Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

TinhThonNu 1 NguyenDuyAn

Do Dang Tinh Thon Nu

Dở Dang Tình Thôn
Nữ

Nguyễn Duy-An

Lời Ngỏ: Tôi viết lên đây một câu chuyện buồn kể lại một thực tế phũ
phàng! Một lúc nào đó, mỗi người chúng ta sẽ (hoặc đã) làm một quyết định quá
vội vàng và thiếu khôn ngoan, đưa tới những hậu quả nghiêm trọng không lường
trước được. Nếu có ai thắc mắc tìm hiểu xem câu chuyện này có thực hay không,
tôi xin được trả lời trước rằng “có thể có và cũng có thể không”. Điều quan
trọng là chính bạn, tuỳ theo tuổi tác và cương vị của mỗi người, thử trả lời xem
bạn sẽ hành xử ra sao nếu chính bạn là người trong cuộc.

* * * * *

T. thân:

Nhờ kỹ thuật tin học mỗi ngày một phát triển ở quê nhà, tụi mình tìm được
nhau sau hơn 20 năm trời xa cách. Mặc dầu chỉ mới gởi email qua lại và vài lần
tâm sự trên điện thoại, tớ biết cậu vẫn chưa quên được những kỷ niệm ngày nào ở
thôn Bình… Tớ viết lại “chuyện buồn của bọn mình hồi trẻ” (dùng đúng từ của cậu)
và đăng lên đây như một lời tạ tội với người xưa, và đây cũng là cách tớ chuyển
lời cậu nhắn gởi tới nàng như đã hứa trong điện thoại, vì tớ cũng chẳng biết
người ấy giờ này đang lưu lạc “nơi mô”. Hồi đó không hiểu sao tụi mình lú lẫn
quá!!! Tớ tin chắc một điều là nếu lúc bấy giờ tớ dẫn mọi người lên trình cha
xứ, chắc chắn mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa nhờ uy tín của ngài. Đúng là
một kinh nghiệm để đời, vì bây giờ mọi sự đều quá muộn màng và dang dở. Liệu có
còn một chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm nữa không? Cậu đã tìm được tớ nhờ
internet. Biết đâu chừng…

* * * * *

LX: Nếu em đọc được những dòng này, xin em hiểu là những việc xảy ra hơn 20
năm về trước phần lớn chỉ vì sự hiểu lầm giữa anh T. và o dượng. Thêm vào đó, vì
tình thân với cả hai bên, anh phải im lặng. Chính sự im lặng của anh và hoàn
cảnh tế nhị lúc bấy giờ đã đưa em vào ngõ cụt. Anh hối hận nhiều lắm… Hơn hai
mươi năm qua rồi, sao em không liên lạc với o dượng? Ba lần về Việt Nam anh đều
tới thăm gia đình o dượng, và anh biết là ông bà hối hận lắm LX à. “Một giọt máu
đào hơn ao nước lã”, dầu sao đi nữa, anh cũng “năn nỉ” em ít là liên lạc thư từ
với o dượng, hoặc tốt nhất, nếu hoàn cảnh cho phép, em trở về thăm o dượng một
lần để ông bà được thanh thản tâm hồn trong tuổi xế chiều. Nếu em vẫn coi anh là
người “anh ruột” như ngày nào, vì em chỉ là “con gái mồ côi”, anh xin em hãy
nghe lời khuyên của anh, cho dẫu chỉ một lần này nữa thôi, em nhé.

* * * * * * * * * *

Tôi lái xe Honda chạy như một thằng khùng để trở lại Bình Giả vào một đêm rất
tối trời, sau hơn 3 tuần lễ khắc khoải nhớ thương… Tôi đã quyết định phải
xuống gặp lại nàng, rồi tương lai muốn ra sao cũng được. Tôi chỉ sợ gây rắc rối
cho người bạn thân đã bắc một nhịp cầu cho tôi quen nàng, nên phải trở lại vào
ban đêm để tránh những “cuộc gặp gỡ” ngoài ý muốn. Tôi biết chắc chắn giờ này
Duy đang tập hát trong hội trường nhà xứ, và hy vọng nàng cũng đi tập hát như
ngày nào, vì nàng rất mê ca đoàn như đã từng thỏ thẻ với tôi ngày hai đứa còn
bên nhau: “Em chỉ còn có mỗi một niềm vui là đi tập hát mà thôi. Chứ mồ côi mồ
cút như em thì có việc chi làm buổi tối nữa mô”. Ôi! Tôi nhớ thật nhiều giọng
nói “lai Trung lai Bắc” của nàng không bút mực nào tả xiết. Không biết bây giờ
nàng ra sao? Ngày từ giã cô bé để trở lại Sàigòn, tôi đâu dám nói cho nàng biết
sự thật. Nàng tin tôi vì có Duy làm chứng:

– Anh T. về chạy vài mối thuốc tây rồi lại xuống, lo gì.

Tôi không biết nàng nghĩ gì lúc đó, nhưng đôi mắt đã ngấn lệ và giọng nói
nghẹn ngào:

– Anh chạy xe cẩn thận nha. Anh Duy không đi với anh, em lo lắm.

– Thôi, em với anh Duy lên nhà thờ đi kẻo trễ giờ lễ, không ai lo hát hò, cha
xứ la anh ấy tội nghiệp. Nhớ đọc cho anh một kinh với nhé.

– Dạ.

Nàng chỉ dạ nhỏ rồi quay mặt bước nhanh lên phía nhà thờ vì sợ tôi và Duy
nhìn thấy mắt nàng ngấn lệ… Duy quay sang vỗ vai tôi, nói nhỏ:

– Cậu về đi, để xem tình hình ra sao rồi tớ lên cho hay. Ở đây chết cả đám
với nhau thì khốn.

– Cậu để ý cô bé dùm mình với nhé. Có dịp dò hỏi xem o dượng nàng thực sự
muốn gì rồi lên cho mình biết. Mình không muốn cô bé phải khổ với gia đình.

– Ừ. Đi đi, tớ cũng phải lên nhà thờ.

Hôm đó tôi rồ máy xe rời khỏi Bình Giả từ lúc 5 giờ sáng sau một đêm không
ngủ vì dượng của nàng dọa tôi:

– Mi mà không xa con LX ra, tau lên xã tố mi ở đây bất hợp pháp, mà cả thằng
Duy cũng không có hộ khẩu, coi chừng tau đó.

Tôi đau lắm khi nghe những lời dọa nạt của ông ta. Tuổi trẻ nhiều tự ái! Tôi
đã quyết định dứt tình ra đi, sau một đêm tâm sự với Duy mà không tìm ra được
một giải pháp nào thỏa đáng. Tôi cũng không muốn vì mình mà Duy và gia đình gặp
phải rắc rối với chính quyền địa phương. Tôi trở lại Sàigòn “cuộn mình trong
chăn” mà tiếc thương cho một cuộc tình mới vừa chớm nở, lại bị chính người thân
yêu nhất của nàng bóp chết, vì “tui chỉ muốn LX lấy con ông C. chủ máy cày, chứ
thầy xuất như mi lấy chi mà nuôi vợ nuôi con”! Gia đình o dượng nàng cứ một mực
quả quyết cho rằng nàng không chịu cho con ông C. chủ máy cày làm đám hỏi vì “mi
phá bĩnh”. Thực sự, nàng từ chối đám đó cả tháng trước khi tôi đặt chân đến cái
làng Bình Giả này ở nhờ nhà Duy làm nơi đi lại buôn bán thuốc tây “không có giấy
phép”. Giải thích bao nhiêu cũng bằng thừa, họ chỉ biết một điều là bây giờ
chúng tôi đang yêu nhau, và đổ hết các thứ tội lỗi xấu xa lên đầu tôi.

Những ngày mới quen nhau, tôi rất quý mến cô chú của nàng. Về sau, tôi bắt
chước Duy gọi bằng “o dượng”, mặc dầu Duy cũng chẳng có liên hệ họ hàng gì với
gia đình nàng, hoặc nếu có cũng đã xa lắm rồi. Ông Minh, cha của Duy đã giải
thích một cách đơn sơ thật thà: “Gọi thế cho thân tình, vì trong họ đây, hầu như
nhà nào cũng có bà con xa gần với nhau”. Gia đình Duy rất thương nàng và xem
nàng như con cháu trong trong nhà vì “nó mồ côi cha mẹ từ lúc 13 tuổi”. Thêm vào
đó, o dượng của nàng cũng xem cha mẹ của Duy như anh em ruột thịt, có chuyện gì
cũng chạy qua hỏi ý kiến “anh chị”.

Một buổi tối tháng mười, trời mưa tầm tã, Duy bận đi tập hát chưa về, tôi
đang nằm mơ mơ màng màng thì nghe giọng o ruột của nàng vừa sụt sùi, vừa kể lể:

– Anh chị sang nói với nhà em một tiếng. Em biết anh ấy chỉ nghe anh chị
thôi.

– Có chuyện chi rứa?

– Nhà em ngồi uống rượu từ chiều tới giờ, cứ đòi tống cổ con LX đi vì nó
không cho người ta làm đám hỏi cho kịp vô xin cha làm đám cưới trước tết năm ni.
Anh ấy còn chưởi cả em nữa đó. Em nỏ biết mần răng chừ.

– Nó không ưng thì thôi chứ răng lại làm nhặng lên rứa? Ép dầu ép mỡ chứ ai
nỡ ép duyên. Nó lại mồ côi mồ cút nữa, vợ chồng bây làm rứa coi răng được.

– Thì nhà em cũng chỉ muốn tốt cho cháu thôi. Năm ni nó cũng 18 tuổi rồi. Hồi
bằng tuổi nó, em đã có con rồi.

– Mỗi thời một khác chớ. Thôi được, ông sang bên nớ uống rượu, nói chuyện
khuyên giải dượng nó một chút. O cứ ở đây, khi mô nguôi rồi về.

Tôi biết về gia đình nàng rất ít, do Duy kể lại. Sau năm 1975 nàng mới một
thân một mình tìm về ở với người cô ruột vì cha mẹ và đứa em trai 9 tuổi của
nàng đều thiệt mạng trong những ngày chạy loạn… Lần đầu tiên gặp nàng tại nhà
Duy, tôi đã cảm nhận được một cái gì rất đặc biệt về nàng. Có thể vì cả hai
chúng tôi đều không còn cha mẹ, anh em! Hình như tôi đã trúng phải một “cú sét
ái tình”, nhưng không làm sao giải thích được. Sau mấy tuần quen biết, tôi đã
thú thật lòng mình với Duy:

– Cậu nghĩ sao nếu mình nói là đã yêu LX?

– Tớ biết rồi, nhưng chắc chắn sẽ lắm gian truân!

– Đành rằng thế, nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó. Cậu tinh mắt nhỉ?

– Cũng chẳng tinh tế gì đâu. Kỳ rồi cậu về trễ hai hôm, nó cứ thấp tha thấp
thỏm, tớ biết ngay nên bắt bí và nó đành nói thật. Thêm vào đó, thỉnh thoảng nó
nói lộn “giọng Bắc” với tớ. Chỉ có yêu chàng mới tập nói giọng của chàng chứ ở
đây thì nói tiếng Bắc với ai.

– Thế mà cô bé cứ bắt mình thề phải giữ kín, “kể cả anh Duy, cho tới bao giờ
em cho phép anh mới được nói chuyện mình ra”.

– Cậu quên rằng nó chạy qua, chạy lại bên nhà tớ mỗi ngày đó sao?

– Mình nên làm sao bây giờ?

– Sao lại hỏi tớ chuyện này? Lý lẽ con tim của cậu để đâu? Với tớ bây giờ
điều quan trọng nhất là biến khỏi nơi này càng sớm càng tốt, tớ bắt con tim phải
ngủ yên một thời gian để tìm đường lo cho tương lai đã. Tuy nhiên, tớ không phản
đối cậu.

– Thế cũng đủ rồi. Hình như cái mác người Sàigòn của mình không được o dượng
nàng ưng lắm.

– Cũng không hẳn thế, nhưng “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi,
mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

– Triết lý mãi, nghe chán bỏ mẹ đi. Dùng cái đầu ưa suy luận của cậu tìm cho
mình một giải pháp.

– Ừ. Từ từ rồi tính, bây giờ cứ thế đã.

Tôi yên tâm phần nào, vì tôi biết o dượng của nàng rất quý mến Duy, và kính
trọng cha mẹ hắn lắm. Nếu được Duy và cha mẹ hắn nói giúp vào, chắc rồi sẽ êm
đẹp. Từ đó, thỉnh thoảng tôi rủ nàng “cúp cua” tập hát để tâm tình. Hình như Duy
hơi khó chịu, nhưng cũng không trách cứ gì. Nàng có vẻ kính nể Duy lắm, nên lúc
nào cũng tìm cách thoái thác: “Bữa khác đi anh. Nghỉ hoài rứa anh Duy la em tội
nghiệp mà anh”. Rồi ngày tháng qua nhanh, chúng tôi thật sự yêu nhau sau ba
tháng trời quen biết. Tôi vẫn cùng Duy đi đi, về về chung nhau buôn bán thuốc
tây kiếm sống qua ngày. Nhìn bề ngoài, thấy nàng vẫn qua chơi như bình thường,
vẫn vui vẻ làm cơm với em gái của Duy, cười nói với tôi và Duy rất thân tình và
tự nhiên, tôi lại càng cảm phục và thương nàng nhiều hơn.

Tôi không ngờ nàng đang gặp sóng gió trong gia đình vì không muốn vâng lời o
dượng để lập gia đình với người mình không yêu. Lúc mới hơi thân nhau, nàng cũng
nói có người “ngấp nghé” nhưng “em nỏ chịu”. Thỉnh thoảng tôi cũng giả vờ ghen,
chọc quê nàng về chuyện đó. Nàng chỉ hơi buồn trong ánh mắt, âu yếm nhìn tôi thỏ
thẻ: “Anh không hiểu em chi cả. Anh hay ghen bóng, ghen gió rứa làm răng em chịu
được”. Tôi đã tốn nhiều lời năn nỉ và xin lỗi nàng về điều đó. Chúng tôi cứ âm
thầm yêu nhau và vẫn dấu kín mọi người, trừ Duy. Tôi đang nằm nghĩ vẩn vơ về
những lần tỷ tê tâm sự với cô bé thì nàng và em gái của Duy đi tập hát về. Vừa
bước vào nhà, thấy o mình đang ngồi sụt sùi, chắc nàng đã hiểu được phần nào sự
việc nên lên tiếng trước:

– Dượng lại chưởi mắng chi o phải không? Thôi để cháu dọn đi cho o khỏi khổ.

Nghe thế, o của nàng không còn kềm giữ được nỗi khổ tâm nên khóc òa lên:

– Con đừng làm rứa, tội o chết. Có một đứa cháu mồ côi, o dượng không nuôi
thì mần răng mà ăn nói với anh em họ hàng!

– Nhưng cháu đã nói là cháu không ưng, dượng cứ ép, lại còn làm khổ o và các
em nữa, vì chuyện của cháu. Cháu đã trả lời rồi, nếu không, lúc lên cha cháu
cũng nói là cháu không ưng, luật đạo không thành rồi coi dượng trả lời làm răng
với cha.

– Con đừng làm rứa khổ o. O dượng chỉ muốn tốt cho con thôi. Con đừng làm dại
mà tội chết. Có chi sang đây ở với cậu mự Minh, đừng đi mô cả.

– Cháu làm rứa răng được. Dượng sẽ nói là cháu mê anh Duy nên không chịu lấy
chồng, lại còn khổ hơn nữa. Lúc nào cháu cũng coi anh Duy như anh ruột của mình,
không có tình ý chi cả, nhưng o biết đó, khi rượu vào rồi thì dượng ăn nói nỏ ra
làm răng cả. Cháu không muốn vì cháu mà o và các em phải khổ.

– Có chi mô con. Cha con nuôi o từ nhỏ, rồi gả chồng cho o. Dượng cũng kính
trọng cha mẹ con như anh chị ruột rứa. Con không phải đi mô cả. Mà răng con
không chịu lấy chồng?

– Cháu không thương làm răng mà lấy được. Cháu đã nói với o từ đầu rồi mà
răng o cứ ép cháu rứa?

– O có ép uổng chi mô con. Người ta thương người ta mới hỏi. O cũng chỉ muốn…

Đúng lúc đó thì Duy mở cửa bước vào. Mọi người đều nín bặt, nhưng chắc hắn
cũng cảm thấy có điều gì không ổn, nên mở miệng hỏi:

– Ở nhà có chuyện gì vậy?

Tính cái anh chàng Duy này cũng thật lạ. Đã đoán biết nhà có chuyện, nhưng
hắn chẳng đợi ai trả lời, đi ngay vào buồng, thấy tôi đang ngủ (giả vờ), hắn lại
đi ra nói:

– Trời tạnh mưa rồi, con lên làng Một có tý việc, mẹ đừng khóa cửa nha. Có
người muốn mua hết số thuốc tây kỳ này nên con lên nói chuyện giá cả.

– Rứa anh T. mô rồi?

– Hắn ngủ rồi.

– Mẹ tưởng anh T. đi tập hát với con chớ. Răng con không kêu anh T. đi luôn
cho dễ nói chuyện?

– Dạ.

Duy vừa vào buồng, thấy tôi đã ngồi ngay ngắn, chắc hắn ngạc nhiên lắm và có
vẻ bực mình vì biết ngay lúc nãy tôi giả vờ. Tôi vội đưa tay ra hiệu cho Duy im
lặng rồi nói nhỏ:

– Gia đình cô bé có chuyện. Cậu rủ nàng đi luôn được không? Cho mấy người lớn
hòa đàm.

– Cũng được.

Chẳng hiểu ất giáp gì, nhưng Duy cũng nhanh trí, hắn bước ra lớn tiếng nói
với em gái và LX:

– Hai đứa bây muốn đi với anh không? Lúc về ngang chợ anh đãi ăn chè.

Tôi không nghe tiếng ai trả lời, nhưng cũng không dám hỏi lại, chỉ bước ra
xin phép hai “bà” rồi ra sân, thấy Duy đang lẩm bẩm: “Cái quân ni lạ thật, mọi
ngày hơi hở ra là đòi dẫn đi ăn chè, đi lang thang… Bây giờ mời cũng chẳng thèm
trả lời trả vốn chi cả”! Tôi bước đến ngồi sau yên xe.

– Cứ đi rồi mình nói cho cậu hay. Lúc nãy mình đã nghe hết nên mới giả vờ
ngủ… Bể lớn rồi Duy ơi. Bố cậu đang ở bên nhà cô bé, khuyên can ông dượng của
nàng đang xỉn xỉn từ chiều tới giờ.

– Hai đứa làm bậy gì hả?

– Đừng nghĩ xấu chứ, người anh em. Có vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ. Mình đâu
tệ đến thế.

– Vậy thì chuyện gì?

– Con ông chủ máy cày gì đó.

– À… Chả trách hôm rồi ông ấy hỏi tớ là nếu cứ cho họ làm đám hỏi rồi từ từ
khuyên răn con bé LX được không. Cũng may là tớ biết chuyện hai đứa mày nên nói
lảng đi, lấy phép đạo ra dọa ông ấy không được ép duyên. Ông ấy cũng nói không
hề dám ép, chỉ muốn cái tốt cho con bé thôi, kẻo mai mốt quá tuổi rồi chẳng ai
thèm rước, lại mang tiếng với làng nước là không lo gia đình cho cháu.

– Mình sẽ tình nguyện đóng kiệu rước về.

– Không đơn giản thế đâu. Ông ấy còn nhờ tớ khuyên con bé nữa mới khổ chứ.
Hình như ông ấy cũng đánh hơi thấy gì đó khi nói thẳng vào mặt tớ: “Choa tin mi,
chớ cái thằng T. thì không tin được. Dân người Bắc ma lanh lắm chứ không phải
như dân ta mô”.

Tôi chết điếng trong lòng, nên chẳng thiết nói năng gì nữa. Duy cũng im lặng
lái xe đi một vòng rồi trở về, không đi gặp người hỏi mua thuốc tây… Mấy ngày
sau đó cũng vẫn bình thường như trước. Không thấy ai đả động gì tới việc chồng
con của lê LX nữa. Tôi “xin” được phép của Duy cho nàng nghỉ tập hát một hôm,
đứng bên hông nhà thờ tâm sự trong lúc chờ hắn tập hát xong rồi cùng về. Cô nàng
vui vẻ hẳn lên vì tin rằng o dượng đã bỏ qua chuyện đám hỏi, đám cưới. Hai chúng
tôi cùng hứa hẹn sẽ tìm dịp chính thức “thông báo chuyện chúng mình cho mọi
người hay vào dịp tết, và dự tính sẽ xin phép để Giáng Sinh năm sau sẽ làm đám
cưới”. Tình yêu của hai đứa bắt đầu nẩy nụ, đơm bông… Điều tôi không ngờ là
dượng nàng bắt gặp hai đứa tôi “hẹn hò” bên hông nhà thờ, nhưng không ra mặt.
Đợi tới lúc tập hát xong, ai về nhà nấy, ông ta mới qua nhà Duy gọi tôi ra ngoài
“hỏi tý chuyện”. Chính vì “tý chuyện” đêm đó mà tôi phải “cút khỏi Bình Giả vào
5 giờ sáng hôm sau, trước khi tau dắt cổ mi lên xã trình công an”.

Sau một đêm tâm sự với Duy mà chẳng tìm được cách gì khác. Tôi quyết định sẽ
âm thầm “biến mất”, tự nhận làm kẻ bạc tình với hy vọng rồi nàng sẽ quên tôi, vì
“mi cứ tếch khỏi cái xứ ni đi, rồi sớm muộn gì con LX cũng nghe lời choa”. Chúa
ơi! Con biết làm sao bây giờ? Tôi lại cậy nhờ Duy giúp đỡ để dấu nàng. Tôi đã
đi. Nhưng bây giờ tôi lại trở về vì tim tôi đang rướm máu. Mấy tuần nay Duy cũng
chẳng ghé lên Sàigòn. Tôi biết hắn đang chạy đon đả với mấy người bạn làm ghe
cho kịp ngày ra khơi trước khi mùa biển động bắt đầu. Mấy tuần nay tôi sống như
kẻ mất hồn, không thiết tha gì tới công việc, không buồn ăn, buồn ngủ mà chỉ nằm
hồi tưởng lại khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng nói của nàng để âm thầm ôm mối
sầu tương tư. Tới hôm nay thì tôi đầu hàng chính tôi. Tôi lấy xe chạy như điên,
như khùng về đây.

Vừa dừng xe bên cạnh nhà thờ làng Ba, chưa kịp tắt máy tôi đã giật thót cả
người vì ông dượng của nàng ở đâu lù lù xuất hiện:

– Ai cho mi về đây rứa? Muốn chết tau cho chết luôn. Dừ mi muốn răng? Cút
ngay hay để tau kêu công an. May mà bữa ni tau phải ghé vô cha xin lễ giỗ cho
ông bà, về trễ nên bắt gặp mi đây. Chắc đêm mô cũng mò về đây hẹn hò với con LX
phải không? Con ni rồi chết với tau.

Tôi hoảng quá, chắp tay cúi đầu như lạy và năn nỉ:

– Cháu xin dượng đừng làm khổ LX. Cháu đi ngay. Từ hôm đó tới giờ cháu chưa
bao giờ trở lại cả. Cháu lạy dượng mà.

– Cút đi, lảm nhảm chi nữa.

Tôi còn biết làm gì hơn là quay đầu xe trở lại. Mới lên tới làng Hai, tôi đổi
ý, vòng xe trở lại, chạy thẳng xuống quán ông Lâm dưới cổng làng Ba ngồi kêu
rượu trắng uống kìn kìn như uống nước lạnh…

* * * * *

Tôi tỉnh lại vừa kịp nghe tiếng mẹ Duy vọng vào từ phòng ngoài:

– O dượng bình tĩnh lại. Từ từ rồi chia nhau đi tìm…

– Tìm chi nữa mà tìm
chị. Răng mà đời em khổ quá. Anh chị chết đi để lại có một đứa cháu, bây giờ lại
bỏ đi mất rồi. Làm răng đây, Duy ơi là Duy, giúp o dượng với. O chết mất Duy ơi!

– O cứ từ từ, đằng nào cũng lỡ rồi, để anh T. tỉnh dậy, cháu sẽ chở đi luôn, ra
Bà Rịa hỏi thăm mấy chủ xe đò và bạn hàng xem có gặp nó không, rồi…

Tôi chợt tỉnh giấc, kinh hoàng chạy vội ra, chỉ kịp gọi Duy một tiếng rồi đầu
óc quay cuồng ngã xuống sàn nhà. Mặc dầu tôi còn nhức nhối lắm, nhưng tôi cũng
vùng đứng lên khi nghe giọng của cha Duy quát lớn:

– Dượng mi quăng con dao đi. Về nhà ngay lập tức, nếu không thì đừng đặt chân
đến đây nữa. Già cái đầu rồi mà làm như bọn côn đồ rứa à.

Tôi liếc nhanh ra cửa, kịp nhìn thấy dượng nàng tay cầm dao, lăm le muốn đẩy
cha của Duy sang một bên để chạy vào. Ông ta lè nhè:

– Anh để em. Anh để em. Em mần cho hắn một dao rồi đời. Không có hắn thì nhà
em có tan nát như ri mô.

– Dượng đi về với tui. Chuyện đang rối như mớ bòng bong lại tợp rượu cho lắm
vào sớm rứa. Đi, đi không tui kêu mấy đứa trói dượng lại chừ đó.

Mấy người khác cũng cầm tay kéo ông dượng nàng về. Tôi đứng sững như trời
trồng, lòng hoang mang lo lắng nhưng không biết phải làm gì. Thấy tôi đã phần
nào tỉnh táo, mẹ Duy sai lấy cho tôi chén cháo nóng “ăn cho lại sức” trong khi
Duy vừa hỏi chuyện mấy đứa em họ của nàng, vừa loay hoay ghi chép gì đó vào cuốn
sổ tay. Tôi vừa ăn xong thì cha Duy về, ông ôn tồn nói:

– Đằng nào chuyện cũng lỡ rồi. O về bên nhà lo cho dượng nó. Không khéo lại
trúng gió ngộ độc lăn quay ra như thằng T. hồi đêm nữa đó. Anh em thằng Duy lấy
xe đi kiếm, hỏi thăm người quen coi em nó đi đường nào. Mấy đứa ca đoàn nói gặp
nó đi ngược lên làng Hai lúc tụi nớ đi lễ. Hỏi thì nó nói lên chợ sớm có công
chuyện, chắc nó đón xe đi trốn rồi. Có tìm được hay không, thằng T. cũng không
được trở lại đây nữa, bây giờ bể chuyện ầm ĩ ra rồi, không ở lậu được nữa mô. Cứ
ra Bà Rịa và Hải Sơn trước đã, không có thì chiều về tính lại. O hắn giừ cứ khóc
bù lu bù loa nên cũng không hỏi thêm được chuyện chi. Cứ đi kiếm, chuyện ở nhà
có choa lo.

– Dạ. Con sẽ chở T. đi, nếu khỏe thì chiều T. lấy xe về Sàigòn luôn, còn
không thì ghé Suối Nghệ ở tạm nhà chú Cảnh một hôm, còn con sẽ về lại.

– Ừ, cứ rứa mà làm, đi sớm đi, may ra còn kịp.

Trên đường chở tôi ra Bà Rịa, Duy mới kể lại cho tôi nghe hết ngọn nguồn. Tôi
gục đầu xuống vai Duy vừa nghe vừa khóc. Tôi khóc cho mình. Tôi khóc cho em. Tôi
khóc cho chuyện tình dang dở của hai đứa. Bây giờ tôi đã hoàn toàn tỉnh táo.
Đêm hôm qua, sau khi tôi gục xuống bàn không còn biết trời đất gì nữa, cũng là
lúc mấy chàng thanh niên trong ca đoàn đi tập hát về, ghé vô quán mua thuốc lá.
Nhận ra người say rượu nằm đó là bạn của Duy, nên chạy đến báo tin. Duy và mấy
đứa ca đoàn khiêng tôi về, tìm cách cạo gió, đánh chanh giã rượu cho tôi nhưng
tôi vẫn cứ nằm im không nhúc nhích. Lúc đó dượng nàng cũng đang say rượu bên
nhà, chửi mắng um sùm nên nàng bỏ qua nhà Duy. Nhìn thấy tôi trong tình trạng
nửa sống nửa chết với tấm “thân tàn ma dại” sau mấy tuần nhuốm bệnh tương tư,
nàng bật khóc nức nở. Nàng đã ngồi bên tôi gần như suốt đêm mà tôi đâu có biết
gì! Nước mắt nàng rơi lã chã, ướt cả mặt tôi, nhưng tôi vẫn không hay! O dượng
nàng qua chửi mắng, đe dọa đủ điều nàng vẫn ngồi lì mà khóc bên “xác” tôi. Nếu
không có cha mẹ Duy can ngăn, có thể tôi đã ra người thiên cổ vì dượng nàng chỉ
đòi xông vào “cho hắn một dao”.

Mãi tới gần chuông lễ, nghe lời mẹ Duy khuyên can, nàng mới về nhà, trong lúc
o dượng nàng vẫn ngồi lì tại đó, chờ tôi tỉnh lại để “dạy cho hắn một bài học”.
Mãi tới lúc lễ về đã khá lâu, đứa em họ của nàng mới chạy qua trao cho Duy một
tờ giấy và nói “chị LX bỏ nhà đi mô mất rồi” thì mọi người mới hốt hoảng chạy
đi. Nàng đã đi thật rồi, vì quần áo chẳng còn lại bao nhiêu trong tủ, và tất cả
vàng bạc, nữ trang cha mẹ nàng để lại cũng không còn. Mọi người lại chạy ngược
sang nhà Duy để chửi bới, khóc lóc om sòm…

Và tôi tỉnh cơn say! Bây giờ em ở đâu? Gần một tháng nay tôi khắc khoải nhớ
thương, liều mình trở lại Bình Giả, chưa nói được một lời thì nàng đã bỏ đi. Duy
trao cho tôi tờ giấy viết tay của nàng và nói:

– Cậu đọc đi…

“Anh Duy quý mến: Em phải đi. Nhìn thấy anh T. và thái độ của o dượng đêm
qua, em mới hiểu được những lời hăm dọa bóng gió của dượng từ mấy tuần nay. Anh
nhắn lại với anh T. lời vĩnh biệt dùm em. Anh tìm cách khuyên anh T. đi chung
chuyến cho có anh, có em. Em sẽ cầu nguyện cho hai anh thuận buồm xuôi gió. Đứa
em mồ côi của anh, LX”.

Tôi cứ đọc đi, đọc lại mấy dòng chữ của nàng mà nghe tim mình nhức nhối khôn
nguôi. Ra tới Bà Rịa, Duy thả tôi ngồi trong một quán nước rồi chạy ngược, chạy
xuôi hỏi thăm chủ xe, bạn hàng… Duy biết chắc chắn nàng đã rời khỏi Bình Giả,
nhưng không biết đi đâu vì “trên xe có o nớ cứ ngồi gục mặt khóc nức nở, hỏi
thăm thì nói người nhà đau nặng sắp chết”. Chạy khắp Bà Rịa cả buổi cũng chẳng
tìm thêm được manh mối nào khác. Duy chở tôi ra Hải Sơn, hỏi thăm tìm nhà người
dì họ của nàng. Bà Huyền chỉ nói một câu cộc lốc: “Từ ngày cha mẹ mất đi, nó về
ở với o dượng tới giờ, có khi mô nó ghé tui mô. Hai anh đi ngay đi không có công
an, du kích họ nghi nhà tui chứa người vượt biên thì khổ lắm.” Duy khuyên tôi
trở lại Sàigòn, để hắn về lấy thêm tin tức và địa chỉ những người bà con của
nàng, rồi sẽ lên cùng tôi đi kiếm. Tôi còn biết làm sao hơn, đành lên xe đò trở
lại Sàigòn, để xe Honda lại cho Duy làm cái chân mà chạy, hẹn hôm sau gặp lại
trên nhà tôi.

Hơn hai tháng trời, Duy và tôi đã đi hết Bình Tuy, Phan Thiết; rồi Đức Minh,
Hà Lan, Cái Sắn… Chỗ nào có bà con bên nàng chúng tôi đều tìm đến, nhưng nàng
vẫn biệt tăm. Đã sắp sửa tới ngày ra đi nên Duy phải tạm ngưng việc tìm kiếm để
lo cho đầy đủ dầu nhớt, bến bãi… Tôi từ chối không đi để ở lại tìm nàng. Đã
hơn ba tháng nay chẳng những tôi không buôn bán, làm ăn mà còn tiêu luôn cả tiền
vốn nữa nên phải bán nhà để có tiền tạm sống qua ngày, rồi tìm cách đi buôn
chuyến, tạo dịp đi lại nhiều nơi, hy vọng sẽ gặp nàng ở một nơi nào đó. Duy đi
rồi tôi cũng chẳng làm sao biết thêm tin tức từ Bình Giả nữa, nên đành lang
thang sống kiếp độc hành, rày đây mai đó mua qua, bán lại vừa kiếm sống qua
ngày, vừa mỏi mắt kiếm tìm người xưa. Mỗi ngày qua đi, lại thêm một ngày tuyệt
vọng…

* * * * *

Hơn mười năm sau tôi liều mình trở lại Bình Giả. Tôi dè dặt chạy thẳng vào
nhà xứ để hỏi thăm. Cha xứ không còn nữa. Bố của Duy cũng đã qua đời. Hỏi tới
gia đình o dượng nàng mới hay là “ông nớ dở dở ương ương từ hơn mười năm ni, còn
o LX thì cũng mất tích luôn, nỏ có thư từ tin tức chi cả”. Thôi, thế là hết. LX
ơi! Anh vẫn không bỏ cuộc, nhưng hy vọng càng ngày càng đi dần tới chỗ tuyệt
vọng!

Tôi mất liên lạc với Duy. Nghe nói hắn đi lọt. Chắc Duy cũng gởi thơ về cho
tôi, nhưng tôi đã bán nhà sống kiếp lang thang, và chủ mới cũng đã sang lại cho
người khác lâu rồi. Nếu như hôm đó tôi không trở lại Bình Giả, chắc nàng không
phải bỏ nhà ra đi. Chính tôi đã gây sóng gió cho nàng. LX ơi, anh biết làm sao
để chuộc lại lỗi lầm năm xưa? Anh, phải, chính anh đã làm cho em phải “dở
dang
tình thôn nữ!”

Bây giờ tôi không còn oán hận o dượng của nàng nữa, tôi chỉ oán trách chính
tôi. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chúa ơi! Con biết làm sao bây giờ?

Nguyễn Duy-An


Xem Tiếp Đoạn Kết — Tình Thôn Nữ

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời