quay về, Kha đảo mắt nhìn quanh tìm bạn đường cũ…

Trước ngày nhập học ít hôm, Kha đã có mặt tại Đà Lạt. Buổi sáng ngày hôm sau, Kha đã chuẩn bị bề ngoài bề trong để đi thăm Huyền tại cư xá Bình Minh. Nhớ lại những mẫu chuyện thêu dệt từ bạn bè về cư xá Bình Minh, Kha thấy lòng hơi khớp giống như người xưa sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang. Một mặt phải làm ra vẻ “con hiền như nai tơ” dưới những cặp mắt đa nghi của các Soeur, mặt khác thê thảm hơn, gặp phải đám “nữ quái” đang tụm lại mà thấy được, cho dù “thân mười thước cao” như Từ Hải của Nguyễn Du cũng bị co lại như tôm luộc và bị nướng ngay đương trường. Hú hồn, Kha lọt vào trong khuôn viên của cư xá yên lành, có lẽ các nàng chưa về tề tựu đông đủ. Kha vào văn phòng gặp Soeur tiếp tân:

– Xin chào Soeur, con là Kha, bạn với chị của một sinh viên tên là Huyền, Nguyễn Như Huyền mới nhập xá. Xin phép Soeur cho con gặp Huyền…

Soeur kín đáo nhìn Kha từ đầu tới chân và hình như an tâm điều mình quan sát được, bắt đầu lật sổ…

– Anh chờ chốc lát, cô Huyền sẽ ra ngay.

– Xin cám ơn Soeur. -Kha mau mắn trả lời.

Kha làm bộ chú tâm quan sát chung quanh, nhưng thật ra đang trấn tĩnh tâm hồn sau khi lọt vào được “sào huyệt” và dọn mình để ra mắt “em”. Kha bất giác cười khan…

– Huyền xin chào anh Kha, chị Nhung có nhắc về anh. -Huyền khôn khéo nói vừa đủ lời để Soeur đứng sau nghe.

Kha thoáng nhìn Huyền, ngưng thần nhớ lại vóc dáng đã thấy hơn tháng qua tai bến xe, đoạn mỉm cười:

– Chào Huyền, chị Nhung và cháu Vy có mạnh khỏe không?

Hình như Soeur thỏa mãn nghe sự liên hệ giữa Kha và Huyền rồi tế nhị lên tiếng:

– Mời anh chị bước qua khu tiếp tân để nói chuyện.

Huyền bước đi trước, tới chiếc bàn và mấy ghế trống, tay đưa ra mời, miệng nói:

– Mời anh ngồi… cám ơn anh, mẹ con chị Nhung vẫn khỏe, chị ấy gởi lời thăm anh và nói anh rất tử tế.

– Khỏi cần chị ấy nói, tôi bẩm sinh đã tử tế. -Kha đùa cho nguợng ngùng đi mau.

– Anh đừng có tự khoe, Huyền có ít nhất một năm để chứng nghiệm. -Huyền cười đùa.

Nhìn thấy nét tươi mát quyến rủ, trí thông minh mau mắn của Huyền. Kha thấy lòng vui lên như ngày hội, bỗng thấy con đường chinh phục dài như vô tận. Kha đánh bạo nói:

– Huyền có thiếu đồ dùng cá nhân không để tôi mua dùm cho? Nếu Huyền ngại thì xin phép Soeur đi với tôi ra chợ mua sắm.

Huyền ra vẻ ngần ngừ rồi đứng dậy nói:

– Anh chờ Huyền xin phép xong, rồi ra ngay…

Cùng rảo bước với Huyền xuống phố là một trong những ước mơ thầm kín Kha mong chờ, lòng Kha vui lên như được quà lúc còn bé, vì trưa nay như nhiều trưa qua, nó hiện hữu và hiện thực. Kha thoáng nhớ mấy câu đầu của một bài hát Lê Uyên Phương viết “… theo em xuống phố trưa nay, đang còn chất ngất cơn say… ” Kha biết rõ lòng chưa dám vội vã, nên chất ngất cũng còn lâu mới có, chỉ xin có những bâng khuâng nhẹ nhàng như vầy dìu nhau qua khoảng thời gian còn cắp sách tới trường nơi thành phốn nầy. Huyền nhỏ nhẹ: “Nhờ anh dẫn Huyền tới khu bán tạp hóa, vì khi xếp đồ mẹ dặn nhiều quá làm Huyền quên vài món dùng cá nhân.

Huyền mua đồ xong thì đã quá trưa, Kha thấy đói bụng và hơi bối rối vì không biết nơi đâu thường bán những món ăn con gái thích. Kha chỉ nhớ có lần ăn lẩu lươn sau khu chợ Hòa Bình, chẳng lẽ đưa Huyền đi nhậu lúc nầy, Kha bật cười.

– Anh cười gì thế. -Huyền quay qua hỏi.

– Tôi thấy đói bụng muốn kiếm gì ăn, nhưng không biết khẩu vị của Huyền… thôi thì thế nầy, chúng ta đảo một vòng, nếu Huyền thích nơi nào là mình tấp vào được không?

– Chu choa! “mình” nghe thân mật quá. -Huyền lên tiếng như bất đồng.

–  Không thân mật sao được, bé Vy kêu tôi bằng chú. – Kha tỉnh bơ.

–  Người Bắc gọi như vậy là thông thường, lịch sự. – Huyền cãi.

– Vậy theo Huyền là người Nam, bé Vy nên gọi tôi bằng gì?

– Ai biết! Huyền không phải mẹ nó nên không dám dạy chuyện nầy. – Huyền ranh rõi.

Món ăn Huyền chọn lại là món bánh căng, căng không nổi bụng Kha, nhưng bữa trưa thật hồn nhiên thú vị, Huyền ngỏ ý chưa muốn về cư xá liền. Kha hí hửng đưa Huyền một đoạn quanh bờ hồ Xuân Hương, rồi băng ngang đồi Cù để tới Viện Đại Học. Kha đưa Huyền quanh quẩn khuôn viên đại học cho tới khi chiều xuống, trời bắt đầu trở lạnh, Kha nuối tiếc phải đưa Huyền về cư xá.

Sau ngày tựu trường, ngày tháng tiếp nhau trong êm đềm làm Kha mãn nguyện vui với đời và bạn bè chung quanh. Có những chiều mặt trời lấp sau lưng đồi, Kha cùng Huyền lang thang trên đồi cho tới khi sương xuống đọng lại trên tóc Huyền lốm đốm long lanh bởi những ánh đèn đường vàng mờ nhạt rọi xuống và dẫn lối Kha, Huyền đưa nhau vào khu phố chợ. Những gánh hàng rong tụ họp rải rác bên ngọn đèn dầu mờ ảo bởi sương xuống dày về khuya. Mùi hành mỡ chiên cháy hòa với không khí vào hơi thở cám dỗ Huyền: “Hôm nay Huyền bao anh ăn món này.

Kha ở đây hơn năm, nhưng chưa có dịp ăn đường kiểu này. Huyền mua chừng nửa chục bắp nướng, bảo là mua thêm đưa về cho mấy cô bạn thân, nên phải chờ hơi lâu. Kha và Huyền đứng chờ gặm bắp cho tới khi về đến cư xá.

Một lần gặp gỡ tại trường, khác hơn bao lần khác,  Huyền vui cười hỏi:

– Thứ sáu tuần nầy nhóm của Huyền đi picnic, các bạn trong nhóm có “quyền” mời người quen đi cùng. Anh có rảnh đi chơi với Huyền không?

Kha tần ngân giây lát, cuối cùng trả lời:

– Hên lắm mới được Huyền cho phép đi chơi chung, tôi sẽ đi.

– Anh nói như là ba năm mới gặp. Huyền đang bị oan ức đây, vì mấy đứa bạn thường thấy anh và Huyền đi chung ở trường, nên xì xầm bảo là Huyền và anh có liên hệ… -Huyền ra vẻ bị hàm oan.

Kha thấy nét diễn kịch trên mặt của Huyền thật duyên dáng. Kha buông đùa:

– Sao thấy Huyền có vẻ như oan ức, chúng ta thực tế có liên hệ mà.

Huyền như muốn chồm tới:

– Anh nói sao, cho anh cơ hội chót để nói cho rõ.

– Tôi nói không đúng sao? tôi là bạn của chị Nhung, bé Vy gọi tôi bằng chú, Huyền lại là dì của bé Vy, không những chúng ta có liên hệ mà liên hệ dây chằng. – Kha cù nhây.

– Tưởng anh nói cái gì hay ho, té ra chỉ như vậy. -Huyền như bong bóng xì hơi.

– Huyền sao lại coi thường. ý tôi muốn nói liên hệ dây chằng là ràng buộc, thường thì cha mẹ, anh chị em, vợ chồng có ràng buộc, xa hơn chút nữa là dì cháu, tôi được bé Vy gọi là… dượng theo người Nam, như vậy Huyền thấy chúng ta có liên hệ không?

– Aí dà! hôm nay miệng anh thoa mỡ. Huyền thà bị bạn nghi oan còn hơn bé Vy có dượng. – Huyền xoay mặt cười rỏ tiếng.

Sáng sớm thứ sáu, Kha tới nơi hẹn, thấy Huyền trong bộ đồ thể thao với chiếc áo khoác bên ngoài, cũng vui lây muốn hoạt động. Kha chào mọi người và được biết hôm nay đi thác Cam Ly và những danh lam sâu và xa hơn. Sau buổi ăn trưa vui nhộn, vài người bạn trong nhóm đề nghị chơi kéo co, Kha không hợp mấy nhưng cũng tham dự. Tới màn kéo đôi, không biết vô tình hay cố ý, Kha được xếp chung với Huyền. Kha hài lòng vì biết Huyền có Judo, không yếu đuối, thắng dễ như bỡn. Trong lúc đang giằng co hết lực, bất thình lình cặp đối thủ buông tay, làm Huyền té nhào nằm trên người Kha, cả đám cùng cười, nhưng Kha thấy trong tíc tắc ánh mắt Huyền ra chiều khác lạ không phù hợp thực tại. Kha nhớ mãi thoáng chốc ấy và cám ơn riêng anh chàng đối thủ kéo co nọ.

Khoảng một tháng trước “biến cố 30 tháng 4”, Huyền sau giờ chiều tan học, gặp Kha và ngõ ý muốn Kha đưa về. Kha nhìn dáng buồn bã của Huyền, yên lặng theo Huyền băng ngang đồi Cù, Huyền dừng lại đưa mắt buồn nhìn Kha nói: “Huyền mới nhận được tin buồn, anh Toàn chồng chị Nhung tử nạn máy bay trong khi đi công tác ngoài Quảng Trị. Huyền đang rối bời, không biết có nên về Sài Gòn, ngược với mẹ và chị Nhung dặn đừng bỏ học. Huyền rất thương chị ấy, ba mất sớm nên chị Nhung phải giúp mẹ tần tảo nuôi hai chị em lớn khôn rồi đi học cùng trường Gia Long. Cho tới bây giờ mặc dù chị có gia đình nhưng vẫn tiếp tục lo lắng cho Huyền đủ điều, chị vất vả từ nhỏ tưởng đâu sẽ được bù đắp lại có hạnh phúc dài lâu…” Huyền càng nói, nước mắt thêm cho lời tuôn ra. Kha bùi ngùi nắm tay Huyền siết chặt như muốn chia bớt khổ đau với Huyền trong nỗi bất hạnh của chị. Kha đâu ngờ đây là lần cuối cùng Huyền san sẻ niềm riêng tại thành phố nầy.

Sau “30 tháng 4” không lâu, Kha vào Sài Gòn tới văn phòng nhà trường tại Thương Xá Tax để biết vài tin tức về trường. Nhìn thấy hiện trạng, Kha chán nản bước chậm ra, hy vọng gặp lại bạn quen đang lai vãng chung quanh, nhưng thất vọng. Kha cố phấn chấn tinh thần để đi thăm Huyền và chị Nhung, theo địa chỉ Huyền đã cho trước khi rời Đà Lạt. Kha hồi hộp đứng trước cửa nhà Huyền đang đóng kín, gõ cửa và đợi, rồi gõ mạnh hơn…, nhưng cửa vẫn im lìm bất động. Đứng chờ lâu trước cửa, Kha đột nhiên thấy lòng quặn đau, nghĩ rằng Huyền đã đi ngoại quốc không lời từ gĩa. Một lần đau khi bước ra khỏi thương xá vì cảm thấy ngày trở lại trường rất mong manh, tương lai, bấy lâu Kha chưa hề đắn đo, nay thật sự có trăm chiều phải đo đắn. Thêm đau lần nầy, Kha thấy cuộc đời thật là khắc nghiệt. Có lần trước ngày 30-4, tại Vũng tàu, Kha đã nhẩy xuống tàu để ra khơi, nhưng nghĩ lại gia đình và Huyền, Kha đành quay về, gia đình Kha vẫn còn đó, nhưng Huyền có còn đây (?). Kha thểu não dợm bước lui ra. “Anh Kha! anh đi đâu đó, Huyền ở đây!” Kha dừng lại đè nén cơn xúc động rồi xoay lại nhìn Huyền đang mỉm cười, tay ra dấu mời Kha vào nhà. Kha chậm bước gần Huyền, có lẽ Huyền thấy thái độ thất thường và vẻ thảm não của Kha, Huyền cũng xúc động, mắt nhòa đi, dang hai tay… Kha vội ôm lấy và ghì chặt Huyền cho nhớ tận thương cùng, Kha thì thào:

– Anh nhớ Huyền vô cùng, suýt chút nữa anh phải hối tiếc vì đi ra biển không có Huyền.

– Anh nói cái gì? – Huyền đẩy khẽ Kha trố mắt nhìn.

Kha kể sơ cho Huyền những ngày biến động tại Vũng Tàu, Kha xuống tàu rồi trở lên và có tư tưởng đi vượt biển vì có mấy bạn cũ sống tại miền duyên hải Bình Thuận bàn tán chuyện vượt biển. Kha hỏi Huyền:

– Huyền có bằng lòng đi với anh không?

– Chuyện nầy táo bạo quá, Huyền chưa bao giờ nghĩ tới, để Huyền suy nghĩ, hỏi mẹ và chị Nhung.

Sau lần gặp Huyền đầu tiên tại nhà, Kha thường ghé thăm gia đình Huyền mỗi khi vào Sài Gòn có công chuyện. Tình cảm giữa Kha và Huyền cũng chín mùi theo năm tháng, có lần Nhung hỏi Kha về hôn nhân, Kha thành thật trả lời chưa tính được vì đang nghĩ tới vượt biển. Khi chuyện vượt biển gần đến hồi ngã ngũ, mẹ Huyền và Nhung cùng đồng ý đi luôn.
Ngày định mệnh đến, gia đình Huyền phải xé lẻ, Nhung và bé Vy đi trước tới một nơi ẩn trú, Huyền và mẹ Huyền đi sau tới nơi khác. Bởi vì, Nhung có bé Vy nên Kha được phân phối đi chung trong một nhóm có trẻ con, Huyền và mẹ Huyền thuộc nhóm khác. Nhóm của Huyền toàn người lớn, gặp không may bị đám dân chài bất hảo nghi ngờ dùng dằng đòi tiền và của. Chủ thuyền chờ lâu không thấy, nghĩ rằng họ đã bị công an phát giác, sợ tới phiên mình nên kéo neo rồ máy ra khơi. Kha đau đớn như bị thoi vào ngực, gập người lại, nhìn vào bãi ngang với những áng đèn pin lấp loáng, Kha mơ hồ thấy Huyền đang kinh hoàng tuyệt vọng khi biết đã bị bỏ rơi. còn gì đau hơn, những toan tính, kiên nhẫn cùng Huyền chờ đợi ngày hôm nay là bước đầu của hy vọng xây đắp đời nhau đang tan biến mờ dần trước mắt.

Cuộc hành trình trên biển tuy gian nan, đói khát nhưng không bi thương hay chết chóc, ghe cập vào được hải cảng nhỏ tỉnh Songkla miền nam Thái Lan. Trại tỵ nạn tại đây quá nhỏ, không đủ chỗ chứa, tất cả người trong ghe Kha bị đưa về một trại lính gần đó tạm dung. Tất cả đều phải ở dưới những tấm “nylon” màu xanh được căng ra thành lều dưới những hàng dừa cao ngất. Từ lúc nầy, Kha đối xử với mẹ con Nhung như thân thuộc và ngược lại Kha cũng không bao giờ quên được chân tình dành cho; bé Vy càng ngày càng mến chú Kha, thường theo Kha tản bộ chung quanh trại, hay những lúc nhìn thuyền bè qua lại gần cảng chờ dì Huyền và bà ngoại tới. Khoảng thời gian nầy, Kha liên lạc thư từ với Việt Nam qua những người bạn sống tại Pháp hoặc Tây Đức, một trong những thư đầu tiên có thư của Huyền,  trong thư có đoạn “… em chỉ muốn nói với anh những điều em đã suy nghĩ miên man hơn tháng nay, thời gian dài như ba thu! nó dài để ghi lấy những thất vọng, đau buồn và nhớ nhung. Kha ơi! em quyết định ở lại với mẹ cho tới ngày mẹ khuất, hãy quên em đi, em tin vào chữ Duyên, hãy mở cửa lòng để đón nhận…” Kha cảm thấy thật trống vắng, bởi còn nuôi hy vọng Huyền tìm đường đi sau với mẹ Huyền, chờ đợi, Kha xét thấy lòng cho tới bây giờ vẫn có thể chờ Huyền.

Nhưng sợ thời gian là thử thách và tình cảm với mẹ con Nhung là thử thách lớn hơn. Bởi vì, Kha tự nhiên cảm thấy có bổn phận chăm lo bé Vy, với Nhung tuy thời gian rất ngắn, nhưng trong những trường hợp bất khả kháng, như Kha phải nắm bàn tay đang run sợ của Nhung như căp vợ chồng để ra điểm hẹn; có lúc, Nhung say sóng mệt lã trên ghe, Kha phải chung đụng săn sóc và những đêm nằm kế bên bé Vy theo như Nhung yêu cầu vì sống tập thể dưới tấm tăng xanh. Những lần như thế là những cái đinh đóng sâu tình cảm Kha với mẹ con Nhung, nhưng lại đóng kín tình cảm Kha với Huyền.

Sau hơn ba tháng sống dưới túp lều màu xanh, Kha và mẹ con Nhung được chấp nhận định cư chung tại Tây Úc. Kha và Nhung cảm thấy may mắn vì không có liên hệ gia đình hay huyết thống, chỉ là Kha xin Nhung cho Kha làm bố đỡ đầu của Tường Vy trong đơn xin định cư. Tới Úc và sống trong Hostel thật nhàn rỗi, ngày ba bữa có sẵn chỉ bận rộn học khóa tiếng Anh, làm Kha nhớ lại đoạn đời tại Đà Lạt, an nhiên tự tại, nhất là những ngày thơ mộng với Huyền. Nhung càng thấy thư thả hơn vì tiếng Anh giỏi, nên có giờ chú ý tới chính mình và Tường Vy, nhưng một điều Kha thấy rõ, Nhung thỉnh thoảng như người mất hồn, nói chuyện với Kha không tự nhiên như lúc còn tại Việt Nam.

Xong khóa học Anh văn, Kha tìm được việc làm lao động trong hãng xưởng, rồi gom góp được số tiền nhỏ đủ để mua được chiếc xe cũ mèm. Có phương tiện di chuyển căn bản, Kha ngỏ ý với Nhung dời khỏi Hostel mướn nhà với hai lý do: thức ăn không hợp khẩu, tiền trợ cấp bị Hostel khấu trừ gần hết không đủ để chi phí linh tinh.  Nhung vui vẻ trả lời:

– Nhung cũng có ý định gần đây nhưng sợ phiền, vì Kha sẽ có nhiều trách nhiệm khi ra khỏi nơi nầy.

– Trách nhiệm gì? nếu là bổn  phận của bố đỡ đầu Tường Vy thì Kha bằng lòng với trách nhiệm đó. – Kha bộc trực.

Kha và Nhung mướn được nhà và dọn vào căn nhà nhỏ hai phòng ngủ được hai ngày thì tết Nguyên Đán. Kha tỏ ra lấn cấn không biết phải làm gì để đón tết, vì bấy lâu có gia đình sửa soạn sẵn, Kha chỉ việc lao vào ăn tết. Nhung thấy Kha loay hoay như gà mắc đẻ, cười:

– Kha làm gì như gà đang tìm ổ đẻ trứng?

– Kha đẻ trứng còn dễ hơn chuyện đang mang trong bụng đây nè.

– Mà là chuyện gì? nói cho Nhung biết dược không?

Kha bèn trút bầu tâm sự, mấy tháng trong Hostel ăn đồ Úc ngán lên tới cần cổ, nên thèm món ăn quê hương tối nay để đón giao thừa luôn tiện mừng tân gia. Nhung nghe xong cười phá ra trong khi đi lấy giấy bút, trở lại ngần ngừ giây lát, rồi hạ tay kê cho Kha một toa dài cỡ mấy chục hàng, cười cười đưa cho Kha:

– Đây là toa thuốc trị bệnh gà mắc đẻ.

Kha nhìn thoáng cái toa, mắt hoa lên liền, đọc không ra những hàng bên dưới như: hành ta, ngò, gừng, măng, mục nhĩ, búp sen, bún, miến, nước mắm, mắm tôm,… Vừa bước ra khỏi cửa, Kha mong sao xe làm nư đề không nổ. Nhưng vận xui, gần một buổi trời, Kha phải ngược xuôi để tìm mua các món “quốc hồn quốc túy”, vì lúc bấy giờ chưa có tiệm bán thực phẩm Việt Nam tại Tây Úc. Không những thế, Kha đôi phen phải tìm điện thoại công cộng hỏi “xếp cúc” xem có thể mua thứ khác thay thế như tỏi thay gừng chẳng hạn. Không vẫn là không! Có lẽ Nhung quên đi lúc đó là tháng hai mùa hè nóng cháy da. Bài học đầu tiên Kha ráng nhớ về đàn bà là rất “gàn” khi muốn trồ tài nấu nướng.

Vất vả nhưng không tròn sứ mạng, thêm vào ngồi trong xe không máy điều hòa, Kha phát bẳn, liều mình không mua thêm bất cừ món gì khác, bèn tấp vào một tiệm khang trang có máy điều hòa sảng khoái và mau lẹ hơn: KFC.

Kha tay xách ba túi vừa tới cửa bếp thì đã thấy nồi niêu xoong chảo dao thớt bày sẵn, cười hay mếu? khi Nhung lục lọi trong ba túi nylon, chai rượu chát túi đầu, tới túi thứ hai, Nhung la lên:

– Sao lại kỳ cục như dzậy! Ôi! gà chiên! khoai tây chiên! salad!

Kha làm ra vẻ thểu não, tìm đường thối thoát, nhưng may mắn Tường Vy từ đâu nhào tới reo lên:

– A ha! hôm nay mình được ăn KFC.

Kha nhìn Nhung đắc chí cười thắng thế, Nhung phang sang Kha cái nhìn nửa mắt rồi cười theo. Tường Vy ngồi xuống trước, Kha và Nhung theo sau, bữa ăn tất niên tuy đơn sơ nhưng “nóng hổi” bầu khí gia đình làm Kha tự hỏi thế nào để có một gia đình đang trong hạnh phúc, chỉ bấy nhiêu thôi như hôm nay, hay Kha phải nỗ lực mỏi mòn tìm kiếm hơn thế nữa. “Chào mẹ, chào bố con đi ngủ trước.” Kha dứt luồng tư tưởng, nhìn Nhung theo Tường Vy vào phòng ngủ để sửa soạn cho nó, hồi sau mới trở ra, Kha thấy Nhung hơi khác, hình như có chút sửa soạn, trông rạng rỡ hơn, khuôn mặt pha chút ráng đỏ với mái tóc xỏa xuống bờ vai càng thêm quyến rủ. Kha rạo rực đợi Nhung đi ngang liền đứng dậy ôm chặt Nhung vào và hôn vào đôi môi của Nhung đang khô vì rượu…. Nhung đợi cơn cuồng say của Kha lắng xuống, rồi thút thít, kêu thầm… “Huyền ơi! chị không phải với em, chị đang vì chị không phải vì em, xin em hiểu cho chị…” Nghe tiếng khóc của Nhung, Kha bấn loạn, vội buông Nhung ra khẽ nói:

– Xin lỗi Nhung, Kha không tự kiềm hãm.

– Kha không có lỗi, Nhung khóc vì chuyện khác và xin đừng hỏi tại sao, sẽ có một ngày Nhung nói cho Kha hiểu.

Kha và Nhung ngồi chuyện vãn về đời nhau cho tới gần sáng của ngày đầu năm, ngày đầu xuân se lại đời nhau hy vọng sẽ đẹp. Từ đó, mỗi buổi sáng, Nhung cũng thức dậy sớm với Kha, nói dăm ba câu trước khi Kha rời nhà, chiều về Tường Vy thường ra cửa đón vào, rồi cả ba sum vầy trong bữa ăn tối. Kha cảm động với những ân cần mẹ con Nhung dành cho, nhưng vẫn thấy còn có khoảng cách với Nhung. Một lần Kha trịnh trọng gợi ý kết hôn, Nhung bằng lòng. Thế rồi, Nhung trong chiếc áo cưới đơn sơ Nhung tự may lấy. Lễ cưới cử hành trong ngôi thánh đường tại xứ đạo nhỏ, rồi cùng với ít bạn thân tiệc cưới trong nhà hàng ở cuối con đường.

Chuyện sinh nhai gia đình, Kha vẫn tiếp tục nghề cũ để Nhung ghi danh đi học trước về Graphic Design vì Anh văn của Nhung giỏi hơn Kha. Nhung nhờ vào học thêm Anh ngữ bên ngoài lúc còn học trung học tại Gia Long, cộng thêm có khiếu về hội họa, Nhung học không vất vả lắm, xuôi chảy cho tới khi tốt nghiệp rồi xin được việc làm. Tới phiên Kha trở lại trường, học Kỹ Sư Cơ Khí, lận đận hơn Nhung, nhưng cũng tốt nghiệp, rồi đi làm sau nhiều tháng xin việc. Phải trải qua thời gian rất dài đầy khó khăn chật vật, gia đình Kha mới tạm yên ổn về vật chất. Kha cảm thấy thật hạnh phúc muôn bề nhất là sau khi hay tin Huyền có gia đình và hiện nay đang sống tại Newyork; Nhung càng tỏ ra sống trọn tình, tế nhị, hiểu chồng, thương con chừng mực, đảm đang và gia chánh giỏi. Tường Vy là điều an ủi lớn cho Nhung và Kha, ngoài nét xinh đẹp, Tường Vy học rất giỏi, thể thao cũng không kém. Hết trung học, Tường Vy được tuyển vào Y Khoa của một Đại Học tại Tây Úc.

Nhưng có một ngày, lúc Tường Vy đang học năm thứ hai, Nhung đi thử máu tổng quát, bác sĩ nghi ngờ có triệu chứng ung thư máu. Nhung được gởi đi bác sĩ chuyên môn, thử máu lần thứ hai, kết quả cho biết Nhung thực sự bi ung thư thuộc loại Chronic leukemia, phát triển chậm. Kha buồn vô hạn, im lặng mấy ngày liền đến nỗi Nhung phải tìm lời trấn an, an ủi chồng xong, Nhung phải vào phòng khuyên con hãy can đảm lên để học hành. Bầu khí gia đình từ đó thật u uẩn, gặp nhau nhìn nhau thật sâu như có ngàn lời nhưng miệng không cất thành tiếng. Đau khổ hơn, Nhung ngoài những lúc phải đi trị liệu, về nhà tỏ ra quán xuyến hơn, nói nhiều hơn thường lệ khi gia đình có mặt đông đủ, khi không còn ai, đã nhiều lần Nhung ngồi khóc tự nhiên như trẻ thơ.

Qua mấy tháng trị liệu, bịnh tình của Nhung không tiến triển khả quan, Kha âu lo càng nhiều, nên ráo riết dò hỏi về những Viện Y Khoa bên Mỹ chuyên về ung thư máu, Leukemia & Lymphoma Society ỏ New York là một trong những viện được giới thiệu. Kha đem chuyện nầy nói với Nhung. Nhung đồng ý đi Newyork, nhưng mục đích là muốn gặp Huyền lần cuối. Tường Vy biết được chuyện:

– Bố cho con nghỉ học đưa mẹ đi Mỹ được không?

– Không thể được! bố phải đi lần nầy, con ở nhà ráng học xong năm nầy, tới lúc hè con có thể đi thăm dì Huyền và đưa mẹ về.

– Ok! con đưa mẹ đi xem Đức Mẹ ở Europe luôn.

– Vậy con có đưa mẹ đi xem Đức Mẹ Tà Pao ở Việt Nam không? – Kha khuyến khích

– Chút nữa em quên, luôn tiện em đưa con về Việt Nam thăm bên nội nó. – Nhung đỡ lời con.

Chương trình trị liệu tại Newyork ngắn là ba tháng, sau đó phải tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, nên Kha đành để Nhung ở lại với Huyền chăm lo. Ba tháng sau, Nhung điện thoại cho Kha ngỏ ý muốn về nhà, vì hội đồng y khoa không thể phán đoán trường hợp của Nhung, nhưng khuyên nên theo phương pháp trị liệu của họ khi về Úc.
Gần một tháng sau khi Nhung điện thoại, Nhung và Tường Vy mới về nhà, sau khi mẹ con hành hương Lộ Đức, Fatima, Mễ Du (Medjugorje) và Tà Pao ở Việt Nam. Vừa vào trong nhà, câu mở đầu của Nhung: “Em mãn nguyện rồi, từ nay sẽ không đi đâu nữa…” Đột nhiên Nhung quay lại ôm choàng lấy Tường Vy khóc oà lên: “Anh biết không ? con nó khấn là nếu em có dấu hiệu bình phục thì nó sẽ vào tu viện sống đời trong đó hoặc đi làm thiện nguyện suốt đời.

Kha lạnh mình, mặt biến sắc nhìn Tường Vy chết lặng vì thương con và liên tưởng tới lãnh vực siêu nhiên. Kha càng tin hơn khi biết Nhung có cơ hội bình phục sau khi tái khám. Nỗi lo chưa tan, Kha và Nhung thấy nỗi buồn vây đến vì biết rằng với bản tánh cương nghị, Tường Vy sẽ làm như đã khấn. Kha và Nhung cũng hiểu rằng đó là ơn thiên triệu, một đặc ân. Nhưng với thân phận phàm hèn, Kha và Nhung chỉ xin dâng lên nỗi buồn nầy và phó thác gia đình trong tay Người.

Perth, Giáng Sinh 2007
Đinh Thiên Tường

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời