Tùy Bút Văn Nghệ

Ý NGHĨA MỘT SỐ PHONG TỤC MUÀ GIÁNG SINH

Còn ba tuần nữa là tới Noel. Như mọi nơi, Calgary tưng bừng nhộn nhịp với không khí của mùa Noel. Tuần này, thay vì viết về Calgary, xin được gởi đến bà con một ít điều về những biểu tượng hay phong tục trong muà Noel.
Đầu tiên là cây Noel.Từ thuở xưa, những cây evergreen, tức là những loại cây xanh quanh năm suốt tháng mang một ý nghĩa quan trọng đối với một số dân tộc. Người La Mã thường trao đổi những cành cây xanh vào ngày đầu năm vì họ tin rằng cây xanh mang đến cho họ nhiều may mắn. Người Scandianvian (ngày nay bao gồm 3 quốc gia ở Bắc Âu: Đan Mạch (Denmark) , Na Uy (Norway) và Thụy Điển (Sweden)) thì tin có thần linh ngự trị trong các cây xanh, nên thường mang các cây xanh về nhà để được chúc phúc. Người Anh có một truyền thuyết đặc biệt về cây thông . Trong thời gian Thiên Chúa giáo còn đang phôi thai, có rất nhiều người vẫn theo đạo cổ của ngưòi Celt. Thời đó, có một vị tu sĩ Công giáo luôn sốt sắng trong việc giảng đạo tên Wilfork. Một ngày, khi một số những tu sĩ Celtic (được gọi là Druids) trở lại đạo ở chung quanh, Wilfork đã đốn đi một cây sồi. Ông muốn nhắn nhủ là từ bây giờ họ đã từ bỏ những điều cũ vì cây sồi là biểu tượng tôn giáo cũ.Khi bị đốn xuống, gốc cây tự nhiên bị xẻ làm bốn miếng, và ở giữa, một cây thông đã mọc thẳng lên. Thấy sự kiện lạ lùng như vậy, Wilford bèn nói rằng: “Tối nay, cây thông nhỏ bé này sẽ là cây thánh giữa mọi người. Đây là gỗ của sự an bình vì mọi căn nhà đều làm bằng gỗ thông. Đây cũng là dấu hiệu của đời sống vĩnh cửu, vì lá cây luôn mãi xanh tươi. Xem kìa! Những lá cây này luôn hướng về trời cao. Hãy quân quần chung quanh những cây này, không phải tại những nơi hoang dã, mà tại nhà của mọi người. Ở đó chúng sẽ được bao bọc bởi quà tặng và những nghi lễ của lòng yêu thương và sự an bình”.
Nhưng tại sao lại có cây Noel mỗi mùa Giáng Sinh? Chuyện kể rằng, vào một buổi chiều tối trời trong vắt và ngập ánh sao trước lễ Giáng Sinh, Martin Luther (1483 – 1546, một nhà thần học và là người khởi xướng ra đạo Tin lành) đang trên đường về nhà. Bầu trời và cảnh trí thật đẹp khiến Martin cố nghĩ ra cách để mang được quà tặng tuyệt vời của thiên nhiên này về cho gia đình. Bỗng nhiên, ông nghĩ về một cành cây xanh ngát điểm sáng bằng những ngọn đèn cầy. Ông liền chọn một nhánh cây đẹp, cắt xuống và mang về nhà. Chỉ với nhánh cây này và những ngọn đèn cầy, gia đình ông năm đó có được một Giáng sinh ấm áp và diễm lệ. Những ngưòi Đức cùng quê hương vói Martin Luther, sau này đã mang truyền thống này đến miền đất mới là Mỹ Châu.Từ đó, cây Noel đã được giới thiệu đến hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Để trang trí, người ta hay treo những trái sồi (acorns) hay những trái thông (pine-cone) lên cây Noel. Từ xa xưa, cây sồi đối với người Đức là một biểu tượng của sự linh thiêng. Người Đức có câu nói: ” Từ những trái sồi nhỏ bé, sẽ nẩy sinh ra những cây sồi to lớn”. Không phải từ những quả sồi thật to, nhưng chính từ những hạt sồi nhỏ bé, cây sồi to lớn với cành lá rậm rạp đã mọc lên. Một nơi chốn tầm thường vẫn có thể sinh ra những người làm nên những chuyện kinh thiên động địa. Sau khi theo đạo Thiên Chúa giáo, họ vẫn nghiệm rằng, một xuất xứ khiêm tốn và bần hàn, vẫn nảy sinh ra Đấng cứu đời. Người Đức sau này coi trái sồi như biểu tượng của sự tái sinh.Sự tái sinh đến với nhân loại qua biến cố Chúa Hài Đồng sinh trong máng cỏ.Từ máng cỏ nghèo hèn, nhân loại đã được ban phát sự cứu thoát và sự sống đời đời.Do vậy, người Đức thường trang hoàng những trái sồi trên cây Noel và thói quen này dần lan tràn đến nhiều nơi trên thế giới. 
Chuyện về trái thông thì có vẻ cổ tích hơn. Ngày xưa, có một gia đình nghèo đến nỗi, trong nhà không những thiếu ăn mà củi cũng chẳng có để sưởi ấm. Một ngày, người mẹ vì thương con đã đạp tuyết vào rừng lượm trái thông vừa để bán lấy tiền mua thực phẩm vừa dùng để đốt sưởi ấm căn nhà. Vừa khi lượm trái thông đầu tiên, bà nghe tiếng hỏi: “Tại sao bà lại nhặt những trái thông của tôi?” Người mẹ ngạc nhiên nhìn quanh và thấy có một con elk (nai sừng lớn) đang chăm chú nhìn bà. Bà giải thích vì gia đình nghèo quá chẳng đủ ăn và cũng chẳng đủ ấm nên phải đi nhặt trái thông. Con elk nở một nụ cười và bảo bà đi tới khu rừng kế tiếp sẽ có những trái thông to hơn. Bà nghe lời ra đi.Đến nơi, mệt quá bà ngồi dựa vào một gốc cây để nghỉ. Vừa khi đặt giỏ xuống, thông rụng đầy chung quanh. Bà chỉ việc nhặt cho đầy giỏ và đi về.Về đến nhà, những trái thông trong giỏ tự nhiên biến thành những trái thông bạc.Với những trái thông bạc, gia đình bà được no đủ và ấm áp hơn.Do vậy, những trái thông khi được treo lên trong muà Noel mang ý nghĩa hy sinh và mong ước được an bình, sung túc. 
Muà Giáng Sinh cũng là muà của những chậu hoa Poinsettia đủ màu sắc.Hoa Poinsettia có một truyền thuyết xuất xứ từ Mễ tây cơ. Thời xưa, người Mễ tây cơ có truyền thống tặng cho Chúa Hài Đồng một món quà trong dịp lễ Giáng Sinh. Ở một ngôi làng nhỏ, có một cậu bé rất muốn, nhưng chẳng có gì để mang tặng. Cậu cầu nguyện, xin cho cậu cách nào đó để bày tỏ tình yêu của cậu dành cho Chúa Hài Đồng. Từ trời cao, Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện tha thiết. Khi cậu đứng dậy, một bông hoa đã nở ngay chỗ cậu quỳ gối, thật sáng và thật đẹp. Bông hoa có những lá màu đỏ vươn ra như hình ngôi sao. Quà tặng từ trời cao đó, hoa Poinsettia, còn được gọi là “Hoa trong đêm thánh”.
Một hình ảnh chắc chắn không thể thiếu được là ông già Noel.Ông già Noel, hay Father Christmas, hay Santa Claus hoặc bằng hình ảnh hoặc bằng ngưòi thật có mặt hầu như mọi chỗ trong muà Noel. Áo choàng đỏ, râu dài bạc trắng và mang trên vai một bị lớn, ông già Noel đi phân phát quà tặng cho trẻ em khắp nơi.Đêm đêm, ông đến từng nhà, chui vào ống khói và bỏ đồ chơi vào những đôi vớ treo bên lò sưởi, bên cạnh giường hay treo trên cây Noel.Không biết các em có nghĩ rằng, sau một đêm chui vào các ống khói, râu tóc quần áo và cả người ông già Noel sẽ đen thui và phải cần nhiều thời gian tắm rửa và gột giặt. Có lẽ vậy nên ông già Noel chỉ đi một năm một lần. Thời gian còn lại chắc để tắm rửa và giặt giũ.
Thật ra, ông già Noel bắt đầu từ một con người có thật ở vào thế kỷ thứ IV sau Công lịch là thánh Nicholas (245 A.D. – 350 A.D.). Quê của Ngài là Patara, một thành phố cảng thuộc Anatolia, một tỉnh nằm trên bờ biển phiá tây nam của Asia Minor, tức Thổ nhĩ Kỳ (Turkey) ngày hôm nay. Người ta hay kể cho nhau nghe về những truyền thuyết về sự quảng đại và rộng lượng của Ngài. Một truyền thuyết được kể nhiều lần có liên quan đến gia đình một nhà quý tộc đang hồi sa sút. Không những ông không thể gả chồng cho ba cô con gái vì không có của hồi mô, mà còn phải bán con để lấy tiền trả nợ.Biết được chuyện này, một đêm thánh Nicholas đã quăng một túi vàng qua cửa sổ.Số vàng đủ để làm của hồi môn cho cô gái lớn.Đêm thứ hai, một túi vàng khác cũng được ném qua cửa sổ làm của hồi môn cho cô gái giữa. Đêm thứ ba, chẳng may cửa sổ đóng. Chẳng biết làm sao, thánh Nicholas bèn leo lên mái nhà và thả túi vàng xuống ống khói. Ngày hôm sau, người con gái út tìm thấy của hồi môn của mình.Thói quen treo vớ bên lò sưởi bắt nguồn từ truyền thuyết này.Vào khoảng thế kỷ 17, người Hoà Lan đến châu Mỹ và lập thành thuộc địa Amsterdam.Đến năm 1644, thì Amsterdam trở thành New York.Người Hoà Lan mang đến nhiều phong tục, trong đó có việc ăn mừng ngày lễ thánh Nicholas mà họ gọi là Sinter Klaas, sau này được gọi rộng rãi là Santa Claus. 
Một phong tục khá thú vị trong mùa Giáng Sinh là tục hôn nhau dưới cây mistletoe. Hễ người con gái nào lỡ bước dưới cây mistletoe thì sẽ được (hay bị) hôn, và nếu còn độc thân, có thể sẽ lấy chồng ngay mai. Ngày xưa, những người Druids, những người lãnh đạo tôn giáo của giống dân Celt (một giống dân cổ ở Anh) thường dùng cây mistletoe trong các nghi lễ tôn giáo.Cây mistletoe không có rễ, nên họ tin rằng, nó có thể phát ra những quyền lực siêu hình và là giống cây nối kết giữa trời và đất. Còn trong thần thoại Norse (của những quốc gia Na Uy, Thụy Điển, Đan mạch và Iceland, còn được gọi là thần thoại Scandinavian, hay thần thoại Viking), cây mistletoe tượng trưng cho Frigga, nữ thần tình yêu và được coi là cây hoà bình.Dưới cây mistletoe, những kẻ thù nghịch đến để gặp gỡ và giải quyết những thù hằn, khác biệt trong thương thuyết và hoà giải. Từ những nụ hôn tha thứ kêu gọi những kẻ đối nghịch bỏ vũ khí xuống của thời xa xưa, cây mistletoe dần mang ý nghĩa mở rộng vòng tay và đón nhận nhau. Những nụ hôn dưói cây mistletoe ngày hôm nay đã được pha trộn màu sắc lãng mạn, nhưng bàng bạc trong đó, người ta vẫn thấy được sự thương yêu, đón nhận và tha thứ. 
Mỗi năm trong muà Giáng Sinh, người ta lập lại những phong tục đến từ những nguồn gốc lâu đời hoặc từ những truyền thuyết đơn sơ và ngộ nghĩnh. Những thói quen này biểu lộ sự tha thứ, sự chia sẻ, mong ước an bình và hạnh phúc. Tin hay không tin, người ta vẫn biết muà Giáng Sinh để kỷ niệm Con Thiên Chúa ra đời. Hai chữ Giáng Sinh, tự chúng đã nói lên điều diệu kỳ về sự giáng trần. Muà Giáng Sinh là muà hồng phúc và là muà mà con người một cách ý thức hay vô tình mở lòng đón nhận hoan lạc từ trời cao và chia sẻ niềm vui ấy đến với mọi người chung quanh.
Đáng lẽ bài viết đưọc kết thúc ở đây nhưng tôi vừa đọc một tin sốt dẻo về sự rộng lượng giúp đỡ.Chuyện này xảy ra tại Calgary. Tom Crist, là một trong những người may mắn vừa trúng giải độc đắc Lotto Max 40 triệu. Thông thường, khi trúng nhiều tiền như vậy, người ta thường nghĩ về nhà cửa, xe cộ, nợ nần, giúp đỡ gia đình hay đi du lịch… Tom Crist, trước đây là giám đốc điều hành của công ty điện tử EECOL, bây giờ đã về hưu. Khi nhận được tin thì ông đang chơi golf ở Palm Spring.Ông giữ kín việc trúng giải, ngay cả 4 người con cũng không hay biết.Ông chỉ nói ra khi đã quyết định tặng hết số tiền trúng sổ xố cho các tổ chức từ thiện bằng cách lập nên một quỹ gia đình.Quỹ gia đình này có lẽ sẽ được đầu tư và những số tiền sinh sôi nảy nở sẽ tiếp tục được cống hiến. Một trong những tổ chức này là trung tâm trị liệu ung thư Tom Baker tại Calgary, nơi vợ ông chết vì ung thư phổi. Ông tuyên bố là ông đã may mắn có đủ và không cần thêm. Nhận ra là mình đã có đủ và cho đi những cái mình không cần, nghe thì dễ nhưng thực hành thì không dễ tí nào. Số tiền cống hiến của Tom Crist không biết sẽ đến tay những tổ chức từ thiện nào và những ai sẽ được giúp đỡ trực tiếp, nhưng chuyện này nghe thật ấm lòng trong muà đông giá buốt, phải không bà con?
Xin kính chúc quý vị một muà Giáng Sinh thật an lành và đầy hồng phúc 
Nguyễn Thực Tưởng

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời