Bài viết khác

CÂU CHUYỆN THẬT VỀ MỘT BÀ MẸ Ở VIỆT NAM SANG MỸ ĐI TÌM CON SAU 20 NĂM XA CÁCH




HÀNH TRÌNH MÙA CHAY

CÂU CHUYỆN CÓ THẬT, DẠT DÀO YÊU THƯƠNG VÀ NƯỚC MẮT:

Thu Linh 
 
Bà Hải từ Việt Nam bước chân tới phi trường Los Angeles, California Hoa Kỳ, trong túi vỏn vẹn chỉ có $600 tiền mượn được, cùng với trái tim tan vỡ và bệnh thấp khớp ở hai đầu gối. Bà không nói được một chữ tiếng Anh. Đã 20 năm rồi, bà không được nhìn mặt cậu Tuấn là người con trai đầu lòng của bà, kể từ ngày cậu vượt biên sang Mỹ. Lúc vượt biên thì Tuấn còn đang trong tuổi thiếu niên.
 
Theo như những lá thư mà Tuấn gởi về nhà, thì cậu ấy đang làm ăn khấm khá ở trên đất Mỹ. Cậu Tuấn chuyên sửa đồng hồ và cư ngụ ở California. Bốn năm trước, bà Hải không còn nhận được thư từ gì nữa. Do vậy mà bà Hải phải liều mình, vượt cả một đại dương, tới Mỹ để kiếm lại người con trai, trước khi bà nhắm mắt, lìa cõi đời này.
 
Bà chỉ có một manh mối duy nhất, đó là một địa chỉ của con bà tại thành phố Santa Ana. Khi tới đó, người ta cho biết cậu Tuấn đã không còn ở đấy lâu lắm rồi. Bà thất vọng, kéo lê cái va-li hành lý mà không biết phải làm gì và đi đâu nữa. Tìm con ở đâu? Bà Hải choáng ngợp trước đất nước Mỹ thật bao la, rộng lớn. Phải bắt đầu từ đâu? Mà làm sao yên lòng nhắm mắt nếu không tìm ra con?
 
Giữa tháng 9 năm 2006, một người đàn bà Việt, 57 tuổi, đánh bạo, kéo lê những gót giày nhựa đã mòn, trên khắp cùng các đường phố, ngõ ngách của miền Nam California. Bà Hải chỉ có vài tháng để kiếm con trước khi chiếu khán visa hết hạn vào tháng giêng năm 2007. Không chừng trước ngày visa hết hạn, nếu đôi chân bị thấp khớp của bà không còn chịu đựng nỗi, trước khi trái tim bà kiệt sức hay bịnh ung thư tái phát, hay trước khi món tiền mượn cạn hết thì có thể bà không tìm được người con của mình.
 
Bà in hình cậu Tuấn trên những tờ giấy và nhét những tờ giấy này vào tay bất kỳ ai mà bà chận lại được trên đường. Bà lần mò tới khu Little Saigon ở Westminster, nơi tập trung người Việt đông nhất tại Mỹ. Tại đây, người ta cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của bà; người ta cho bà có chỗ dựa lưng để ngủ và đồ ăn qua ngày.
 
Cậu Tuấn được 16 tuổi khi bà gởi cậu theo ghe đi vượt biên. Bà phải chắt lót, dành dụm cả năm trời mới gom đủ tiền cho con đi vượt biên. Đó là năm 1986 và Sài gòn lúc đó là một nơi đầy tuyệt vọng. Bà biết chuyến vượt biên của Tuấn chắc cũng nhiều may rủi. Trước đó, cậu Tuấn đã vượt biên một lần, nhưng bị bắt và bị nhốt tới sáu tháng.
 
Bấy giờ, bà dẫn cậu Tuấn tới gặp người tài công sẽ chở con bà vượt biển. Bà đã nhét vào trong túi xách 3 bộ quần áo, một ít xôi và bánh. Bà chẳng biết gì về nước Mỹ để nói cho con nghe. Bà chỉ nghe người ta nói đó là một đất nước xa xôi bên kia bờ đại dương, nơi mà người ta có nhiều cơ hội kiếm sống và có nhiều người với cặp má tròn trĩnh. Nhưng vùng đất này xa xôi quá sức tưởng tượng và nhiều người đã gã gục trên đường đến đó. Nghĩ đến đây mà bà không sao cầm được nước mắt.
 
Kể từ năm 1973, bà phải tự vật lộn với cuộc sống mỗi ngày, kể từ khi chồng bà, là một quân nhân, đã tử trận. Sau khi mất cha, bây giờ cậu Tuấn phải đối diện với cuộc đời mà không có mẹ bên cạnh. Nhưng bà Hải không còn lựa chọn nào khác. Bà hôn cậu và nói “Mẹ thương con. Nhớ viết thư về cho mẹ”. Lúc ấy, bà không biết bà sẽ còn thấy con sau này không. Bà còn hai đứa con nữa để lo. Bà không đủ tiền, chứ không thì bà cũng gởi hết đi vượt biên rồi.
 (Hình: Bà Hải với khuôn mặt thao thức đi tìm con trên đất Mỹ)
Câu chuyện người mẹ từ Việt nam sang Mỹ đi tìm con: cuộc gặp gỡ đầy nước mắt, nhưng người thanh niên vô gia cư (homeless) không nhận ra bà Hải.
(trích Báo Người Việt của phóng viên Vũ Đình Trọng)
 
Sau khi số báo Người Việt hôm Thứ Ba, ngày 14 tháng Mười Một, 2006 đăng bài viết về chuyện “người mẹ đi tìm con”. Bà Nguyễn Thị Hải, mẹ của người thanh niên bị thất lạc, đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của đồng hương và các cơ quan, đoàn thể. Nhiều thông tin cho biết có gặp thanh niên hao hao như hình chụp đã được bà Hải tận dụng như một cứu cánh cuối cùng để tìm đứa con thân yêu. Tất cả đều không đúng như bà mong đợi, nhưng người mẹ này vẫn không bỏ cuộc. 

Trưa Thứ Bảy, ngày 18, Tháng Mười Một, 2006, có ba nguồn tin khác nhau từ thành phố San José, tiểu bang California thông báo cho bà biết họ đã gặp “một người tự xưng tên Tuấn, quê ở Quảng Ngãi, nhà ở Ngã Ba Hàng Xanh” đang lang thang trên thành phố San José. Ðược gia đình chị Kim, Ngân, là hàng xóm của bà trước đây ở Việt Nam, giúp đỡ, sáng sớm Chúa Nhật, ngày 19 tháng Mười Một, 2006, bà đã lên đường đi San José với gia đình hang xóm tốt bụng này. Trong chuyến đi, có phóng viên Nhật Báo Người Việt. 

Cuộc tìm kiếm trên thành phố Thung Lũng Hoa Vàng được sự trợ giúp của các chị làm tại Tiệm Cơm Thuận Kiều, và cô Vinh Hoa (những người cung cấp thông tin). Những cuộc hỏi chuyện dân địa phương cho thấy nhiều khả năng họ đã gặp thanh niên trong hình, nhưng gầy ốm hơn. Khu vực chung quanh Lion Plaza được chúng tôi chia nhau đi tìm. Ðến chiều, chị Hương, người làm tại Cơm Tấm Thuận Liều, dẫn bà Hải đi tìm những nơi mà theo chị, có nhiều khả năng những người homeless đang ở đó. 
Ðiều kỳ diệu đã xảy ra, và chúng tôi đã chứng kiến cuộc gặp mặt thật cảm động và đau lòng. Bà Hải đã tìm được người thanh niên đang ngủ trong một góc của bãi đậu xe, gần bến xe đò Hoàng, bà ôm chầm lấy anh, làm anh hoảng sợ bỏ đi. Anh nhất định không nhận bà là mẹ, mặc cho bà nhắc lại chuyện quá khứ, mặc cho bà khóc lóc kêu gào. Anh chỉ nhắc đi nhắc lại một câu: “Dì nhận lầm người rồi”, nhưng đôi lúc, trên gương mặt u uẩn của anh, những giọt nước mắt lăn dài trên má. 

Anh khóc về điều gì thì không ai biết, và cũng không ai biết người thanh niên này có biết là mình khóc không? Chúng tôi chỉ cảm nhận một điều là trên gương mặt gầy yếu và đen sạm vì nắng gió, đôi mắt anh mang nhiều u uất, hoang mang. 

 
Lời nói của những người trong cuộc 
 
(Hình: nước mắt của người mẹ đi tìm con và tấm mền đắp dưới gốc cây)
Bà Hải khẳng định, người thanh niên này là con của bà, bà cho biết: 
“Tôi đã lật mấy chục tấm mền đắp của người vô gia cư homeless để tìm con. Ngay sau khi tôi lật tấm mền của Tuấn, tôi đã biết nó là con của tôi. Bằng linh cảm của một người mẹ, tôi không thể lầm được, cho dù bây giờ nó vẫn không nhận tôi là mẹ. Tôi không thể lầm được dù gương mặt nó ốm hơn trước rất nhiều, nhưng giọng nói của con tôi, tôi làm sao có thể quên được.” 

Anh thanh niên homeless mang bệnh tâm thần thì chỉ nhắc đi nhắc lại: “Dì nhận lầm người rồi, dì đi đi.” Rồi không nói gì thêm nữa. Khi cảnh sát hỏi tên tuồi anh, anh cho biết là anh tên Tuấn, 36 tuổi. 

Chúng tôi cũng đã liên lạc với anh Kervin, người đã cưu mang anh Tuấn một thời gian. Sau khi được chúng tôi fax hình người thanh niên mà chúng tôi gặp trên San José, anh cho biết: 

“Tôi không nghĩ đó là Tuấn, và những người làm chung với Tuấn trước kia cũng nghĩ như vậy khi tôi đưa hình cho họ xem. Nói ra điều này, chắc sẽ làm bà Hải buồn lắm.” 

Anh hỏi phóng viên Người Việt nhiều điều về hình dáng, cử chỉ, hành động của người thanh niên đó và cho biết “…90% không phải là Tuấn”. 

Hiên nay, người thanh niên này đang được chăm sóc tại một trung tâm y tế tại thành phố San José. Do anh không có giấy tờ tùy thân, nên chúng tôi phải chờ cuộc nói chuyện giữa anh và người bác sĩ tâm thần. Nếu được anh đồng ý, Sở Cảnh Sát San José sẽ giúp chúng tôi xác định danh tánh của anh. 

Cuộc tìm kiếm người con lưu lạc của bà Hải vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi sẽ tổng hợp và phối kiểm các nguồn tin trước khi đưa đến bạn đọc những thông tin đầy đủ nhất.
 
Cuộc tao phùng sau 20 năm: người con trai đã nhận mẹ của mình 
(Hình: Mẹ đây mà con nhưng sao con lại không nhận mẹ?)

Nhờ nhận ra vết thẹo trên ngực người vô gia cư homeless (phần khoanh tròn), anh Kevin Trần khẳng định đó là anh Bảo Quốc Tuấn. (Hình: Vũ Ðình Trọng) 
Hình trên: Giây phút gặp gỡ đầu tiên sau 20 năm xa cách. Hình chụp tại khu vực “M Cà Phê,” gần bến xe đò Hoàng, góc đường King và Tully, San José, ngày 19 tháng Mười Một, 2006. Người phụ nữ bên phải là bà Nguyễn Thị Hải. Người đứng bên trái là chị Vinh-Hoa Phạm, một cư dân San José, một trong những người báo tin cho bà Hải biết đã nhìn thấy Bảo Quốc Tuấn. Người thanh niên trong hình là Bảo Quốc Tuấn. (Hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt) 
WESTMINSTER, California – Cuối cùng, sau 3 tháng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp miền Nam California, câu chuyện người mẹ đi tìm con sau 20 năm xa cách, đã khép lại với một kết thúc có hậu: Người mẹ đã tìm được con trai mình; người con trai đã nhận mẹ là mẹ mình. 

Người mẹ ấy đã tìm ra con trai, khi chân bà “không còn nhấc lên được nữa,” khi mắt bà “bắt đầu lòa đi vì khóc.” 

Cho đến ngày 20 tháng Mười Một, tức là mới cách đây 3 ngày, Bảo Quốc Tuấn, tên người con trai, vẫn nhất mực không nhận bà Nguyễn Thị Hải là mẹ. Khi bà Hải ôm chầm lấy Tuấn, đang ngủ dưới một lớp mền trong một khu chợ Việt Nam tại San José, Tuấn hốt hoảng, lặp đi lặp lại: “Dì đã nhận lầm người rồi!” 

Hình ảnh của Tuấn được gởi đi cho tất cả những ai đã từng biết và từng cưu mang Tuấn. Bà Hải nhờ tất cả những ai đã từng biết Tuấn, hãy khẳng định giùm bà một điều mà linh cảm của người mẹ đã khẳng định: “Ðây chính là con trai tôi!” 

Một trong những người có thể nhận diện chính xác Bảo Quốc Tuấn là một thanh niên Việt Nam sinh sống tại Los Angeles. Anh Kevin Trần, từng cưu mang Tuấn một tháng, khi nhận được tấm hình đen trắng, được fax đi từ Người Việt, lưỡng lự: “Tôi không tin đây là Tuấn.” Ngày hôm sau, 21 Tháng Mười Một, Kevin yêu cầu được xem lại hình màu. Anh kết luận, một kết luận đi cùng điều kiện: “Khuôn mặt này là Tuấn. Và đây sẽ là Tuấn nếu người thanh niên này có một vết thẹo trên ngực.” 
Người thanh niên ấy, quả thật, có một vết thẹo trên ngực, ngay vị trí Kevin miêu tả. 

Bây giờ, chỉ còn một điều duy nhất, để có thể khép lại toàn bộ câu chuyện: Tuấn có thừa nhận mình là con của mẹ? Hay Tuấn vẫn cứ nằng nặc “Dì đã nhận lầm người?” 

Bà Hải khóc, như bà đã khóc từ bao tháng nay. Hôm nay, bà khóc vì sung sướng. Trong căn phòng đợi của bệnh viện tâm thần tại San José, lần đầu tiên bà khóc vì hạnh phúc: người thanh niên mà bà tin là con mình, nay đã nhận bà là mẹ. Anh đã nhớ lại mẹ mình. Anh nhớ chính xác tên những người ruột thịt trong gia đình. Nhìn những tấm hình gia đình bà Hải đưa, anh đã nói đúng tên thật, và cả “nickname” của từng người một. Ðiều gì khiến Tuấn né tránh nhận mẹ giữa nơi công cộng? Tuấn bị ám ảnh điều gì? Trong chốn riêng tư giữa mẹ và con, Tuấn thổ lộ rằng anh lo sợ cho sự an nguy của mình và mẹ khi vẫn “cảm thấy có người đang theo đuổi giết mình và làm hại gia đình mình.” Anh “muốn trốn chạy khỏi California, nhưng không được, phải sống trong nỗi lo sợ hàng giờ, hàng ngày và không dám nhận mẹ hôm Chủ Nhật chỉ vì sợ mẹ sẽ bị giết.” 

Chỉ trước khi gặp Tuấn vài giờ đồng hồ, khi con đường đi tìm con vẫn còn mênh mông, bà nói với Người Việt: “Bằng mọi giá tôi phải tìm ra con tôi. Dù còn chút hơi tàn tôi sẽ vẫn đi tìm nó. Dù nó có như thế nào chăng nữa, nó vẫn là giọt máu của tôi. Nó có sai trái gì tôi tha thứ hết. Tôi sẽ đem nó về Việt Nam để bù đắp những khốn khổ mà nó đã trải qua, và để tôi sống những ngày cuối đời bên cạnh các con tôi.” 

“Tôi xin tạ ơn tất cả!” Bà Hải nói trong nước mắt. Ðã có những tấm lòng thầm lặng, đã có những cụ già gần 80 tuổi, đã có những thanh niên lấy ngày nghỉ, đã có những thiếu nữ trong một tiệm nails, đã có những người chị tận San José, đã có những người anh ở Los Angeles, đã có những nhân viên bưu điện Việt Nam cầm trong tay tấm hình Tuấn, đã có những luật sư, bác sĩ, cảnh sát, doanh nhân… cùng góp một bàn tay trong câu chuyện bà mẹ đi tìm con. Tất cả, những ân nhân ẩn danh ấy, đã khiến điều tưởng chừng không thể được, trở thành sự thật. 

Trong những số báo tới, bắt đầu từ Thứ Bảy, 25 Tháng Mười Một, 2006, Người Việt sẽ đăng tải toàn bộ câu chuyện “bà mẹ đi tìm con, sau 20 năm xa cách.”
 
Mùa Lễ Tạ Ơn tuyệt diệu trên Thung Lũng Hoa Vàng – San José 
Thứ Bảy, 18 Tháng Mười Một, 2006 

Tôi đang chuẩn bị tài liệu để viết tiếp câu chuyện của bà Hải, một bà mẹ từ Việt Nam qua Mỹ tìm con. Mấy ngày qua, có rất nhiều độc giả gọi vào hoặc e-mail, hoặc trực tiếp đến tòa soạn chia sẻ tình cảm của họ với bà Hải và muốn nhờ báo Người Việt đứng ra nhận giúp tiền của họ để chuyển tới bà Hải. Tôi đã từ chối chuyển giúp tiền theo quy định của báo, đồng thời cung cấp số điện thoại của bà Hải để độc giả trực tiếp nói chuyện và giúp đỡ. Và tôi đang muốn viết về những tấm lòng như thế. Những cuộc tiếp chuyện với độc giả cho tôi cái nhìn đúng hơn về cộng đồng chúng ta.
 
Cho dù vẫn còn đâu đó những trái tim vô cảm, cho dù đâu đó vẫn có những hội đoàn chỉ thích làm việc lớn (hình như họ thích làm từ thiện bằng những con số), thì vẫn còn đây những trái tim nhân ái, chắt chiu từng đồng giúp chỉ một người khốn cùng. Chỉ một người cần giúp thôi mà bao nhiêu vòng tay rộng mở. Khoảng 6 giờ chiều, tôi nhận được điện thoại của bà Hải. Bà cho biết, trưa nay cùng một lúc bà nhận được ba nguồn tin khác nhau báo cho bà biết tung tích con bà. Cả ba nguồn tin cùng xuất phát từ San José, trong đó có một nguồn tin có vẻ như chính xác khi họ nói người thanh niên homeless họ gặp, những lúc tỉnh táo cho biết anh tên Tuấn, quê ở Quảng Ngãi, nhà ở Ngã Ba Hàng Xanh. Bà có vẻ xúc động mạnh khi biết được tin này và quyết định sẽ đi San José một chuyến cho dù có nhận lầm người. Sau khi hội ý, ban biên tập quyết định cử tôi cùng đi với bà Hải để giúp bà ở một nơi hoàn toàn xa lạ. 

Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một, 2006 

Gia đình cô H.K. (hàng xóm của bà Hải ở Việt Nam mười mấy năm trước) đến đón chúng tôi lúc 4:30 sáng. Trên đường đi, những câu chuyện xưa được gợi mở giữa những người hàng xóm, tôi càng hiểu rõ cuộc đời của bà hơn. Trong thâm tâm, tôi cảm phục bà, một bà mẹ đã bỏ cả tuổi xuân để lo cho con khôn lớn, bà đã thắng thần chết một lần khi bị mê man comma hàng tháng trời, và lần này tôi cầu mong bà sẽ thắng. Ngoài những lúc trò chuyện, bà lần tràng hạt đọc kinh cứu khổ. Ðã có nhiều người giúp bà, dấu chân bà đã in khắp các con đường ở China Town, San Gabriel, Irvine… càng đi bà càng thấy vô vọng.
 
Tôi biết bà đang cần một phép màu của Phật Bà Quán Thế Âm mà bà đang cầu nguyện. Chúng tôi đến San José lúc 11 giờ trưa, và đi thẳng đến quán cơm tấm Thuận Kiều nằm trong khu Lion Plaza trên đường King. Ở đây, chúng tôi may mắn gặp được chị Hương, người báo tin cho bà Hải và một số chị khác làm cho Quán Huế bên cạnh. Các chị cho biết, hai tuần trước người thanh niên tên Tuấn thường ngủ ở đằng sau quán, mỗi bữa các chị đều cho ăn, lúc trời lạnh Tuấn có xin 2 tấm mền. Sau đó do chủ đất không cho homesless lưu lại nên Tuấn ngủ đâu không rõ nhưng cũng hay lảng vảng ở khu này. Chúng tôi cám ơn và chia nhau đi tìm. Khoảng 1 giờ trưa có thêm chị Vinh-Hoa, Phạm, cư dân San José, người cũng từng gặp người giống như Tuấn đến tìm giúp. Chúng tôi khi khắp khu Lion Plaza, hỏi thăm những người thường đến đây đánh cờ tướng, hỏi ông security khu vực này… Tất cả đều xác nhận có thấy người giống tấm hình hay xuất hiện tại khu vực này, nhưng ốm hơn rất nhiều. Họ chỉ nên kiếm thêm ở khu bánh mì Lee’s Sanwiches bên kia đường.
 
Thế là chúng tôi chia ra hai hướng tìm kiếm. Qua những thông tin thâu nhặt được, hình như Tuấn ở rất gần đâu đây. Cảm giác đó hiện rõ trên khuôn mặt bà Hải, bà vội vã, bồn chồn và cứ lẩm bẩm cầu kinh. Ðến 2:30 giờ chiều, quán cơm tấm Thuận Kiều bắt đầu bớt khách, chị Hương xin phép được dắt bà Hải đi tìm những nơi chị cho rằng những người homeless thường hay ngủ qua đêm. Khoảng 3 giờ chiều, tôi nhận được điện thoại của chị Hải, cô Hương cho biết đã tìm được Tuấn trong khu “M Café” sau lưng Lee’s Sanwiches, gần bến xe Xe Ðò Hoàng. Tôi và chị Vinh-Hoa chạy đến với một tâm trạng vui mừng lẫn hoang mang, hy vọng đúng là Tuấn. Ðiều kỳ diệu đã xảy ra, và chúng tôi đã chứng kiến cuộc gặp mặt thật cảm động và đau lòng. Bà Hải đã tìm được người thanh niên đang ngủ trong một góc parking, bà ôm chầm lấy anh, làm anh hoảng sợ. Anh nhất định không nhận bà là mẹ, mặc cho bà nhắc lại chuyện quá khứ, mặc cho bà khóc lóc kêu gào. Anh chỉ nhắc đi nhắc lại một câu: “Dì nhận lầm người rồi”, nhưng đôi lúc, trên gương mặt u ẩn của anh, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh khóc về điều gì thì không ai biết, và cũng không ai biết người thanh niên này có biết là mình khóc không? Chúng tôi chỉ cảm nhận một điều là trên gương mặt gầy yếu và đen sạm vì nắng gió, đôi mắt anh mang nhiều u uất, hoang mang. Bà Hải khẳng định, người thanh niên này là con của bà, bà cho biết: 

“Tôi đã lật mấy chục tấm đắp của người homeless để tìm con. Ngay sau khi tôi lật tấm mền của Tuấn, tôi đã biết nó là con của tôi. Bằng linh cảm của một người mẹ, tôi không thể lầm được, cho dù bây giờ nó vẫn không nhận tôi là mẹ. Tôi không thể lầm được dù gương mặt nó ốm hơn trước rất nhiều, nhưng giọng nói của con tôi, tôi làm sao có thể quên được.”
 
Những lời độc thoại của bà mẹ 
 

   
Mặc cho người thanh niên không thừa nhận mình là mẹ, bà Hải vẫn nói. Bà nói tiếng nói chung của tất cả các bà mẹ, người thanh niên có cảm nhận được gì không thì chẳng ai biết, nhưng sao anh lại khóc? Những giọt nước mắt thỉnh thoảng lăn dài trên má chứng tỏ anh có nghe, có hiểu nỗi lòng của một bà mẹ. “Mạ không nhận lầm người, mạ biết con là con của mạ…” 

“Niềm hy vọng lớn lao của mạ là được gặp lại con, mạ sẽ đưa con về, mạ sẽ ấp ủ con trong những ngày cuối đời của mạ.” 

“Con đừng đi nữa.” 

“Bây giờ con đi đâu, mạ theo đó.” 

“Xã hội ruồng bỏ con chứ mạ không ruồng bỏ con. Con khóc là vì mạ, mà sao con không nhận mạ. Con đừng vì tội lỗi của con hay con làm cái gì sai lầm với gia đình mà con trốn mạ…” 

“…Con đừng đi nữa, cho mạ đứng nghỉ một chút xíu chứ mạ lên cơn đau tim mạ chết mất. Mạ mệt lắm rồi con ơi!” 

Bà dang hai tay như muốn ôm người thanh niên vào lòng. 

“Cho mạ ôm con một cái đi con. Mạ lạy con. Con đừng vì một lý do gì mà không nhận mạ. Mạ không chấp nê, trách cứ gì con hết. Lúc nào mạ cũng mòn mỏi chờ đợi tin tức của con. Hai em con nói mạ mang anh Ða về đi, mình sống với nhau, ăn mắm ăn muối gì cũng được. Con có hiểu không, mạ chỉ sống có mấy tháng nữa thôi con ơi.” 

Bà quỳ xuống khóc tức tưởi trước mặt người mà bà nhận là con. 
Ðoạn kết 

Trời Mùa Thu trên San José khá lạnh và tối rất nhanh. Tôi phải tính chuyện đưa người thanh niên này về một nơi an toàn, nếu không, bà Hải sẽ ở lại đây và tôi cũng sẽ ở lại theo bà. Tôi không ngại nhưng phải lo cho câu chuyện này có đoạn kết. 

5 giờ chiều tôi điện thoại cho Luật Sư Nguyễn Quốc Lân báo tin vui cho anh và nhờ anh hỗ trợ. Anh bảo cứ yên tâm, anh sẽ liên hệ những người trên San José đến giúp tôi. Khoảng 15 phút sau thì anh Lê Minh Chiêu (chủ nhân Lee’s Sanwishes) điện thoại cho tôi hỏi thăm tình hình. Tôi trình bày tóm tắt sự việc và nhờ anh giúp. Lát sau anh điện lại và cho biết sẽ có anh cảnh sát người Việt Nam tên Hòa cùng đồng đội đến giúp tôi. Tôi thở ra nhẹ nhõm. Khoảng 6 giờ chiều thì trời đã tối hẳn. Anh Hòa đến, một lần nữa tôi trình bày lại sự việc và nhờ anh trợ giúp. Anh đến hỏi chuyện người thanh niên, anh ta chỉ nói tên mình là Tuấn, 36 tuổi rồi không nói gì thêm. 6:30 chiều đồng đội của anh Hòa đến phối hợp làm việc, cùng lúc anh chị Lê Minh Chiêu cũng vừa tới. Cảnh sát quyết định đưa người thanh niên vô bệnh viện tâm thần để theo dõi vì những biểu hiện của anh có thể gây nguy hại cho chính anh. Sau khi cảnh sát đưa anh thanh niên đi cũng là lúc bà Hải kiệt sức. Bà quỵ xuống chân tôi mà khóc. Tôi cúi xuống ôm bà đứng dậy, bà nói trong tiếng nấc: 

“Tôi xin tạ ơn tất cả!” 

Bà khóc như đã khóc từ bao tháng nay, nhưng hôm nay bà khóc vì sung sướng. 

Bà khẳng định: 

“Tôi đã lật mấy chục tấm mền đắp của người vô gia cư homeless để tìm con. Ngay sau khi tôi lật tấm mền của Tuấn, tôi đã biết nó là con của tôi. Bằng linh cảm của một người mẹ, tôi không thể lầm được, cho dù bây giờ nó vẫn không nhận tôi là mẹ. Tôi không thể lầm được dù gương mặt nó ốm hơn trước rất nhiều, nhưng giọng nói của con tôi, tôi làm sao có thể quên được.” 

Hiện nay, Tuấn đang được điều trị tại Valley Medical Center – San José. Ðược bác sĩ chăm sóc, ăn uống và uống thuốc đầy đủ, Tuấn đã tỉnh lại nhiều. Vẫn còn những cơn co giật nhưng ít hơn, và mỗi khi mẹ đến thăm, Tuấn đã nói chuyện và nhớ khá nhiều chuyện xưa trong gia đình. Bà hải được ông Thành Trương, cư dân San José cho ở tạm, và tình nguyện chở bà đi thăm con. Qua cuộc tiếp xúc với tôi, ông nói: 

“Ông bà Lê Văn Chiêu tính mướn khách sạn cho bà Hải ở, nhưng tôi thấy bất tiện vì bà Hải không biết tiếng Mỹ, rồi không ai đưa đón.” 

“Tôi muốn giúp bà một chút trong khả năng của mình.” 

Anh chị Lê Minh Chiêu vẫn tiếp tục theo dõi để giúp đỡ bà Hải. 

Anh Chiêu cho biết: 

“Ðọc qua bài báo, ai cũng phải xúc động về hoàn cảnh người mẹ này. Ai cũng vậy, có một đứa con đi Mỹ để tìm tương lai nhưng không ngờ lại gặp cảnh như vậy. Mình nghĩ bất cứ giá nào cũng phải giúp. Yến (vợ anh Chiêu) là người đầu tiên nói chuyện với Tuấn trong bệnh viện. Kết quả tốt làm mình vui lây.” 

Trên San José, chúng tôi cũng được sự tiếp tay của anh Nguyễn Hoàng Lân, phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Học khu Eastside. 

Anh Lân cho biết: 

“Do anh Chiêu cho biết có người cần giúp đỡ, nên tôi mới tìm một số anh em, bạn bè chuyên môn để nhờ. Anh Minh Tạ, giám đốc Mekong Center (nơi điều trị bệnh tâm trí cho người Việt), đã nhận lời. Hiện nay chúng tôi đang theo dõi kết quả chuẩn bệnh và điều trị từ bác sĩ nơi Valley Medical Center. Nếu bệnh của anh Tuấn thuyên giảm, họ sẽ đưa anh về một trong những Board & Care hoặc Shelter để điều trị tiếp. Anh Minh sẽ liên lạc với bệnh viện thường xuyên và sẽ nhận anh Tuấn về trung tâm mình chữa trị.” 

Cuối cùng, sau 4 tháng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp miền Nam California, câu chuyện người mẹ đi tìm con sau 20 năm xa cách, đã khép lại với một kết thúc có hậu: Người mẹ đã tìm được con trai mình; người con trai đã nhận mẹ là mẹ mình.
 
Bà Nguyễn Thị Hải và anh Bảo Quốc Tuấn đến thăm báo Người Việt
 WESTMINSTER, California: Vào lúc 4 giờ chiều Thứ Năm, ngày 7 Tháng 12 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hải và anh Bảo Quốc Tuấn đã từ San Jose xuống thăm nhật báo Người Việt. Trước đó, bà Nguyễn Thị Hải từ Việt Nam sang tìm anh Bảo Quốc Tuấn, người mà bà chưa nhìn thấy mặt trong 20 năm qua. Chính nhờ bài viết “Có bà mẹ đi tìm con…” của phóng viên Vũ Ðình Trọng được đăng nhiều kỳ trên báo Người Việt và nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng Việt Nam mà bà đã tìm thấy con mình tại San Jose. Tại báo Người Việt, bà Hải và anh Tuấn đã được gặp và dùng một bữa ăn thân mật với tất cả nhân viên tòa soạn và một số bạn hữu.
Trong hình: Bà Hải tươi cười cùng anh Tuấn trong phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Cờ bạc là nguyên nhân đưa tôi xuống bùn đen
LTS.- Sau phóng sự nhiều kỳ “Có Bà Mẹ Ði Tìm Con…” do phóng viên Vũ Ðình Trọng thực hiện, tòa soạn nhận được nhiều thắc mắc của độc giả về nguyên nhân anh Bảo Quốc Tuấn bị tâm thần và phải đi homeless (người vô gia cư). Do tôn trọng nhân thân anh Tuấn, và tôn trọng sự chính xác của sự kiện, chúng tôi quyết định không đăng tải ngay những câu chuyện về cuộc đời anh qua tin đồn. Nay, sau khi gặp lại mẹ, và sau một thời gian bình tâm, anh Bảo Quốc Tuấn đã kể cho chúng tôi câu chuyện cuộc đời anh, và cho phép chúng tôi đăng tải những câu chuyện ấy.
Tuấn đã trải qua một cuộc đời nhiều thăng trầm. Anh đã gây ra những món nợ của cuộc đời này, và anh đã trả món nợ ấy cho xã hội. Nhưng món nợ với lương tâm và với bà mẹ hơn hai mươi năm xa cách vẫn còn nặng trĩu trong lòng. Tuấn, đã hai lần tự tử không thành, lâm vào bế tắc, vì tin rằng cuộc đời này sẽ chẳng còn ý nghĩa khi cuộc đời này không còn mẹ.

Hãy trở về 20 năm trước, khi Tuấn vừa tròn 16 tuổi, lên đường đi tìm “con đường sống.”

“Cuộc vượt biển của tôi đầy may mắn, ra khơi ngày Mùng Một Tháng Mười năm 1986, ba ngày sau thuyền chúng tôi đã đến đảo Bidong, Malaysia. Ở Bidong đến năm 1987, tôi được định cư ở Minnesota, Hoa Kỳ do một gia đình người Mỹ bảo lãnh theo diện cô nhi. Năm đó tôi mới 17 tuổi.

Cuộc sống 2 năm đầu thật êm đềm dù rất nhớ nhà. Họ lo cho tôi mọi chuyện, tôi chỉ việc cắp sách đến trường học hành.

Hai năm sau, hết thời gian bảo trợ, tôi qua Denver gặp cậu ruột của tôi, ông Hạnh Nguyễn. Tôi không học tiếp nữa nên cậu tôi cho tôi đi học sửa đồng hồ. Học xong, cậu xin việc làm cho tôi. Do tính ham chơi, nên tôi chỉ làm việc ở hãng được 6 tháng rồi bỏ việc.”

Tuấn bắt đầu câu chuyện một cách chậm rãi. Những hồi ức xa xưa lại quay về như những thước phim màu xám khi nhắc đến một thời tuổi trẻ bồng bột.

Mất cha năm mới có 3 tuổi, một mình mẹ tảo tần nuôi Tuấn và người em trai trong lúc đang mang thai em gái út. Bà Hải mang nặng trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm cha, một trách nhiệm khó chu toàn trong thời buổi loạn lạc, nhất là phải bươn chải trong một xã hội đầy khó khăn sau năm 1975. Chính vì thế phần nào các con bà thiếu sự chăm sóc, âu yếm của người mẹ, thiếu sự ân cần nghiêm khắc của người cha.

Tuấn được mẹ cho vượt biên năm mới 16 tuổi. Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cái tuổi chưa nhận thức được đâu là cám dỗ cần phải tránh, đâu là cạm bẫy cần phải xa.

Làm ra đồng tiền với tuổi đời còn trẻ lại xa mẹ, xa gia đình, Tuấn như một cây non không được uốn nắn, anh lao vào những cuộc vui với bạn bè như tìm một chỗ dựa tinh thần. Thỉnh thoảng gởi về cho mẹ được vài trăm, nói với mẹ một vài lời, rồi thôi.

Ở xa nửa vòng trái đất, bà Hải vui mừng mỗi khi nhận được tiền của con. Của là không đáng nhưng bà mừng vì nghĩ con mình đang chí thú làm ăn.

Tuấn kể:

“Do ham chơi quá, nên tiêu hết tiền. Năm đó tôi chỉ gởi về cho má được vài trăm.

Công việc không đủ cho chi tiêu, tôi chán quá nên bỏ Denver về lại Minisota và vào làm cho một hãng sản xuất chip cho máy computer.”

Rồi gặp lại bạn bè cũ, những cuộc vui lại được kéo dài. Trong những dịp vui chơi như thế, Tuấn được hưởng một thú vui đắt giá: “cờ bạc”.

Chính thú vui này đã kéo Tuấn xuống bùn đen sau này. Cờ bạc đã giết chết tương lai của một thanh niên mới hai mươi tuổi.

“Ở Minnesota, có những gia đình người Việt tổ chức đánh bài trong nhà. Tôi theo bạn bè đến chơi và nghiện lúc nào không hay. Tiền bạc làm ra bao nhiêu, cuối tuần tôi nướng hết trong bàn kéo phé. Năm đó tôi không gởi về cho má được đồng nào cả.”

Càng thua, càng muốn gỡ, càng gỡ lại càng thua, cái vòng lẩn quẩn trong cờ bạc chỉ có thế. Nhưng Tuấn như con thiêu thân cứ lao đầu vào vùng ánh sáng hư ảo mong tìm một chút huy hoàng hão huyền. Anh muốn lắp đầy khoảng trống trong cuộc sống, nhưng sau khi từ chiếu bạc ra, anh lại thấy cô đơn hơn bao giờ hết.

“Tôi làm cho hãng điện tử được 9 tháng thì bị xa thải. Trở về Denver, cậu tôi cho tôi đi học lại nghề sửa đồng hồ. Một tháng rưỡi sau, học xong, cậu xin cho tôi làm việc tại một tiệm sửa đồng hồ của ông David ở trung tâm down town Denver. Làm ở đó được hơn một năm, gởi về cho gia đình được hơn một ngàn, còn bao nhiêu tôi lại nướng vào cờ bạc.”

“Ðêm đón mừng Giáng Sinh năm 1993, ngày 24 tháng Mười Hai, sau khi dự một buổi tiệc chung với bạn bè, tôi leo lên xe van chung với một nhóm bạn đến nhà thờ dự lễ. Người bạn lái xe, do say rượu quá, không làm chủ được tốc độ đã tông vào một xe khác. Tôi lãnh được tiền bảo hiểm được mười mấy ngàn. Chơi cờ bạc hết luôn.”

Lại cờ bạc. Ngày làm, tối đến bạn bè lại gặp nhau trong bàn kéo phé hay sập xám. Tuấn sống trong cái tam giác gập ghềnh giữa công việc, bạn bè và cờ bạc và không ngờ chính những chuỗi ngày sống chênh vênh đó Tuấn đã đặt cược tương lai của mình vào những con bài vô tri.

Bà Hải ở Việt Nam vẫn nghĩ con mình đang đi trên một con đường thẳng tắp, đầy hứa hẹn cho tương lai. Bà vui mừng mỗi khi Tuấn điện về, hỏi thăm công việc của con thì chỉ được Tuấn cho biết: “Con bình thường, má đừng lo. Con sẽ về thăm má.”

Bà biết đâu, con bà đã đóng một cánh của tương lai của nó bằng những quân bài. Tuấn tìm quên nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ bằng những thú vui riêng, nhưng Tuấn có biết đâu chính những thú vui độc hại đó đã đóng sập con đường về quê (?)

Rồi mười mấy ngàn nhận được từ vụ đụng xe cũng hết, bạn bè cũng không còn thân thiện như xưa. Chán đời, Tuấn xuôi về Nam California vào Tháng Sáu năm 1994.

Tại đây, do không tìm được việc làm phù hợp, Tuấn phải đi làm tạp dịch ở nhà hàng. Không nhà hàng nào giữ chân Tuấn được quá một tháng. Công việc nặng nhọc cộng thêm phần chán chường cuộc sống, anh không thể sống bình yên với công việc đơn điệu, nhàm chán. Những thú vui xưa không còn nữa vì không đủ tiền để theo đuổi, khoảng trống vắng trong tâm hồn lại đầy ắp làm anh thấy hụt hẫng, chơi vơi. Anh dễ dàng bỏ việc và kết bạn mới đi chơi.

Nhóm Tuấn có 5 người, và họ tìm ra việc làm thật nhàn hạ và dễ dàng: đi đòi nợ thuê.

“Chúng tôi quen một người cho mượn tiền đánh bài ở sòng bài Bicycle. Họ mướn chúng tôi đi đòi nợ thuê. Công việc thật dễ dàng vì chưa lúc nào chúng tôi gặp khó khăn cả. Cứ đến gặp con nợ là họ trả tiền, ít thì vài ba ngàn, nhiều thì mười ngàn. Mỗi lần đi như vậy nhóm chúng tôi được năm ba trăm đồng, tiền chia cũng chỉ đủ ăn uống qua ngày, nhưng những ngày không có việc thì họ cũng cho ăn uống. Ngày nào chúng tôi cũng ra ngồi ở quán cà phê M.C. hoặc chán thì lại quán karaoke trên Los Angeles hát hò. Mọi chi phí do chủ nợ đài thọ.”

Gần một năm trời, công việc của Tuấn là như thế. Dù nhàn hạ, nhưng đơn điệu và không thấy tương lai. Tiền chia được trong những vụ đòi nợ thuê chợt đến, chợt đi, Tuấn sống trong cái vòng lẩn quẩn không lối thoát. Ðiều lo nghĩ của nhóm Tuấn là làm sao kiếm được nhiều tiền hơn.

Thế rồi, một hôm có người “môi giới làm ăn” đến gặp nhóm Tuấn đề nghị nhóm hợp tác làm một “phi vụ” mà theo họ, nhóm Tuấn sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Chính “phi vụ” này đã kéo Tuấn xuống hẳn vũng lầy của xã hội.
Hai lần tự tử không thành, anh hiểu rằng mình không thể trốn tránh bản thân, không thể dùng cái chết để xin lỗi mẹ. Nhưng cái mặc cảm tội lỗi vẫn còn đó, và chính anh vẫn bế tắc về lối sống và tương lai. Cái án trong hồ sơ cá nhân khiến anh khó có thể làm lại cuộc đời.

Rời nhà thờ, nơi đã cho anh nương náu 4 ngày, anh xuống khu ăn mày ở Los Angeles.

Tại đây, anh cũng tìm được một việc làm ổn định. Anh Kevin Trần, một người buôn bán áo quần ở khu China Town cho Tuấn một công việc thật nhàn hạ. Sáng đến, Tuấn chỉ ngồi coi sóc tiệm, nếu có người đặt hàng, thì đóng thùng gởi đi, cơm nước anh ấy lo, tối về khu ăn mày ngủ. Nhưng công việc này cũng không giữ chân Tuấn được lâu, một tháng sau Tuấn bỏ việc, rời khu ăn mày China Town, đi về thành phố Rose Mead. Trước khi đi, còn được $600, Tuấn gởi lại ban quản trị khu ăn mày như một lời cảm ơn.

Tại thành phố Rose Mead, Tuấn ở trọ nhà ông Chung Ðức, làm tạp dịch cho phở Nguyễn Hoàng, một vài nhà hàng khác. Chẳng nơi nào Tuấn làm lâu được vì bệnh trầm cảm khiến anh không thể tập trung công việc, anh bị đuổi vì tính lơ đãng của mình. Cũng tại thành phố này, anh phải tự mình đến bệnh viện xin thuốc uống vì những biểu hiện tâm thần.

Không việc làm, tinh thần không ổn định, chẳng định hướng được tương lai, anh hay ngồi thu mình một góc cả ngày. Ai hỏi gì cũng không nói, ai cho gì cũng không ăn, và đôi mắt thất thần của anh cứ nhìn về một phương trời vô định.

Tuấn cứ thế mà sống giữa mê và tỉnh, vật vờ nhưng chiếc bóng bên đường. Ở nhà ông Chung Ðức được 5 tháng, lục lọi trong túi còn được $516, anh tặng ông Ðức $200, tặng người thuê phòng kế bên $300 rồi quay về trung tâm ăn mày ở downtown Los Angeles.

Công việc duy nhất của những người homeless tại đây là xếp hàng nhận đồ ăn, thức uống. Ăn xong là hết việc, lại chờ tới giờ xếp hàng. Cuộc đời Tuấn đã tận cùng, chẳng còn gì nữa, sống là chỉ để ngửa tay xin 3 bữa cơm một ngày, rồi thôi.

Ngày trôi qua thật chậm giữa các bữa ăn. Nhớ nhà, nhớ mẹ và hai đứa em, nước mắt anh lại rơi. Ân hận, xót xa, anh chỉ biết im lặng co ro một chỗ hay đi tới đi lui lảm nhảm một mình. Toàn bộ giấy tờ tùy thân anh đánh mất tất cả, tiếc nhất là cái bóp nhỏ mẹ cho.

Chán nản, tuyệt vọng, đầu năm 2005 Tuấn bỏ Los Angeles đón xe xuôi về San Diego. Anh hy vọng sẽ tìm được lối thoát trong một hoàn cảnh mới.

Thời tiết San Diego thật lạnh, nhiều đêm nơi đầu đường xó chợ, Tuấn co ro trong bộ quần áo mỏng manh. Cái giá lạnh như thể cắt da cắt thịt làm anh không tài nào chợp mắt được, lại nghĩ đến người mẹ thân yêu mà anh cho là đã mất, anh lại khóc cho mẹ, khóc cho anh.

Một đêm đang ngủ ngoài trời thì anh bị cảnh sát hỏi giấy tờ. Do đang bị giam lỏng mà không ra trình diện, anh lại bị đưa vào tù một lần nữa. Trong tù, Tuấn cũng phải nhập viện một tháng để chữa bệnh tâm thần.

Mười tháng ở tù San Diego là mười tháng không đáng có, nó chỉ nói lên được một điều là Tuấn chẳng nghĩ đến tương lai. Nhưng cũng may, đó là mười tháng ở tù cuối cùng trong cuộc đời homeless của anh.

Tháng Giêng năm 2006, anh được tự do.

Tuấn tiếp tục lang thang trong vùng Los Angeles, San Gabriel, phố Tàu hay ghé lại nhà thờ ở khu China Town. Trong suốt thời gian này, anh không ngửa tay xin tiền bố thí của khách qua đường, không trực tiếp nhận thức ăn của những người hảo tâm. Ðói thì anh tìm đến khu ăn mày xếp hàng, hoặc tìm đến ngôi nhà thờ đầy tình thương nhờ giúp đỡ, và có những đêm anh phải lục tìm thức ăn dư thừa trong thùng rác của các nhà hàng.

Anh nói:

“Người ta giúp tôi nhiều lắm rồi, tôi không muốn nhận thêm nữa. Nhiều hôm lục thùng rác gặp phải thức ăn thiu, ôi tôi cũng nuốt. Chắc trời bắt tôi phải sống như thế để trả nợ xã hội, trả nợ mẹ tôi.”

Anh cứ sống vật vờ, lạc lõng như thế. Các cơ quan xã hội có thể giúp anh miếng cơm lót lòng, những người tốt bụng có thể giúp anh tấm chăn đắp Mùa Ðông, nhưng chưa có ai có thể kéo anh lên từ vũng lầy của xã hội.

Tháng Tám năm 2006, anh đón xe lên San Jose và lang thang ở khu Lion Plaza, khu Quê Hương, khu King Plaza. Thời gian này bệnh tâm thần của anh ngày càng nặng, đầu anh cứ lắc qua lắc lại như cố xua đuổi cái gì đó. Tuấn vẫn hay ngồi im lặng hàng giờ, hay cứ đứng như trời trồng, hoặc đi lượn lờ rồi lảm nhảm một mình như đang nói chuyện với ai trước mặt. Anh luôn có cảm giác có người đang theo đuổi giết mình, họ nói họ đã về Việt Nam giết mẹ anh, giết các em anh rồi. Anh vùng vẫy trong tuyệt vọng và cố không tin đó là sự thật, nhưng những tiếng nói quái đản cứ âm vang trong đầu anh. Anh cố trốn chạy nó, nó cứ bám theo anh như hình với bóng, không để cho anh một chút yên ổn trong tâm hồn.

Trong thời gian này, có bà mẹ vượt hơn nửa vòng trái đất, từ Việt Nam sang Hoa Kỳ mong tìm lại người con trai xa cách đã hai mươi năm. Ðược sự giúp đỡ của cộng đồng, dấu chân bà đã lê khắp nẻo đường Nam California, và hành trình tìm con của bà kết thúc tại thành phố San Jose vào ngày 19 Tháng Mười Một, 2006.

Ngày này có lẽ cũng là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của Tuấn. Anh như được sinh ra lần thứ hai khi gặp lại mẹ mình.

Hôm đó, anh đang ngủ ở parking phía sau khu “M Café”, sau lưng khu King Plaza, thì có người ôm chầm lấy anh làm anh thức giấc và hoảng sợ. Anh sợ người đang tìm giết mình đã đến và anh chồm lên bỏ chạy.

Người đàn bà ôm lấy anh kéo lại, xin lỗi rồi bà nhận là mẹ anh. Bà không cố ý làm anh sợ, vì mừng quá nên mới làm như thế. Anh hoang mang tột độ:

“Không thể như thế được, họ nói đã giết má rồi mà. Má này là má giả thôi.”

Bà khóc lóc, van xin, kể về những quá khứ xa xưa của anh ở Việt Nam. Phải ở nhà anh tên Ða, đúng rồi, anh còn hai đứa em nữa, mà sao bà ấy lại biết? Anh cứ tự hỏi mà chẳng biết nên tin hay không tin người đàn bà trước mặt. Thấy bà vừa giống má, vừa thấy khác vì đã hai mươi năm anh đã được gặp lại mẹ đâu. Giọng nói thì quả thật là mẹ rồi, nhưng mà…

Tuấn chỉ dám nói một câu: “Dì nhận lầm người rồi, dì đi đi”.

Người đàn bà nhất định không đi, bà quỳ xuống van xin anh hãy nhận bà là mẹ. Anh bối rối, hoang mang và cứ tự hỏi đâu là sự thật. Ðầu anh như muốn vỡ ra.

Sau một ngày ở khu tâm thần bệnh viện Valley Medical Center, San Jose, anh đã phần nào bình tâm nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ. Hôm bà Hải vào thăm con lần đầu, anh đã biết đây chính là mẹ mình nhưng sợ, không dám nhận.

Phải đến lần thứ ba, bà Hải mới nghe được tiếng “Mạ” thân yêu từ người con trai đau khổ của mình.
Tính Đặng ST

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời