Bài Vở Cũ Thiếu nhi

GDNB Bai9 SongNhanAi ChimEnST

Giáo Dục Nhân Bản

Bài 9 : Sống Nhân Ái

Nhân ái là nhân đức dạy ta biết sống yêu thương, tha thứ và phục vụ người khác, theo gương Chúa Giêsu kitô : Đấng đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho mọi người.

1. Chuyện kể

Chuyện kể về một chàng Mạnh Thường Quân, gởi cho ta nhiều suy nghĩ về lẽ sống ở đời.

Một hôm, Mạnh Thường Quân (Mạnh Thường Quân) phái Phùng Huyên đi đến đất Tiết để thâu thuế. Vâng lệnh chủ, Phùng Huyên nhanh chóng chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, ông vào chào Mạnh Thường Quân và thưa:

– Thu thuế xong ngài cần mua gì không?

Đang sống trong cảnh vinh hoa phú quý, Mạnh Thường Quân đưa mắt nhìn một vòng quanh nhà rồi nói với Phùng Huyên trong sự hả hê:

– Ông coi nhà tôi thiếu thứ gì thì mua thứ đó!

Đến đất Tiết, việc thu thuế được giải quyết trong một thời gian kỷ lục, Phùng Huyên trở về thưa cùng chủ mình:

– Thưa ngài, việc ngài giao tôi đã làm xong

Thay vì hỏi đến số tiền thu được hay đòi xem sổ sách, Mạnh Thường Quân lại hỏi

– Ông mua thứ gì về đấy?

Phùng Huyên thưa:

– Ngài dạy tôi : xem nhà ngài thiếu thứ gì thì mua thứ ấy về. Tôi thấy nhà ngài châu báu chất thành núi, mỹ nữ thì vô số. Tôi nghĩ còn thiếu nhân nghĩa, vì thế tôi mua thứ ấy về cho ngài.

Mạnh Thường Quân thắc mắc hỏi: Thế nào là mua nhân nghĩa?

– Tôi nhân danh ngài xóa hết nợ nần, đốt sạch văn tự. Nhân dân già trẻ đều cảm động và biết ơn ngài. Đó là nhân nghĩa mà tôi đã mua cho ngài.

Mạnh Thường Quân bực mình, niệm bước quay lưng, miệng lẩm bẩm.

– Thật là một tên điên, lại còn cho mình là thông minh.

Một thời gian sau, vua tề bãi chức quan của Mạnh Thường Quân và đuổi ông về đất Tiết. Khi xe của ông còn cách đất Tiết nhiều dặm, nhân dân đất Tiết dắt dìu nhau ra đón bằng cả lòng tôn kính và yêu mến. Thấy cảnh tượng cảm động ấy. Mạnh Thường Quân quay sang Phùng Huyên khẽ nói:

– Chữ nhân nghĩa Tiên sinh mua thật quý hóa thay!

2. Bài học

Khuôn vàng thước ngọc được coi là lẽ sống được khắc sâu trong tâm hồn người Việt Nam mãi mãi vẫn là “sống có tình có nghĩa”.

Quả thật người Việt nam rất quan tâm đến tình nghĩa. Tình nghĩa là chất keo liên kết không những mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc với nhau, mà còn cả những người cùng làng, cùng xóm. Nên người ta mới nói: “ tình làng nghĩa xóm”, “ bán anh em xa mua láng giềng gần”, “ tối lửa tắt đền có nhau”…Tất cả như muốn nói: tình nghĩa làm nên con người và bản chất của người Việt Nam. Đây là nét truyền thống rất thân thương, mà không phải bất cứ dân tộc nào cũng có được.

Đối với người Công giáo : điều căn bản nhất chính là sống bác ái yêu thương, là kính mến Thiên Chúa và yêu thương con người.

Kính mến Chúa:

– Kính mến Chúa là chuyên chăm học giáo lý.
– Kính mến Chúa là xiêng năng tham dự thánh lễ.
– Kính mến Chúa là trang nghiêm trong nhà thờ.

Yêu thương anh chị em:

– Yêu thương là mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người
– Yêu thương là giúp đỡ lẫn nhau khi gặp những khó khăn , bất trắc.
– Yêu thương là cảm thông và tha thứ trước những sai phạm của nhau.
– Yêu thương là muốn điều tốt cho người khác.
– Yêu thương như Chúa yêu, nghĩa là yêu thương không vì lợi ích cá nhân.
– Yêu thương là không nói xấu, ganh tỵ ghen ghét, làm điều không tốt cho nhau.

3. Tâm tình

1- Muốn tốt cho mọi người
Tươi cười với tất cả
Luôn sẵn sàng giúp đỡ
Làm lan tỏa yêu thương

2- Yêu thương là biết quên mìh
Lo cho người khác tận tình, khiêm nhu

3- Muốn có nghĩa có tình
Phải quên mình quên lợi
Một là yêu Chúa ngày đêm
Hai là yêu mến anh em thật lòng./.

(Trích  “CHIA SẺ NHÂN BẢN” Của Đaminh Saviô)

Đón đọc bài 10 kỳ tới: Sống Có Tình Nghĩa

Chim én (sưu tầm)

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời