Bài Vở Cũ Tùy Bút Văn Nghệ

NuocMatHanhPhuc NguyenBao.html



Nước Mắt Hạnh Phúc

Nguyên Bảo

Vừa ăn cơm tối xong thì chuông điện thoại reo. Kim, vợ tôi, sau mấy phút đi trả lời điện thoại quay ra và nói với tôi, “Thu mời vợ chồng mình thứ Bảy tuần sau đi dự lễ tốt nghiệp Trung Học của cháu Quốc. Em đã nhận lời của Thu vì trên này ngoài vợ chồng mình, mẹ con Thu không còn người thân nào khác.” Tôi tán thành với quyết định của Kim. Mẹ con Thu và vợ chồng tôi đều sống ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, tiểu bang vợ chồng tôi ở cách tiểu bang của hai mẹ con Thu khoảng ba giờ lái xe. Ba của tôi là anh ruột của mẹ Thu, nhưng Thu lớn hơn tôi bốn tuổi.

Tối thứ Sáu trước ngày cháu Quốc ra trường, vợ chồng tôi lái xe xuống nhà Thu. Trên đường đi tôi đã kể cho Kim nghe rất nhiều về hai mẹ con Thu… Hành trình rời Việt Nam qua Hoa Kỳ của hai mẹ con Thu không dễ dàng, với biết bao cay đắng và tủi nhục…

*****

Giữa năm 1989 Thu sanh bé trai và đặt tên Quốc. Quốc được sinh ra trong hoàn cảnh không có cha, một trường hợp tủi nhục, nhất là ở miền quê nơi hầu như mọi người đều biết nhau. Nhưng trong gia đình ai cũng mừng với sự ra đời của Quốc, người mừng nhất là Thu vì Quốc là chỗ dựa để Thu có đủ nghị lực đương đầu với nghịch cảnh.

Năm 1990, khi Quốc được một tuổi, Thu đã đem Quốc vượt biên. Cuối cùng mẹ con Thu cũng tới được đảo Bidong, Mã Lai. Một điều Thu không ngờ được là các trại tỵ nạn Đông Nam Á đã được lệnh đóng cửa từ lâu mà Thu không hề hay biết. Có lẽ vì sống ở thôn quê nên tin tức không tới được.

Cuộc sống ở trại tỵ nạn quả thật là thê thảm chẳng khác gì một nhà tù. Đại đa số những ngườI vuợt biển đến các đảo vào giai đoạn đó bị xếp vô diện “vượt biên kinh tế” nên không thể có cơ hội đi định cư ở đệ tam quốc gia, nhưng nếu tình nguyện về lại Việt Nam thì có chút hy vọng được cứu xét. Thu đã tình nguyện hồi hương về lại Việt Nam vì dù sao ở đó còn có mẹ và các em của Thu. Đầu năm 1997, mẹ con Thu và một số người khác đã về lại Việt Nam.
Khi đã về lại Việt Nam, đối với Thu và những người tỵ nạn khác giấc mộng đến Mỹ Quốc rất mong manh. Nhờ những cuộc vận động của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, chính phủ Hoa Kỳ đã tái cứu xét và cho những người tỵ nạn kém may mắn này được định cư ở Hoa kỳ theo chương trình Cơ Hội Định Cư Cho Người Việt Nam Hồi Hương. Tháng 10 năm 1999 Thu và Quốc sang định cư ở một tiểu bang miền Đông Bắc. Thu đã bươn chải đi làm để lo cho con và gia đình bên Việt Nam, nhờ đó gia đình các em của Thu ở Việt Nam bây giờ đã khá hơn nhiều. Trong những năm tháng ở Hoa Kỳ có rất nhiều người muốn tiến tới với Thu, nhưng Thu đã từ chối. Thu muốn dành trọn thời gian của mình để chăm lo cho con mình được chu đáo, nên người, không để con mình thua thiệt với bạn bè. Với thời gian Thu đã mua được một căn nhà xinh xắn và tạo dựng được cho mình một cửa tiệm làm móng tay khang trang trong một khu buôn bán sầm uất. Tuy được mẹ nuông chiều, nhưng Quốc rất ngoan ngoãn vâng lời, học giỏi, và luôn lo lắng cho mẹ của mình. Những giờ rảnh Quốc thường ra phụ mẹ coi sóc tiệm.

*****

Chúng tôi tới nhà của mẹ con Thu vào gần nữa đêm thứ Sáu. Gặp chúng tôi hai mẹ con mừng lắm. Quốc nói với chúng tôi: “Cháu nghe mẹ nói cậu mợ tới dự lễ ra trường nên cháu rất mừng, nếu chỉ có hai mẹ con thì buồn lắm.” Quốc bây giờ cao lớn và rất đẹp trai. Quốc khoe với chúng tôi là cháu đã được nhận vào một trường đại học danh tiếng trong vùng và sẽ vào học mùa Thu này. Vì trường ở hơi xa nhà nên phải ở nội trú cuối tuần mới về thăm mẹ được. Nét mặt Thu buồn trông thấy, vì không còn bao lâu nữa Quốc sẽ rời vòng tay của Thu để bước ra đời nơi nhiều cơ hội và cũng như thử thách đang chờ đón tuổi trẻ như Quốc. Suốt đêm đó tôi không tài nào chợp mắt được, suy nghĩ về những chặng đường khó khăn mà em họ tôi đã đi qua. Chỉ có người phụ nữ Việt Nam với bản chất cần cù, hy sinh, chịu khó mới vượt qua và có được những thành quả như ngày hôm nay. Thu cũng không kém gì tôi, cứ đi ra đi vô ngắm nghía bộ đồ mặc ra trường của Quốc rồi lấy bàn ủi, ủi đi ủi lại cho thẳng nếp.

Gần ba giờ chiều thứ Bảy, chúng tôi có mặt ở trường học của Quốc, vì lễ khai mạc đúng ba giờ chiều. Lễ tốt nghiệp làm ở sân vận động của trường. Các học sinh tốt nghiệp ngồi giữa sân còn thân nhân thì ngồi tự do chung quanh khán đài, chúng tôi tìm được chỗ ngồi gần khán đài để chụp hình và nhìn cho rõ. Tới giờ khai mạc, học sinh từ trong trường đi ra, người cầm đuốc đi đầu là Quốc với vẻ mặt hớn hở… Tới phần giới thiệu đại diện học sinh lên đọc diễn văn, người dẫn chương trình nói: “Người Thủ Khoa (Valedictorian) năm nay có một bối cảnh rất đặc biệt, và hãy để em ấy nói cho chúng ta nghe.” Và khi tên được đọc lên thì là Quốc. Chúng tôi vô cùng bất ngờ vì Quốc không nói cho chúng tôi chuyện này, Thu rất vui vì Quốc là thủ khoa năm nay. Sau khi Quốc cám ơn thầy cô và mọi người, Quốc xin phép được nói chuyện với các bạn đồng khoá. Quốc nói: “Các bạn thân mến, hoàn cảnh của tôi khác các bạn nhiều lắm, gần suốt tuổi thơ của tôi là ở trong trại tỵ nạn Mã Lai, ở đó số phận của tôi và những người khác bị thế giới lãng quên. Chúng tôi đã trở nên dư thừa của xã hội…Cám ơn con người và đất nước Hoa Kỳ này đã mở rộng trái tim, vòng tay ôm ấp, và cưu mang chúng tôi cho tới ngày hôm nay. Từ lúc còn trong bụng mẹ, ba tôi đã bỏ tôi. Mười tám năm qua tôi chưa từng được một lần kêu ba, tôi ngưỡng mộ các bạn vì các bạn còn có đủ ba mẹ. Nhưng bù lại tôi lại có một người mẹ tuyệt vời… Dù mai này khi các bạn đã thành công trong xã hội các bạn phải luôn nhớ rằng nhờ những hy sinh của ba mẹ mà các bạn có được ngày hôm nay. Hy vọng sau buổi lễ hôm nay các bạn hãy tới nói với ba mẹ mình: ‘Cám ơn ba mẹ, con thương ba mẹ nhiều lắm.’” Cả sân vận động đứng lên vỗ tay vì những lời phát biểu chân tình của Quốc. Sau đó Quốc xin mọi người cho phép Quốc nói ít lời với mẹ của mình bằng tiếng Việt Nam: “Thưa mẹ, con đã không nói cho mẹ biết là con được vinh dự phát biểu ngày hôm nay vì con muốn đây là một món quà của con tặng mẹ. Thưa mẹ, con cám ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ đã làm cho con, con xin mẹ tha thứ cho những lỗi lầm của con đã làm mẹ buồn. Con luôn là đứa con bé nhỏ của mẹ, con thương mẹ nhiều lắm.”

Nghe những lời đó, Thu thấy những hy sinh chịu đựng của mình những năm tháng qua bây giờ đã có kết quả. Thu đã khóc thật to, thật nhiều, những giọt nước mắt bây giờ không còn là những giọt nước mắt của sự tủi nhục, của đắng cay, của thất vọng. Nhưng đó là những giọt nước mắt của vui mừng, của hy vọng, và những giọt nước mắt hạnh phúc.

24 tháng Sáu năm 2007
Nguyên Bảo

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời