Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

SongVanXaBo CilyNguyen

Song Van Xa Bo – Cily Nguyen

Sóng Vẫn Xa Bờ

Cily Nguyễn

Nếu không có tiếng loa liên tục thông báo, tôi tưởng đang ở phi trường Việt
Nam vì toàn đầu đen. Cẩn thận! Không phải dân Việt cả đâu: Tàu, Đại Hàn, Phi,
Thái… Đây là phi trường hướng ra Thái Bình Dương, Los Angeles, thế nên phần
nhiều là dân Châu Á, khung cảnh ồn ào náo nhiệt giống ở Việt Nam quá. Dân Mít
đông quá trời họ gọi nhau í ới, cảnh quyến luyến chia ly đồ đạc la liệt, kẻ
đứng, người ngồi – họ rủ nhau về quê ăn tết.

Dại gì “Check-In” lúc này, vào rồi muốn ra bất tiện. Độ rày an ninh phi trường
chặt chẽ, ra vào bị kiểm tra rất kỹ. Chỉ có hành khách mới được vào, không còn
cảnh thân nhân đưa đón tận cửa máy bay như trước. Tôi còn phải chờ ở đây bốn
tiếng nữa. Thôi! tản bộ ra ngoài cho nó thoáng. Ngoài cổng phi trường, tôi gặp
vài tay “đồng bệnh” hút thuốc như mình. Chẳng quen biết gì nhau nhưng “Tha hương
ngộ cố tri” cứ như thân thiết lâu rồi. Đấng nào cũng mang đồ đạc lỉnh kỉnh,
chán nhất cảnh vác đồ mỗi lần về, nhưng chán cũng phải vác. Các bà mua đủ thứ,
nào dầu xanh Con Ó, nào dầu thơm, xà bông… Thôi “vâng lời trọng hơn của lễ”!
Có ông bạn đứng tuổi người Rạch Giá, ngồi bên tôi tỏ ra hết sức bồn chồn; ông
cho biết ông về Việt Nam lấy vợ! Tôi đoán ông không may “đứt gánh giữa đường”
về quê rổ rá cạp lại. Nhưng không! ông không đứt gánh giữa đường mà “Vứt gánh
giữa đường”. Có nghiã là ông bỏ “mẹ sề” để cưới “bông hoa nhỏ”! Không bồn chồn
sao được? Ông đã gặp em lần nào đâu, mới chỉ yêu trên “phone” thôi! Thế nhưng,
xem ra chuyện tình của ông đến thời gay cấn “tình trong như đã, bên ngoài chẳng…
còn e” gì nữa. Trong trái tim ông giờ có em sưởi ấm. Lạ lùng một điều, từ khi
nghe được tiếng thỏ thẻ của em dù chỉ trên điện thoại và mới chỉ được nhìn qua
tấm hình em do thằng bạn đưa, ông trở nên như người mất trí. Lúc nào trong tâm
trí ông cũng có hình ảnh của em. Ông vẽ ra trong đầu một tương lai tươi sáng,
trong đó chỉ có em và ông. Làm việc gì cũng nghĩ tới em, nghe một bản nhạc tình
ướt át, ông cũng thấy đầy tâm sự. Có lần nghe Thái Thanh hát “Em hỏi anh bao
giờ trở lại?” Bỗng dưng ông cảm thấy tiếng hát nỉ non quá, như tiếng của em
đang thổn thức mong ông trở về. Ông cảm thấy mình cũng có phần giống người hùng
trong bài hát, mặc dù ngày xưa trốn lính, sau đi Nghĩa Quân vớ vẩn. Ông kể,
những lần đi đánh cá vào ban đêm, dựa thành tàu nghe câu hát: “… Biển một bên
và em một bên…” Lòng ông thấy thương nhớ em vô vàn. Ông muốn gởi trái tim
“hừng hực lửa yêu” vượt đại dương về cùng em. Bởi “bên kia biển là em tôi đó”.
Tôi nghĩ tội cho thân ông, bởi “Biển” và “Em” cả hai đều nguy hiểm như nhau.

Em thân thưa cùng ông, dù đã trải qua vài mối tình nhưng em chưa yêu ai như
yêu ông! Em còn thú nhận, chỉ có ông mới là nơi em nương tựa. Em nguyện suốt
đời chỉ yêu ông mà thôi. Và em còn thề độc, nếu không được nâng khăn “móc” túi
ông thì em ở vậy! Ông cảm động với tấm lòng cao cả ấy lắm.

Tâm lý con người khi vui hoặc buồn quá thường có khuynh hướng chia xẻ, muốn
có người tâm sự cho vơi bớt nỗi lòng. Nhìn mặt ông tôi thấy tội nghiệp, ngồi
đây nhưng hồn ông đang gởi về nơi nào. Cứ theo lời ông kể, thì em là người vẹn
toàn: đầy đủ Tam tòng, tứ đức (có khi ngũ đức không chừng!). Bởi vậy, chính
ông cũng còn đang thắc mắc “Vì sao em lại yêu ông?” Trong khi đã có mấy thằng
Việt Kiều về đòi cưới em, nên xem chừng ông cảm thấy mình may mắn lắm! Nhưng
thôi! Cuộc đời có mấy khi vui, cứ để cho ông sống trong hạnh phúc. Cầu chúc
cho ông “tai qua nạn khỏi” để về lại Texas mà đi đánh cá trả nợ.

Tiếng loa gọi hành khách chuyến bay 866 China Airline “Boarding”. Mọi người
lục tục lên máy bay, bắt đầu chuyến phi hành 15 tiếng! Tôi “xơi” luôn mấy viên
thuốc ngủ, thôi cứ đánh thẳng một giấc vì tôi khiếp nhất cái cảnh ngồi bó gối
trên tàu. Ngày xưa còn bé, mỗi lần thấy máy bay bay ngang qua, trẻ con chúng
tôi reo hò thích thú; bây giờ ngồi nghe tiếng động cơ gầm rú mà phát sợ.

“Made in China!” Tôi dị ứng với nhãn hiệu đó lắm. Bất cứ cái gì liên quan
tới Ba Tàu là tôi không thích. Nhưng khổ nỗi, mỗi lần về Việt Nam thì lại phải
đi máy bay Tàu. Singapore Airline, Cathay Airline, EVA, hay China Airline thì
cũng Tàu tuốt! đi máy bay Korea thường phải chờ lâu, mà của đáng tội, mấy em
củ sâm trông thô quá nhìn không hợp nhãn! Nghĩ cũng lạ, đồ Tàu cái gì cũng dở,
nhưng mấy cô tiếp viên Tàu nhìn xinh ra phết các ông ạ! Người đẹp như thế ghét
thì tội chết!!

Ngẫm người lại nhớ đến ta, tội nghiệp cho hãng máy bay Air Vietnam, mới lèo
tèo vài chiếc. Vào những năm 60, China Airline mới chập chững khai sinh với
vài chiếc máy bay cũ chuyên để thuê bao, thế mà giờ đây đã trở thành một trong
những hãng hàng không có sức cạnh tranh mạnh. Tiếp viên của họ được huấn luyện
khá thuần thục. Họ phục vụ suốt chuyến bay dài, dường như không ngủ. Một lần
đi Air Vietnam, tôi xin cô tiếp viên mấy viên thuốc, cô đi rồi biệt luôn không
thấy trở lại trả lời có hay không. Tôi đi lại cuối tàu thì thấy mấy cô đang
bận ăn!!

Phi cơ “taxi” ra đường băng, chờ lệnh cất cánh. Tôi nhìn qua cửa sổ, bây giờ
đã gần nửa đêm nhịp độ sinh hoạt có phần chậm lại nhưng không ngủ. Ở phía đông
nước Mỹ đã gần 3 giờ sáng, chỉ còn hơn hai tiếng nữa là mọi người phải thức
dậy đi làm, đời sống ở Mỹ là thế. Người ta luôn nghĩ nước Mỹ văn minh và giàu
có, nhưng ít khi đặt câu hỏi, vì sao? đơn giản là họ làm việc, và làm việc như
một cái máy. Người Mỹ sống rất tiết kiệm và hợp lý. Họ chi li từng xu, làm việc
tính từng phút… Sống ở đất nước này, muốn hay không mình cũng bị cuốn theo xã
hội, đời sống hằng ngày lập đi lập lại một cách nhàm chán… Đang miên man suy
nghĩ, chợt chiếc phi cơ rùng mình chuyển động, tiếng động cơ gầm rú, chiếc Boeing
747 Jumbo, cao to như một tòa nhà phóng vào đêm đen. Những dãy đèn chạy vùn
vụt ra phiá sau, cảm giác nâng mạnh, thành phố như rơi xuống chân tôi, ngoảnh
nhìn xuống tôi thầm nghĩ “Tạm biệt mi Mỹ ơi! Tạm biệt những ngày vất vả!”

Ở độ cao bình phi, bốn bề chỉ còn đêm đen, nhiệt độ bên ngoài rất lạnh. Chiếc
đèn hiệu ở đầu cánh nhấp nháy trong cô đơn, bầu trời điểm vài vì sao lạnh lẽo.

Có một bà tướng hộ pháp, mông to như cái thúng úp, ngồi bên cạnh tôi cứ đi
ra, đi vào. Mỗi lần như thế nàng lại đưa nguyên cái mông vào mặt người ta, đến
nỗi cô đầm người Anh nói khó với tôi xin đổi chỗ ra ngoài cửa sổ. Hết đi ra,
đi vào, nàng lại bắt chuyện với tôi; Nàng về quê làm giỗ mãn tang chồng. Về
làm dám giỗ mà nàng hăm hở như đi đánh giặc, chuyến về này nàng chờ đã lâu,
vì đây là cơ hội tốt để nàng trả thù nhà… (chồng). Nàng kể ra vanh vách những
“tội ác” của gia đình chồng. Nào là quê mùa, ngu dốt, nào là không biết điều.
Người gì mà vô ơn. Mỗi năm nàng gởi cho bà mẹ chồng cả trăm đồng chứ ít ỏi gì,
thế mà cấm có thấy viết thư cám ơn… nếu bà ấy không biết chữ thì những đứa
em chồng nàng chúng nó mù à! Tôi thầm so sánh số tiền nàng mới khoe sắm sửa
vòng vàng, nhẫn kim cương, mua những bộ đồ đắt tiền để chuẩn bị cho chuyến đi
này! Liếc nhìn cổ tay mũm mĩm, rộ lên những chiếc vòng chen lẫn nhau vô trật
tự. Thỉnh thoảng nàng lại cố tình cao tay vuốt tóc cốt khoe chiếc nhẫn mua lại
được với giá rẻ, hay để mọi người chú ý đến mái tóc cắt nhuộm đúng điệu. Nói
không ngoa, trông nàng kệch cỡm và quê mùa, nhưng xem ra ả rất hãnh diện. Tiếng
nàng “tâm sự” nỗi khổ đau do nhà chồng gây ra cứ ra rả như kinh cầu. Tôi phải
cắt lời chứ nếu không thì còn biết bao nhiêu tội ác sẽ được tuôn ra. Tôi đoán
những tội “ác” này nàng đã kể cho nhiều người nghe rồi, và có lẽ mỗi lần kể
những tội đó lại “ác” hơn trước; Nàng nói hăng say như anh cán bộ kể tội ác
đế quốc Mỹ những năm mới “Giải phóng” vì tôi thấy nàng kể rất bài bản trơn tru,
thuộc hơn kinh hằng ngày. Nàng đặt ra bao nhêu là kế hoạch để làm cho những
đứa em chồng phải bẽ mặt, cho bố mẹ chồng biết nàng là dâu thảo hiền đến mức
nào! Nàng sẽ dạy cho từ mẹ chồng trở xuống biết thế nào là “lễ độ” với nàng…
dâu! Tôi thầm thương hại cho gia đình nào đón nàng dâu hiền về hôm nay! Cầu
xin Trời, Phật gìn giữ.

Ôi! Dân tộc ta còn có biết bao những anh hùng liệt nữ như nàng? Quyết liều
thân, không kể đường xa xôi, vất vả để về quê… trả thù nhà… (chồng)! Nói chán,
nàng dựa hẳn tấm thân hộ pháp vào tôi ngủ ngon lành…

Giấc ngủ chập chờn, tôi luôn bị cái cậu ngồi trước cười hinh híc đánh thức.
Suốt chuyến bay cậu chỉ ăn rồi chơi với cái máy game mang theo. Mẹ cậu kể khổ
với tôi, cậu chẳng chịu học hành hay làm ăn chi cả suốt ngày lêu lổng. Chiều
lòng, bà phải về quê để cưới vợ cho cậu. Mà có phải lần đầu đâu, đã ba bốn bận
rồi, bà muốn cậu yên bề gia thất trước khi nhắm mắt. Nhưng cứ được một thời
gian đám cưới thì cậu chê không hợp, đám thì người ta hãi cậu quá kiếm cớ từ
chối. Ở Mỹ cậu không chịu lấy ai hay không ai dám lấy cậu! khổ cho bà già long
đong vất vả. Mỗi lần có vợ mới là cậu ở lỳ hằng năm trời bên Việt Nam, cái này
dĩ nhiên dễ thông cảm cho cậu, không chịu về lo làm ăn để đưa vợ sang. Tôi thầm
nghĩ, Từ hồi có phong trào Việt Kiều về quê lấy vợ, bao nhiêu rồi những Hòn
Vọng Phu trên quê hương? Tôi muốn nói với bà lão rằng, dù có thật tâm lấy vợ
đi nữa mà cậu chỉ lêu lổng như vậy thì cũng chẳng bao giờ đưa được vợ sang đoàn
tụ, trừ khi cậu hồi hương cuốc đất thôi, nhưng không muốn bà thất vọng tôi lại
thôi.

Chuyện của cậu làm tôi nhớ hồi còn ở quê, có ông hàng xóm làm nghề xe ôm.
Bỗng một hôm nhận được cú điện thoại thằng cháu gọi, bảo nó sắp về quê thăm
chú thím. Ông bà hết sức sung sướng như “trời đang hạn gặp mưa rào”. Của đáng
tội, ông bà xưa nay có tiếng mà không có miếng vì có ông anh đi Mỹ theo diện
H.O. tiếng là như vậy, nhưng thỉnh thoảng dăm thì mười họa mới được ông anh
gởi cho vài chục. Có thế thôi! Nghe nói sang bên ấy, anh ông cũng chả làm gì
ra tiền. Một lần kẹt quá, bà xui ông gởi thơ sang xin ông anh giúp đỡ, lời lẽ
dĩ nhiên vô cùng thống thiết, bi ai nhưng chẳng thấy hồi âm. Vừa tốn tiền tem
vừa xấu hổ với vợ con, từ đó ông chả thư từ gì cả.

Vợ ông bán hàng xén ở chợ được đồng nào thì lại vào cái xe cà khổ của ông.
Nghề chạy xe ôm cũng sống được, nhưng phải cái ông không có tiền mua cái xe
đàng hoàng. Có lần đang chở khách nó vật ra ăn vạ, đã không được trả tiền còn
bị người ta chửi. Thời buổi mật ít ruồi nhiều, khách họ cũng kén chọn xe xịn
chứ chẳng mấy ai đi xe ông. Trông cái xe ông đã phát ngán, nhìn mặt mũi đen
đủi của ông còn ngán hơn. Người ta bảo “cái khó nó ló cái khôn”, riêng ông chẳng
thấy ló cái khôn chỗ nào, chỉ thấy cái khó nó cứ bám chặt lấy ông như đỉa đói.
Ấy! Cái giống nghèo thì hay rượu. Uống rượu cho quên cái nghèo, rồi nghèo vì
uống rượu. Thật luẩn quẩn, chán đời ông hay thẫn thờ ra quán rượu đầu xóm, mà
cứ y như rằng lần nào cũng vậy, hễ ở ngoài quán về là y kỳ vợ chồng cãi nhau.
Trong xóm mọi người gọi là “Chiến Tranh Qui Ước”. Cãi nhau bằng miệng chưa đã
thì cãi nhau bằng tay, vợ chồng thay nhau đập phá. Nhưng phá gì thì phá chứ
cấm có dám động đến gánh hàng của bà và cái xe thổ tả của ông. Cả nhà trông
vào hai vật ấy mà sống, đập nó ra thì đói rã nanh ra, còn sức đâu mà lần sau
cãi tiếp. Mỗi lần xảy ra chiến tranh như vậy trẻ con trong xóm vui như tết,
chúng bu lại xem rồi ù té chạy. Những đứa bé không chạy kịp ngã lăn công cốc,
khóc inh ỏi. Người lớn thì thập thò sau cánh cửa, hả hê bình phẩm: “Giêsu Ma…
nhà tôi chả bao giờ như thế!”

Tất cả chỉ tại cái nghèo, đùng một cái hôm nay thằng cháu nó về không vui sao
được. Ông vẫn mong mua được cái xe kha khá một tí, vừa đỡ tiền sửa, vừa dễ kiếm
khách. Nhưng tiền ở đâu ra? Cái giống ở đời, người giàu mượn bao nhiêu cũng
được mà đã giàu thì ai thèm đi mượn; còn nghèo rớt mồng tơi như ông thì… đừng
có hòng. Thế nên, hôm nay ông bà liền lên ngay kế hoạch. Này nhá! Nó về thì
ông sẽ là tài xế cho nó đi đó đây, vừa thân mật lại vừa như chở khách, mà khách
Việt Kiều nhé! Thật nhất cử mà lại lưỡng tiện. Bàn đi tính lại ông liều mua
thiếu cái xe Dream dăm cây của thằng em vợ lâu nay muốn bán. Hôm nó về, ông
lại mướn hẳn một chiếc xe đời mới đón cháu, nhân tiện để cho mọi người biết
mặt, vợ ông bàn:

– Tôi nghe người ta bảo, đón Việt Kiều phải mua hoa đấy! Hay để tôi chạy ra
chợ mua một bó hoa, vài chục ngàn. Tốn thì đã tốn rồi, kẻo nhỡ ra người ta bảo
mình quê.

Ông ú ớ không biết nói sao, thật tình thì ông cũng chẳng biết vì đã đón ai
bao giờ. Khổ, ra ngoài phi trường ông chẳng thấy ai mang hoa hoét gì cả, ôm
bó hoa ông đâm ngượng vất thì tiếc gần hai chục ngàn chứ ít à! mà cầm thì quê
nên ông đành dúi dại vào trong xe.

Thằng cháu ông hết sức béo tốt, ông bà hãnh diện lắm! Với cái chức vụ lớn
như nó kể thì thật gia đình nhà ông bà có phước. Từ hôm nó về, ông không đi
làm, chỉ quanh quẩn ở nhà săn đón thằng cháu quí. Chỉ sợ bên ấy bố mẹ nó bảo
mình hờ hững. Hễ nó muốn đi đâu là ông chẳng quản nề chở đi ngay, xăng không
có tiền thì ông mua thiếu. Vợ chồng bàn nhau thế nào nó chẳng cho ông bà ít
tiền quà cáp, lúc ấy có mà dư. Hễ nó ra khỏi nhà là ông bà nhặng cả lên, sợ
nó đi lạc thì chết. Nó có hàng lô địa chỉ, toàn con gái. Nhiều nhà có con gái
nghe đồn nó về quê lấy vợ, gặp ông đâu họ cũng vồn vã chèo kéo. Mỗi lần đến
nhà ai ông cũng được đón tiếp nồng hậu lắm. Chả gì ông cũng là chú nó mà. Thật
đúng với câu người ta thường nói: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Vì quen
giao thiệp rộng nên nó uống rượu như hũ chìm. Nó vung tiền như nước, thấy mà
xót! Vào Bar, nó cho tiền những đứa con gái cả vài trăm ngàn! Bằng cả số tiền
ông vất vả cả tháng. Ông nghĩ, thật “Con hơn cha là nhà có phúc” đời ông với
bố nó đói khổ như ranh. Hồi bố nó đi tù, không có ông thì có mà chết đói, thế
mà… Thấy nó xài tiền rộng rãi, vợ ông xúi xin nó ít tiền trả nợ nhưng ông không
chịu, mất đi đâu mà sợ!

Mà cũng hay, từ hôm có thằng cháu Việt Kiều về, ông bà sống trong hạnh phúc
cấm có thấy cãi nhau đâu nhá! Cái giống đời nó vậy, nếu có đồng ra đồng vào
thì cũng dễ thở, người ta trở nên dễ tính. Chỉ tội trẻ con trong xóm lâu nay
không được dịp để vui, chả biết làm gì.

Cả tháng nay không đi làm, lại còn rượu bia, ăn uống, tiền bạc trong nhà cạn
dần theo tiếng cười, nhưng vẫn chưa thấy thằng cháu nói gì. Bà đã sốt ruột xui
ông hỏi, nhưng ông vẫn cương quyết gạt đi:

– Lo gì ! Nó thiếu gì tiền.

Bà đuối lí đành im tự an ủi:

– Chắc nó ở bên ấy lâu rồi quen phép lịch sự, chẳng muốn vợ chồng mình mất
mặt. Chả nhẽ cháu mà lại đi cho tiền chú.

Ông tự trấn an:

– Thế nào nó cũng kín đáo có quà cho mình mà, mất đi đâu mà sợ.

Ngày mai nó đi rồi, thế mà tình thế vẫn không sáng sủa hơn, chưa thấy thằng
cháu nói gì. Ngồi ăn với nó bữa cơm chia tay mà hồn ông để đâu đâu. Mồm ông
lẩm bẩm: “Chả lẽ, vô lý!” lòng dạ rối bời, miệng đắng đắng. Bây giờ mà hỏi nó
thì ngại quá, mà không hỏi thì thật chết!

Ra đến phi trường, mãi đến lúc gần chia tay bấn quá ông phải nhắc khéo:

– Từ hôm cháu về, chú chả có đi làm…

Thằng cháu cười cười,

– Cháu hết tiền rồi, chú thím đừng lo về tới Mỹ là con gởi cho chú thím vài
ngàn tiêu, vài ngàn đối với con không ăn thua gì!

Ông còn biết nói sao nữa, đành ráng nở nụ cười… “Trong héo ngoài tươi” mong
nó giữ lời. Thế mà đã qua đi cả năm giời chẳng thấy tin tức thằng cháu ông đâu.
Mấy người chủ nợ xúm vào đòi, lúc đầu họ cũng nghĩ như ông, vài bữa nữa có mà
thiếu… Nhưng bây giờ thì họ mất niềm tin, đòi quyết liệt. Những nhà có con gái
mà thằng cháu nó dẫn ông theo, mỗi lần nhìn thấy ông là họ tỏ ra khinh bỉ, họ
nghĩ ông cũng một thứ với nó, đúng là “Râu nào sâu nấy” ông xấu hổ lắm chẳng
dám đi đâu.

“…Chúa ơi! Chúa ơi! đời con đau khổ đã nhiều.
Từ khi thơ dại đủ điều đắng cay
Số nghèo hai chục năm nay
Xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo…”

Cái máy thổ tả nhà hàng xóm ra rả suốt ngày, cứ như trêu ngươi. Mẹ nó! ông
hầm hầm bước ra quán rượu đầu xóm… Người lớn lại thập thò sau cánh cửa, lũ trẻ
con í ới gọi nhau đón xem màn kịch mới.

Đang miên man suy nghĩ chợt tiếng phi cơ hãm tốc độ, tôi cúi người nhìn xuống.
Kia rồi! Phi trường Tapei mờ mờ dưới làn sương mai. Phi hành đoàn liên tục thông
báo thủ tục cần thiết cho hành khách khi nhập cảnh. Cám ơn Chúa! đã qua đoạn
đường gian khổ nhất. Phi cơ Taxi trên đường băng, thành phố hiện ra sau khung
cửa. Đây là Thiên đường của những cô gái Việt Nam ư? Bao nhiêu cô dâu Việt thống
khổ nơi đất này! đàng sau sự tĩnh mịch kia là nơi đọa đày sao? Tôi cũng đã từng
gặp những cô gái Việt đang tính lấy chồng Đài Loan. Họ nuôi đầy hy vọng, bỏ
ngoài tai những lời khuyên. Chán thật! Tất cả chỉ vì kiếp nghèo. Chắc họ nghĩ,
có khổ đến đâu cũng còn khá hơn cuộc sống hiện tại.

Phi trường còn đang ngái ngủ, chưa tỉnh. Thấp thoáng những công nhân vệ sinh
đang hối hả chuẩn bị cho một ngày mới. Hầu hết các bà tranh thủ make-up, Việt
Kiều mà lị! Có những bộ quần áo mua “on sale” ở Mỹ không dám mặc vì kệch cỡm,
hay sexy quá! Hôm nay về quê mang ra khoe tất. Nhiều bà trông khá ngượng ngùng,
đã bao giờ dám mặc Jupe đâu, lần đầu diện vào nó cứ thế nào ấy! Chả mấy khi
có dịp, thôi cười thông cảm.

Trên chuyến bay về Việt nam toàn dân ta, lác đác vài chú Đài Loan sang lấy
vợ hay áp phe gì đó. Chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa là tôi được đặt chân
lên Quê Hương nên lòng lâng lâng. Các cô tiếp viên phát cho hành khách những
mẫu đơn in sẵn, kê khai hàng hóa, tiền bạc mang theo để làm thủ tục nhập cảnh.

Kia rồi! Bờ biển quê hương hiện ra xa xa dưới cánh phi cơ, nằm im dưới ánh
mặt trời. Tôi căng mắt nhìn, thầm chào đất nước ngày trở lại. Đảo cánh, phi
cơ hạ thấp cao độ; thành phố Sài Gòn chằng chịt nhà cửa, xe cộ đông như đàn
kiến nối đuôi nhau về xa tít…

Tôi hơi dội lại vì cái nóng tạt vào người, anh bộ đội lom khom cảnh giác,
lăm lăm khẩu súng dưới tấm bảng “Mừng những người con thân yêu trở về”. Đứng
trên cửa phi cơ tôi vẫn còn hơi bỡ ngỡ, Sài Gòn của tôi vẫn như thủa nào, vẫn
ồn ào náo nhiệt. Không như tôi hình dung, nó vẫn sống không cần có tôi. Như
một chân lý: “Mặt trời vẫn mọc ở phương đông!”

Cily Nguyễn
ngày tàn Đông.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời