Bài Vở Cũ Giới trẻ

QuaTangChoNguoiNhutNhat ChanhTuanDich



qua Tang Cho Nguoi Nhut Nhat – Chanh Tuan Phong Dich

Quà Tặng Cho Người Nhút Nhát

(Phỏng dịch câu chuyện A Lady Named Lillian, trích trong cuốn sách Chicken Soup for the Soul at Work by Jack L. Canfield, Martin Rutte, Maida Rogerson, Tim Clauss, Mark Victor Hansen, Trang 103-106)

Lillian là thiếu nữ người Canada, gốc Pháp được sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn gần sông Canard, tỉnh Ontario. Năm 1922, khi cô được 16 tuổi, cha cô nghĩ rằng con gái cắp sách đến trường như vậy đã đủ lắm rồi, và ép cô nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Vì tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai của cô; thêm vào đó, với một chút vốn liếng học hành và kỹ năng rất hạn chế, tương lai đối với cô chẳng thấy có gì sáng sủa.

Ông Eugene Bezaire, cha cô, là người nghiêm khắc, ít khi chịu để người khác khước từ yêu cầu của mình và chẳng bao giờ chấp nhận lý lẽ bào chữa của kẻ ấy. Ông buộc con gái phải tìm ra việc làm, nhưng những hạn chế bản thân khiến cô thiếu tự tin và cô chẳng biết mình có thể làm được việc gì.

Với hy vọng nhỏ nhoi tìm ra việc làm, ngày ngày cô vẫn lên xe buýt đi vào những chốn thị thành đô hội như Windsor hay Detroit nhưng cô không đủ can đảm để tiếp xúc với những nơi đăng tin cần người. Thậm chí cô còn không dám đưa tay gõ cửa! Ngày qua ngày, cô vào thành phố đi loanh quanh vô định và đến lúc sụp tối lại quay về nhà. Cha cô thường hỏi: “Bữa nay có chút may mắn nào không, Lill?” Cô thường trả lời ngoan ngoãn: “Thưa cha, không có… không có gì may mắn cả!”

Ngày tháng tiếp tục trôi qua, Lill tiếp tục lên xe buýt và cha cô tiếp tục hỏi cô về kết quả tìm việc làm. Câu hỏi càng lúc càng gay gắt hơn, và Lill biết rằng không chóng thì chầy sẽ phải gõ một cánh cửa nào đó để xin việc.

Một ngày kia, ở khu thương mại của thành phố Detroit, Lill nhìn thấy thông báo của Công ty Carhartt Overall: “Cần thư ký. Liên lạc bên trong.”

Cô leo hết dãy cầu thang dài thượt mới lên tới các văn phòng của Công ty Carhartt. Lill thận trọng và run sợ gõ ngay cánh cửa đầu tiên cô gặp. Bà trưởng phòng Margaret Costello tiếp cô. Bằng thứ tiếng Anh rất lủng củng, Lill nói rằng cô thích chân thư ký, và bịa ra rằng cô đã 19 tuổi. Bà Margaret nhận ra lời khai của cô có điều gì sai sự thật, nhưng quyết định cho cô gái trẻ một cơ hội.

Bà Margaret đưa Lill đi qua một văn phòng làm việc cũ kỹ của Công ty Carhartt. Đứng trước những dãy dài đầy người ngồi bên máy đánh chữ, Lill có cảm giác như hàng trăm cặp mắt đang nhìn cô chòng chọc. Cúi gầm mặt ngó xuống, cô gái con nhà nông miễn cưỡng nối gót bà Margaret đi tới cuối căn phòng tối tăm. Bà Margaret cho cô ngồi trước một máy đánh chữ và bảo: “Lill, hãy chứng tỏ cô thực sự giỏi cỡ nào đây.”

Bà yêu cầu Lill đánh máy một lá thư và bỏ đi. Lill nhìn đồng hồ thấy đã 11 giờ 40. Ai nấy sắp sửa rời văn phòng để ăn bữa trưa. Lúc ấy, cô nghĩ rằng mình có thể đi lẫn vào đám đông để đánh bài chuồn, nhưng cô cũng tự nghĩ là cô nên cố gắng gõ lá thư.

Lần thử sức đầu tiên, cô đánh được một dòng chỉ có năm chữ mà cô sai bốn lỗi. Cô rút tờ giấy ra khỏi máy và quẳng đi. Bấy giờ đồng hồ đã chỉ 11 giờ 45. Cô nhủ thầm: “Đúng ngọ là mình sẽ đi ra theo đám đông, và thiên hạ sẽ chẳng bao giờ gặp lại mình nữa.”

Lần thử sức thứ hai, Lill đánh được trọn một đoạn thư, nhưng vẫn mắc nhiều lỗi. Cô lại rút tờ giấy ra khỏi máy, quẳng đi và khởi sự làm lại. Lần này cô gõ xong trọn lá thư, nhưng tác phẩm của cô vẫn rải rác nhiều lỗi. Cô nhìn đồng hồ: “11 giờ 55, năm phút nữa là thoát!”

Đúng lúc ấy, cánh cửa ở đầu kia văn phòng mở ra và bà Margaret bước vào. Bà tiến thẳng về phía Lill, đặt một tay lên bàn và tay kia đặt trên vai cô gái. Bà đọc lá thư và dừng lại… Rồi bà bảo: “Lill à, cô làm tốt đấy chứ!”

Lill sững sờ. Cô nhìn lá thư, rồi ngước nhìn bà Margaret. Bằng những lời khích lệ đơn giản ấy, nỗi ham muốn trốn chạy nơi cô đã tan biến và lòng tự tin bắt đầu nảy nở. Cô nghĩ: “À nếu bà ta nghĩ là tốt thì hẳn nhiên phải là tốt. Mình sẽ ở lại đây tiếp tục làm.”

Quả thực Lill đã trụ lại công ty Carhartt Overall suốt… 51 năm, trải qua hai trận thế chiến và thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Cô đã làm việc cho công ty Carhartt Overall qua 11 đời tổng giám đốc và sáu đời thủ tướng Canada. Tất cả chỉ vì có một người đã thấu hiểu và trao tặng cho cô gái trẻ nhút nhát, thiếu tự tin một món quà là lòng tự tin khi cô gái ấy gõ đến cửa tìm việc.

* * * * *

Mẹ Têrêsa Calculta (Ấn Độ) đã có lần phát biểu: “Những lời tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng âm vang của chúng lại thực sự bất tận.

Thực vậy, lời nói dịu dàng của lòng nhân ái có sức mạnh nâng đỡ phi thường.

Chánh Tuân

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời