Phụng Vụ

Chúa Nhật lễ Chúa Hiển Linh năm 2011

Chúa Nht l Chúa Hin Linh năm 2011

         Kính thưa qúi ông bà anh chị em, hôm nay Chúa Nhật, lễ  Chúa Hiển Linh. Hiển linh là gì? Hiển linh là Chúa tỏ mình ra cho muôn dân biết Ngài là Đấng mà các ngôn sứ, tiên tri đã loan báo từ ngàn xưa, nay hiện hữu trong thời gian qua Hài Nhi Giêsu ra đời ở Bêlem. Qua mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người mà chúng ta đã mừng trong ngày giáng sinh và hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh là Chúa nhật lễ Chúa Hiển Linh.
          Bài đọc 1, sách tiên tri Isaia cho ta thấy hình ảnh Giêrusalem toả rạng chiếu dọi khắp nơi, trong khi các dân tộc còn sống trong u tối. Giêrusalem không phải tự nó chiếu sáng nhưng là nhờ Thiên Chúa đã chọn nơi này để sinh ra, chính vì thế mà nơi đây trở thành trung tâm cho muôn dân hướng về; mọi dân tộc dập dìu kéo tới, chư dân sẽ lần bước tìm về, mọi nguồn phú túc cũng tuôn về đó trong thời Đấng cứu Thế. Phải, thời Đấng Mêsia đã đến và thời đó sẽ viên mãn như lời Chúa Giêsu nói: Rồi đây người Phương Đông, Phương Tây sẽ tuôn đến, trong khi con cái trong nhà bị loại ra ngoài, ám chỉ ngày quang lâm, lời tiên tri được thực hiện hoàn toàn. Nhưng hiện nay đã khởi sự nơi Hài Nhi Giêsu mà hôm nay ngôi sao dẫn đường ba vua đã dừng lại ở Bêlem nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Ba nhà đạo sĩ tìm về để thờ lạy và dâng lễ vật.
          Ba nhà đạo sĩ, nhờ ánh sao lạ dẫn đường tới Bêlem, nơi Hài Nhi sinh ra, khi trông thấy Hài Nhi, họ liền qùi gối xuống sụp lạy Người. Ôi! điều gì khiến họ biểu lộ cử chỉ vậy, nếu không phải là họ nhìn ra Vị Chúa cả trời đất muôn loài hiện thân qua Hài Nhi bé bỏng non nớt đó ư? Còn, nếu chỉ thuần túy là một hài nhi như bao hài nhi khác thì làm sao khiến ba đấng vị vọng trong thiên hạ phải gối uốn bái thờ như vậy.
          Qua đó cho ta thấy một điểm rất quan trọng trong cuộc sống lòng tin của mỗi người là: Khi ta tiếp cận với một sự việc, làm sao ta đọc ra đằng sau đó có một ý nghĩa nào đó. Đây là một điểm rất quan trọng; cụ thể, cũng là một sự kiện xẩy ra, thế mà Ba Nhà chiêm tinh có cái nhìn khác hẳn với vua Hêrôđê. Xét vè đương sự thì ba nhà đạo sĩ cũng là những người có học thức, có địa vị trong xã hội, vua Hêrôđê cũng thế, nhưng khi đứng trước một trẻ thơ mới sinh nằm trong máng cỏ nhưng lại có hai cái nhìn khác nhau: Ba nhà đạo sĩ thì nhìn thấy một Thiên Chúa đang ẩn mình  qua hình ảnh một  hài nhi như bao hài nhi khác, như lại là Chúa của các chúa, Vua của muôn vua vì thế mới khiến họ phải phủ phục tôn thờ trước Hài Nhi thơ bé. Còn Hêrôđê lại sợ hãi vì lo ngôi vua của mình bị sụp đổ, nên từ đó ông tìm cách sát hại con trẻ.
Vậy thì, trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, biết bao biến cố, sự kiện xẩy ra, qua đó bàn tay của Thiên Chúa đang ẩn tàng trong đó, để rồi qua những sự việc đó Ngài đang muốn nói với thế giới, và mỗi người chúng ta điều gì? Nhưng ai là người nhận ra những dấu chỉ tốt lành hữu ích này, nếu không phải là những kẻ khiêm nhường, nhỏ bé như các mục đồng, hay những người thành tâm thiện chí như ba nhà đạo sĩ xưa đó sao – và mãi muôn đời, những ai có tâm hồn bé nhỏ, khiêm tốn, thành tâm thiện chí thì sẽ được Chúa cho gặp.
Ba nhà hiền sĩ đã rời bỏ quê hương xứ sở, công việc của họ để lên đường cho một cuộc hành trình táo bạo; vì chỉ nhìn thấy dấu hiệu ngôi sao lạ mà không biết ngôi sao đó dẫn mình tới đâu; bất chấp đường xa nguy hiểm mà vẫn đi, đi và đi mãi, đã có lúc ánh sao lạ mất, lại phải tìm tới người có chức quyền cao nhất trong vùng để hỏi. Sự thiện chí, kiên trì, cuối cùng ba nhà đạo sĩ đã tới nơi ánh sao lạ dừng chân, tưởng đâu rằng sẽ gặp được vua nào đó, hay một vĩ nhân nào đó, té ra lại là một trẻ thơ mới sinh, thế mà ba nhà đạo sĩ lại phủ phục kính bái và đưa lễ phẩm dâng lên. Ôi! lạy Chúa, sao ba nhà đạo sĩ lại hành động như thế được; vì các vị là những bậc vị vọng trong dân, là những kẻ có học thức, là những vị lớn tuổi, giàu có nữa là đàng khác, thế mà lại ngoan ngoãn quì xuống kính bái một hài nhi như thế là làm sao, nếu không phải là các ngài đã nhìn xuyên thấu đằng sau hình ảnh của trể thơ này là một vị Thiên Chúa cao cả, là Vị Vua muôn vua và cũng là Vua của ba vị nữa, có như thế các vị mới gối uốn bái quì một cách nhanh nhẹn dễ dàng chứ.
Như vậy, để gặp gở được Thiên Chúa thì không có con đường nào khác, ngoài con đường khiêm tốn, thành tâm, khao khát nổ lực tìm kiếm chân lý sự thật thì họ sẽ gặp. Đây như là một nguyên lý trong việc tìm gặp Thiên Chúa; vì Chúa Giêsu đã  chẳng phải cầu nguyện thế này sao: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin chúc tụng Cha, vì Cha đã không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25)
Trái lại, vua Hêrôđê khi nghe tin về Hài Nhi mới sinh ra ở Belem, thì ông thấy Hài Nhi này là một sự đe dọa cho ngôi vua của ông. Nổi lo sợ, sự ghen ghét do lòng tham lam chức quyền, nên khiến ông trở nên một bạo chúa độc ác không ngần ngại tìm cách giết một đứa trẻ thơ ngây, hồn nhiên không một chút ghen ghét, gian  tham, tranh dành, độc ác, nham hiểm.
Đó là Hêrôđê bạo chúa xưa, còn ngày nay không biết bao nhiêu hêrôđê bạo chúa hơn gấp mấy lần. Vì do lòng ích kỷ, sợ mất quyền lợi, sợ tai tiếng, sợ mất sắc đẹp, sợ  thiếu hụt miếng ăn, sợ không có  chổ ở, sợ đủ điều, nên hêrôđê ngày nay là chính những người mẹ tàn nhẫn không thể tưởng nổi vì cả gan giết chính những đứa con vô tội ngay trong lòng mẹ nó. Hêrôđê bạo Chúa ngày nay là những bác sĩ, y tá và những ai đang cộng tác vào việc giết các thai nhi. Hêrôđê ngày nay là những nhà khoa học cả dám lấy sự sống ra đùa dởn; trong khi sự sống chỉ có Thiên Chúa là người có chủ quyền hoàn toàn mà thôi. Vua hêrôđê ngày nay là những ai đang tiếp tay hậu thuẩn chính sách, tài chánh cho việc giết chết các thai nhi nơi bệnh viện, bệnh xá, tư nhân, hay chủ trương đạo luật đồng tính luyến ái, buôn bán tình dục trẻ thơ…
Xưa kia, chỉ có máu Abel vô tội mà đã kêu thấu tới trời cao, thì huống hồ ngày nay, mỗi ngày không biết bao nhiêu máu của trẻ thơ vô tội đang gào thét rung chuyển cả đất trời. Như thế nhân loại làm sao thoát khỏi cơn thịnh nộ của Chúa đây.

Phúc cho những ai thành tâm thiện chí, những tâm hồn khiêm tốn, bé nhỏ để cho sự hiển linh của Chúa chiếu soi cuộc đời của họ. Ta hãy theo gương Mẹ Maria, thánh cả Giuse, các mục đồng, ba nhà đạo sĩ, âm thầm cung thờ lạy trước  Hài Nhi Giêsu. Hãy tôn thờ một Vị Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự sống, niềm vui, sự bình an và hạnh phúc vô tận. Ta hãy nổ lực tìm kiếm và chiếm lấy cho bằng được Vị Thiên Chúa này bằng mọi gía; vì khi ta có được Ngài là ta có được tất cả. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D.
Hành trình đến Đấng Cứu Thế
                                                                                                              PT Đặng Phi Hùng

          KTQTG, Trong quan niệm của người Đông Phương, sự xuất hiện của một vì sao trên trời có quan hệ tới một nhân vật dưới trần, nhất là các vị đế vương. Người ta vẫn gọi đó là ngôi sao chiếu mạng. Vào thời Chúa Giesu, mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh. Họ tin rằng, dựa vào các vì sao họ có thể tiên đoán tương lai. Họ cũng tin rằng số mệnh một người được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Điều này cũng dễ hiểu, vì các ngôi sao đi theo một đường cố định, chúng tượng trưng cho trật tự vũ trụ. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, nếu trật tự của tầng trời dao động bởi một hiện tượng đặc biệt, thì dường như Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự việc đặc biệt nào đó.
          Ngay khi Chúa Giêsu mới giáng sinh thì đã có ba nhóm người tiêu biểu cho ba thái độ chung cho cả nhân loại đối với Chúa Giêsu trong suốt lịch sử, ba thái độ đó là:
          1. Phản ứng của vua Hêrôđê: ganh ghét và thù địch. Hêrôđê sợ Hài Nhi sẽ can thiệp vào đời sống của kinh đô, vào quyền thế và ảnh hưởng của mình. Bởi vậy, thôi thúc đầu tiên trong ông là giết Ngài. Ngày nay cũng vậy vẫn còn nhiều người vui mừng tiêu diệt Chúa Giêsu, vì họ chỉ thấy Ngài là người xen vào đời sống họ, không cho họ làm theo điều mình thích nên họ muốn giết Ngài. Người nào chỉ ước ao làm theo ý thích của riêng mình thì không bao giờ cần Chúa Giêsu. Kitô hữu là người không làm theo ý mình nhưng phó dâng đời sống để làm điều Chúa Giêsu ưa thích.
          2. Phản ứng của các tư tế và các Kinh sư: hoàn toàn dửng dưng, đối với họ chẳng có chuyện gì thay đổi. Họ chỉ quan tâm đến lễ nghi tế tự trong đền thờ và những thảo luận về luật, đến nỗi họ hoàn toàn không để ý gì đến Chúa Giêsu. Ngài chẳng có nghĩa gì đối với họ. Ngày nay vẫn còn những người chỉ quan tâm đến việc riêng mình đến nỗi Chúa Giêsu trở thành vô nghĩa.
          3. Phản ứng của các nhà chiêm tinh: Với thái độ thành tâm thờ phượng, họ ao ước được đặt nơi chân Chúa Giêsu những tặng vật cao quý nhất. Khi một người đã nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu thì chắc phải đắm chìm trong sự kinh ngạc, kính mến và ca ngợi Ngài.
            OB/ACE, Đối với các Đạo sĩ hôm nay, sự xuất hiện của một ngôi sao như thế là thực hiện một mong ước từ lâu, vì khi nghiên cứu các tinh tú, họ nhận thức rằng ngôi sao là đại biểu cho “ý muốn vĩnh cửu”. Quan niệm của họ cũng tương hợp với lời tiên tri của Kinh Thánh: “Một vì sao hiện ra từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Vì vậy khi họ thấy ngôi sao xuất hiện, liền biết thời giờ đã đến, nên chẳng ngần ngại lặn lội đường xa rủ nhau đi tìm cho thấy “vì sao xuất hiện từ Gia cóp” hầu tìm ra con đường sáng tâm linh cho mình trong một thế giới u minh, tuy rằng họ có quyền chọn ở yên tại quê nhà và mãn nguyện với địa vị của họ.
          Như  các Đạo sỹ, chúng ta cũng là những người đang trên cuộc hành trình đức tin. Đó là nguyên do chúng ta tự họp nơi đây đề làm việc thờ phượng. Ai trong chúng ta có thể kể về câu chuyện đức tin của riêng mình. Chúng ta có thể không nhớ được ngày ấy, nhưng Thiên Chúa đã khởi sự nơi cha mẹ chúng ta, nơi cha mẹ đỡ đầu đã đưa chúng ta đến phép rửa tội. Nhờ họ, chúng ta bắt đầu hành trình đến với đức Kitô. Một số ACE khác trong chúng ta, học qua suốt thời gian dự tòng, đến với đức tin khi đã trưởng thành, được vẽ lên bởi ánh sáng đã chiếu vào bóng tối của chúng ta nhờ những chứng tá và mẫu gương của một số người đặc biệt trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta nhìn thấy ánh sáng chiếu qua họ, chúng ta bắt chước và biến cuộc đời mình thành nguồn nước trao ban sự sống. Chúng ta không thỏa mãn những gì chúng ta làm và quyết định lần theo “ánh sao” xuất hiện cho chúng ta. Như những Đạo sỹ, chúng ta khởi đầu cuộc hành trình dẫn chúng ta đến với đức Kitô.
Thánh Vịnh 118: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi,”  Giống như các đạo sĩ, trong ngày lễ này, chúng ta phải đến thờ lạy con trẻ Giêsu Kitô. Và lại cũng giống như các đạo sĩ, chúng ta phải trở về nhà mình, và tiếp tục cuộc sống bình thường của mình. Nhưng chúng ta sẽ nhận thấy cuộc sống khác biệt hẳn, bởi vì chúng ta tự nhận thấy bản thân mình cũng khác đi. Nơi Hài Nhi thần thánh, chúng ta nhận ra được thần tính của chính mình.
Và như Tin Mừng Thánh Mt. 5:16 công bố: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời,” Đôi khi chúng ta không cần phải đi đến bất cứ nơi đâu mới có được kinh nghiệm thiêng liêng, mà vẫn có thể có được ngay tại chỗ ở của chúng ta. Ngôi sao của Chúa chiếu toả ngay trước mặt chúng ta ở nơi đây. Nhờ Đức Kitô ngự đến, chúng ta không cần phải sợ hãi bóng tối nữa. Một ánh sáng đã đến với thế giới, một ánh sáng chiếu toả trong bóng tối, một ánh sáng mà không ánh sáng nào khác có thể chế ngự được. Tin vào ánh sáng Kito, chúng ta sẽ can đảm làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời