Bài viết khác

Sống Với Bệnh Viêm Gan – Christopher Xuân-Dương Bùi

Lời Giới Thiệu

Hội Ung Thư Việt Mỹ (Vietnamese American Cancer Foundation) chân thành cảm tạ bác sĩ tác giả Christopher Xuân-Dương Bùi đã cho phép Hội tái bản cuốn sách quý giá này. Hội cũng cảm tạ các công ty dược phẩm và các nhà mạnh thường quân đã tài trợ vô điều kiện cho việc ấn loát và phát hành.

Hội Ung Thư Việt Mỹ hy vọng cuốn sách Sống Với Bệnh Viêm Gan này sẽ giúp quý vị có một khái niệm tổng quát về cách truy tầm, chẩn bệnh, và chữa trị bệnh viêm gan. Tuy nhiên, tập sách này không thể thay thế cho những việc hướng dẫn và chăm sóc của các chuyên viên y tế cho từng mỗi cá nhân hoặc tâm lý. Nếu cần biết thêm về những điều nêu ra trong tập này, xin quý vị tham khảo với bác sĩ hoặc những người chăm sóc sức khỏe của quý vị.

MỤC LỤC

  1. Gan và Chức Năng của Gan – Liver and Its Functions
  2. Bệnh Viêm Gan A – Hepatitis A
  3. Bệnh Viêm Gan B – Hepatitis B
  4. Bệnh Viêm Gan C – Hepatitis C
  5. Bệnh Viêm Gan D – Hepatitis D
  6. Bệnh Viêm Gan E – Hepatitis E
  7. Chai Gan – Liver Cirrhosis
  8. Dinh Dưỡng Cho Người Bị Viêm Gan – Nutrition for People with Hepatitis
  9. Sống Với Người Bị Viêm Gan – Living with People with Hepatitis
  10. Từ Y Khoa dùng trong sách này – Glossary of Medical Terms used in this book

Bệnh nhân viêm gan chia sẻ


GAN VÀ CHỨC NĂNG CỦA GAN

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể (nếu không kể da).
  • Gan nằm bên tay phải, dưới lồng ngực phải.
  • Gan đóng nhiều vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo trì sức khỏe của chúng ta.
  • Gan là cơ quan chính để thanh lọc độc tố.
  • Gan là cơ quan quan trọng nhất trong việc chuyển hóa thức ăn và dự trữ nhiên liệu dưới nhiều dạng khác nhau.
  • Gan là cơ quan chính bào chế một số chất đạm, chất mật, chất acid mỡ, v.v.

I. GAN

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể (sau da). Gan đóng nhiều vai trò quan trọng khác nhau trong việc bảo tồn sức khỏe của chúng ta. Tùy theo kích thước và trọng lượng của mỗi cá nhân, gan có sức nặng từ 1.100 đến 1.800 gram. Gan phụ nữ nhỏ hơn gan đàn ông. Gan nằm dưới lồng ngực phải, cách phổi bởi hoành cách mô (diaphram). Theo truyền thống, gan vẫn được chia thành 2 thùy chính (lobes), thùy phải và thùy trái, dựa theo vị trí của dây chằng liềm (falciform ligament). Dây chằng này nối liền gan với hoành cách mô và thành bụng trước. Tuy nhiên, sự phân chia này không tương ứng với cơ cấu của lá gan, nên ngày nay, người ta chia lá gan thành 8 khúc (segment) dựa vào những phân phối của mạch máu. 
                    
Gan được bao bọc chung quanh bởi vỏ bên ngoài chứa đựng nhiều dây thần kinh, tên là Gibson’s Capsule. Với một cơ cấu và hệ mạch phức tạp, gan được xem là một cơ quan kỳ diệu (wonder organ). Tuy thế, tế bào gan không có dây thần kinh cảm giác, nên nếu bị tổn thương, bệnh thường không gây ra một triệu chứng nào cả. Chỉ trừ trong trường hợp, khi gan bị “sưng phồng” lên, vỏ Gibson sẽ bị kéo căng ra, gây ra những cơn đau “tưng tức” hoặc khó chịu ở vùng bụng trên nằm bên phải, giáp giới với lồng ngực dưới. Ðây là một số trường hợp của viêm gan cấp tính hoặc khi lá gan “sưng lớn” vì bị suy tim bên phải (right heart failure). Gan được che chở và bảo vệ bởi xương sườn, nên nếu trong trường hợp bị té ngã hoặc tai nạn, sẽ đỡ bị dập nát hơn những cơ quan khác trong bụng như tụy tạng, lá lách, v.v.

Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể cùng một lúc tiếp nhận máu từ 2 nguồn khác nhau: 30% từ tim và 70% từ tĩnh mạch cửa (portal vein). Máu từ tim với các dưỡng khí và nhiên liệu sẽ nuôi dưỡng các tế bào gan. Máu đến từ tĩnh mạch cửa nhận máu từ những cơ quan như bao tử (stomach), lá lách (spleen), tụy tạng (pancreas), túi mật (gallbladder), ruột non (small intestine), ruột già (colon), cũng như các cơ quan khác nhau trong bụng. Vì gan là cơ quan đầu tiên, tiếp nhận các chất dinh dưỡng và hóa tố khác nhau hấp thụ từ hệ thống tiêu hóa, gan đã trở thành “nhà máy lọc máu” chính và quan trọng nhất trong cơ thể. Thức ăn và tất cả các nhiên liệu, vì thế, sẽ phải đi qua gan trước để được thanh lọc và biến chế thành những vật liệu khác nhau. Ðây cũng là nguyên nhân chính mà ung thư từ nhiều cơ quan và bộ phận khác có thể lan sang gan một cách dễ dàng.

II. CHỨC NĂNG CỦA GAN

CHUYỂN HÓA NHIÊN LIỆU

Một trong những nhiệm vụ chính của gan là cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng liên tục, ngày cũng như đêm, no cũng như đói. Thực phẩm hấp thụ từ hệ thống tiêu hóa, sẽ được gan biến chế và chuyển hóa thành nhiều thể loại rồi được dự trữ dưới nhiều hình thức khác nhau. Các nhiên liệu dự trữ này sẽ được mang ra dùng trong lúc chúng ta không ăn uống hoặc nhịn đói. Ðây là quá trình rất phức tạp và lệ thuộc vào nhiều cơ quan khác nhau như tuyến giáp trạng (thyroid glands), tuyến tụy tạng (pancreas), tuyến thượng thận (adrenal glands), cũng như hệ thống thần kinh (parasympathetic & sympathetic systems), v.v.

     1) CHUYỂN HÓA CHẤT ÐƯỜNG: Ðường là nguồn năng lượng chính cho óc, hồng huyết cầu, bắp thịt và thận. Khi sự cung cấp nhiên liệu và thức ăn từ hệ thống tiêu hóa bị gián đoạn, sự sống còn của các tế bào và cơ quan kể trên sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào gan. Trong thời gian “nhịn ăn” này, gan là cơ quan chính chế tạo và cung cấp chất đường cho cơ thể, nhất là cho óc. Khi gan bị chai, khả năng biến hóa chất đường bị tổn thương dễ đưa đến sự thăng giảm thất thường của chất đường trong máu.
Ðường trong thức ăn nằm dưới nhiều dạng khác nhau: đường đơn (monosaccharide), đường đôi (disaccharide), và tinh bột. Từ hệ thống tiêu hóa, đường đơn được hấp thụ thẳng vào máu và có thể được tiêu thụ ngay lập tức mà không cần phải biến chế hoặc thay đổi. Ðường trong đa số các loại thực phẩm và trái cây thường nằm dưới dạng đường đôi. Một trường hợp ngoại lệ là nho, một loại trái cây chứa đựng nhiều glucose (một loại đường đơn) nhất.  Ðường đôi như lactose (đến từ sữa), sucrose (đến từ các loại đường mía, đường củ cải cũng như đa số các loại trái cây) cần phải được tách ra thành đường đơn trước khi được hấp thụ. Nhiều người Việt Nam, vì thiếu phân hóa tố lactase, nên không thể tiêu hóa được chất sữa (lactose intolerance). Những người này thường bị sình bụng, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy sau mỗi lần uống sữa hoặc tiêu thụ các sản phẩm pha chế từ sữa như bơ, cheese, v.v.

Tinh bột (starch) cũng là một dạng tồn trữ chất đường trong nhiều loại thực vật khác nhau như gạo, mì, khoai, v.v. Khi chúng ta ăn cơm, tinh bột từ gạo sẽ được chuyển hóa thành nhiều đơn vị đường khác nhau. Vì thế, khi tiêu thụ thức ăn với nhiều tinh bột, chất đường trong máu của chúng ta sẽ tăng lên chậm chạp hơn, so với trường hợp nếu chúng ta uống một ly nước nho với toàn là đường đơn.
     2)  SẢN XUẤT VÀ CHUYỂN HÓA CHẤT ACID BÉO (Fatty Acid) và MỠ (lipids): Acid béo là một trong những nguồn năng lượng quan trọng nhất được dự trữ trong cơ thể chúng ta và cũng là thành phần cơ bản của nhiều loại mỡ (lipids) quan trọng, kể cả chất triglyceride. Các loại mỡ này có thể được so sánh như những viên gạch của một căn nhà. Vì thế, khi gan bị tổn thương, “nhà” sẽ bị rạn nứt, dễ đổ vỡ.  Gan cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp thu và biến chế các chất mỡ và cholesterol đến từ thức ăn thành những chất đạm mỡ (lipoproteins). Những chất mỡ này không những chỉ là những nguồn nguyên liệu quý báu khi đói, mà còn là những thành phần cơ bản của nhiều chất hóa học và kích thích tố khác nhau. Sự điều chỉnh các chất mỡ này là một trong những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể chúng ta trước nhiều bệnh tật. Chất mỡ và cholesterol được tìm thấy nhiều nhất ở các loại thịt mỡ, thịt nâu (dark meat), một số đồ biển như tôm, cua v.v.
     3)  BÀO CHẾ & THOÁI BIẾN CHẤT ÐẠM (Protein Synthesis & Degradation): Gan là cơ quan chính trong việc bào chế và thoái biến chất đạm. Mỗi ngày gan bào chế khoảng 12g chất albumin, một trong những chất đạm quan trọng nhất trong cơ thể. Ngoài nhiệm vụ duy trì áp suất thể tích (oncotic pressure), chất albumin này là những “xe vận tải” chuyên chở nhiều chất hóa học khác nhau. Khi gan bị chai, chất albumin giảm dần, dễ đưa đến phù thủng (edema).   Ngoài ra, gan là cơ quan chính bào chế những yếu tố đông máu (clotting factors). Khi gan bị viêm lâu năm, sự đông đặc của máu trở nên khó khăn, người bệnh dễ bị chảy máu. Hơn nữa, khi thiếu chất đạm, bệnh nhân viêm gan sẽ dễ bị nhiễm trùng và các vết thương sẽ khó lành hơn.

     4)  THANH LỌC ÐỘC TỐ

Gan và thận là hai cơ quan chính trong cơ thể có khả năng loại bỏ các độc tố. Những độc tố dễ-tan-trong-nước (water-soluble) sẽ được loại qua thận. Những độc tố tan-trong-mỡ (lipid-soluble), sẽ được biến chế bởi những tế bào gan thành những chất kém nguy hiểm hơn, hoặc dễ hòa tan trong nước hơn. Khi gan bị chai, những độc tố sẽ ứ đọng lại trong cơ thể.

     5)  TỔNG HỢP CHẤT MẬT

Chất mật (bile) sau khi được chế tạo trong tế bào gan, sẽ được cô đọng và dự trữ trong túi mật. Sau mỗi bữa cơm, chất mật sẽ theo ống dẫn mật đi xuống tá tràng, trà trộn với thức ăn và giúp cơ thể nhũ hóa các chất béo. Khả năng sản xuất chất mật của người bị chai gan sẽ từ từ giảm dần gây ra trở ngại trong vấn đề hấp thụ chất mỡ và chất béo. Vì thế, họ sẽ dần dần mất ký rồi trở nên thiếu dinh dưỡng cũng như thiếu những vitamins tan-trong-mỡ như vitamin A, D, E, K. Khi thiếu vitamin K, họ sẽ dễ bị chảy máu hơn.

Tóm lại, gan đóng nhiều vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sức khỏe của chúng ta. Gan được so sánh như người lính dũng cảm, canh gác những tiền đồn, giao tranh và phân giải tất cả các hóa tố đến từ hệ thống tiêu hóa, cũng như những cặn bã từ những hệ thống khác “lang thang” trong máu. Vì thế, một trong những nhiệm vụ chính của gan là thanh lọc độc tố. Tuy nhiên, vì không hoàn toàn là một “bộ phận siêu Việt” (super organ), gan cũng có thể bị tàn phá bởi độc tố, vi trùng, vi khuẩn và nhiều bệnh tật khác nhau. May mắn thay, với khả năng tự tái tạo, trong đa số trường hợp viêm gan kinh niên (còn được gọi là mãn tính), gan vẫn tiếp tục hoạt động một cách tương đối bình thường trong một thời gian lâu dài.

BỆNH VIÊM GAN A

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Bệnh viêm gan A rất dễ lây qua thức ăn nước uống, nên hầu như tất cả chúng ta nếu sinh trưởng tại quê nhà đều đã bị lây bệnh này (mà không hề hay biết).
  • Bệnh thường không gây ra một triệu chứng nào, và nếu có, không cần chữa tự nhiên cũng hết.
  • Bệnh có thể chích ngừa được. Thuốc rất an toàn và công hiệu.
  • Bệnh không gây ra bệnh viêm gan kinh niên, nên sẽ không đưa đến chai gan và ung thư gan như các bệnh viêm gan B, C và D.
  • Người được miễn nhiễm, khi thử máu chất đề kháng HAV-IgG sẽ dương tính.  
Dựa theo lịch sử y khoa, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 trước Chúa giáng sinh người ta đã mô tả những dịch vàng da (jaundice outbreaks) xẩy ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nhất là ở những thành phố lớn đông dân cư hoặc các trại lính chật chội. Bệnh nhân đang sống rất khỏe mạnh, bỗng dưng bị đau bụng, tiêu chảy và vàng da.

Trong Ðệ Nhị Thế Chiến một cơn dịch cảm cúm lan tràn nhanh chóng tại Ðức quốc với khoảng 200 ngàn lính Mỹ và hơn 5 triệu dân địa phương bỗng dưng ngã bệnh. Lúc bấy giờ vì chưa hiểu rõ nguyên nhân một cách chính xác, họ đinh ninh rằng bệnh nhân bị ngộ nước hoặc trúng độc.  Rồi vào những năm 1930 với phẫu thuật lấy tế bào gan gọi là sinh thiết gan (liver biopsy) để khảo nghiệm dưới kính hiển vi, y khoa đã tiến một bước rất dài trong việc định bệnh viêm gan. Nhưng tới mãi năm 1973 người ta mới nhận diện được hình thù vi khuẩn viêm gan A trong cơ thể của người bệnh. Với sự khám phá này, y khoa đã tìm được nguyên nhân chính của những “cơn ngã nước”bí ẩn ngày xưa. Vào đầu năm 1988, bệnh viêm gan A lại một lần nữa đột xuất và lan rộng một cách nhanh chóng tại thành phố Shanghai. Chỉ trong vòng 2 tháng trời, hơn 300,000 dân chúng tại đây đã bị bệnh viêm gan A, gây ra nhiều thiệt hại đáng kể. Ngay cả trên nước Mỹ, viêm gan A đã và đang là một căn bệnh truyền nhiễm đáng ngại, với khoảng 10 đến 20% bệnh nhân viêm gan A phải nhập viện chữa trị, gây ra tổn phí hơn 200 triệu dollars vào năm 1989, tương đương với hơn 300 triệu dollars cho năm 1997.

CÁCH THỨC LÂY BỆNH VIÊM GAN A

Vi khuẩn viêm gan A được tìm thấy trong mồ hôi, nước bọt, nước tiểu, nhưng nhiều nhất vẫn làợ phân của người có bệnh. Vi khuẩn viêm gan A theo thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn xâm nhập vào cơ thể của chúng ta. Một trong những phương thức lây bệnh khá thông thường là tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nước bọt của bệnh nhân viêm gan A trong thời kỳ ủ bệnh:

Trong thiên nhiên, vi khuẩn viêm gan A được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn nhiều nhất ở các nước chậm tiến, kém mở mang, thiếu vệ sinh. Khi vi khuẩn viêm gan A theo thức ăn hoặc nước uống xâm nhập vào cơ thể, chúng sinh sôi nẩy nở một cách nhanh chóng trong các tế bào gan. Từ đó chúng theo ống dẫn mật xuống đường ruột và theo phân đi ra ngoài.  Nhờ vào một lớp vỏ kiên cố, vi khuẩn viêm gan A có thể sống sót trong vòng nhiều năm với nhiệt độ đông lạnh như 20 độ C. Hoặc khi bị phơi khô, vi khuẩn viêm gan A vẫn tiếp tục giữ trạng thái nguyên vẹn trong vòng nhiều tuần lễ. Trong ao lầy các loại ốc sò có thể bị nhiễm trùng. Nếu không được nấu kỹ, chúng có thể gây ra bệnh viêm gan A. Ngay cả tắm ao hoặc hồ bơi công cộng khi không đủ chất Chlorine cũng có thể là một trong những nguyên nhân bị lây bệnh viêm gan A. Khi đun sôi thức ăn (hơn 85 độ C) trong vòng 1 phút, vi khuẩn viêm gan A sẽ bị tiêu hủy dễ dàng.

AI CÓ THỂ BỊ VIÊM GAN A?

Tại những nước chậm tiến khi người nông dân tiếp tục dùng phân người trong việc trồng trọt tưới rau, hoặc hệ thống cầu cống không được tẩy uếã cẩn thận, hoặc những nơi đông dân cư thiếu vệ sinh, bệnh lan tràn một cách tự do, nhanh chóng và dễ dàng.
Sau đây là bản đồ thế giới với tỷ lệ bệnh viêm gan A. Dựa theo bản đồ này, Việt Nam và các nước láng giềng có tỷ lệ viêm gan cao nhất thế giới. Vì thế, hầu như tất cả chúng ta, nếu sinh trưởng tại quê nhà, có lẽ đều bị lây bệnh viêm gan A trong quá khứ mà không hề hay biết.

     
                     Tỷ lệ bệnh viêm gan A trên thế giới
Các thức ăn, nước uống, cũng như bát đũa, dao thìa tại những quầy bán rong thiếu vệ sinh có thể là nguyên nhân chính đưa đến sự lan tràn bệnh viêm gan A (và E) một cách tự do và nhanh chóng. Tuy nhiên, ngay cả trên nước Mỹ, bệnh viêm gan A tái phát từng chu kỳ như một cơn dịch (epidemic), thông thường cứ 10 năm một lần. Gần đây nhất là vào năm 1995, trên toàn nước Mỹ đã có hơn trăm ngàn người phải chữa bệnh do dịch viêm gan A mang lại trong vòng một vài tháng. Giữa những cơn dịch này, bệnh viêm gan A vẫn tái xuất thường xuyên, gây bệnh tật cho gần 100,000 người mỗi năm trên nước Mỹ. Bệnh lan tràn dễ dàng hơn từ nước này qua nước nọ, từ lục địa này qua lục địa kia, nhờ vào phương tiện di chuyển nhanh chóng và tối tân hiện nay.

Bản đồ sau đây cho thấy những tiểu bang Hoa Kỳ với những tỷ lệ của bệnh viêm gan A. Các tiểu bang như Arizona, Alaska, Oregon, New Mexico, Utah, Washington có tỷ lệ bệnh viêm gan A cao nhất nước Mỹ, với khoảng 30 đến 48 bệnh nhân trong 100,000 người, mỗi năm.
        
Số năm được báo cáo là có nhiều hơn 10 bệnh nhân viêm gan A cấp tính trên tổng số 100,000 người.

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN A

Vi khuẩn viêm gan A chỉ gây sưng gan cấp tính (acute inflammation) chứ không tạo nên những biến chứng lâu dài, như sơ gan (fibrosis), chai gan (cirrhosis), hoặc ung thư gan (cancer), như vi khuẩn viêm gan B, C, và D.

Triệu chứng của bệnh viêm gan A có thể thay đổi tùy theo lứa tuổi của bệnh nhân khi bị lây bệnh. Càng trẻ tuổi chừng nào, bệnh càng nhẹ chừng nấy. Hơn 80% trẻ em dưới 2 tuổi, khi bị lây, thường không có bất cứ một triệu chứng nào. Ngược lại hơn 80% bệnh nhân lớn hơn 6 tuổi sẽ bị bệnh viêm gan A “hành hạ” với những triệu chứng tiêu biểu từ rất nhẹ đến rất nặng. Càng lớn tuổi chừng nào, các triệu chứng của bệnh viêm gan A càng nặng chừng nấy. Và tùy theo sức khỏe của mỗi cá nhân bệnh có thể phát triển thành một trong 5 trường hợp sau đây:

1) Viêm gan thầm lặng (asymptomatic)
2) Viêm gan tiêu biểu (classical hepatitis)
3) Viêm gan với vàng da kinh niên (cholestatic)
4) Viêm gan tái phát nhiều lần (relapsing)
5) Viêm gan ác tính (fulminant hepatitis)

VIÊM GAN THẦM LẶNG

Ðây là trường hợp của hầu hết các thiếu nhi khi bị lây bệnh viêm gan A. Tuy vi khuẩn sinh sôi nẩy nở nhanh chóng trong cơ thể, các bé này vẫn tiếp tục chơi đùa vui vẻ và vì thế, có thể lây bệnh của mình cho những người chung quanh một cách dễ dàng. Ðây cũng là lý do mà hầu hết tất cả chúng ta, nếu sinh trưởng tại quê nhà đã từng bị lây bệnh trong quá khứ mà không hề hay biết. Ðến khi đi thử máu định kỳ mới biết là mình đã có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A.

VIÊM GAN TIÊU BIỂU

Thường từ 15 đến 50 ngày (trung bình khoảng 28 ngày) sau khi bị lây, bệnh nhân đang khỏe mạnh bỗng dưng cảm thấy khó chịu, nóng sốt một cách đột ngột. Bệnh phát triển nhanh chóng trong vòng 24 tiếng kèm theo những triệu chứng như buồn nôn khó chịu, đau bụng, biếng ăn, tiêu chảy, đau nhức khớp xương, xuống ký. Một số bệnh nhân da và mắt trở nên vàng. Nước tiểu trở nên đậm mầu.  Hơn 90% bệnh sẽ kéo dài từ một vài ngày đến một vài tuần lễ, rồi tự nhiên không cần thuốc men gì đặc biệt bệnh cũng từ từ giảm dần trong một vài tuần kế tiếp. Triệu chứng đôi khi rất nhẹ và mơ hồ nên có thể bị nhầm lẫn với những cơn cảm cúm sơ sài. Bệnh thường không hề gây trở ngại gì đáng kể trong công ăn, việc làm hàng ngày của người có bệnh. Khác với viêm gan B và C, bệnh viêm gan A không bao giờ đưa tới viêm gan mãn tính, và sẽ không bao giờ gây ra bệnh chai gan và ung thư gan.  Nếu thử máu trong thời gian vàng da (jaundice), năng chất của gan như chất ALT sẽ tăng rất cao trong một thời gian ngắn như hình vẽ dưới đây:
                    
Viêm gan A tiêu biểu (classical hepatitis A). Trường hợp này xẩy ra thường xuyên nhất. Sau khoảng 8 tuần lễ năng chất của gan trở lại hoàn toàn bình thường.

Viêm gan với vàng da kinh niên

Trong trường hợp này, bệnh nhân cũng bắt đầu bằng những triệu chứng tiêu biểu kể trên. Nhưng da và mắt của họ vẫn tiếp tục bị vàng, mặc dầu năng chất gan dần dần bình thường hóa trở lại. Sự vàng da kinh niên này có thể kéo dài từ một đến 3 tháng. Bệnh nhân thường “trong tươi, ngoài héo”, ngược lại của “trong héo, ngoài tươi”. Tuy bề ngoài rất vàng vọt, họ có thể cảm thấy mỗi ngày một khỏe hơn. Tuy trông họ rất bệnh tật, vi khuẩn viêm gan A đã không còn tăng trưởng trong cơ thể của họ nữa. Vì thế họ không còn khả năng truyền bệnh cho người khác nữa. Kém may mắn thay, vì thiếu hiểu biết, những bệnh nhân này thường bị cô lập hóa và bị “nhốt” trong nhà, sống một cách biệt lập.
              
Viêm gan A với vàng da kinh niên: Bệnh nhân tiếp tục bị vàng da, mặc dầu năng chất của gan trở lại gần như bình thường.

Viêm gan tái phát nhiều lần

Khoảng 10% bệnh nhân viêm gan A sẽ bị tái phát nhiều lần (relapsing hepatitis). Sau khi tưởng bệnh đã lành, bệnh nhân bỗng dưng bị bệnh trở lại kèm theo những triệu chứng tiêu biểu kể trên kéo dài thêm một vài tuần lễ. Bệnh có thể tái phát một vài lần nữa trước khi hoàn toàn biến mất. Trong một số trường hợp bệnh nhân chỉ cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lực, chóng mệt, dễ kiệt sức, kém ăn, xuống ký trong vòng nhiều ngày tháng. Khi thử máu, chất ALT tăng lên rồi bình thường hóa trở lại theo từng chu kỳ một. Như những trường hợp kể trên, bệnh từ từ hoàn toàn biến mất và không để lại bất cứ một triệu chứng gì lâu dài.
             
Viêm gan tái phát nhiều lần: Phân hóa tố ALT tăng cao nhiều lần, mặc dầu bệnh nhân không còn vàng da nữa.

Viêm gan ác tính

Khoảng 0.3% bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái này. Tuy hiếm hoi, nhưng một khi xẩy ra bệnh nhân có thể thiệt mạng một cách nhanh chóng. Trường hợp này thường đến với bệnh nhân lớn tuổi mang sẵn trên người nhiều bệnh tật kinh niên khác.

Tóm lại, tuy vi khuẩn viêm gan A được xem là vi khuẩn “hiền” nhất so với các loại vi khuẩn viêm gan khác, mỗi năm trên nước MỹÔ khoảng 100 người thiệt mạng vì bệnh viêm gan A. Hơn nữa, tuy đa số bệnh nhân có thể tự phục hồi một cách nhanh chóng, một số bệnh nhân kém may mắn hơn (từ 11 đến 22%) phải nhập viện để chữa trị với chi phí từ $1,817 đến $2,459 cho mỗi bệnh nhân.

CÁCH ÐỊNH BỆNH VIÊM GAN A

Thử máu vẫn là phương pháp duy nhất để định bệnh viêm gan. Trong thời gian cấp tính, kháng thể HAV-IgM sẽ tăng cao. Nếu dưới kính hiển vi điện tử, người ta có thể nhận diện được hình thù của vi khuẩn viêm gan A trong máu và phân. Các vi khuẩn này chỉ trong một thời gian ngắn sẽ bị cơ thể tiêu diệt hoàn toàn, và bệnh nhân sẽ được miễn nhiễm suốt đời. Người được miễn nhiễm (immune) bệnh viêm gan A, sẽ có một số kháng thể (gọi là HAV-IgG) di chuyển khắp nơi trong cơ thể. Các kháng thể này sẽ là những “cảm tử quân” bảo vệ chúng ta trước sự xâm nhập của vi khuẩn viêm gan A.

Họa đồ sau đây cho thấy, một khi hồi phục, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể chống lại bệnh viêm gan A gần như suốt đời:

  
Một khi lành bệnh, kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A (HAV-IgG) sẽ dương tính suốt đời.

CÁCH CHỮA BỆNH VIÊM GAN A

THUỐC UỐNG:

Trong quá khứ nhiều loại thuốc như methionine, choline, chất cốt từ gan (liver extract), thuốc Cortisol, kích thích tố nữ Estrogen, Amatandine v.v. đã được thử nghiệm trong việc chữa trị bệnh viêm gan A cấp tính. Gần đây nhất, một số thuốc mới với khả năng tàn phá các vi khuẩn loại DNA và RNA trên nhiều phương diện khác nhau cũng được thí nghiệm.

Thí dụ điển hình như Ribavirin, Isoprinosine, Levamisole, v.v. Tiếc thay cho tới nay, vẫn chưa có một phương pháp cũng như thuốc men nào khả quan và hữu hiệu có thể rút ngắn thời gian lành bệnh, một khi vi khuẩn viêm gan A đã xâm nhập vào cơ thể người bệnh.

GAMMA GLOBULIN

Ðây là chất đề kháng lấy từ huyết tương của người khác để truyền thẳng vào máu bệnh nhân. Thuốc chỉ hiệu nghiệm nếu được truyền vào máu trước khi bệnh nhân tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan A hoặc trong vòng 2 tuần lễ sau khi bị lây bệnh. Vì thế, thuốc này được dùng để ngừa bệnh hơn là chữa bệnh. Tuy nhiên chất đề kháng này tương đối mắc tiền và có thể mang lại nhiều phản ứng phụ trầm trọng.

DƯỢC THẢO:

Một số dược thảo được bầy bán trên thị trường với dụng ý chữa trị các bệnh viêm gan cấp tính và kinh niên. Như đã trình bày trong chương Dinh Dưỡng cho Người Bệnh Viêm Gan, đa số các thuốc này chưa được kiểm chứng bởi FDA. Hơn nữa, vì một số dược thảo có thể hại đến gan, nên xin quý vị thận trọng khi uống bất cứ một thứ thuốc gì trong thời gian viêm gan cấp tính này. Ðể biết thêm chi tiết về một số dược thảo, quý vị có thể tham khảo với National Center for Complementary and Alternative Medicine Clearing House qua các địa chỉ sau đây: E-mail: nccamc@altmedinfo.org. Ðiện thoại miễn phí: 1-888-644-6226.

TỊNH DƯỠNG:

Một số người cho rằng bệnh nhân viêm gan A cấp tính nên nghỉ ngơi và không nên làm việc quá nặng nhọc. Họ nên thay đổi cách thức ăn uống trong một thời gian ngắn. Nên tránh những thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Nên tẩm bổ với những thức ăn và nước uống chứa nhiều chất đường (sugar) hoặc chất bột (starch). Nên ăn khoảng 3,000 đến 4,000 calories mỗi ngày, trong thời gian bị bệnh. (Trung bình chúng ta chỉ cần khoảng 1.800 đến 2.200 calories mỗi ngày, tùy theo tuổi tác và nghề nghiệp cũng như phái giới.)
Ngược lại, một số bác sĩ tin rằng, bệnh nhân viêm gan cấp tính không bắt buộc phải nằm nghỉ một chỗ. Họ có thể tiếp tục hoạt động như thường lệ. Nhưng tránh những công việc quá nặng nhọc, nhất là đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc kém cường tráng. Nếu không bị buồn nôn, họ có thể tiếp tục ăn uống bình thường và không cần kiêng cữ thức ăn nhiều dầu mỡ. Ðể biết thêm chi tiết xin đọc bài Dinh Dưỡng cho Người Bệnh Viêm Gan.

“ÐAU ÐÂU CHỮA ÐÓ” (SYMPTOMATIC TREATMENT)

Như những bệnh cảm cúm thông thường, đa số những bệnh viêm gan A không cần chữa tự nhiên cũng hết. Nếu cần, quý vị có thể dùng một số thuốc như Tylenol khi bị đau nhức, Pepto-bismol, Imodium nếu bị tiêu chảy, hoặc thuốc nhét hậu môn (suppositories) như Tigan, Compazine, v.v., trong lúc nôn ói.  Tuy nhiên, quý vị chỉ nên dùng thuốc trong những trường hợp bất khả kháng mà thôi. Càng ít chừng nào, càng tốt chừng nấy. Uống thuốc khi gan đang bị viêm cấp tính không khác hơn là “châm dầu vào lửa”.  Tuyệt đối không được uống thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc thuốc có chứa chất rượu. Những phương pháp cổ truyền như đấm bóp (massage), ấn huyệt (acupressure), xoa dầu nóng, cạo gió (coin rubbing), xông hơi (steam bath), châm cứu (acupuncture) nếu được ứng dụng đúng cách có thể thuyên giảm một số triệu chứng như đau nhức, khó chịu, buồn nôn, ói mửa, v.v. mà không gây ảnh hưởng xấu đến lá gan. Hãy tham khảo kỹ lưỡng với bác sĩ của mình mỗi lần dùng các loại thuốc khác nhau, ngay cả khi uống các loại dược thảo.

NHẬP VIỆN:

Nếu bệnh nhân bị đau bụng, buồn nôn, ói mửa liên tục và không ăn uống được; họ cần nhập viện để chữa trị. Thuốc men và thức ăn sẽ được truyền qua đường nước biển, giúp cơ thể của họ chóng phục sức hơn.  Nếu gan bị tàn phá một cách quá mãnh liệt như trong trường hợp viêm gan ác tính (fulminant hepatitis), bệnh nhân cần được chuyển về những trung tâm y khoa đại học để được ghép gan (liver transplant). Tóm lại, cách thức chữa bệnh viêm gan A cấp tính thay đổi theo từng trường hợp, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân và cũng như kinh nghiệm hành nghề của người y sĩ. Vì bệnh viêm gan A dễ lây nhất trong thời gian TRƯỚC khi phát bệnh, nên bệnh có thể lây lan rất nhanh. Một khi bệnh nhân đã có những triệu chứng như vàng da, bệnh không còn lây nữa. Vì thế, họ không cần phải nằm riêng biệt trong những phòng đóng kín. Như viết ở trên, viêm gan A không gây ra bệnh viêm gan kinh niên và không đưa đến chai gan hoặc ung thư gan.

CHÍCH NGỪA VIÊM GAN A

Chích ngừa (vaccination) là cách thức bảo vệ cơ thể chúng ta không bị lây bệnh truyền nhiễm. Hiện nay trên nước Mỹ, với những cuộc vận động chích ngừa viêm gan A qui mô hơn, người ta hy vọng sẽ đạt được 3 mục tiêu sau đây: a) bảo vệ người được chích không bị lây bệnh, b) giảm thiểu sự bành trướng của bệnh bằng cách ngăn cản sự truyền bệnh (transmission), và c) diệt trừ hoàn toàn căn bệnh (complete elimination).

AI CẦN CHÍCH NGỪA VIÊM GAN A?

Trong nhiều năm vừa qua, bệnh viêm gan A giảm dần trên nước Mỹ. Phần lớn là nhờ vào cải tiến hệ thống cầu cống, thủy nông cũng như nâng cao mức sống trên mọi phương diện. Nhà cửa rộng rãi và vệ sinh hơn, thành phố đỡ chen chúc hơn, sông hồ đỡ ô uế hơn, thực phẩm được kiểm soát kỹ lưỡng hơn, v.v. Tuy thế, viêm gan A vẫn tiếp tục là một trong những mối ưu tư của bộ y tế Hoa Kỳ. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật (Centers for Disease Control and Prevention viết tắt là CDC) khuyên rằng những người sau đây nên chích ngừa viêm gan A:
1) Tất cả các trẻ em lớn lên từ các tiểu bang có tỷ lệ bệnh viêm gan A cao hơn bình thường như Arizona, Alaska, Oregon, New Mexico, Missouri, Texas, Utah, Washington, Arkansas.

2) Các trẻ em lớn lên trong những cộng đồng hoặc địa phương với tỷ lệ viêm gan A cao hơn bình thường. Ðiều này có nghĩa là các con em chúng ta đang sống trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, cần được chích ngừa bệnh viêm gan A. Thông thường nên chích cho các em từ 2 tuổi trở lên.

3) Tất cả những du khách hoặc nhân viên làm việc thường trú tại những nước có tỷ lệ viêm gan cao hoặc tương đối cao. Nếu dựa theo bản đồ thế giới hình số 2-2, trang số 4, trong đó có tất cả các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La-tin, phía đông Châu Âu v.v. Khi chích thuốc, cần phải chích ít nhất 4 tuần lễ trước khi đi du lịch.

4) Người Việt Nam trưởng thành tại quê nhà, có lẽ đã bị lây bệnh trong quá khứ, nên đã được miễn nhiễm. Nhưng nếu trong máu chưa có chất kháng thể HAV-IgG, họ nên chích ngừa để tránh bị lây bệnh. Những trẻ em trưởng thành tại Hoa Kỳ, không cần thử kháng thể HAV-IgG trước khi đi chích ngừa.

PHƯƠNG PHÁP CHÍCH NGỪA:

Có hai phương thức chích ngừa:

1) Chích ngừa chủ động (active vaccination): chích thuốc để huấn luyện cơ thể chúng ta cách thức tự chế tạo ra kháng thể (Immune Globulin, viết tắc là IG).
2) Chích ngừa thụ động (passive vaccination): hóa giải vi khuẩn bằng kháng thể (IG) của người khác. Ðây là phương pháp chích ngừa tạm thời mà thôi.

CHÍCH NGỪA CHỦ ÐỘNG

Hiện nay có 2 loại thuốc chích ngừa viêm gan A: thuốc HAVRIX của hãng SmithKline và VAQTA do hãng Merck bào chế. Tuy cách thức chế tạo không hoàn toàn giống nhau, 2 loại thuốc này đều rất công hiệu. Thuốc được dùng cho bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên. Thông thường chỉ cần chích 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 6 đến 12 tháng. Khoảng 94% đến 100% bệnh nhân sẽ được miễn nhiễm một tháng sau mũi chích đầu tiên. Nếu được chích thêm mũi thứ 2, kết quả sẽ tốt đẹp hơn và sự miễn nhiễm sẽ kéo dài lâu hơn. Có lẽ ít nhất là 7 đến 8 năm trở lên, nếu không muốn nói là suốt đời. Sau khi được chích ngừa, bệnh nhân không cần phải thử máu để xem có kháng thể hay chưa.

HAVRIX

Tuổi tác Số lần chích Thời gian chích Số lượng thuốc
Trẻ em từ
2 đến 18 tuổi
2 lần 0 và 6 – 12 tháng 720 ELISA đơn vị
3 lần 0, 1 và 6 – 12 tháng 360 ELISA đơn vị
Người lớn > 18 tuổi 2 lần 0 và 6 – 12 tháng 1440 ELISA đơn vị

VAQTA

Tuổi tác Số lần chích Thời gian chích Số lượng thuốc
Trẻ em từ
2 đến 17 tuổi
2 lần 0 và 6 – 12 tháng 25 đơn vị
Người lớn > 17 tuổi 2 lần 0 và 6 – 12 tháng 50 đơn vị
Vì cơ thể cần thời gian để học hỏi cách thức chế tạo kháng động tố, bệnh nhân phải chích ngừa ít nhất là 4 tuần lễ trước khi đi du lịch đến những nước với tỷ lệ bệnh viêm gan A rất cao. Nếu bắt buộc phải đi gấp, họ nên chích ngừa bằng phương pháp thụ động.

CHÍCH NGỪA THỤ ÐỘNG

Ðây là cách thức chích ngừa cấp tốc, khi bệnh nhân cần được bảo vệ ngay lập tức hoặc cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trong phương pháp này một ít chất đề kháng (Immune Globulin) sẽ được chích thẳng vào mạch máu hoặc bắp thịt. Tôi thường chích vào vai (deltoid) hoặc chích mông (gluteal) hơn là chích thẳng vào mạch máu. Số lượng thuốc là 0.02 ml/kg. Chất đề kháng được bào chế từ huyết tương (plasma) của nhiều người hiến máu khác nhau. Nhưng nhờ vào kỹ thuật bào chế tối tân, thuốc trở nên rất tinh khiết và chưa hề lây bệnh truyền nhiễm cho bất cứ một ai.

Thuốc chích ngừa được xem là rất an toàn, nên ngay cả những người mẹ trong lúc thai ngén hoặc khi cho con bú vẫn có thể chích được. Chỉ trong một ít trường hợp kém may, một số bệnh nhân có thể bị một vài phản ứng phụ hoặc biến chứng như đau nhức, nổi ngứa, ngất xỉu, v.v. Ðiều này hiếm khi xẩy ra.

Phương pháp chích ngừa này được ứng dụng cho những trường hợp sau đây:

a) Sau khi tiếp xúc với người có bệnh, như trong những trường hợp bệnh viêm gan A bộc phát tại các trường học hay vườn giữ trẻ (Kindergarden).
b) Du lịch đến những nước dễ lây bệnh trong vòng một tháng.
Cả 2 trường hợp kể trên, nếu bệnh nhân trên 2 tuổi nên chích thêm thuốc Havrix hoặc VAQTA.

NHỮNG CÁCH THỨC PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM GAN A

Nếu chưa được chích ngừa, hoặc nếu quý vị chưa có kháng thể chống vi khuẩn viêm gan A, quý vị nên để ý những điều sau đây:
1) Rửa tay bằng xà-bông trước và sau mỗi lần dùng nhà cầu hoặc thay tã cho con em.
2) Rửa tay cẩn thận trước khi và sau khi ăn cũng như làm bếp.
3) Các bát đĩa của bệnh nhân phải được rửa sạch sẽ.
4) Tránh quan hệ tình dục với người bệnh viêm gan A (trong thời gian ủ bệnh).
Tóm lại, viêm gan A là một bệnh rất dễ lây, nhưng không gây ra viêm gan kinh niên. Bệnh tuy “hiền” hơn viêm gan B, C và D, bệnh cũng có thể trở thành ác tính. Nếu không nguy hiểm, bệnh cũng có thể làm những ngày tháng du lịch của chúng ta trở nên kém vui. Tất cả chúng ta nếu chưa được miễn nhiễm, nên chích ngừa càng sớm càng tốt. Khi được miễn nhiễm, đề kháng HAV-IgG sẽ dương tính. Một số bệnh nhân vẫn hiểu lầm là họ đang bị bệnh viêm gan A khi thấy trong máu của mình có chất đề kháng này.

BỆNH VIÊM GAN B

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Trên thế giới có khoảng 2 tỷ người bị nhiễm trùng và khoảng 400 triệu người đang bị bệnh viêm gan B kinh niên, trong đó sẽ có khoảng 250 ngàn người thiệt mạng mỗi năm.
  • Một trong 6 đến 7 người Việt Nam đang bị nhiễm vi khuẩn viêm gan B. Một trong 20 công dân Hoa Kỳ bị nhiễm vi khuẩn viêm gan B.
  • Vi khuẩn viêm gan B là nguyên nhân thường xuyên nhất đưa đến chai gan và ung thư gan trong cộng đồng người Việt.
  • Hơn 80% phụ nữ Á Châu trong thời kỳ sanh đẻ đã và đang bị nhiễm trùng với vi khuẩn viêm gan B, và vì thế có thể lây bệnh của mình cho bé sơ sinh một cách dễ dàng.
  • Bệnh cũng lây qua máu và kim chích cũng như vấn đề sinh lý.
  • Ðã có thuốc chích ngừa viêm gan B rất hiệu nghiệm.
  • Bệnh có thể chữa trị bằng thuốc uống hoặc thuốc chích dưới da.
  • Bệnh sẽ bị nặng hơn, nếu cùng một lúc bệnh nhân bị nhiễm trùng bởi nhiều loại vi khuẩn viêm gan khác nhau.
  • Rượu, bia và một số thuốc men trong đó có dược thảo có thể làm gan chai lẹ hơn.
Nếu không chữa đúng cách và kịp thời, bệnh viêm gan B kinh niên có thể đưa đến chai gan hoặc/và ung thư gan.  
Viêm gan B là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm gan cấp tính (acute hepatitis), kinh niên (chronic active hepatitis), chai gan (liver cirrhosis) và ung thư gan (liver cancer). Tuy thuốc chích ngừa viêm gan B đã có từ hơn 20 năm qua, bệnh vẫn tiếp tục lan tràn khắp nơi trên thế giới, với tỷ lệ từ 0.1% đến 25% tổng số dân chúng tùy theo địa danh. Hiện nay, trên toàn cầu có ít nhất 2 tỷ người (nghĩa là một trong 3 người) đang mang trên người vi khuẩn viêm gan B và trong số đó có khoảng 400 triệu người đang bị viêm gan B kinh niên và trong số này sẽ có ít nhất 250 ngàn người thiệt mạng mỗi năm.

Việt Nam là một trong những nước với tỷ lệ viêm gan B cao nhất thế giới. Dựa theo thống kê đăng tải trên Current Probl. Cancer 6, một trong 4 người Việt đang nhiễm vi khuẩn viêm gan B (nghĩa là khoảng 25% tổng số dân chúng có thể lây bệnh của mình cho người khác, mà không hề hay biết). Theo một trong những thống kê mới nhất thì tỷ lệ người mang bệnh là khoảng 17%. Tuy trong những năm vừa qua, khi chích ngừa bệnh viêm gan B tại Việt Nam được ứng dụng một cách quy mô hơn, con số bệnh nhân bị bệnh viêm gan B, chỉ thuyên giảm một cách chậm chạp. Dựa theo một nghiên cứu của Hipgrave đăng trên tờ The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (2003), trong lúc thử nghiệm khoảng 1350 dân chúng sống trong địa hạt Thanh Hóa, có khoảng 12.5% bé sơ sinh (từ 9 đến 18 tháng), 18.4% trẻ em (từ 4 đến 6 tuổi), 20.5% thanh niên, thiếu nữ (từ 14 đến 16 tuổi) và 18.8% người lớn (từ 25 đến 40 tuổi) đang bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn viêm gan B. Cũng dựa theo tài liệu này, sẽ có khoảng 15-25% bệnh nhân viêm gan B kinh niên, nghĩa là khoảng 3.5 triệu người đang sống tại Việt Nam sẽ lìa trần vì những biến chứng của bệnh này.  Ðây là một con số rất đáng ngại cho một nước xấp xỉ 100 triệu dân.

Sau đây là tổng số người Việt Nam đã bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn viêm gan B trong quá khứ. Trong số này, nhiều người đã hết bệnh và có chất đề kháng chống lại vi khuẩn viêm gan B (họ đã được miễn nhiễm). Những thống kê này cho thấy người Việt Nam đã bị lây bệnh rất nhiều trong lúc lớn lên tại quê nhà.

 
Tổng số bệnh nhân Việt Nam đã bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn 
viêm gan B, tùy theo tuổi tác và phái giới. Tài liệu của Hipgrave (2003)
Nói một cách tổng quát, tỷ lệ bệnh viêm gan B vẫn cao nhất ở các nước kém mở mang với một hệ thống y tế thô sơ. Nước càng nghèo, càng chậm tiến chừng nào, con số bệnh nhân viêm gan B càng cao chừng đó. Trong khi Trung Cộng có tỷ lệ viêm gan B là 12.2%, Nhật Bản với nền kinh tế phồn thịnh hơn chỉ có khoảng 2.6%. Ngay cả những nước chậm tiến nhất tại Phi Châu, như Mozambique, Uganda, Zambia v.v., tỷ lệ bệnh viêm gan B cũng chỉ khoảng 12 đến 14% mà thôi (nghĩa là vẫn thấp hơn tỷ lệ bệnh viêm gan B tại Việt Nam). Với tỷ lệ 0.8%, nghĩa là khoảng 1.25 triệu bệnh nhân, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có tỷ lệ bệnh viêm gan B thấp nhất thế giới.  Dựa theo thống kê  của Blumberg, Curr Probl Cancer 6(12):1 thì có hơn 24% người dân tại Việt Nam mắc bệnh viêm gan B (tức 1 trong 4 người).  Trong số người này thì có hơn 80% đã bị ung thư gan liên quan một cách trực tiếp đến vi khuẩn viêm gan B.
Nếu dựa theo bản đồ thế giới dưới đây, với tỷ lệ từ 0.1% đến 2%, các quốc gia như Hoa-Kỳ, Gia Nã Ðại, Úc, New Zealand, và một số nước Âu Châu, như Pháp, Thụy-Sĩ, Ðức v.v. có tỷ lệ bệnh viêm gan B thấp hơn các nước Á Châu rất nhiều.
           
Bản đồ thế giới dưới đây cho thấy tỷ lệ ung thư gan trên toàn thế giới. Nếu so sánh với bản đồ trên (hình số 3-1A), công dân những nước với tỷ lệ bệnh nhân viêm gan B cao sẽ dễ bị ung thư gan hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia chưa có thống kê rõ rệt về ung thư gan.
       

LỊCH SỬ CỦA VI KHUẨN VIÊM GAN B

Vào những năm 1880, một số bệnh nhân bỗng dưng bị vàng da sau khi được chích ngừa bệnh đậu mùa (small pox). Với nhận xét này, người ta tin rằng bệnh viêm gan cũng có thể lây qua máu. Lúc bấy giờ họ đưa ra một giả thuyết như sau: Có 2 loại viêm gan. Loại thứ nhất lây qua thức ăn, nước uống gây từ vi khuẩn viêm gan nhiễm độc (infectious hepatitis virus). Loại thứ hai lây qua máu từ vi khuẩn viêm gan huyết tương (serum hepatitis virus).
Nhưng mãi đến những năm 1960, người ta mới chứng minh được điều này một cách cụ thể bằng những test thử máu đặc biệt. Trong huyết tương của một số bệnh nhân viêm gan lây qua máu, người ta phát hiện được một chất kháng nguyên đặc biệt (Antigen, viết tắt là Ag), mà sau này được gọi là HBsAg.

Rồi vào năm 1970 vi khuẩn viêm gan B được nhận diện dưới kính hiển vi điện tử bởi khoa học gia Dane. Phân tử này (danh từ y khoa là Dane particle) với kích thước là 42 nm, có một vỏ bên ngoài chứa kháng nguyên HbsAg và một nhân bên trong gồm chất DNA của vi khuẩn viêm gan B và chất đạm gọi là core protein. Chất nhân đạm này có thể khám phá khi thử máu (HbcAg). Và khám phá này, đã đánh dấu một bước tiến vô cùng quan trọng trong việc định bệnh viêm gan.

                  
Vi khuẩn viêm gan B trong máu của một bệnh nhân nhìn dưới kính hiển vi điện tử. Vi khuẩn nằm trong nhiều dạng khác nhau.

ÐẶC TÍNH CỦA VI KHUẨN VIÊM GAN B

Vi khuẩn viêm gan B thuộc loại DNA trong gia đình hepadna và được xem là một trong những vi khuẩn bé nhỏ nhất hiện nay. Vi khuẩn lan tràn khắp nơi trên thế giới và có những đặc tính sau đây:

LỚP VỎ VỮNG CHẮC:

Chúng được che chở bởi một lớp vỏ rất kiên cố, nên có thể sống sót trong thiên nhiên từ năm này qua tháng nọ, mà không hề bị thay đổi. Ngay cả trong những môi trường đông lạnh như -20 độ C, chúng có thể tiếp tục giữ trạng thái nguyên vẹn trong vòng 15 năm. Nếu nhiệt độ xuống -80 độ C, chúng vẫn sống được 2 năm.   Với nhiệt độ bình thường trong nhà (room temperature) chúng có thể sống được 6 tháng. Ngay cả khi bị phơi khô trong vòng 3 đến 4 tuần lễ, vi khuẩn viêm gan B vẫn giữ nguyên khả năng tàn phá tế bào gan khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
   
ÐẶC TÍNH TĂNG TRƯỞNG (replication) va XÁP NHẬP NHIỄM THỂ (integration):  Gan là mục tiêu chính của vi khuẩn viêm gan Bợ. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ đi thẳng vào từng tế bào của gan và sinh trưởng rất nhanh chóng. Với đặc tính vi khuẩn hóa, chúng sẽ trưng dụng và điều khiển “nhân công” của tế bào gan một cách triệt để. Sau đó, chúng dần dần chiếm lấy chủ quyền và từ đó phát huy nhiều mệnh lệnh liên tục. Sự thay đổi sở hữu chủ này có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại sau này. Không những chỉ “xâm nhập gia cư” một cách bất hợp pháp, chúng còn có thể trà trộn với chất DNA của tế bào gan, thay đổi đặc tính di truyền của “chủ nhà” một cách ngang nhiên. Sự xáp nhập nhiễm thể này được thấy rõ ràng nhất ở các tế bào ung thư gan gây ra từ bệnh viêm gan B kinh niên.

CÁCH KHỬ TRÙNG

Vi khuẩn viêm gan B có thể bị tiêu diệt một cách dễ dàng nếu được đun sôi 100 độ C trong vòng 1 đến 5 phút, hoặc sát trùng bằng Glutaraldehyde, Chloroform hoặc formalin. Ngược lại, tia cực tím (Ultraviolet radiation), chất ether cũng như alcohol không đủ mạnh để hủy hoại chúng.

AI CÓ THỂ BỊ VIÊM GAN B?

Vì đây là bệnh truyền nhiễm, nên tất cả chúng ta ai ai cũng có thể bị. Vi khuẩn viêm gan B được tìm thấy trong máu, mồ hôi, nước bọt, nước mắt cũng như nước tiểu và tinh dịch của bệnh nhân. Bệnh thường lây trực tiếp từ người này qua người kia. Dễ dàng nhất là qua máu và tinh dịch. Nhưng chung đụng đời sống hằng ngày như trong lúc va chạm mồ hôi nước mắt của người bệnh cũng có thể bị lây. Tuy một ít vi khuẩn được tìm thấy trong nước bọt của bệnh nhân viêm gan B, lây bệnh trong lúc ăn uống hoặc chấm chung chén nước mắm với người có bệnh có lẽ chỉ xẩy ra trên lý thuyết mà thôi. Cho tới nay chưa ai bị lây bệnh viêm gan B trong lúc ăn uống chung với người có bệnh.

1) LÂY QUA MÁU:

Trong quá khứ, tiếp máu (blood transfusion) là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm gan B. Nhất là vào những năm 1960, khi hiến máu được trả tiền thù lao, nhiều người nghiện ngập, đã đổi máu lấy tiền mua thuốc cần sa. Trong những năm này, hơn 50% bệnh nhân đã bị bệnh viêm gan B, sau khi được truyền máu. Vì trong máu của người bệnh chứa đựng cả trăm ngàn vi khuẩn viêm gan B, nên chỉ cần một giọt máu rất nhỏ xâm nhập vào cơ thể của chúng ta là đủ để lây bệnh.

Ngày nay với những phương pháp thử máu chính xác, truyền máu trở nên rất an toàn. Chỉ 1 trong 63.000 đơn vị máu mới có một túi máu bị nhiễm khuẩn.

2) LÂY QUA DỤNG CỤ THIẾU VỆ SINH:

Tương tự như trường hợp của bệnh viêm gan C, một số người Việt có thể đã bị lây từ những kim chích hoặc dụng cụ y-khoa ô nhiễm, khử trùng không đúng cách.

Một ít vi khuẩn viêm gan B cũng có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta trong lúc châm cứu (acupuncture), xâm mình (tattoo), xỏ tai (ear piercing), cạo gió (coin rubbing), lể (skin punct-ure) với những dụng cụ dơ bẩn, nhiễm trùng.

Tại Hoa Kỳ, những người nghiện cần sa thường dùng kim chích của nhau, nên lây bệnh cho nhau dễ dàng và nhanh chóng. Dùng chung đồ cạo râu, tông đơ cắt tóc hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể bị lây bệnh.

3) LÂY QUA ÐƯỜNG SINH LÝ:

Ðây là cách thức lây bệnh thường xuyên và quan trọng nhất tại Hoa Kỳ, nhất là ở những lứa tuổi dậy thì. (Trên phương diện này, cách thức lây bệnh của bệnh viêm gan B và bệnh AIDS hoàn toàn giống nhau, nghĩa là qua máu và qua vấn đề sinh lý). Một ít vi khuẩn viêm gan B trong tinh dịch (sperm) cũng như tiết dịch âm đạo (vaginal discharge) có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta trong lúc giao cấu với người có bệnh. Vì bệnh viêm gan B thường không có triệu chứng gì cả, nên những người bạn tình này tiếp tục vô tình truyền bệnh của mình cho người khác một cách nhanh chóng và dễ dàng. Vì bệnh có thể lây qua đường sinh lý, nên nếu quý vị chưa có kháng thể chống bệnh viêm gan B, quý vị nên đeo bao cao su (condoms) trong lúc giao hợp với người có bệnh. Trong trường hợp lỡ ăn nằm với người có bệnh mà quên không dùng bao cao su, quý vị nên liên lạc với bác sĩ gia đình của mình để được chích ngừa (post-exposure vaccination). Tuy nhiên, phương pháp chích ngừa này vừa đau đớn vừa mắc tiền, lại không toàn hảo.

4) LÂY TỪ MÁU CỦA MẸ TRONG LÚC RA ÐỜI:

Ðây là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm gan B tại các nước Á Châu. Ít nhất 90% người Việt Nam viêm gan B kinh niên đã bị lây bệnh từ mẹ khi vừa mới ra đời. Tỷ lệ lây bệnh trong lúc hạ sanh lệ thuộc vào tỷ số vi khuẩn viêm gan B di chuyển trong máu của người mẹ. Khi thử chất HBeAg, người ta có thể tiên đoán được xác xuất lây bệnh từ mẹ sang con. Nếu dương tính, khoảng 70% đến 90% bé sơ sinh sẽ bị lây bệnh. Con số này giảm xuống khoảng 10% đến 40% nếu người mẹ không có chất HBeAg trong máu.

Vì thế, đây là một trong những lãnh vực y tế quan trọng nhất cần được cải thiện và tân tiến hóa một cách cấp bách và triệt để, hầu thuyên giảm nạn viêm gan B, đã và đang lan tràn khắp nơi trên quê hương chúng ta. Tại Hoa Kỳ, tất cả các phụ nữ trong lúc thai nghén đều được truy tầm bệnh viêm gan B. Nếu người mẹ có vi khuẩn viêm gan B, các bé sơ sinh sẽ được chích ngừa ngay lập tức khi vừa mới chào đời (post-exposure vaccination). Thông thường bé sẽ được chích 2 mũi thuốc khác nhau. (Xin xem phần chích ngừa viêm gan B). Nhờ thế, đa số các em sẽ thoát được căn bệnh hiểm nghèo này.

Tiếc thay, khoảng 10% đến 15% các bé sơ sinh kém may mắn hơn, tuy đã được chích ngừa hẳn hoi và đúng theo sách vở vẫn bị lây bệnh trong lúc ra đời từ người mẹ có bệnh viêm gan B. Tương tự như viêm gan C, sanh đẻ tự nhiên hoặc giải phẫu lấy con (C-section) đều có tỷ lệ lây bệnh tương tự như nhau. Bé sẽ dễ bị lây bệnh hơn, nếu trong máu của người mẹ chứa đựng nhiều vi khuẩn viêm gan B.

5) LÂY QUA NHỮNG VẾT TRẦY TRỤA, NỨT NẺ TRÊN DA:

Như viết ở trên, vì vi khuẩn viêm gan B được tìm thấy khắp nơi trên cơ thể bệnh nhân, nên chúng ta có thể bị lây bệnh trong lúc sống chung với họ. Các vi khuẩn viêm gan B trong mồ hôi, nước mắt có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua những kẽ hở trên da khi chúng ta bị trầy trụa, té ngã. Trong thiên nhiên, vi khuẩn viêm gan có thể giữ nguyên trạng thái nhiễm trùng trong một thời gian lâu dài như đã viết ở trên, nên một số dụng cụ đồ đạc và vật dụng công cộng và ngay cả các đồ chơi trẻ em có thể bị ô nhiễm. Trong lúc va chạm với những vi khuẩn này, chúng có thể theo các vết khô nứt trên da đi thẳng vào máu mà chúng ta không hề hay biết.

6) LÂY QUA CÔN TRÙNG:

Khi người bệnh viêm gan B bị muỗi đốt, một số vi khuẩn có thể tích trữ trong bao tử của muỗi. Những vi khuẩn này sẽ theo ngòi chích truyền qua người bị muỗi cắn kế tiếp. Ngoài ra, ruồi muỗi cũng có thể chuyên chở vi khuẩn viêm gan B từ chỗ này sang chỗ khác. Chúng có thể làm ô nhiễm thức ăn và nước uống. Khi nuốt những vi khuẩn trong thức ăn bị ô nhiễm này, chúng ta có thể bị lây bệnh viêm gan B. Hai điều kể trên có lẽ cũng chỉ đúng trên lý thuyết mà thôi. Trên thật tế, người ta vẫn chưa có bằng chứng nào cụ thể để chứng minh rằng viêm gan B có thể lây qua thức ăn hoặc côn trùng.

Tóm lại, bệnh viêm gan B dễ lây nhất qua máu, kim chích thiếu khử trùng và qua đường sinh lý. Bệnh cũng có thể truyền qua mồ hôi và nước bọt, nhưng điều này khó xẩy ra hơn.

ÐỊNH BỆNH VIÊM GAN B

1) THỬ MÁU:

Thử máu là phương pháp duy nhất để định bệnh viêm gan B. Khi thử máu tổng quát, khả năng làm việc của gan có thể được suy đoán qua những chất hóa học như ALT, AST, Albumin, PT/PTT, v.v. Nhưng để định bệnh viêm gan B, người y sĩ sẽ phải thử một số test máu rất đặc biệt. Vì những cuộc thử nghiệm này rất chuyên môn và việc chuẩn đoán bệnh lý dựa trên những kết quả khảo sát này rất rắc rối và phức tạp, nên phần trình bầy sau đây chỉ dành cho những đọc giả với một trình độ hiểu biết rộng rãi về y khoa.

a) HBsAg (thay thế cho danh từ Australian Antigen):
Ðây là cuộc thử nghiệm máu quan trọng và chính yếu nhất để khám phá ra bệnh viêm gan B. HBsAg là kháng nguyên mặt ngoài của vi khuẩn viêm gan B viết tắt từ Hepatitis B surface Antigen. Nếu dương tính, cơ thể đang bị nhiễm trùng. Chất HBsAg sẽ tăng nhanh từ 1 đến 10 tuần lễ sau khi bị lây bệnh. Nếu cơ thể có khả năng tự chữa bệnh, HBsAg sẽ từ từ giảm dần và hoàn toàn biến mất trong vòng 4 đến 6 tháng. Nếu chất HBsAg không biến đi và tiếp tục kéo dài hơn 6 tháng, bệnh không hết và bước sang giai đoạn nguy hiểm hơn: viêm gan B kinh niên (chronic hepatitis).
b) HBsAb (cũng được gọi là Anti-HBs)
Ðây là kháng thể chống lại kháng nguyên mặt ngoài, viết tắt từ chữ Hepatitis B surface Antibody. Với kháng thể này, cơ thể đã có vũ khí chống lại vi khuẩn viêm gan B. Nói một cách khoa học, chúng ta đã được miễn nhiễm (immune). Tiếc thay, điều này không hoàn toàn giản dị như vậy. Trong thiên nhiên, có nhiều loại vi khuẩn viêm gan B khác nhau. Tùy theo mẫu tín hiệu (codon) trên nhiễm thể DNA, vi khuẩn viêm gan B sẽ được phân chia thành 6 di truyền hình (genotypes) và 4 tiểu loại (subtypes) chính.

Ðể tiêu diệt mỗi một loại vi khuẩn, cơ thể chúng ta cần một loại vũ khí khác nhau. May mắn thay, đa số bệnh nhân một khi đã được miễn nhiễm, chất HBsAb của họ sẽ có khả năng tiêu diệt tất cả các loại viêm gan B kể trên. Chỉ trong 25% bệnh nhân còn lại, chất kháng thể của họ chỉ đủ sức hóa giải một vài loại vi khuẩn viêm gan B trong cơ thể mà thôi. Vì thế, những người này tuy là có vào trong người, nhưng vẫn bị đánh đau bởi các “anh em” viêm gan B.  Trong trường hợp này, máu của bệnh nhân sẽ có cả kháng thể lẫn kháng nguyên mặt ngoài của vi khuẩn viêm gan B (HBsAb và HBsAg đều dương tính cùng một lúc). Những người này được xem là đang bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn viêm gan B, và có thể cần phải chữa trị.
c) HBcAb (cũng được gọi là Anti-HBc)
Ðây là kháng thể chống lại kháng nguyên của nhân vi khuẩn viêm gan B, viết tắt từ chữ Hepatitis B core Antibody. Người ta phân biệt 2 loại kháng thể khác nhau: IgM và IgG. HBcAb IgM tăng cao trong một thời gian ngắn khi gan bị viêm cấp tính, và được xem là kháng thể nhất thời, dương tính trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, Sau một thời gian ngắn, chất IgM này sẽ từ từ giảm dần, nhường chỗ cho kháng thể kinh niên: HBcAb IgG. IgG được xem là kinh niên vì chúng sẽ dương tính trong một thời gian lâu dài.

Ðôi khi, chất kháng thể nhất thời HBcAb-IgM tăng cao trở lại trong máu của bệnh nhân viêm gan kinh niên, khi trạng thái của gan bỗng dưng “nóng bỏng” trở lại hoặc bệnh trở nên trầm trọng hơn xưa (exacerbations).
Nói một cách dễ hiểu, mỗi lần “nhà cháy lớn”, chất IgM của HBcAb sẽ tăng cao. Mỗi lần nắng lớn hơn, lá gan sẽ chóng khô hơn. Vì thế, sự thay đổi của chất IgM này có thể được dùng để theo dõi tiến triển của bệnh trong lúc chữa trị.

Tóm lại, HBcAb sẽ dương tính khi cơ thể chúng ta đã có dịp tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan B. Nếu vừa mới bị lây và bệnh còn đang “nóng hổi” chất IgM sẽ tăng cao. Nếu đã bị bệnh trong quá khứ xa xôi chất IgG sẽ dương tính. Vì thế, để thuyên giảm nguy cơ lây bệnh viêm gan B trong lúc nhận máu, hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ dùng phương pháp thử máu này cho tất cả những người đi hiến máu (blood donors). Các đơn vị máu có chứa chất HBcAb sẽ bị loại bỏ.
d) HBeAg và HBeAb (cũng được gọi là Anti-HBe):
Ðây là một trong những thử nghiệm máu rất quan trọng trong việc định và chữa bệnh viêm gan B. Kháng nguyên HBe nếu dương tính (HBeAg positive) có nghĩa là vi khuẩn viêm gan B đang sinh sôi nẩy nở trong cơ thể chúng ta một cách nhanh chóng (replication) và (có thể) chúng cũng đang tấn công và tàn phá tế bào gan một cách không ngừng (infectivity). Người có chất HBeAg có thể lây bệnh của mình qua người khác một cách dễ dàng. Và đây có thể là lý do chính yếu mà bé sơ sinh Việt Nam dễ bị lây bệnh khi vừa mới chào đời. Người ta ước đoán từ 40 đến 50% phụ nữ Á Châu trong lứa tuổi sanh đẻ bị nhiễm trùng vi khuẩn viêm gan A với chất HBeAg dương tính. Ngoài ra tại Hoa Kỳ, một số trường nha khoa từ chối không thâu nhận những sinh viên vào trường nếu kháng nguyên này dương tính.

Trong một số trường hợp may mắn, cơ thể từ từ tiêu diệt kháng nguyên này bằng một kháng thể đặc biệt với tên là HBeAb (Seroconversion). Sự hiện diện của HBeAb có thể là một dấu hiệu cho biết gan đang trên đường phục hồi và từ từ hết bệnh.

Trong thiên nhiên, đa số vi khuẩn viêm gan B có khả năng bài tiết kháng nguyên HBeAG, và vì thế được gọi là wild type. Các loại vi khuẩn này có thể thay đổi và biến thành một dạng khác khó chữa trị hơn. Tuy vẫn sinh sôi nẩy nở một cách rất nhanh chóng, chúng không hề bài tiết kháng nguyên HBeAG. Danh từ y khoa gọi là pre-core mutant. Người Việt chúng ta thường bị tấn công bởi một loại vi khuẩn này, gây ra khá nhiều rắc rối trong lúc chữa bệnh. Sự biến dạng của vi khuẩn wild type thành pre-core mutant có thể được xem là một thất bại của hệ thống miễn nhiễm trong việc bảo vệ cơ thể của chúng ta trước sự tàn phá của các loại vi khuẩn trong thiên nhiên.
e) Quantitate HBV DNA
Ðây là một thử nghiệm máu cầu kỳ và tốn kém. Trong phương pháp này, tổng số vi khuẩn viêm gan B di chuyển trong máu sẽ được xác định rõ ràng. Tuy số lượng vi khuẩn viêm gan B trong máu không nhất thiết phản ảnh trạng thái bệnh tật của tế bào gan, nhưng đây là một cách thức theo dõi tiến triển bệnh tương đối chính xác trong khi chữa trị.
f) ALT & AST
Ðây là 2 chất hóa học vẫn thường được mệnh danh là liver function test. Khi gan bị viêm, 2 chất hóa học này có khuynh hướng tăng rất cao. Ðể biết thêm chi tiết, xin quý vị đọc chương về Bệnh Viêm Gan C.

2) SIÊU ÂM GAN (Ultrasonography):

Phương pháp này sẽ giúp người y sĩ một khái niệm tổng quát về hình thù, kích thước và thể chất của gan. Ung thư hoặc bướu, chai gan, sạn trong túi mật v.v. có thể được khám phá một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên phương pháp này không cho biết tình trạng sưng viêm của gan.

3) CT SCAN:

Ðây là một lối chụp hình quang tuyến đặc biệt với ứng dụng của máy điện tử. Một số chi tiết như chai gan, ung thư gan, v.v., có thể được khám phá trong phương pháp này. Những chi tiết của hình CT scan có thể chính xác hơn nếu so với kết quả của siêu âm gan. Tuy nhiên phương pháp này cũng chỉ nhận diện được hình thù chứ không phát giác cường độ hoặc trạng thái viêm của lá gan.

4) LIVER-SPLEEN SCAN:

Ðây là một phương thức định bệnh tương đối cầu kỳ. Trong phương pháp này, một ít chất phóng xạ, điển hình là Technetium 99m-labeled sulfur colloid sẽ được tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Sự di chuyển và hấp thụ của chất phóng xạ này sẽ được khám phá bằng hệ thống điện toán đặc biệt. Với ứng dụng của thử nghiệm này, người ta có thể đoán được hình thù và thể tích của lá gan, cũng như khám phá ra những bệnh tật khác như ung thư, áp-xe, u nang (cyst) v.v. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không cho biết cường độ của viêm gan.

5) SINH THIẾT GAN (Liver Biopsy):

Ðây là một phương thức chính xác và độc nhất để nhận định sự tiến triển và trạng thái bệnh tật của gan. Khi nghiên cứu tế bào gan dưới kính hiển vi, người ta cũng có thể phân biệt và chuẩn đoán được một số bệnh tật khác nhau đưa đến viêm gan. Trong phương pháp này, một ít tế bào gan sẽ được lấy ra bằng một kim rất nhỏ, và sẽ được khám nghiệm dưới kính hiển vi. Phương pháp này đã được trình bầy một cách kỹ lưỡng trong chương Bệnh Viêm Gan C.

CƠ THỂ CỦA CHÚNG TA TRƯỚC SỰ TẤN CÔNG CỦA VI KHUẨN VIÊM GAN B

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn viêm gan B có thể gây ra những triệu chứng cấp tính. Những triệu chứng này thay đổi nhiều, tùy theo tuổi tác của bệnh nhân khi bị lây bệnh.  Bệnh có thể từ rất nhẹ và mơ hồ như những cơn cảm cúm thông thường không đáng kể đến rất nặng phải nhập viện để điều trị.

Khi trẻ em hoặc các bé sơ sinh bị lây bệnh, những triệu chứng thường nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên khi bị lây bệnh trong lúc ấu thơ, bệnh sẽ dễ trở thành kinh niên hơn. Ngược lại, những triệu chứng của bệnh viêm gan B cấp tính thường nặng hơn cho những bệnh nhân lớn tuổi. May mắn thay, với một hệ thống miễn nhiễm
“già dặn” hơn, ít nhất 90% những bệnh nhân này sẽ hoàn toàn hết bệnh.

Nói một cách dễ hiểu, nếu “mặt trận” đầu tiên giữa hệ thống miễn nhiễm và vi khuẩn viêm gan càng “khốc liệt” chừng nào, cơ hội “diệt tan quân thù” và khả năng hoàn toàn hết bệnh càng cao chừng nấy. Và, nếu cơ thể quá non nớt hoặc quá già yếu, không đủ sức nhận diện và “gây chiến” với “kẻ thù”, cơ hội để ‘quân xâm lấn” len lỏi vào hàng ngũ quốc gia sẽ rất cao đưa đến bệnh viêm gan B kinh niên.

Tóm lại, triệu chứng, diễn tiến cũng như hậu quả và biến chứng của bệnh viêm gan B sẽ lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như cách thức khi bệnh nhân bị lây bệnh. Hoạt đồ sau đây tóm tắt quá trình phát triển của bệnh viêm gan B:

  

VIÊM GAN B CẤP TÍNH

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn viêm gan B sẽ đi thẳng vào từng tế bào gan để tiếp tục tăng trưởng. Tùy theo cách thức lây bệnh, thời kỳ tiềm phục hoặc ủ bệnh (incubation period) sẽ kéo dài từ 1 đến 4 tháng. Bệnh thường phát triển sớm hơn nếu đùng một lúc cơ thể bị tấn công bởi trăm triệu vi khuẩn viêm gan B, như trong trường hợp nhận máu bị nhiễm trùng.

Thông thường bệnh nhân đang khỏe mạnh bỗng dưng cảm thấy mệt mỏi, đau nhức tứ chi, cơ thể khó chịu, hâm hấp sốt. Da bị ngứa hoặc nổi mề đay. Người uể oải, thiếu năng lực, miệng nhạt đắng, buồn nôn, ăn mất ngon. Một số bệnh nhân cảm thấy đau bụng phần trên, dưới xương sườn phải. Một khi da trở nên vàng hoặc nước tiểu trở nên đậm mầu, những triệu chứng đau nhức ban đầu tự nhiên giảm dần một cách nhanh chóng. Bấy giờ bệnh nhân cảm thấy rất khỏe khoắn mặc dù da và mắt trở nên mỗi ngày một vàng hơn. Tình trạng này sẽ kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

Ða số các triệu chứng kể trên không cần chữa tự nhiên cũng từ từ biến mất. Trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, bệnh có thể kéo dài từ năm này qua tháng nọ, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi kinh niên. Từ 0.1% đến 0.5% bệnh trở thành ác tính (fulminant hepatitis), một trạng thái vô cùng nguy hiểm. 80% bệnh nhân với viêm gan ác tính sẽ lìa trần nếu không được ghép gan (liver transplantation). Như viết ở trên, sự tiến triển của bệnh sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân. Một trong 3 trường hợp sau đây sẽ xẩy ra sau khi bị vi khuẩn viêm gan B tấn công: 

a) Hoàn toàn hết bệnh
b) B ệnh nằm trong trạng thái “ngủ yên”, hoặc “ít phá hoại hơn”
c) Viêm gan kinh niên
a) Hoàn toàn lành bệnh: Ðây là một chiến thắng lớn. “Quân xâm lấn” đã hoàn toàn bị hệ thống miễn nhiễm đẩy lui và tiêu diệt. Cuộc đụng độ với vi khuẩn đã giúp cơ thể chúng ta chế tạo ra kháng thể HBsAB. Với “vũ khí” phòng thân này, chúng ta sẽ được miễn nhiễm (immune) suốt đời, và không phải lo lắng gì nữa. Nói một cách khác, chúng ta đã được “tạo hóa” chích ngừa một cách miễn phí.
b) Healthy carrier hoặc “ngủ yên” (dormant state): Trong trường hợp này các vi khuẩn viêm gan B trở nên “ngủ yên”.  Chúng tăng trưởng chậm chạp và sống hiền hòa hơn, nên không phá hoại tế bào gan như thuở ban đầu. Mặc dầu cơ thể bệnh nhân vẫn chứa đựng một số vi khuẩn viêm gan B, gan của họ vẫn tiếp tục hoạt động một cách rất bình thường. Thật ra danh từ “ngủ yên” hoặc healthy carrier không được hoàn toàn chính xác. Vì trong một số trường hợp, gan vẫn bị tàn phá từ từ gây ra những biến chứng tương tự như trong trường hợp của viêm gan kinh niên. Khi thử máu, kháng nguyên mặt ngoài HBsAG vẫn tiếp tục dương tính. Nhưng chất ALT và AST không bị tăng cao. Ðây là một trạng thái mà cơ thể người bệnh chỉ có thể kềm hãm sự tăng trưởng và giảm thiểu sức tàn phá của vi khuẩn viêm gan B, chứ chưa đủ khả năng loại bỏ và tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, nhờ vào sự kiểm soát này, vi khuẩn viêm gan B không còn đi xâm lấn và tàn phá lá gan một cách đáng sợ, mà chỉ sống rải rác khắp nơi như những “thành phần bất hợp pháp”.  Một khi “ngủ say” chúng có khuynh hướng tiếp tục nằm yên không phá phách gây tai hại đến lá gan. Trong một số trường hợp đặc biệt, vi khuẩn viêm gan B đang ngủ yên tự nhiên nổi dậy và đánh phá tế bào gan trở lại (reactivation). May mắn thay, điều này hiếm khi xẩy ra, thường với tỷ lệ dưới 1% mỗi năm.
c) Viêm gan kinh niên: Thông thường phân hóa tố ALT và AST sẽ tăng rất cao trong thời gian viêm gan cấp tính. Các chất hóa học này sẽ từ từ giảm dần và trở lại bình thường trong một thời gian từ 1 đến 4 tháng. Nếu sự bất bình thường của chất ALT/AST kéo dài hơn 6 tháng, bệnh đã bước qua giai đoạn nguy hiểm hơn: viêm gan kinh niên. Khoảng 5% bệnh nhân người lớn, 30% bệnh nhân trẻ em từ 1 đến 5 tuổi và 90% bé sơ sinh lây bệnh khi mới ra đời sẽ nằm trong trường hợp này.

VIÊM GAN B KINH NIÊN (Chronic Active Hepatitis B)

1) AI SẼ BỊ VIÊM GAN B KINH NIÊN?

Số phận của người bị viêm gan B sẽ được định đoạt bởi mối tương quan giữa sự tăng trưởng của vi khuẩn và sự chống trả của hệ thống miễn nhiễm. Thông thường khi một vật lạ xâm nhập vào cơ thể chúng ta, hệ thống miễn nhiễm sẽ được báo động. Cơ thể sẽ chế tạo ra kháng sinh và huy động cả một hệ thống dây truyền hầu loại bỏ hoặc tiêu diệt vật lạ đó một cách nhanh chóng. Nói một cách dễ hiểu, khi vi khuẩn viêm gan B xâm nhập vào cơ thể chúng ta, một “Hội Nghị Diên Hồng” lại diễn ra với: “Toàn dân nghe chăng? Sơn Hà nguy biến! Nên hòa hay chiến?” Nếu toàn dân đồng lòng: “Chiến!”, cơ thể sẽ “động viên” và cuộc chiến bắt đầu. Tuy nhiên, nếu ý dân chỉ muốn cầu “Hòa” thì cơ thể sẽ tiếp tục “ngủ yên” để mặc cho quân xâm lấn muốn làm gì thì làm.
Trong trường hợp này, vì một lý do chưa được rõ, vi khuẩn viêm gan B có thể tăng trưởng một cách nhanh chóng trong những tế bào gan, mà hệ thống miễn nhiễm của người bệnh vẫn không hề hay biết. Càng trẻ tuổi chừng nào, sự khoan dung miễn dịch (immune tolerance) với vi khuẩn viêm gan B càng ‘bao la” chừng nấy.
Tóm lại, bệnh nhân càng trẻ tuổi chừng nào, cơ thể càng suy nhược trước sự xâm nhập của vi khuẩn viêm gan B chừng đó, và vì thế, càng dễ bị viêm gan B kinh niên. Theo một thống kê gần đây, tại một số nước Á Châu như Việt Nam và Ðài Loan, gần 90% trẻ em dưới 5 tuổi và khoảng 80% bệnh nhân dưới 20 tuổi đã và đang bị viêm gan B kinh niên. May mắn thay, không phải ai bị viêm gan B kinh niên cũng sẽ bị xơ (liver fibrosis) và chai gan (liver cirrhosis).

2) TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN B KINH NIÊN

Trong giai đoạn đầu tiên của bệnh viêm gan B kinh niên, bệnh nhân thường không có bất cứ một triệu chứng nào đáng kể. Ðây là thời gian mà vi khuẩn viêm gan B đang củng cố địa vị trong một môi trường mới, chứ chưa trực tiếp tàn phá cơ thể của “khổ chủ”. Chúng thường chỉ dùng các tế bào gan như những phương tiện và công cụ để tiếp tục tăng trưởng. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, cơ thể bệnh nhân bắt đầu chứa đựng hằng tỷ vi khuẩn viêm gan B. Tuy thế, họ vẫn hoàn toàn chưa có bất cứ một triệu chứng nào, hoặc nếu có cũng chỉ rất mơ hồ.

Nếu thử máu, chất ALT vẫn hoàn toàn bình thường. Ngay cả khi khám nghiệm dưới kính hiển vi, những tế bào gan cũng không hề có dấu hiệu bị viêm đỏ hoặc tổn thương. Sự “nhu mì” và phong cách khoan dung của hệ thống miễn nhiễm trong thời gian này đã tạo cho vi khuẩn viêm gan B một cơ hội tăng trưởng ngày một nhiều hơn. Thời gian tự ấn (replicative phase) này tiếp tục kéo dài chuẩn bị cho những cuộc tàn phá lá gan trong những năm tháng sắp tới.

Thông thường, sau một thời gian từ 15 đến 35 năm, bệnh mới bước qua một giai đoạn mới khi hệ thống miễn nhiễm bỗng dưng “qua cơn mê” và “tỉnh giấc mộng”. Người ta cho rằng, có lẽ vi khuẩn viêm gan B đã lan tràn khắp nơi và trở nên “ồn ào” hơn, gây “chú ý” đến hệ thống miễn nhiễm. Ðiều này đưa đến những cuộc “tổng động viên” toàn diện tiếp nối bởi những cuộc tấn công ồ ạt đến các tế bào gan nhiễm khuẩn (exacerbations).

Các tế bào này bị dung giải và tiêu hủy hàng loạt (bởi hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân), khiến phân hóa tố ALT (cũng như chất AlphaFetoProtein và HBcAb-IgM) tăng cao một cách nhanh chóng. Sự “thức tỉnh” miễn dịch này tuy hơi muộn nhưng vẫn mang lại một số thắng lợi đáng kể. Mỗi năm, nhờ vào đó, từ 10 đến 20% bệnh nhân có thể chặn đứng được sự tăng trưởng của vi khuẩn viêm gan B (HBeAg seroconversion). Ngay cả trong những thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” này, đa số bệnh nhân vẫn không có một triệu chứng nào. Chỉ một số ít người có thể bị nóng sốt sơ sài hoặc có một vài triệu chứng điển hình của viêm gan cấp tính.

Ngoài những triệu chứng, như vàng da, buồn nôn, mệt mỏi, và đau bụng lâm râm, vi khuẩn viêm gan B cũng có thể gây ra một số triệu chứng gây ra từ những phức thể miễn nhiễm (immune complexes). Họ có thể bị sốt nóng nhẹ, nổi ngứa, đau nhức mình và khớp xương, hoặc viêm những tĩnh mạch nhỏ đưa đến đau đớn, bệnh tật với nhiều hệ thống và cơ quan khác nhau như tim, phổi, thận, hệ thống tiêu hóa, thần kinh và các bắp thịt. May mắn thay, những trường hợp này ít khi xẩy ra.

Tiếc thay, không phải cuộc “phản công” nào cũng đưa đến những thắng lợi vẻ vang như ý muốn. Cửa nhà tan nát, mà giặc vẫn tứ phương. Vì thế, cơ thể tiếp tục “thua keo này, bày keo khác”.  Rồi thời gian qua đi, “càng đánh, càng thua”, lá gan từ từ bị tiêu hủy (necroinflammation) mỗi ngày một nhiều hơn. Trong một số trường hợp, chính những cuộc “khai chiến” này đã tàn phá tế bào gan một cách quá nhanh chóng khiến chức năng của gan trở nên kiệt quệ (decompensation). Bệnh nhân có thể thiệt mạng nếu không được chữa trị kịp thời.

Khi bệnh kéo dài lâu năm, gan sẽ bị chai và nguy cơ ung thư gan tăng nhanh. Sau đây là sự nhận xét về mối liên quan giữa ung thư gan với số tuổi của người bệnh viêm gan B tại Ðài Loan. Càng lớn tuổi chừng nào, nguy cơ bị ung thư gan càng cao chừng đó.

Số Tuổi của Bệnh Nhân 
Viêm Gan B
Nguy Cơ bị Ung Thư Gan của 100,000 người mỗi năm
20 – 29 tuổi 0
30 – 39 tuổi 122
40 – 49 tuổi 274
50 – 59 tuổi 854
60 – 69 tuổi 1331
Dựa trên bản thống kê ở trên, cứ trong 100,000 bệnh nhân viêm gan B ở lứa tuổi 50 đến 59, sẽ có khoảng 854 người bị ung thư gan. Con số này tăng lên 1331 người, nếu họ nằm trong lứa tuổi 60 đến 69.

Tóm lại, bệnh viêm gan B có thể đến một cách âm thầm và ra đi một cách lặng lẽ, nên đa số bệnh nhân bị bệnh mà không hề hay biết. Tuy đa số bệnh nhân viêm gan B không cần chữa trị tự nhiên cũng hết bệnh, khoảng 10 đến 20% bệnh nhân viêm gan B kinh niên, nếu không được chữa trị hẳn hoi sẽ bị chai hoặc ung thư gan trong một thời gian từ 20 đến 30 năm sau khi bị lây bệnh. Ðiều này, một lần nữa nhấn mạnh tầm vóc quan trọng trong việc truy tầm bệnh viêm gan B.

CÁCH CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM GAN B

Mục đích chính trong việc chữa trị bệnh viêm gan B kinh niên là giảm thiểu sự tăng trưởng của vi khuẩn, trước khi gan bị tàn phá một cách vĩnh viễn. Vì vi khuẩn viêm gan chọn tế bào gan là nơi chúng sẽ tăng trưởng, cách thức chữa bệnh sẽ là ngăn ngừa sự xâm nhập “bất hợp pháp” vào tế bào gan hoặc giảm thiểu mức tăng trưởng của chúng một cách tối đa. Tuy nhiên, mục tiêu tối hậu vẫn là hoàn toàn loại bỏ vi khuẩn viêm gan B ra khỏi cơ thể và bình thường hóa chức năng của gan. Hiện nay FDA chấp thuận 2 cách thức chính chữa bệnh viêm gan B kinh niên:

1) THUỐC CHÍCH: INTERFERON

Ðây là loại thuốc đã được ứng dụng lâu năm nhất, và cho tới nay vẫn là thuốc có hiệu quả nhất trong việc chữa trị bệnh viêm gan B. Trong lúc chữa trị, bệnh nhân tự chích lấy dưới da (subcutaneous injections). Mỗi ngày một lần, chích trước khi đi ngủ. Chích trong vòng 4 tháng. Hơn 40% bệnh nhân viêm gan B, sẽ thuyên giảm hoặc hết bệnh hoàn toàn bằng phương thức chữa bệnh này.

a)  INTERFERON LÀ GÌ?
Ðây là một chất hóa học do chính cơ thể chúng ta chế tạo để chống lại những bệnh tật như cảm cúm, nhiễm trùng, ung thư v.v. Chất hóa học này sẽ giúp cho các bạch huyết cầu có khả năng tiêu diệt các loại vi trùng và vi khuẩn một cách nhanh chóng hơn, mãnh liệt hơn. Thuốc có thể tiêu diệt những vi khuẩn viêm gan B “lang thang trong máu” một cách trực tiếp cũng như ngăn cản sự tăng trưởng của chúng trong những tế bào gan. Tuy Interferon đã được dùng trong việc chữa trị bệnh viêm gan B và C tại nhiều quốc gia khác nhau trong nhiều năm trước với một thành quả tương đối tốt đẹp, thuốc này mới chỉ được dùng trên nước Mỹ từ đầu năm 1992. Interferon cũng đã được dùng để chữa trị một số bệnh ung thư.
b) PHẢN ỨNG PHỤ THƯỜNG XUYÊN CỦA INTERFERON
Interferon có nhiều phản ứng phụ. Thường xuyên nhất là mệt mỏi, nhức đầu, đau hoặc mỏi bắp thịt, khớp xương, cảm cúm, chóng mặt, buồn nôn, sốt hoặc lạnh rét, mất ngủ, tiêu chảy, rụng tóc, buồn phiền chán nản, bực bội khó chịu. Những phản ứng phụ này thông thường nặng nhất sau những mũi chích đầu tiên và sẽ giảm dần theo thời gian, khi cơ thể bắt đầu quen thuốc.
Thuốc cũng có thể gây ra thiếu máu hoặc bệnh liên quan đến tuyến giáp trạng (thyroid gland) trong lúc và sau khi chích, nên bệnh nhân phải thử máu thường xuyên trong lúc chữa trị. Thông thường bệnh nhân sẽ được thử máu từ một đến hai tuần lễ đầu tiên sau khi chích, và sau đó mỗi tháng một lần, hoặc thường xuyên hơn nếu cần.
Thử máu thường xuyên trong lúc chích thuốc interferon là để theo dõi tiến triển của bệnh cũng như phòng ngừa những phản ứng phụ nguy hiểm của thuốc.
Tuy những phản ứng kể trên có thể xẩy ra một cách thường xuyên, đa số những người chích thuốc Interferon vẫn tiếp tục làm việc hoặc sinh hoạt một cách tương đối bình thường. Những phản ứng phụ này sẽ giảm đi nếu bệnh nhân tập thể dục đều đặn hoặc/và uống 1 đến 2 viên Tylenol 500mg nửa tiếng trước khi chích. Trong lúc chích thuốc, quý vị không phải kiêng khem theo một quy chế nào đặc biệt.

Trong những năm gần đây, người ta bào chế ra một loại thuốc Interferon mới, với bán thời (half life) dài hơn, nên chỉ cần chích mỗi tuần một lần. Danh từ y khoa là pegylated interferon. Thuốc này hiệu lực hơn thuốc interferon rất nhiều. Ðể biết thêm chi tiết, xin quý vị đọc chương Bệnh Viêm Gan C.

2) THUỐC UỐNG:

a) LAMIVUDINE
Vào đầu năm 1999, FDA chấp thuận việc sử dụng một loại thuốc uống có khả năng chữa bệnh viêm gan B. Thuốc này có tên là Epivir-HBV (Lamivudine). Ðây là một loại thuốc đã và đang dùng để chữa bệnh AIDS. Thuốc này có khả năng ngăn cản sự bành trướng và tăng trưởng của vi khuẩn viêm gan B bên trong tế bào gan. Ưu điểm quan trọng của phương pháp mới này là thuốc Epivir-HBV có thể uống chứ không phải chích như trong trường hợp của thuốc Interferon. Một lợi điểm đáng kể khác là thuốc Epivir-HBV tương đối an toàn và ít phản ứng phụ và có thể dùng để chữa trị cho những bệnh nhân mà gan có thể đã bị viêm rất nặng hoặc bị chai cũng như cho những bệnh nhân vừa được ghép gan. Thuốc uống mỗi ngày một viên. Thông thường uống thuốc ít nhất là 12 tháng. Trong một số trường hợp (pre-core mutant), bệnh nhân phải uống thuốc suốt đời. Người ta ước đoán khoảng 55% gan của bệnh nhân chữa trị bằng phương pháp này sẽ bớt bị viêm (nghĩa là phân hóa tố ALT trở lại bình thường, kết quả sinh thiết gan trở nên khả quan hơn) và từ 44% đến 57% chỉ số vi khuẩn viêm gan B trong máu giảm xuống rất thấp, trong số này có khoảng 16% sẽ có kháng sinh HBeAb (Ðiều này có nghĩa là vi khuẩn viêm gan B không còn tăng trưởng nhanh chóng nữa). Tuy nhiên thuốc Epivir-HBV thường chỉ “ru ngủ” vi khuẩn viêm gan B chứ không chữa tuyệt được bệnh. Vì thế, bệnh nhân vẫn có thể lây bệnh của mình cho người khác. Trong một số trường hợp vi khuẩn viêm gan B có thể “thay hình đổi dạng” sau một thời gian chữa trị bằng thuốc Epivir HBV. May mắn điều này không có nghĩa là vi khuẩn viêm gan B trở nên “dữ tợn” và nguy hiểm hơn. Trường hợp này tương đối hiếm hoi.
PHẢN ỨNG PHỤ THƯỜNG XUYÊN CỦA EPIVIR-HBV

Nếu so với thuốc Interferon, Epivir-HBV gây ra rất ít phản ứng phụ. Ða số bệnh nhân uống thuốc Epivir-HBV không có phản ứng nào phụ đáng kể. Một số người có thể bị đau rát cổ họng, cảm cúm hoặc mệt mỏi sơ sài. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, bệnh nhân có thể bị đau bụng, ói mửa vì gan bị viêm nặng hơn, hoặc bị viêm tụy tạng (pancreatitis), và sau cùng nguy hiểm hơn cả, là bệnh “nhiễm độc chất acid lactic” (lactic acidosis) và sưng gan trầm trọng (severe hepatomegaly). Ðây là một trường hợp thường xẩy ra ở những phụ nữ quá mập mạp, tuy hiếm hoi nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Như tất cả các loại thuốc trụ sinh khác, một số vi khuẩn viêm gan B có thể quen thuốc và trở nên khó chữa hơn.
Tóm lại, tuy thuốc Epivir rất an toàn, thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của bào thai. Vì thế, những thiếu nữ khi đang uống thuốc Epivir nên tránh có thai.  Tuy nhiên trong thời gian gần đây, người ta nhận thấy xác xuất truyền bệnh qua bé sơ sinh giảm đi rất nhiều nếu người mẹ mang bệnh viêm gan B được uống thuốc lamivudine khoảng một tháng trước khi hạ sinh. Vì thế các phụ nữ đang mang thai nên thảo luận với bác sĩ của mình về vấn đề này.
b) ADEFOVIR (HEPSERA)
Ðây là một loại thuốc có công thức tương tự như thuốc Epivir-HBV, và cũng có công hiệu cũng như phản ứng phụ tương tự như thuốc Epivir-HBV. Một lợi điểm đáng kể của Adefovir so với thuốc Epivir HBV là loại thuốc mới này không (hoặc nếu có thì rất ít) bị mất đi hiệu nghiệm sau một thời gian chữa bệnh. Vì thế, khi chữa bệnh viêm gan B bằng thuốc Hepsera, các bác sĩ sẽ không còn phải lo lắng về vấn đề vi khuẩn viêm gan B bỗng dưng lờn thuốc và bùng dậy tàn phá tế bào gan của bệnh nhân. Ðây là lý do chính mà ngày nay đa số các y sỹ có khuynh hướng dùng thuốc Hepsera thay thế cho thuốc Epivir-HBV. Uống 10mg Hepsera mỗi ngày có khả năng ngăn cản sự tăng trưởng của vi khuẩn viêm gan B trong trời gian lâu dài.

Một điểm vô cùng quan trọng mà quý vị nên lưu ý: xin đừng bỏ uống thuốc Lamivudin hoặc Adefovir một cách bất thình lình, nếu không được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa của quý vị. Khi bỏ thuốc quá sớm, bệnh viêm gan B có thể “bùng nổ” lớn, gây ra những hậu quả rất tai hại.
c) ZADAXIN THYMOSIN ALPHA 1
Ðây là một loại thuốc chích mới do hãng dược phẩm SciClone sản xuất. Cũng như Interferon, Thymosin Alfpha 1 là một trong những hóa chất điều chỉnh hệ thống miễn nhiễm của chúng ta. Khi chích dưới da 2 lần mỗi tuần, chất hóa học này sẽ tăng lên từ 50 đến 100 lần so với lúc chưa chích. Người ta tin rằng thuốc này có khả năng tăng cường hệ thống miễn nhiễm để chống lại bệnh viêm gan B và viêm gan C. Thuốc có thể chích riêng biệt hoặc dùng kèm với thuốc uống Lamivudin / Adefovir hoặc thuốc chích Interferon. Thuốc đã được bầy bán tại một số các nước Á Châu trong đó có Việt Nam. Một đặc điểm đáng kể của thuốc Zadaxin là thuốc này có thể chữa trị cho những bệnh nhân viêm gan B trong trạng thái khoan dung miễn dịch (immune-tolerant phase).  Thuốc được xem là rất an toàn với rất ít phản ứng phụ và hy vọng sẽ được dùng trên nước Mỹ trong một thời gian rất gần đây.
Ngoài những loại thuốc kể trên, một số thuốc khác như Telvibudin, Entecavir, Emtricitabine, Clevudine, BAM-205 v.v. đang được nghiên cứu và thử nghiệm trong việc chữa trị bệnh viêm gan B.  Người ta cũng có khuynh hướng dùng nhiều loại thuốc khác nhau để chữa cùng một lúc, với hy vọng tiêu diệt vi khuẩn viêm gan B một cách mau chóng và hiệu quả hơn.
Nhiều bệnh nhân không chết vì bệnh viêm gan B mà lại thiệt mạng vì mắc thêm chứng bệnh khác.  Ðó là trường hợp khi bệnh nhân đang bị viêm gan B lại bị lây thêm bệnh viêm gan C, viêm gan D hoặc bệnh AIDS nữa. Hơn nữa, vì trong thiên nhiên có nhiều loại vi khuẩn viêm gan B khác nhau (different genotypes), nên bệnh nhân đang bị viêm gan B loại này vẫn có thể bị lây bệnh viêm gan B với kiểu gene khác. Vì tất cả những bệnh kể trên đều có thể lây qua vấn đề sinh lý, người có bệnh hay chưa có bệnh viêm gan B đều nên đeo bao cao su.
Tóm lại, viêm gan B là một căn bệnh vô cùng tai hại, lan tràn khắp nơi trên thế giới, và tiếp tục bành trướng một cách đáng ngại. Ngày nay, tuy phương tiện định bệnh và cách thức chữa bệnh đã được cải tiến rất nhiều, một số lớn bệnh nhân viêm gan B vẫn tiếp tục từ trần một cách nhanh chóng sau khi bệnh được khám phá. Và tất cả các cách chữa trị hiện nay chỉ có khả năng giảm thiểu sự tàn phá của vị khuẩn viêm gan B chứ không hoàn toàn loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Vì thế hơn lúc nào hết, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Nếu được chích ngừa đúng cách, bệnh có thể được ngăn ngừa một cách dễ dàng.

CHÍCH NGỪA VIÊM GAN B

Có hai cách thức chích ngừa viêm gan B: thụ động và chủ động.

1) CHÍCH NGỪA THỤ ÐỘNG (Passive Immuno-prophylaxis)

Trong phương pháp này một ít kháng thể chống vi khuẩn viêm gan B (anti-HBs Ig hoặc HBIG) lấy từ huyết thanh của người hiến máu sẽ được chích thẳng vào cơ thể của bệnh nhân. Những bệnh nhân sau đây cần chích ngừa thụ động:

– Bé sơ sinh từ mẹ có vi khuẩn viêm gan B trong máu. Vì thế tất cả các phụ nữ trong thời kỳ thai nghén cần phải thử chất HBsAg. Nếu chất này dương tính, các bé sơ sinh từ những người mẹ này PHẢI được chích ngay lập tức hoặc trễ nhất là trong vòng 12 tiếng sau khi ra đời.

– Bệnh nhân sau khi tiếp xúc với máu của người có bệnh như trong trường hợp bị kim nhiễm khuẩn đâm vào người hoặc máu của bệnh nhân viêm gan B văng vào mắt, miệng của mình v.v.

– Những người chưa miễn nhiễm mà lỡ giao hợp với người có bệnh viêm gan B. Ðể thuốc có hiệu lực một cách tối đa, bệnh nhân cần được chích ngừa càng sớm càng tốt. Tốt hơn hết là chích ngay lập tức, hoặc trong vòng 48 tiếng sau khi tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan B. Thuốc không còn hiệu lực nữa, nếu chích quá trễ.

– Trong trường hợp ghép gan (liver transplant) cho bệnh nhân viêm gan B. Mục đích chích ngừa trong trường hợp này, để ngăn chặn vi khuẩn viêm gan B đang nằm sẵn trong cơ thể tấn công lá gan vừa mới ghép vào.

2) CHÍCH NGỪA CHỦ ÐỘNG (Active Immunization)

Phương pháp này là cách thức dạy cho cơ thể khả năng tự chế tạo kháng thể chống lại bệnh viêm gan B. Ban đầu, người ta chỉ chích cho một số người chọn lọc như các bác sĩ, nha sĩ, y tá hoặc những người tiếp xúc hoặc làm việc liên quan đến máu một cách thường xuyên.

Nhưng vào đầu năm 1991, CDC bắt đầu khuyến khích chích ngừa bệnh viêm gan B cho tất cả các bé sơ sinh. Sau đó vào năm 1994 với ước vọng xóa tan bệnh viêm gan B trên toàn nước Mỹ, họ đã bắt buộc tất cả các trẻ em dưới 11 tuổi phải được chích ngừa viêm gan B, trước khi nhập học. Vì thuốc tương đối rẻ tiền và rất an toàn, nên theo tôi, tất cả những ai chưa có kháng thể chống vi khuẩn viêm gan B (HBsAB), nên chích ngừa bệnh viêm gan B càng sớm càng tốt.

Hiện nay, trên nước Mỹ hai loại thuốc được dùng trong việc chích ngừa viêm gan B: Recombivax HB và Engerix-B. Cả hai loại thuốc này đều có hiệu quả tốt đẹp như nhau. Bệnh nhân cần được chích 3 lần. Hai mũi đầu cách nhau một tháng, mũi thứ ba vào tháng thứ 6 sau mũi đầu tiên. 
Recombivax    HB Energix B
Số tuổi Số lần chích Thời gian chích Số lượng thuốc
Bé sơ sinh từ mẹ với HBsAg- 3 lần 0-2, 1-4, và 6-18 tháng 2.5 mcg
10 mcg
Bé sơ sinh từ mẹ với HBsAg+ 3 lần Chích ngừa thụ động với HBIG trong vòng 12 tiếng đầu tiên. Sau đó chích ngừa chủ động vào tháng thứ nhất, thứ 2, vào thứ 6 5.0 mcg
10 mcg
Trẻ em từ 1-10 tuổi 3 lần 0, từ 1 đến 2, và từ 4 đến 6 tháng 2.5 mcg 10 mcg
Thiếu niên từ 11-19 tuổi 3 lần 5.0 mcg 10 mcg
Người lớn > 20 tuổi 3 lần 10 mcg 20 mcg
Bệnh nhân với hệ thống miễn nhiễm suy yếu 3 lần 0, 1 và 6 tháng 40 mcg 40 mcg
4 lần 0, 1, 2 và 6 tháng
Hơn 95% bệnh nhân sẽ được miễn nhiễm sau khi được chích mũi thứ 3. Nếu bệnh nhân vẫn chưa có kháng thể chống vi khuẩn viêm gan B sau mũi thứ ba, họ có thể phải chích thêm mũi thứ tư hoặc thứ năm. Thông thường một khi đã có kháng thể, họ sẽ được miễn nhiễm lâu dài, và không phải lo lắng gì nữa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ của quý vị có thể sẽ thử định kỳ tổng lượng chất HBsAb (HBsAb titer). Và nếu chất này thấp hơn 10 IU/L, quý vị có thể sẽ được chích ngừa thêm một lần nữa (booster).

CHỦNG NGỪA QUA THỨC ĂN?

Vì những thuốc chích ngừa kể trên tương đối mắc tiền, và phải được cất giữ trong tủ lạnh, quá nhiều trẻ em tại các nước chậm tiến vẫn chưa được chích ngừa bệnh viêm gan B. Vì thế, bệnh tiếp tục lan tràn trên toàn thế giới với hơn 2 tỷ người đã và đang bị bệnh viêm gan B. Gần đây, người ta vừa khám phá ra công dụng của thức ăn trong việc phòng ngừa bệnh viêm gan B. Các khoa học gia vừa ghép được một loại khoai tây (genetically modified potato) với khả năng kích thích bạch huyết cầu của loài chuột sản xuất kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan B. Hy vọng trong một tương lai gần đây, chúng ta chỉ cần ăn một đĩa khoai tây xào thịt bò là sẽ được miễn nhiễm bệnh viêm gan B.
Tóm lại, viêm gan B là một căn bệnh dễ lây nhất qua máu và đường sinh lý. Người Việt thường bị lây bệnh khi ra đời từ người mẹ mang nhiễm khuẩn siêu vi B. Tuy một số vi khuẩn viêm gan B có thể tìm thấy trong nước bọt và mồ hôi của người bệnh, ăn uống và sống chung với bệnh nhân trong đời sống hằng ngày không lấy gì là nguy hiểm. Vì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, tất cả những ai, nếu chưa được miễn nhiễm, nên chích ngừa càng sớm càng tốt.

BỆNH VIÊM GAN C

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Khoảng 2% dân chúng toàn cầu đang bị viêm gan C.
  • Vi khuẩn viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm gan kinh niên tại Hoa Kỳ.
  • Khoảng 80% bệnh nhân khi bị lây bệnh viêm gan C sẽ trở thành kinh niên. Trong số này, khoảng 20%-30% sẽ bị chai gan và ung thư gan.
  • Trên nước Mỹ, với hơn 4 triệu người đang bị viêm gan C kinh niên, sẽ có từ 8 đến 10 ngàn người lìa trần mỗi năm vì căn bệnh này.
  • 1 trong 20 đến 40 người Việt Nam đã và đang bị bệnh viêm gan C kinh niên.
  • Ða số bệnh nhân viêm gan C cấp tính và kinh niên đều không có triệu chứng gì đáng kể.
  • Bệnh lây qua máu và vấn đề sinh lý, không lây qua thức ăn và nước uống. Những người có nguy cơ dễ bị viêm gan C nhất, là bệnh nhân đã được nhận máu trước năm 1992.
  • Tùy theo kiểu gene (genotype) của vi khuẩn viêm gan C, gần 90% bệnh nhân viêm gan C kinh niên sẽ được chữa hết bệnh, nếu được khám phá và chữa trị kịp thời.
  • Cho tới nay vẫn chưa có thuốc chích ngừa bệnh viêm gan C. 

Vi khuẩn viêm gan C là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa đến bệnh viêm gan kinh niên tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Người ta ước đoán từ 1 đến 2% tổng số dân chúng toàn cầu, nghĩa là khoảng 100 triệu người đang bị viêm gan C. Với tỷ lệ 1.9%, nước Mỹ có khoảng 4 triệu bệnh nhân viêm gan C. Trong đó sẽ có từ 8 đến 10 ngàn người thiệt mạng mỗi năm.

NGUỒN GỐC CỦA VI KHUẨN VIÊM GAN C

Vi khuẩn viêm gan C là một loại vi khuẩn RNA kỳ lạ với khả năng thay đổi đặc tính di truyền một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy đã lan tràn khắp nơi trên thế giới từ hơn hai ngàn năm qua, mãi tới những năm 1990, người ta mới khám phá ra sự hiện diện của vi khuẩn này.

Tuy những cơn dịch vàng da lây từ thức ăn và nước uống đã được mô tả từ nhiều năm trước Chúa Giáng Sinh, nhưng mãi đến cuối thế kỷ thứ 19, người ta mới bắt đầu hồ nghi là bệnh viêm gan cũng có thể lây qua máu và kim chích. Rồi hơn 3 phần tư thế kỷ trôi qua, với phát minh của một số phương thức thử nghiệm máu, người ta bắt đầu nhận diện được một loại vi khuẩn viêm gan mới. Qua sự khám phá này, họ tin rằng có 2 loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm gan. Một loại lây qua thức ăn; đó là vi khuẩn viêm gan A. Một loại lây qua máu; đó là vi khuẩn viêm gan B. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người ta nhận thấy điều này không hoàn toàn đúng, vì đa số bệnh nhân viêm gan không phải do vi khuẩn viêm gan A hoặc B gây ra. Vì thế danh từ “non-A, non-B hepatitis” ra đời vào đầu năm 1974, để diễn tả những trường hợp này.

Sau hơn một phần tư thế kỷ, với kỹ thuật nghiên cứu các phân tử cực kỳ nhỏ bé (molecular biologic techniques), các khoa học gia đã khám phá thêm một vi khuẩn viêm gan thứ ba. Ðó là vi khuẩn viêm gan C. Trong vòng một thời gian ngắn, họ đã phát họa được cơ cấu và hình thù của vi khuẩn viêm gan này một cách chi tiết với từng chất hóa học xếp dọc theo thứ tự trên chuỗi nhiễm thể RNA. Khám phá này là một điểm son lịch sử, dẫn đầu cho hàng loạt những khám phá quan trọng kế tiếp trong việc chữa trị bệnh viêm gan C. Song song với những cuộc nghiên cứu công phu và tiƯ miƯ về những bệnh nhiễm trùng khác, nhất là bệnh AIDS, sự hiểu biết về vi khuẩn viêm gan C và cách thức chữa bệnh tiếp tục tăng trưởng một cách rất khả quan.

          

Tế bào gan đang bị “tấn công” bởi vi khuẩn viêm gan C (VKVG-C), trong khi bạch huyết cầu đang “phản công”

ÐẶC TÍNH CỦA VI KHUẨN VIÊM GAN C

Vi khuẩn viêm gan C cực kỳ nhỏ bé, với đường kính là 50 nm, nên phải nhìn dưới kính hiển vi điện tử mới thấy được. Vi khuẩn được bảo vệ bởi một lớp vỏ kiên cố, nên phải nấu sôi lên 100 độ C trong vòng 5 phút mới có thể tiêu diệt được chúng. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn viêm gan C có khuynh hướng tàn phá và tiêu hủy gan của chúng ta một cách tương đối chậm chạp nhưng chắc chắn, đưa tới viêm gan (inflammation, hepatitis), xơ gan (liver fibrosis), chai gan (liver cirrhosis) và ung thư gan (liver cancer).

Trong lúc tăng trưởng, chúng có khả năng thay đổi đặc tính di truyền RNA của mình, hóa trang và biến dạng thành nhiều “hình thù” khác nhau. Khả năng biến hóa này đã giúp chúng thoát khỏi vòng kiểm soát chặt chẽ của hệ thống miễn nhiễm (immune system). Vì thế, sau một thời gian ngắn, cơ thể chúng ta, có thể chứa đựng hàng tỷ vi khuẩn viêm gan C với nhiều mã di truyền khác nhau, với những chiếc “áo giáp” khác nhau.
Sự biến đổi chất nhiễm thể trong hơn 2000 năm qua, đã tạo ra nhiều kiểu gene khác nhau (genotypes) với những tên như vi khuẩn viêm gan C số 1, vi khuẩn viêm gan C số 2, vi khuẩn viêm gan C số 3, v.v. Trong mỗi genotype này, người ta còn phân chia thành những tiểu loại (subtypes) a, b, c, d, e, v.v., dựa theo một số đặc tính chính yếu khác nhau. Vì thế vi khuẩn viêm gan C được phân loại thành viêm gan C 1a, 1b, 1c, 2a, 2b, 2c, 2d, 3a, 3b, 3c, 3d, 3f, 4a, 4b v.v. Khám phá này ban đầu chỉ dùng trong những cuộc khảo cứu, nhưng nay đã trở thành một lối thử máu vô cùng quan trọng trong quá trình chữa bệnh viêm gan C.

Trong các loại vi khuẩn viêm gan C, loại genotype số 1 chiếm tỷ lệ cao nhất trên thế giới nói chung và ở nước Mỹ nói riêng với 35% loại 1a và 35% loại 1b. Loại 1b cũng được tìm thấy nhiều nhất ở Âu châu, Nhật Bản cũng như Ðài Loan. Loại số 3 thường thấy ở Pakistan, Úc, Scotland. Loại số 4 ở Trung Ðông và Châu Phi cũng như South Africa. Loại số 6 tại Hồng Kông và Macau. Hơn 50% bệnh nhân Việt Nam đang được chữa trị bệnh viêm gan C trong phòng mạch của tôi thuộc loại 1a hoặc 1b. Phần còn lại thuộc loại số 6 hoặc số 7. Một số ít thuộc số 2/3. Nói một cách tổng quát, các loại genotypes đều nguy hiểm như nhau, nhưng vi khuẩn viêm gan C loại 2 và 3 dễ chữa nhất. Loại số 1, nhất là 1b khó chữa hơn cả.

CHÍCH NGỪA VIÊM GAN C?

Như trình bầy ở trên, với khả năng biến đổi đặc tính di truyền bằng cách thay thế những chất hóa học trên nhiễm thể của mình, vi khuẩn viêm gan C đã thoát khỏi “mạng lưới phòng thủ” của hệ thống miễn nhiễm. Ðây cũng là lý do chính, mà cho tới nay, người ta vẫn chưa tìm được thuốc chích ngừa cho bệnh viêm gan C.

AI CÓ THỂ BỊ VIÊM GAN C?

Vì đây là một bệnh truyền nhiễm (infectious disease), nên chúng ta ai ai cũng có thể bị. Bệnh có thể lây qua những trường hợp sau đây:

1) LÂY QUA MÁU:

Bệnh dễ lây nhất qua máu. Trước năm 1992, nhận máu (blood transfusion) là nguyên nhân chính đưa đến viêm gan C. Lúc bấy giờ y-khoa chưa có cách thử máu để truy tầm vi khuẩn viêm gan C, nên trong 200 đơn vị máu đã có ít nhất một túi máu không may bị ô nhiễm. Ngày nay, với các loại test chính xác và hiệu nghiệm, nhận máu trở nên an toàn hơn nhiều với tỷ lệ lây bệnh viêm gan C trong lúc nhận máu là 1 trên 100.000.

2) LÂY QUA DỤNG CỤ Y KHOA:

Vi khuẩn viêm gan C có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua kim chích, đồ cạo râu, lưỡi lam hoặc bàn chải đánh răng, xâm mình (tattoo), cạo gió (coin rubbing), lể (Skin Puncture), châm cứu (acupuncture) hoặc mổ xẻ với những dụng cụ y-khoa, kim chích không được khử trùng đúng cách.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn của những năm chiến tranh, cách thức khử trùng thô sơ của kim chích đã gây mưng mủ (abscess) một cách thường xuyên. Ngày nay với những phương pháp khử trùng tối tân hơn, lây bệnh qua các dụng cụ y khoa như trong lúc nhổ răng, châm cứu, mổ xẻ v.v. trở nên rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là không còn nữa.

3) LÂY TỪ MẸ:

Lây bệnh từ mẹ qua bé sơ sinh trong lúc sanh đẻ có thể xẩy ra, với tỷ lệ trên dưới 5%. Sanh đẻ tự nhiên (vaginal delivery) hay giải phẫu lấy con (C-section) đều có tỷ lệ lây bệnh tương đương như nhau. Bệnh dễ lây hơn nếu chỉ số máu của người mẹ có hơn 2 đến 3 triệu siêu vi C trong mỗi một cc. Bệnh không lây qua sữa mẹ, nên không phải kiêng cữ trong việc cho con bú.

4) LÂY QUA ÐƯỜNG SINH LÝ:

Tuy bệnh viêm gan C có thể lây trong lúc giao hợp với người có bệnh, điều này hiếm khi xẩy ra, với tỷ lệ chưa đến 5%. Vì thế, cơ quan CDC cho rằng những vợ chồng chung thủy hoặc tình nhân gắn bó (monogamous patients) không cần kiêng cữ hoặc thay đổi đời sống tình dục. Những người “đào hoa” hơn với nhiều nhân tình khác nhau nên đeo bao cao su (condom) để tránh lây bệnh viêm gan C, cũng như các loại bệnh khác như hoa mai, giang liễu, AIDS, viêm gan B, v.v.

Ngoài ra, một số bệnh nhân tự nhiên bị lây bệnh mà không biết nguyên nhân từ đâu. Trong số này có khoảng 10% bệnh nhân viêm gan C cấp tính và 30% viêm gan C kinh niên. Người ta cho rằng trong những trường hợp này, bệnh nhân đã tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan C trong lúc té ngã, trầy trụa hoặc đứt tay chân mà không hề hay biết. Tuy một số vi khuẩn viêm gan C được tìm thấy trong mồ hôi và nước bọt, ăn uống chung hoặc va chạm thể xác trong đời sống hằng ngày với bệnh nhân viêm gan C, không lấy gì là nguy hiểm.

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN C:

Cũng như viêm gan A và B, bệnh nhân viêm gan C thường không có bất cứ một triệu chứng nào. Người ta chia ra làm 2 trường hợp: viêm gan cấp tính (acute) và viêm gan kinh niên (chronic).

1) VIÊM GAN C CẤP TÍNH (Acute Hepatitis):

Thông thường từ 7 đến 8 tuần sau khi bị lây bệnh, khoảng 30% bệnh nhân viêm gan C bỗng dưng cảm thấy hơi khó chịu như những cơn cảm cúm sơ sài. Bệnh không tấn công gan một cách dữ dội, nên gần như sẽ không ai thiệt mạng một cách “bất đắc kỳ tử” vì căn bệnh này. Một số bệnh nhân có thể bị nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức khớp xương và bắp thịt. Nhiều khi họ cũng cảm thấy buồn nôn, khó chịu, đau bụng, tiêu chảy, ăn kém ngon, xuống ký. Ðôi khi bị sốt hoặc nổi ngứa. Khoảng 30% bệnh nhân viêm gan C da và mắt trở nên vàng (jaundice). Các triệu chứng này thường kéo dài từ 6 đến 8 tuần và từ từ thuyên giảm, rồi hoàn toàn biến mất sau một thời gian ngắn. Bấy giờ, bệnh có thể sẽ nằm vào giai đoạn a) “ngủ yên”, không hoạt động (dormant, less active), hoặc b) tiếp tục tăng trưởng (chronic active).

Cho tới nay, người ta vẫn chưa rõ, nguyên nhân và điều kiện nào sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của bệnh nhân viêm gan C. Nghĩa là ai sẽ được may mắn nằm trong trường hợp “ngủ yên” và ai sẽ tiếp tục bị bệnh viêm gan tàn phá cơ thể của mình. Nhưng một điều chắc chắn là khoảng 80 đến 90% bệnh nhân một khi bị lây bệnh viêm gan C mặc dầu sống rất khỏe mạnh, sẽ từ từ đi vào giai đoạn nguy hiểm hơn: viêm gan C kinh niên.

2) VIÊM GAN C KINH NIÊN (Chronic Active Hepatitis):

a) Triệu Chứng Sơ Khởi:
Mặc dầu gan mỗi ngày một yếu đi, đa số bệnh nhân trong thời gian này vẫn chưa có bất cứ một triệu chứng nào đáng kể. Chỉ khoảng 6% bệnh nhân viêm gan C mới có một vài triệu chứng tiêu biểu. Nhưng những triệu chứng này cũng rất mơ hồ và rất nhẹ, nên thường không được để ý tới. Triệu chứng thường xuyên nhất là mệt mỏi, thường vào xế chiều. Khả năng tập trung tư tưởng có thể giảm dần một cách tương đối nhanh chóng.

Một ít người cảm thấy đau lâm râm, nhoi nhói phần bụng trên dưới xương sườn bên phải hoặc buồn nôn, khó chịu, da nổi ngứa, đau khớp xương và bắp thịt. Nếu không được khám phá và chữa trị kịp thời, bệnh mỗi ngày một nặng hơn. Gan mỗi ngày một viêm hơn, đưa đến xơ gan, rồi chai gan.
b) Hậu Quả Lâu Dài: 

Thông thường, sau một thời gian trung bình là 20 năm, gan bắt đầu bị xơ và từ từ biến qua chai. Trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, thời gian chuyển hóa từ viêm đến chai có thể kéo dài hơn 50 năm. Tốc độ chai gan của mỗi cá nhân, vì thế, còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Quan trọng nhất là trạng thái sưng đỏ của tế bào gan, khi bệnh mới được khám phá. Khi xác nghiệm tế bào dưới kính hiển vi, người ta có thể ước đoán được thời gian cần thiết để tế bào gan sẽ đi từ viêm sang chai.
c) Yếu Tố và Ðiều Kiện Bất Lợi: 

Nhiều dữ kiện khác nhau có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến triển của bệnh viêm gan C. Vì thế bệnh có thể phát triển nhanh chóng hơn dự tính gấp nhiều lần. Những người bị viêm gan C sau khi nhận máu nhiễm khuẩn, sẽ bị chai gan nhanh hơn (thường từ 8 đến 14 năm sau khi bị lây bệnh). Có lẽ trong lúc nhận máu, cơ thể đã bị tấn công và xâm lấn một cách ồ ạt bởi hàng tỷ vi khuẩn vi viêm gan C cùng một lúc, nên gan bị viêm nặng hơn.

Rượu bia, nếu uống quá nhiều sẽ gây tổn thương tế bào gan, và gan sẽ bị chai nhanh hơn. Người viêm gan C kinh niên mà uống quá nhiều rượu bia, không khác gì như “châm dầu vào lửa”.
Một số thuốc khác nhau cũng có thể làm cho lá gan bị chai nhanh hơn. Vì thế, người viêm gan C nên rất thận trọng khi uống bất cứ một loại thuốc nào, ngay cả các loại thuốc cỏ cây bày bán trên thị trường mà không cần toa bác sĩ.

Gan cũng sẽ bị hư nhanh chóng hơn nếu cùng một lúc bệnh nhân bị nhiễm trùng bởi nhiều loại vi khuẩn viêm gan khác nhau. Ðây là trường hợp khi bệnh nhân bị cùng một lúc nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau như viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D hoặc bệnh HIV-AIDS.

May mắn thay, không phải ai bị viêm gan C cũng sẽ bị chai gan. Và trên lý thuyết chỉ khoảng 5% bệnh nhân viêm gan C mới bị thiệt mạng bởi căn bệnh này. Tuy thế, với 2% tổng số dân chúng toàn cầu, viêm gan C đã trở thành một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong thế kỷ 21. Riêng tại Mỹ, sẽ có khoảng 8 đến 10 ngàn người thiệt mạng mỗi năm.

BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN C:

Ngoài đặc tính cơ bản của bệnh truyền nhiễm (infectious disease), bệnh viêm gan C có thể gây ra một số triệu chứng điển hình của những bệnh liên quan đến hệ thống miễn nhiễm (auto-immune diseases). Cơ thể người bị viêm gan C có thể tích trữ một số chất đạm (protein) và kháng thể khác nhau nhiều hơn bình thường. Khi những chất hóa học này thể trở nên quá thặng dư, chúng sẽ gây ra một số bệnh tật như đau nhức khớp xương, mệt mỏi/yếu đuối, nổi mề đay, suy thận cũng như lymphoma. Một số bệnh về nội tiết (endocrinology) cũng có thể bị ảnh hưởng một cách trực tiếp với bệnh viêm gan C. Trong đó có các bệnh của tuyến giáp trạng (thyroid diseases), bệnh tiểu đường (diabetes mellitus), bệnh Sjogren (gây ra khô miệng, khô môi v.v.).

CÁCH ÐỊNH BỆNH & CHỮA BỆNH VIÊM GAN C

Phương thức định bệnh và chữa bệnh viêm gan C tiến bộ nhanh chóng và thay đổi không ngừng. Từ một căn bệnh mà chỉ vài năm trước đây, người ta vẫn thường lắc đầu, bó tay và xem như là không thuốc chữa, bệnh viêm gan C ngày nay có thể được chữa trị một cách tương đối dễ dàng. Với ứng dụng của thuốc PEG-Interferon, đa số bệnh nhân viêm gan C, ngày nay, có thể hoàn toàn hết bệnh trong một thời gian lâu dài. Ðiều này, một lần nữa nói lên sự quan trọng trong việc truy tầm bệnh viêm gan C trong cộng đồng người Việt chúng ta, tại hải ngoại cũng như quốc nội.
Cho đến nay, thử máu định kỳ hằng năm vẫn là phương pháp thường xuyên nhất trong việc khám phá bệnh viêm gan C. Khi thử máu tổng quát, phân hóa tố ALT có thể tăng lên cao, cho biết gan có thể bị viêm. Và từ đó người y sĩ sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm những nguyên nhân đưa đến bệnh viêm gan.  Sau đây là những thí nghiệm căn bản mà quý vị sẽ gặp trong lúc được chữa trị bệnh viêm gan C:

1) THỬ MÁU:

a) Phân hóa tố ALT:

Ðây là một chất hóa học tìm thấy khắp nơi trong cơ thể. Nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau có thể làm chất ALT tăng cao một cách bất bình thường. Trong đó viêm gan (hepatitis) là nguyên nhân chính.  Tôi vẫn thường so sánh phân hóa tố này như là khói bốc lên từ một căn nhà đang bị cháy; mà “nhà” là lá gan của chúng ta. Nếu khói (chất ALT) bốc lên ngùn ngụt, nhà đang cháy to, gan bị viêm nặng. Nếu khói chỉ lưa thưa, , nhà không cháy lớn, gan viêm sơ sơ.  Tiếc thay, điều này không giản dị như vậy. Mặc dầu “không có lửa, sao có khói?”, đôi khi khói không phải từ căn nhà đang bị cháy, mà bốc lên từ các “bếp than”, “lò củi”.  Ðó là trường hợp của gan KHÔNG bị viêm, mà chất ALT lại rất cao. Hơn nữa, nếu “nhà” không có khói, đâu có nghĩa là nhà không bị cháy. Có thể lứa đang âm ỉ bên trong nên chưa bộc phát ra ngoài. Hoặc nhà nay đã rụi thành tro, nên không còn gì để cháy (Ðó là trường hợp khi gan đã chai mà chất ALT hoàn toàn không thay đổi). Người ta nhận thấy, khoảng 30% những bệnh nhân viêm gan C, tuy năng chất của gan (ALT/AST) không hề tăng cao, gan của họ vẫn bị viêm kinh niên nếu được thử nghiệm dưới kính hiển vi. Vì thế, ngày nay một số trường phái có khuynh hướng sinh thiết lá gan cho tất cả bệnh nhân đã và đang mắc bệnh viêm gan C (nghĩa là khi thử máu HCV-antibody trở nên dương tính), bất chấp kết quả cao hay thấp của chất ALT/AST.

b) BILIRUBIN:

Ðây là chất cặn bã từ những hồng huyết cầu già nua bị phế thải trong chu kỳ tuần hoàn của máu. Chất mật vàng này, thông thường được biến chế bởi các tế bào gan trước khi theo phân và nước tiểu ra ngoài (Mầu vàng của phân và nước tiểu là do chất bilirubin gây nên). Trong một số bệnh liên quan đến gan, chất bilirubin này tăng cao. Khi cao hơn 3.5 đến 4 mg/dl, da và mắt có thể bị vàng (jaundice).

c) HCV-AB

Viết tắt từ chữ Hepatitis C Virus-Antibody. Nếu kết quả thử máu này dương tính, nghĩa là chúng ta đang bị bệnh viêm gan C. Chất kháng thể này được chế tạo từ những bạch huyết cầu của hệ thống miễn nhiễm, nhưng không đủ khả năng tiêu diệt vi khuẩn viêm gan C.

d) QUANTITATIVE HCV-RNA

Ðây là một test máu quan trọng, để theo dõi sự tiến triển của bệnh trong lúc đang được điều trị. Với một phương pháp đặc biệt, người ta sẽ đếm tổng số vi khuẩn viêm gan C trong một cc máu trước và trong khi chữa bệnh. Thuốc được xem là không hiệu lực, nếu số lượng không thuyên giảm sau 3 tháng chữa bệnh.

e) GENOTYPES

Thời gian trị liệu bệnh viêm gan C sẽ tùy thuộc vào kết quả của cuộc thử máu này. Nếu genotype là loại số 1, bệnh nhân cần chữa khoảng một năm. Nếu là loại số 2 hoặc 3, chỉ cần chữa 6 tháng mà thôi. Những loại khác có thể chữa từ 6 đến 12 tháng, tùy theo từng trường hợp.

f) ALFA-FETO-PROTEIN

Ðây là một chất đạm có thể tăng cao trong trường hợp khi gan biến thành ung thư. Nhưng trong một số điều kiện hoặc bệnh tật khác nhau, chất hóa học này cũng có thể cao hơn bình thường. Người bị viêm gan kinh niên vì bất cứ một lý do nào, cần phải theo dõi chất hóa học này một cách thường xuyên.

g) TIỂU CẦU (thrombocytes)

Hay còn được gọi là platelets, là những mảnh/khúc nhỏ từ tế bào “mẹ” megakaryocyte nằm trong tủy xương. Khi bị chảy máu, các tiểu cầu này sẽ bài tiết ra một số chất hóa học cần thiết trong việc đông đặc máu. Người bị chai gan thường có ít tiểu cầu hơn người thường.

h) PT/aPTT

Viết tắt từ chữ Prothrombin Time và activated Partial ThromboplastinTime. Hai loại test này đo thời gian cần thiết để máu đông đặc lại. Khi năng chức của gan giảm dần, thời gian cô đọng máu trở nên dài hơn, và bệnh nhân dễ bị chảy máu hơn.

2) SIÊU ÂM GAN (Ultrasonography hoặc Ultrasound Study):

Phương pháp này cho ta một khái niệm về hình thù và kích thước của gan. Nếu gan bị chai, gan có thể sẽ nhỏ hơn bình thường. Mặt ngoài của gan có thể bị lồi lõm. Phương pháp thử nghiệm này cũng có thể nhận diện được một số bệnh tật khác, như bướu hoặc ung thư (tumor), sạn trong túi mật (gallstone), gan đóng mỡ (fatty liver).  Với ứng dụng của Doppler, sự di chuyển của máu qua lá gan cũng có thể được nhận diện một cách khác chính xác. Ngoài ra, siêu âm bụng cũng là một phương pháp rất tốt, để xem bệnh nhân có bị cổ trướng (ascites) hay không.

                       

Siêu âm gan có thể nhận diện được hình thù của lá gan, nhưng không cho biết là gan có bị viêm hay không.

3) SINH THIẾT (Liver biopsy):

Ðể thử nghiệm dưới kính hiển vi, tế bào gan sẽ được lấy ra bằng một kim rất nhỏ, đâm giữa xương sườn vào thẳng lá gan. Một ít thuốc tê sẽ được dùng trong phương pháp này nên bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi thôn thốn, khó chịu chứ không đau đớn cho lắm. Ðể giảm thiểu những biến chứng không may (complications), chỗ kim chích sẽ được hướng dẫn bằng máy siêu âm.

              

Sinh thiết làm rất nhanh, chưa đầy mười phút từ lúc siêu âm, tiêm thuốc tê đến lúc sinh thiết. Sau đó, bệnh nhân sẽ được quan sát tại nhà thương trong vòng 6 đến 8 tiếng trước khi về nhà nghỉ ngơi. Ðây là một phương pháp tương đối an toàn. Một vài biến chứng như chảy máu, lủng phổi, ruột v.v. có thể xẩy ra, nhưng thường hiếm hoi, và có thể chữa trị được. Thí nghiệm này tuy tốn kém nhưng có thể mang lại cho người y sĩ nhiều dữ kiện quan trọng trong việc định bệnh và chữa bệnh viêm gan.

Sau đây là bản tường trình về diễn tiến chai gan dựa vào quan sát mô học (histology) của khảo nghiệm tế bào gan:

Nguy cơ bị chai gan (%)
Kết quả sinh thiết Sau 5 năm Sau 10 năm Sau 20 năm
Hơi bị viêm (mild) 7% 7% 7%
Viêm khá nặng (moderate) 25% 44% 95%
Viêm nặng (severe) 68% 100% 100%
Sơ Gan   (bridging fibrosis) 58% 100% 100%

Nếu dựa theo bản thống kê kể trên, một người bệnh với kết quả khảo nghiệm gan là viêm khá nặng sẽ có nguy cơ bị chai gan là 25% sau 5 năm, 44% sau 10 năm và 95% sau 20 năm. Nếu người đó mới 30 tuổi khi được khám phá ra bệnh, bệnh nhân đó chắc chắn sẽ bị chai gan trước 50 tuổi. Mặt khác, 60 đến 70% bệnh nhân viêm gan nặng hoặc bị sơ gan sẽ bị chai gan trong vòng 5 năm. Ðiều này cho thấy sự quan trọng trong việc truy tầm vàợ khám phá ra bệnh trong những giai đoạn đầu tiên.

THUỐC CHỮA BỆNH VIÊM GAN C:

Vào năm 1986, nghĩa là trước khi vi khuẩn viêm gan C được khám phá, người ta đã tìm thấy ứng dụng của một loại thuốc trong việc chữa trị bệnh viêm gan, mà bấy giờ vẫn được gọi là “non-A, non-B”.  Ðó là Interferon, một trong nhiều loại thuốc được dùng để chữa một số bệnh nhiễm trùng và ung thư.

INTERFERON LÀ GÌ?

Interferon là một trong những chất hóa học quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm của chúng ta. Khi bị cảm cúm hoặc nhiễm trùng chất hóa học này sẽ được chế tạo nhiều hơn từ các bạch huyết cầu và luân chuyển khắp nơi trong cơ thể. Nhờ vào chất Interferon này, hệ thống miễn nhiễm sẽ nhận diện các vi khuẩn hoặc vi trùng “bất hợp pháp” một cách nhanh chóng và tiêu diệt chúng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, như viết ở trên, với khả năng trá hình tài tình, vi khuẩn viêm gan C có thể công khai tàn phá cơ thể chúng ta mà hệ thống miễn nhiễm vẫn tiếp tục “ngủ quên”.  Chích Interferon vào cơ thể người đang bị bệnh, vì thế không khác hơn là tiếp tế “súng đạn” cho một “nước đang bị giặc xâm lăng”.
Cho tới nay nhiều loại Interferon khác nhau như Interferon alfa-2b (Intron-của hãng Schering), Interferon alfacon-I (Infergen của hãng Amgen) và Interferon alfa-2a (Roferol của hãng Roche) đã được dùng trong việc chữa trị bệnh viêm gan C. Khi dùng thuốc này, bệnh nhân tự chích một ít thuốc vào dưới da (subcutaneous injection) bằng một kim rất nhỏ (giống như kim chích cho người bị tiểu đường), một tuần 3 lần. Thường chích vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu ứng dụng đúng cách tất cả các loại thuốc này đều đạt được một thành quả tương tự như nhau. Tiếc thay, nếu dùng đơn phương (monotherapy), các loại thuốc này chỉ có khả năng chữa hết bệnh cho khoảng 15 đến 35% tổng số bệnh nhân được chữa. Và trong một số lớn bệnh nhân bệnh lại tái phát sau một thời gian nghỉ thuốc. Ðiều này đã mang lại nhiều thất vọng cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.
Trong những năm vừa qua, nhờ vào những khám phá và kinh nghiệm rút tỉa từ phương thức trị liệu bệnh HIV/AIDS, lối chữa bệnh viêm gan C trở nên tinh vi hơn. Với khuynh hướng pha trộn nhiều loại thuốc khác nhau (combination therapy), tỷ lệ lành bệnh tăng nhanh. Một thí dụ điển hình là lối chữa bệnh viêm gan C cùng một lúc với 2 loại thuốc: Interferon và ribavarin.

RIBAVARIN LÀ GÌ?

Ribavarin là một loại thuốc viên, được bán trên nước Mỹ dưới nhãn hiệu là Rebetol, của hãng Schering và Copegus, của hãng Roche. Thuốc thuộc gia đình Guanosin, đã và đang được dùng như thuốc bơm vào phổi (inhalant) cho trẻ em mắc bệnh phổi do syncytial virút gây ra. Chất hóa học của thuốc này có hình dáng tương tự như những đơn vị của nhiễm thể RNA. Người ta tin rằng chất ribavirin, nếu uống đúng dose có thể ngăn cản sự tăng trưởng của các vi khuẩn. Tuy nhiên, thuốc này nếu dùng một mình sẽ không đủ sức để tiêu diệt vi khuẩn viêm gan C.
Nhưng khi dùng chung với thuốc chích interferon (Combination Therapy), thuốc này mang lại một kết quả chữa bệnh không ngờ. Trong phương pháp này vi khuẩn viêm gan C sẽ bị tấn công trên nhiều “mặt trận” khác nhau. Trong lúc interferon tăng cường hệ thống miễn nhiễm và ngăn cản vi khuẩn viêm gan tấn công các tế bào chưa bị hư, chất ribavarin sẽ ngăn cản không cho các vi khuẩn đã có trong cơ thể tiếp tục tăng trưởng.

Gần đây nhất, người ta lại khám phá thêm một loại interferon mới, tốt hơn với tên là pegylated interferon. Thuốc này có nhiều lợi điểm so với các loại interferon cũ. Với bán thời (half life) dài hơn, thuốc chỉ cần chích mỗi tuần một lần, thay vì tuần 3 lần so với thuốc Intron-A. Hai tên thuốc điển hình đang được dùng tại Hoa Kỳ là PegIntron (Peginterferon alpha-2b) & Pegasys (Peginterferon alpha-2a).
Công hiệu của thuốc này cũng khả quan hơn nhiều, với xác xuất hoàn toàn hết bệnh (cure rate) lên đến 88% cho bệnh nhân viêm gan C loại số 2 và 3, nếu chích chung với thuốc uống ribavarin trong vòng 6 tháng. Và khoảng 50% bệnh nhân viêm gan C loại “cứng đầu” khó chữa như loại số 1a/1b, sẽ hoàn toàn hết bệnh trong một thời gian lâu dài, nếu được chữa trong vòng một năm. Sau khi chữa xong, bệnh có thể tái phát với tỷ lệ 0.8% sau một năm, và 1.8% sau 2 năm. Nếu sau 4 năm mà bệnh không hề tái phát, nghĩa là chất ALT trong máu vẫn hoàn toàn bình thường cũng như tổng lượng vi khuẩn viêm gan C vẫn không tìm thấy (Undetectable Quantitative HCV-RNA), bệnh được xem là hoàn toàn hết.

NHỮNG ÐIỀU NÊN BIẾT KHI CHỮA TRỊ VỚI THUỐC RIBAVARIN.

a) Thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên mà thôi. Không dùng cho trẻ em. Vì thuốc có nhiều phản ứng phụ, một số bác sĩ khuyên bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi không nên chích thuốc này. Bệnh nhân phải có khả năng tự chích lấy hoặc liên lạc với bác sĩ của mình trong trường hợp bị quá nhiều phản ứng phụ của thuốc.

b) Vì thuốc ribavarin có thể gây ra quái thai, thai nghén trong thời gian chữa trị phải được ngăn ngừa một cách tuyệt đối. Nếu một trong hai vợ chồng uống thuốc ribavarin, cả vợ lẫn chồng đều phải dùng phương pháp ngừa thai (double protection). Vợ uống thuốc ngừa thai. Chồng dùng bao cao su. Ðây là để tránh hậu quả vô cùng tai hại có thể xẩy ra, nếu không phòng ngừa cẩn thận. Nếu muốn có con, quý vị phải chờ ít nhất 6 tháng sau khi chữa xong bệnh.

Người vợ ở lứa tuổi có thể có con (bệnh nhân hay phu thê của bệnh nhân) phải được thử thai (pregnancy test) hằng tháng. Nếu chẳng may, quý vị hoặc người vợ của mình có thai trong lúc chữa trị, xin quý vị liên lạc GẤP với bác sĩ của mình.

c) Những kim chích sau khi đã dùng xong, phải được cất giữ cẩn thận trong những hộp đựng kim đặc biệt, để tránh tình trạng lây bệnh cho người khác. Thường các phòng thử nghiệm máu có thể giúp quý vị tiêu hủy những hộp đựng kim này theo tiêu chuẩn ấn định bởi bộ y tế. Các loại thuốc chích phải được tích trữ trong tủ lạnh.

Nếu đi du lịch, quý vị nên đựng thuốc trong hộp nhựa và đá khô để thuốc không bị hư. Hộp này được cung cấp miễn phí bởi hãng thuốc.

LÀM THẾ NÀO ÐỂ BỚT PHẢN ỨNG PHỤ?

Interferon có thể gây ra nhiều phản ứng phụ khác nhau. Chúng có thể rất khó chịu trong vài tuần lễ đầu, nhưng sẽ giảm dần, một khi cơ thể bắt đầu quen thuốc. Một số người may mắn không gặp bất cứ một trở ngại nào đáng kể trong khi chích thuốc. Nhưng ngược lại, trong một số bệnh nhân, các phản ứng phụ có thể nặng đến nỗi tưởng như không chịu được và phải bỏ cuộc không tiếp tục điều trị nữa. Trong trường hợp này, xin quý vị đương nản lòng và mất kiên nhẫn.  Hy vọng những đề nghị sau đây có thể giúp quý vị đối phó với các phản ứng phụ:
1) Interferon có những phản ứng phụ tương tự như những cơn cảm cúm. Bệnh nhân thường cảm thấy hâm hấp nóng, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy cũng như tay chân, sau khi chích thuốc. Người mệt mỏi, rét lạnh. Miệng khô đắng, khó chịu hoặc cảm thấy buồn nôn. Thức ăn trở nên vô vị. Ăn kém đi, bệnh nhân có thể mất ký. Tóc có thể mỏng dần hoặc thưa thớt. Triệu chứng kể trên thường nặng nhất trong 2 tuần lễ đầu, nên quý vị có thể xin nghỉ việc trong thời gian khó khăn này. Ðây là thử thách đầu tiên và cũng là quyết liệt nhất. May mắn thay, các triệu chứng sẽ từ từ giảm dần, nếu tiếp tục chích. Ðể tránh rụng tóc, quý vị có thể dùng các loại thuốc gội đầu hiệu Nioxin.
2) Các triệu chứng kể trên thường bắt đầu xuất hiện từ 4 đến 6 tiếng sau khi chích. Vì thế, quý vị nên chích trước khi đi ngủ. Khi ngủ say chúng ta sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Uống từ một đến hai viên Advil 400 mg (ibuprofen) hoặc 2 viên Tylenol (acetaminophen 500mg) trước hoặc sau khi chích sẽ giúp cơ thể dễ chịu hơn. Không nên uống thuốc Tylenol quá liều, nhất là nếu uống chung với rượu hoặc bia. Gan có thể bị hủy hoại một cách nhanh chóng.
3) Nên chích thuốc pegylated Interferon vào tối thứ Sáu. Như thế, phản ứng phụ nếu có sẽ nhiều nhất vào những ngày cuối tuần, không phải đi làm việc.
Nên uống thật nhiều nước. Nên cữ cà-phê và rượu. Khi quá mệt, nên nghỉ ngơi thường xuyên. Khi buồn nôn, nên ăn thành nhiều bữa, tránh dầu mỡ. Nên ăn nhiều rau luộc và trái cây ngọt, cũng như những thức ăn lặt vặt để tránh tình trạng mất ký. Khi miệng khô hoặc đắng chát, nên đánh răng nhiều lần, hoặc xúc miệng thường xuyên. Một số bệnh nhân bị lở miệng và lưỡi trong khi chích thuốc, họ có thể xúc miệng bằng waterperoxide H2O2 pha chung với nước ấm (pha nửa nước, nửa thuốc).
5) Tập thể dục nhẹ. Ban đầu nên tập những động tác làm giãn gân, giãn cốt vào mỗi sáng và buổi chiều trước bữa ăn tối. Tập thể dục thường xuyên không những làm cơ thể chúng ta được thoải mái, mà còn có thể giảm đi sự đau đớn khớp xương và bắp thịt do thuốc gây ra.

Tập thể dục theo lối Tai-Chi, tập gậy dưỡng sinh của cụ Mai Bắc Ðẩu, hay một số phương pháp luyện khí công v.v. cũng có thể giúp cơ thể chúng ta vượt qua những phản ứng phụ của thuốc một cách tương đối dễ dàng hơn.
6) Interferon cũng có thể thay đổi tính tình hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm thần của bệnh nhân. Người bệnh có thể trở nên bực bội, cáu kỉnh, dễ nổi nóng, mất tự chủ. Tập trung tư tưởng trở nên khó khăn. Nguy hiểm nhất là buồn phiền, chán đời, không muốn sống và nhiều khi có ý định tự tử. Trong lúc chữa trị, quý vị, vì thế nên chia sẻ những đổi thay kỳ lạ của cơ thể mình với người thân trong gia đình. Nhất là, khi quý vị cảm thấy khác thường, không kiểm soát được đầu óc của mình, buồn bực một cách quá đáng với ý định tự tử, quý vị hãy liên lạc ngay với bác sĩ của mình, càng sớm càng tốt, dù ngày hay đêm. (Nhưng nếu chỉ bị mất ngủ một chút như trong trường hợp của cô T. kể trên, quý vị có thể chờ đến sáng hôm sau cũng được.)

7) Khi nhức đầu, có thể dùng những phương pháp khác nhau để relax. Nghe nhạc êm diệu, đừng quá chói tai. Tránh xem TV quá lâu. Massage nhè nhẹ hai bên thái dương và cổ. 8) Ngoài ra, interferon có thể thuyên giảm nhiệm vụ của tủy xương gây ra thiếu máu. Thiếu hồng huyết cầu (red blood cell) người dễ mệt. Thiếu bạch cầu (white blood cell) cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Và thiếu tiểu cầu (platelet cell) cơ thể dễ bị chảy máu. Vì thế trong khi chữa trị, quý vị sẽ phải đi thử máu rất nhiều lần, gần như mỗi tháng một lần.

9) Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thuốc Interferon là nhồi máu cơ tim (heart attack). Trường hợp này có thể xẩy ra cho bất cứ một ai trong lúc chích thuốc. Tuy nhiên những người sau đây sẽ có nguy cơ bị đau tim nhiều hơn: a) người đang bị cao áp huyết, b) người đang bị tiểu đường, c) người có chất Cholesterol quá cao, d) người hút thuốc lá, e) người quá lớn tuổi (thường hơn 65 tuổi trở lên). Vì thế, nếu trong lúc chữa trị, quý vị phải gọi ngay số 911, nếu bỗng dưng bị đau tim, tức ngực, khó thở.

10) Hiện nay trên nước Mỹ, nhiều nhóm hỗ trợ (support groups) được thành lập để bệnh nhân có dịp chia sẻ kinh nghiệm bản thân cho nhau, cũng như giúp đỡ lẫn nhau trong lúc chữa trị. Xin quý vị liên lạc với bác sĩ của mình về những địa chỉ cũng như số phone liên lạc của những nhóm gần nơi quý vị đang cư ngụ.

ZADAXIN (Thymosin Alpha 1):

Ðây là một loại thuốc mới đang được ứng dụng trong việc chữa trị bệnh viêm B và C. Cũng như Interferon thuốc này là một trong những hóa chất mà cơ thể chúng ta tự chế tạo để kích thích và tăng cường hệ thống miễn nhiễm. Người ta nhận thấy, nếu thuốc này được chích dưới da 2 lần một tuần, những “cảm tử quân” trong hệ thống miễn nhiễm như T-cell helper, Cytotoxic T-cell, Natural Killer cell sẽ tăng nhanh và sẽ tấn công những tế bào gan đã bị nhiễm trùng một cách đắc lực hơn. Thuốc được xem là an toàn và rất ít phản ứng phụ. Hy vọng thuốc này sẽ được FDA chấp thuận trong một thời gian rất gần đây.

              

Tế bào gan bị nhiễm trùng đang bị hủy hoại bởi hệ thống miễn nhiễm, dưới sự điều khiển của Thymosin Alpha 1 (Zadaxin)
Trong một số ít bệnh nhân, trong lúc đang được chữa trị bằng thuốc Interferon, phân tố hóa ALT tăng cao trở lại. Người ta cho rằng thuốc chích nay đã bị mất hiệu lực vì vi khuẩn viêm gan C lại một lần nữa thay hình đổi dạng. Với một số mã di truyền mới khác lạ, những vi khuẩn viêm gan C này không còn bị tiêu hủy bởi thuốc interferon nữa. Mặt khác, người ta cũng tin rằng, trong đa số những trường hợp kém may mắn này, thuốc Rebetron có thể đã hoàn toàn không có một chút hiệu lực ngay từ đầu, và sự bình thường hóa của chất ALT chỉ là một tình cờ ngẫu nhiên mà thôi. Sau đó, vì gan vẫn tiếp tục bị viêm, chất ALT sẽ không sớm thì muộn tăng cao trở lại.
Ngoài ra người ta cũng cho rằng, trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, cơ thể bệnh nhân có thể hóa giải thuốc Interferon với những kháng thể khác nhau. (Ðây là một lỗi lầm khác của hệ thống miễn nhiễm trong việc chống trả sự tấn công của vi khuẩn viêm gan C. Thay vì đi giết quân thù, thì chúng lại cho quân đi đánh “bạn đồng minh”. Những bệnh nhân này thường được xem là
“chưa có thuốc chữa” và cần theo dõi một cách kỹ lưỡng. Một số trung tâm Ðại Học có những phương thức chữa bệnh khác nhau với các loại thuốc đang trong vòng nghiên cứu cho những trường hợp tương tự.
Tóm lại, viêm gan C là một căn bệnh dễ lây qua máu, nhưng không lây qua thức ăn, mồ hôi và nước bọt. Người bệnh vẫn có thể tiếp tục ăn uống, sống chung chạ
trong gia đình, mà không sợ lây bệnh cho người thân thương. Tùy theo từng loại vi khuẩn, thời gian chữa bệnh có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Với những thuốc mới hơn, kết quả chữa bệnh trở nên khả quan hơn với ít phản ứng phụ hơn.

Hy vọng trong một tương lai gần đây, nhiều loại thuốc tốt hơn nữa với ít phản ứng phụ hơn sẽ được dùng để chữa căn bệnh đáng ngại này. Nhiều nghiên cứu về thuốc mới với khả năng hủy hoại những phân hóa tố (enzymes) quan trọng của vi khuẩn viêm gan C đang được thực hiện khắp nơi trên thế giới. Với những loại thuốc này, chúng ta sẽ mở thêm nhiều “mặt trận” mới trong việc diệt vi khuẩn viêm gan C.

Ngoài ra quý vị cũng có thể liên lạc hoặc tìm hiểu thêm về bệnh viêm gan C qua các số phone hoặc những địa chỉ trên mạng lưới điện toán toàn cầu sau đây:

1) Hepatitis C Support Group (Hoa Kỳ) (949) 654-4250

2) Hepatitis Foundation International (1-800-891-0707); www.HepFl.org

3) American Liver Foundation (Hoa Kỳ)  (1-800-223-0179);www.Liverfoundation.org
4) Centers for Disease Control and Prevention, Hepatitis Branch (1-888-443-7232) (Hoa Kỳ); www.cdc.gov/ncidod/diseases/hepatitis/index.htm

5) Hội Ung Thư Việt Mỹ – (Vietnamese American Cancer Foundation)www.UngThu.org   (714) 751-5805 (Hoa Kỳ)

BỆNH VIÊM GAN D

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Ðây là vi khuẩn không toàn vẹn, nên phải sống nhờ vào vi khuẩn viêm gan B.  Cũng còn được gọi là vi khuẩn Delta.
  • Bệnh lây qua máu và vấn đề sinh lý, tương tự như bệnh viêm gan B. Bệnh không lây qua thức ăn, nước uống.
  • Bệnh chỉ lây qua cho những ai chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan B mà thôi. Nếu quý vị đã được miễn nhiễm bệnh viêm gan B, quý vị sẽ không bị lây bệnh viêm gan D nữa.
  • Tùy theo thời điểm lây bệnh và mối tương quan với vi khuẩn viêm gan B, bệnh có thể trở nên rất nguy hiểm, và bệnh nhân có thể lìa trần trong một thời gian ngắn.
  • Cho tới nay, vi khuẩn viêm gan D được xem là một trong những vi khuẩn viêm gan nguy hiểm nhất, với khả năng tàn phá lá gan rất nhanh chóng.
Vi khuẩn viêm gan D được khám phá vào năm 1977 bởi Rizzetto. Ðây là một loại vi khuẩn có cơ cấu và kiến trúc thô sơ như vi khuẩn của các loài cỏ cây (viroids hoặc virusoids). Vì thế chúng được xem là một loại vi khuẩn “không trọn vẹn” hoặc “kém vẹn toàn”. Nếu đứng một mình, chúng sẽ không làm “ra trò trống” gì cả. Tuy nhiên, với sự hiện diện của vi khuẩn viêm gan B, chúng có thể trở nên “hung dữ” và có khuynh hướng “hùa theo” vi khuẩn viêm gan B để tàn phá lá gan của chúng ta. Nói một cách khác, với sự hiện diện của vi khuẩn viêm gan B, vi khuẩn viêm gan D đã từ một nhiễm thể RNA “không hồn” biến thành một trong những vi khuẩn viêm gan nguy hiểm nhất trong nhân loại. Người ta cũng khám phá ra ít nhất là 3 kiểu gene (genotype). Loại số 1 được tìm thấy khắp nơi trên thế giới; loại số 2 được khám phá tại Ðài Loan; loại số 3 tìm thấy nhiều nhất ở Châu Mỹ Latin. Loại số 2 ít gây bệnh tật hơn hai loại kia. Loại số 3 được xem là nguy hiểm nhất.
                   
Trong lúc “ăn bám” vào vi khuẩn viêm gan B, chúng “mượn” lớp vỏ kiên cố HBsAg làm “chiếc áo” phòng thân cho chính mình. Không có chất HBsAg, “mặc ké” của vi khuẩn viêm gan B, chúng không thể nào xâm nhập được vào tế bào gan. Và sau khi tăng trưởng trong tế bào gan, chúng sẽ không có khả năng truyền nhiễm và lan tràn bệnh từ tế bào này sang tế bào kia, nếu không có sự hiện của “chiếc áo giáp HBsAg”. Nói một cách dễ hiểu, vi khuẩn viêm gan D giống như một viên đạn, cần phải có “khẩu súng” là vi khuẩn viêm gan B, mới có thể tàn phá được cơ thể người bệnh.

AI CÓ THỂ BỊ VIÊM GAN D?

Ðây là một bệnh truyền nhiễm “có điều kiện”. Bệnh “chỉ” nguy hiểm, cho những bệnh nhân đang hoặc sẽ bị bệnh viêm gan B mà thôi. Nói một cách khác, bệnh chỉ lây qua những ai chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan B. Người được miễn nhiễm bệnh viêm gan B, vì thế, sẽ không phải lo lắng về bệnh viêm gan D nữa.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 5% bệnh nhân viêm gan B kinh niên, nghĩa là khoảng 15 triệu người, đang bị cả viêm gan B lẫn viêm gan D. Tuy bệnh viêm gan D giảm dần nhờ vào những cuộc chích ngừa bệnh viêm gan B hữu hiệu và quy mô trong mọi từng lớp xã hội, tỷ lệ viêm gan D vẫn còn tương đối cao, từ 1.4% đến 8.0% tùy theo từng địa danh. Vì bệnh lây qua máu, nên từ 20% đến 53% những người chích cần sa, ma túy (nhất là khi dùng chung kim của nhau); và từ 48% đến 80% những người bệnh huyết hữu (hemophiliacs) đã và đang bị bệnh viêm gan B & D. Mỗi năm trên nước Mỹ, sẽ có khoảng 7,500 người bị lây bệnh này. Trong cộng đồng người Việt chúng ta, có khoảng 1.25 % người đang bị viêm gan B & D.

CÁCH THỨC LÂY BỆNH

Bệnh thường lây qua máu và vấn đề sinh lý. Tuy nhiên, bệnh chỉ lây qua những người đang bị viêm gan B với kháng nguyên HBsAg mà thôi. Kháng nguyên này, như những thỏi “nam châm” thu hút vi khuẩn viêm gan D một cách mãnh liệt và khuếch trương sự tăng trưởng của chúng một cách nhanh chóng. Vì thế, chỉ cần một ít vi khuẩn viêm gan D cũng có thể truyền bệnh từ người này sang người khác một cách dễ dàng. May mắn thay, trong những năm vừa qua, song song với đà tiến triển của nhân loại, nhất là nhờ vào sự chích ngừa bệnh viêm gan B một cách thứ tự và triệt để cho mọi từng lớp dân chúng, bệnh viêm gan B và D có khuynh hướng giảm dần một cách rất khả quan.

Một lần nữa, tương tự như viêm gan B, bệnh viêm gan D rất dễ lây khi chăn gối với người có bệnh. Vì thế xin đừng quên “mặc áo giáp”, “đeo áo mưa”.

Trong những năm gần đây, chích thuốc phiện đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm gan D, nhất là khi những người nghiện thuốc này dùng chung kim của nhau. Ở Ðài Loan, chẳng hạn, hơn 90% bệnh nhân viêm gan B lây từ chích thuốc phiện, bị thêm bệnh viêm gan D. Họ cũng dễ bị nhiễm trùng với vi khuẩn HIV.

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN D

Triệu chứng của bệnh lệ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng của lá gan gây ra bởi vi khuẩn viêm gan B. Nếu vi khuẩn viêm gan B đang tàn phá lá gan, vi khuẩn viêm gan D cũng “đánh ké”. Nếu vi khuẩn viêm gan B bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân, vi khuẩn viêm gan D cũng sẽ “chết theo”. Vì đa số bệnh nhân viêm gan B không cần chữa, tự nhiên cũng lành bệnh, nên “chỉ” trong một thiểu số kém may mắn (khoảng 2%) bệnh mới tiếp tục phát triển đưa đến chai gan. Cũng như viêm gan B và C, vi khuẩn viêm gan D có thể gây ra viêm gan cấp tính và kinh niên.

VIÊM GAN D CẤP TÍNH

Bệnh nhân có thể cùng một lúc lây cả hai bệnh viêm gan B và D (coinfection), hoặc lây bệnh viêm gan B trước rồi ít lâu sau bị thêm bệnh viêm gan D (superinfection). Trong cả 2 trường hợp này, nếu có sự “tiếp sức” của vi khuẩn viêm gan D, tế bào gan của bệnh nhân viêm gan B sẽ bị tàn phá nhanh chóng hơn, nhất là trong trường hợp thứ hai.

Ðồng nhiễm (Coinfection):
Bệnh viêm gan D thường gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh viêm gan B. Vì cùng một lúc, cơ thể bị tấn công bởi 2 loại vi khuẩn viêm gan khác nhau, những triệu chứng có thể trầm trọng hơn, và bệnh có thể lâu dài hơn.  Vì thế, bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan B & D sẽ có một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm gan B trước, rồi sau đó, khi bệnh có vẻ như đang thuyên giảm, những triệu chứng như vàng da, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt v.v. bắt đầu trở lại. Cơ thể tuy chưa hoàn toàn hồi sức, đã bị thêm một đợt tấn công thứ 2; lần này do vi khuẩn viêm gan D gây ra. Tùy theo tuổi tác khi bị lây bệnh, những triệu chứng kể trên có thể rất rõ rệt hoặc mơ hồ. Như đã trình bầy trong bài “Bệnh Viêm Gan B”, bệnh nhân càng trẻ tuổi chừng nào, những triệu chứng của bệnh càng ít chừng đó, và ngược lại.
Nói một cách khác, khi một người lớn bị lây bệnh viêm gan B và D, người này sẽ thường có nhiều triệu chứng hơn là các bé trẻ thơ. Tiếc thay, càng trẻ tuổi chừng nào, nguy cơ của bệnh biến thành kinh niên sẽ càng cao chừng nấy. Ðó là lý do mà đa số các bé sơ sinh khi bị lây bệnh trong lúc ấu thơ, sẽ bị viêm gan kinh niên với tất cả những biến chứng nguy hiểm sau này. Tuy triệu chứng có vẻ nặng hơn trong thời gian đầu khi mới vừa bị lây bệnh, cơ thể của bệnh nhân lớn tuổi hơn, với một hệ thống miễn nhiễm toàn vẹn hơn, sẽ có khả năng tiêu diệt cả 2 loại vi khuẩn kể trên một cách dễ dàng hơn. Ðiều này, một lần nữa nói lên tầm vóc quan trọng trong vấn đề truy tầm bệnh viêm gan B (và D) ở những phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, cũng như việc chích ngừa bệnh viêm gan B cho tất cả mọi người, nhất là các bé sơ sinh.

Bội nhiễm (Superinfection):
Ðây là trường hợp rất nguy hiểm, khi bệnh nhân đang bị viêm gan B, bị lây thêm một bệnh viêm gan thứ hai. Với sự bành trướng của vi khuẩn viêm gan D trong một cơ thể đang bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn viêm gan B, bệnh sẽ trở nên rất trầm trọng với những hậu quả vô cùng tai hại trong một thời gian rất ngắn. Ngay cả trong trường hợp khi vi khuẩn viêm gan B đang “ngủ yên”, không tàn phá lá gan (healthy carriers), sự tiếp sức của vi khuẩn viêm gan D sẽ tàn phá tế bào gan một cách rất nhanh chóng (trong một thời gian từ 3 đến 5 năm). Vì thế, tuy là một loại vi khuẩn “không toàn vẹn”, vi khuẩn viêm gan D có thể “đánh thức” vi khuẩn viêm gan B đang “ngủ say”, và “hợp lực” tàn phá lá gan của bệnh nhân một cách “vũ bão”.
Khi bệnh lần đầu tiên được khám phá vào những năm 1970, người ta cho rằng vi khuẩn viêm gan D có thể tàn phá gan một cách rất nhanh chóng, khiến đa số bệnh nhân sẽ lìa trần trong vòng một thời gian ngắn từ một vài tháng đến một vài năm. Tuy nhiên, theo sự quan sát gần đây, sự tiến triển của bệnh thay đổi một cách khác nhau tùy vào từng cá nhân. Khoảng 15% bệnh nhân bội nhiễm vi khuẩn viêm gan D sẽ phát bệnh một cách cực kỳ nhanh chóng, và gan của họ sẽ bị chai trong vòng 12 tháng. Khoảng 15% bệnh nhân khác may mắn hơn sẽ hoàn toàn hết bệnh. Trong 70% bệnh nhân còn lại, tuy khả năng tàn phá và thay đổi kiến trúc của lá gan có thể xẩy ra rất nhanh chóng đưa đến chai gan trong vòng một vài năm, bệnh có thể chỉ “dậm chân tại chỗ” trong vòng 20 đến 30 năm, trước khi “quyết định” ra tay “hạ sát địch thủ”. Nếu so với bệnh nhân viêm gan B và C, bệnh nhân viêm gan D sẽ bị chai gan sớm hơn (khoảng 10 đến 20 năm sớm hơn). Khoảng 40% bệnh nhân chai gan gây ra bởi vi khuẩn viêm gan D sẽ bị ung thư gan trong vòng 12 năm. Thông thường những người viêm gan D vì lây qua đường chích thuốc phiện sẽ bị chai gan nhanh chóng hơn những bệnh nhân viêm gan D vì lây qua một lý do nào khác.

ÐỊNH BỆNH VIÊM GAN D

1) THỬ MÁU:

Cũng như các bệnh viêm gan vi khuẩn khác, thử máu là phương pháp độc nhất và chính xác nhất trong việc định bệnh viêm gan D. Khi thử máu, nhiễm thể HDV-RNA có thể tăng lên cao, hoặc kháng nguyên HDAg trở nên dương tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi tế bào gan đã bị tàn phá quá nhiều, kháng nguyên HDAg có thể trở thành âm tính. Vì thế, để truy tầm bệnh viêm gan D trong số những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn viêm gan B (HbsAg dương tính), tôi thường thử kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan D, HDV-antibody, nhất là loại kháng thể “cấp tính” IgM anti-HD. Thông thường khi bệnh trở nên kinh niên, chất kháng thể này tiếp tục dương tính trong một thời gian lâu dài. Và kháng thể này càng cao chừng nào, sự tàn phá của lá gan bởi vi khuẩn càng nhiều chừng nấy. 
Một trong những test thứ máu rất quan trọng trong việc chữa trị bệnh viêm gan D là HBeAG. Kháng nguyên này cho biết vi khuẩn viêm gan B đang sinh sôi nẩy nởi một cách nhanh chóng (cung cấp cho vi khuẩn viêm gan D những “chiếc áo giáp” nguy hiểm). Những bệnh nhân với kháng nguyên HBeAG dương tính, nếu bị lây thêm bệnh viêm gan D thường sẽ gặp những trở ngại rất rắc rối. Bệnh viêm gan của họ dễ biến thành ác tính. Họ có thể lìa trần một cách rất dễ dàng.

2) SIÊU ÂM:

Xin xem thêm trong phần cách định bệnh viêm gan B và bệnh viêm gan C.

PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM GAN D

Như đã trình bầy ở trên, viêm gan D chỉ lây qua những ai chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan B. Vì thế, chích ngừa viêm gan B là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh viêm gan D. Tiếc thay, cho tới nay vẫn chưa có thuốc chích ngừa bệnh viêm gan D cho những người đang bị bệnh viêm gan B. Vì thế, những bệnh nhân viêm gan B nên tránh va chạm vào máu của bệnh nhân viêm gan D, và PHẢI dùng áo mưa (condoms) mỗi lần chăn gối với những bệnh nhân viêm gan D.

PHƯƠNG PHÁP CHỮA TRỊ

1) VIÊM GAN D CẤP TÍNH:

Vì viêm gan D cấp tính dễ trở thành ác tính, bệnh nhân cần được theo dõi một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, như tất cả các loại bệnh viêm gan gây ra từ các loại vi khuẩn khác, bệnh nhân thường không cần phải nhập viện, và có thể được chữa trị và theo dõi tại gia.

Khi bệnh trở nên ác tính, bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng của loạn trí như mất dần tự chủ, chóng quên, ăn nói “lung tung”. Nặng hơn nữa, họ sẽ bị hôn mê, bất tỉnh v.v. Khi máu trở nên quá loãng, họ có thể bị chảy máu cam, ói ra máu, đi cầu phân đen như mực, da dễ bị bầm tím. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải được đưa vào những trung tâm đại học ngay lập tức. Gan có thể bị tàn phá một cách rất nhanh chóng và nếu không được ghép gan, bệnh nhân có thể lìa trần.

2) VIÊM GAN D KINH NIÊN:

Cho tới nay, chỉ có một thứ thuốc độc nhất được chấp thuận bởi FDA trong việc chữa trị bệnh viêm gan D: Ðó là Interferon alfa. Thuốc được dùng cho cả hai trường hợp: viêm gan D kinh niên và cấp tính. Khác với bệnh viêm gan B, khi đa số bệnh nhân không cần chữa cũng tự nhiên hết bệnh, bệnh viêm gan D có khuynh hướng trở thành kinh niên, để rồi tiếp tục tàn phá lá gan. Vi khuẩn viêm gan D được xem là một trong những vi khuẩn viêm gan “độc địa” và nguy hiểm nhất, cũng như “cứng đầu” và khó trị nhất. Vì thế thời gian trị liệu viêm gan D dài gấp 5 lần so với viêm gan B, và số lượng thuốc nhiều gấp 2 lần so với thuốc chữa cho viêm gan C. Với số lượng thuốc từ 5 đến 9 triệu units, chích dưới da 3 lần mỗi tuần, hoặc 5 triệu units mỗi ngày trong một thời gian rất lâu (trung bình là 14 đến 16 tháng), nhiều bệnh nhân không thể tiếp tục chữa trị vì bị quá nhiều phản ứng phụ, nhất là những triệu chứng của bệnh tâm thần. Ðáng kể nhất là buồn phiền, chán nản, u sầu và nhiều khi có ý định tự tử. Tiếc thay, với phương pháp chữa trị kể trên, chỉ có khoảng 40 đến 70% bệnh nhân có thể bình thường hóa các phân tố hóa ALT và AST mà thôi, và điều đáng buồn nhất là từ 60 đến 97% trong số những người này, bệnh sẽ tái phát sau khi ngừng chích thuốc. Khi bệnh trở nên kinh niên, nguy cơ chai và ung thư gan khó lòng tránh được.

Hy vọng trong một tương lai gần đây, nhiều thuốc mới hơn, tốt hơn với ít phản ứng phụ hơn sẽ được khám phá và ứng dụng trong việc chữa trị căn bệnh đáng ngại này.

BỆNH VIÊM GAN E

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Vi khuẩn viêm gan E là nguyên nhân thường xuyên nhất gây ra dịch vàng da tại những vùng nhiệt đới.
  • Bệnh lây qua thức ăn và nước uống ô nhiễm bởi vi khuẩn viêm gan E. Bệnh hiếm khi lây qua máu.
  • Ða số bệnh nhân viêm gan E sẽ không có bất cứ một triệu chứng nào đáng kể, nhưng trong một số bệnh nhân kém may mắn, bệnh có thể trở nên ác tính.
  • Một khi bệnh trở nên ác tính, bệnh nhân có thể lìa trần một cách dễ dàng.
  • Bệnh trở nên nguy hiểm cho những phụ nữ đang có thai.
  • Cho tới nay vẫn chưa có thuốc chích ngừa cho bệnh viêm gan E.
Vào năm 1955, trận lụt lớn tại Ấn Ðộ do nước sông Yamuna đã gây ra tiêu chảy và vàng da cho hơn 30 ngàn dân địa phương. Ban đầu người ta cho rằng bệnh viêm gan A lại một lần nữa lan tràn khắp nơi qua nước uống đã bị ô uế, nhưng sau khi thử máu lại, đa số các bệnh nhân này đều có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A. Và từ đó họ khám phá ra một loại vi khuẩn viêm gan mới, tương tự như vi khuẩn viêm gan A với khả năng lây bệnh qua thức ăn, nước uống. Ðó là vi khuẩn viêm gan E.
Vi khuẩn viêm gan E được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, nhưng nhiều nhất vẫn là các nước ở vùng nhiệt đới gần đường xích đạo. Các nước này bao gồm Châu Mỹ Latin, Phi Châu, lục địa Ấn Ðộ, Trung Ðông, Á Châu nhất là những nước trong vùng Ðông Nam Á. Bệnh bộc phát theo từng chu kỳ, khoảng 5 đến 10 năm theo những mùa mưa lớn gây ra lũ lụt. Từ năm 1986 đến 1988, hơn 120 ngàn dân chúng sống trong vùng Trinh Giang (Xinjiang) tại Trung Hoa đã bị “trúng độc” vì vi khuẩn viêm gan E. Ngay cả trên nước Mỹ, vi khuẩn viêm gan E là nguyên nhân của hơn 50% bệnh viêm gan cấp tính không gây ra bởi vi khuẩn viêm gan A hoặc B.
Khác với bệnh viêm gan A, khi đa số bệnh nhân, nhất là các thiếu nhi, sau khi tiếp xúc với vi khuẩn sẽ bị lây bệnh, vi khuẩn viêm gan E chỉ gây ra bệnh tật trong một thiểu số rất ít từ 1 đến 10%. Tuy nhiên, một khi bị nhiễm trùng, bệnh có thể trở nên ác tính, với khoảng 0.5% đến 4% bệnh nhân viêm gan E sẽ thiệt mạng vì căn bệnh này. Lứa tuổi dễ bị lây bệnh nhất là từ 15 đến 40 tuổi. Nguy hiểm hơn hết khi bệnh nhân đang mang thai, nhất là vào 3 tháng cuối cùng. Trong những trường hợp này, hơn 20% các bào thai có thể sẽ bị chết trong bụng người mẹ hoặc ngay sau khi ra đời. Và như thế, vi khuẩn viêm gan E, ngày nay, đã được xem là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra dịch viêm gan lây qua đường tiêu hóa.

AI CÓ THỂ BỊ BỆNH VIÊM GAN E?

Vì đây là bệnh truyền nhiễm nên chúng ta ai cũng có thể bị. Tương tự như bệnh viêm gan A, bệnh lây từ người này qua người kia qua thức ăn và nước uống ô nhiễm bởi vi khuẩn viêm gan E. Bệnh dễ lây nhất qua đường từ phân đến miệng (fecal-oral route). Vì thế, tại các nước chậm tiến khi phân người vẫn được dùng trong việc canh nông, bệnh đã và đang lan tràn một cách dễ dàng và nhanh chóng.  Hơn nữa khi hệ thống cầu cống tại các nước này chưa được toàn hảo, nước uống có thể bị ô nhiễm một cách dễ dàng vào mỗi mùa bão lụt.
May mắn thay, như viết ở trên, nếu so với bệnh viêm gan A, bệnh viêm gan E khó lây hơn nhiều. Thông thường từ 50% đến 75% thân nhân sống chung với bệnh nhân viêm gan A cấp tính sẽ bị lây bệnh trong một thời gian ngắn. Ðối với bệnh viêm gan E, chỉ một số người rất ít, khoảng 0.7% đến 2.2%, mới có thể bị lây bệnh khi chung sống với bệnh nhân viêm gan E mà thôi. Người ta cho rằng vi khuẩn viêm gan E không được “cứng cáp” cho lắm, nên dễ bị tiêu hủy bởi thiên nhiên. Hơn nữa, để lây bệnh viêm gan E, bệnh nhân cần phải nuốt một số vi khuẩn viêm gan E nhiều hơn nếu so với trường hợp của bệnh viêm gan A. Bệnh đôi khi lây qua máu và rất hiếm khi qua vấn đề sinh lý.

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN E

Thông thường triệu chứng của bệnh viêm gan E chỉ rất nhẹ và nhất thời, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần lễ. Bệnh không gây ra những hậu quả lâu dài, như trong trường hợp của bệnh viêm gan B, D và C. Tuy nhiên bệnh có thể trở nên ác tính và nguy hiểm, nhất là khi bệnh nhân đang mang thai. Tại tỉnh Trinh Giang trong mùa dịch vào những năm 1986 đến 1988, khoảng 1.5% phụ nữ đang có thai trong ba tháng đầu đã từ trần vì căn bệnh này. Con số này tăng lên 8.5% cho phụ nữ có thai vào tháng thứ 4 đến tháng thứ 6, và 21% cho phụ nữ có thai vào 3 tháng cuối. Ðiều này có nghĩa là cứ 1 trong 5 phụ nữ đang có thai vào những tháng cuối cùng, nếu bị lây bệnh viêm gan E, có thể sẽ thiệt mạng vì căn bệnh này.
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 15 đến 60 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Thông thường bệnh nhân bắt đầu bị hâm hấp nóng cũng như mệt mỏi, đau nhức toàn thân như khi bị cảm cúm. Sau đó, da và mắt trở nên vàng. Nước tiểu trở nên đậm mầu. Phân có mầu nhạt như đất sét. Bụng đau lâm râm, khó chịu, buồn nôn và ói mửa. Một số ít bệnh nhân bị tiêu chảy, nổi mề đay và đau khớp xương. Khi thử năng chất của gan ALT và AST tăng cao, thường cùng lúc với vàng da. Tình trạng này kéo dài từ 1 đến 6 tuần. Từ lúc da và mắt trở nên vàng (jaundice), vi khuẩn viêm gan E có thể được tìm thấy trong phân của bệnh nhân. Nếu hoàn cảnh vệ sinh không được toàn hảo, một số vi khuẩn này có thể ô nhiễm nước uống, và vì thế sẽ lây cho người chung quanh. Cũng như bệnh viêm gan A, đa số bệnh nhân không cần chữa, bệnh tự nhiên từ từ giảm dần và biến mất. Chỉ trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, gan bị tàn phá một cách rất nhanh chóng và bệnh nhân có thể lìa trần nếu không được ghép gan.

CÁCH ÐỊNH BỆNH VIÊM GAN E

Thử máu vẫn là phương pháp độc nhất để định bệnh viêm gan E. Tuy nhiên, vì đây là một căn bệnh tương đối mới, nên nhiều người không nghĩ đến. Trong lúc bệnh đang hoành hành, kháng thể HEV-IgM có thể sẽ tăng cao. Như đã trình bầy trong bài bệnh viêm gan B, kháng thể IgM tượng trưng cho bệnh viêm gan cấp tính vừa mới bị lây. IgG là kháng thể khi cơ thể đã tiếp xúc với vi khuẩn trong quá khứ xa xôi. Người có kháng thể HEV-IgG sẽ được miễn nhiễm và không sợ bị lây bệnh viêm gan E nữa. Tuy nhiên vì các bạch huyết cầu có khuynh hướng “chóng quên”, nên sau một thời gian từ 5 đến 10 năm, kháng thể HEV-IgG sẽ từ từ giảm dần và không còn “đủ sức” bảo vệ cơ thể trước sự xâm lấn của vi khuẩn viêm gan E nữa.
Tiếc thay, thử kháng thể HEV-IgM là một phương pháp thử máu cầu kỳ, nên ngay cả trên Hoa Kỳ, chỉ một số phòng thử máu đặc biệt mới trang hoàn đầy đủ máy móc để chạy những cuộc thử máu kể trên. Vì thế, một số lớn bệnh nhân viêm gan E cấp tính thường bị hiểu lầm là đã bị viêm gan cấp tính một cách “khó hiểu” và “không nguyên cớ”.  Sau đây là lược đồ chỉ số kháng thể và kháng nguyên được tìm thấy trong máu, trong phân cũng như trong tế bào gan, sau khi vi khuẩn viêm gan E xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
            
Hoạ đồ này cho thấy, vi khuẩn viêm gan E vẫn tiếp tục xuất hiện trong phân 3 đến 8 tuần lễ sau khi triệu chứng của bệnh viêm gan E cấp tính bộc phát. Vì thế, bệnh vẫn tiếp tục lây cho người khác một đến 2 tháng sau khi gan bị viêm cấp tính. Một khi lành bệnh, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan E trong một thời gian lâu dài. Hóa chất ALT tăng cao đánh dấu viêm gan cấp tính.

PHÒNG BỆNH VIÊM GAN E

Cho tới nay, người ta vẫn chưa khám phá ra thuốc chích ngừa bệnh viêm gan E. Vì thế, vấn đề vệ sinh thành phố, nhất là khả năng cung cấp một nguồn nước uống trong sạch, cũng như cải thiện cầu cống và hệ thống canh nông (không dùng phân người trong việc trồng trọt) là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự bành trướng của căn bệnh đáng ngại này.

Tại một số thôn quê Việt Nam, nhà vệ sinh và phòng tắm cũng như nguồn nước uống “hòa đồng” với nhau một cách rất “thiên nhiên”. Vì thế cả hai bệnh viêm gan A và viêm gan E cũng như một số bệnh sán lải vẫn tiếp lan tràn khắp nơi. Khi du lịch về những vùng nhiệt đới, quý vị chỉ nên uống nước đóng trong chai hoặc lon để lạnh. Tránh uống với đá lạnh làm từ những vòi nước chưa được khử trùng. Tránh ăn các loại sò hến, tôm cua không được nấu kỹ, các loại rau sống cũng như trái cây không bóc vỏ. Thông thường, quý vị chỉ cần đun sôi thức ăn, nước uống trong vòng một phút là có thể tiêu hủy vi khuẩn viêm gan E một cách dễ dàng. Hy vọng trong một tương lai gần đây, người ta sẽ khám phá ra thuốc chích ngừa viêm gan E.

CÁCH THỨC CHỮA TRỊ

Thông thường bệnh chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, và bệnh không cần chữa tự nhiên cũng hết. Các triệu chứng của bệnh có thể được chữa trị tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân, như đã trình bầy một cách kỹ lưỡng trong chương Bệnh Viêm Gan A. Tuy nhiên nếu bệnh trở nên ác tính, ghép gan là phương pháp độc nhất để có thể cứu được mạng sống của bệnh nhân.
Tóm lại, vi khuẩn viêm gan E đã trở thành nguyên nhân thường xuyên nhất đưa đến những dịch vàng da, viêm gan lây qua thức ăn và nước uống tại những vùng nhiệt đới. Tuy bệnh khó lây hơn bệnh viêm gan A, không gây ra viêm gan cấp tính như viêm gan B, C và D, bệnh có thể trở thành ác tính, nhất là nếu bệnh nhân đang mang thai.

CHAI GAN

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Khi gan bị viêm kinh niên vì bất cứ một lý do nào, gan sẽ bị xơ theo thời gian.
  • Xơ gan là tình trạng khi cơ cấu của gan bắt đầu bị thay đổi bởi những tế bào xơ chạy ngang dọc, xen kẽ giữa những tế bào gan. Nếu được chữa trị trong gia đoạn này, gan có thể bình phục hoàn toàn (bệnh “còn” thuốc chữa).
  • Viêm lâu năm, gan sẽ biến thành chai. Ðây là trạng thái khi bệnh “không còn thuốc chữa”. Gan càng ngày càng chai, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau.
  • Lối chữa trị duy nhất khi gan đã bị chai là ghép gan. Tuy nhiên một số thuốc men và phương pháp có thể giúp bệnh nhân chai gan sống một cách khỏe mạnh hơn.
              
Áp xuất tĩnh mạch cửa tăng cao khi gan bị chai, đưa đến sự giãn nở của những tĩnh mạch bao tử, thực quản, lá lách v.v. Những tĩnh mạch trướng này có thể bị vỡ gây ra chảy máu.
Ðây là thí dụ điển hình khi gan đã hoàn toàn bị chai. Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm tế bào gan bị viêm hoặc tổn thương. Nếu không chữa hoặc hủy bỏ những nguyên nhân tác hại tế bào gan, gan sẽ dần dần bị xơ (fibrosis). Từ xơ, gan sẽ biến thành chai (cirrhosis). Tại Hoa Kỳ, nghiện rượu là nguyên nhân chính đưa tới xơ và chai gan. Tại đa số các nước Phi Châu, và Á Châu trong đó có Việt Nam, vi khuẩn viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu đưa đến chai gan.
Sau đây là các hình vẽ cho thấy sự thay đổi của lá gan trong quá trình từ bình thường qua viêm gan đến xơ rồi chai gan:
                  
Hình trên cho thấy lá gan bình thường, không bị sưng lớn hoặc đau đớn. Như đã trình bầy trong chương “Gan và Chức Năng của Gan”, tế bào gan không có dây thần kinh cảm giác. Nên ngay cả khi tế bào bị tổn thương, chúng cũng không “một lời than thở”. Chỉ có màng bọc chung quanh lá gan với tên là Gibson mới có những dây thần kinh cảm giác.
Trong trường hợp viêm cấp tính (acute inflammation), những tế bào gan bị sưng lớn, làm giãn màng Gibson bọc chung quanh lá gan. Bệnh nhân có thể sẽ bị đau “âm ỉ”, “tưng tức” ở vùng bụng trên, bên phải. Có lẽ đây là thời điểm duy nhất mà bệnh có thể mang lại những cảm giác đau đớn, khó chịu. Những cảm giác này, đôi khi, có thể rất nhẹ nên đa số bệnh nhân mặc dầu lá gan bị viêm rất nặng vẫn không hề có một triệu chứng nào cả.
                   
Sau khi bị viêm, một số tế bào gan không chữa tự nhiên cũng trở lại “bình thường”, như trong đa số các trường hợp của bệnh viêm gan do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên trong một số bệnh nhân không may, lá gan tiếp tục bị tàn phá. Một số tế bào gan chết dần, nhường lại cho những tế bào sẹo. Lá gan bị “teo” lại. Màng Gibson không còn bị kéo giãn ra nữa, nên bệnh nhân mất đi những cảm giác đau đớn. Tuy là không có một triệu chứng gì cả, bệnh nay đã bước qua một giai đoạn nguy hiểm hơn: xơ gan.

XƠ GAN (liver fibrosis)

Ðây là hậu quả sơ khởi khi gan bị viêm từ năm này qua tháng nọ. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển một cách rất nhanh chóng. Thông thường quá trình từ viêm đến xơ, rồi qua chai gan sẽ cần một thời gian từ nhiều tháng đến nhiều năm. Tốc độ phát triển của bệnh lệ thuộc vào tình trạng tổn thương của lá gan, sức tàn phá của bệnh và phản ứng của cơ thể khi gan bị kích thích liên tục và lâu dài.
Khi bị “tấn công” “triền miên”, cơ thể tìm cách “cô lập hóa” những “chiến địa” bằng những mô xơ (fibrotic tissue). Những mô xơ này được dùng như những bức bình phong bọc chung quanh các tế bào gan đang bị viêm. Vì thế, kiến trúc của gan sẽ dần dần bị thay đổi với những mô xơ lan rộng khắp nơi, chạy ngang dọc, xen kẽ lẫn nhau chia những tế bào gan còn lại thành những u (nodules) nhỏ. 
               
Tùy theo vị trí và mối liên quan của những mô xơ này với kiến trúc của lá gan, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng rất tiêu biểu. Nếu ống dẫn mật bị tắc nghẽn hoặc “thắt chặt” lại bởi những mô xơ, bệnh nhân sẽ bị vàng da. Nếu những mô xơ “mọc” chung quanh tĩnh mạch gan, các mạch máu này sẽ bị “xiết” lại từ từ gây ra tăng áp xuất mạch môn (portal hypertension). Ðây là một hậu quả vô cùng tai hại gây ra hàng loạt những biến chứng dây truyền như lớn lá lách (splenomegaly), giãn các tĩnh mạch thực quản (esophageal varices), tích tụ dịch trong xoang phúc mạc v.v. Khi bị cổ trướng (ascites) bệnh có thể trở thành nguy hiểm hơn. May mắn thay, nếu gan “chỉ” mới kéo xơ thôi, bệnh vẫn có thể chữa trị được. Những mô xơ này có thể biến dần, và các triệu chứng kể trên sẽ từ từ biến mất, nếu bệnh được phát giác và chữa trị đúng cách và kịp thời. Nếu không được chữa trị hẳn hoi, bệnh sẽ bước qua một giai đoạn nguy hiểm hơn: chai gan.

Tiếc thay, vì đa số bệnh nhân xơ gan không hề có bất cứ một triệu chứng nào rõ rệt, bệnh mỗi ngày một nặng hơn. Rồi thời gian trôi qua, cơ hội chữa lành bệnh nhạt dần theo năm tháng. Ðiều này, một lần nữa nói lên tính cách quan trọng của việc khám định kỳ và thử máu thường xuyên.

CHAI GAN (liver cirrhosis)

Hãy tưởng tượng một thành phố không điện nước, không thức ăn, không nhiên liệu. Cầu cống tắc nghẽn, đường xá hư hỏng, không khí hôi hám, rác chất thành núi. Ngày thiếu mặt trời, đêm thiếu đèn đuốc. Một thành phố không trật tự, thiếu an ninh, người hôi của, kẻ giết người. Một thành phố mà không còn một công dân nào hoàn toàn lành lặn. Nếu không “sứt mẻ” cũng tàn tật hoan phế v.v. Thành phố này không khác gì là cơ thể của người đang bị chai gan.

Chai gan, vì thế được xem là kết quả cuối cùng khi phản ứng của gan với chấn thương đã kéo dài quá lâu và nay bệnh đã đến thời kỳ “không còn thuốc chữa” (irreversible process). Ðây là trường hợp khi những mô xơ trở nên “chằng chịt” hơn, biến những mô liên kết (connective tissues) thành những “sẹo” lớn chạy ngang dọc, chia lá gan thành những kết tiết nhỏ (nodules). Những kết tiết này là tập hợp của những tế bào gan còn sống sót, hoặc mới được tái sinh. Một khi gan đã bị chai, bệnh sẽ tiếp tục tăng trưởng một cách liên tục và không ngừng. Bệnh mỗi ngày một nặng hơn. Gan mỗi ngày một chai hơn.

                   
Như chiếc xe đang tuột dốc, vận tốc “lao đồi” mỗi ngày một nhanh hơn, ngay cả khi những “mãnh lực” đẩy xe ban đầu không còn nữa. Vì thế, tế bào của gan-đang-bị-chai, tương tự như tâm trạng của nhà văn Hồ Dzếnh trong câu “tôi càng đi, trời càng tối”. Và trên con đường “một chiều” này, bệnh cứ thế tăng trưởng mỗi ngày một nhanh hơn, một nhiều hơn, với một tương lai mỗi ngày một . . . đen tối hơn. Tới lúc này, bệnh không thể đảo ngược lại được nữa . . . trừ khi có thuốc tiên.  Tuy nhiên, trong những hơi thở cuối cùng, tế bào gan vẫn “anh dũng” tìm cách tự chữa trị bằng phương thức tái sinh và tăng trưởng những tế bào còn lại, cũng như thông mở những mạch máu mới (revascularization). Ðiều này chỉ giúp bệnh nhân sống thêm một thời gian ngắn ngủi nếu không được ghép gan (liver transplant).

Tùy theo vị trí của mô xơ và mô sẹo, chai gan sẽ đưa đến những hậu quả và biến chứng khác nhau. Mỗi một hậu quả sẽ đưa đến một số triệu chứng điển hình khác nhau.

TRIỆU CHỨNG CỦA CHAI GAN

Ngay cả trong trường hợp khi gan đã bị chai rất nặng, nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục sống một cách khỏe mạnh và không hề có bất cứ một triệu chứng nào đáng kể. Khi thử máu tổng quát, định kỳ, chất ALT vẫn có thể hoàn toàn bình thường. Vì thế, nhiều kinh ngạc bất ngờ có thể xẩy ra cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, khi bệnh “bỗng dưng” bộc phát một cách bất thình lình. Ðây cũng là lý do thường xuyên mà một số bác sĩ vẫn bị trách móc một cách “oan ức” là đã “để” cho bệnh nhân chết vì chai gan mà không hề hay biết.

Những triệu chứng thông thường nhất của chai gan, nếu có, thường rất mơ hồ với những cơn mệt mỏi không nguyên cớ rõ rệt. Bệnh nhân có thể bần thần, khó chịu, không tha thiết làm bất cứ việc gì. Người trở nên yếu đuối, chán ăn, mất ký. Tay chân có thể mất cảm giác. Lưỡi bị nóng rát. Bụng có thể đau “ê ẩm” ở chấn thủy hoặc phần bụng trên bên phải. Một số người da bắt đầu mất đi vẻ hồng hào. Mặt có thể bị xám đen. Nhiều mạch máu li ti như những màng nhện (spider angiomata) có thể tìm thấy trên khắp cơ thể, nhất là trên ngực và sau lưng. Khi nước bắt đầu ứ đọng lại trong cơ thể, bệnh trở nên nguy ngập hơn. Bệnh nhân có thể lìa trần một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Vì gan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn sức khỏe, bệnh chai gan sẽ gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Sau đây là một số triệu chứng điển hình của nhiều cơ quan và hệ thống khác nhau, khi gan bị chai:

HỆ THỐNG TRIỆU CHỨNG
Tiêu Hóa 1. Xuất huyết đường ruột: đi cầu phân đen, ói ra máu
2. Loét lở bao tử, ruột non và ruột gìa.
3. Ðau bụng, ăn kém ngon, buồn nôn, ói mửa. Thức ăn không được hấp thụ và tiêu hóa một cách dễ dàng như xưa, đưa đến thiếu dinh dưỡng, ốm còi, xuống ký nhanh chóng.
4. Cổ trướng (ascites).
Thần Kinh 1. Gan thanh lọc và loại trừ chất độc và các chất cặn bã. Khi gan bị chai, chất độc tăng dần trong máu. Tế bào óc bị tê liệt gây ra những triệu chứng như bần thần, buồn phiền, chán nản, mất ngủ, chóng quên, không tập trung tư tưởng, dễ cáu kỉnh, thay đổi tính tình.
2. Mất định hướng, mất tự chủ, ăn nói lung tung, khó hiểu, chân tay run lẩy bẩy. Khi nặng hơn, bệnh nhân trở nên lờ đờ, buồn ngủ, loạn trí, rồi bất tỉnh và chết (hepatic encephalopathy).
Máu 1. Máu trở nên loãng, không đông đặc dễ dàng như xưa. Ðiều này dễ làm bệnh nhân xuất huyết bao tử hơn.
2. Lá lách sưng lớn, dễ vỡ.
Thận 1. Thận giữ muối và nước nhiều hơn bình thường nên người bị sưng phù. Nước ứ đọng khắp nơi trong cơ thể.
2. Thận mỗi ngày một yếu, khi hoàn toàn hư, bệnh nhân phải lọc thận (hepatorenal syndrome).
Nội Tiết 1. Giảm năng tuyến sinh dục (hypogonadism): Chất steroid giảm dần gây ra rỗng xương (osteoporosis), hiếm muộn. Nam bệnh nhân trở nên bất lực, chân tay yếu đuối, bắp thịt teo nhỏ lại, vú nở lớn như phụ nữ (gynecomastia). Nữ bệnh nhân thường kinh nguyệt trở nên thất thường.
2. Tuyến giáp trạng (thyroid): Gan là cơ quan chính trong việc chuyển hóa các kích thích tố (hormone) của tuyến giáp trạng. Bệnh nhân chai gan có thể bị giảm năng tuyến giáp (hypothyroidism) hoặc tăng năng tuyến giáp (hyperthyroidism). Vì thế bệnh nhân có thể bắt đầu bằng triệu chứng của bệnh tuyến giáp trạng làm việc thái quá rồi từ từ chuyển sang triệu chứng của người với tuyến giáp trạng không hoạt động đúng cách, và ngược lại.
3. Tụy tạng (pancreas): 60% bệnh nhân chai gan sẽ không dung nạp được chất đường (glucose intolerance) và hơn 20% sẽ bị tiểu đường (diabetes). Vì thế bệnh tiểu đường của người viêm gan trở nên nặng hơn, một khi gan bị chai.
Phổi 1. Hơi thở có mùi “ngọt lờ lợ của trái cây”, đôi khi giống như mùi rượu lên men.
2. Nước có thể ứ đọng trong xoang phế mạc (pleural effusion) gây ra ngộp thở. Hơn nữa, các mạch máu trong phổi cũng có thể bị thay đổi làm sự trao đổi dưỡng khí trở nên khó khăn. Bệnh nhân trở nên khó thở. Áp xuất máu của phổi tăng dần đưa đến lớn tim.
Cho tới nay để định bệnh chai gan, thử nghiệm tế bào gan dưới kính hiển vi vẫn là phương pháp độc nhất và chính xác nhất. Tuy nhiên trong trường hợp của bệnh nhân kể trên, với tất cả những triệu chứng và biến chứng của chai gan, sinh thiết gan trở nên dư thừa và không cần thiết. Sự hiện diện của tĩnh mạch trướng được xem là một dấu hiệu quan trọng cho biết gan đã bị chai.

Người ta cho rằng, những triệu chứng khi gan bị chai thường gây ra bởi 2 lý do chính: 1) áp xuất mạch môn quá cao và 2) tế bào gan đã bị tổn thương quá nặng, không còn hoạt động một cách đắc lực. Với sự suy luận này, lối chữa trị bệnh chai gan đã thay đổi nhiều trong những năm vừa qua.

1) TĂNG ÁP XUẤT MẠCH MÔN (portal hypertension):

Ðây là biến chứng thường xuyên và cũng nguy hiểm nhất của bệnh viêm gan kinh niên. Khi thực phẩm trong ruột non và ruột gìa được hấp thụ sau mỗi bữa ăn, chúng sẽ đi thẳng vào gan qua tĩnh mạch cửa (portal vein). Sau khi được tế bào gan biến chế thành nhiều chất hóa học khác nhau, chúng sẽ theo những tĩnh mạch lớn quay về tim, và từ đó được phân phát cho toàn cơ thể. Tĩnh mạch cửa này cũng nhận máu từ nhiều cơ quan khác trong hệ thống tiêu hóa như tụy tạng (pancreas), bao tử (stomach), thực quản (esophagus), màng treo ruột (mesenterium), ruột non (small intestine), ruột già (colon), hậu môn (anus) và lá lách (spleen). Vì thế, khi cửa chính này bị bế tắc, nhiều biến chứng sẽ xẩy ra. Một vài thí dụ điển hình là xuất huyết từ các mạch trướng, nước ứ đọng lại trong bụng (cổ trướng), sưng lá lách v.v.

a) TĨNH MẠCH TRƯỚNG (Varices):
Khi bị viêm lâu năm, các mạch máu của gan bị những mô xơ “ép nhỏ” lại. Sự lưu thông của máu qua những tĩnh mạch này trở nên ngày một khó khăn hơn. Áp xuất mạch môn dần dần tăng cao. Máu, vì thế, sẽ bị ứ đọng lại tại nhiều cơ quan khác nhau.

                      
Những mạch máu tô đậm có thể nở lớn ra khi gan bị chai. Chúng sẽ biến thành những tĩnh mạch trướng.

Lúc bấy giờ cơ thể sẽ tìm cách chuyên chở máu về tim qua những “đường vòng” khác. Những đường vòng này là những mạch máu đã được tạo hình trong thời kỳ phôi thai (embryonic channels), khi hệ thống tiêu hóa của thai nhi chưa tích cực hoạt động. Vì những mạch máu “phụ” này có bán kính nhỏ hơn tĩnh mạch cửa rất nhiều, nên chẳng bao lâu chúng sẽ không “chịu nổi” số lượng máu quá mạnh và quá nhiều. Có lẽ đây là hậu quả nguy hiểm nhất khi áp xuất mạch môn bị tăng quá cao.

Khi phải chuyên chở một số lượng máu quá nhiều từ bụng về tim, những mạch máu nhỏ kể trên sẽ giãn to và dễ vỡ. Chúng được gọi là tĩnh mạch trướng (varices). Quang trọng nhất là mạch trướng thực quản (esophageal varices), mạch trướng bao tử (gastric varices) và mạch trướng hậu môn (rectal varices). Người ta ước đoán, mỗi năm khoảng 5 đến 8 % bệnh nhân bị chai gan sẽ bị tĩnh mạch trướng thực quản. Như những “quả bom nổ chậm”, những mạch trướng này có thể vỡ tung và chảy máu bất cứ lúc nào.

Hơn nữa, vì sự tuần hoàn nuôi dưỡng hệ thống tiêu hóa bị ứ đọng và tắt nghẽn, màng bao tử và ruột già có thể bị viêm đỏ, loét lở và chảy máu. Vì vậy, không sớm thì muộn bệnh nhân chai gan sẽ bị xuất huyết bao tử. Họ có thể đang sống một cách rất “bình thường”, bỗng dưng cảm thấy khó chịu, bụng đau “tưng tức” rồi ói ra máu hoặc đi cầu phân đen như mực. Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần phải nhập viện ngay lập tức.

b) CỔ TRƯỚNG (Ascites): 

Ðây là một trong những biến chứng thường xuyên nhất của chai gan, và chai gan là nguyên nhân số một đưa đến cổ trướng. Trong trường hợp này một số dung dịch bị ứ đọng và tích tụ trong xoang phúc mạc, làm bụng trở nên căng phồng. Hơn 30% bệnh nhân chai gan, nhất là chai gan từ vi khuẩn viêm gan C, sẽ bị cổ trướng trong vòng 10 năm. Ban đầu bệnh nhân có cảm tưởng như mình đang “phát tướng”, với bụng “mập” hơn một chút. Sau đó quần áo mỗi ngày một chật hơn. Rồi bụng có thể lớn rất nhanh và rất lớn như người đang mang thai. Nước cũng có thể ứ đọng ở hai chân. Song song vào đó, bệnh nhân còn cảm thấy ngày một mệt mỏi hơn, họ bỗng trở nên “lười biếng”, không tha thiết đến bất cứ việc gì, ngay cả những vấn đề chính yếu như ăn uống. Lâu dần họ sẽ mất ký và trở nên thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng. Khi bụng bị quá căng, bệnh nhân cảm thấy nặng nề, đau đớn, khó thở.

Với số nước “lõng bõng” trong xoang phúc mạc, ruột non có thể “bơi” và di chuyển một cách tự do, nên có thể đưa đến sa ruột (hernia) hoặc nguy hiểm hơn bị tắt nghẽn ruột (hernial incarceration). Khi ruột bị nghẽn, bụng bỗng dưng đau “khủng khiếp” và nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời, phần ruột bị xoắn có thể bị thối và làm độc. Bệnh nhân có thể lìa trần một cách dễ dàng.

Một trong những biến chứng khác khi nước bị ứ đọng trong bụng là nhiễm trùng phúc mạc (bacterial peritonitis). Ðây cũng là một dữ kiện có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, nếu không được khám phá kịp thời. Vì thế sự hiện diện của xưng cổ trướng nơi bệnh nhân đang bị xuất huyết bao tử là một điểm không tốt. Nhiễm trùng phúc mạc thường gây tổn thương lan qua những hệ thống khác, như thận, phổi, tim v.v. (multiorgan failure).
Rút nước từ bụng bệnh nhân xưng cổ trướng (paracentesis) là một lối trị bệnh đã được ứng dụng từ đầu thế kỷ thứ 18. Trong phương pháp này, một ống cao su nhỏ sẽ được đưa thẳng vào bụng để rút nước ra và gởi đi phòng thí nghiệm. Cách thức thực hiện rất đơn giản với một ít thuốc tê để tiêm vào da và một vài ống chích đặc biệt để hút nước. Ðể giảm thiểu những biến chứng hiếm hoi như chảy máu và lủng ruột, vị trí hút nước thường được ấn định trước bằng máy siêu âm (ultrasound). Thông thường sau khi rút nước ra, bệnh nhân cảm thấy rất dễ chịu và có thể thở lại một cách dễ dàng. Bụng không còn đau “tưng tức” nữa. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tính cách tạm thời mà thôi. Sau khi rút nước ra, bụng sẽ sưng trướng trở lại một cách nhanh chóng. Vì thế, người bị chai gan nên tránh ăn quá nhiều muối và uống quá nhiều nước. Vì khuôn khổ sách giới hạn, nên chúng tôi không đi vào chi tiết hơn trong việc chữa trị cổ trướng.

Ngoài xuất huyết từ những mạch trướng và những biến chứng gây ra từ cổ trướng, bệnh nhân chai gan có thể bị “hành hạ” bởi những hậu quả khi khả năng hoạt động của gan hoàn toàn bị tê liệt.

2) TẾ BÀO GAN BỊ HƯ

Khi sinh thiết gan (liver biopsy), người ta có thể nhận diện được sự tiến triển của bệnh viêm gan một cách trực tiếp và rõ ràng. Như đã trình bầy ở trên, khi gan bị viêm kinh niên, một số tế bào gan sẽ bị tiêu hủy dần dần. Những tế bào còn lại “tụ hợp” thành từng nhóm, nằm xen kẽ giữa những mô xẹo chạy ngang dọc. Dần dần các nhóm tế bào này cũng “chết lần chết mòn”, nên khả năng “làm việc” của lá gan mỗi ngày một kém đi.

Sự bào chế của nhiều chất hóa học và chất đạm giảm dần. Nước ứ đọng khắp nơi trong cơ thể. Người dễ bị cảm cúm, bệnh tật hơn. Thiếu chất mật (bile), sự tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, nhất là các chất dầu mỡ trở nên khó khăn hơn. Người bệnh, vì thế cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu sau mỗi bữa ăn. Họ trở nên “lười” ăn hơn. Ban đầu, họ chỉ tránh những thực phẩm nhiều dầu mỡ, lâu dần họ trở nên “sợ sệt” trước mỗi bữa ăn.

Người chai gan không sớm thì muộn sẽ bị thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng. Cơ thể, không còn khả năng hấp thụ những thức ăn mỗi ngày một ít đi. Các loại vitamines tan trong mỡ như Vitamin A, D, E, K, v.v. bị thiếu một cách kinh niên. Thiếu Vitamin K, máu trở nên loãng hơn, và bệnh nhân dễ bị chảy máu hơn.

Vì gan là cơ quan chính để “giải độc” trong cơ thể, “rác rưới” sẽ bị ứ đọng khắp nơi gây “ngộp thở” cho tất cả các tế bào. Người bệnh trở nên kém minh mẫn. Trí nhớ giảm dần. Cơ thể và hơi thở trở nên nặng mùi. Chất mật vàng (bilirubin) tăng dần. Da và mắt trở nên vàng, mặt nám đen v.v. Bệnh nhân, như thế mỗi ngày một yếu đi.

Tóm lại, chai gan là giai đoạn cuối cùng khi gan đã bị viêm quá lâu năm. Người bị chai gan trong những giai đoạn đầu tiên thường không có một triệu chứng nào đáng kể. Nhưng một khi bộc phát, bệnh trở nên trầm trọng một cách nhanh chóng, “kéo theo” tất cả những hệ thống khác trong cơ thể chúng ta. Tuy một số thuốc men có thể dùng trong việc chữa trị cho người bị chai gan, bệnh nhân sẽ đi dần đến cái chết một cách tương đối lẹ làng nếu không được ghép gan. Tiếc thay, ghép gan là một phương pháp chữa bệnh rất tốn kém, và người cho thì ít, kẻ nhận thì nhiều. Do đó, không phải ai cũng có may mắn được nhận gan của người khác một cách kịp thời. Vì thế, đa số bệnh nhân trong danh sách chờ đợi để được ghép gan (waiting list), phải chờ đợi rất lâu. Ðôi khi quá lâu và quá muộn.

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỊ VIÊM GAN

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Dinh dưỡng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo trì sức khỏe của chúng ta.
  • Người bị bệnh viêm gan cần một dinh dưỡng đặc biệt tùy theo bệnh trạng của mỗi cá nhân.
  • Nhiều loại thuốc có thể hại đến tế bào gan, nên người bị viêm gan cần tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình của mình trước khi dùng bất cứ một loại thuốc nào.
  • Dược thảo tuy an toàn, nhưng trong một số trường hợp, thuốc có thể gây ra những điều kiện bất lợi và nguy hại cho người dùng.
  • Khi gan bắt đầu bị chai, một số thức ăn nước uống thông dụng hàng ngày có thể trở thành những độc tố tác hại trực tiếp đến lá gan.
Trong những năm gần đây, người ta ý thức hơn về vấn đề dinh dưỡng trong việc bảo trì sức khỏe cũng như chữa trị bệnh tật. Tuy “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”, chúng ta không nên chỉ ăn để sống “qua ngày”. Ăn đúng cách có thểả giúp phòng ngừa bệnh tật, hoặc thuyên giảm nhiều triệu chứng khác nhau.
Tuy nhiên nói thì dễ, làm thì khó. Ngoài sự hiểu biết sâu xa về các loại dinh dưỡng, người muốn ăn đúng cách cần một ý chí cương quyết và bền bỉ. Ăn đúng “kiểu”, chưa chắc đã ăn đúng cách. Ăn uống kiêng khem “cực khổ”, chưa chắc sẽ tạo cho cơ thể chúng ta một môi trường thuận lợi. Nếu chúng ta ăn gạo lức muối mè ngày này qua tháng nọ, chẳng hạn; hoặc ăn trường chay một cách tuyệt đối mà không để ý đến các chất đạm hoặc chất bổ khác nhau, cơ thể chúng ta sẽ thiếu dần nhiều chất dinh dưỡng một cách kinh niên, và từ đó đưa đến nhiều bệnh tật.

Thông thường, khi cơ thể chúng ta còn khỏe mạnh, chưa bệnh tật, ăn uống một cách “bừa bãi”, “cẩu thả” cũng chỉ gây ra một số hậu quả không tốt nếu chúng ta tiếp tục “vung vít” “phá giới” từ ngày này qua tháng nọ. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng trở nên vô cùng quan trọng khi gan của chúng ta bị viêm, không còn tốt như xưa.

Dinh dưỡng cho người bệnh viêm gan được phân biệt tùy theo bệnh trạng của mỗi cá nhân:

1) Người bị viêm gan cấp tính (acute hepatitis)
2) Người bị viêm gan kinh niên (chronic hepatitis) và
3) Người bị chai gan (liver cirrhosis) hoặc ung thư gan (liver cancer).

Nói đến dinh dưỡng chúng ta thường gặp nhiều lời khuyên khác nhau, truyền tụng từ người này qua người nọ, từ đời này qua đời kia. Một số lời khuyên rất đúng và rất nên được ứng dụng vào đời sống hàng ngày. Ngược lại, nhiều lời khuyên hoàn toàn sai lầm và không dựa vào bất cứ một nghiên cứu khoa học nào cả. Những lời khuyên truyền khẩu này nhiều khi đã được phổ biến từ nhiều thế hệ khác nhau, nên được in sâu vào ký ức của đại chúng.
Thậm chí nhiều lời khuyên rất phản khoa học đã và đang được xem như một trong những món quà tinh thần cao quý, trao đổi cho nhau, từ người này sang người khác, và như thế cứ tiếp tục được duy trì và ứng dụng một cách rất phổ thông. Áp dụng những lời khuyên vô lý này vào cách thức ăn uống không những không mang lại một lợi ích nào mà còn có thể làm cho cơ thể của chúng ta mỗi ngày một yếu đi, một nhiều bệnh tật hơn.
Hơn nữa, không phải bệnh nào cũng có thể chữa được bằng thức ăn. Và không phải thức ăn nào cũng được xem như thuốc chữa bệnh. Theo định nghĩa, “thuốc” là một chất hóa học có thể ứng dụng để trị bệnh hoặc chữa lành thương tích. Nếu thực phẩm được dùng như thuốc trị bệnh, chúng sẽ có tất cả các phản ứng phụ nếu “dùng” không đúng cách hoặc quá “dose”.

Mục tiêu chính của dinh dưỡng là:

  1. Giữ cán cân trung bình. Ðừng ăn ít hơn hoặc nhiều hơn sự cần thiết của cơ thể. Người mập quá, nên xuống ký. Người ốm quá nên lên cân.
  2. Cung cấp cho cơ thể chúng ta những chất bổ và khoáng chất cần thiết.
Thực phẩm chứa đựng nhiều chất đạm (protein), chất đường/bột (sugar/carbon hydrate), chất mỡ (fat/cholesterol), sinh tố (vitamin), khoáng chất (trace elements), chất sơ (fiber) v.v. theo những tỷ lệ khác nhau. Tùy theo tuổi tác, trọng lượng, nghề nghiệp cũng như sinh hoạt thể thao và phái giới, chúng ta mỗi ngày cần từ 30 đến 35 Kcal. cho mỗi ký lô trọng lượng cơ thể. Về chất đạm (protein) chúng ta cần từ 1 đến 1.5 gm cho mỗi một ký lô trọng lượng mỗi một ngày. Nói một cách khác, nếu một người lớn nặng khoảng 70 ký, họ cần phải ăn từ 2,100 đến 2,450 Kcal và 70 đến 90 gm chất đạm mỗi ngày.

Tuy một gram chất mỡ chứa nhiều nhiên liệu hơn một gram chất đường, chất bột hoặc chất đạm, chúng ta nên dùng chất mỡ/ béo càng ít càng tốt. Tổng số năng lượng mỗi ngày không nên nhiều hơn 30% dưới dạng mỡ.

Sau đây là bản so sánh giữa các nhiên liệu chứa đựng trong các loại thịt thông thường:

90 Grams Chất Ðạm (Proteins) Năng Lượng
(Calories)
Mỡ
(Fat)
Mỡ Bảo Hòa (Saturated Fat) Choles-terol
(mg) 
Thịt Bò 21 g 240 15 6.4 77
Thịt Cừu 14 g 205 20 8.8 63
Thịt Dê 26 g 136 2.8 1 66
Thịt Gà Tây 25 g 135 3 0.9 59
Thịt Gà 20 g 140 1 0.3 55
Thịt Heo 14 g 275 18.2 6.8 62
Thịt Nai 26 g 126 1.6 0.6 65
Ngoài ra, mỗi một ngày chúng ta nên ăn khoảng 20 đến 30 gram chất sơ. Ðiều này nói dễ hơn làm. Tuy chất sơ có nhiều trong các loại rau và trái cây, muốn đạt được số lượng chất sợi kể trên chúng ta phải ăn từ 10 đến 15 các loại trái cây khác nhau mỗi ngày. Một số bệnh nhân có thể bị “sình bụng” khi ăn quá nhiều chất sợi. Ðể tránh bị những phản ứng phụ này, quý vị có thể tăng số lượng trái cây và rau quả một cách từ từ. Sau đây là một vài thí dụ điển hình của thức ăn chứa đựng nhiều chất sơ:
Thức Ăn Khẩu Phần Chất Sơ (grams)
Bánh Mì Nâu
(whole wheat)
1 lát 2.0
Bánh mì trắng 1 lát 0.9
Broccoli 1 cốc (cup) 6.5
Cam 1 quả nhỏ 3.0
Cà Rốt sống 4 củ 1.7
Chuối 1 trái cỡ trung 2.0
Cơm trắng 1 bát nhỏ 1.5
Dứa tươi 3/4 cốc (cup) 1.4
Ðậu Ðen / Ðậu Ðỏ 1/2 cốc (cup) 5.5
Ðậu Ðũa 1 cốc (cup) 4.2
Gạo Lức 1/2 cốc (chưa nấu) 5.5
Khoai Tây 1 củ nhỏ 4.2
1 trái nhỏ 3.0
Mận khô 3 trái nhỏ 1.7
Mận tươi 2 trái nhỏ 2.4
Măng tây 1/2 cốc (cup) 1.8
Nho tươi 15 trái nhỏ 0.5
Sà lách xanh 1 cốc (cup) 0.5
Táo 1 trái nhỏ 2.8
Xoài 1 quả nhỏ 6.0
Nếu vì một lý do nào đó, quý vị không thể ăn đủ 20 đến 30 grams chất sơ mỗi ngày, quý vị có thể uống thêm một số chất sợi được bầy bán trên thị trường mà không cần toa bác sĩ như Citrucel, Fiberall, Metamucil v.v. Nếu được quý vị nên chọn loại chất sợi có thể tan trong nước (water soluble fiber) như methylcellulose, và tránh dùng những chất sợi như psyllium. Chất psyllium có thể lên men trong ruột già gây ra sình bụng hoặc đau “quặn bụng”. Các loại rau muống, rau rền, rau cải cúc v.v. là những thức ăn thuần túy Việt Nam với số lượng chất sợi rất cao.
THỰC PHẨM CHO NGƯỜI VIÊM GAN CẤP TÍNH:
  1. Ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa một ít.
  2. Tránh những thức ăn quá nặng nề với nhiều gia vị, dầu mỡ.
  3. Uống nhiều nước. Nước ấm thường dễ uống hơn nước quá lạnh.
  4. Nên nghỉ ngơi thường xuyên và tránh làm việc quá nặng nhọc.
  5. Nên dùng những phương pháp “nhẹ nhàng” để thuyên giảm những triệu chứng khó chịu, trước khi dùng đến thuốc men.
  6. Nếu phải dùng thuốc, nên dùng càng ít càng tốt.
  7. Tuyệt đối không được uống rượu bia trong thời gian này, dầu chỉ một ít mà thôi.
  8. Nếu triệu chứng trở nên quá nặng, xin liên lạc với bác sĩ của quý vị càng sớm càng tốt.
Khi bị viêm gan cấp tính, bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa, tương tự như những cơn cảm cúm đường ruột hay khi bị ngộ độc thức ăn. Nếu nôn ói trở nên trầm trọng hơn hoặc tiếp tục kéo dài, họ phải nhập viện trước khi kiệt sức vì mất quá nhiều nước.

Ngược lại, nếu chỉ hơi nôn nao khó chịu, bệnh có thể được chữa tại gia. Trong trường hợp này, họ chỉ nên dùng các thức ăn nhẹ, không dầu mỡ, ít gia vị. Thường nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng, khi cơ thể còn tương đối khỏe mạnh. Vào xế chiều cơ thể bệnh nhân viêm gan cấp tính thường mệt mỏi hơn, nên dễ buồn nôn hơn. Ðể tránh bị đầy bụng, khó chịu buồn nôn sau mỗi bữa ăn, họ nên thi hành câu châm ngôn: “Ăn ít no lâu, ăn nhiều dễ ói”. Nghĩa là họ nên ăn thành nhiều bữa, mỗi lần một ít. Một số bác sĩ tin rằng, người bệnh viêm gan cấp tính nên ăn nhiều năng lượng (calories) hơn so với lúc chưa bị bệnh. Năng lượng này rất cần thiết trong việc hồi phục những tế bào gan nói riêng và toàn cơ thể nói chung.

Như đã trình bầy trong chương “Bệnh viêm gan A”, quý vị nên dùng phương pháp “đau đâu chữa đó”. Ðiều này có nghĩa là quý vị chỉ nên uống thuốc trong trường hợp thật cần thiết mà thôi. Tránh dùng quá liều các loại thuốc có thể hại đến gan, chẳng hạn như Tylenol (Acetaminophen). Tránh uống rượu và bia. May mắn thay, đa số triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính từ các loại vi khuẩn viêm gan, nếu có, chỉ kéo dài vài ngày tới vài tuần. Một khi gan bình phục bệnh nhân có thể ăn uống lại bình thường mà không phải kiêng cữ gì cả.

THỰC PHẨM CHO NGƯỜI VIÊM GAN KINH NIÊN

  1. Tiếp tục ăn uống một cách bình thường. Nên thay đổi nhiều loại thức ăn khác nhau.
  2. Kiêng dầu mỡ và các chất béo như mọi người khác (không bị viêm gan).
  3. Nên ăn nhiều rau và trái cây để có nhiều chất sinh tố và chất sợi.
  4. Nên uống thêm thuốc bổ, nhưng nên tránh thuốc có chứa nhiều chất sắt.
  5. Nên ăn nhiều chất đạm (protein), nhất là chất đạm từ thực vật.
  6. Tránh uống rượu hoặc bia.
Cho đến nay Hội Y Sĩ Ðoàn Hoa Kỳ vẫn chưa có lời khuyên chính thức về thực đơn hay thực phẩm dành riêng cho người bị viêm gan kinh niên. Bệnh nhân viêm gan kinh niên trong những giai đoạn đầu, thường vẫn tiếp tục cảm thấy rất khỏe khoắn. Sự hấp thụ và tiêu hóa thức ăn vẫn chưa gặp bất cứ một trở ngại nào. Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nặng hơn, hệ thống tiêu hóa trở nên yếu dần. Vì thế, người bị viêm gan kinh niên, với thời gian tính, không ít thì nhiều sẽ bị thiếu dinh dưỡng, mặc dầu cơ thể bên ngoài của họ vẫn có vẻ “mập mạp” và khỏe mạnh như xưa. Nói một cách khác, người viêm gan kinh niên không nên ăn uống kiêng khem một cách cực khổ. Họ cần phải ăn uống thật đầy đủ với nhiều loại thực phẩm khác nhau, thay đổi mỗi ngày, để cung cấp cho cơ thể những chất bổ, chất đạm cần thiết. Họ nên uống mỗi ngày một viên multi-vitamin. Ngoài thuốc bổ thông thường họ cần uống thêm thiamine và folic acid, nhất là nếu họ bị viêm gan vì uống rượu bia quá nhiều trong một thời gian quá lâu.

RƯỢU BIA VÀ BỆNH GAN:

Rượu bia là một độc chất nguy hiểm đưa đến viêm và chai gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia nếu uống thái quá sẽ làm bệnh viêm gan do vi khuẩn viêm gan (nhất là vi khuẩn viêm gan C phát triển nhanh chóng hơn và trầm trọng hơn. Vì thế bệnh nhân sẽ giảm tuổi thọ nhiều hơn và nhanh chóng hơn so với những người cũng bị viêm gan mà không hề uống rượu. Theo thông cáo của Học Viện Y Tế Quốc Gia (National Institutes of Health) vào năm 1977 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn viêm gan không nên uống rượu. Nếu uống, không được uống quá một ly rượu nhỏ mỗi ngày. Tốt hơn hết, nên tránh hoàn toàn rượu bia, để tránh tình trạng “châm dầu vào lửa”.

CHẤT SẮT VÀ BỆNH GAN:

Trong cơ thể gan là cơ quan chứa đựng nhiều chất sắt. Gan của người bị nhiễm vi khuẩn viêm gan C có khuynh hướng giữ chất sắt nhiều hơn bình thường. Quá nhiều chất kim loại này trong cơ thể, nhiều bộ phận khác nhau, như tim, tụy tạng và gan sẽ bị tổn thương. Hơn nữa, tác dụng của thuốc Interferon có thể giảm đi nhiều phần, nếu cơ thể của bệnh nhân chứa đựng quá nhiều chất sắt. Vì thế, bệnh nhân bị viêm gan C với lượng sắt cao trong máu, nhất là khi gan bị chai nên tránh uống thuốc bổ có chất sắt hoặc thực phẩm như thịt đỏ, gan, huyết v.v. Ðây là lý do tại sao ăn gan không những không bổ gan, mà còn có thể làm hại gan hơn. Nên tránh nấu ăn bằng nồi niêu làm bằng sắt hay lót với chất sắt. Khi dự trữ thức ăn, nên dùng các loại hộp bằng nhựa hoặc thủy tinh. Tránh dùng những hộp bằng kim loại.

MỠ VÀ BỆNH GAN:

Mập phì (obesity), bệnh mỡ cao hoặc tiểu đường thường đưa đến bệnh gan nhiễm mỡ (fatty liver). Lâu dần gan có thể bị viêm. Những người này nếu xuống cân hay giảm lượng Cholesterol thì gan có thể tốt hơn. Bệnh nhân bị viêm gan vì thế nên tập thể dục đều đặn, bớt ăn nhiều chất béo, cholesterol, đường. Vì béo phì là một căn bệnh có tính cách kinh niên, kinh niên (chronic disorder), nên những người quá mập cần được theo dõi kỹ lưỡng và phải xuống ký theo một chương trình giảm cân đặc biệt. Nếu ăn uống không đúng cách, họ có thể trở nên thiếu dinh dưỡng một cách trầm trọng mặc dầu thân hình vẫn có vẻ mập mạp, “tốt tướng”.

Nói một cách tổng quát, muốn xuống ký, chúng ta phải ăn ít hơn số calories cần thiết. Tập thể dục là một cách thức tăng cao số năng lượng cơ thể tiêu thụ mỗi ngày. Tập thể dục còn giúp cho cơ thể chúng ta được cứng cáp và ít bệnh tật hơn. Tùy theo cách thức tập thể dục, cơ thể sẽ “đốt” một số năng lượng thặng dư. Sau đây là bản tóm tắt về thời gian tập thể dục cần thiết để tiêu hủy năng lượng tương đương của một số thức ăn thông dụng:

Như thế, dựa vào bản tóm tắt kể trên, nếu quý vị đi bộ khoảng nửa tiếng đồng hồ (và toát mồ hôi rất nhiều), rồi sau đó ăn một bánh cookie với một lon nước ngọt, quý vị đã “đổ đầy một bình xăng mới” và sẽ không xuống một ký lô nào cả.

Thời Gian Tập Thể Dục (phút) để tiêu thụ Thực Phẩm đã dùng
Thức Ăn Kilo-cal Hoạt động cơ thể
Ði bộ Ði xe đạp Bơi lội Chạy bộ Nằm nghỉ
1 thìa cottage cheese 27 5 phút 3 phút 2 phút 1 phút 21 phút
1 củ carrot sống 42 5 phút 4 phút 4 phút 2 phút 32 phút
1 bánh cookie 51 10 phút 6 phút 5 phút 3 phút 39 phút
1 quả cam 68 13 phút 8 phút 6 phút 4 phút 52 phút
1 ly sữa ít mỡ 81 16 phút 10 phút 7 phút 4 phút 62 phút
1 thìa mayonnaise 92 18 phút 11 phút 8 phút 5 phút 71 phút
2 lát bacon 96 18 phút 12 phút 9 phút 5 phút 74 phút
1 quả táo lớn 100 19 phút  12 phút 9 phút 5 phút 78 phút
1 lon nước ngọt 106 20 phút 13 phút 9 phút 5 phút 82 phút
1 trứng chiên 110 21 phút 13 phút 10 p hút 6 phút 85 phút
1 chai bia 114 22 phút 14 phút 10 phút 6 phút 88 phút
2 lát ham 167 32 phút 20 phút 15 phút 9 phút 128 phút
1 ly kem nhỏ 193 37 phút 24 phút 17 phút 10 phút 148 phút
1/2 ức gà chiên 232 45 phút 28 phút 21 phút 14 phút 178 phút
Tuna salad 278 53 phút 34 phút 25 phút 14 phút 214 phút
Hamburger 350 67 phút 43 phút 31 phút 18 phút 269 phút
1 ly Milk shake 421 81 phút 51 phút 38 phút 22 phút 324 phút

CHẤT ÐẠM VÀ BỆNH VIÊM GAN:

Chất đạm từ động vật được tìm thấy rất nhiều trong các loại cá, thịt, tôm v.v.

Chất đạm (protein) đóng một vai trò quan trọng và cần thiết trong việc bảo trì và tăng trưởng bắp thịt trong cơ thể chúng ta. Chất đạm cũng giúp cơ thể tự chữa bệnh và hồi sức. Người bị bệnh gan cần ăn uống đầy đủ chất đạm để giúp tế bào gan tăng trưởng và hồi phục mau chóng. Tùy theo tuổi tác, trọng lượng, nghề nghiệp cũng như sinh hoạt thể thao và phái tính nam nữ, bệnh nhân cần từ 1 đến 1.5 gm chất đạm mỗi ngày cho mỗi một ký lô trọng lượng cơ thể. Người ta thường hiểu lầm là bệnh nhân viêm gan phải tránh chất đạm, không được ăn quá nhiều thịt, nhất là lòng đỏ trứng gà. Ðiều này chỉ đúng khi gan bị chai quá nặng mà thôi.

Khi bệnh trở nên nặng hơn, khả năng bài tiết chất mật của gan giảm dần. Thiếu chất mật sự tiêu hóa và hấp thụ dầu mỡ trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân có thể bị sình bụng, khó chịu hoặc tiêu chảy. Các loại vitamin tan trong mỡ như vitamin A, D, E sẽ không được hấp thụ như mong muốn. Vì thế nếu không uống thêm Vitamin D (5,000 – 8,000 IU mỗi ngày) và calcium, xương của họ có thể sẽ xốp hơn và dễ gẫy hơn. Nên uống thêm Vitamin A từ 10,000 đến 25,000 IU mỗi ngày và Vitamin E từ 50 đến 400 IU mỗi ngày. Một số bác sĩ cũng khuyên nên uống thêm Vitamin C mỗi ngày. Nếu khả năng tiêu hóa dầu mỡ thuyên giảm trầm trọng hơn, bệnh nhân viêm gan B kinh niên có thể uống thêm một số thuốc như Kuzyme HP, Creon 20, v.v.

THỰC PHẨM CHO NGƯỜI BỊ CHAI & UNG THƯ GAN

Trong trường hợp này, khả năng hoạt động của gan đã bị suy giảm rất nhiều. Gan không còn cung cấp cho cơ thể đầy đủ những hóa chất và chất đạm. Khả năng loại bỏ chất độc, chất dơ và cặn bã trong người giảm dần. Áp xuất tĩnh mạch cửa tăng cao. Người bị chai gan vì thế dễ bị phù thủng. Nước ứ đọng trong người làm bụng sình trướng. Bệnh nhân thường đau bụng tiêu chảy, đi cầu ra máu hoặc đôi khi ói ra máu. Bụng đau lâm râm, không biết đói, thức ăn trở nên vô vị. Vấn đề dinh dưỡng bấy giờ cần phải kiểm soát một cách kỹ lưỡng với sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Người bị chai gan chỉ nên ăn dưới 2 grams muối mỗi ngày, nghĩa là ít hơn một thìa café muối. Một cách giản dị, đừng chấm thêm nước mắm, xì dầu hoặc rắc thêm mắm muối vào thức ăn đã được dọn ra bàn. Ăn quá mặn, nước sẽ ứ đọng trong cơ thể, sinh ra cổ trướng, phù thủng v.v. Ða số các bệnh nhân, vì thế, phải uống thêm thuốc lợi tiểu. Trong giai đoạn này, bệnh bắt đầu bước vào “vòng luẩn quẩn” không lối thoát. Uống quá ít nước cơ thể sẽ bị khô khan, áp xuất máu xuống quá thấp đưa đến chóng mặt, nhức đầu v.v. Uống quá nhiều nước, cơ thể bị phù thủng. Không uống thuốc lợi tiểu, nước sẽ ứ đọng lại trong bụng (cổ trướng), gây ra khó thở. Uống quá nhiều thuốc lợi tiểu, các chất điện giải (electrolytes) mất thăng bằng gây ra nhiều hậu quả không kém phần tai hại.

Ðể tránh bệnh loạn trí gây từ chai gan (hepatic encephalopathy), bệnh nhân nên giảm thiểu chất đạm từ động vật như thịt, cá, trứng gà/vịt, sữa. Không nên dùng quá 0.8 gram chất đạm từ động vật cho mỗi ký lô trọng lượng mỗi ngày. Ammonia từ chất đạm của thịt nếu tăng quá cao sẽ làm bệnh nhân trở nên mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu minh mẫn, kém tỉnh táo và nếu nặng hơn loạn trí, hôn mê bất tỉnh. Mặt khác người ta nhận thấy chất đạm từ thực vật như đậu nành, đậu hũ dễ ăn hơn và có thể tránh được những hậu quả của bệnh loạn trí. Vì thế, người bị chai gan, nên ăn rau quả nhiều hơn thịt. Họ có thể ăn từ 70 đến 80 gram chất đạm từ thực vật mỗi ngày. Ăn nhiều rau còn mang lại một lợi điểạm khác không kém quan trọng. Ðó là bớt bón. Khi bị bón, các độc tố, trong đó có chất ammonia chế tạo từ vi trùng trong ruột già một cách nhanh chóng hơn. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy rằng, nếu ăn nhiều chất sơ, bệnh tiểu đường cũng có thể suy giảm.

Thuốc Bổ cho Người bị Viêm Gan Kinh niên
Vitamin A: 10,000 đến 25,000 IU mỗi ngày
Vitamin D: 5,000 đến 8,000 IU mỗi ngày
Vitamin E: 50 đến 400 IU mỗi ngày
Vitamin C: 100 mg mỗi ngày
Các chất khoáng: một viên multivitamin loại ngày một viên
Calcium 1,000 đến 2,000 mg mỗi ngày
Thuốc Bổ cho người bị Chai Gan
Thuốc bổ ở trên cộng thêm
Vitamin K: từ 2.5 đến 5.0 mg mỗi ngày
Ngoài các loại thuốc bổ dùng cho người bệnh viêm gan kinh niên, bác sĩ có thể sẽ cho uống thêm Vitamin K từ 2.5 đến 5.0 mg mỗi ngày, nếu bệnh nhân có khuynh hướng chảy máu, hoặc các chất khoáng như Magnesium glunate, zinc sulfate v.v.

Người bị chai gan cần phải ăn thật nhiều chất sơ để tránh bị bón. Trung bình họ cần đi đại tiện ít nhất 2 đến 3 lần mỗi ngày. Một lần nữa điều này nhấn mạnh sự quan trọng của rau và trái cây trong việc trị bệnh nói chung và bệnh viêm gan nói riêng. Khi đi cầu nhiều lần trong ngày, phân thành hình trong ruột già sẽ bị “tống” ra ngoài một cách kịp thời, trước khi chúng bị lên men bởi vi trùng. Khi bị bón, các độc tố bài tiết từ các vi trùng có thể đi thẳng vào máu, làm tê liệt tế bào óc của người bị chai gan. Người ta cũng nhận thấy yogurt và sữa hoặc chất men Lactobacillus acidophilus nếu dùng đúng cách có thể hóa giải chất ammonia trong phân.

Tóm lại, thực phẩm cho người chai gan và ung thư gan trở nên rắc rối và phức tạp hơn nhiều so với dinh dưỡng cho người chỉ bị viêm gan trong những giai đoạn đầu. Bệnh nhân chai gan mất dần khả năng loại bỏ nhiều độc tố khác nhau trong cơ thể nên dễ bị ngộ độc. Thức ăn thông thường hằng ngày nay cũng có thể biến thành chất độc và trở nên nguy hiểm nếu ăn quá nhiều hoặc quá ít. Thực phẩm cần được lựa chọn kỹ lưỡng hơn, và cách thức cũng như giờ giấc ăn uống cũng phải thay đổi vì cơ thể người bị chai gan yếu dần. Họ thường cảm thấy uể oải, thiếu sinh lực, ăn không ngon, bụng không đói, miệng không thèm ăn, phần vì ăn không tiêu, phần vì mùi vị thức ăn thơm ngon ngày xưa nay trở nên khó chịu, lợm giọng buồn nôn. Bệnh nhân vì thế nếu không được chữa trị đúng cách, sẽ lìa trần sớm hơn. Sau đây là một vài phương pháp có thể giúp người bị chai gan thoải mái hơn trong vấn đề ăn uống hằng ngày.
  1. Nếu thận hoạt động tốt và chưa bị phù thủng hoặc sưng cổ trướng, người bệnh nhân viêm gan nên uống thật nhiều nước, càng nhiều càng tốt. Nên tránh uống rượu bia hoặc các loại nước chứa đựng chất caffeine như coffee, trà đen, Coke, Mountain Dew v.v. Caffeine với đặc tính loại tiểu dễ làm cơ thể mất nước hơn. Tuy nhiên nếu quý vị đang uống thuốc lợi tiểu như Lasix, Aldactone v.v. xin quý vị tham khảo ý kiến bác sĩ.
  2. Nên chọn lựa thức ăn hợp với khẩu vị. Không nên cưỡng ép ăn uống những thực phẩm không hợp với cơ thể, như uống sữa Ensure để rồi sau đó bị lình sình bụng suốt ngày và không ăn uống được gì nữa.
  3. Ðể tránh nôn ói, hoặc để ăn ngon miệng hơn, nên ăn thành nhiều bữa trong ngày. Mỗi lần một ít. Nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng. Một ít bánh nhạt, một tí nước ngọt có thể thuyên giảm những cảm giác nôn nao khó chịu hoặc lợm giọng buồn nôn.
  4. Vì người chai gan dễ bị viêm bao tử (gastritis), nên thức ăn quá mặn, quá cay, quá chua có thể làm họ đau bụng, khó tiêu sau mỗi bữa cơm. Nên tránh các loại thức ăn kể trên. Ngoài ra nên tránh thức ăn quá nhiều dầu mỡ hoặc quá nhiều gia vị. Mùi vị nồng nặc của một số thức ăn có thể giảm đi nếu để lạnh hoặc nguội trước khi dùng. Nên nấu thức ăn nơi thoáng khí, hoặc dùng máy hút hơi hữu hiệu, để giảm thiểu sự buồn nôn có thể gây ra từ khói cay hoặc hương vị khó chịu trong lúc nấu nướng. Hấp và luộc thức ăn cũng như nấu bằng microwave trong các túi nylon cột kín sẽ giảm đi phần lớn sự ngào ngạt nặng mùi trong lúc nấu nướng.
  5. Người chai gan có thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên họ có thể sẽ khỏe hơn khi ăn “chay” một vài bữa với thật nhiều đậu nành, đậu hũ cũng như các loại trái cây không quá chua. Nếu đau bụng sau khi ăn hoặc khi bụng quá đói, xin liên lạc với bác sĩ của quý vị, vì đây có thể là triệu chứng của loét lở bao tử. Nếu thức ăn quá chua làm đau bụng, quý vị có thể uống thuốc Prelief kèm với thức ăn có nhiều chất chua.
  6. Khi bệnh nặng hơn, thức ăn chứa đựng nhiều dầu mỡ có thể trở nên khó tiêu. Một số thuốc men có thể giúp đỡ trong những trường hợp này.

THUỐC BỔ GAN

Nói đến dinh dưỡng chúng ta không thể không đề cập đến thức ăn và cỏ cây dùng trong việc chữa bệnh và phòng ngừa bệnh tật. Người ta vẫn cho rằng, ăn gì bổ nấy. “Ăn gan, bổ gan. Ăn óc, bổ óc”. Tiếc thay câu này không được đúng cho lắm. Gan tuy chứa đựng nhiều chất đạm và khoáng chất khác nhau, tiêu thụ nhiều gan có thể làm gan bị hư hại nhanh chóng hơn.

Trong thế kỷ vừa qua, song song với lối chữa trị chính thống Tây Y, khuynh hướng chữa bệnh theo những phương thức khác biệt (alternative medicine) tại Hoa Kỳ gia tăng một cách nhanh chóng. Phương thức này bao gồm tất cả những lối chữa trị không dựa theo lý thuyết truyền thống y khoa Tây phương. Thí dụ điển hình như châm cứu (acupuncture), bấm huyệt (acupressure), chỉnh xương (chiropractic medicine), đấm bóp (massage), yoga, dinh dưỡng trị liệu, tập dưỡng sinh, dược thảo (herbal medicine), trị liệu đồng căn (homeopathy, một hệ thống y khoa dựa trên lý thuyết “lấy độc trị độc”) v.v. Và như thế, vào năm 1997, công dân Mỹ đã chi khoảng 21.2 tỷ Mỹ Kim cho những phương pháp khác biệt này.

Nếu chỉ nói riêng về “dinh dưỡng trị liệu ngoại phương” (alternative nutritional therapy), vào năm 1996 trên nước Mỹ các chợ bán “thực phẩm dinh dưỡng” (“health food” stores) mọc lên như nấm với gần 10,000 tiệm giải rác khắp nơi trên toàn lãnh thổ. Số nhuận lợi lên đến 7.6 tỷ Mỹ kim mỗi năm, trong đó có 3 tỷ Mỹ kim chỉ dành riêng cho các loại thuốc bổ. Theo nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau, ít nhất 40% bệnh nhân viêm gan kinh niên tại Hoa Kỳ, đã và đang chữa trị bằng một trong những phương pháp kể trên, trong đó dinh dưỡng trị liệu đã và đang đóng một vài trò cực kỳ quan trọng.

Thật ra, tất cả thức ăn và nước uống hằng ngày của chúng ta đều mang lại không ít thì nhiều một số hóa chất có đặc tính chữa bệnh. Những triệu chứng của bệnh cảm cúm chẳng hạn, có thể được thuyên giảm phần nào bằng một tô cháo hành nhiều tiêu hoặc một ly trà nóng với ít chanh và mật ong hoặc pha với quế v.v. Hơn nữa, mỗi một loại gia vị dùng trong việc nấu nướng có thể được xem như một loại dược thảo với đặc tính thuyên giảm một hay nhiều triệu chứng nào đó. Thí dụ điển hình như ngũ vị hương, bột cà ri, hồi, ngò, húng, quế, xả, ớt, hành, tỏi v.v. Và như thế, trong mỗi lần ăn uống, chúng ta sẽ cung cấp cho cơ thể một số nhiên liệu cũng như một số dược thảo. 

Vì thế, người Việt có khuynh hướng phân biệt thực phẩm thành hai loại. Thức ăn “nóng” và thức ăn “mát”. Khi gan bị nóng, dùng thức ăn “mát” sẽ giúp gan đỡ viêm hơn. Thí dụ điển hình cho thức ăn “mát” để trị bệnh “nóng” gan là artichoke, nói theo tiếng Pháp là artichaud. Một số nhà vạn vật thiên nhiên cho rằng artichoke dự trữ nhiều chất cynarin với khả năng bảo vệ và duy trì tế bào gan. Họ cũng tin rằng chất hóa học này có khả năng kích thích sự di chuyển của chất mật tiết từ gan xuống túi mật. Vì thế, một viện bào chế dược phẩm Pháp đã sản xuất và bầy bán thuốc artichoke với tên là Chophytol. Tuy nhiên, công hiệu của artichoke trong việc chữa trị bệnh viêm gan chưa được chứng minh và công nhận bởi cơ quan FDA và Hội Y-Sĩ Ðoàn Hoa-Kỳ.

Vì đây là một thức ăn rất “lành”, nên theo tôi nghĩ, quý vị vẫn có thể tiếp tục nấu lấy nước mà uống. Trái artichoke ăn ngon miệng, nên nếu không giúp được chữa bệnh, cũng mang lại cho chúng ta những giây phút thoải mái trong lúc thưởng thức món ăn tinh khiết này.

Một loại thuốc khác rất thịnh hành trong cộng đồng người Việt là Sulfarlem. Thuốc này có tên hóa học là anetholtrihione do viện bào chế Solvay Pharma sản xuất. Dựa theo tài liệu của hãng thuốc này, Sulfarlem là một loại thuốc có khả năng kích thích chức năng tiết chất mật của gan (biliary function stimulant) và được dùng trong việc điều trị những triệu chứng liên quan đến rối loạn tiêu hóa (digestive problems) và trong trường hợp khô miệng vì tuyến nước bọt không bài tiết đầy đủ. Tuy họ không hề đề cập đến khả năng chữa trị bệnh viêm gan, rất nhiều bệnh nhân vẫn uống thuốc này hàng ngày, với hy vọng là gan của họ sẽ bớt bị “nóng”. Thuốc này cũng không được FDA công nhận trong việc chữa trị bệnh viêm gan và không được dùng trong trường hợp có sạn trong túi mật.

Một trong những thức ăn khác rất thịnh hành trong dân gian dùng để chữa trị bệnh viêm gan là tỏi. Tỏi với hai chất hóa học germanium và selenium vẫn được xem như một chất thiên nhiên có khả năng tẩy độc, khử trùng và làm các mạch máu dẻo dai hơn. Tiếc thay, tỏi vẫn chưa được chứng minh một cách khoa học về công dụng chữa bệnh sưng gan. Hơn nữa trong tỏi có rất nhiều chất Sulfur, nên nếu ăn quá nhiều tỏi, chúng ta có thể bị ngộ độc, da bị nổi ngứa, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi đi cầu ra máu hoặc làm tuyến giáp trạng thay đổi bất thường.

DƯỢC THẢO

Vào năm 1994, dưới áp lực mãnh liệt của dân chúng, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật với tên là Dietary Supplement Health and Education Act. Trong đạo luật này, thảo mộc được xếp vào loại “thức ăn bổ túc” (“food supplements”); và các viện bào chế dược thảo được phép sản xuất và bầy bán thuốc trên thị trường một cách dễ dàng, mà không phải trải qua những cuộc thử thách khó khăn như trong trường hợp của các loại thuốc tây. Họ chỉ đòi hỏi là hãng bào chế phải bảo đảm với người tiêu thụ là thuốc không gây ra phản ứng phụ. Vì được xem là một loại thức ăn, các loại thuốc cỏ cây này không bắt buộc phải theo một quy luật nhất định. Họ có thể thay đổi chất lượng và hình thù của thuốc bất cứ lúc nào mà không cần phải trải qua những thủ tục hành chánh rất phức tạp chỉ dành riêng cho các loại thuốc tây. Chính phủ chỉ đưa ra một điều kiện độc nhất là khi bán thuốc, họ không được phép công bố là thuốc của họ có thể “chữa dứt bệnh” (“cure”) cho bất cứ một triệu chứng hay một căn bệnh nào. Vì thiếu sự kiểm soát khắc khe của Cơ Quan Thực và Dược Phẩm (Food and Drug Administration viết tắt là FDA), chất lượng và phẩm chất của các loại thuốc này không được đồng nhất và có thể thay đổi rất nhiều từ hãng thuốc này qua hãng thuốc nọ.

Dựa theo cuộc nghiên cứu về thuốc sâm bày bán trên nước Mỹ của tờ Consumer Reports, nhiên liệu chính của sâm là chất ginsenosides thay đổi từ 3 đến 23.2 mg trong mỗi viên thuốc tùy theo viện bào chế. Ðiều này có nghĩa là quý vị phải uống 10 viên thuốc sâm của hãng này mới có công hiệu của một viên thuốc của hãng kia.
Cũng trong một cuộc nghiên cứu tương tự về thuốc dehydroepiandrosterone (DHEA), người ta khám phá ra trong số 16 hãng bào chế thuốc này, có 3 hãng hoàn toàn không chứa một tý thuốc nào trong những viên thuốc của họ, 4 hãng khác chứa ít hơn 80% chất thuốc đã liệt kê, và một hãng khác chứa 150% nhiều hơn lời khai trên chai thuốc. Vì thế, khi uống thuốc cỏ cây, không những chúng ta phải tự hỏi về khả năng chữa trị bệnh của thuốc mà còn phải nghiên cứu về phẩm chất và số lượng của viên thuốc mà chúng ta sắp uống. Tiếc thay, điều này nói thì dễ, làm thì khó, nên đa số bệnh nhân khi uống thuốc cỏ cây, thường “nhắm mắt uống đại”, mà người Mỹ vẫn thường nói: “Take it at your own risks”.

Có lẽ thuốc đã và đang được nhiều người dùng nhất để chữa trị bệnh viêm gan là Milk Thistle. Chất hóa học chính trong loại cỏ gai này là silymarin, một loại dược thảo đã được dùng trong hơn 2000 năm qua. Từ thời trung cổ, người Hy Lạp đã dùng thuốc này để “lọc gan” (“liver cleanser”). Thuốc được rút tỉa từ rễ và các hạt của loài cỏ với tên thảo mộc là silibum marianum.

Các nhà sản xuất milk thistle cho rằng chất silymarin có khả năng bảo vệ gan không bị tàn phá bởi nhiều độc tố khác nhau, nhất là trong trường hợp ngộ độc với nấm Amanita phaloides và trong trường hợp viêm gan vì nghiện rượu quá nhiều trong một thời gian quá lâu. Dựa theo kết quả của 16 cuộc nghiên cứu trên toàn thế giới về công dụng của milk thistle, người ta nhận thấy, phân hóa tố ALT và chất mật bilirubin có khuynh hướng giảm xuống sau một thời gian chữa trị bằng chất silymarin. Tuy nhiên, không một cuộc nghiên cứu nào có thể chứng minh một cách cụ thể về khả năng chống lại sự tàn phá của vi khuẩn viêm gan B và C. Tuy hãng bào chế thuốc thường khẳng định là thuốc không có phản ứng phụ, bệnh nhân thường hay đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn sau khi uống thuốc.

Một loại thuốc thứ 2 thường được dùng để chữa trị bệnh viêm gan là thymosin, một chất kích thích tố lấy từ tuyến ức (thymic glands). Người ta cho rằng chất hóa học này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn nhiễm bằng cách kích thích những bạch huyết cầu tăng trưởng nhanh chóng hơn. Chất interferon sẽ được chế tạo một cách đắc lực hơn. Trong 2 cuộc nghiên cứu khác nhau, thuốc thymosin đã mang lại một số kết quả tương đối khả quan trong việc chữa trị bệnh viêm gan B nếu so sánh với thuốc bột (placebo). Trong một cuộc nghiên cứu thứ 3, thuốc thymosin hoàn toàn không có hiệu lực nếu so sánh với thuốc interferon. Tuy FDA vẫn chưa cho phép dùng thymosin trong việc chữa trị bệnh viêm gan B và C, nếu dùng chung với thuốc interferon, kết quả chữa trị có thể tốt đẹp hơn.

Ngoài những thuốc điển hình kể trên, hàng trăm loại thuốc cỏ cây, củ hột khác nhau đã và đang được bày bán dưới nhiều tên hiệu khác nhau. Chúng có thể được bán riêng biệt hoặc trộn chung với các dược thảo khác. Từ sụn cá mập đến dầu cá thượng đẳng DHA, từ sâm cao ly đến cao hổ cốt, từ trái nhầu Noni đến Pentaphi, từ nấm Shitake đến Huang Qi v.v. Và như thế, mỗi năm công dân Hoa Kỳ chi khoảng 6 tỷ Mỹ kim cho các loại thuốc “thiên nhiên” này. Người Việt Nam chúng ta còn uống thêm các loại thuốc Bắc, thuốc Nam khác nhau. Ða số là các loại thuốc gia truyền với nhiều công thức và cách thức pha chế hoàn toàn bí mật, nên thiếu những nghiên cứu khoa học và kiểm soát lâu dài.

PHẢN ỨNG PHỤ CỦA DƯỢC THẢO

Tuy thuốc được xem là “thức ăn nước uống”, chúng cũng có thể gây ra những tác dụng sinh lý (physiologic activity) trên cơ thể chúng ta như tất cả những loại thuốc tây khác. Vì thế, ngoài những phản ứng chính, chúng sẽ mang lại một số phản ứng phụ. Ða số các phản ứng phụ này, lệ thuộc vào số lượng thuốc mà bệnh nhân đã và đang uống. Vì không nằm dưới sự kiểm soát của FDA, một số dược thảo có thể bị ô nhiễm bởi nhiều chất kim loại nặng (heavy metals), thuốc diệt sâu bọ và côn trùng (herbicides and pesticides) phát nguồn từ những cỏ cây, củ hạt mà thuốc đã được chiết xuất. Do đó, một số thuốc cỏ cây có thể gây ra những phản ứng phụ bất thường, khó hiểu hoặc tàn phá cơ thể từ từ trong một thời gian dài lâu, gây ra quái thai hoặc ung thư. Thêm vào đó, một số dược thảo cũng có thể thay đổi tác dụng hoặc tăng trưởng các phản ứng phụ của thuốc tây. Vì thế, một lần nữa, dược thảo tuy được đặc chế từợ những cỏ cây rất “thiên nhiên”, chúng có thể gây ra những phản ứng phụ rất trầm trọng.

Dựa theo tờ JAMA (Journal of the American Medical Association) đăng vào tháng 11 năm 2004, khoảng 20% của 70 loại thuốc cỏ cây bào chế tại Á Châu bầy bán tại Boston đã chứa quá nhiều những kim loại nặng như chì, mercury và arsenic. Vì thế, cũng theo bài báo này, họ đã đưa ra lời khuyên là tất cả bệnh nhân đang uống các loại thuốc cỏ cây nên đi thử máu để xem có bị trúng độc vì những kim loại nặng này hay không.

Ðể biết thêm chi tiết và những khuyến cáo về các loại thuốc cỏ cây quý vị có thể vào những trang nhà sau đây:

1) www.herbalgram.org
2) www.herbs.org
3) nccamc@altmedinfo.org

Dựa theo bản tin chính thức của Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ (American Gastroenterological Association AGA) phát hành vào tháng 2 năm 2001, phản ứng phụ và các biến chứng của thuốc dược thảo không phải tầm thường và nhỏ nhoi như người ta vẫn tưởng. Cũng theo bản tin này, trong một cuộc nghiên cứu với khoảng 2,700 cuộc nhập viện tại Ðài Loan, hơn 4% tổng số bệnh nhân đã phải chữa trị tại nhà thương vì những phản ứng phụ gây ra bởi thuốc men, trong đó dược thảo đứng hàng thứ ba. Một bản tường trình khác cho biết, trong số 1,700 bệnh nhân nhập viện tại Hồng Kông, khoảng 34 người đã phải vào nhà thương vì phản ứng gây ra từ thuốc Tầu (Chinese herbal regimens). Tại Anh Quốc, dựa theo một thống kê kéo dài hơn 8 năm, hơn 1,000 trường hợp bệnh tật liên quan đến dược thảo đã xẩy tại nhiều thành phố khác nhau. Vì thế, AGA đã đưa đến kết luận là tuy dược thảo được xem là rất an toàn, một số thuốc cỏ cây có thể mang đến nhiều phản ứng phụ tai hại.

Tóm lại, có lẽ tất cả các loại thức ăn hay dược phẩm đều có khả năng bồi bổ cơ thể của chúng ta không ít thì nhiều, không bằng cách này thì bằng cách khác. Nhưng sự bồi bổ và khả năng trị bệnh của thức ăn và dược thảo cần được nghiên cứu kỹ càng và một cách khoa học hơn để tránh việc “tiền mất, tật mang”.

Một lần nữa, nếu thức ăn hoặc cỏ cây được dùng trong việc chữa bệnh, chúng phải được xem như một loại thuốc với tất cả những phản ứng chính và phụ. Trước khi được bầy bán trên thị trường, tất cả các loại thuốc tây phải trải qua những cuộc nghiên cứu vô cùng phức tạp và tỉ mỉ do Bộ Thực và Dược Phẩm (FDA) đặt ra và kiểm soát. Vì các loại thuốc cỏ cây vẫn được xem như thực phẩm nên chưa được kiểm xoát một cách kỹ lưỡng. Và như thế những hiệu quả và hậu quả lâu dài của đa số các loại thuốc này vẫn chưa được sáng tỏ và cần được suy xét kỹ lưỡng hơn.

SỐNG VỚI NGƯỜI BỊ VIÊM GAN

VÀI YẾU TỐ & QUAN ÐIỂM CHÍNH

  • Vì bệnh viêm gan A, B, C, D và E lan tràn khắp nơi, nhất là ở các nước Á Châu, gia đình Việt Nam nào cũng có ít nhất một vài người bị một trong những bệnh kể trên.
  • Tùy theo từng loại vi khuẩn viêm gan, bệnh truyền nhiễm qua nhiều phương thức khác nhau.
  • Thông hiểu được những phương thức lây bệnh và chữa trị bệnh viêm gan là điều kiện tiên quyết để sống với người bị viêm gan.
  • Chữa bệnh viêm gan theo “linh tính”, hoặc theo những phương thức chưa được chấp thuận bởi hội Y Khoa Hoa Kỳ có thể làm lá gan hư hại một cách nhanh chóng hơn.
  • Vì bệnh AIDS cũng lây qua máu và sinh lý, một số bệnh nhân viêm gan, nhất là viêm gan B và D cũng có thể bị nhiễm bởi vi khuẩn HIV.
Nếu là người Việt trong một gia đình đông đúc, chúng ta có lẽ đã và đang chung sống với người bệnh viêm gan B hoặc C mà không hề hay biết.  Vì đa số bệnh nhân viêm gan tuy có bệnh, nhưng không hề đau đớn, họ có thể tiếp tục lây bệnh của mình cho người khác một cách tương đối dễ dàng. Với 1 trong 6 đến 7 người Việt đang bị viêm gan B, và 1 trong 20 đến 40 người bị viêm gan C, có lẽ không một gia đình Việt Nam nào mà không có ít nhất một người đang bị một trong hai căn bệnh kể trên.
Tiếc thay, vì kém hiểu biết, người ta thường có khuynh hướng đi từ thái cực này đến thái cực kia. Một mặt, bệnh có thể được xem như một lẽ đương nhiên, không gì đáng nói. Nếu bàn tới, thì chỉ được thảo luận với những lý lẽ như: “Ðã là người Việt thì chúng ta, ai ai cũng PHẢI bị viêm gan, nếu không A, thì B; không B thì C. Ðiều này không có gì là lạ cả. Việc gì phải quan trọng hóa vấn đề.” Mặt khác, bệnh có thể được xem như một “mối nhục”, một thứ “hủi”, nên dấu đi hoặc che đậy lại. Với ý tưởng nhục nhã này, nhiều bệnh nhân trở nên ngại ngùng, khó chịu, khi phải “tiết lộ bí mật” của mình cho những người thân thương. Nhất là trong tinh thần “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, nói về “cái tôi tật nguyền” cho người khác không phải là một chuyện dễ.
Tuy viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm, bệnh không nguy hiểm như bệnh AIDS hoặc ghê sợ như bệnh cùi. Bệnh không có đặc tính “di truyền”, nên anh chị em trong nhà không nhất thiết phải mang cùng một căn bệnh. Tùy theo từng loại vi khuẩn khác nhau, bệnh có thể lây từ người này qua người kia, bằng cách này hoặc cách khác. Vì thế, khi sống với người bị viêm gan, chúng ta không những phải biết cách giúp đỡ người bệnh vượt qua những trở ngại khó khăn, mà còn phải thông hiểu những cách thức bảo vệ cho chính mình. Sau đây là những điều quý vị nên để ý:

1) Bệnh viêm gan A lây qua đường tiêu hóa nên rất dễ lây. Bệnh dễ lây nhất một vài tuần lễ trước khi bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính. Một khi da và mắt trở nên vàng, bệnh không còn truyền nhiễm nữa. Tiếp xúc với người bệnh trong lúc này không còn “nguy hiểm” nữa. Nói một cách khác, bệnh chỉ dễ lây trong thời gian ủ bệnh (khi bệnh nhân vẫn hoàn toàn khỏe mạnh).
Vì bệnh viêm gan A có thể chích ngừa một cách dễ dàng, quý vị nên đi khám bác sĩ để được chích ngừa. Ða số chúng ta nếu trưởng thành tại quê nhà, đều đã tiếp xúc với vi khuẩn viêm gan A trong quá khứ nên đã có kháng thể chống lại vi khuẩn viêm gan A. Ðiều này có nghĩa là chúng ta đã được miễn nhiễm vi khuẩn viêm gan A.

2) Bệnh viêm gan B lây qua máu và sinh lý, nên khó lây hơn bệnh viêm gan A. Thuốc chích ngừa viêm gan B rất hiệu nghiệm, và an toàn nên chúng ta cần chích ngừa càng sớm càng tốt. Ngay cả những phụ nữ trong lúc đang có thai, nếu chưa được miễn nhiễm cũng nên chích ngừa. Ðiều này có thể tránh được tình trạng bị viêm gan B cấp tính trong thời gian “nguy hiểm” này. May mắn thay, đa số phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, nếu chẳng may, bị bệnh vi khuẩn viêm gan B cấp tính, vẫn có thể “lướt” qua một cách dễ dàng và bệnh không trở nên nặng hơn nếu so với người bình thường không mang thai.

3) Không nên giao hợp trong lúc người bệnh viêm gan C đang có kinh kỳ. Nếu người phụ nữ viêm gan C đang có kinh, sau khi tắm shower xong, họ nên “giội” nhiều nước để rửa sạch một số máu nhỏ có thể dính dưới sàn nhà. Nếu muốn, quý vị có thể dùng một số xà-bông lau nhà hoặc thuốc sát trùng bầy bán trong các siêu thị để khử trùng sau khi bước ra khỏi phòng tắm.

4) Nên dự trữ một ít găng tay khám bệnh trong nhà, để nhỡ trong trường hợp phải chăm sóc những vết thương của bệnh nhân viêm gan B và C.

5) Một lần nữa, vì phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong việc phòng ngừa bệnh viêm gan B và D là chủng ngừa, quý vị nên đi chích ngừa càng sớm càng tốt. Nếu một trong những thân nhân của quý vị đang bị viêm gan B, quý vị nên thử cường độ chất kháng sinh HBsAB (HBsAB titer) trong máu của quý vị. Nếu cường độ cao hơn 10 IU/L, quý vị đã được miễn nhiễm cho cả hai bệnh viêm gan B và D.

6) Vì viêm gan B, C, D gần như không bao giờ lây qua mồ hôi và nước bọt, va chạm thể xác trong đời sống hàng ngày với những bệnh nhân viêm gan B, C và D không lấy gì là nguy hiểm. Ăn uống chung hoặc chấm chung một chén nước mắm cũng được xem là rất an toàn. Vì thế, chúng ta không phải cô lập hóa bệnh nhân viêm gan như những “kẻ cùi lở”. Bắt họ nấu nướng riêng biệt và dùng những chén bát riêng tư là một điều phi lý, nếu không muốn nói là vô nhân đạo.

7) Viêm gan E lây qua thức ăn và nước uống ô nhiễm bởi vi khuẩn. Khác với viêm gan A, bệnh này vẫn có thể tiếp tục lây bệnh trong nhiều tuần lễ, sau khi người bệnh đã phát ra những triệu chứng viêm gan cấp tính. Vì số tử vong cho cả mẹ lẫn bé sơ sinh có thể tăng lên rất cao, nhất là trong 3 tháng cuối cùng của thai nghén, những phụ nữ đang mang thai nên rất thận trọng về vấn đề vệ sinh, nếu trong nhà có người đang bị viêm gan E.

Nếu không hiểu bệnh viêm gan là gì, thì có những hoàn cảnh đáng tiếc có thể xảy đến với bất cứ gia đình của bệnh nhân viêm gan nào. Ví dụ, vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, người bỏ người. Con cái đuổi bố mẹ ra khỏi nhà vì sợ bệnh của ông bà có thể lây qua cho con cháu. Bố mẹ đuổi con cái ra ngoài vì cho rằng con cái đã quá “lăng loàn”, nên mắc phải căn bệnh này v.v. Vì thế, thông hiểu tường tận về các loại bệnh viêm gan không những sẽ giúp cho chúng ta những cách thức phòng ngừa hữu hiệu, mà còn tránh được những hiểu lầm vô cùng tai hại.
Tôi thường khuyên cả bệnh nhân lẫn thân nhân nên tìm hiểu và theo dõi sự tiến triển của bệnh để tránh những kinh ngạc bất ngờ. Thỉnh thoảng nên tháp tùng người thân của mình, khi họ đi bác sĩ. Bệnh nhân thường có khuynh hướng “dấu” bệnh, nên nhiều khi bệnh đã bước qua những giai đoạn cuối cùng mà người nhà vẫn không hề hay biết. Hỏi thăm bác sĩ về bệnh tình của người thân thương là một cách thức chăm sóc hữu hiệu, nhưng nên tránh những câu hỏi quá “phũ phàng” và quá thật tế, trước mặt bệnh nhân.
Sống với người thân bị viêm gan kinh niên có thể đưa đến những bực bội, khó chịu, bức rức, thất vọng, hoang mang cũng như những cảm giác bất lực, “vô tích sự” rồi “giận dữ” không nguyên cớ. Có nhiều bệnh nhân cảm thấy chán chường, thất vọng khi gan đã bị viêm quá lâu năm, hoặc đang bị tàn phá bởi những loại vi khuẩn khó chữa, bệnh ngày một trầm trọng hơn.

Khi niềm hy vọng ngày càng mong manh, bệnh nhân và gia đình thường tìm đến những cứu cánh khác nhau, trong đó thuốc Bắc hoặc thuốc Nam đã và đang đóng một vai trò quan trọng. Như một người đang chết đuối, một chiếc lá vàng hay một nhánh cây khô, cũng có thể được xem như một chiếc phao, một tấm ván, một vị “cứu tinh”, một lối thoát.

Rồi “còn nước, còn tát”. Lắm khi, trong gia đình mỗi người “tát” một kiểu. Hễ ai mách điều gì, điều đó có thể được đem ra thi hành một cách triệt để, đôi khi kém khoa học và vô nghĩa lý. Thuốc càng mắc, thì càng tốt. Phương pháp chữa trị, càng cầu kỳ, càng rắc rối, càng bí ẩn, thì càng có hiệu lực. Rồi “có tin, có lành”. Nhiều cách thức chữa trị được ứng dụng một cách trang nghiêm trà trộn với những thủ tục tôn giáo huyền bí hoặc những nghi lễ không kém phần trang trọng.

Khi thuốc Tây “chữa không xong”, bệnh nhân thường có cảm tưởng như đã bị bỏ rơi. Sự bực tức và mối tuyệt vọng lâu dần, đưa họ vào những “vũng lầy” tâm lý không lối thoát. Bệnh càng nặng hơn, mối giận dữ, bực tức và lòng oán trách trở nên càng rõ rệt hơn. Người bệnh dễ “cau có” hơn. Tính tình trở nên khó chịu hơn. Lời ăn tiếng nói thiếu dần tự chủ, dễ đưa đến những giận dỗi, xích mích, cãi cọ, mất lòng. Vì thế, hơn lúc nào hết thân nhân của bệnh nhân viêm gan kinh niên trong những giai đoạn trầm trọng này cần sự thông cảm bao la và tấm lòng kiên nhẫn bền bỉ. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm thì khó. Trong thời điểm, khi bệnh nhân bắt đầu mất dần sự minh mẫn, dễ loạn trí (hepatic encephalopathy), vấn đề chăm sóc người bệnh trở nên tỉ mỉ, khó khăn và mất nhiều công sức hơn. Nhiều thân nhân phải nghỉ làm dài hạn để chăm sóc cho người thân của mình một cách thường trực. Trong lúc gần gũi bệnh nhân thường xuyên hơn, một số thân nhân mới bắt đầu ý thức được tính cách trầm trọng của căn bệnh mà người thân thương của họ đang gánh chịu từ bấy lâu nay.
Như đã trình bầy trong chương Chai Gan, một khi gan đã bị chai, bệnh sẽ tiếp tục tăng trưởng mỗi ngày một nhanh hơn. Ðây là thời gian “không còn thuốc chữa”, nên tất cả mọi nỗ lực trị bệnh không gì khác hơn là đình hoãn và thuyên giảm những biến chứng của chai gan càng lâu, càng tốt; càng nhiều, càng hay. Trong thời điểm này, tất cả thuốc men, ngay cả những thuốc thiên nhiên lấy từ cỏ cây, nếu uống không đúng cách hoặc quá nhiều đều có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, sự thương yêu người thân thương đang bị chai gan có thể sẽ đưa đến những tác hại ngoài ý muốn. Một lần nữa, xin quý vị tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ khác nhau trước khi cho bệnh nhân chai gan uống bất cứ một thứ thuốc gì. Như đã trình bầy trong chương “Dinh Dưỡng cho người bị viêm gan”, đa số thuốc Bắc/Nam rất an toàn, và có thể mang lại một ít kết quả tốt đẹp trong một số bệnh tật khác nhau, nhưng trong trường hợp của người chai gan, ngay cả một miếng thịt bò nho nhỏ, chẳng hạn, tưởng như “vô thưởng, vô phạt” cũng có thể như “một giọt nước làm vỡ cái đê”.
Một khi bệnh nhân viêm gan trở nên quá âu lo, sợ sệt. Họ thường “cắn răng, chịu đựng” và tránh không uống bất cứ một thứ thuốc gì, vì sợ gan của họ sẽ chóng hư hơn với phản ứng phụ của thuốc. Nhiều người chỉ “nghe nói”, và cứ thế “làm theo” những lời nói, lời khuyên từ bè bạn, sách báo, không chính xác, kém khoa học một cách triệt để.

Tuy một số hóa chất có thể làm viêm gan, đa số thuốc Tây, nếu uống đúng cách sẽ rất an toàn và ít phản ứng phụ. Vì thế, không phải thuốc nào khi uống vào cũng sẽ trở thành những độc tố cho tế bào gan. Ðiều này, một lần nữa tô điểm cho câu: “gan tuy dễ hư, lại khó hư”. Xin quý vị tham khảo ý kiến với bác sĩ của mình trước khi tự ý ngừng uống các loại thuốc chữa bệnh kinh niên, như cao máu, tiểu đường v.v.

BỆNH VIÊM GAN VÀ BỆNH AIDS

Vì cách thức lây bệnh viêm gan B và bệnh AIDS tương tự như nhau, một số bệnh nhân đã bị lây cả 2 bệnh này cùng một lúc, khi dùng chung kim chích hoặc giao hợp với người có bệnh. Những trường hợp này tăng nhanh một cách đáng ngại trong cộng đồng Việt Nam, khi số thanh niên trở về quê nhà để tìm thú vui bên những bông hoa đầy quyến rũ, ngày một nhiều hơn.

Dựa theo thống kê vừa được tuyên bố tại Hội Nghị Hiệp Quốc chống Bệnh AIDS (U.N. AIDS Conference) tại New York vào tháng 6 năm 2001, tại vùng Nam và Ðông Nam Á đã có gần 6 triệu người đã và đang bị bệnh AIDS. Con số này tăng nhanh một cách kinh khủng, khoảng 30 % mỗi năm, nhất là ở các tỉnh lỵ, khi mãi dâm đã trở thành một kỹ nghệ thương mại công khai. Nước Mỹ với diện tích rộng lớn hơn vùng Ðông Nam Á rất nhiều, “chỉ” có khoảng 850 ngàn người bị bệnh AIDS.

Người ta ước đoán trong năm 2003, tại Việt Nam đã có gần 17 ngàn người vừa mới bị nhiễm trùng HIV nâng cao tổng số bệnh nhân HIV thành 76 ngàn trên toàn lãnh thổ. Trong số này có khoảng 11, 600 người đã bị phát bệnh AIDS và khoảng 6,550 người lìa trần vì vi khuẩn này vào cuối năm 2003.

Hiện nay, bệnh AIDS như một trận hồng thủy càn quét những nước thuộc vùng nam Phi Châu, như Angola, Botswana, Congo, Kenya, Mozambique, Namibia, South Africa, Zambia, Zimbabwe v.v. với con số tổng cộng lên đến hơn 25.3 triệu người. Vì thiếu thuốc men, đa số những người này sẽ lìa trần trong một thời gian rất ngắn. Thí dụ điển hình, là khoảng 36% công dân nước Botswana đã và đang bị AIDS. Chỉ trong một quốc gia nhỏ bé này thôi, sẽ có ít nhất 24 ngàn người thiệt mạng mỗi năm.

Nước Việt Nam, nếu không có những kế hoạch cấp tốc, quy mô và hiệu nghiệm, sẽ chẳng bao lâu rơi vào trận chiến “ghê tởm” này, mà kẻ thù sẽ sẽ len lỏi vào từng gia đình của mỗi một chúng ta.

Người bị viêm gan B và C, nếu bị lây thêm bệnh AIDS có thể sẽ chóng lìa đời hơn. Vi khuẩn viêm gan, với sự “tiếp tay” của vi khuẩn AIDS có thể sẽ tàn phá lá gan một cách nhanh chóng hơn. Họ sẽ dễ bị nhiễm trùng và ung thư hơn. Sống chung với bệnh nhân viêm gan mang vi khuẩn HIV trong người, vì thế, trở nên rắc rối và “nguy hiểm” hơn gấp nhiều lần.

Tóm lại, khi sống với người bệnh viêm gan chúng ta cần hiểu rõ chứng bệnh của họ. Vì đây không phải là bệnh hủi và không dễ lây như bệnh cảm cúm, nên chúng ta không cần phải xa lánh họ hoặc “bắt” họ ăn uống, nấu nướng riêng biệt. Nếu chưa được miễn nhiễm, nên chích ngừa viêm gan B càng sớm càng tốt. Vì chưa có thuốc chích ngừa viêm gan C, bằng mọi cách nên tránh tiếp xúc một cách trực tiếp với máu của bệnh nhân. Khi bệnh trở nên nặng hơn, nhất là trong trường hợp gan đã quá bị chai, chúng ta không còn sống với bệnh nhân nữa. Bây giờ là lúc chúng ta sống cho họ. Một trong những khẩu hiểu quan trọng nhất khi hành nghề y sĩ là “DO NO HARM” (Tạm dịch là “nếu không chữa được, xin đừng phá thêm”). Lời khuyên này cũng rất đúng cho tất cả những ai đang chăm sóc bệnh nhân viêm gan kinh niên. Nhiều khi vì lòng tốt, chúng ta vô tình làm hại người thân thương của mình nhiều hơn là giúp đỡ cho họ.

NHỮNG TỪ Y KHOA DÙNG TRONG SÁCH NÀY

Acute hepatitis: Viêm gan cấp tính

Adrenal glands: Tuyến thượng thận. Ðây là cơ quan có hình tam giác phủ lên trên phần trên của mỗi thận. Mỗi một tuyến có 2 phần. Phần tủy chế tạo ra adrenaline và noradrenaline. Phần vỏ chế tạo các kích thích tố như cortisone, aldosterone, estrogen và androgen.

Antibody: Kháng thể. Một chất đạm trong máu được bào chế từ các mô dạng lympho, thuộc hệ thống miễn nhiễm. Khi cơ thể nhận diện ra một vật lạ (antigen), các bạch huyết cầu trong hệ thống miễn nhiễm sẽ tìm cách hóa giải “quân xâm lấn” bằng cách tiết ra những chất đạm đặc biệt này. Các kháng thể này sẽ bám chặt vào vật lạ (antibody-antigen-complex), dẫn đầu cho một phản ứng giây truyền phức tạp.

Antigen: Kháng nguyên. Một chất mà cơ thể phát hiện và xem như một vật lạ, một quân xâm lấn. Kháng nguyên thường là một chất đạm (protein). Trong trường hợp bệnh viêm gan, kháng nguyên là những phần tử hoặc cơ cấu khác nhau của vi khuẩn viêm gan.

Ascites: Sưng cổ trướng. Dung dịch ứ đọng lại trong xoang phúc mạc.

Asymptomatic: Không có triệu chứng.

Banding ligation: Cột lại bằng dây cao su.

Bile: Chất mật, bào chế từ tế bào gan.

Bilirubin: Chất mật vàng, sản phẩm phân hủy của sắc tố máu hemoglobin, tiết ra trong mật. Khi chất mật vàng này được dưỡng khí hóa, chúng sẽ đổi thành mầu xanh lá cây đậm. Các sắc tố này trộn chung với một số chất hóa học khác trong đường ruột, tạo ra mầu vàng, nâu của phân.

Biopsy: Sinh thiết, lấy mẫu tế bào để thử nghiệm.

Black tarry stool: Phân đen như mực. Ðây là trường hợp của xuất huyết bao tử. Khi máu mất quá nhiều, bệnh nhân có thể bất tỉnh và chết.

Blood transfusion: Truyền máu. Thông thường nói đến truyền máu, người ta thường liên tưởng đến truyền hồng huyết cầu. Nhưng trong một số trường hợp khi tiểu cầu quá thấp hoặc máu quá loãng, người ta cũng có thể truyền tiểu cầu hoặc huyết tương.

Cholestasis: Một trạng thái khi chất mật (bile) bị ứ đọng lại và chạy ngược vào máu. Các ống dẫn mật có thể bị tắt nghẽn vì viêm gan cấp tính hay vì sạn trong ống dẫn mật.

Chronic Hepatitis: Viêm gan mãn tính (còn gọi là kinh niên).

Cirrhosis: Chai, từ này thường được dùng để diễn tả trạng thái chai gan.

Clotting factors: Yếu tố đông máu.

Coinfection: Bị nhiễm trùng bởi nhiều vi trùng hoặc vi khuẩn khác nhau cùng một lúc.

Combination therapy: Chữa trị bằng nhiều loại thuốc hoặc phương pháp khác nhau.

Condom: Bao cao su, “áo mưa”.

Connective tissue: Mô liên kết.

Cure rate: Một danh từ thường dùng để diễn tả khả năng chữa hết bệnh của một thứ thuốc hoặc phương pháp y khoa nào đó.

Deltoid injection: Chích vai.

Edema: Phù, thủng.

Encephalopathyhepatic: Bệnh loạn trí do gan gây ra. Khi gan bị chai, gan không còn khả năng loại bỏ độc tố, khiến người bệnh trở nên kém minh mẫn, lú lẫn và mất trí nhớ. Ðôi khi bất tỉnh và chết.

Endoscopy: Nội soi. Trong phương pháp này một máy quay phim dưới dạng một ống cao su nhỏ được luồn vào cơ thể để quan sát những cơ quan muốn khảo nghiệm. Nếu soi bao tử, người ta gọi là Upper GI endoscopy hoặc EGD (viết tắt từ chữ Esophago-Gastro-Duodeno-scopy). Nếu soi ruột già người ta gọi là lower GI endoscopy hoặc colonoscopy.

Epstein-Barr Disease: Bệnh sốt tuyến.

Fatty liver: Gan đóng mỡ hoặc còn được gọi là gan nhiễm mỡ, như trong trường hợp của người quá mập hoặc bị tiểu đường. Trong một số trường hợp người ta không biết tại sao gan bị đóng quá nhiều mô mỡ.

Fresh frozen plasma: Huyết tương đông lạnh, để truyền cho những bệnh nhân với máu quá loãng không cô đọng lại được. Người bị chai gan dễ bị chảy máu. Trong trường hợp mất máu quá nhiều, huyết tương đông lạnh có thể giúp cho máu bớt loãng hơn.

Fulminant hepatitis: Viêm gan ác tính.

Gallstone: Sạn mật. Sạn có thể nằm trong túi mật hoặc nằm trong ống dẫn mật. Sạn có thể hoàn toàn không gây ra một triệu chứng nào đáng kể.
Genotype: Kiểu di truyền, kiểu gene.
Gibson’s capsule: Màng bọc chung quanh lá gan.

Glutal injection: Chích mông.

Gynecomastia: Chứng phái nam có vú giống như phụ nữ. Vú có thể bị đau.

Healthy carrier: Người có vi khuẩn viêm gan trong máu, nhưng chưa có một triệu chứng hoặc dấu hiệu của gan bị viêm hoặc bị chai. Danh từ này, ngày nay ít được dùng, vì tuy kết quả thử máu tưởng vẫn bình thường, nhưng vi khuẩn viêm gan có thể đã/đang hoặc sẽ phá tế bào gan một cách từ từ nhưng chắc chắn. Danh từ được dùng nhiều nhất cho bệnh nhân viêm gan B với chất hóa học ALT hoàn toàn bình thường.

Heart Attack: Bệnh dồi máu cơ tim. Ðây là trường hợp khi một trong những mạch máu tim bị tắc nghẽn. Thiếu dưỡng khí các tế bào tim sẽ bị tổn thương một cách nhanh chóng.

Hemoglobin: Hồng huyết cầu.

Hemophiliacs: Người bệnh huyết hữu.

Hemorrhoids: Trĩ.

Hepatic: Thuộc về gan. Liên quan đến gan

Hepatitis: Viêm gan.

Hepatomegaly: Gan bị lớn, sưng.
Herbal medication: Dược thảo, thuốc cỏ cây

Immune: Miễn nhiễm. Người được miễn nhiễm là người đã có chất đề kháng chống lại một loại bệnh nào đó.

Immune tolerance: Khoang dung miễn dịch.

Immune system: Hệ thống miễn nhiễm.

Immunoprophylaxis: Chích ngừa.

Incubation period: Thời gian ủ bệnh, thời kỳ tiềm phục. Ðây là thời gian bắt đầu sau khi vi khuẩn/vi trùng xâm nhập vào cơ thể đến lúc bệnh bắt đầu bộc phát.

Inflammation: Viêm, sưng, nóng.

Jaundice: Vàng da, thường do chất bilirubin trong máu tăng quá cao.

Lactic acidosis: Nhiễm độc chất acid lactic.

Lactose intolerance: Không tiêu được sữa.

Lipid: Một chất thuộc một nhóm mỡ, có trong thức ăn và thiên nhiên. Nhóm này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và một số vitamin và chất béo thiết yếu.

Lipid-soluble: Tan trong mỡ.

Liver: Gan.

Liver
 biopsy: Sinh thiết gan.

Liver cirrhosis: Chai gan.

Liver transplant: Ghép gan.

Mononucleosisinfectious: Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.

Nodules: Những u nhỏ, kết tiết.

Oncotic pressure: Áp xuất thể tích.

Osteoporosis: Bệnh rỗng xương.

Pancreas: Tụy tạng, nơi bào chế nhiều chất hóa học để tiêu hóa thức ăn, nhất là dầu mỡ, và cũng là nơi nhiều kích thích tố (hormones) được bào chế, trong đó có Insulin.

Paracentesis: Rút nước từ xoang phúc mạc.

Peritoneal cavity: Xoang phúc mạc.

Pitting edema: Nước ứ đọng trong mô liên kết, chẳng hạn như hai bàn chân.

Plasma: Huyết tương. Dịch máu, sau khi các tế bào máu đã được tách ra. Bao gồm nhiều hóa chất và chất đạm khác nhau, thường được truyền cho những bệnh nhân với máu quá loãng.

Platelett cell: Tiểu cầu. Một cấu trúc hình đĩa, đường kính 12 ug đóng vai trò quan trọng trong việc đông máu. Khi gan bị chai, số tiểu cầu thuyên giảm dần dễ đưa đến chảy máu.

Portal hypertension: Tăng áp xuất tĩnh mạch cửa.

Portal vein: Tĩnh mạch chủ.

Post-exposure vaccination: Chích ngừa sau khi đã bị tiếp xúc với vi khuẩn.

Protein: Chất đạm.

Red Blood Cell (RBC): Hồng huyết cầu. Nhiệm vụ chính là chuyên chở dưỡng khí (O2) và thán khí (CO2).

Relapsing Hepatitis: Viêm gan tái diễn từng hồi, viêm gan hồi quy. Danh từ thường được dùng cho bệnh viêm gan A.

Sclerotherapy: Phương pháp cầm máu hoặc ngăn ngừa chảy máu từ tĩnh mạch trướng bằng cách chích một dung dịch thẳng vào hoặc chung quanh cách mạch máu này.

Seroconversion: Tình trạng khi hệ thống miễn nhiễm đã loại bỏ kháng nguyên bằng kháng thể. Khi thử máu antigen sẽ biến mất (trở thành âm tính), trong khi kháng thể (antibody) sẽ trở thành dương tính.

Spider angiomata: Mạch máu nhện trên da. Thường thấy trên da người bị viêm gan.

Spleen: Lá lách, cơ quan hình bầu dục, nằm ở bụng trên phía bên trái, bên dưới và phía sau bao tử. Lá lách là một cơ quan quan trọng trong hệ thống nội mô (reticuloendothelial system). Nhiệm vụ chính của cơ quan này là loại bỏ những hồng huyết cầu già nua cũng như một số vật lạ ra khỏi giòng máu, trong đó có các loại vi khuẩn, vi trùng v.v.

Subcutaneous injection: Chích dưới da. Ðể phân biệt với chích vào bắp thịt (intramuscular injection). Khi chích thẳng vào mạch máu người ta thường gọi là intravascular injection, mà người Việt chúng ta vẫn thường gọi một cách sai lầm là “chích vào gân”

Subtype: Tiểu loại.

Superinfection: Bị lây thêm bởi một loại bệnh nhiễm trùng mới, trong lúc đang bị nhiễm trùng bởi một loại bệnh nhiễm trùng khác. Chẳng hạn đang bị viêm gan B, nay bị lây thêm viêm gan C.

Thyroid: Tuyến giáp trạng, nơi bào chế kích thích tố giáp trạng (thyroid hormones). Những hormone này đóng vai trò quan trọng cho các tiến trình chuyển hóa bình thường, và cho việc phát triển tâm trí và cơ thể.

Titer: Nồng độ của một chất hóa học nào đó. Chẳng hạn, HBsAB titer.

Transmission: Phương thức truyền bệnh.

Ultrasound: Siêu âm.

Vaccination: Chích ngừa, chủng ngừa.

Varices: Tĩnh mạch trướng.

Vein: Tĩnh mạch. Mạch máu hoặc huyết quản đưa máu trở về tim.

Virus: Vi-rút, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, siêu vi trùng.

Water-soluble: Tan trong nước.

White Blood Cell (WBC): Bạch huyết cầu là những tế bào máu có nhân. Chúng đóng vai trò chính yếu trong hệ thống miễn nhiễm, sản xuất những kháng thể chống trả lại sự tấn công của vi trùng và vi khuẩn.

Bệnh nhân viêm gan chia sẻ

Sau đây là những lời chia sẻ của anh Phan Văn Tánh, một bệnh nhân đang chữa trị viêm gan C nhằm bày tỏ những kinh nghiệm bản thân trong quá trình điều trị bệnh viêm gan:

TÔI BỊ VIÊM GAN C

Tiếng điện thoại reo vang, theo thói quen tôi nhấc điện thoại lên sau tiếng reo thứ nhì. “Hello, xin lỗi ai ở đầu dây đó?” tôi hỏi. Bên đầu dây bên kia cho biết là bác sĩ M.M. Ông gọi cho tôi để yêu cầu tôi ngưng uống thuốc trị tiểu đường Actos vì Actos không thích hợp cho người bị bệnh viêm gan, và nó đã có phần nào tác hại cho gan. Kết quả thử máu lần nầy của tôi cho thấy là hai chất men gan ALT và AST của tôi lên khá cao. Như vậy chức năng gan của tôi có vấn đề. Tôi được bác sĩ gửi đi thử nghiệm thêm về gan lần nữa, và kết quả cho biết là tôi bị viêm gan C (hepatitis C).
Khi nghe qua, tôi cũng hoang mang, lo lắng và không biết nặng nhẹ cỡ nào. Ðó là mùa hè năm 2001. Tôi được giới thiệu một bác sĩ nội khoa (internal medicine) có chuyên ngành về đường ruột và bao tử (gastroenterology). Ông nầy không ai xa lạ là vị bác sĩ tôi đã tín nhiệm trong 8 năm qua. Theo hồ sơ của văn phòng bác sĩ nầy thì tôi đã được chẩn đoán là trong gan tôi đã có vi khuẩn (virus) C từ năm 1994, nhưng không biết lá gan của mình đang ở giai đoạn nào.
Ðây là một điển hình vì tôi thiếu kiến thức căn bản, tánh mạng mình có thể không được an toàn. Tôi hoàn toàn không có một ký ức nào về dữ kiện nầy và tôi cũng không nhớ là bác sĩ có khuyên dặn gì tôi không. Thực sự mà nói, vào khoảng năm 1994 chưa có thuốc trị con vi khuẩn viêm gan C trong ngành y tế. Bác sĩ tôi cũng không căn dặn kiêng cử gì hết, và cũng không khuyên tôi nên theo dõi hàng năm bằng cách thử máu. Vì không hiểu rõ sự tác hại của chứng bệnh này nên tôi đã để 8 năm âm thầm lặng lẽ trôi qua.

Cấm Uống Rượu

Thời gian cứ mãi trôi dần, tôi vẫn cứ “lai rai” một ly, hai ly… mỗi cuối tuần sau vài tiếng đồng hồ chơi quần vợt với bạn bè. Sau khi khám phá lần thứ hai về bệnh viêm gan C, tôi đã đổi qua bác sĩ khác. Khi nghe tôi bị viêm gan C, cậu em vợ (Nguyễn Hải Tuấn, bác sĩ giải phẫu) và vợ của cậu ta (Nguyễn Thùy Anh, bác sĩ gia đình), đều có khuyên tôi nên lo trị liệu bằng thuốc tây càng sớm càng tốt vì Thùy-Anh đã từng chữa trị cho một số bệnh nhân bị viêm gan C. Trong thời gian trị liệu của tôi, Ba Mẹ vợ của tôi giúp “trông em bé bị bệnh” trong lúc bà xã tôi lo đi “kiếm cơm”; vợ chồng cậu em vợ là N.H. Tuấn và Thùy-Anh cũng luôn thăm hỏi, và sẵn sàng đến khám nghiệm khi cần đến, và cố vấn tôi về kiến thức và thủ tục y khoa.
Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên, Thùy-Anh có lời khuyên “cảnh báo” với tôi rằng: “Từ rày trở đi, tuyệt đối anh không được uống một giọt rượu nào cả!” Sau đó Thùy-Anh có phân trần là vì lo cho tôi nên có những lời như thế, mong tôi đừng giận. Tôi thực sự ghi tâm về lời khuyên của Thùy-Anh nên tôi quyết định “dứt sửa” cái tật “lai rai” kể từ ngày đó cho đến nay vì “sức khỏe là vàng”, có tiền cũng không mua được.
Tôi thật sự thấm thía về câu nầy nên trong hai năm dài lo chạy chữa đủ mọi loại thuốc. Ai mách gì tôi cũng thử ít nhất là 3 tháng, xong rồi đi thử máu xem có khả quan gì không. Giai đoạn dùng thuốc phương đông đã kéo dài trong 18 tháng nhưng không có kết quả. Do đó tôi đành phải quyết định sự chữa trị bằng thuốc tây; chuẩn bị tinh thần để bước vào chông gai mà tôi đã cố tránh né trong một thời gian dài.

Nhiều Loại Viêm Gan C

Học được bài học “bệnh của mình, mình không lo thì ai lo cho mình đây”, ngay cả bác sĩ của mình cũng chưa chắc gì lo chu đáo cho mình. Có chút kiến thức về máy vi tính, chút ít hiểu biết về cách tìm kiếm thông tin, tin tức trên mạng lưới Internet, tôi đã bỏ ra hằng trăm giờ để tìm hiểu thêm về bệnh viêm gan C, như nó từ đâu ra, nó lây lan như thế nào, sức tàn phá của nó nhanh hay chậm, mãnh liệt hay âm thầm mà giết người không hay, v…v.
Lúc đầu tôi nghĩ là chỉ có một loại vi khuẩn viêm gan C thôi, nhưng quý vị có biết là có bao nhiêu loại (genotypes) không? 11 loại chính, và tổng cộng là 22 loại kể cả loại phụ, mỗi loại có đặc tính riêng của nó. Xuất xứ của chúng là từ những quốc gia rải rác trên khắp hoàn cầu. Sự lây truyền chính của nó là từ máu qua máu, hoặc qua dung dịch trong cơ thể. Những cách bị lây truyền thường xẩy ra là dùng chung kim như chích ma túy, cần sa, hoặc dụng cụ y khoa không được khử trùng (như ở Việt Nam trước đây thường dùng một kim chích cho nhiều người khác nhau), hoặc từ mẹ truyền sang cho con trong lúc sanh nở, hoặc hiếm hơn là qua dao cạo, kéo cắt da tay, truyền máu có ci khuẩn (rất hiếm), hoặc qua đường sinh dục, v.v. Trong số 11 loại chính kể trên, loại số 1 là loại khó chữa nhất.

Cách Chữa Thuốc Tây & Phản Ứng Phụ

Thuốc tây để chữa 11 loại trên chỉ có duy nhất là hai loại thuốc, một là loại chích Interferon (Peg-Intron hoặc Pegasys), mỗi tuần một lần, và một loại khác là thuốc uống Ribavirin (Rebetol) ngày hai lần. Sự chữa trị bằng phương cách phối hợp hai loại thuốc trên tăng thêm sự công hiệu đàn áp vi khuẩn viêm gan C. Dĩ nhiên, tùy theo vi khuẩn loại số mấy và cân nặng của mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ gia giảm liều lượng cho thích hợp. Thời gian trị liệu cũng sẽ tùy vào loại vi khuẩn nào, bác sĩ của bạn sẽ đề nghị là 6 tháng, một năm, hay lâu hơn. Xác xuất thành công trong việc trị liệu tùy vào loại vi khuẩn nào, và người bệnh nhân có chịu nỗi những phản ứng phụ (side effects) hay không. Có vào khoảng 10% số người đã bỏ cuộc vì lý do kinh tế hay không chịu nỗi sự “hành hạ” của thuốc. Các phản ứng phụ từ thuốc trị liệu thì dài cả cây số và có thứ có thể gây tổn thương cho các cơ phận khác, thậm chí các phản ứng phụ cũng tai hại không kém gì thuốc trị liệu chính, người bị bệnh tiểu đường có thể bị mù mắt (rất hiếm).

Quyết Ðịnh Chữa Thuốc “Ta”

Sau khi biết được phương pháp trị liệu bằng thuốc tây sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ như vậy, tôi đành phải quay trở về phương pháp trị liệu mà đa số đồng hương ta đều ưa chuộng, đó là thuốc bắc và thuốc nam. Bác tôi ngày xưa cũng là một danh y thuốc nam ở thành phố Long Hoa, Tây Ninh. Mỗi hè về thăm Nội, Ngoại, gia đình tôi cũng đều ghé thăm bác, và mỗi lần như thế tôi được “thưởng” chừng 20 đến 30 thang thuốc nam. Nhờ đó mà tôi uống thuốc nam họăc thuốc bắc như uống “cà phê”; nó chỉ “dỡ” hơn cà phê Starbucks thôi!
Tôi đã uống thuốc nam và thuốc bắc của 3 vị thầy ở thành phố Little Sàigòn và một danh y ở Việt Nam, ở những thời điểm khác nhau. Sau 12 tháng ròng rã, người uống thuốc như uống cà phê bắt đầu sợ mùi thuốc. Con bệnh sợ thuốc là sự đương nhiên, vậy mà người nấu thuốc cũng sợ luôn. Mỗi ngày bà xã tôi xử dụng loại nồi nấu thuốc bắc bằng điện và tự động tắt khi cạn vừa đủ để uống, nấu và ngửi mùi thuốc mãi “nàng” cũng sợ luôn.
Sau 12 tháng dài vật lộn với những chén thuốc bắc mà tôi hay gọi đùa là “cà phê” cữ sáng và cữ tối, và 6 tháng nhai những “viên kẹo” viên thuốc tể khó nuốt, nhưng số vi khuẩn mỗi ngày mỗi tăng thêm.  Thấy tình trạng của mình không mấy khả quan, tôi lấy toa bác sĩ đã cấp cho tôi lâu rồi để mua thuốc chích Pegasys và thuốc uống Ribavirin. Lúc đó là tháng 5, 2003, thuốc còn tương đối mới và vì do một hãng độc quyền nên khan hiếm, do đó thường phải đợi từ một tuần, có khi đến cả tháng mới có thuốc.
Sau hai tuần đặt mua, thuốc đã về đến thì một sự kiện rất lý thú xảy ra. Tôi tình cờ gặp một cậu em quen ở đối diện nhà, cùng đến hốt thuốc bắc của một ông thầy ở Anaheim như tôi. Cậu ta cho biết là mẹ của cậu cũng được chẩn bệnh là có vi khuẩn viêm gan C, nhưng nhờ uống thuốc của một ông thầy ở Mỹ Tho, Việt Nam, bây giờ khỏi bệnh rồi. Như người chết đuối vớ gặp cái phao, tôi tức thì chạy về nhà của cậu em, gặp mẹ cậu là bác Mười để xin số điện thoại và địa chỉ của ông thầy ở Việt Nam. Cũng trong thời điểm nầy, một tình cờ nữa là nhạc mẫu của tôi cũng mới quen biết được một ông dược sĩ trong nhóm tu thiền cũng “được” chữa hết bệnh do cùng một ông thầy ở Mỹ Tho. Tuy nhiên, sau đó không lâu thì nhạc mẫu tôi cho hay là ông dược sĩ đó đã qua đời; có lẽ ông ta ỷ y là bệnh mình hết rồi nên không theo dõi kỹ bệnh trạng của mình, nhưng các con vi khuẩn HCV vẫn luôn âm thầm tiêu diệt lá gan của ông mà ông không hay. tiến bước trên bước đường xâm lăng của chúng như bọn Cộng Sản nằm vùng. Một lần nữa, tôi và vợ tôi sẵn sàng xếp số thuốc tây, đã mua đủ dùng trong 3 tháng trị giá $6,000.00, vào tủ lạnh.
Thế là tôi tức tốc gọi về cho gia đình của tôi ở Cần-Thơ để chạy lên Mỹ Tho hốt thuốc cho tôi. Thật là may cho tôi là bác Mười có người con đi Việt Nam chơi và sắp quay lại Los Angeles. Ði từ cái may nầy đến cái may khác, trong vòng hai tuần là tôi có được thuốc từ Việt Nam đủ để uống cho 4 tháng đầu. Ðây là những viên thuốc tể, mỗi viên được làm bằng tay và bọc bằng bao ni-long thật là công phu. Ðặc biệt là ông thầy nầy quý những viên thuốc của mình làm ra nên không thích cho gia đình mình gửi thuốc bằng bưu điện vì lỡ bị mất thì ông ta tiếc lắm. Lúc đầu tôi tưởng bở, nghĩ rằng thuốc tể nầy có lẽ cũng giống như những viên thuốc tể ngày xưa mà tôi ăn ké với Mẹ hoặc Ngoại. Có ai ngờ đầu, mỗi tuần là một gói khác nhau, có gói khó nhai, khó nuốt gấp 10 lần uống một chén thuốc bắc. Thêm vào đó, mỗi hai hay ba tuần phải uống thuốc xổ do ông đặc chế, để xổ chất độc ra. Mỗi lần xổ là mỗi lần tôi đau oằn oại, toát mồ hôi hột, và cơ thể lạnh cóng như nằm trong phòng ướp lạnh vậy.
Theo thông lệ, cứ uống thuốc được 3 tháng là tôi xin giấy bác sĩ đi thử nghiệm máu. Kết quả thật là khả quan và khích lệ! Chất men gan ALT và AST của tôi trở lại bình thường, và số vi khuẩn trong máu (viral load) tôi tuột xuống hơn 95%, số vi khuẩn đã giảm từ 14,000,000 còn 800,000 trong một mili-lít máu. Ðối với tôi, cả hai kết quả về men gan và số lượng vi khuẩn đều quan trọng. Mỗi 3 tháng thử nghiệm máu, tôi đều xin bác sĩ cho làm thử nghiệm RNA để biết được số lượng vi khuẩn đi lên hay đi xuống. Tuy nhiên mỗi lần thử nghiệm loại nầy nó tốn khoảng $200-$300, và mất khoảng 7-10 ngày mới nhận được kết quả của loại thử nghiệm nầy. Theo kinh nghiệm bản thân, bác sĩ đầu tiên của tôi không đá động gì đến việc thử nghiệm kể trên. Ðược tin vui trên, cả nhà tôi ở Việt Nam và bên vợ tôi ở Nam California và Texas đều mừng chảy nước mắt. Tinh thần tôi lúc lên cao như diều gặp gió vậy. Vì kết quả quá khả quan trong 3 tháng đầu, nên dù thuốc có đắng hay đau đớn khi xổ độc đến đâu, tôi cũng phải cố gắng hết sức mình. Các cụ xưa có nói “thuốc đắng giã tật”. Tôi tiếp tục thêm 3 tháng gian truân nữa, và tôi lại đi thử máu một lần nữa. Nhưng than ôi! kết quả thử máu lần nầy làm cho mọi người đều bí xị. Tin vui của 3 tháng trước đột nhiên tan biếng như bọt biển. Số vi khuẩn kỳ nầy vọt từ 800,000/ml lên tới 6,000,000/ml.

Thuốc “Ta” Không Có Kết Quả – Quyết Ðịnh theo Thuốc “Tây”

Thế là tôi quyết định lôi đống thuốc tây đã mua cách nay 6 tháng để thử một cuộc hành trình mới. Bà xã tôi nghe tôi kể những biến chứng và các phản ứng phụ, cô ta không muốn thấy tôi bị hành xác như vậy. Nhưng tôi quan niệm là còn nước thì tôi còn tát nên “nàng” cũng đành chìêu lòng tôi. 
Trước khi bác sĩ quyết định “cấp passport” cho bạn “đi thám hiểm”, thông thường một số bác sĩ muốn bạn làm thêm hai thủ tục y khoa nữa. Thủ tục y khoa thứ nhất là đâm kim lấy mẫu tế bào trong gan (liver biopsy) để biết tình trạng của lá gan của mình ở thời kỳ thứ mấy và giai đoạn nào. Thủ tục nầy được làm tại bệnh viện vì chỉ có bệnh viện mới có đầy đủ vật liệu và dụng cụ y khoa để phòng khi bị xuất huyết nội tạng. Mẫu thử nghiệm tế bào gan của tôi cho biết là tôi bị sơ gan (fibrosis). Tình trạng xơ gan của tôi là thời kỳ thứ 3 (trong 4 thời kỳ). Sau sơ gan là chai gan (cirrhosis), và nó cũng có thể trở thành ung thư (cancer). Thủ tục y khoa kế tiếp là làm siêu âm (ultrasound) ở phần bụng (abdomen) để xem gan và những bộ phận khác có gì bất bình thường không. Sau khi đọc các kết quả thử nghiệm về y khoa, bác sĩ cho tôi biết là trường hợp tôi vẫn còn nhiều hy vọng lắm, và tuổi tôi vẫn còn “gân” để có thể “thoát hiểm” để tìm lại cuộc sống bình thường.
Thời gian thật vô tình và có khi thật tàn nhẫn vì nó đi qua nhưng không bao giờ trở lại. Ðáng lẽ tôi phải xử dụng thuốc Pegasys và Ribavirin vào cuối tháng 12, 2003, nhưng vì tháng Mười Hai, tháng Giêng, và tháng Hai có những ngày lễ lớn như mùa Giáng Sinh, tết Dương Lịch, rồi đến tết Âm Lịch. Tôi muốn cùng gia đình có được những ngày lễ vui vẻ bên gia đình để sau đó đối diện với những khó khăn đang chờ đợi chúng tôi trong những ngày sau đó. Ngay sau tết Âm Lịch, tôi thật sự sẵn sàng để lên đường “đi chinh chiến”, tiêu diệt kẻ thù vi khuẩn viêm gan C.
Cuộc hành trình quả thật đầy chông gai và nước mắt. Nó kinh hoàng và rùng rợn hơn trí tưởng tượng của tôi. Vì mình chưa bao giờ trải qua những thử thách mới nầy nên không ai có thể nào chuẩn bị được tinh thần cho đầy đủ để đối phó với những khó khăn. Ðúng là “đoạn đường ai có qua cầu mới hay”. Cả hai vợ chồng chúng tôi đều trải qua những ngày tháng thật căng thẳng (stress) và lo rầu (depression) và phải uống thuốc để giảm bớt bệnh lo rầu nầy. Các con tôi, 10 tuổi và 8 tuổi, biết cha mình bị bệnh nhưng không lớn đủ để hiểu tại sau cha mình suốt ngày cứ nằm trên giường, rủ đi đâu cũng lắc đầu nguầy nguậy.
Trường hợp tôi thì thuốc chích, thuốc uống, và các phản ứng phụ vật tôi tơi tả “không còn manh giáp”. Tôi bị gần như 95% các phản ứng phụ mà tôi đã đọc thấy trên Internet. Ðơn cử như mất ngủ, nhức đầu, biếng ăn, tóc rụng (có người chỉ bị tóc mỏng và thưa), mất hồng huyết cầu và bạch huyết cầu, chóng mặt, ói mửa, sụt cân, gắt gỏng, chán đời muốn tự tử, không còn sức để làm việc dù nhẹ tới đâu, v..v. Mỗi lần lên cầu thang ở nhà, có lúc tôi như muốn bò mới có thể lên lầu được. Sau nầy bà xã tôi phải “dưng cơm hầu nước” ngày ba bữa cho “ông ấm”.
Ði được hơn nửa đường, tôi quá mệt mõi và muốn bõ cuộc, do đó bác sĩ tôi khuyên nên nghỉ đỡ một tuần và sau đó hãy quyết định lại. Một tuần không tiêm thuốc, không uống thuốc, tôi thấy có thêm sức lực hẳn hoi. Sau nầy mới khám phá ra thuốc Pegasys và Ribavirin làm giảm hiệu lực của thuốc tiểu đường. Do vậy, số lượng đường trong máu cứ từ từ mà leo thang. Con số nầy hoặc quá thấp hoặc quá cao quá cũng có thể đưa tôi đến trường hợp bị hôn mê vĩnh viển (coma).
Thương vợ thương con, tôi quyết định tiếp tục cho hết cuộc hành trình để tìm lại hạnh phúc của gia đình trong tương lai. Nhờ Trời Phật phù hộ, hai lần thử nghiệm máu sau mỗi 3 tháng đều không phát hiện được (undetectable) vi khuẩn HCV. Giới y khoa không dùng từ ngữ “tiêu diệt” hay “diệt trừ” vi khuẩn viêm gan C, mà chỉ dùng từ ngữ “không phát hiện” (undetectable) vì rất khó để trừ khử vi khuẩn viêm gan C. Vì không phát hiện và diệt trừ chúng được, do đó chúng nó có thể trở lại rất mau chóng và bất cứ lúc nào. Bác sĩ cũng cho biết là chúng nó có thể “tái xuất giang hồ” khoảng 20% đến 40%. Do đó tôi phải trở lại tái khám và làm thử nghiệm máu mỗi tháng một lần trong vòng sáu tháng. Sau đó, cứ mỗi sáu tháng lại thử nghiệm máu với hy vọng là chúng không trở lại, trong vòng 3 năm. Nếu chúng tái xuất hiện, tôi lại phải dùng thuốc giống như lúc đầu, có nghĩa tôi phải trở lại địa ngục trở trong 6 tháng nữa.
Sau đây là một số websites tôi biết, hy vọng sẽ giúp các bạn tìm hiểu, trao đổi, hay chia xẻ cùng với những người khác đang mắc phải bệnh viêm gan C như bạn:

Tìm hiểu về Viêm Gan C

Các Nhóm Hỗ Trợ Viêm Gan C

Mục đích của tôi khi viết bài nầy là để gây thêm chú ý (awareness) của cộng đồng chúng ta về căn bệnh nguy hiểm nầy. Tôi là một trong những “cựu chiến binh” viêm gan C may mắn, đang được hưởng hạnh phúc bên gia đình cùng vợ và hai con thân yêu của tôi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Trải qua những “khổ nạn” như vầy, tôi thấy mình trưởng thành hơn, nhất là trân quý cái gia đình tôi đang có. Nếu bạn mắc chứng bệnh nầy, bạn không phải là một “chiến sĩ cô đơn” đâu. Những người cùng cảnh ngộ của bạn đang sẵn sàng chia xẻ với bạn, và những cựu chiến binh như tôi sẵn sàng hỗ trợ tinh thần cho bạn và gia đình của bạn để chiến đấu cho đến khi bạn thắng con vi khuẩn HCV hiểm độc nầy. Rồi một ngày nào đó bạn cũng sẽ trở thành một “cựu chiến binh” như tôi, và nối tiếp truyền thống người đi trước giúp đỡ người đi sau. Nếu có cơ hội và điều kiện, tôi mong muốn được tiếp tay với các “cựu chiến binh” viêm gan C thành lập “Nhóm Hỗ Trợ Tinh Thần Viêm Gan C” tại Little Sàigòn cho đồng hương Việt Nam chúng ta.
Tôi sẽ tiếp tục theo dõi những tin tức mới về viêm gan C để chia xẻ cùng quí vị trong tương lai. Chúc tất cả quí vị thật nhiều sức khỏe và thân tâm an lạc.
Tôi xin cám ơn các BS Ðặng Phi Long – chuyên khoa bao tử và đường ruột; BS Nguyễn Thanh Thùy – chuyên khoa gia đình & trẻ em; BS Mạnh Quang Minh – chuyên khoa về tiểu đường; BS Dương Hồng Tạo – chuyên khoa tim mach, và toàn thể nhân viên của các văn phòng BS kể trên đã tận tình giúp đỡ tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn quí Thầy, Cô, đồng môn, các thân hữu của các hội đoàn bạn gần xa, hội Liên Trường THVN, các bạn cùng sở, và đặc biệt là nhóm “lai rai” tennis của tôi. Các bạn đã gửi thư, gọi điện thoại, và ghé đến nhà thăm hỏi, an ủi, và nâng đỡ tinh thần của tôi trong những tháng ngày thật cam go.
Sau hết, tôi xin mượn những dòng chữ chân thành nầy để cám ơn người vợ hiền của tôi; ngườ vợ lúc nào cũng khuyến khích, lo lắng và chăm sóc cho tôi ngày đêm. Vợ tôi đã mang đến cho tôi rất nhiều nghị lực, và “nàng” đã kiên trì, chịu đựng không biết bao nhiêu là gian nan, đúng với câu “đồng cam cộng khổ” cùng tôi trong những năm tháng dài chữa trị bệnh viêm gan C của tôi. Anh thành thật cám ơn Em và hai con.
Sự hỗ trợ tinh thần của gia đình và của tất cả bạn bè thân hữu trong gia đoạn tôi “vượt biên đi tìm tự do” thật là vô giá. Nhờ trải qua cơn bệnh nầy, tôi đã tìm lại được “tình người”, “tình đồng hương”, “tình đồng môn”, và “tình bằng hữu” thật là sâu đậm và dễ thương mà bấy lâu nay tôi nghĩ là các tình nầy đã không còn hiện hữu trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
Lời tâm sự cuối cùng là tôi thành thật cổ động tinh thần các bạn nào đã được bác sĩ “bật đèn xanh” để trị liệu, xin các bạn hãy mạnh dạng quyết định làm càng sớm càng tốt. Thời gian tính trong vấn đề nầy rất quan trọng, xin bạn đừng chờ nữa vì một số trong chúng ta đã chờ hơi lâu rồi. Ðừng để lỡ “chuyến tầu”, sau nầy hối tiếc thì đã muộn. Gia đình bạn và những người thân quen của bạn là những người sẽ cùng bạn “đi vượt biên”, mọi người sẽ luôn luôn thông cảm và hỗ trợ tinh thần cho bạn. Bạn thật sự không lẻ loi đâu! Bạn còn có chúng tôi, những “cựu chiến binh” viêm gan C đã chiến đấu cho đến ngày tìm lại được “bến bờ tự do”. Chúc bạn may mắn và thành công để sau nầy tiếp tay với chúng tôi để hỗ trợ tinh thần cho những người đi sau.

Nguồn: Hội Ung Thư Việt Mỹ

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời