Bài Vở Cũ Giới trẻ

VietNhanNgayNhaGiao2011 NguyenQuangVinh

Viết nhân ngày nhà giáo 20/11

1. NHỮNG TẤM LÒNG HỌC TRÒ

Là người thầy đứng trên bục giảng, người ta cảm thấy phần thưởng cao quý nhất dành cho mình không phải là những lời khen, những món quà, mà là tấm lòng học trò. Thỉnh thoảng đó đây trong cuộc đời, người ta đưa tin trò đánh thầy, phụ huynh mắng thầy, nhưng xét chung người ta vẫn còn tin vào truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống mà nếu không có, nghề giáo đã chết từ lâu rồi. Trên một chuyến xe về Đồng Nai, tôi ngồi cạnh một bà cụ, và bà hỏi tôi: “Cháu làm nghề gì?” Tôi đáp thờ ơ: “Dạ cháu đi dạy”. Bà liền chép miệng: “Tội nghiệp cháu quá”. Tôi định nói với bà rằng cũng không đáng tội nghiệp đâu bà ạ, bởi vì cuộc đời con người đâu chỉ đơn thuần tính bằng lương bổng. Tôi định nói, nhưng chắc ít người hiểu, rằng đối với người đứng trên bục giảng, thì phần thưởng lớn lao nhất vẫn là những tấm lòng học trò. Ngày 20 tháng 11 hàng năm, học trò tưng bừng mừng thầy cô của mình, đó không phải là nét đẹp sao? Nhưng nét đẹp ấy chỉ là con số không so với tấm lòng được biểu lộ qua những ánh mắt và lòng trân trọng từng ngày. Có một người học trò mang đến nhà tôi một lọ hoa đẹp lúc tôi vắng nhà và ghi giấy để lại: “Em biết thầy không nhận quà của học trò, nhưng em xin tặng thầy lọ hoa do chính tay em làm. Xin phép thầy em không ghi tên vì em sợ thầy la”. Bạn tôi kể lại có những người học trò luôn âm thầm gửi cho anh những tấm thiệp mà không bao giờ ghi tên. Những tấm lòng ấy là niềm an ủi lớn lao cho nghề mà chúng tôi đã chọn lựa. Và dĩ nhiên chúng tôi không thể kể hết những tấm lòng ấy.

2. CHUYỆN QUÀ CÁP

Nhưng có một điều tôi có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng tấm lòng không bao giờ đồng nghĩa với những món quà. Có những món quà biểu lộ tấm lòng, nhưng không bao giờ là đủ so với tấm lòng người tặng quà. Nếu món quà được xem là bằng với tấm lòng thì tội nghiệp tấm lòng quá! Và ngược lại, có những món quà lớn mà không hề biểu lộ chút lòng nào. Người ta không quên đã từng có những món quà lớn tặng thầy cô ngày 20 tháng 11 chỉ mong thầy trả lại bằng những điểm số lớn. Không phải vô cớ mà có những người học trò thắc mắc rằng nếu thầy nhận quà mà thầy không cho điểm cao thì hoá ra thầy không biết điều! Và bất cứ nhà giáo nào cũng còn nhớ những chuyện buồn xảy ra vào ngày nhà giáo thỉnh thoảng xảy ra ở một số trường nào đó, khi có mấy nhà giáo đòi quà học trò khiến cho phụ huynh và dư luận khá bất bình.

Ở một trường nọ có một học trò đem quà đến tặng thầy và nói: “20 tháng 11 không tặng quà kỳ lắm thầy ơi!”. Và không ít nhà giáo đã nghe học sinh than thở “không biết người ta tặng quà thầy cô mà mình không tặng thì số phận mình sẽ ra sao” (!). Người viết bài này đã chứng kiến cảnh những học trò không đủ tiền đóng học phí, không dám mua giáo trình, vẫn phải cùng bạn bè góp phần mừng thầy cô 20 tháng 11! Có một vị có chức quyền ở đại học nọ, khi nghe tôi nói rằng có nhiều sinh viên không đóng học phí được vì nghèo quá, vị đó la lên: “Không có tiền mà bày đặt đi học!”. Tôi bàng hoàng y như chính người bị hạ nhục, và vì quá bất bình, tôi đã phải thốt lên lời hơi nóng nảy. Nhưng cuộc đời này mà tính toán như thế thì buồn quá. Tuổi trẻ đừng nên nói cùng với Francois Sagan rằng: “Bonjour, la tristesse” (Buồn ơi, xin chào). Không ít thầy cô khi phải nhận những món quà từ học trò, vừa cảm động vì tấm lòng của họ và vừa lo lắng cho hoàn cảnh của họ. Và cũng không lấy gì làm phấn khởi cho lắm khi mà người ta thấy ngày 20/11 trên đường phố có những chiếc giỏ xe chở đầy, không phải hoa phượng, mà là những gói quà to tướng. Tôi chợt nghĩ đến những người học trò trọ học không đủ tiền ăn cơm, và xin phép nhạc sĩ Vũ Hoàng để ngâm nga: “Những chiếc giỏ xe chở đầy quà cáp, thầy chở bữa cơm chiều của em đi đâu?”

3. VÀI ĐỀ NGHỊ
Đã thành lệ, ngày nhà giáo 20 tháng 11 học trò thường tặng quà tặng hoa cho thầy cô giáo. Người viết bài này từ những nhận xét thực tế, xin đưa ra vài đề nghị. Thứ nhất là việc học trò mừng thầy cô là chỉ có ý nghĩa mừng, chứ không phải là học trò, thay mặt cho những người có trách nhiệm, lo cho đời sống thầy cô giáo. Thứ hai, để trong học đường có tính công bằng và những học trò nghèo khỏi mặc cảm trước bạn bè, và để việc mừng thầy cô đơn thuần phát xuất từ tấm lòng, nên chăng thầy cô chỉ nhận thiệp và một hai cánh hoa tượng trưng tấm lòng, tuyệt đối không nhận quà duới bất cứ hình thức nào. Quà tặng bao giờ cũng biểu lộ tấm lòng, nhưng vì những lý do như đã nêu, thầy cô nên từ chối quà tặng vật chất. Và phụ huynh cũng phải hiểu cho thầy cô giáo, tránh cho thầy cô những trường hợp khó xử. Thứ nữa, trong học đường, việc mừng thầy cô là do học trò, chứ không phải do thầy cô đứng ra tổ chức. Người ta vẫn thấy ở nhiều trường phổ thông, chính thầy cô trang hoàng, cắt chữ chào mừng. Điều này nhiều khi gây ra nhiều ngộ nhận.

Khi chọn nghề giáo, người ta chọn làm việc với con người. Và khi làm việc với chính con người, thì tâm hồn con người vẫn là phần cao quí vượt lên trên mọi thứ khác.

Lê Quang Vinh, giáo viên

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời