Bài Vở Cũ Công Tác Xã Hội Tin Tức

Bài chia sẻ của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan với các sinh viên tu sĩ tốt nghiệp nghành Xã Hội Học ngày 8/2/2006

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VÀ CỦA CHÚNG TA HÔM NAY

(Bài chia sẻ của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan với các sinh viên tu sĩ tốt nghiệp nghành Xã Hội Học ngày 8/2/2006)

1. Nhìn vào cuộc đời hành động của Chúa.

Hoạt động xã hội nhằm phục vụ con người, và đối với chúng ta, quan điểm con người phải phù hợp với phẩm giá tự nhiên và cả siêu nhiên làm cho phẩm giá đó được nâng cao, được thần hoá, con người của mặt đất nầy và con người trong thế giới mới.

Một thoáng nhìn lại ba năm loan báo Tin mừng của Đức Giêsu, Tin mừng Ngài được định hướng là “Tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18) mà Ngài công bố tại hội đường Nazareth năm 31.

Hội Đồng Chủ Tịch năm thánh 2000 cho ra một văn kiện với tựa đề “Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất trần gian” đã xác định: “Tin mừng Nước Trời được Đức Giêsu loan báo và thực hiện đó là việc Ngài chiến thắng bệnh tật thể lý, tâm lí và tinh thần”.

Và khi phái đoàn của thánh Gioan Tẩy Giả đến phỏng vấn Chúa có phải là Đấng phải đến không, thì Ngài không trả lời trực tiếp mà lại đem ra một dung mạo có tính cách xã hội, làm người ta phải ngạc nhiên. “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng” ( Mt 11,4 – 8)

Với dung mạo đó, ta thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa nhằm con người toàn diện, con người thể lí và tâm hồn được giải phóng khỏi quyền lực của ác thần. Ơn cứu độ tiết lộ từ những kinh nghiệm tại chỗ về sự phục hồi sức khoẻ thể xác, và giải thoát về mặt tinh thần. Câu chuyện Chúa chữa lành người bại liệt ở Carphanaum cho thấy rõ rệt: Chúa vừa làm cho người bại liệt được lành mạnh và về mặt tâm hồn Ngài phán: “Con đã được tha tội rồi”. Nhờ lòng tin của họ mà ơn cứu độ đã đến cho người bại liệt. Chúa lại muốn chứng tỏ những ai tin Ngài thì được Ngài giải thoát khỏi mọi sự dữ thể xác cũng như hồn.

Để thực hiện chương trình cứu độ, hành động của Ngài qua ba năm trời rao giảng và hành động, Ngài đã tóm gọn lại trong câu nói bất hủ: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc10,45) Câu nói này gồm tóm cả hai nội dung hành động con người cả hồn lẫn xác.

Đặc điểm của hành động phục vụ là tính phổ quát, tất cả mọi người đều đáng được phục vụ và đem về ơn cứu độ. Không ai có thể tự hào đứng ngoài ơn cứu độ. Vì thế trong khi người luật sĩ biệt phái xếp loại con người thành lớp: Người nghèo, người bệnh nan y, người tội lỗi đủ loại đều bị loại khỏi ơn cứu độ, thì Chúa Giêsu đã ôm ấp tất cả vào lòng Ngài, để yêu thương vỗ về và hoán cải mặc dầu làm như vậy là gây nên cớ cho người ta phê phán Ngài kịch liệt.

Trẻ em, phụ nữ, những người nghèo khổ dễ bị tổn thương nhất, lại là những đối tượng Ngài đặc biệt quan tâm để bênh đỡ, vì tình yêu Ngài vốn là tình yêu chia sẻ, thông cảm hoàn cảnh của từng con người một.

Thoáng nhìn qua cuộc sống của Chúa ta có thể thấy định hướng hoạt động xã hội của chúng ta hôm nay.

2. Định hướng cho chúng ta.

Định hướng đầu tiên của hoạt động xã hội của chúng ta nhằm con người toàn diện. Khoa học nhìn con người như một đối tượng lạnh lùng để nghiên cứu. Chính trị nhìn con người như phương tiện để đạt tới mục đích của nó. Kinh tế thị trường nhìn con người như một thành phần của những tương quan sản xuất và sở hữu, con người không hơn chi hàng hoá. Đó là những hoạt động chính con người điều khiển, nhưng lại làm tha hoá, làm vong thân con người. Con người không được tôn trọng như một chủ thể có nhân cách, có phẩm giá bất khả xâm phạm.

Con người xét về phương diện tự nhiên đã là một chủ vị ưu việt, mà ai cũng biết được, đó là con người có lý trí, có lương tri, có ý chí tự do và trách nhiệm về chính mình. Con người có một sinh hoạt tinh thần hướng tới hoàn thiện chính mình về phương diện đạo đức luân lý.

Đối với chúng ta, dưới ánh sáng mạc khải ta thấy con người còn có một phẩm giá siêu việt, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh của Ngài, có khả năng đối thoại với Ngài, có khả năng để đồng sáng tạo với Ngài. Con người còn là ông chủ trông coi và biến đổi vạn vật, và không thể để cho vạn vật biến đổi mình. Vị thế con người cao trọng đến nỗi, như công đồng Vatican quả quyết: “Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian nầy, được Thiên Chúa dựng nên cho chính mình họ”.

Trong trật tự cứu độ con người còn được ơn gọi làm con Thiên Chúa. Điều nầy đã nâng phẩm giá con người đến độ: “Trong căn bản, mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm con người làm thành một mầu nhiệm duy nhất”.

Cho nên khi phục vụ con người toàn diện là con người với ba chiều kích: tự nhiên, siêu việt và thần linh.

3. Hướng về thực hành.

Trong tình yêu Chúa Kitô và theo mô hình làm việc của Ngài, chúng ta liên đới với người nghèo với nhiều diện dạng của nó.

Nghèo vật chất, nghèo tinh thần, nghèo văn hoá, nghèo tự do…Tin mừng ngày phán xét chung cho ta thấy tình liên đới nầy là một đòi buộc quan trọng khôn lường, có ảnh hưởng đến số phận đời đời của chúng ta.(Mt 25, 31 – 46).

Trong viễn cảnh đó chúng ta hướng hành động đến sự góp phần xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và huynh đệ, trong đó người nghèo, kẻ bị bỏ rơi thấy được một viễn cảnh tươi sáng xứng với nhân phẩm của mình.

Sau đây là mô hình thực tế chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi có một cộng đoàn gọi là Cộng Đoàn Bác Ái Xã Hội. Cộng đoàn nầy chia làm hai ngành nam và nữ mỗi ngành lại chia từng nhóm theo khả năng và cũng như sở thích hoạt động. Địa bàn hoạt động là nông thôn.

A. Ngành nam: Gồm năm nhóm:

  1. Phát triển cộng đồng
  2. Xây cất nhà tình thương
  3. Trồng và chế biến thuốc nam.
  4. Ký túc xá rẻ tiền.
  5. Thú y rẻ tiền và hiện đại hoá chăn nuôi.

Lấy thí dụ nhóm

Nhóm phát triển cộng đồng, gồm những thành viên đã tốt nghiệp Đại Học Nghành Xã Hội Học, và Đại Học Nông Nghiệp.

Nhóm nầy chuyên khảo sát các khu vực dân cư, tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng, nhằm rút ra được những tầng lớp nghèo nhất của cộng đồng. Phát hiện những tiềm năng sẵn có để thực hiện dự án một cách có hiệu quả.

Hiện giờ chúng tôi đang thực hiện dự án “Tín dụng chăn nuôi”. Mục tiêu của dự án nầy là hiện đại hoá chăn nuôi để tăng nhanh thu nhập cho đồng bào nông thôn. Dĩ nhiên trong giai đoạn nầy chỉ có thể nuôi heo và bò. Chăn nuôi cổ truyền của chúng ta còn rất lạc hậu.

Chúng tôi tổ chức một trại heo nái, giống siêu nạc, và nuôi heo con tới 20kg (45 ngày từ khi đẻ). Chúng tôi phát cho mỗi gia đình 6 con, để nuôi đến 100 kg trong vòng ba tháng. Ngoài việc giúp đỡ về thú y, còn giúp đỡ về kỷ thuật chăm sóc, xây cất chuồng trại và tổ chức mậu dịch phi trung gian. Nghĩa là thực phẩm được đem từ nhà máy tới người nuôi, không phải qua dịch vụ bán lẻ. Hai là con heo tới ngày bán cũng đem tận Sài Gòn, tránh người mua lẻ. Sau khi bán, dự án lấy vốn lại và tiếp tục lứa nuôi khác.

Một chuồng heo như thế, người phụ nữ chỉ mất mỗi ngày khoảng 20 – 30 phút, tính sổ lại, sau khi bán, lương mỗi bà tương đương 200.000/1 tháng.

Nếu đạt mục tiêu mỗi lứa 10 con, lương mỗi bà 1.000.000/ 1 tháng.

Hiện đại hoá chăn nuôi tránh được rủi ro bệnh tật 90%.

Chưa hết, còn tổ chức lấy phân heo trồng 100 m2 cỏ, lấy cỏ nuôi một con bò nghé cái, ba năm sau con bò giá gần 10 triệu đồng, đó là tiền tiết kiệm. Nếu con đẻ đầu tiên là cái thì ba năm thành năm con, lợi tức đạt tới 20 triệu.

Nếu trong vườn còn đất, lấy phân bò nuôi cá. Hai lứa heo, một lứa cá cũng kiếm được 3 – 4 triệu.

Chương trình cho mượn tín dụng là 4 năm. Sau đó chuyển tín dụng cho người khác. Vốn vẫn nguyên xi.

Chương trình nầy cổ vũ tình đoàn kết, học hỏi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong nhóm chăn nuôi.

B. Một mô hình dành cho nữ.

1. Nghành nữ gồm năm nhóm:

  1. Nuôi bò sữa với mục đích giúp trẻ em suy dinh dưỡng và người già yếu thiếu bồi dưỡng.
  2. Nhóm thứ hai may mặc giúp áo quần cho người rách rưới.
  3. Nhóm thứ ba: Săn sóc sức khoẻ bằng Đông Nam y và Y học cổ truyền cho dân nghèo.
  4. Nhóm thứ bốn: Ký túc xá rẻ tiến cho học sinh nữ.
  5. Nhóm thứ năm: Phục hồi giúp đở người khuyết tật, phung cùi bãi liệt…

2. Kinh nghiệm nhóm săn sóc sức khoẻ

Nhóm này gồm 15 em, 9 em tốt nghiệp trung cấp Đông y và có giấy hành nghề là Lương Y. 5 em Y Học Cổ Truyền.

Các em Lương Y dùng cây thuốc nam do bên nam cung cấp hoặc mua của người ta hái trong rừng về. Một tuần có bốn ngày bào chế, 2 ngày khám chữa bệnh, thuốc nam có hiệu quả không kém thuốc bắc và chỉ cần tây y giúp chẩn bệnh cho chính xác thuốc nam tỏ ra hữu hiệu với nhiều bệnh nan y.

Mặt khác thuốc nam rẻ tiền, bằng 1/5 thuốc bắc. Như vậy mình giúp người thôn quê rất hữu hiệu.

Thêm vào đó là châm cứu miễn phí cho bệnh nhân hằng ngày, mỗi tháng có trên 1.000 bệnh nhân.

C. Kết quả truyền giáo:

Loan báo Tin mừng là mục đích tối hậu của hoạt động xã hội. “ Đức tin con đã cứu con” Đức tin mới dứt khoát đưa con người về thế giới mới, thoát khỏi khổ đau.

Mỗi một giáo điểm chúng tôi sẽ đặt một “trạm Đông Y”, và một “Tín dụng chăn nuôi” để từ đó đi tới anh em lương dân một cách dễ dàng.

Như vậy hoạt động xã hội đi tới tột đỉnh của nó là đem “Tin mừng đến cho người nghèo khó”. chúng ta phục vụ con người toàn diện. Thử áp dụng tại một thôn dân tộc, chúng tôi thấy kết quả rất mỹ mãn. Nơi khác áp dụng vào một cộng đồng nghèo người Kinh kết quả cũng tương tự.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

  1. Hoạt động xã hội có ích gì cho đời tu?
  2. Hoạt động xã hội có còn cần thiết trong một xã hội phát triển không?

Mt 25,31-46

Cuộc Phán Xét chung

31“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” 37Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? ” 40Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” 41Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” 44Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? ” 45Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” 46Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời