Bài Vở Cũ Tùy Bút Văn Nghệ

BaoGioTroLai NguyenVienKhach



Bao Gio Tro Lai – Nguoi Vien Khach

Bao Giờ Trở Lại?

Cily Nguyen


“…Chiến thắng Pleime, hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả…”

Bài thơ của Linh Phương, được Phạm Duy phổ nhạc, để lại trong tôi ấn tượng chiến tranh máu lửa, trên những địa danh “chưa quen người dân thị thành …”

Thời chiến, những người cùng trang lứa chúng tôi, ai cũng từng nghe, nhưng không mấy người biết Bình Giả, trong số đó có tôi. Hồi đó, tôi tưởng Bình Giả phải ở đâu xa xôi lắm, ở đãy chỉ hoang sơ điêu tàn, và tang tóc…

Nói đến Bình Giả tôi không thể nào quên được thằng bạn đời, Thông. Nó là cơ duyên nối tôi với mảnh đất này. Bây giờ tôi vẫn tự hỏi “Giờ này anh ở đâu?” Không biết hắn và người yêu có trọn tình duyên xưa không, hay lại qua cầu gió bay mất rồi? Dù cuộc đời có ra sao đi nữa thì giờ này chắc hắn vẫn gởi hồn về nơi người yêu ở. Tình chỉ đẹp, khi còn dang dở… Bởi nếu đã trọn tình thì còn gì nét thư sinh. Mong rằng đến bây giờ, nếu có ai hỏi hắn nơi nào đẹp nhất, tôi hy vọng hắn vẫn trả lời không chút đắn đo: “Bình Giả!” Bởi không nơi nào đẹp bằng nơi người yêu mình ở.

Hắn thuộc loại công tử “qườn”* ở Buôn Ma Thuột. Bố mẹ cho về Saigon “du học”. Nhớ ngày đầu được bố dẫn lên nhập bọn với chúng tôi, hắn khép nép sau lưng, sau này tôi mới biết, e lệ như con gái Bình Giả về nhà chồng!!! Trước khi ra về, ông cụ cứ một mực gởi “em” cho các anh coi sóc!

Chỉ sau vài tháng uống nước máy, hắn ta lột xác. Học ít, chơi nhiều. Ngày qua ngày, trong lúc mọi người đến trường, Thông ta cứ ôm cây Guitar, ngó xuống đường nghêu ngao những bản tình ca đẫm lệ, nhạc “Vinh Sử Cô Phượng”. Hắn gởi hồn tới những bông hồng dưới phố. Hắn khoe có em cảm hắn, ngày nào cũng đi qua dưới cửa sổ, ngước lên cười tình. Hắn sống như trên mây. Những kiến thức nhà trường hắn coi khinh, bỏ sau lưng. Đầu óc hắn tràn những mối tình ngang trái, đẫm lệ! Sợ chúng tôi cáo bố, lâu lâu hắn lại dẫn cả bọn đi uống cà phê để tranh thủ tình cảm. Thấy hắn chẳng lo sách đèn, mọi người đâm sốt ruột thay. Thằng Hùng Cái Sắn tuyên bố:

– Cái thằng Thông mà đậu được bằng tú tài, thì cả nước này, chẳng còn ai phải thi nữa!

Hắn khinh lời thằng Hùng là chuyện “Muỗi”, lại còn tỏ ra thương hại tụi tôi không biết sống có ý nghĩa như hắn!

Rồi thỉnh thoảng, cu cậu biệt luôn mấy tuần, không ai biết hắn đi đâu, lần nào về mặt mũi cũng cháy nắng đen thui.

Một lần, hắn nháy tôi ra quán cà phê, cu cậu đưa cho tôi xem tấm hình đen trắng (hồi ấy có lẽ ở địa phương chưa có ảnh màu), hình một cô gái với nét chân quê và tiết lộ cho tôi biết, đó là người yêu của hắn ở Bình Giả! Em đang là huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, rằng gia đình hắn và gia đình nàng cùng quê quán Nghệ An (Nghĩa là họ đã biết cả gốc, tông tích nhau rồi đấy!), rằng em đầy đủ cả tam tòng tứ đức, hiền thục nết na đúng khuôn thước gái Nghệ Tĩnh… (Điều này chỉ có các đấng mày râu Bình Giả mới có khả năng trả lời đúng hay sai) và rằng… rằng…

Bây giờ tôi mới “giác ngộ” ra: Những lần đi biền biệt hằng tuần là đàn anh trốn lên với em ở Bình Giả. A ra thế! Hôm nay, hắn dẫn tôi ra đây để gỡ rối tơ lòng. Hắn hạ giọng, lo lắng:

– Em nó bắt tao cưới. Tao rối trí quá chưa biết xử lý ra sao…

Tôi thắc mắc, nếu em có đầy đủ nết na, đạo hạnh như vậy thì hắn còn chờ gì mà không cưới cho rồi. Hôm nay hắn đành thú thật, ông bà già cho hắn lên Saigon học để về Ban Mê Thuột đi tu làm cụ!!!

Hắn hỏi tôi có cách gì giúp hắn không? Tôi cũng ngớ người ra, thú thật về cái khoản này tôi cũng không có “experience”. Thành tích của tôi mới chỉ quen em bán bánh mì đầu xóm thôi! Mà cũng chưa dám nói câu nào, chỉ đỏ mặt cám ơn mỗi lần em đưa bánh. Chính em nhiều lúc còn trêu tôi là chồng sắp cưới, làm tôi đỏ mặt, lủi lẹ. Nhưng hắn cố vớt vát:

– Hay mày lấy nó hộ tao. Tao đã nói với nó mày là thằng đàng hoàng nhất!

– Giêsu Maria! Lạy Chúa! Tôi hãi quá, thốt lên.

Tôi chẳng muốn làm Lê Lai cứu chúa. Vả lại, đối với tôi lúc đó, Bình Giả chả khác gì Khe Sanh, Chu Phrong, Lộc Ninh, ở đấy chỉ có mấy em mọi cà răng căng tai, làm gì có bông hồng nào như nó tả. Với lại lúc đó tôi chưa hề nghĩ đến chuyện… hãi hùng đó, nên tôi quyết liệt từ chối tấm… thịnh tình của nó.

Rồi biến cố 30/4 xảy đến, không biết chuyện tình của thằng bạn tôi kết thúc bằng hoa đăng hay bằng nước mắt? Và cho đến bây giờ tôi cũng không biết tin tức gì của nó, thế nên câu hỏi “Giờ này anh ở đâu” vẫn văng vẳng, đã có thê nhi hay vẫn còn ngồi bên cửa sổ để đợi chờ ai? Ai thấy hắn còn lang thang ở Bình Giả, xin cho biết tin, sẽ hậu tạ!

Gần ba mươi năm sau, hôm nay tôi tới đất này, câu chuyện cũ làm sống lại trong tôi một thời đã qua.

‘’ …Bạn bè còn đó, anh nhớ không anh? Người tình còn đây… ‘’

Hai bên đường, những hàng cao su trụi lá thẳng tắp, dẫn tôi về Bình Giả. Đời sống đượm nét thanh bình, khác xa với cảm nghĩ ban đầu trong tôi. Khung gian tĩnh mịch, những dãy nhà im lìm buồn ngủ sau hàng dâm bụt. Thỉnh thoảng bị đánh thức bởi tiếng động cơ lạc lõng, rồi lại chìm vào giấc ngủ ngây ngất.

Tôi đảo xe một vòng để xem “danh lam thắng cảnh” của đất Bình. Tôi cho xe leo lên đồi Gia Hòa, nơi hẹn hò của những mối tình thơ mộng hay nghiệt ngã. Dưới chân Mẹ hiền từ, đã bao nhiêu lời khấn nguyện? Đã bao nhiêu lời ước hẹn bên nhau? Hay đã bao nhiêu lệ rơi theo tình nghĩa bạc tiền? Có bao người trở lại chốn này để nghe lời thì thầm của gió, để thấy lại chính mình?

Giờ đã quá trưa, tôi không muốn phiền hà, nhân tiện để thưởng thức món phở “Mai Bảng”, mà người viễn xứ đất Bình thường ca tụng không đâu ngon bằng! Có thể nói không ngoa, nếu ai đã tới đất Bình mà không ngắm trăng trên đòi Gia Hoà, không thưởng thức phở Mai Bảng ít là một lần thì thật thiếu sót. Nghe tôi thắc mắc về cái tên, một anh giải thích cho tôi hiểu, Mai là tên của chủ nhân, còn Bảng là tên cụ thân sinh của bà chủ. Gọi thế để phân biệt với Mai Hòa, Mai Chỉ, hay Mai gì gì đó. Đây là thói quen địa phương chứ không phải nhằm ý tôn vinh hay gì khác. Tôi dễ dàng tìm được tiệm phở “trứ danh” này, vì hình như không có nhiều tiệm phở ở đây, tôi hơi thất vọng vì tiệm phở mới đổi chủ!!!

Hòa mình vào dòng người địa phương, tôi lắng nghe những mẩu chuyện đời thường để được thấy mình trong lòng quê hương. Một thoáng thèm muốn đơn sơ chợt đến trong tôi: được sống như mọi người nơi đất này, bỏ lại sau lưng cuộc đời nhiều phiền toái nơi đất khách lưu vong. Xin cho tôi được mang nét ưu tư vất vả hằng ngày, cho tôi được thấy lại những chân tình môc mạc,và quên đi những khoe khoang, kệch kỡm mà người Việt Kiều thường mắc phải.

Ở đất này còn phảng phất nét cổ kính của người dân Nghệ Tĩnh. Giữa buổi trưa tĩnh mịch, vọng ngân tiếng chuông nhà thờ gọi con chiên hướng về với Chúa. Trên nhiều nẽo đường, những tà áo run run trong gió quyện vào các cô thôn nữ nghiêm trang và thánh thiện (Nhưng vẫn không quên liếc trộm người viễn khách!), dáng điệu rất ư là… con gái, và đẹp như Đức Mẹ!

Thấp thoáng trong những quán nhạc, tôi cũng thấy vài cặp nhân tình khép nép bên nhau, nhưng không ngổ ngáo. Dù ở New York hay Tokyo, dù ở Amazon Nam Mỹ hay ở đất này, vẫn là những rung động của tình yêu. Khác chăng là sự thể hiện như thế nào! Đối với tập quán xứ này, như thế đã có thể gọi là cách mạng lắm rồi. Khi tôi dừng xe bên chợ chiều để hỏi thăm về nhà người quen tôi muốn tìm, thì nhiều bà nhiệt tình (trên mức cần thiết) chỉ dẫn, kèm theo cả “lý lịch trích ngang” của đương sự. Các bà, các cô không quên những câu hỏi tò mò khác, ý chừng tôi về đây cưới vợ?

Tôi được tiếp đãi ân cần, đúng khuôn thước của người di cư đất Bắc, những tình cảm ân cần, những lời thăm hỏi về đất Mỹ xa xôi. Nếu không có tiếng chuông cầu kinh ban chiều như nhắc nhở, có lẽ tôi đã quên luôn đường về. Bước chân nhẹ vương, tôi như đã “để quên con tim”. Và vì sao hồn tôi run nhẹ trong tiếng gió rì rào…


“Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương.

Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho…”

Người Viễn Khách

*Qườn: Lười biếng (Chú thích của tác giả)

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời