XTT-001 Benh “Tieu Duong”

Văn Xuôi (Ký Sự) Trưởng Thành dự thi giải

“ĐỒNG HƯƠNG BÌNH GIẢ CÙNG VIẾT”

Bệnh “Tiểu Đường”

Mã Số Bài Dự thi: XTT-001

Ông xuất thân là một ngư dân sống trên sông nước, với nghề đánh bắt tôm cá độ nhật qua ngày, ngoài miền Bắc người ta gọi những người như ông là dân “vạn nghề”. Khỏi nói thì ai cũng biết, ở trên ghe thuyền thì làm gì có nhà vệ sinh, tất nhiên sẽ chẳng có xí bệt hay xí xổm để ngồi vào đấy mà trút bầu tâm sự. Do vậy mỗi khi hạ bộ căng nguồn nước, “vạn nghề” sẽ vô tư đứng bên mạn thuyền mà “vũ qua Bắc hải”, mà tưới cho con cá con tôm thêm tí u rê để chúng chóng lớn mà nhờ. Cách hành sự hồn nhiên như thế đã thành thói quen thấm vào thâm căn cố đế của ông, nó còn “di truyền” cho bốn đứa con trai nữa.

Cá tôm bắt riết rồi cũng cạn kiệt, cuộc sống trên sông nước ngày một khó khăn nên quyết định bỏ nước lên bờ. Gom góp tất cả tài sản có được, ông cùng gia đình kéo nhau vào Nam, làm một cuộc thiên di vô tới xã Bình Giả. Tại đây, ông mua được một mảnh đất ở mặt tiền vì thời ấy chưa sốt giá. Vườn nhà của ông nằm ngay ngã ba, trước mặt là đường cái, bên hông phải vườn là một con hẻm rộng chừng 2 mét. Ông rào hai mặt vườn bằng vài sợi kẻm gai cho bò bê khỏi vào phá. Ở trên đất vùng đất đỏ bazan, nhưng ông và các quý tử vẫn cứ lề thói cũ như ngày xưa, vẫn “vũ qua Bắc hải” mỗi sáng sớm sau khi ra khỏi giường, và lai rai vài lần trong ngày. Chỉ khác cái tên gọi là “bệnh tiểu đường”, vì phái nam nhà ông chỉ thích quay mặt đái ra ngoài con hẻm, mặc kệ sau nhà đã có cái WC để cho “thực phẩm luân hồi”.

“Bệnh tiểu đường” thực ra cũng có ở nhiều người, nhưng chỉ thỉnh thoảng bí quá mà không còn con đường chọn lựa, hoặc do bia bọt thôi thúc mới phải chọn hạ sách ấy. Riêng ông và các con trai thì lại là “chuyện thường ngày ở huyện”, không thèm biết hành động “công súc tu sỉ” là gì cả. Chuyện “tiểu đường” làm cho người qua lại trong hẻm mắc cỡ chết đi được, nhất là quý bà quý cô, phải chứng kiến “của quý” nhà ông phơi ra lồ lộ. Chưa hết, người ra vào đầu hẻm còn phải chịu một mùi khai nồng vì “dầu nhớt” thải ra. Người trong thôn phàn nàn dữ quá, nhưng ông vẫn “tỉnh bơ như ruồi”, ai nói thì kệ ai, mình “tiểu đường” thì kệ mình. Điều này đủ chứng minh dây thần kinh “xấu hổ” của ông đã bị tê liệt mất rồi. Nói hoài hỏng được, ông vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt” nên bà con trong thôn đành phải tập “sống chung với lũ”, vì không thể bỏ tù ông.

Mới rồi, họp thôn để chuẩn bị đón nhận danh hiệu thôn văn hóa. Có cơ hội ăn nói, hôm ấy ông phát biểu hăng tiết vịt, nào là “phải sống cho lành mạnh, sống có văn hóa, phải vệ sinh trong ngoài nhà cửa….”. Ôi thôi đủ thứ mỹ từ ca ngợi nếp sống mới, nghe thật đầy cái lỗ nhĩ. Bà Trọng cũng dự họp, tính bà ưa nói “thẳng ruột ngựa” chẳng hề ngán ai, căm ông “bệnh tiểu đường” từ lâu mà không làm gì được mới nhân cơ hội này đứng lên phát biểu: “Cái thôn này chỉ cần nhà ông đừng đái ra đường là đủ văn hóa rồi”. Mọi người vỗ tay rần rần trước lời phát biểu quá đã ấy. Sau cuộc họp, người trong thôn thảy đều nghĩ: “Phen này chắc chả sẽ có văn hóa đây!”. Nhưng ai có ngờ đâu, sáng hôm sau, khi bà con xách giỏ đi chợ tới đầu hẻm thì thấy ông vẫn “bệnh tiểu đường” như ngày nào. Không còn lời để nói, mọi người chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán mà rỉ tai với nhau: “Cải được mả người chết, khó sửa được nết người sống”. Quả đáng buồn cho tác phong sống của một người thiếu ý thức đến dường này./

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời