Bài Vở Cũ Truyện Văn Nghệ

ChiecAoLe MaiTocThe



Chiec Ao Le – Mai Toc The

Chiếc Áo Lễ

Mái Tóc Thề

Thánh lễ mở tay của Cha mới vừa chấm dứt, mọi người vui vẻ kéo nhau xuống hội trường để dự tiệc mừng Tân Linh Mục.

Vừa bước ra khỏi nhà thờ, tôi nghe tiếng chị bạn kêu nói:

– Ê! Phương có xuống dự tiệc không?

Tôi cười trả lời:

– Có chứ, xuống ủng hộ tinh thần Cha mới.

Chị bạn ra vẻ sốt sắng:

– Nè bồ, bồ biết không, chiếc áo lễ màu trắng Cha mới mặc hôm nay đặt may 800 đô, đó bồ! Vải tốt, kiểu đẹp ghê, lúc nãy trước lễ Bà Cố nói cho mình biết đó.

Tôi trả lời cho qua:

– Ừ!

Khi nghe chị bạn nhắc đến áo lễ, lòng tôi chợt nhớ về quê nhà, nơi mà thời gian xưa, Bà Ngoại, các cậu, dì của tôi sinh sống, cách đây năm năm, nơi đó mà cả giòng họ tôi cũng đón mừng một Tân Linh Mục. Đó là con trai út của Bác Cả tôi.

Gia đình bác tôi vượt biên sang Mỹ đã lâu, bác có năm người con, ba chị gái lớn, và hai cậu con trai, riêng cậu con trai út của Bác tôi vừa cao ráo, học giỏi, nhìn anh đẹp trai và rất hào hoa, biết bao gia đình có con gái ngắm nghé để gả cho anh, nhưng anh đã chọn con đường tu trì. Dĩ nhiên là cả giòng họ chúng tôi đều hãnh diện mừng vui, nhất là Bà Ngoại tôi, vì từ nhỏ khi anh họ tôi còn ở Việt Nam, Bà Ngoại thương anh nhất, có miếng gì ngon là Bà để dành cho anh. Còn chúng tôi, chỉ được ăn khi nào anh không thèm ăn tới nữa, và mỗi bước đi của anh cũng được Bà Ngoại chăm sóc kỹ lưỡng.

Sau ngày anh họ tôi chịu chức Linh Mục, gia đình bác tôi và ba mẹ tôi cũng chuẩn bị một chuyến về Việt Nam, trước là để thăm Bà Ngoại, sau là về quê “vinh qui bái tổ”, vì giòng họ lần đầu tiên có người làm Linh Mục. Chuyện đó là lẽ thường tình thôi, như tôi biết có rất nhiều gia đình có con làm linh mục, họ đều về lại Việt Nam ăn mừng và ra mắt bà con họ hàng.

Ngày về của gia đình Cha, anh họ tôi, vào giữa tháng sáu, nhà Bà Ngoại ở tận ngoài Huế, tháng sáu trời mưa dầm, khí hậu nắng gắt. Bà Ngoại khi nghe tin cháu sắp về, ngày nào Bà cũng ra đứng trước cổng trông chờ, có hôm Bà cứ đứng mãi ngoài sân dưới trời mưa lâm râm. Dì Út tôi chạy ra nói:

– Mạ đứng hoài ngoài mưa như ri, đổ bịnh ra thì làm sao tiếp Cha!

Nghe nói không được tiếp Cha, Bà Ngoại lục đục đi vô nhà, bà thở dài hỏi:

– Còn mấy ngày nữa Cha về tới đây?

Dì Út cười chọc Bà:

– Còn hai ngày nữa thôi, nhưng nếu có chuyện gì trục trặc là Cha không về được mô!

Rồi ngày chờ đợi đó cũng đến. Mọi người vui mừng đón Cha, dĩ nhiên người mong gặp Cha và vui nhất là Bà Ngoại, Bà đi ra, đi vô, nói chuyện huyên thuyên cả ngày, gặp ai Bà cũng khoe “cháu Cha” của Bà! Nào là Cha ngoan, nào là Cha giỏi, Cha là đứa cháu hiếu thảo và thương Bà nhất. Ôi! thật là một niềm vui vô tận mà Chúa đã ân thưởng cho gia đình, giòng họ của tôi.

Những ngày tiếp sau đó, giáo xứ nơi Bà Ngoại ở, tổ chức những buổi lễ long trọng, nhiều hội đoàn đưa rước trọng thể như đón chào một vị quan lớn về làng. Các giáo xứ ở miền lân cận cũng sang mời Cha về dâng thánh lễ. Còn nhà Bà Ngoại, bà con, làng xóm đến thăm hỏi hằng ngày, có người đến để xin lễ Cha mới, có người thì đến để xem Cha bên Mỹ có khác Cha bên Việt Nam không…

Niềm vui nào rồi cũng có lúc tàn, sau ba tuần lễ ở Việt Nam, gia đình Bác Cả tôi từ giã mọi người để trở lại Mỹ.

Ngày chia tay ai nhìn Bà Ngoại cũng thấy thương hết, mới cách đây mấy ngày Ngoại còn nói cười cả ngày, nhưng hôm nay ngày tiễn chân Cha cháu, Bà buồn thấy rõ, chẳng nói chẳng rằng với ai lời nào.

Lúc tiễn chân Cha lên đường, Bà Ngoại ôm chặt lấy Cha rồi khóc, Bà nói:

– Bà mãn nguyện lắm rồi, Chúa có cất Bà về Bà cũng vui lòng, Bà sẽ cầu nguyện cho Cha hằng ngày, nhớ giữ lấy thân và sống đời sống khó nghèo cho nên thánh, đừng lo gì cho Bà, nhớ cầu nguyện cho Bà là được rồi.

Khi Cha cháu đã đi rồi, mọi người ai cũng nghĩ Bà Ngoại sẽ vui và sống khỏe với con cháu còn ở quê nhà, nhưng khác với dự đoán của mọi người, Bà tôi ít nói hơn, tối ngày chỉ thấy Bà ngồi lần hạt, đọc kinh. Mắt Ngoại khi đó đã mờ, nhưng mọi người trong nhà đều nhìn thấy một nỗi buồn xa xăm ẩn hiện trong mắt Ngoại.

Các câụ, dì xúm nhau lại khuyên lơn, an ủi Bà, ai cũng nghĩ Bà nhớ và thương cháu rời xa Bà nên Bà buồn. Được một tháng sau Bà Ngoại ngã bịnh nặng, Dì Út lo lắng nói với Bà:

– Để con gọi sang Mỹ cho Cha hay.

Bà dơ bàn tay gầy guộc yếu ớt lên ngăn Dì Út.

– Thôi con! Không cần phải gọi, Cha còn nhiều việc phải làm, hãy để cho Ngài yên, với lại ở đây, cũng có nhiều Cha, đâu cần gọi đến Cha bên Mỹ.

Lời của Ngoại như có chút dỗi hờn, làm mọi người nhìn nhau thầm nghĩ: “Người Ngoại thương nhất là Cha cháu, mà sao giờ phút cuối Ngoại lại từ chối không muốn nghe tiếng nói của Cha.”

Chỉ riêng Cậu Năm lặng lẽ đứng dậy bỏ ra ngoài!

Sau gần năm tuần lễ trên giường bịnh, Ngoại tôi đã từ giã trần thế và về cùng Chúa. Mọi người thương tiếc Bà, các Dì tôi họp nhau lại để chọn cho Bà một bộ đồ đẹp nhất mặc cho Bà. Dì Út biết Bà có bộ áo dài nhung đỏ mà khi còn sống Bà chỉ mặc để đi lễ trọng hay trong dịp đám cưới, đám tiệc thôi. Mặc xong là Bà giặt ủi hẳn hòi rồi cẩn thận xếp vào rương.

Dì Út liền vào mở rương lấy bộ áo dài nhung đỏ, bỗng Dì Út giật mình, chiếc áo dài nhung được Bà bọc cẩn thận bằng một bọc ni-lông, bên ngoài Bà quấn bằng ba, bốn sợi dây dù nhỏ.

Khi Dì Út mở bọc ra thì một chiếc áo lễ màu vàng rớt ra theo, Dì Út cầm chiếc áo lễ lên ngạc nhiên nói:

– Chiếc áo lễ ni không phải mạ đã gởi tặng Cha, sao lại còn nằm ở trong rương của mạ.

Mọi người đang thắc mắc, lẽ ra chiếc áo lễ này phải được mang theo Cha sang Mỹ cớ sao lại còn ở trong rương của Bà Ngoại.

Chỉ có Cậu Năm từ từ đứng lên đi lại phía Dì Út, cậu cầm chiếc áo lễ lên rũ thẳng xuống, cậu nói:

– Xin mọi người ngồi xuống để tôi kể cho nghe một câu chuyện.

*****

Từ khi nghe tin đứa cháu mà Bà yêu thương nhất sẽ được chịu chức Linh Mục, Bà đã gom hết số tiền dành dụm được đem ra ngồi đếm, rồi Bà kêu gọi con trai, con gái mỗi đứa một ít tùy theo hoàn cảnh đóng góp chung vô với Bà, để Bà tự ra chợ chọn mua vải và đi đặt may cho cháu Bà một chiếc áo lễ. Bà chọn màu vàng, vì theo Bà, các Cha mới chịu chức, màu vàng là màu tự hiến, màu của một vị vua, một người con mà Thiên Chúa đã chọn và người con đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Bà còn muốn người thợ may thêu hình Thánh Thể ở phía trên tà trước, tà sau thêu hình Chim Bồ Câu tượng trưng cho Chúa Thánh Linh.

Khi áo may xong, Bà đem về nhà ngày nào cũng mang ra ngắm nghiá, Bà nói:

– Nhất định Cha cháu của Bà sẽ thích chiếc áo lễ này lắm.

Bà còn tưởng tượng ra ngày cháu Cha của Bà nhận được chiếc áo lễ, Cha sẽ vui sẽ ôm Bà, rồi Bà nói với Cha:

– Cháu ơi! Đây là chiếc áo lễ được gói trọn tình yêu thương mà Bà và bà con trong dòng họ gởi tặng cho Cha.

Nhưng mọi việc lại xảy ra hoàn toàn trái ngược với ý Bà muốn. Cha cháu về Việt Nam trong vali của Ngài có đầy đủ áo lễ, màu trắng có, màu xanh có…
Khi Bà trịnh trọng mang chiếc áo lễ do Bà thực hiện với bao nhiêu tình thương mến để trao cho Cha cháu, thì Ngài nhận lấy một cách ơ hờ và cuộn lại xếp vô vali.

Bà thấy vậy, vội nói:

– Cha à! Chiếc áo lễ này Cha phải treo lên và mặc làm lễ tạ ơn cho gia tiên, nào Cha hãy lấy ra đi để Bà máng lên cho ngay thẳng.

Cha cười nói:

– Bà ơi! Con có mang nhiều áo lễ về, Bà coi nè, áo lễ con đặt may bên Mỹ đẹp lắm.

Khi đó Bà cố, mẹ Cha cũng nói:

– Mạ thấy cái áo lễ màu trắng ni đẹp không? Cha đặt may đến 800 đô đó mạ!

Nhưng Bà cố cũng bảo Cha:

– Thôi ngày mai Cha mang áo lễ Bà tặng cho Bà vui.

Cha cháu trả lời:

– Dạ sao cũng được.

Suốt ba tuần lễ về Việt Nam Cha mang chiếc áo lễ của Bà Ngoại tặng Cha đúng hai lần: một lần tại giáo xứ nơi Bà Ngoại ở, lần khác tại nhà thờ họ của Bác Ba.

Nhưng mọi chuyện không phải Cha mặc áo Bà tặng ít hơn những chiếc áo Cha mang về mà Bà buồn đâu.

Đến đây, Cậu Năm thở dài, kể tiếp:

– Chuyện Bà buồn là đến ngày cuối khi Cha và gia đình sắp xếp hành lý để trở lại Mỹ, Bà thấy Cha bỏ tất cả quần áo của Cha vào vali, chỉ còn lại chiếc áo lễ của Bà, Cha máng trở lại trên mắc áo. Thật ra, lúc đó Bà nghĩ có thể Cha để áo đó ở ngoài ngày mai có làm lễ thì mặc chăng? Nhưng thật bất ngờ Cha quay lại nói với Bà cố mẹ Cha:

– Chắc con để áo Bà Ngoại cho lại đây, con đã mặc nó hai lần hôm trước rồi!

Cậu Năm có mặt ngay lúc đó, cậu thấy Bà Ngoại cúi mặt lặng thinh và đôi mắt với những làn da nhăn nheo run lên từng nhịp thấy rõ, cậu đi lại đỡ Ngoại ra nhà ngoài, cậu an ủi:

– Mạ đừng buồn, có thể loại vải đó đem qua Mỹ mặc không hợp, nghe đâu có những loại vải bên mình mặc, mùa đông ở bên Mỹ mặc bị dính vào người.

Bà Ngoại gỡ tay cậu ra, cười nhẹ:

– Con đừng lo, Mạ có buồn chi mô, nhưng dẫu sao chiếc áo lễ đó cũng là tấm lòng yêu thương của họ hàng mình, nếu Cha không mặc thì cũng đem theo làm kỷ niệm chứ, hay Cha chê áo may tầm thường, vải xấu mặc không xứng!

Rồi cậu thấy nước mắt Ngoại chảy ra trên hai gò má nhăn nheo thật tội nghiệp.

Khi gia đình Cha rời khỏi Việt Nam, được mấy ngày sau Bà kêu cậu vào và dặn:

– Chiếc áo lễ mạ xếp trong rương, khi mạ chết con đem bỏ vaò trong hòm chôm theo mạ!

Cậu ngạc nhiên nói:

– Sao mạ làm thế!

Bà Ngoại cười:

– Đem theo để làm kỷ niệm thôi con.

*****

Ngày tẩm liệm Bà Ngoại, Cậu Năm thay mặt họ hàng trân trọng cầm chiếc áo lễ màu vàng bỏ vào hòm để chôn theo Ngoại.

Tôi biết Ngoại sẽ không hề giận hay buồn Cha cháu. Ngoại chỉ mong cháu cưng của Bà luôn nhớ lời Bà dặn:

– “Hãy cố gắng sống Đức Khó Nghèo, nghe con.”

Mái Tóc Thề

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời