Bài Vở Cũ Thiếu nhi

ChuongTrinhHuanLuyen Bai 09

CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN

HUYNH TRƯỞNG THIẾU NHI THÁNH THỂ


BÀI 9: NGHỆ THUẬT GIAO TẾ

I/ ĐỊNH NGHĨA:

Nghệ thuật giao tế là biểu hiện của phép lịch sự, mình dùng nghệ thuật đó để tiếp cận với mọi người gây được cảm tình tốt, ảnh hưởng và chi phối đến người mình tiếp xúc.
Trong giao tế chúng ta phải dùng đến lịch sự. Lịch sự là người trải việc đời, là người biết ứng xử với đời một cách đúng đắn tùy theo vị trí của họ.

II/ ĐỐI TƯỢNG GIAO TẾ

Chúng ta tiếp xúc với ai?

1- Tiếp xúc với Thiên Chúa:

Thiên Chúa là Đấng sinh thành, ta là một tạo vật, mỗi giây phút, mỗi hành động của ta hòa chung một nhịp đập với trái tim của Ngài. Trong cách sống, chúng ta thể hiện được gương mặt của Đức Ki Tô, trong hoạn nạn khó khăn và cho đến hơi thở cuối cùng ta vẫn mỉm cười để nói lên tình yêu của Thiên Chúa.

2- Tiếp xúc với ông bà , cha mẹ

Cha mẹ là người trực tiếp nhận trách nhiệm của ta với Thiên Chúa. Hiếu thảo với cha mẹ sẽ nhận được phần phúc, không trở thành những người con vô lễ. Công ơn cha mẹ từ tấm bé đến nay như sao trời làm sao đếm được, nên để đền bù, hãy âm thầm chịu đựng, dù khó khăn đau khổ nhưng còn có Chúa ,Đấng gần gũi ta. Đối thoại và tìm gặp Ngài trong thanh vắng, Ngài sẽ hiểu ta.

3- Tiếp xúc với các em:

Hãy vỗ về, cảm thông, săn sóc các em. Đâu phải các em hoàn toàn là chiên cả.
“Một dòng nước trong, trăm dòng nước đục.
Một trăm người tục, một chục người thanh”.
Phải can đảm, hiểu tâm lý, hoàn cảnh, môi trường của các em, vì các em có thể tiếp xúc với những phần tử xấu và ảnh hưởng.

4- Tiếp xúc với bạn bè: phải chân tình

Sửa cho nhau những tính xấu, vươn lên trong các đức tính. Nghệ thuật giữ lại tình cảm là đừng nhìn vào khuyết tật. Nếu họ xấu thì tạo điều kiện giúp họ rút được kinh nghiệm sống, nếu họ tốt thì hãy học họ. Hãy giữ cách giao lưu tình cảm, đừng dìm họ xuống để nâng mình lên. Phải thận trọng, đừng nghĩ mình hơn người mà gây ra hận thù.

Nói tóm lại,qua cách tiếp xúc giao tế, chúng ta phải là con người lịch sự, vì là những nhân chứng, trong gian khổ vẫn vươn lên, phục vụ cho lý tưởng dẫn đến cuộc sống có ý nghĩa,

III/ GIAO TẾ CÁCH NÀO ?

Biểu hiện của nếp sống lịch sự khi tiếp cận với mọi người. Qua những hình thức trong ngôn ngữ, trong hành động, trong vị trí (góc độ mình đứng), tác phong. Làm sao có thể chinh phục được họ khi tiếp xúc với mọi đối tượng sống quanh ta? Phải sử dụng đến nghệ thuật xử thế, để khi tiếp xúc họ thấy được phong cách, cảm tình của chúng ta. Mỗi một thứ bậc ta phải ứng xử khác nhau, tùy hoàn cảnh môi trường.
Do đó, chúng ta không thể đóng khung trong một trường hợp nhất định, phải có những tiêu chuẩn chung.

Ngôn từ: Tránh kênh kiệu, ngôn từ phải nhã nhặn, chân tình từ tốn. Nhất là người Trưởng, ngôn từ phải được thuần hóa, dịu hiền, biểu hiện tâm hồn trong sáng trong phục vụ. Theo gương Chúa, xử dụng ngôn từ bác ái yêu thương.

Hành động: Các cử chỉ, hoạt động, công việc trạng thái thể lý, trong cách đi đứng nghỉ ngơi. Trong mọi hoạt động chúng ta phải lấy tình bác ái làm nguyên tắc sống, lấy tôn trọng tha nhân làm kim chỉ nam để sử dụng, lấy chân tình làm vũ khí chiến đấu, lấy tình thương để đối đãi, vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta không sống với nhau hôm nay nhưng nhìn về cuộc sống mai sau.

Vị trí: Là môi trường ta sống, tạo tinh thần thân ái, thân tình giúp ích cho mọi người, tạo cho mình một phong cách. Khi nào tính ích kỷ còn tồn tại thì lòng bác ái không có. Chiều hướng vị kỷ phải hạn chế, dâng hiến cho đi mà không đòi lại. Ăn mặc thì phải phù hợp với môi trường, biểu lộ phong cách

IV/ MỤC ĐÍCH GIAO TẾ

Không phải là để chinh phục cho sự giả dối, cầu lợi, vị kỷ cá nhân. Mà mục đích của chúng ta là phục vụ cho quyền lợi nước Trời và đặc biệt cho các em Thiếu Nhi.

— o0o —

Mục Lục | Bài Kế Tiếp

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời