Tùy Bút

NĂM MÃO NÓI CHUYỆN MÈO

Nói về mèo, thường thì chung quy nhiều vô kể. Để coi xem người ta thường dùng loài mèo trong hình thức so sánh:

– Ăn ít như mèo.
– Lười như mèo.
– Hiền như mèo.
– Ngoan như mèo.
– Dễ thương như mèo.
– Gây gổ như chó với mèo.

Và tệ hại nhất là:

– Mèo mã gà đồng, dùng để ám chỉ những người không được đứng đắn.

Vậy trước khi nói chuyện về mèo, Chủi trện tui xin kể một câu chuyện vui

Ngày xưa, các vị cố Tây người Pháp qua Việt Nam của chúng ta để truyền đạo, vì vậy tiếng Việt của các Ngài không được thông thạo như chúng ta, nên nhiều khi gây ra những chuyện hiểu lầm , chuyện buồn cũng có và chuyện vui cười ra nước mắt cũng có. 
Đặc biệt là câu chuyện mà tôi thường được nghe kể là: 
Có một anh chàng thanh niên khi vào xưng tội với vị cố Tây, anh ta xưng rằng: 
” Thưa cha, con đã có một vợ và hai đứa con thơ dại, con rất thương vợ và thương các con của con , nhưng mà con có một cái tội lớn lắm cha ạ !” 
Ông cố Tây: 
” Chúa nhân từ, con cứ việc xưng tội.” 
Chàng thanh niên: 
“Dạ thưa cha, con đã có vợ mà còn có Mèo nữa ạ !” 
Ông cố Tây: 
“Có mèo đâu có sao con, cha cũng có mèo mà !”  

Mèo vốn là con vật quá quen thuộc trong đời sống của con người. Có thể nói loài mèo gần gũi và đi hẳn vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Và mèo hình thành ra ba mối quan hệ chính yếu đó là: mèo với loài người, mèo với chó, mèo và chuột.

Mèo, trở thành bảo bối, cục cưng của các bà, các cô trong gia đình từ lúc nào không rõ. Khó mà thấy một đấng tu mi nam tử ngồi ôm mèo vuốt ve. Nhưng hình ảnh đó trở nên quen thuộc khi thay vào là các bà, các cô. Nói vậy không có nghĩa là các ông không thích ôm mèo. Mà hình như, đàn ông, vốn rất thích nuôi mèo. Chỉ khổ một điều là các ông không thích nuôi mèo thường. Họ chỉ chuyên tâm tìm nuôi một loại mèo đặc biệt, đó là “mèo cụt đuôi”. Cái loại mèo này vốn chuyên đưa các ông vào con đường tán gia bại sản, tan nhà nát cửa. Nhưng cũng thật kỳ lạ, chả ông nào có dịp mà lại thoát ra khỏi cái vòng tai hại đó. Kể ra thì tội nghiệp cho loài mèo, từ một hình ảnh dễ thương, nó bỗng dưng bị đem ra ví von, so sánh và dùng làm một ám chỉ cho cái thú chơi bời của một so á ông vốn có dòng máu “mèo mỡ” trong người.

Câu “cãi nhau như chó với mèo” có lẽ bắt nguồn tư sự ganh ghét nhau của hai loài này. Vì cả hai loài vốn được nuôi trong nhà, được trọng dụng như nhau. Và có lẽ vì muốn lấy lòng, tìm sự thương yêu hơn của chủ nên chó và mèo thường hay cào cắn lẫn nhau. Nhưng có lẽ chó là loài luôn bắt nạt và ăn hiếp mèo. Bởi bản tính mèo luôn kênh kiệu và kiêu ngạo. Mèo ăn trên ngồi trước, ngủ trên cao và được chủ bồng bế khắp nơi nên vốn không để chó trong mắt. Mỗi lần bị chó dọa nạt hiếp đáp, có thể vì bé cổ thấp miệng nên mèo đành thua. Nhưng thật ra, trong tận cùng, có lẽ mèo vẫn không coi chó ra ký lô nào trong mắt nó, đơn giản là vì mèo được chủ cưng và thương hơn chó.

 

Mèo trong sinh hoạt dân gian và trong văn học nghệ thuật

 

Cũng như chó cưng, Mèo là con vật dễ thương, gần gủi với con người nhờ dáng nhỏ nhắn và cử chỉ đáng yêu: rúc người vào lòng chủ nhân, miệng thì kêu nhỏ nhẹ, nũng nịu “meo meo”, nên con người cũng ví mèo như người phụ nữ đẹp dịu dàng, nũng nịu rúc đầu vào ngực người yêu, miệng thì nói nhỏ nhẹ “anh ơi, anh ơi”! Tâm lý đàn ông sau đó cũng thật mâu thuẩn, khi không còn yêu thương nữa thì “mèo nhà dịu dàng” trước đây sẽ được gọi là “cọp nhà” hay “sư tử Hà Đông”. Từ mèo còn được dùng để gán tiếng xấu như “suốt ngày lo đi mèo” “ông đó lăng nhăng, có mèo”, không đứng đắn “giở trò mèo chuột”… hay ông đó sổ sàng bị “mèo quào”. Mèo có lúc là biểu tượng của sự hung dữ , là phù thủy trong truyện cổ tích của các nước, mèo là điềm xấu như khi mèo lạ, mèo hoang đến nhà thì tai họa sẽ ập đến ?!

 

Truyện dân gian kể về sự khôn ngoan,khéo léo của họ nhà mèo khi dạy con cọp [hổ] các thế võ, lúc hổ chưa là chúa tể sơn lâm. Mèo dạy hổ rất nhiều thế: vồ, chụp, cách bắt mồi nhưng chừa thế võ: leo trèo cây cao…thì mèo không dạy vì đề phòng cọp phản thầy. Quả thật sau đó hổ vồ thầy định ăn thịt nhưng mèo thoát chết nhờ biết thế võ leo cây, và cọp chỉ biết gầm gừ dưới gốc cây. Tính ngụ ngôn của câu chuyện trên khuyên người đời khi truyền nghề cho học trò cũng đừng dạy hết các ngón nghề, chừa một thế để ngừa trò phản thầy về sau.

 

Tục ngữ và ca daoViệt Nam luôn có rất nhiều câu nói về mèo nhưng ẩn dụ sang người, ca ngợi cũng có mà chê bai cũng có.

Ví du như ăn chậm, từ tốn thì tục ngữ có câu: “nam thực như hổ , nữ thực như miêu”,

– câu nói “chó giữ nhà, mèo bắt chuột” nhắc nhở mỗi người có một công việc riêng thích hợp cho từng người.

– “mèo già hóa cáo” chỉ một người sống lâu, nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan.

– “không biết mèo nào cắn miêu nào” ý nói mỗi người có một tài , sở trường riêng chưa biết ai hơn ai.

– “chữ viết như mèo quào” chỉ chữ viết xấu, không đẹp, ngay hàng thẳng lối

-“chó treo, mèo đậy” ý khuyên người đời đề phòng kẻ gian

– “chó chê mèo lắm lông” ý nói người hay chê kẻ khác mà không nhìn thấy lỗi mình

– “buộc cổ mèo, treo đầu chó” đề cập đến người bủn xỉn, hà tiện

– “đá mèo quèo chó” chỉ sự tức giận dồn nén vào người khác một cách vô lối, giống như câu ‘giận cá chém thớt’

– “mèo mù vớ cá rán” nói đến sự may mắn chợt đến với người đang túng quẩn

– “không có chó bắt mèo ăn cứt” ý nói buộc lòng bắt người khác làm một công việc không đúng với sở trường của họ

– “mèo mã gà đồng’ chỉ người vô lại: trai ăn cướp, gái lăng nhăng

– “mèo khen mèo dài đuôi” nói đến người tự cao tự đại

– “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” có lẽ vì do tiếng mèo kêu “ngheo, ngheo” na ná như tiếng “nghèo” nên khi có mèo hoang, mèo lạ đến nhà người ta sợ xui, mang cái nghèo đến theo nên xua đuổi mèo ra khỏi nhà.

– “mèo con bắt chuột cống” chỉ người tuổi trẻ tài cao, làm vượt khả năng mình

– “mèo đen hay trắng, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột”

– khi tăt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh” hay “tối lữa tắt đèn, trắng cũng như đen”

Ca dao ta có những câu vịnh mèo rất ý nghĩa như:

“Mèo tha miếng thịt xôn xao

Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”

Ý nói những người dưới cấp làm điều sai trái nhỏ nhặt thì bị phê bình gắt gao, còn những kẻ quyền hành làm những tội lỗi lớn lao thì không hề hấn gì.

Hoặc một đoạn trong bài ca dao so sánh mèo như người đàn bà đẹp được nuông chiều:

… Con cá đối nằm trong cối đá

Con mèo cụt đuôi nằm mụt đuôi kèo

Anh có thương em thì làm giấy giao kèo

Thò tay điểm chỉ, em là con mèo của anh”

Thời còn học tiểu học, chúng ta hẵn không quên bài thơ dí dỏm nói về con mèo và con chuột:    
    Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ gần xa

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo…

Tại sao mèo phải trèo cây cau? Vì chuột đây là chuột cống ở nhà cao tầng, Mèo muốn ở nhà cao tầng thì phải trèo cao. Không ngờ chú chuột này đã có o mèo khác nên phải dứt con mèo này

 

Năm nay nhiều người mang tuổi Mão hẵn đã vui vì hầu hết các lá số bói đầu năm đều cho rằng người tuổi Mão thông minh, ôn hòa, giàu nhân ái và nên cẩn trọng trong cuộc sống. Các lời giải bói toán có điểm giống và khác nhau theo từng tuổi, nhưng tựu chung đều có sung sướng, có may mắn và cũng có rủi ro, xui xẻo để đề phòng; và rồi tất cả đều tai qua nạn khỏi nếu biết “ăn hiền ở lành”, vì rõ ràng là “đức năng thắng số”. Cầu chúc cho những bạn nào cầm tinh con Mèo năm nay được an khang và hạnh phúc.

Để kết, Chủi trện xin kính chúc mọi người:

Năm con mèo – Sẽ hêt nghèo – Không bao giờ teo – Nhưng chớ đèo – Luôn vui reo – Chạy vèo vèo

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời