Bài Vở Cũ Khoa học

DienGiaiCaDaoTucNgu 9 ThanhQuangSuuTam



Dan Giai Dien Tich, Thanh Ngu, Ca Dao Tuc Ngu – part 7

Giải Thích Các
Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ

BBT: Để giúp các bạn trẻ hiểu trọn vẹn các điển tích, thánh ngữ hoặc tục ngữ thường được dùng trong trao đổi hằng ngày cũng như trong sách báo, BBT giới thiêu bộ sưu tập “Giải Thích Các Điển Tích, Thành Ngữ, Ca Dao và Tục Ngữ” để các bạn tham khảo. Các tài liệu trong bộ sưu tập này được tổng hợp lại từ các trang web điện tử http://e-cadao.com, http://www.quehuong.org.vn


Đã đăng :
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8

Phần 9

  1. Ông Chẳng Bà Chuộc
  2. Kín Cổng Cao Tường
  3. Há Miệng Mắc Quai
  4. Oan Thị Kính
  5. Lá Mặt Lá Trái

  1. Gửi Trứng Cho Ác
  2. Giàu Làm Kép Hẹp Làm Đơn
  3. Được Voi Đòi Tiên
  4. Thoả Chí Tang Bồng
  5. Bóc Ngắn Cắn Dài


1) Ông Chẳng Bà Chuộc

Thành ngữ “ông chẳng bà chuộc” biểu thị sự chủng chẳng không ăn khớp, không hợp nhau về ý nghĩa cũng như việc làm giữa người này và người khác.

Vợ chồng nhà chẫu chàng không có sự nhất trí trong việc cho anh nông dân nọ chuộc lại viên ngọc thần. Thành ra suốt ngày vợ chồng bọn họ cứ “to tiếng” với nhau. Vợ thì một mực “chuộc thì chuộc” (đồng ý cho chuộc), còn chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc” (không cho chuộc). Tiếng kêu ra rả trái ngược nhau của hai loại chẫu chàng là tiền đề sáng tạo nên câu chuyện về sự bất hoà của vợ chồng chẫu chàng. Kèm theo câu chuyện dân gian này là sự ra đời của thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”.

Gần nghĩa với thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, trong tiếng Việt còn có thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt”. Tuy nhiên thành ngữ này được sử dụng với phạm vi hẹp hơn. Thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt” biểu thị sự không ăn khớp nhau, không hiểu nhau, mỗi người nói một nẻo. Sự không ăn khớp nhau ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi nhận thức mà nguyên nhân của nó là do không hiểu ý nhau một cách vô ý thức. Ngược lại, ở thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, sự không ăn khớp nhau được thể hiện ở cả lời nói, ý nghĩ và cả ở việc làm. Sự không ăn khớp này là tất yếu và hoàn toàn có ý thức.

Trở Lên Trên


2) Kín Cổng Cao Tường

Kín cổng cao tường là những nơi mà người thường không thể đặt chân tới, đó là những nơi thâm nghiêm, cơ mật.

Chúng ta biết rằng, trong truyện Kiều, sau hai lần gặp gỡ, chàng Kim đã sinh lòng tương tư nàng Kiều đến mức “Phòng văn hơi giá như đồng, trúc se ngọn thỏ tơ chùng phím loan”, chểnh mảng cả việc đèn sách và vội “xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”. Thế nhưng nhà họ Vương:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh
”…

Ở đây, đại thi hào Nguyễn Du đã đưa thành ngữ kín cổng cao tường vào câu thơ rất tài hoa, gián tiếp miêu tả tâm trạng của chàng nho sinh đang tương tư người đẹp, có gì đó như là nỗi thất vọng trước một sự ngăn cách khó lòng vượt qua nổi? Kín cổng cao tường nghĩa là gì vậy? Chung quanh thành ngữ này, có hai ý kiến khác nhau. Có người cho rằng câu thành ngữ trên phải là kín cống mới đúng, bởi vì nó đăng đối với cạn dòng lá thắm ở câu dưới: cống có kín thì “lá thắm” mới “cạn dòng” không chảy ra được! Và như vậy, câu thơ miêu tả được đúng tâm trạng tương tư của chàng Kim sau buổi gặp Thuý Kiều.

Ý kiến thứ hai cho rằng, đính chính thành ngữ trên như vậy là đã làm thay cụ Nguyễn Du một cách tuỳ tiện. Bởi lẽ, nếu cho rằng “kín cống” mới đăng đối với “cạn dòng lá thắm”, thì “cao tường” làm sao đăng đối với “dứt đường chim xanh” ở câu dưới được, phải là “cao giàm” hoặc là “dày lưới” chứ, làm sao tường cao ngăn nổi “chim xanh”?. Thực ra, sự đăng đối trong hai câu thơ của cụ Nguyễn Du vừa dẫn ở trên, là về ý chứ không phải về chữ: Thành ngữ “kín cổng cao tường” ở câu trên đã được minh hoạ, cụ thể hoá bằng hai điển tích “lá thắm” và “chim xanh” ở câu dưới.

Theo “Từ điển truyện Kiều” của Đào Duy Anh, kín cổng cao tường nghĩa là “cái cổng đóng kín, cái tường xây cao, người ngoài không vào, cũng không thể nhìn thấy gì” (trang 237). Ở đây kín cổng cao tường là sự miêu tả dinh cơ nhà họ Vương đã làm Kim Trọng phải dừng bước trong phút tương tư, cao hứng đi tìm “bóng giai nhân”.Trong cách nói của dân gian, kín cổng cao tường là hình ảnh tiêu biểu cho dinh cơ của các gia đình giàu sang quyền quý xưa nay.

Trở Lên Trên


3) Há Miệng Mắc Quai

Ý nghĩa của thành ngữ há miệng mắc quai thường được người Việt nhận diện dễ dàng. Ai cũng hiểu thành ngữ này được dùng để chỉ hành vi né tránh, không dám nói đến khuyết điểm của người khác vì sợ đụng chạm đến cả những khuyết điểm mà mình cũng đã phạm phải.

Với thành ngữ này, nói chung, người ta chỉ còn “vướng”, không hiểu chữ quai có nghĩa gì? Trong cách giải nghĩa còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều người xem thành ngữ há miệng mắc quai vốn được bắt nguồn từ việc quan sát vật hoặc con vật xung quanh, sau đó mới dùng vật để ví với người. Theo hướng này, từ quai có hai cách lý giải khác nhau. Thứ nhất, quai được xem là các loại dây buộc ở miệng một số đồ dùng như giỏ, gùi… Vì sát cạnh miệng lại dây rợ lòng thòng nữa nên khi mở nắp, mở miệng các vật này thì để bị mắc quai. Sự lòng thòng của quai có thể có tính biểu trưng về bản thân sự khuyết điểm, sự mắc mớ, ràng buộc. Thứ hai, quai được xem là từ rút gọn của từ quai thiếc hay hàm thiếc ở miệng con ngựa. Mỗi khi ngựa định mở miệng thì bị quai thiếc ghì chặt thêm, siết lại mạnh hơn. Quả thật, cách hiểu như trên cũng có những cơ sở nhất định. Tuy nhiên, để thuyết phục hơn bắt buộc người giải thích phải có thêm cứ liệu và cách biện minh chắc chắn hơn nữa.

Một số người lại giải thích theo một hướng khác. Theo hướng này thì thành ngữ há miệng mắc quai gắn liền với việc ăn nói của con người. Miệng trong tiếng Việt được biểu trưng cho cả hoạt động nói năng và ăn uống nói chung. Còn quai là từ rút gọn của từ quai hàm, một loại xương gắn liền với hàm, điều khiển hoạt động ăn nói của con người. Việc ăn uống của con người ta được liên hệ chặt chẽ với nhau qua sự điều phối nhịp nhàng của quai hàm. Khi ăn, quai hoạt động theo cách riêng, ngược lại khi nói, quai cũng điều khiển và hoạt động theo cách riêng phù hợp với nói. Vậy, khi ăn mà nói là bị “trái giò” và đương nhiên là khó nói, là “mắc quai”. Đấy là chưa kể mắc cả miếng ăn ở trong miệng nữa! Chính nhờ cái lôgích này mà thành ngữ há miệng mắc quai thoạt tiên được hình thành, nghĩa của nó không chỉ gắn liền với cả việc ăn cụ thể đồ này thức kia mà còn là ăn hối lộ, ăn đút lót. Cái lôgích để hình thành ý nghĩa này là đã ăn (của người ta) thì không thể nói gì (về chuyện xấu của người ta) được nữa.

Từ ý nghĩ ban đầu này, dần dần thành ngữ há miệng mắc quai được mở rộng ra để chỉ những người do mắc khuyết điểm, hay hành động thái quá dẫn đến hậu quả không nói được người khác nữa, nói người là đụng chạm đến bản thân mình. Trong trường hợp này quai được hiểu theo nghĩa biểu trưng là “cái níu giữ, khiến không cho nói ra sự thật về ai đó”. Như vậy, dẫu có cái quai cụ thể hay cái quai vô hình thì nó đều có sức nặng và sức mạnh ghê gớm. Nó có thể trói buộc chân lý và lẽ công bằng ở đời, nó có thể làm người ta đánh mất mình. Ngày nay, khi mà bả vinh hao phú quý đang giăng bẫy khắp nơi, khi mà nạn ô dù và hối lộ đang còn trong xã hội, thì câu thành ngữ há miệng mắc quai âu cũng là một lời răn, lời cảnh tỉnh đối với mọi người. 

Trở Lên Trên


4) Oan Thị Kính

Thiện Sỹ là chồng của Thị Kính. Một lần đọc sách mệt, chàng ngủ thiếp đi từ lúc nào. Thấy trên cằm chàng có sợi râu mọc ngược, nghĩ là điềm gở. Nhân lúc chồng đang ngủ, Thị Kính dùng dao cắt sợi râu đó đi. Giật mình thức giấc, chẳng hiểu thực hư ra sao, chàng lu loa rằng vợ dùng dao định giết mình. Thế là nàng mang tội tầy đình, bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án. Nỗi oan này, nàng không sao giãi bày được.

Oan ức, đau khổ quá, nàng cắt tóc giả trai đi tu. Những tưởng nhờ nơi cửa Phật để cõi lòng được bằng an, và được yên phận với những tháng ngày còn lại, nhưng nào có được như thế. Với vai chú tiểu, Thị Kính đã làm say lòng Thị Mầu lẳng lơ. Bao lần tán tỉnh, nhưng Thị Mầu không sao làm siêu lòng “chú tiểu”. Bỗng nhiên, Thị Mầu bụng mang dạ chửa, vu vạ cho “chú tiểu” ăn nằm với chị. Một lần nữa, Thị Kính mang tội, bị đuổi ra khỏi chùa. Suốt mấy năm ròng, Thị Kính bồng bế đứa con Thị Mầu đi xin từng giọt sữa và chịu bao tai tiếng nhục nhã. Cho đến khi nàng chết, sự thật mới sáng rõ. Dẫu rằng, nàng được về cõi Niết bàn, nhưng nỗi oan của nàng là một cái gì đó quá nặng nề với người đời.

Oan Thị Kính” là thành ngữ được dùng để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không giãy bày được.

Trở Lên Trên


5) Lá Mặt Lá Trái

Thành ngữ này được dùng để chỉ lòng dạ đổi thay tráo trở của con người.

Người ta quen dùng thành ngữ lá mặt lá trái song có lẽ cũng ít ai biết đến xuất xứ của nó.

Lá mặt tức là mặt phải của lá (trong tiếng địa phương miền Nam mặt bên phải, tay mặt tay phải, và /á trái tức là mặt trái của lá. Thành ngữ lá mặt lá trái có thể bắt nguồn từ cách làm các loại bánh lá.

Thông thường, đối với các loại bánh lá, người ta có thể phân biệt chúng qua hình thức bên ngoài như bánh gai gói bằng lá chuối khô, bánh nếp gói bằng lá chuối tươi. Song đối với một loại bánh mà có nhân khác nhau phân biệt sẽ trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, người làm bánh phải đánh dấu bằng kiểu buộc lạt hoặc bằng cách tạo dáng khác nhau. Và cách đánh dấu đơn giản nhất là dùng ngay lớp lá ngoài cùng của chiếc bánh: Quay mặt phải của lá ra ngoài hay mặt trái của lá ra ngoài. Chẳng hạn, đối với bánh nếp khi gói mặt phải lá quay ra tức là bánh nhân mặn (đỗ xanh, thịt lợn) còn mặt trái lá quay ra là bánh nhân ngọt (đỗ xanh, đường). Cách đánh dấu như vậy hoàn toàn có tính chất quy ước, chỉ có giá trị đối với từng vùng, từng làng, thậm chí từng người làm bánh. Khi quy ước tạm thời được chấp thuận thì những kẻ không có lương tâm nghề nghiệp đã cố tình vi phạm quy ước, làm ra những chiếc bánh có chất lượng kém thậm chí đánh tráo cả loại bánh ”lá mặt” với loại bánh “lá trái” để kiếm nhiều lời!

Thành ngữ lá mặt lá trái ra đời từ đó và được dùng phổ biến để biểu thị sự tráo trở, lật lọng của con nguời.

Trở Lên Trên


6) Gửi Trứng Cho Ác

Trong cuộc sống, có những người cả tin đã gửi gắm cho kẻ xấu những thứ mà chính bản thân hắn thèm khát và tìm cách để chiếm đoạt. Người đời đã ví hành vi đó với việc gửi trứng cho ác.

Thành ngữ gửi trứng cho ác được hình thành theo một lôgic khá thú vị. Trong thành ngữ này, ác chính là quạ. quạ thì ai cũng biết là một loài chim ăn thịt sống. Hễ ngửi thấy mùi xác chết ở đâu là kéo thành bầy tới kiếm chác, ăn lấy ăn để. Quạ lại còn lần mò ăn trộm trứng trong tổ chim khi chim mẹ rời tổ. Ấy thế mà “bố mẹ” chim nào đó cả tin lại đem gửi trứng cho quạ trông nom thì thật là dại dột. Mặt khác, ở thành ngữ này, từ trứng đáng chú ý, vì nó có giá trị biểu trưng sâu sắc. Đối với chim, trứng là ruột thịt, là giọt máu truyền đời. Do vậy, trứng cần phải được nâng niu giữ gìn như chính mạng sống của chim mẹ. Ngoài chim mẹ chẳng còn ai khác có thể giữ gìn nổi quả trứng “mang nặng đẻ đau” này. Thế mà, đem trứng, vật báu cần bảo vệ nâng niu kia để gửi cho quạ, một kẻ chuyên ăn trộm trứng và đang cần chiếm đoạt để làm thức ăn hơn ai hết thì thật là dại dột và nguy hiểm biết bao? !

Như vậy, về mặt ngữ nghĩa thành ngữ gửi trứng cho ác được xác lập theo một lôgic thuận chiều: đem một thứ quý, cần phải giữ gìn để gửi cho một kẻ xấu đang rình mò và muốn chiếm đoạt chính thứ ấy. Cái lôgic đó chúng ta cũng bắt gặp trong thành ngữ mang mỡ đặt trước miệng mèo. Dân gian thường mượn vật để nói người là như vậy đó.

Thành ngữ gửi trứng cho ác  trở thành lời phê phán những việc làm ngốc nghếch, cả tin trao gửi cho kẻ xấu những thứ quý giá mà chính kẻ trông giữ kia đang khao khát và có khả năng đoạt lấy cho riêng mình.

Với ý nghĩa đó, thành ngữ gửi trứng cho ác đã cảnh tỉnh, nhắc nhở người đời đừng cả tin, phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu trước khi gửi gắm điều gì, vật gì đó. Nên chọn bạn mà chơi, biết chọn mặt gửi vàng, chứ đừng gửi trứng cho ác!

Trở Lên Trên


7) Giàu Làm Kép Hẹp Làm Đơn

Trong tiếng Việt, “kép” và “đơn” là hai từ trái nghĩa, “kép” là “đôi, hai, cặp”, trái với “đơn” là “một”. Với các ý nghĩa đó, người Việt gọi cái áo có hai lần vải là áo kép, chiếc lá cây gồm hai lá chét gọi là lá kép, cửa sổ hai lớp gọi là cửa sổ kép, bị thiệt thòi nhiều bề gọi là thiệt đơn thiệt kép, mưa gió giãi giề gọi là gió kép mưa đơn, v.v. “Kép” và “đơn” trong câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” chính là nằm trong tương quan ngữ nghĩa ấy.

Trong văn chương Việt Nam, chúng ta thường biết đến nhiều câu đối rất hay của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, trong đó câu đối mà Nguyễn Khuyến cho người cô đầu ở Hà Nam để thờ mẹ cô, cũng vốn là cô đầu, nhân ngày giỗ:

“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ. Cá kể đầu, rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con”.

Trong câu đối này, Nguyễn Khuyến đã hóm hỉnh mà lồng câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” vào để an ủi người cô đầu, làm mát dạ người “nơi chín suối”. Câu tục ngữ dùng trong vế đối này hàm chỉ mức độ to nhỏ của việc làm giỗ: nhà giàu có khả năng kinh tế thì làm cỗ to (kép), còn nhà nghèo, eo hẹp kinh tế thì làm cỗ nhỏ (đơn), tùy theo gia cảnh. Câu tục ngữ trên, ngẫm cho kĩ nhiều khi được hiểu với nghĩa rộng còn là cách thể hiện niềm tự hào kín đáo của một người biết lo liệu, thu xếp cho cuộc sống phù hợp hoàn cảnh riêng của mình:

“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, cơ cực đường nào, liệu đắn đo là kẻ phải.

Đôi khi, trong sử dụng, câu tục ngữ này có dạng rút gọn là “giàu kép, hẹp đơn”. Về nghĩa, dạng đầy đủ và dạng rút gọn của câu tục ngữ đang xét không có gì khác biệt đáng kể.

Trở Lên Trên


8) Được Voi Đòi Tiên

Voi thường được tượng trưng cho cái gì to lớn khác thường, có tính chất khổng lồ. Trong nhiều ngữ cảnh khác, voi cũng mang ý nghĩa đó: voi nan, (bệnh) chân voi, lấy thúng úp voi, châu chấu đá voi, đầu voi đuôi chuột… Tiên thì thường dùng để biểu hiện cái gì tuyệt mỹ, tuyệt hảo đến mức lí tưởng: đẹp như tiên, sướng như tiên, có phép tiên, thuốc tiên, v.v… Tuy vậy nếu hiểu voi là tiên trong thành ngữ này theo ý nghĩa nói trên thì lại không thỏa đáng. Bởi vì có được số lượng (hoặc khối lượng) lớn nhất rồi, vẫn có quyền đòi hỏi chất lượng cao nhất, mà như thế đâu có phải là tham lam? Đạt được khối lượng thật lớn, lại còn muốn có được chất lượng thật cao nữa, ai dám bảo đó là “được voi đòi tiên”! Vậy thì phải hiểu voi và tiên ở đây là thế nào cho ổn?

Phần lớn thành ngữ và tục ngữ được mọi người chúng ta hiểu giống nhau về ý nghĩa toàn cục. Còn ý nghĩa của từng yêu tố, từng từ được dùng trong đó thì lại có thể hiểu theo những cách khác nhau. Có thể giải thích các yếu tố đó theo khuynh hướng đồng đại, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ có thể giải thích bằng con đường đi vào từ nguyên hoặc tìm vào các phương ngữ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì thành ngữ, tục ngữ thường được tạo ra từ khá lâu và thường gắn với một xuất xứ cụ thể, mặc dầu khó mà xác định được chắc chắn.

Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, các con giống nặn bằng bột màu bán ở chợ làm đồ chơi cho trẻ em, có nơi gọi chung là voi. Trong câu hát đồng dao về con chim trả cũng có từ này. Khi bắt được con chim trả tranh, một loài chim bói cá nhỏ xinh đẹp, trẻ em thường cầm ngược cái mỏ dài của chim lên để chim lơ lửng và đọc câu hát “Tranh tranh trả trả, múa cho ả coi, đến mai đi chợ ả mua voi cho tranh tranh trả trả”.

Trẻ em địa phương có thể gọi là voi, tên chung cho các con giống (miền Bắc còn có nơi gọi là tò he), hoặc gọi tên riêng của từng con giống: voi, ngựa, gà, vịt, ông tiên… thường trong các mẹt hàng đồ chơi này ở nông thôn, voi là con giống phổ biến hơn cả. “Voi” ở đây không to lớn gì hơn so với các con giống khác, do đó cũng không đắt tiền hơn. Duy chỉ có tiên là loại con giống hiếm hơn, và dĩ nhiên là cũng đắt tiền hơn. Cho nên “được voi đòi tiên” ban đầu có thể chỉ là câu trách các em bé có tính hay vòi vĩnh đối với thứ quà quê cụ thể đó.

Trở Lên Trên


9) Thoả Chí Tang Bồng

“Tang bồng” vốn là cách nói tắt của “Tang hồ bồng thỉ”.  “Tang” là dâu, “hồ” là cung, “tang hồ” là cung bằng gỗ cây dâu. “Bồng” là “cỏ bồng”, “thỉ” là “tên”, “hồ thỉ” là tên bằng cỏ bồng. Tang hồ bồng thỉ, nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tục truyền, ngày xưa ở Trung Quốc, hễ đẻ con trai thì dùng loại cung tên này bắn sáu phát; bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, còn một phát xuống đất. Ngụ ý của việc làm này là sau này trưởng thành, người con trai sẽ mang chí lớn “hai vai gánh vác sơn hà”, tung hoành dọc ngang giữa trời đất.

 Với nghĩa ấy, “tang bồng” thường kết hợp với các từ như “Chí tang bồng”, “nợ tang bồng”.

 Thành ngữ “thoả chí tang bồng” hay là “phỉ chí tang bồng” dùng để chỉ sự thoả mãn, tự do trong hành động nhằm thực hiện chí lớn, không chịu bất kỳ một sự gò bó, ràng buộc nào.

Trở Lên Trên


10) Bóc Ngắn Cắn Dài

Về ý nghĩa thành ngữ bóc ngắn cắn dài, các cuốn sách như “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (NXB. KHXH 1988), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân (NXB. VH 1989) đều giải thích là nói đến, hoặc chê việc “làm được ít mà tiêu dùng lại quá nhiều”.

Thí dụ: “Chuyện ông cụ ngày xưa chỉ bóc ngắn cắn dài nghèo rớt mồng tơi, suốt đời đi dũi đi dậm như con trâu nước mà chỉ ráp nghề đãi bạn” (Vũ Tú Nam. “Kể chuyện quê nhà”).

Thành ngữ bóc ngắn cắn dài được giải thích như trên là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, thành ngữ này còn được dùng với ý nghĩa rộng hơn, phê phán lối làm ăn có tính cò con do tham lam, muốn bỏ ít công sức, vốn liếng mà lại muốn thu được lợi nhuận nhiều.

Ý nghĩa chung của thành ngữ bóc ngắn cắn dài nẩy sinh trên một lôgic và cơ chế nghĩa khá lí thú. Như đều biết, thành ngữ bóc ngắn cắn dài nói tới một việc rất cụ thể, nói đến chuyện ăn uống một thứ gì có vỏ. Thứ đó là gì không thành vấn đề, bởi ai mà chẳng liên hệ với cái thứ vỏ mềm, khả dĩ ăn được như khoai lang, chuối… Điều quan trọng hơn là, trên thực tế có những kẻ bóc vỏ được một phần ngắn mà khi ăn lại cắn một phần dài hơn, lấn sang cả chỗ chưa bóc vỏ. Lệ thường thì đó là hành vi phàm ăn tục uống. Nhưng người đời không nhất thiết khai thác hoàn toàn ý này. Người ta chỉ còn giữ được cái ý “làm thì ít mà muốn hưởng thì nhiều”. Điều này có liên quan tới nghĩa thứ hai của thành ngữ, tức là phê phán kẻ làm ăn cò con, hám lợi, muốn bỏ sức và bỏ vốn ít nhưng muốn thu về cho nhiều lợi lộc hơn.

Thực ra ở thành ngữ này, dân gian đã khai thác theo một hướng khác trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các từ cấu tạo nên thành ngữ. Các từ bóc, ngắn, cắn, dài đều có ý nghĩa biểu trưng riêng. Ở đây bóc biểu trưng cho lao động, cho hành động làm (việc), ngắn biểu trưng cho số lượng ít, sản phẩm làm ra không nhiều, trong khi đó cắn biểu trưng cho hành động ăn, việc tiêu dùng nói chung, dài biểu trưng cho số nhiều, phần chi tiêu lớn. Tổng hòa nghĩa của các thành tố này, chúng ta có thành ngữ bóc ngắn cắn dài với ý nghĩa “làm ra được ít mà chi dùng quá nhiều”. Vì đi theo hướng biểu trưng này nên thành ngữ bóc ngắn cắn dài đã xa dần với cái xuất phát điểm của nó, cũng như thực tế quan sát việc ăn uống theo lối bóc ngắn cắn dài. Từ bóc chẳng còn gợi gì đến việc “bóc vỏ” nữa. Thành ra, trong tiếng Việt, đôi khi người ta còn dùng động từ làm để thay vì cho bóc trong thành ngữ này để tạo lập một biến thể khác là làm ngắn cắn dài.

Dạng thức Làm ngắn còn dài tuy làm mất thế đối xứng giữa các động từ vốn có liên hệ chặt chẽ về nghĩa và hành động bóc ăn trên thực tiễn, song nó vẫn được tồn tại hiển nhiên trong tiếng Việt, do tính biểu trưng của các thành tố trong thành ngữ đem lại.

Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ bóc ngắn cắn dài được dùng khá linh hoạt. Thành ngữ này được tách, chen, thay đổi vị trí các yếu tố trong đó theo những dạng thức khác nhau tùy theo dụng ý người nói, người viết. Thí dụ:

“Bóc thì ngắn, cắn thì dài
Hàng trong ế ẩm, hàng ngoài nhập siêu”

Trở Lên Trên



Xin xem tiếp phần 10

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời