Truyện Ngắn Tùy Bút Văn Nghệ Văn Xuôi Trưởng Thành

Nước Mắt Con Chó (tùy bút)

Nước Mắt Con Chó

Tên của con chó là Bẹc. Nó màu nâu đen, nhìn rất lanh lợi. Thật ra nó là giống Berger của Pháp.
Không biết ở đâu mà chú Soạn có được nó. Chú nuôi nó từ nhỏ và cũng được gần hai năm rồi.
Chú Soạn là bạn của ba, nhưng chú đi học tập chỉ có ba năm là được về. Hai ngày trước hôm
chú vượt biên, chú chở con Bẹc đến nhà tôi. Chú ngồi nhìn anh em tôi chơi với con chó, không
nói gì. Lúc ra về, chú nói nhỏ với tôi chú phải trốn đi gấp khỏi Sài Gòn. Chú nói chú thấy con
chó thích tôi nên chú muốn để lại cho tôi. Chú nói vui là con Bẹc thuộc dòng họ danh giá nhưng
sinh ra trong thời đói khổ nên gì cũng ăn được (!) và ngoan lắm. Chú nói vậy có lẽ vì chú sợ
chúng tôi cũng đang khó khăn thì lấy gì mà nuôi được nó. Thật ra tôi không có nhu cầu gì cần
đến con chó, nhưng thấy nó đẹp quá và có nó thì vui. Chợt nghĩ nếu dắt nó đi chơi, khoe mẽ
với bạn bè thì cũng hãnh diện, nên nhận lời ngay.

Con Bẹc ở với chúng tôi được hơn một tuần thì chắc đã hiểu rằng chú Soạn đi không quay lại
nữa. Nó không còn ngồi buồn như mấy ngày đầu ở nhà tôi, mà bắt đầu biết đây là nhà của
mình. Nó dần biết chấp nhận phần ăn khi có khi không, biết đi ra chợ Nghĩa Hòa gần đó để kiếm
ăn, để nghe các chủ sạp chửi, đuổi đi, nhưng cũng có khi thương hại ném cho một ít xương xẩu
không ai thèm mua nữa. Hình như nó cũng thấy sống vậy là đủ vui rồi nên lúc nào nhìn cũng
lanh lợi, đôi tai dựng đứng và đặc biệt với đôi mắt màu hạt hạnh nhân, viền mắt có lông nâu
đậm, hơi xếch nhưng không lồi, đẹp lắm! Không chỉ lanh lợi, nó còn rất ngoan và chẳng bao giờ
làm phiền anh em tôi về vụ phóng uế cả. Dầu vậy, sau vài tháng anh em tôi đều thấy rằng con
Bẹc quả là một gánh nặng. Nhất là trong những tháng ngày còn nhiều khó khăn trong cuộc sống
ở thành phố này.

Những năm tháng ngay sau tháng tư năm 75 thiệt là khó khăn. Dân thành phố như nhà tôi lại
càng khổ sở vì theo tiêu chuẩn phân phối của nhà nước thì không đủ để qua ngày. Người ta sau
này hay nói giỡn mỗi khi thấy khuôn mặt ai đầy lắng lo khổ sở là … ” bị mất sổ gạo”. Nhưng tôi
biết, dù không mất sổ gạo, nhìn mặt chúng tôi cũng đã quá khổ rồi trong những năm tháng đó:
sổ gạo dùng để đi nhận những bịch mì vụn, những củ khoai lang sùng, những bịch gạo đầy bông
cỏ về ăn, những bó củi đước ẩm mốc về làm củi nấu. Cho đến đầu năm 80, Sài Gòn bắt đầu có
những hàng hóa nhập lậu về từ Campuchia, những máy móc cũ từ Nhật qua đường tàu thủy,
những kiện hàng do Việt kiều gửi về cứu đói, v.v… Tất cả làm nên một thị trường ngấm ngầm
không biển báo, không quảng cáo. Thị trường đó lại đẻ ra các quán nhậu, các quán cà phê, mọc
lên nhan nhản gần khu Bảy Hiền, Ông Tạ. Má tôi “hội nhập” thị trường đó bằng gánh bán cải
chua ở chợ Nghĩa Hòa, em tôi thì bằng một xe bán nước rau má và khoai mì luộc rắc dừa nạo.
Đó là vào năm 1980. Từ lúc ăn cơm độn khoai mì cho bữa chính, đến lúc ăn chơi bằng khoai mì
rắc dừa nạo mất cũng gần 5 năm. Mỗi lần cưỡi chiếc xe đạp cọc cạch qua tấm biển lớn ở
đường Lê Văn Duyệt nay thành Cách Mạng Tháng Tám với dòng chữ “Tiến nhanh tiến mạnh lên
chủ nghĩa xã hội”, tôi thấy nghẹn họng và ứa nước mắt như ăn phải một củ khoai mì quá nhiều
bột !!!

Tôi cũng len chân vào dòng chảy đó, để kiếm cơm, để sống. Nhà tôi thuộc khu Nghĩa Hoà, gần
Ngã Ba Ông Tạ, khu chợ bán thịt chó nổi tiếng nhất, với sự có mặt của quán Cây Còn đã có từ
mười năm trước. Thật ra, nguyên một đoạn đường kéo dài từ ngã tư Bảy Hiền lên đến tận Hoà
Hưng được gọi là thủ đô thịt chó, vì có quá nhiều quán nhậu thịt chó nằm hai bên đường. Chẳng
hiểu tình cờ ra sao mà tôi lại dính vào các hoạt động của khu chợ này, thậm chí còn phụ bán ở
ngay quán Cây Còn một thời gian nữa. Chắc cũng là vì mưu sinh, ai cũng phải bươn chải bằng đủ
cách thôi!

Tôi phải tâm sự hơi dài dòng, chi tiết một chút về hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó. Chắc các bạn
cũng đoán được điều tôi muốn nói rồi chứ gì?! Đúng là chúng tôi không đủ sức nuôi con Bẹc
được nữa. Một tuần trước tết Canh Thân, tôi chở con Bẹc ra quán Cây Còn.

Tôi lấy cái giỏ lớn thường để chở rau cải về muối dưa cho má tôi, cho con Bẹc vào và cột chặt
giỏ vào yên sau xe đạp. Bất chấp những tiếng rên ư ử của nó vì bị quây chặt trong giỏ, tôi phóng
xe đi ra phía chợ Ông Tạ. Từ nhà tôi đạp xe khoảng 5 phút ngang qua chợ Nghĩa Hòa là đến nơi
thôi, nhưng tôi thấy hồi hộp như khi đi buôn đồ lậu vậy. Khi đi ngang một con hẽm rất nhỏ
trước khi ra đến ngã ba Ông Tạ, tôi cẩn thận nhảy xuống xe, tay cầm ghi đông đẩy đi cho chắc
ăn vì biết qua khỏi con hẽm, ngay bên phải là đến quán Cây Còn. Vừa rời khỏi yên xe, ngoái
nhìn lại, tôi bắt gặp một ánh mắt nhìn làm tôi lạnh xương sống. Từ nơi cặp mắt màu hạnh nhân
của con Bẹc, tôi chợt thấy những giòng nước mắt ứa ra …

Tôi thấy mình run rẩy và lẩy bẩy như xém bị đụng xe, thấy mình như muốn nói điều gì đó với
con chó tội nghiệp ấy. Nhưng sau một thoáng lặng người, tôi bỗng thấy mình bẻ ghi đông xe,
quay ngược đầu xe lại, nhảy lên và đạp một mạch chở nó về lại nhà.

Sau mấy ngày tết, theo sự thỏa thuận của anh em tôi và bác Tư, là mẹ của đứa em rể tôi, tôi
chở con Bẹc xuống nhà bác Tư ở Bình Dương. Nhà bác cũng khá rộng, có vườn cây ăn trái: dừa,
mận đủ loại, và đặc biệt là măng cụt. Bác Tư nhận nuôi nó để, theo như bác nói: “cho nó coi
vườn để người ta khỏi vô hái trái rồi có gì ăn nấy. Không có thì cũng như ở trển, dắt nó ra chợ
coi ăn ba cái đồ thừa sau khi chợ tan cũng được”.

Ba tháng sau, tôi mới có dịp xuống Bình Dương thăm bác Tư, tiện ghé ăn trái cây nay đã vào
mùa. Tháng Năm măng cụt chín cũng khẳm rồi, tha hồ mà ăn và bác Tư cũng muốn biếu cho má
tôi một ít. Dĩ nhiên, lúc tới nhà, con Bẹc đã nhận ra tôi từ xa và đến xà vào lòng tôi ngay. Lúc ra
vườn hái trái, nó rất rành rọt. Những trái măng cụt trên cao ném xuống được nó hứng gọn,
ngậm vào mà không thấy vết răng! Cuối ngày, chuẩn bị ra về, nó cũng quanh quẩn bên tôi hoài.
Khi đã cột bịch cây đàng sau xe và leo lên chuẩn bị đạp về lại Sài Gòn, tôi quay đầu nhìn lại, và
một lần nữa, từ trong cặp mắt màu hạnh nhân của nó, lại thấy lấp lánh giòng nước mắt, giòng
nước mắt cám ơn.

Tôi đạp xe về và tự nghĩ mình có tưởng tượng hơi quá chăng? Hai lần nó khóc ra hai loại nước
mắt khác nhau chăng? Lần này nếu không phải nước mắt cám ơn thì là gì nữa! Nó biết nó đã
được ở yên bình ở khu vườn nhà bác Tư từ sau ngày tôi “tha” cho nó, không đem đi bán ở quán
Cây Còn. Đúng là giòng nước mắt cảm ơn rồi, tôi nghĩ mình đã đọc đúng ý nó. Cũng giống như
con nít mới sanh, chúng có biết nói gì đâu nhưng nếu mình để tâm chăm sóc, mình vẫn hiểu nó
muốn gì mà. Đúng là có “để tâm” thì mới có thể hiểu được. Mà không chỉ đối với con nít, nguời
lớn như tôi vẫn có những điều người ta đâu có hiểu cho. Hiểu được cho tôi hay không trước hết
cũng do lòng của người ta thôi! Có để tâm hay không thôi!

* * *

Cho đến bây giờ, có nhiều lần các con chó đi lạc vẫn ghé qua “gõ cửa” nhà tôi. Có cả những con
chó còn to lớn hơn con Bẹc hồi xưa rất nhiều. Lần nào các con chó đều tỏ ra rất thân thiện với
tôi(*). Vợ tôi cho rằng vì tôi là tuổi Tuất, nên chó nó theo … Nhưng chỉ có mình tôi là biết được
rằng chính chuyện giữa tôi với con Bẹc đã thực sự rửa sạch tôi khỏi những ngày tháng từng
thích thú lai rai nhậu … thịt chó.

Tết Mậu Tuất 2018 D. Nguyễn Portland, OR

(*) Đúng là các chú chó luôn rất thân thiện với tôi. Duy chỉ có một lần khi tôi đang nuôi một con
chó tạm trú tên là Mimi, một hôm có gia đình người bạn đến chơi mang theo một chú chó đực
tên là Lu. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra mà sau đó con Mimi nhà tôi cứ hục hặc với tôi, sủa
liên tục và nghe lạ lắm, nghe như là “mi too, mi too”, rồi vài ngày sau biến mất!!

Follow Me:

Trả lời