Sáng tác Thơ Văn Nghệ

ĐẤT LÀNH

Có phải tôi quỷ xui ma khiến
Có phải đời chuyển biến đổi thay
Hay do định mệnh an bài
Mà tôi bỏ nước chạy dài lưu vong ?
 
Chạy đến xứ cây phong giá lạnh
Xứ hải ly vịt lặn dài hơi (1)
Đất Gia Nã Đại xa xôi
Nước non hùng vĩ biển trời bao la
 
Thác với hồ chan hòa thủy điện
Điện giăng khắp thuận tiện mọi nhà
Tồn dư chuyền tải đường xa
Chuyền sang nước bạn đô la thu về
 
Biển bao quanh ba bề bốn phía
Đại Tây Dương đến bể Thái Bình
Thương thuyền rong ruỗi hải trình
Vào ra tấp nập mặc tình bán buôn
 
Biển mênh mông đầy nguồn hải sản
Cá tôm cua hàng vạn thủy ngư
Dân chài lưới chọn sòng, thu…
“Rừng vàng bể bạc” đúng như lời truyền
 
Trong lục địa sông liền hồ lớn
Nước khắp nơi khắp chốn mênh mông
Đầy nguồn nước ngọt khiết trong
Tha hồ vùng vẫy xài không mất tiền
Khoáng sản ngầm quặng kền vàng bạc
Mỏ kim cương khai thác kinh doanh
Quý kim hồng ngọc long lanh
Kim hoàn bày bán từ thành đến quê
 
Lên mạn Bắc tứ bề rừng rú
Rừng trẻ, già muôn thứ cây xanh
Rừng vây thành lũy bao quanh
Vành đai bảo vệ môi sanh địa cầu
 
Mỏ vàng đen lượng dầu vĩ đại
Dùng dư dật bán hái tiền đô
Bỏ vào ngân quỹ công nho
Chi tiêu phúc lợi đều cho mọi nhà
 
Cánh đồng xanh bao la bát ngát
Nghề canh nông phát đạt cấp cao
Sản xuất nông phẩm dồi dào
Thặng dư xuất cảng thu vào bạc gang
 
Thác Nia-Ga tiếng vang Bắc Mỹ
Cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ danh lam
Nguồn cao nước đổ ầm ầm
Qua đây thưởng ngoạn một lần em ơi
 
Này cô em, em thời có biết ?
Nước non này đẹp tuyệt trần ai
Phố phường dinh thự lâu đài
Nguy nga tráng lệ anh tài dựng xây 
 
Đây công trình đường rây xe lửa
Trên sáu ngàn cây số xuyên bang
Động đèo sông suối băng ngang
Đoàn tàu chuyển vận nhịp nhàng đông tây
 
Như em đây đầm Tây đẹp lạ
Đẹp kiêu sa đẹp quá đi thôi
Gặp em tình đẹp lên ngôi
Em Tây anh Việt nên đôi vợ chồng
 
Đất nước này cộng đồng đoàn kết
Chẳng mơ màng học thuyết viễn vông
Quan dân trên dưới một lòng
Nhân quyền bình đẳng hòa đồng sống chung
 
Sống hợp quần đa chủng đa sắc
Đa văn hóa đặc sắc nước này
“Cộng đồng đồng tiến” chung xây
Địa đàng hạnh phúc là đây nhãn tiền
 
Ca-na-đa đây miền đất lạnh
Mang biệt danh “đất lạnh tình nồng”
Hân hoan đón nhận cảm thông
Kết đoàn nhân loại đại đồng tự do
 
Đàn vành khuyên líu lo ca hót
Chào mình minh thảnh thót rộn ràng
Đất lành chim đậu thênh thang
Quốc gia hiệp chủng liên bang cộng hòa
 
Ca na đa quốc gia non trẻ
Đây vườn hoa muôn vẻ muôn màu
Lan hồng trong nắng đua nhau
Phơi màu khoe sắc đón chào nước non./.
Tổng Chân.
 
(1)- Beaver: Con hải ly. Một loài rải cá, bơi lặn
rất tài.
-Loon: Tên con vịt nước. Loài vịt chỉ có ờ
Canada, chúng lặn rất dài hơi./.
 
 
 
 
 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời

ĐẤT LÀNH

ĐẤT LÀNH
(BÀI DỰ THI TTX1)
image001

Hành trình đi tìm đất hứa của cha mẹ tôi bắt đầu bằng 2 chữ “Di cư” của chính quyền Nam – Bắc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơneve được ký kết ngày 21/07/1954. Sông Bến Hải thuộc Quảng Trị được chọn là ranh giới của 2 miền đất nước.

Chiến tranh tạm ngừng, miền Bắc chấm dứt những ngày đen tối của người dân Việt phải làm nô lệ cho thực dân Pháp ngay trên đất nước của mình.

Nhưng chưa kịp mừng vui chiến thắng thì lại đau buồn vì phải đối mặt với thiên tai. Dân nghèo, nước yếu vì phải đấu tranh lâu dài với quân thù xâm lược, nay lại bị thiên tai cướp đi những gì còn sót lại sau chiến tranh, người dân chỉ còn cái mạng giữ không xong.

Năm 1954 cũng là năm miền Trung trải qua một trận lũ lụt kinh hoàng, tàn khốc nhất trong lịch sử Việt nam, vì thương vong và tổn thất quá nặng nề.

Tiếp theolà dịch bệnh bùng phát, vì vệ sinh môi trường sau lũ lụt không cứu vãn được. Điều đáng sợ nhất là “ Quốc nạn đói”tự thần đã gieo rắc cái chết ở khắp mọi nơi, đi đến đâu cũng thấy người chết, kẻ thì la lết đang chết dần vì đói.

Trận lũ đã cuốn đi tất cả tài sản và lương thực của mọi người, những người còn sống chỉ biết “ ngữa mặt kêu trời”.Thậm chí cây cỏ như rau lang, rau má cũng vô tình không mọc lên để ăn cho đỡ đói. Trong hoàn cảnh này hạt gạo quý như vàng, mà không tiền lấy gì mua gạo? cũng có người khi được chia sẻ miếng ăn, thì cũng là lúc họ không đủ sức đưa miếng ăn vào miệng vì tay chân của họ đang dần chết.

Anh trai của tôi vừa tròn một tuổi, bị dòng nước cuốn đi sau khi xô ngã mái nhà. Cả nhà tôi mất trắng không còn gì nữa, nhưng nhờ ơn trời anh tôi lại được tìm thấy khi vướng vào bụi trầu nổi trôi trên mặt nước, cảm tạ tình thương Thiên Chúa đã giang tay cứu vớt che chở cho gia đình tôi trong cơn giông bão, Người anh tái sinh được đổi tên là Thủy.

Cha mẹ tôi trong năm tháng đó, có những ngày dài trèo lên đồi núi, tuốt bông cỏ may đem về giã nhuyễn để lấy những hạt tấm li ti nấu cháo cho con ăn cho đỡ đói. Còn người lớn ai lượm được cây chuối hay cây đu đủ thì xắt nhỏ vắt nước rửa sạch cho bớt mũ, chia nhau ăn để sống, mặc cho miếng ăn đắng chát cỡ nào thì cũng cứ cho vào miệng nhai, cũng có khi ăn được một miếng phải ói ra một thau.

Trong cơn hoạn nạn mới thấy tình người cao quý, người có sức khỏe thì trèo lên núi, tìm kiếm lại trâu bò, heo gà vịt còn sống sót, theo kinh nghiệm của cha ông thì khi lũ về điều trước tiên là thả hết gia súc gia cầm, khi được tự do chúng nó có nhiều cách để thoát thân nhanh hơn cả người.

Người già yếu hay phụ nữ thì ở lại chăm sóc trẻ con và kiếm củi khô để nấu, còn thanh niên biết bơi thì cùng nhau bơi theo dòng nước, cố vớt những vật dụng còn nổi trôi trên sông, có khi còn kéo được những thân cây gỗ lớn cùng hùa nhau xô tấp vào bờ cừ lại đó chờ nước rút, chia nhau để dựng lại mái nhà.

Mọi người biết đòan kết, cùng nhau làm, cùng nhau chia sẻ miếng ăn, nhường cho nhau tấm chăn manh áo.

Biến cố này tôi được nghe cha kể khi tôi làm ăn thất bại và nản chí buông xuôi. Cha đã an ủi tôi : con cứ làm hết khả năng của mình và tin cậy phó thác cầu xin Chúa nâng đỡ con, vì thế cha đặt tên con là Thành công không thất bại và tôi cũng thế, tôi luôn tự hào về cha nhờ có cha mà cuộc đời con bớt đi gian khó. Cảm ơn cha đã sinh con.

Năm 1955 cuộc di dân bắt đầu vừa công khai vừa lén lút, những người trắng tay như cha mẹ tôi đã đi trên chuyến tàu đó, vì ở lại cũng không còn gì bám trụ.

Cha tôi kể rằng, mọi người cứ đi như được tổ phụ Môi sê dẫn dắt đi qua Biển đỏ, tìm về đất Chúa hứa, đất lành chưa thấy ở đâu? Mà hành trình thì quá gian nan cực khổ, nên có một số người bỏ cuộc quay về.

Năm đó tôi còn nằm trong bụng mẹ, tôi cùng cha mẹ anh chị đi hết hành trình đầy gian khổ đó. “ Di cư” không đơn giản tí nào, hoàn cảnh gia đình tôi khi đó thật bi đát: “ con dại cái mang” Một mình cha tôi gánh vác, cha quảy một quang gánh nặng trên vai với cơm vắt áo quần và cả hai đứa con nhỏ dại, chị cả tôi vừa đi vừa chạy mới theo kịp cha tôi. Cha phải băng rừng lội suối với đôi chân trần không giày dép, mặc cho gai châm đá cứa, mặc cho bàn chân rách nát, cha vẫn cương quyết đi, phải đi qua một quảng đường dài mới tới được tàu Tây.

Trèo lên được tàu người nhồi nhét nhau chật như nêm thóc, kẻ đứng người ngồi co chân không dám duỗi. Một ngày đi biển dài như một năm trong tù, rất nhiều người bị say sóng, cơn say như nhồi hết ruột gan thành một khối, rồi tất cả các thứ trong bao tử đều bị tống ra ngoài. Người đứng còn ói lên đầu người ngồi. Tất cả mọi người đều lắc lư như cơn sóng điên, cùng nhảy điệu “lambada” không kiêng nể ai hết.

Khi mọi người thấm mệt và đau nhức rã rời, thì cuộc thử thách đến hồi kết thúc. Tàu đã cập bến sông Đồng Nai, mọi người nhìn thấy đất liền thì reo hò như nhìn thấy Thiên đàng rộng mở

Bến gỗ Long Bình Tân của tỉnh Biên Hòa là nơi tiếp nhận đoàn người di cư. ở đây mọi người sống tập thể, được viện trợ nhân đạo.

Đàn ông đi lao động tự do, đàn bà có thể mang rổ xúc oi đựng cá ra bờ sông Đồng Nai: để xúc tép, cào hến, mò cua đồng, bắt ốc gạo, mang ra chợ bán kiếm tiền.

Các vị Linh hướng và các vị trưởng lão phải suy nghĩ nát óc để tìm kế sách giúp dân. Phương án được chọn là chia dân ra tìm nơi thích hợp để định cư sinh sống. Người lên Long Bình, người xuống mũi Cà mâu, người đi vào Bình Giả, cũng có người ở lại.

Cha mẹ tôi vào Bình Giả khai phá đất để làm nông, thời gian đầu cũng khó khăn lắm , vì là đất hoang vu rừng rậm, có khỉ hú cọp gầm, làm cho mọi người hoang mang hoảng sợ.

Nhưng mọi người vẫn một lòng tin cậy trông mong Chúa và Đức Mẹ phù hộ che chở cho mọi người già trẻ lớn bé đồng lòng tụ họp cùng nhau đọc kinh cầu nguyện trong các nhà chung của họ đạo.

Rồi như mưa dầm thấm đất, Chúa đã đoái thương nhận lời, mồ hôi nước mắt của người đi gieo giống trong gian nan cực khổ, nay đã được gặt hái trong tiếng cười hân hoan. Ngày mùa bội thu không nơi nào có được.

Bình giả ngày mùa buổi sáng ra đồng nhộn nhịp, đông vui, người và xe bò xếp hàng đi như trẩy hội, chiều về rộn ràng vang tiếng cười nói từ đầu làng đến cuối xóm.

Bên ấm chè xanh, sau một ngày làm việc mệt nhọc, các ông đang ngồi quây quần bên nhau nhâm nhi chén chè xanh nóng và toan tính chuyện ngày mai. Các bà miệng nhai trầu mà tay thì đang thu xếp đồ dùng. Dụng cụ và lương thực để sáng mai đi làm sớm.

image002Bình Giả lúc bấy giờ như có ơn thiêng, đạn pháo rớt vào làng nhiều, nhưng không trái nào nổ. Tin rằng, Đức Mẹ đã hiển thị che chở, hứng đạn cho dân “di cư” nên sau 1975 cả ba làng Bình Giã sau chiến tranh vẫn bình an vô sự. Không có tổn thất nào đáng kể.

Bình Giã vào những năm sau đó, nhà nào nhà nấy lúa đầy kho, heo bò nhiều không kể hết. Dân Bình Giã mến khách thương người. Có khách đến nhà không gà thì vịt, tuy xa quê hương, nhung vẫn giữ gìn phong tục của cha ông để lại truyền dạy cho con cháu. Từ ngôi nhà chung để sáng tối đọc kinh cầu nguyện cho từng nhóm, khi cần cũng dùng làm nơi quốc sự – an dân bàn tính chuyện công cho mọi người đã lớn dần thành nhà nguyện cho từng giáo họ.

Khi được Giáo quyền và Chính quyền địa phương cho phép , thì ngôi nhà thờ gỗ đầu tiên được toàn dân Bình Giã đóng góp, cũng là bàn tay khối óc của người dân “Di cư” dựng nên trong đó có các bác các chú và cha tôi.Người thì thiết kế bản vẽ, người thì cưa cây xẻ ván, người thì đem xe bò vào rừng kéo gỗ, mọi người hăng say làm việc tích cực, sôi nổi nhất là làm Cung thánh, nhiều ý kiến, nhiều tranh cãi. Nhưng cuối cùng cũng hoàn thành được ngôi thành đường mơ ước.

Cha chánh xứ đầu tiên cũng là vị Linh hướng đi chung con đường “di cư”cùng giáo dân Bình Giả. Hình tượng Chúa Kytô Vua vũ trụ là biểu tượng của giáo xứ Vinh Trung làng Ba Bình Gĩa.

Tôi mong lớp trẻ con cháu luôn ghi nhớ công ơn ông bà cha mẹ và các tiền nhân đã hy sinh rất nhiều khi xây dựng nền tảng của Giáo xứ.

Tinh thần và trách nhiệm của các Cha Chánh xứ và Hội đồng Giáo xứ phải kiên định và tân tạo trong mỗi nhiệm kỳ để giáo xứ mỗi ngày mỗi phát triển hơn.

Nguyện xin Hồng ân Thiên Chúa đổ xuống tràn đầy cho mỗi người trong ba xứ ba làng Bình Giả chúng con.

Giáo xứ Vinh Trung, Vinh Châu, Vinh Hà. Cả ba hợp nhất là:

Bình Giả quê hương

Đoàn kết, an bình và hưng thịnh.

Follow Me:

Trả lời