Bài Vở Cũ Khoa học

DienGiaiCaDaoTucNgu 6 ThanhQuangSuuTam



Dan Giai Dien Tich, Thanh Ngu, Ca Dao Tuc Ngu – part 6

Giải Thích Các
Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ

BBT: Để giúp các bạn trẻ hiểu trọn vẹn các điển tích, thánh ngữ hoặc tục ngữ thường được dùng trong trao đổi hằng ngày cũng như trong sách báo, BBT giới thiêu bộ sưu tập “Giải Thích Các Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ” để các bạn tham khảo. Các tài liệu trong bộ sưu tập này được tổng hợp lại từ các trang web điện tử http://e-cadao.com, http://www.quehuong.org.vn


Đã đăng :
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5

Phần 6

  1. Dốt Có Đuôi
  2. Nợ Như chúa Chổm
  3. Tham Bát Bỏ Mâm
  4. Tấc Đất Cắm Dùi
  5. Hàng Tôm Hàng Cá

  1. Lời Ong Tiếng Ve
  2. Lệnh Ông Không Bằng Cồng Bà
  3. Sơn Cùng Thủy Tận
  4. Tha Phương Cầu Thực
  5. Sống Để Dạ Chết Mang Theo


1) Dốt Có Đuôi

Những người kém thông minh, chậm hiểu, dốt nát, khờ dại thường bị chế giễu bằng thành ngữ “dốt có đuôi”. Thành ngữ này có xuất phát điểm và quá trình chuyển dịch rất thú vị.

Nhiều người cho rằng, thành ngữ “dốt có đuôi” xuất hiện gắn liền với chế độ khoa cử dưới thời phong kiến. Thoạt tiên, thành ngữ này chỉ có ý chê bai một đối tượng không đến nỗi dốt nát. Họ cũng là người có đỗ đạt trong kì thi hội, thi đình hẳn hoi.

Số là, sau kì thi, những người trúng tuyển được tập trung lại để yết kiến vua. Họ được sắp xếp thứ tự từ người đỗ cao nhất đến người đỗ thấp nhất (tức đứng cuối, đứng rốt) với quần áo mũ miện nhà vua ban phát chỉnh tề. Người đứng sau cùng đội chiếc mũ có tai dài, vì thế người ta mới chế giễu là “có đuôi”. Rõ ràng trong mắt sĩ tử và dân chúng thì người đội mũ có đai dài trông như cái “đuôi ấy”, vẫn là người dốt hơn cả so với những người có mặt.

Từ đó, trong lời ăn tiếng của dân gian xuất hiện thành ngữ “dốt có đuôi” để chế giễu tất cả những ai dốt nát. Một số người khác lại cho rằng, thành ngữ này có xuất xứ từ một câu chuyện cười Việt Nam.

Chuyện rằng, một thầy đồ được mời đến cúng cho gia chủ tên là Tròn. Nhưng than ôi, thầy đồ gì mà chữ nghĩa chẳng được bao lăm. Đến cái tên của gia chủ là Tròn mà ông ta cũng chẳng biết viết, đành khoanh một vòng tròn. Chẳng may, có một kẻ tinh nghịch đã sổ thêm một nét vào “chữ Tròn” ông vừa mới viết. Khi đọc sớ, thầy không biết, cứ việc theo hình vẽ mà đọc tên gia chủ là “Gáo”. Chủ nhà giật mình, cải chính. Ông thầy cúng biết mình nhầm, xấu hổ lắm, những mong có lỗ nào mà chui ngay xuống đất.

Qua câu chuyện này, thành ngữ “dốt có đuôi” có hai cách hiểu về xuất xứ và cũng có hai biến thể khác nhau: “dốt có đuôi” “dốt có chuôi”. Dẫu hiểu thế nào thì thành ngữ này cũng chỉ biểu hiện ý nghĩa: “dốt nát và không giấu được cái dốt của mình”.

Để biểu thị ý nghĩa “dốt nát, không biết gì”, ngoài thành ngữ “dốt có đuôi”, “dốt có chuôi”, trong tiếng Việt còn có
các thành ngữ “dốt đặc cán mai”, “dốt như bò”. Tuy nhiên, các thành ngữ này không có nét nghĩa “không giấu được cái dốt, cái dốt bộc ra ngoài”, chúng chỉ đơn thuần biểu thị mức độ cao nhất của sự dốt nát mà thôi.

Trở Lên Trên


2) Nợ Như Chúa Chổm

Hễ ai mắc nợ nhiều, nợ người này chưa kịp trả đã phải đi vay người khác, cứ thế chồng chất, nợ đìa ra… thì được gọi là “nợ như chúa Chổm”. Vậy chúa Chổm là ai?

Tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật trong lịch sử nước nhà. Thuở hàn vi, chúa Chổm mắc nợ nhiều. Khi được lên ngôi vua và rước về kinh thành Thăng Long thì bị đòi nợ suốt dọc đường. Chủ nợ thật cũng nhiều mà chủ nợ “hôi” cũng lắm, chúa Chổm làm sao mà nhớ được! Lúc đầu, vẫn cái tính “vung tay quá trán” nên cứ ai hỏi là trả, nhưng, khi thấy “chủ nợ” mỗi lúc một đông, chúa Chổm bèn ra lệnh chỉ trả cho đến khi về tới ngã tư Cấm Chỉ (ở cạnh Hàng Bông gần Cửa Nam xưa có ngõ Cấm Chỉ).

Rượu chè, cờ bạc là “bác thằng bần”, chúa Chổm – hay ai bây giờ mắc nợ nhiều như chúa Chổm, cũng chỉ vì hoặc cả hoặc chỉ cần mắc một trong những thứ nghiện trên. Ca dao còn ghi lại:


Vua Ngô băm sáu tán vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô.

Trở Lên Trên


3) Tham Bát Bỏ Mâm

Trong cuộc sống, đôi khi chỉ vì tham những lợi lộc nhỏ mọn, trước mắt mà người ta bỏ qua những nguồn lợi lâu dài, to lớn hơn. Vậy là tham bát bỏ mâm.

Ý nghĩa trên được hình thành nhờ sự so sánh trực quan và nôm na của tư duy dân gian: Bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn. Thế mà cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, âu cũng là tư tưởng tầm thường, được miếng nào hay miếng ấy, không biết nhìn xa trông rộng. Vì lẽ đó, thành ngữ tham bát bỏ mâm thường cũng được dùng để phê phán lối nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán. Bỏ được tư tưởng tham bát bỏ mâm thì mới có thể tiếp cận được lối làm ăn lớn.

Thành ngữ tham bát bỏ mâm còn có biến thể như tham đĩa bỏ mâm, tham miếng bỏ bát.

Ngoài ra, trong tiếng Việt gần nghĩa với tham bát bỏ mâm còn có thành ngữ tham bong bong bỏ bọng trâu.

Trở Lên Trên


4) Tấc Đất Cắm Dùi

Thành ngữ tấc đất cắm dùi có khá nhiều biến thể khác nhau: thước đất cắm dùi, một thước cắm dùi, miếng đất cắm dùi, mảnh đất cắm dùi,… Trong những dạng thức này, các từ tấc, thước, mảnh, miếng là những danh từ chỉ đơn vị. Tưởng là rất cụ thể là tấc, là thước, là mảnh nhưng chẳng có gì cụ thể. Các từ này chỉ phản ánh sự ít ỏi về mặt số lượng của vật thể cần đo đếm. Sự ít ỏi này càng được bộc lộ rõ khi kết hợp với tổ hợp cắm dùi. Tại sao lại như vậy? Số là, trước đây nhân dân ta trồng tỉa thường dùng dùi chọc lỗ để gieo hạt.
Phương thức canh tác này hiện còn lưu giữ trong việc làm nương rẫy của đồng bào một số dân tộc ít người.
Tấc đất chỉ đủ để cắm dùi, rõ là cũng chẳng to tát gì. Thành ra, thành ngữ tấc đất cắm dùi mới được dùng để chỉ phần đất nhỏ bé để sinh sống và canh tác của người nông dân.

Đất là cái sinh tử của người nông dân. Người ta sống chết cũng vì đất và phải bám lấy đất. Người ta tranh đấu, giành giật, thù hận cũng vì đất. Tấc đất là tấc vàng! Vì lẽ đó, đất là thước đo sự giàu sang, nghèo hèn. Tấc đất cắm dùi nhỏ nhoi là vậy mà cũng không có thì đó là sự nghèo hèn đến cùng cực.

Thông thường trong tiếng Việt, để nhấn mạnh ý nghĩa và mức độ của sự nghèo hèn, hầu như bao giờ tấc đất cắm dùi cũng đi kèm với các yếu tố phủ định. Hãy so sánh:

  • Không có + tấc đất cắm dùi (không có (một) tấc đất cắm dùi)
  • Tấc đất cắm dùi + (cũng) không có (một tấc đất cắm dùi cũng không có)
  • Không + tấc đất cắm dùi (không tấc đất cắm dùi)
  • Tấc đất cắm dùi + cũng không (tấc đất cắm dùi cũng không)
  • Có + tấc đất cắm dùi nào đâu (Có một tấc đất cắm dùi nào đâu)
  • Đâu (nào) có + tấc đất cắm dùi (Đâu có (nào có) một tấc đất cắm dùi).

Trở Lên Trên


5) Hàng Tôm Hàng Cá

Thành ngữ hàng tôm hàng cá trong tiếng Việt “chỉ những người hay cãi lộn nhau một cách nhỏ nhen” (Đào Văn Tập. Từ điển Việt Nam).

Do đâu thành ngữ có nghĩa như trên? Điều này, nguyên do là ở chỗ hàng tôm và hàng cá đích thực ở chợ. Vào những ngày tư, ngày rằm hay ngày tết, khi nhu cầu về thức ăn của người ta tăng lên thì hàng tôm, hàng cá (và cả hàng thịt nữa) thường đông khách, chủ yếu là các bà, các cô, kẻ mua nguời bán tấp nập, kẻ bớt một, người thêm hai, cứ là “ồn ào như vỡ chợ”. Rồi thì sự “mua tranh bán cướp” tất yếu xảy ra câu chuyện “hàng tôm” tranh khách của “hàng cá” còn “hàng cá” lại muốn cướp khách của “hàng tôm”. Và cuối cùng họ đôi co, cãi lộn, quen thói “tanh tưởi”, họ trút tất cả ra ở chợ! Hàng tôm hàng cá là như vậy.

Hoá ra là, quy luật cạnh tranh của thị trường đời nào cũng có! Thành ngữ hàng tôm hàng cá chỉ sự đanh đá, cãi vã, lắm điều trong cách xử sự nhỏ nhen thô lậu, thường là của đàn bà con gái khi tranh chấp một quyền lợi gì đó. Từ nét nghĩa cơ bản trên, ý nghĩa thành ngữ được mở rộng: “nó còn chỉ một lối chơi” không đẹp, một cách xử sự nhỏ nhen trong quan hệ giữa người với người trong cuộc sống.

Đôi khi thành ngữ hàng tôm hàng cá được dùng để chỉ một lối mua bán theo kiểu chợ búa của hàng tôm hàng cá.

Trong tiếng Việt còn có hai thành ngữ khá lí thú, gần nghĩa với hàng tôm hàng cáhàng thịt nguýt hàng cátrâu buộc ghét trâu ăn.

Song, hai thành ngữ hàng thịt nguýt hàng cátrâu buộc ghét trâu ăn chỉ mang nét nghĩa “ghen ăn tức ở” chứ không có nét nghĩa biểu thị sự cãi lộn, đanh đá, lắm điều hay đối xử thô lậu, nhỏ nhen. Xem ra hai thành ngữ sau có sắc thái mát mẻ hơn hàng tôm hàng cá.


6) Lời Ong Tiếng Ve

“Ong” và “ve” trong câu thành ngữ trên là con ong và con ve. Và thành ngữ lời ong tiếng ve có nghĩa là lối chê bai, châm chọc của người đời đối với ai đó. Phải chăng, do đặc điểm của ong và ve là hay châm chích và khi bay, hai giống côn trùng này phát ra tiếng kêu vo ve khó chịu nên người ta đã nhân cách hóa để nói về chuyện đàm tiếu của con người.

Lời ong tiếng ve là những tin đồn, là lời chê bai về những chuyện không hay. Những tin đồn, những lời đàm tiếu đó có thể đúng mà cũng có thể sai.

Những lời ong tiếng ve có khi là của “miệng thế gian” và có khi là của kẻ rỗi hơi “ngồi lê đôi mách” thích đơm đặt chuyện người khác do “ghen ăn tức ở”. Đối tượng mà lời ong tiếng ve hướng tới không chỉ là người nào đó, mà có khi là cả một tập thể.

Trong tiếng Việt thành ngữ trên còn có những biến thể khác, như điều ong tiếng ve, tiếng ong tiếng ve…

Thành ngữ lời ong tiếng ve có một loạt các thành ngữ đồng nghĩa khác như: lời ra tiếng vào, lời to tiếng nhỏ, lời xa tiếng gần

Trở Lên Trên


7) Lệnh Ông Không Bằng Cồng Bà


Nói về quyền quyết định mọi việc của người phụ nữ trong gia đình, chúng ta có thành ngữ “Lệnh ông không bằng cồng bà”.

Với thành ngữ này, việc nhận biết ý nghĩa và khả năng vận dụng không khó khăn gì. Về mặt ngữ nghĩa, chỉ có chữ “lệnh” là điều băn khoăn duy nhất. Nên hiểu “lệnh” là “mệnh lệnh” hay là “cái lệnh”, một dụng cụ thường dùng ở các nhà thờ, đền chùa? Trong thế đối ứng với “cồng” người ta dễ chấp nhận “lệnh” là dụng cụ phát ra âm thanh. Cái đáng quan tâm nhất thành ngữ là tại sao lệnh ông lại không bằng cồng bà. Trong dân gian có hai cách hiểu vấn đề này.

Theo nhiều người, thành ngữ này gắn liền với việc chiêu mộ binh lính của anh em Triệu Thị Trinh. Trong khi Triệu Quốc Đạt phát lệnh chiêu tập binh lính kết quả không được bao lăm, thì bằng tiếng cồng vang vọng, Triệu Thị Trinh đã tập hợp quanh mình rất nhiều nghĩa sĩ.

Nhiều người khác lại khẳng định xuất xứ của thành ngữ này gắn liền với tục cưới xin ở một số dân tộc ít người. Số là, khi làm lễ cưới, bên nhà trai phải phát lệnh trước để xin dâu, nếu đồng ý thì bên nhà gái đánh cồng đáp lại. Trong trường hợp, không nghe thấy tiếng cồng đáp lại tức là chưa được rước dâu. Rõ là, tiếng cồng nhà gái (cồng bà) có quyền quyết định tối hậu.

Trở Lên Trên


8) Sơn Cùng Thủy Tận

Thành ngữ sơn cùng thủy tận được tạo thành nhờ các từ Hán Việt: sơn (núi), thủy (nước), cùng, tận (cuối hết). Trước tiên,
thành ngữ sơn cùng thủy tận chỉ những nơi, những địa điểm xa xôi hẻo lánh.

Xa xôi là vậy, mà một ai đó cũng đã đặt chân đến, ắt hẳn đã từng đi ba chốn bốn nơi, qua bao bản làng, qua bao vùng đất quen lạ khác nhau. Thành ngữ sơn cùng thủy tận phản ánh diện rộng khắp của việc đi lại. Với ý nghĩa này, sơn cùng thủy tận trở nên gần gũi với cùng trời cuối đất.

Nơi sơn cùng thủy tận cũng là nơi cuối cùng. Cái cuối cùng của con đường, của kế sinh nhai đồng nhất với sự bế tắc, không lối thoát và tuyệt vọng. Đó là khi hoàn cảnh, cuộc sống dồn con người đến chân tường, vào ngõ hẻm, không còn con đường nào khác ngoài con đường duy nhất, con đường cuối cùng.

Trong vận dụng ngôn ngữ, nhiều khi thành ngữ sơn cùng thủy tận được tách ra thành nhiều dạng thức khác nhau một cách linh hoạt nhằm nhấn mạnh ý nghĩa cần diễn đạt: Thủy đã cùng, sơn đã tận; sơn chẳng cùng mà thủy cũng chẳng tận…

Trở Lên Trên


9) Tha Phương Cầu Thực

Thoạt tiên, tha phương cầu thực phản ánh việc bỏ quê hương, bản quán đến với phương trời xa lạ để kiếm ăn.

Ý nghĩa ban đầu của thành ngữ này thực ra là sự tổng gộp nghĩa của các thành tố cấu tạo nên nó: tha khác,
lạ (tha phương: phương khác, xứ lạ) cầu: xin, tìm kiếm, thực: ăn (cầu thực: kiếm ăn, xin ăn, kiếm sống).
Trong nghiều trường hợp ý nghĩa của thành ngữ tha phương cầu thực không tách khỏi ý nghĩa các thành tố. Ý nghĩa của nó là sự phản ánh trực tiếp ý nghĩa các thành tố trong sự kết hợp với nhau. Vì vậy, tha phương cầu thực chỉ có nghĩa là xin ăn, kiếm sống ở nơi khác.

Tuy nhiên, đã là thành ngữ thì tất yếu ý nghĩa của nó phải vượt ra ngoài ý nghĩa của các thành tố, để tạo thành một chỉnh thể khái quát hơn, với sắc thái ngữ nghĩa bóng bẩy hơn. Tha phương cầu thực cũng vậy. Nó không dơn thuần chỉ sự xin ăn, kiếm sống nơi khác, mà biểu thị sự lang thang nay đây mai đó để kiếm sống. Trong trường hợp này, tha phương cầu thực được dùng như một phụ từ, có khả năng kết hợp và hạn định động từ đi để tạo nên dạng thức đi tha phương cầu thực.

Đặc biệt, tha phương cầu thực được dùng để nhấn mạnh về sự phiêu bạt của những cuộc đời, những số phận con người lênh đênh chìm nổi. Với nét nghĩa này, tha phương cầu thực có khả năng kết hợp với các từ chỉ hướng tới, đến, lên, xuống, qua, sang, về, lại… để tạo các dạng thức tha phương cầu thực…

Thành ngữ tha phương cầu thực còn có biến thể khác là tha hương cầu thực. Ý nghĩa và cách dùng của hai dạng thức này hoàn toàn giống nhau.

Trở Lên Trên


10) Sống Để Dạ Chết Mang Theo

Sống để dạ chết mang theo và các biến thể của nó như sống để bụng chết chôn đi, sống để bụng chết mang theo, sống để dạ chết đem theo … đều phản ánh hai ý nghĩa:

  1. Suốt đời ghi nhớ, khắc sâu vào lòng những tình cảm, những tâm tư nào đó.
  2. Suốt đời giấu kín, gìn giữ những điều bí mật.

Ở ý nghĩa thứ nhất (1), sống để dạ chết mang theo, và các biến thể của nó, trước hết biểu thị sự ghi nhớ ơn nghĩa suốt đời. Lòng căm thù, sự oán hận nhiều khi cũng cần khắc sâu tận đáy lòng, cũng phải sống để bụng chết chôn đi.

Ở ý nghĩa thứ hai (2), sống để dạ chết mang theo và các dạng thức của nó chỉ rõ sự cần thiết của việc giữ gìn bí mật. Gìn giữ những điều cần giấu kín là đòi hỏi nghiêm ngặt “một mình mình biết, một mình mình hay”.

Một điều đáng lưu ý là, nghĩa của toàn thành ngữ dường như dồn gánh nặng về phần đầu của nó “sống để dạ (bụng). Ở vế này, yếu tố dạ (bụng) có chức năng gợi tả ý nghĩa rất lớn. Bụng (dạ) là nơi thầm kín sâu lắng, ở nơi đó có thể ghi tạc những ơn nghĩa, khắc sâu lòng căm thù, vùi chặt những điều bí mật… Nó là từ “chìa khoá” cho cả vế sống để bụng trong việc biểu thị ý nghĩa, vế thứ hai chỉ có tác dụng nhấn mạnh, làm rõ thêm ý nghĩa ở vế thứ nhất. Vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ là ở vế thứ hai có nhiều biến thể khác nhau mà không làm phương hại đến ý nghĩa chung của toàn thành ngữ. Trong thành ngữ này, nhờ sự đối ứng với nhau mà cặp từ “sống… chết” có giá trị biểu hiện ý nghĩa thời gian. Trong quan niệm của nhân dân ta, con người khi chết là đi vào thế giới vĩnh hằng. Sự sống, cái chết được đắp nổi ở hai thế giới kế tiếp nhau. Do vậy, sống để dạ chết mang đi là mãi mãi ghi nhớ, khắc sâu gìn giữ những điều sâu đậm hay bí mật có liên quan tới bản thân mình.

Trở Lên Trên



Xin xem tiếp phần 7

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời