Bài Vở Cũ Thiếu nhi

ChuongTrinhHuanLuyen Bai 14

CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN

HUYNH TRƯỞNG THIẾU NHI THÁNH THỂ


BÀI 14 : SƯ PHẠM GIÁO LÝ

• GIÁO LÝ là một trong nhiều cách, Giáo Hội trình bày ý định cứu rỗi của Thiên Chúa.
• GIÁO LÝ là trung gian giữa Lời Chúa và con người.
• LỜI CHÚA có trong Kinh Thánh , Thánh truyền, nghi thức Phụng vụ, Đời sống Giáo Hội.

A) PHƯƠNG THỨC TRUYỀN GIẢNG CỦA ĐỨC KI-TÔ:

1- Trình bày sống động, đối thoại thân mật, vừa tầm người nghe. (Td: Jn 3,1-11 ).
2- Dựa trên thực tế, đời sống hàng ngày: qua dụ ngôn (Td: Người gieo giống, lưới cá, cây nho…).
3- Đúc kết thành những câu dễ nhớ, giúp người nghe dễ nắm bắt ý mình ( Lc 14, 7-11).
4- Nhắc lại dưới nhiều hình thức khác nhau về một vấn đề. ( Td: chiên lạc, đồng bạc đánh mất, đứa con hoang đàng )
5- Trình bày tiệm tiến: từ dễ đến khó, từ thấp đến cao.
6- Trích dẫn Kinh thánh để minh chứng cho lới nói ( Td: Mt 12, 18-21 ; 4,1-11).
7- Trình bày bằng đời sống, gương sáng: làm thay đổi được tâm hồn người nghe một cách hiệu quả nhất.

B) NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ SƯ PHẠM GIÁO LÝ:

Phải nói theo phương pháp sư phạm của Thiên Chúa trong Cựu Ước và của Đức Ki Tô trong Tân Ước . Thiên Chúa đã dạy dỗ dân Chúa tùy theo dân trí của mỗi thời đại mà hướng dẫn theo từng giai đoạn, từng bước một (Mt 15). Do đó, khi giảng dạy Kinh Thánh, giảng viên phải biết áp dụng một phương pháp thích hợp với đối tượng theo tâm lý từng lứa tuổi .
Đối với các em Thiếu Nhi, tâm lý các em thích đơn sơ, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

C) SOẠN BÀI

1- Xin ơn Chúa Thánh Thần.
2- Đọc thật chậm bài Kinh Thánh
3- Tìm hiểu văn mạch trước sau.
4- Nghiên cứu tài liệu
5- Lập một bài giảng tổng quát
6- Dựa vào tài liệu bài Kinh thánh, lập dàn bài chi tiết. Trong dàn bài chi tiết, mỗi phần gồm mỗi ý là một gạch đầu hàng.

D) DÀN BÀI :

• Văn mạch : nằm trong chương nào, đoạn nào trong bố cục chung.
• Bối cảnh :Sự kiện xảy ra trong hoàn cảnh nào, ở đâu ?
• Đại ý : Tóm tắt những ý chính của Giáo huấn hay diễn biến câu truyện
• Ý nghĩa : Nghiên cứu tài liệu mà trình bày những ý chính ở phần đại ý, hay cắt nghĩa từng câu.

E) HÌNH THỨC DẠY MỘT BÀI GIÁO LÝ CHO CÁC EM THIẾU NHI:

1- Ổn định:
• Đón tiếp.
• Thánh hóa
• Kiểm tra bài cũ (nếu có)

2- Em nghe Lời Chúa :
• Dẫn nhập.
• Lời Chúa.
• Dẫn giải

3- Em nhớ Lời Chúa

4- Em sống Lời Chúa :
Dùng bài hát, trò chơi, băng reo để các em dễ nhớ mà thực hành Lời Chúa

5- Kết thúc : Nhắc nhớ – Chia tay.

F) CÁC PHƯƠNG PHÁP PHỤ HỌA :

1- Kể chuyện:
– Phương pháp rất tốt, nhưng không đi rộng quá, dễ xa đề tài
– Chọn những câu chuyện có nội dung tốt.
– Chuyện trong Kinh Thánh, ngụ ngôn, ngoài đời…theo chủ đề

2- Dùng câu hỏi :

Lợi ích chung :
– Tạo sự cởi mở, thân thiện
– Giúp các em tập trung vào bài
– Giúp giảng viên biết trước mức độ tiếp thu bài của các em

• Thái độ của giảng viên trước những câu hỏi của các em
– Tiếp nhận với thái độ thiện cảm.
– Tỏ vẻ lắng nghe, khuyến khích.
– Không có phản ứng tự vệ.
– Gợi ý sâu vào câu hỏi của các em, giúp chúng thoát khỏi sự lúng túng vì không quen trình bày.
– Không nên trả lời những câu hỏi không nắm vững
– Tránh để các em đặt nhiều câu hỏi lạc đề
– Tạo bầu khí tín nhiệm, cảm thông chứ không phải đấu trí, trổ tài

• Cần nhớ rằng, các phương pháp phụ họa không nên lấn át bài học, chủ đề.
• Có thể dùng thêm bài hát, trò chơi, băng reo để phụ họa.

LƯU Ý

  • Có nhiều giảng viên vì tham lam muốn trình bày thật nhiều ý hoặc vì muốn khoe kiến thức của mình nên đã quên mất điều này là có những ý không phù hợp với kiến thức người nghe, hoặc không cần thiết mà làm cho bài thêm dài và nhàm chán
  • Để ý cách dùng chữ, tránh dùng những từ trừu tượng, tối nghĩa, hay những tiếng Hán Việt trừ khi bắt buộc nhưng phải cắt nghĩa rõ ràng.
  • Phải chuẩn bị bài kỹ, thuộc. Nên suy niệm và sống Lời Chúa trước
  • Thông truyền Lời Chúa chứ không vì tình cảm riêng.
  • Làm cho các em yêu Chúa, đến với Chúa như là một nhu cầu cần thiêt

TẬP DIỄN GIẢNG

1- Nguyên nhân:

  • Ta thường lầm tưởng hễ soạn ra được bài viết, là nói theo bài viết được, thực tế không phải vậy.
  • Vì khi nói một mình, ta vẫn quên sót, hoặc những tư tưởng hay mà ta trình bày một cách lủng củng, không lột hết ý, không hấp dẫn được người nghe, rời rạc khô khan.

Nên nhờ đó ta tìm ra một lối nói hấp dẫn hơn. Mức độ thành công tùy theo sự tập luyện này.

2- Tập nói một mình:
Nói với dàn bài chi tiết ở một nơi vắng vẻ. Nói càng nhiều lần càng tốt cho đến lúc ta thuộc bài. Khi nói phải theo các thứ tự ghi trong dàn bài. Chỗ nào ngúc ngắc, lúng túng cần phải tập nói cho xuôi.

3- Trước khi nói :

  • Ổn định sức khỏe, thần kinh bằng cách ăn uống, ngủ, nghỉ, tập thể thao và tắm mát
  • Ổn định tâm hồn, cầu nguyện, xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, xin ơn sót sắng để nói lôi cuốn, giúp người nghe hiểu biết và yêu mến Lời Chúa với một tinh thần khiêm tốn phục vụ Chúa và anh em, chứ không phải phục vụ mình
  • Coi lại bài

4- Khi nói :

  • Khi bắt đầu bước vào diễn đàn, bước đi khoan thai, giữ nhịp thở đều và chậm, mỉm cười chào và tự giới thiệu cách khiêm tốn cộng thêm một tí dí dỏm để tạo bầu không khí vui tươi thân mật ngay từ đầu để giúp ta bình tĩnh.
  • Nhìn những người ở xa, để khỏi mất bình tĩnh.
  • Thỉnh thoảng nhìn vào dàn bài để khỏi quên.
  • Đừng cầm giấy mà đọc.
  • Những câu đầu tiên phải thật chậm, cần phải học thuộc lòng.
  • Giọng nói: To, rõ, êm, tự nhiên, không cao thấp quá, nhanh chậm quá.Không nói như đọc diễn văn, nói như nói chuyện, kể chuyện…
  • Điệu bộ: Mặt vui tươi, không nhăn nhó, nụ cười che dấu khuyết điểm. Đi đứng, lui tới. Hai tay có thể cầm gì, không đút tay vào túi quần,sau lưng.

PHẦN KẾT:

Nghệ thuật sư phạm Giáo lý là một nghệ thuật khó, đòi hỏi nhiều công phu luyện tập, nhưng đừng thấy quá nhiều quy tắc mà nản vì có thể tóm tắt các quy tắc này trong một tiếng YÊU: YÊU nghề, YÊU Lời Chúa, YÊU các em.

— o0o —

Mục Lục | Bài Kế Tiếp

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời