Bài viết khác

TÌNH CHA CAO NGÚT NGÀN VÀ MÊNH MANG VỢI VỢI

Kho tàng văn hóa của nhân loại đã để lại biết bao bài thơ, bài hát, câu chuyện, vở kịch, câu thư pháp và tư tưởng… thật ngọt ngào, sống động và sâu sắc, với muôn hình ảnh gần gũi lung linh sắc mầu tình cảm, nói lên sự hy sinh của người cha với con cái. Nét hy sinh đẹp rực rỡ đó, ta có thể bắt gặp ngay trong đời thường này. Điều đó, gợi mỗi người chúng ta nhớ đến tình cảm thiêng liêng, công ơn trời bể của người cha: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương/ Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn/ Suốt đời vì con gian nan/ Ân tình đậm sâu bao nhiêu… Cha hỡi! Cha già dấu yêu” (Bài Tình Cha của Ngọc Sơn, ca sĩ Quang Dũng thể hiện)…; “Cha là bóng cả cây cao/ Chở che con những lao đao cuộc đời”; “Cha là núi, mẹ là sông/ Các con hiếu thảo nhớ công sinh thành”.
Ôi! Đẹp biết bao tình cha! Làm sao ta có thể kể hết!
Tình cha con máu thịt huyết thống
Từ ngàn xưa, và cho đến mãi muôn đời sau, khắp mọi nơi trên trái đất, tình cảm thiêng liêng, thắm thiết giữa cha và con mãi mãi còn đó. Vì, trên đời này có ai được sinh ra mà không có cha mẹ. Tình cảm, sự hy sinh của cha với con cái quả thật cao ngút ngàn và mênh mang vời vợi. Tình cảm đó, rất đa dạng và phong phú. Tình cảm đó, được thể hiện tùy thuộc vào nền văn hóa của mỗi thời đại trong mỗi dân tộc.
Hình ảnh người cha chân trần, da sạm nắng, áo quần ướt đẫm mồ hôi, một nắng hai sương trên ruộng đồng, để tìm kiếm bát cơm đầy cho đoàn con ấm no, cho con ăn học… Ta bắt gặp hình ảnh đó ở những vùng nông thôn nghèo hẻo lánh, nơi các nước chậm phát triển.
Hình ảnh người cha suốt tháng ngày luôn tay chân, với gần như chỉ có một loại công việc tạo ra sự nhàm chán, mong sao cuối tuần, cuối tháng lãnh lương để gia đình được ấm êm hạnh phúc; con cái được học hành đến nơi đến chốn. Ta bắt gặp hình ảnh đó trong những công trường; các nhà máy ở khu công nghiệp trong các nước phát triển công nghiệp.
Hình ảnh người cha vạm vỡ nước da ngăm đen cùng với con tầu lênh đênh giữa biển khơi có khi cả một hai tháng, thèm khát mái ấm gia đình, mà không được, nên đành làm bạn với biển trời với trăng sao mây gió với mong ước có được những mẻ lưới đầy cá, để tầu mau cập bến đem hoa lợi của một chuyến đi biển về, và nhìn được ánh mắt tươi vui, nụ cười hớn hở, cử chỉ thân thương nơi vợ con đang thấp thỏm chờ đón trong bờ. Vợ con họ đang chờ đợi sự sống, sự đoàn tụ dù chỉ ít ngày sau thôi, rồi người cha lại ra khơi, với chuyến đánh bắt mới, nhiều gian nguy nơi biển cả có nhiều rủi ro, để lại trong bờ một mái ấm gia đình lại bắt đầu mong đợi… Đó là hình ảnh sinh hoạt nơi những xóm chài ven bờ biển.
Và còn biết bao hình ảnh hy sinh trong công việc của bao người cha khác… Tất cả những người cha đó đều mong ước một điều: “Và, con hãy sống hơn cha đã sống một thời xa..” (Bài hát cha và con). Hay ít nhất cũng ngang bằng thế hệ cha ông.
Muốn được như thế, người cha đã rút hết tâm can để dạy bảo con mình: “…Nhẹ nhàng ôm con và cha khẽ nói: này con yêu ơi! Con hay nhớ: Hãy nhớ lời cha sống cho nên người/ Và con ơi! chớ bao giờ dối gian, nghèo thì cho sạch, rách sao cho thơm…” (Tình cha, của Ngọc Sơn).
Tình cha con trong quan hệ thiêng liêng.
Người Kitô hữu ngoài người cha ruột thịt máu mủ, họ còn có một người cha thứ hai. Người cha đó, chính là vị Giáo Hoàng đang cai quản Hội Thánh, kế đến là vị Giám mục sở tại và quí linh mục. Nếu người cha ruột thịt có công dưỡng dục sinh thành về phần xác, thì người cha thứ hai đã dưỡng dục họ về phần linh hồn. Đây quả là một điều hệ trọng nhất đối với niềm tin và đời sống của mỗi Kitô hữu. Vì mục đích tối thượng của cuộc sống mỗi người tín hữu là mong ước sau khi chấm dứt cuộc sống ở đời này, linh hồn họ sẽ được về hưởng phúc đời đời bất diệt với Thiên Chúa. Chính vì lẽ đó, mà cái tình giữa người cha thiêng liêng với các tín hữu cũng thật cao vút và mênh mang vời vợi. Làm sao ta có thể diễn tả hết sự sâu lắng và mênh mang trong lãnh vực tình cảm cao quí và thiêng liêng này!
Cảm tạ Chúa muôn vàn, Ngài đã ban cho Giáo hội từ bao ngàn năm đến nay vẫn có biết bao người cha đã dâng hiến đời mình cho Chúa, hy sinh cuộc sống riêng tư của mình để sống hết mình “có mùi chiên” với đoàn chiên là các tín hữu mà các Ngài coi sóc. Nơi đó, có thể là hang cùng ngõ hẽm, tối tăm và nguy hiểm; nơi đó có thể là rừng sâu nước độc, tận cùng của trái đất; nơi đó là vùng trời xa lạ khác xa với quê hương của các Ngài. Nhờ ơn Chúa, các ngài đã vượt qua mọi gian nan đau khổ, vượt qua mọi thử thách bách hại kể cả phải hy sinh mạng sống của mình để chỉ với một mục đích, một mong ước duy nhất là giúp cho nhiều người nhận biết Chúa để họ thờ phượng và tôn vinh Ngài, và họ được cứu rỗi nhờ công nghiệp của Chúa qua máng ban ơn là các Ngài. Các Ngài đã giới thiệu Chúa đến mọi người qua chính đời sống chứng nhân sáng lạn của các Ngài. Ôi! cao quí và đẹp biết bao tình cha thiêng liêng vô vàn đó! Biết lấy chi báo đền!!!
Những chấm đen trong tình cha con
Cuộc đời không phải luôn thuận buồm xuôi gió; không phải mọi việc đều diễn ra như ta mong ước; không phải tất cả mọi người cha đều hết lòng lo cho con cái, biết dạy bảo con cái. Nhiều bậc làm cha đã đi theo sở thích riêng tư của mình để lại đoàn con thơ dại, bơ vơ, lạc lõng giữa đời, gia đình sẽ tan hoang “Con mất cha như nhà mất nóc”. Lại có những cách dạy con đi ngược lại luân thường đạo lý của cha ông để lại, quá chú tâm đến đời sống vật chất, cuốn theo chủ thuyết thực dụng, không hề biết và mang ơn nguồn cội tổ tiên ông bà và trời đất. Họ chỉ sống vì tiền, vì của cải vật chất chứ không có chút tình, một xã hội duy vật chất đang phủ đầy và truyền bá trên quê hương ta. Điều đó đã tạo ra những gia đình tan nát bi thảm, một xã hội bất ổn về mọi mặt.
Và ngược lại không phải tất cả mọi người con đều thảo hiếu. Cuộc đời đâu đó đã diễn ra những điều đau lòng, đau đáu trong tâm hồn mẹ cha khi tuổi về già. Đôi khi những nỗi đau đó đã trở thành bi kịch trong cuộc đời. Dân gian có câu: “Một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi được một mẹ”. Những cảnh đó không phải là hiếm trong xã hội hôm nay. Nhiều cha mẹ đã tủi nhục khi chân yếu tay mềm, của cải đã hết sạch, năm bảy đứa con chẳng đưa nào chịu nuôi nấng phụng dưỡng, chúng đùn đẩy nhau. Lại có những cha mẹ ở trong viện dưỡng lão chỉ mong có bữa cơm gia đình trong ngày tết thiêng liêng của dân tộc, con cái cũng không cho về…
Đẹp mãi tình cha.
Để tình cha mãi mãi ngời sáng, điều đó đòi buộc những bậc làm cha phải tuân giữ những điều chính Chúa đã truyền dạy. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo câu số 2222 đã dạy cho chúng ta: “Cha mẹ phải xem con cái của mình như những người con của Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị. Họ phải dạy cho con cái biết chu toàn Luật Thiên Chúa, bằng cách cho con cái thấy chính họ cũng vâng phục thánh ý Cha trên trời”.
Cha mẹ chính là thầy cô giáo đầu đời của con cái. Mái ấm gia đình cũng chính là ngôi trường đầu tiên đối vớicon cái. Việc các bậc làm cha giáo dục con cái là một việc bắt buộc và bất khả nhượng. Nếu việc giáo dục con cái được chu đáo thì khi người cha có mất đi thì cũng như chưa chết vì còn con cái là cuộc sống nối dài của mình: “Người cha có chết thì cũng như chưa chết, vì đã để lại đứa con giống như mình” (Hc 30, 4-5).
Và muốn tình cha con tốt đẹp mãi, là con cái cần lắng nghe và tuân dữ những điều Chúa đã truyền dạy chúng . Trong sách Huấn Ca Chúa đã phán: “Con ơi, hãy chăm sóc cha con khi người đến tuổi già/ Bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi/ Người có lú lẫn con cũng phải thông cảm/ Chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3, 12-13).
Sau cùng, và trên hết, Thiên Chúa chính là người Cha duy nhất của nhân loại, và tất cả mọi người từ Đông sang Tây đều là anh em với nhau. Vì yêu thương, Ngài đã tạo dựng vũ trụ muôn loài; vì yêu thương, Ngài đã dựng nên loài người chúng ta; vì yêu thương, Ngài đã chịu chết chuộc tội cho nhân loại khi Tổ tiên chúng ta lỗi phạm.
Vì yêu thương, Ngài đã cho chúng ta được gọi Ngài là Cha và dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng…xin chớ để chúng con xa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con qua mọi sự dữ, Amen”.
Ta phải loan báo tất cả những điều ta đã biết đó cho anh em chưa nhận biết Chúa.
Phúc thay những ai đã nhận biết, tôn thờ và thực hiện những điều Thiên Chúa dạy.
Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời