Giáo Lý

GIA ĐÌNH VÀ GIÁO XỨ

GIA ĐÌNH VÀ GIÁO XỨ
Gia đình bạn là thành viên của một gia đình rộng lớn hơn, đó là Giáo xứ.
Giáo xứ là một cộng đoàn các tín hữu cùng cư ngụ trong một ranh giới đã được Đấng Bản Quyền ấn định, để cùng nhau xây dựng Nước Chúa và xã hội theo tinh thần Chúa Kitô và trong sự hiệp nhất với Giáo Hội toàn cầu[1].
Như vậy, giáo xứ là gia đình Mẹ: gia đình nầy gồm các cá nhân liên kết với nhau bằng giây liên kết họ hàng thiêng liêng nhờ bí tích Rửa tội[2]. Do đó, những sinh hoạt trong giáo xứ phải biểu lộ tình đoàn kết, tương trợ, yêu thương thắm thiết như anh chị em trong một nhà. Vì thế gia đình bạn có liên hệ chặt chẽ với giáo xứ và có trách nhiệm làm phát triển giáo xứ.
I. Liên kết với Linh mục quản xứ và với mọi thành viên trong giáo xứ
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành, đang tiến tới viên mãn là Nước Trời. Nơi Cộng đoàn giáo xứ, Dân Thiên Chúa bao gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân. Tuy mỗi thành phần có vai trò riêng, nhưng tất cả đều có bổn phận xây dựng giáo xứ thành một Cộng Đoàn Dân Chúa, một cộng đoàn được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, dân tộc thiên sai[3]. Chức linh mục cộng đồng và chức linh mục thừa tác tuy khác nhau về bản chất và cấp bậc, song cả hai bổ túc cho nhau và phục vụ lẫn nhau.
Nhờ bí trích Truyền Chức, linh mục lãnh trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn, chịu trách nhiệm tổng quát về tinh thần và mọi sinh hoạt tôn giáo trong giáo xứ, trở nên người phục vụ đoàn chiên. Các tu sĩ nam nữ, nhờ hồng ân thánh hiến, họ được mời gọi sống thánh thiện và phục vụ Giáo Hội, qua việc cộng tác tích cực và siêu nhiên với linh mục quản xứ. Đời sống tu trì luôn gắn liền với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.
Đáp lại, người giáo dân luôn thành tâm tôn kính và yêu mến các mục tử của mình, và những người cộng tác phục vụ với các ngài: bằng sự khiêm tốn góp ý kiến xây dựng, nhiệt tình cộng tác trong mọi sinh hoạt và làm chứng tá đức tin bằng đời sống tốt đep. Gia đình bạn hãy ý thức trách nhiệm nầy, để không đứng ngoài nhìn vào như một người qua đường, hay như một người ở trọ, nhưng xử sự như một người nhà của giáo xứ [4].
II. Cộng tác với giáo xứ
Là thành viên của giáo xứ, gia đình cảm thông, chia sẻ tâm tình, giúp đỡ và ưu tư với nhịp sống của giáo xứ. Sự cảm thông và chia sẻ ấy phải được thể hiện trong việc tham gia:
1-Công tác phụng vụ
Cùng một lòng và một linh hồn với giáo xứ, gia đình sốt sắng tham gia đời sống cầu nguyện và các cử hành phụng vụ, nhất là Thánh lễ chúa nhật. Gia đình thu xếp công việc để các thành phần gia đình tham dự phụng vụ kịp thời, đầy đủ, có ý thức, linh động và hữu hiệu[5]. Tâm tình bên trong được biểu lộ ra bên ngoài bằng y phục chỉnh tề kín đáo, ngồi ở vị trí thuận lợi, không sử dụng điện thoại, không bỏ ra ngoài hút thuốc hay nói chuyện, không ra về khi thánh lễ chưa chấm dứt và sống tinh thần Thánh lễ là hiệp nhất, yêu thương và phục vụ.
Tham gia các công tác chuẩn bị cho phụng vụ, như: Quét dọn lau chùi nhà thờ, khuôn viên; trang hoàng cung thánh, bàn thờ; tập dượt thánh ca; dọn các bài đọc, rao lịch, rao hôn phối, bài giáo huấn; sắp xếp chỗ ngồi, giữ gìn trật tự trong ngoài nhà thờ khi cử hành phụng vụ. Những công việc nầy có công hiệu giúp tạo bầu khi nghiêm trang cho cộng đoàn cử hành phụng vụ. Đừng ích kỷ, hẹp hòi,  nhưng hãy nghĩ đến ích chung của cộng đoàn.
2-Công tác giáo lý
Giảng dạy gio lý là sứ mệnh và là công tác hết sức cần thiết của Giáo hội. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã nhắc nhở:“Làm sao kêu khẩn được Đấng họ không tin? Làm sao họ tin được Đấng họ không nghe? Làm sao họ nghe được, nếu không có người rao giảng” (Rm 10,14). Đức Gioan-Phaolô II trong Tông Huấn Dạy Giáo Lý, đã lưu ý: “Việc dạy giáo lý trong gia đình phải đi trước, đi chung và tăng cường các hình thức dạy giáo lý khác” (số 12).
Công tác dạy giáo lý rất quan trọng và cần thiết cho người dự tòng, cũng như cho các tín hữu, để bảo vệ và củng cố đức tin. Vì thế, gia đình bạn hãy cộng tác tham gia với giáo xứ, bằng việc: dạy giáo lý cơ bản cho con cái mình, tạo điều kiện cho con cái đi học giáo lý và tham dự những sinh hoạt giáo lý, kiểm soát và khuyến khích chúng; tham gia dạy giáo lý, giúp đỡ đào tạo giáo lý viên bằng tinh thần vật chất.
3-Chăm sóc bệnh nhân
Chăm sóc, yêu thương những bệnh nhân, người già yếu, là truyền thống của Giáo Hội Chúa Kitô. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dành tình yêu thương và sự quan tâm của Người cho các bệnh nhân thể lý cũng như tinh thần: “Ngươi ta đem đến cho Người những kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám, tất cả thành tụ tập trước cửa nhà, và Người đã chữa nhiều người đau ốm mắc đủ chứng bệnh” (Mc 1,32-34). Rồi khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Người cũng đã ban quyền và dạy họ bắt chước công việc của Người:“Đi giảng cho người ta hối cải và xua trừ ma quỷ, xức dầu mà chữa nhiều kẻ ốm đau” (Mc 6,12-13).
Noi gương và vâng lệnh Chúa, gia đình của bạn hãy đặc biệt quan tâm, chăm sóc, thăm viếng những người bệnh, người già trong giáo xứ. Hãy góp phần vật chất với giáo xứ, với các đoàn thể: một ký gạo, một món tiền, một phần quà…tuy nhỏ bé, nhưng nếu được làm cách vui tươi và với tất cả tấm lòng yêu thương, thì sẽ có giá trị lớn lao. Các việc ấy là công phúc sẽ theo gia đình bạn về đời sau. Mọi sự sẽ qua đi và suy tàn, nhưng lòng bác ái thì tồn tại mãi mãi.
Ngoài ra, còn rất nhiều cơ hội khác mà giáo xứ rất cần đến sự hỗ trợ, cộng tác của gia đình bạn, đừng hẹp hòi từ chối, nhưng hãy quảng đại góp phần.
Lm Anphongsô Nguyễn Công Vinh
GPPHANTHIET.COM

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời