Chia Sẻ Lời Chúa

Chúa nhật XXVI thường niên năm A – Vâng! Không!

Suy niệm: Mt 21, 28 – 32

Người cha trong Tin Mừng hôm nay sai hai người con đi làm vườn nho cho ông. Nhưng sự đáp trả của hai người con khác nhau: Người mau mắn chấp nhận lời đề nghị của cha, kẻ thẳng thừng từ chối không kịp suy nghĩ. Người con thứ nhất khẳng khái từ chối nhưng sau nghĩ lại, anh đi làm. Người con thứ hai nhanh nhẩu nhận lời cha nhưng không đi. Dụ ngôn nhấn mạnh đến sự vâng phục không cốt ở lời nói, nhưng là làm những gì được đòi hỏi. Sự vâng phục là cách trả lời cách cá vị cho Thiên Chúa, Đấng gọi và đòi hỏi mỗi người chúng ta đôi khi bất ngờ.

Dụ ngôn hôm nay nói về sự vâng phục. Dụ ngôn làm nổi bật giữa nói và làm, nhưng làm mới quan trọng. Người con thứ nhất trả lời: “Tôi không muốn”. Về mặt tâm lý, đây là cách khẳng định mình, tuổi muốn sống độc lập. Người con thứ hai: “Vâng, thưa Ngài.” Có vẻ khúm núm xa lạ với người cha. Cả hai trả lời cha cách khác nhau và không làm theo điều mình nói.

Cha ông ta vẫn thường nói: “Mười lần nói không bằng một lần làm”; bởi “nói hay không bằng cày giỏi”. Chúng ta đã có kinh nghiệm này là nói dễ hơn làm vì “nói trước quên sau” hay “nói đâu bỏ đấy”. Chính vì thế mà chúng ta dễ thất hứa với nhau nên mới có câu: “Một sự bất tín vạn sự không tin”. Lão Tử đã từng dạy: “Lời nói có thể tin được thì nghe không hay; lời nói nghe hay thì không thể tin được!”

Người con thứ nhất từ chối cách không ngoan thảo và chúng ta có thể gán cho anh là bất hiếu không thương cha, phụ tình cha. Lời nói của anh nghe không dễ, không hay, nhưng người cha có thể tin anh vì thấy những việc anh làm. Sau khi từ chối, anh khiêm tốn nhận ra khuyết điểm của mình và sửa đổi. Anh thương Cha đã hy sinh cả đời cho anh. Và anh đã coi ý muốn của cha là của mình nên hết tình làm theo ý cha. Còn người em của anh trả lời cha rất ngoan thảo, nhận lời cha cách mau mắn, nhưng anh chủ trương sống bề mặt cho cha vui, rồi sau đó lẩn tránh. Lời nói của anh như gió bay như mây cuốn. Anh không cần biết hậu quả ra sao. Anh chỉ cần nói ngon, nói ngọt, nói cho xong chuyện. Nhưng anh đâu có ngờ anh “nói lời lại nuốt lời”, anh là người thiếu tự trọng.

Chúng ta không hiểu tại sao người con thứ nhất từ chối? Có thể anh nghĩ như phần lớn chúng ta ngày nay: Tại sao lại là tôi mà không phải là ai khác? Tôi đã có công việc của tôi. Tôi đã lên chương trình cho mình. Công việc của tôi trọng hơn. Cũng có thể ngày hôm đó anh khó chịu, không thoải mái khi làm theo ý cha. Nhưng trong ngày, anh nghĩ lại bổn phận của anh đối với cha và anh thay đổi. Cha anh rất hài lòng về anh.

Người con thứ thưa vâng với cha nhưng anh không đi. Có thể anh cũng muốn giúp cha nhưng anh quên hay tệ hơn anh nhận để cha vui, nhưng sau anh rút lời vì thấy nó thật khó để làm theo ý cha, nào phải tốn sức, tốn công, thậm chí phải “quên mình”, phải “hy sinh”. Tốn sức, tốn công thì anh có thể, nhưng “hy sinh, quên mình” là một vấn đề thật nan giải đối với anh.

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thấy hai từ: “vâng” và “không” này luôn lặp đi lặp lại trong đời sống chúng ta. Cả hai người con này trong chúng ta: Chúng ta giống người con thứ hai hứa đấy nhưng không giữ lời hứa. Chúng ta có những quyết tâm quan trọng nhưng không giữ. Chúng ta thề hứa rất nhiều nhưng không thực hành. Từ lời nói đến hành động rất xa nhau như từ khối óc đến bàn tay.

Chúng ta cũng có cảm nghiệm người con thứ nhất nơi chúng ta khi chúng ta nhận ra sự sai trái của mình và thành tâm sám hối. Trong quá khứ chúng ta có thể là người tội lỗi nhưng nhờ ơn thánh của Chúa chúng ta được biến đổi. Nhiều người không tin Thiên Chúa nhưng sau trở lại với Chúa và sống đời ki-tô hữu tốt lành. Họ là người con thứ nhất từ chối lời kêu gọi của cha nhưng sau họ nhận ra tình yêu của cha và sống hết tình với những đòi hỏi của Cha.

Thiên Chúa cho chúng ta tự do để nói lời “có” hay “không” với Ngài. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói “ có” với Thiên Chúa nhưng không làm những điều Chúa dạy là người giả dối. Chúng ta tuyên xưng niềm tin nhưng không sống đức tin thì giống như người giả hình.

Hai anh em sau khi nhận lời cha có sự thay đổi. Sự thay đổi lối nghĩ đưa đến hành động, nhưng sự thay đổi trái tim mới dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn trong cuộc sống. Sự thay đổi này là động lực của tình yêu. Và từ nay người con cả sẽ làm không phải vì tròn bổn phận chữ hiếu, nhưng còn là làm cho cha vui lòng, cho cha hạnh phúc.

Tất cả chúng ta được mời gọi hoán cải vì hoán cải cần thiết để được vào Nước Trời. Và còn hơn cuộc hoán cải nữa là được thực sự gặp gỡ Thiên Chúa.

Hôm nay Chúa Giê-su làm cho chúng ta suy nghĩ về thái độ mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa: “Thật ta bảo các ngươi: những người pharisiêu và những người đĩ điếm vào Nước trời trước các ngươi.” Những người này trước đây không nhận Lời vì họ không muốn nghe. Nhưng Lời âm thầm vang lên từ đáy sâu lòng họ và một ngày nào đó họ không chịu nổi lời mời gọi âm thầm đó và họ đã để cho Lời lan tỏa nơi con người họ. Họ chính là người con thứ nhất này. Họ không do dự tin vào những dấu chỉ của Thiên Chúa, mặc dù họ không mấy tốt đẹp trong cuộc sống. Chúa Giê-su luôn tỏ lòng thương xót đối với những người theo Ngài dẫu họ tội lỗi. Trái lại, Ngài rất khó chịu với những người giả hình đạo đức và ngăn chặn Ngài đến với con người.

Chúa Giê-su không phải là người dạy luân lý, càng không phải là người theo chủ nghĩa cầu toàn. Ngài không xây dựng một Giáo Hội thuần khiết. Ngài muốn tụ họp mọi người trong một cộng đồng cứu độ. Người đến không phải cho những người công chính mà là kẻ tội lỗi. Ngài đến với những người mù chứ không phải đến với những người tưởng mình sáng. Ngài ăn uống với người tội lỗi.

Chúa biết chúng ta là những người tội lỗi và Ngài cũng biết tự sức chúng ta không thoát khỏi tình trạng này. Nhưng điều Ngài xin là chúng ta nhận biết Ngài như Đấng Cứu Độ duy nhất và yêu Ngài hơn mọi sự để có thể làm tất cả những gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Vị Giáo Hoàng đầu tiên đã có kinh nghiệm này: Ngài nói không với Chúa nhưng sau khi Chúa sống lại Ngài đã thưa có với Chúa trong lòng mến yêu tha thiết.

Ở Núi Sinai, dân Israel đã nói vâng với Thiên Chúa trong sự cam kết giữ luật Chúa,  nhưng  sau họ lại quay đầu lại. Lời vâng đầu tiên đó đã chống lại họ. Chúa Giê-su đã cảnh cáo loại người chấp nhận rồi lại quay ngược lại: “Không phải những kẻ thưa với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu. Nhưng những kẻ làm theo ý Cha Ta mới được vào” (Mt 7,21). Và Thánh Gioan cũng dạy chúng ta: “Đừng yêu nhau ở đầu môi chót lưỡi nhưng yêu bằng hành động và chân lý.” (1Ga 3,18)

Dụ ngôn hôm này nhấn mạnh vào người con thứ, chỉ những người nói vâng ở đầu môi chót lưỡi mà không hành động. Người công chính có sức thuyết phục không phải chỉ bằng lời nhưng còn trung thành làm theo ý Chúa cách tỉ mỉ. Chúa Giê-su nhấn mạnh vào Nước Trời là những người thực hành sứ điệp Tin Mừng. Thiên Chúa cần những người nhiệt tình hy sinh quên chính mình để xung phong vào vườn nho của Ngài. Thiên Chúa cần những người tội lỗi nhiệt tình  hoán cải theo Ngài chứ không phải những người tưởng mình thánh thiện rồi từ chối Ngài.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta thực hành những mệnh lệnh của Chúa trong tình yêu để không  bao giờ từ chối lời mời gọi yêu thương của Ngài.

 Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Nguồn: daminhtamhiep.net

http://daminhtamhiep.net/2020/09/vang-khong-sn-chua-nhat-xxvi-tn-nam-a/
Follow Me:

Trả lời