Giáo phận Kontum

Tường Thuật Chuyến Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen – Giáo Phận Kontum


Được hân hạnh Đức Cha Micae – Giám Mục Giáo Phận Kontum ghé thăm nhà vài lần và qua thông tin của các trang truyền thông được biết vào trung tuần tháng 9 tại Măng Đen sẽ có thánh lễ đại trào mừng kính Đức Mẹ Sầu Bi nên đầu tháng 9 tôi có điện thoại để vấn an sức khỏe và hiệp thông với Ngài. Thật bất ngờ, Ngài đã chính thức mời gia đình chúng tôi dự lễ này và cũng để thăm Kontum cho biết …
Dẫu biết rằng đường xá xa xôi, gian nan trắc trở nhưng chúng tôi vẫn nhất định “đi một chuyến cho biết” vì tin tưởng rằng có Mẹ sẽ đồng hành với mình và nơi xa xôi ấy có Một Vị Tông Đồ mà hằng triệu người yêu kính sẽ sẵn sàng đón nhận. “Đi một dặm đàng, học một tràng khôn”.

I. Lên núi thăm Mẹ

Đoàn chúng tôi có 05 người (04 người đi xe khách và 01 người đi xe máy), xuất hành tại Bình Giả vào lúc 13g00 ngày 12/9/2012 về Sài gòn và từ Sài gòn trực chỉ thành phố Kontum lúc 17g15 cùng ngày trên chuyến xe mang biển số 81K 056.67 của nhà xe Long Vân với giá cước 320.000đ loại giường nằm có bao một bữa ăn tối. Được biết Sài gòn cách Kontum khoảng 650 km nhưng xe phải chạy khoảng từ 16-20 giờ mới tới được vì đường xá rất xấu và luật giao thông tại Việt Nam hạn chế tốc độ <70km/g. Sau khi xe lăn bánh, tôi thì thầm đọc kinh và phó thác chuyến đi này cho Chúa Mẹ. Đúng thật, đường xá của mình chỉ rộng và đẹp ở những nơi phố thị nhưng lại bị hạn chế tốc độ tối đa vì người xe đông đúc chen lấn giành đường và nhất là ý thức giao thông còn kém. Có những đoạn đường như đường 14, xe như đang đi vào giữa những cái bẫy chết người vì hầm hố, bùn lầy trơn trượt !!! Cứ thế đường tốt thì cấm chạy nhanh, CSGT sẵn sàng bất chợt thổi phạt; đường xấu thì tha hồ mà bò khi cần trợ giúp thì chẳng thấy ai. Rõ khổ!
09g30 ngày 13/9 chúng tôi có mặt tại Tòa Giám Mục Kontum (TGM), các em nội trú hướng dẫn chúng tôi nhận phòng (mỗi phòng hai người: có 02 giường; 02 bàn đọc sách, tủ kệ; nhà vệ sinh tất cả đều gọn gàng sạch sẽ) . Tắm rửa, nghỉ ngơi ít phút chúng tôi đi gặp Đức Cha để chào Ngài. Được các Thầy cho biết Đức Cha đang đi thăm các em tại buôn làng thuộc Giáo hạt Gia lai dịp đầu năm học mới và tết trung thu, có lẽ Ngài sẽ về dùng cơm trưa tại Tòa.

II. Vị Giám Mục Tận Tụy của người nghèo – bất hạnh

11g310, đến giờ cơm trưa, chúng tôi được mời vào dùng bữa với Cha Giám đốc, các Cha đang hưu dưỡng tại TGM và các Thầy. “ … Không phải đợi Đức Cha đâu, Ngài về sau ăn sau, các cậu cứ tự nhiên, chứ cứ ngồi mà chờ chẳng biết khi nào Ngài về, để các cậu đói bụng Ngài biết được là chúng tôi chết …”. Cả phòng cùng cười vui vẻ, phòng ăn tuy đơn sơ nhưng ấm cúng cha con quây quần thật là vui và chúng tôi cũng biết được Đức Cha; các Cha; Các Thầy; Các Sơ; Khách và những người giúp việc đều cùng dùng bữa trong phòng này, đến giờ là ăn, mỗi bàn 8 người không phân biệt thứ bậc hay tuổi tác. Xong bữa chúng tôi đi nghỉ trưa, mới nằm xuống nghe tin Đức Cha về, Ngài nhắn 13g30 cùng đi Măng Đen. Không gian TGM buổi trưa thật tĩnh lặng, khí hậu mát mẻ được nằm trong phòng ấm cúng là thế nhưng chúng tôi không sao ngủ được dù rất là mệt vì vừa phải đi đường xa, ai cũng lo lắng: Đức Cha vừa đi công tác xa về chưa cơm nước nghỉ ngơi giờ lại chuẩn bị đi lên rừng Măng Đen nữa, tuổi cao lại đang mang trong mình bệnh tim mà công việc liên tục như vậy … xin Chúa giữ gìn Ngài. Chúng tôi chuẩn bị lên đường thì nhận được tin khẩn: chú A BƠI là Yaophu của nhà thờ làng phong cùi tại Đakpnan, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang bị CA bắt bớ. Ngài lập tức vào phòng viết thư khẩn gửi cho ông Chủ tịch tỉnh Gialai để phản đối và yêu cầu mọi người có mặt bình tĩnh và cầu nguyện. Việc chuẩn bị cho đại lễ không thể chậm trễ, Ngài hối thúc tài xế và anh em chúng tôi lên đường. Từ TGM đi Măng Đen khoảng 60 cây số, đường đèo dốc quanh co khúc khuỷnh nhưng vì thời gian và công việc cấp thiết nên Ngài cứ thúc tài xế “ con cho xe chạy nhanh hơn nữa được không? Ông lên xem khu vực lễ như thế nào rồi sẽ về ngay để thăm bà con làng phong và A BƠI, tội nghiệp chú ấy cả tháng nay bị CA thay nhau “làm việc” liên tục, sức khỏe suy sụp lắm rồi may mà tinh thần Chú ấy vẫn kiên cường vì ơn Chúa và cả dân làng luôn ở với Chú ấy, nếu cần thì chiều nay Ông sẽ ở lại với dân làng cùi đến khi nào mọi việc êm thì thôi, mọi việc trên này Ông sẽ giao cho Cha Tổng chủ lễ …”. Chúng tôi hỏi: “ Sao Ông không giao cho Quý Cha và Ban tổ chức (BTC) lo liệu công việc trên này, con thấy Ông đi như vầy thấy ái ngại quá!” Ngài cười và nói: “ Chỉ có quan đời mới vậy, anh em trên này vất vả mưa nắng, lạnh lẽo mình là người lãnh đạo cao nhất dứt khoát phải có mặt để kiểm tra nhất là để an ủi và khuyến khích anh em nữa … chạy nhanh lên con cho kịp công việc”. Thế rồi Ngài lấy sách Kinh thánh ra đọc, thú thật từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ hãi khi đi xe như thế này, lắc bên phải rồi giựt qua bên trái; nhào tới trước rồi đổ nhào về phía sau, sợ lắm nhưng chẳng nhắm mắt vì cảnh núi rừng nó đẹp làm sao. Lâu lâu bất thình lình xuất hiện một tiều phu băng ngang đường làm anh em đứng tim, đường thì vừa hẹp lại dốc cao, vực thì sâu thẳm lỡ có bề gì … !!!! Đúng là “ai đến với Ta phải đi qua cửa hẹp”, chúng tôi nín thở nhìn nhau- phó thác “trong xe có Đức Cha mà”. Đến nơi mọi người mừng rỡ reo: “Ông đến rồi, kính chào Ông”, vì cả mấy ngày nay trời mưa nên cả khu vực này đất như nhão ra việc đi lại vô cùng khó khăn, xe không thể vào lán trại được mà trời vẫn đang mưa nên bà con hè nhau đẩy xe vào. Chúng tôi thật cảm động. Vào lán trại Đức Cha mặc vội chiếc áo mưa rồi đi ra khu vực lễ đài, Ngài cẩn thận quan sát, kiểm tra, dặn dò với BTC phải làm sao phục vụ cho tốt nhất ngày đại lễ, đặc biệt là lo cho anh em dân tộc và khách ở xa đến có trại trú đêm an toàn, sắp xếp khu vực lễ đài khoa học và luôn có chỗ ưu tiên cho những người bệnh tật, nghèo đói; giữ vệ sinh và trật tự tuyệt đối an toàn v.v.. Thật là giữa núi rừng hoang vu phải lo một đại lễ như thế này mới thấy BTC phải vất vả, tốn kém như thế nào. Người kinh và người anh em dân tộc vẫn vui vẻ kiên trì làm việc. Chỉ còn hơn 24 tiếng nữa thôi …
Khi đi thì chạy lên dốc cao, khi về thì lao ào ào xuống có lúc đồng hồ tốc độ chỉ 90km/g tim gan phèo phổi chúng tôi loạn xà gầu. Đi thì mất 01 giờ về chỉ gần 01 tiếng, p h ù đi ra Bắc là chuyện nhỏ. Có lẻ vì mệt quá chăng chúng tôi thấy Ngài lim dim ngủ … còn chúng tôi thì xin được bình an vì quá sợ … “ Chết cha không kịp giờ ăn tối nữa rồi” Ngài vừa nói vừa lấy điện thoại gọi về Các Sơ (dòng Chúa Quan Phòng) “ Cho Ông và 05 người nữa ăn ké cơm tối với nhé, bây giờ không có tiền trả, bữa nào Ông qua làm lễ tạ ơn cho” tính Ngài vẫn thế với con chiên thì luôn quan tâm, yêu thương, dí dỏm.
Được ăn cơm tối tại nhà của Các Sơ thật là vui, cái bụng thì đói, thức ăn nóng hổi ngon lành nên chúng tôi ăn cũng nhiệt tình luôn. Đang dùng bữa thì tôi có điện thoại của anh Lộc gọi ra đón vào vì anh cũng đã đến TGM Kontum sau gần hai ngày đường chạy bằng chiếc xe máy Chaly (đáng phục). Ở đây có khoảng 80 em người dân tộc Bana; Êđê; Sơđăng; Jrai vv.. đang học nội trú tại đây. Các em rất ngoan, mến khách và chịu khó đó là điều chúng tôi cảm nhận được. Cơm tối xong, chúng tôi tranh thủ đi dạo một vòng TGM cho khỏe, vì là ban đêm nên cũng chẳng quan sát được rõ ràng. Lúc này, các Cha cũng như các đoàn hành hương liên tục đổ về TGM để thăm viếng cũng như liên hệ công tác. Trước khi đi ngủ chúng tôi được Đức Cha dặn: “ Sáng mai dậy lúc 4g30, các con đi dâng lễ với Ông bên nhà thờ Chánh tòa nhé. Chúc ngủ ngon, nhưng đừng ngủ quên, mai Ông dâng lễ với Các Cha cầu bình an cho các em nhân dịp năm học mới’.

III. Nhà Thờ Chính Tòa – Nhà Thờ GỖ

04g45 thứ sáu ngày 14/8, chúng tôi có mặt tại Nhà thờ Gỗ cách gọi thân quen của nhiều người, hơn 1.000 thiếu nhi trong y phục dân tộc của mình cùng rất nhiều người lớn quây quần bên Chủ Chăn Giáo phận của mình cùng với Các Cha; Các Sơ Dòng Ảnh Phép Lạ (dành cho các chị em người dân tộc); các Yaophu dâng lễ cầu bình an cho năm học mới. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên đến thấy xấu hổ (trong lòng) là cả ngàn em thiếu nhi như vậy mà không có các Giáo lý viên giữ trật tự trong nhà thờ như dưới vùng mình nhưng các em rất nghiêm trang sốt sắng đọc kinh, lần hạt (bằng ngôn ngữ của mình) và xem lễ thật tốt. Các em đọc Sách Thánh (bằng hai ngôn ngữ), hát; dâng lễ vật (có vũ múa đàng hoàng) thật hay và ấn tượng. Đức cha nhấn mạnh: để thoát nghèo, để làm người tốt và để làm con của Chúa các con cần phải học hành dù mái trường vô thần hôm nay có nhiều điều cần phải xét lại, hãy gắng sức “bơi ngược dòng” để nâng cao kiến thức; để đền đáp công lao cha mẹ; để biết yêu Giáo Hội Chúa; yêu bản làng dân tộc mình và yêu mến quê hương Việt Nam này”. Được biết Nhà thờ Gỗ và TGM Kontum sẽ được chính thức mừng tròn 100 năm xây dựng vào năm 2013, cả hai tòa nhà được thiết kế xây dựng thật độc đáo vừa mang bản chất “núi rừng Tây nguyên” lại vừa mang tính Châu Âu, đó là tôi nghĩ vậy. Nói chung cả hai tòa nhà đều đẹp và cực kỳ quý hiếm từ cơ sở đến khuôn viên cây cảnh. Rất tiếc những hình ảnh tôi chụp được trong thánh lễ này đều đã mất đi vì vi rút trong lần sang thẻ.
Đã xin phép rồi nên dự lễ xong chúng tôi đi uống cà phê, đi dạo phố, đi thăm các Nhà Dòng và nhất là đến tận nơi đứng nhìn ngẩn ngơ những “khu đất vàng, nhưng cơ sở vàng” của Giáo hội đang bị Nhà nước mượn hay trưng dụng, mặc dù Đức Cha Micae và cả Giáo hội đang kiên trì yêu cầu Nhà nước giao lại để phục vụ cho nhu cầu cần thiết của Giáo hội.
Buổi chiều Đức Cha đi thăm bà con làng phong cùi tại Đakpnan, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang. Vì có một số vị khách nữa nên lần này chỉ có một người anh em chúng tôi đi cùng và được chứng kiến tận mắt những gì đã được nghe, còn chúng tôi thì tranh thủ đi mua đồ lưa niệm, ngoài mấy món đặc sản của núi rừng như măng khô, chuối rừng khô, mật ong. Chúng tôi không quên ghé vào thăm Dòng Ảnh Vảy (tên gọi tắt), khi biết chúng tôi các em, các Sơ vui vẻ đón tiếp và hướng dẫn. Cũng như các Sơ dòng Chúa Quan Phòng, nơi đây (toàn bộ là các chị em người dân tộc) các Sơ đang nuôi và dạy rất đông các em có hoàn cảnh khó khăn giúp cho ăn, cho học, giúp học nghề không chỉ các em mà còn cả các chị lớn tuổi bệnh tật cũng được quan tâm nâng đỡ. Trong túi thủ sẵn mấy bịch kẹo ngon, cứ gặp các em chúngtôi liền gật đầu chào và tặng vài cái kẹo làm quen, các em rất ngoan khoanh tay cảm ơn và : “ Các Cô Chú muôn găp ai để chung con hương dẫn”… Tôi được tặng một cái còng rồi sẵn mua thêm nhiều cái nữa để làm quà cho người thân, xem các chị dệt thổ cẩm; may váy; áo; túi xách v.v.. Đi về TGM thăm nhà nội trú dành cho các em nam (khoảng 100 em), ở đây các em được ăn; học ở trường, ở nhà thì học cồng chiêng; nhạc; đàn v.v.. vui chơi thể thao. Tất cả (với giọng lơ lớ một em cho biết) mỗi tháng, cha mẹ em chỉ phải góp 120.000đ thôi, chứ ở nhà làm gì được ở như vậy, được đi học, vui chơi như thế này, chúng em biết ơn các Thầy; Các Cha và Ông Nội (các em gọi Đức Cha) lắm.
Tối đến, hàng chục lượt xe lớn nhỏ của khách hành hương khắp nơi đổ về TGM để chào Đức Cha, tặng quà cho TGM để chuyển cho các em và các làng phong trong Giáo phận.

IV. Đại Lễ Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen – Giáo Hội Hiệp Nhất

05g00 sáng trời vẫn đang lạnh tiếng xe, tiếng ngừơi đã í ới gọi nhau lên Măng Đen cho kịp vì đường xa mà người lại nhiều. Nghe đâu BTC dự đoán có khoảng 8.000 sẽ đến dự lễ. Hôm trước đi lên Măng Đen với Đức Cha lật đật bao nhiêu thì hôm nay thoải mái bấy nhiêu, không phải vì xe lề mề nhưng con đường đã quá tải vì hàng ngàn lượt người; xe nối đuôi nhau tiến về lễ đài Đức Mẹ. Bên này là từ Kontum lên, bên kia thì từ Quảng Ngãi qua, núi rừng trùng trùng điệp điệp bây giờ thì người xe cũng điệp điệp trùng trùng với đủ mọi thành phần; đủ mọi dân tộc; đủ mọi màu da; đủ mọi tiếng nói già trẻ lớn bé đang tiến lên. Trên đường chúng tôi cũng thấy các anh CS với nhiều sắc phục đang hướng dẫn và theo dõi dòng người đi lễ. Xe cứu hộ; xe cứu thương của BTC cũng ngược xuôi để giúp đỡ, xe của chúng tôi phải dừng lại cách khu vực lễ đài khoảng hơn 3 cây số cứ thế chúng tôi nhập vào dòng người tuốn về bên Mẹ. Nghe đâu những xe đến sau phải dừng xa 5-7 cây số, đường dốc đi bộ và vội vàng cứ như hồi xưa đi lên núi Ya hoét hay đồi Bình Thuận để làm rẫy vậy. Cách lễ đài chừng 300m thì đành dừng chân vì không sao tiến lên được nữa vì cả rừng người đang ở phía trước. Theo con số BTC cho biết hiện tại số người đang là … khoảng … 30.000. Tôi cứ như trong mơ, mắt mũi phải hoa lên, miệng thì kinh ngạc: “ Cậu ơi! Trời mới-Đất mới”. Quả thật, cả đời tôi cũng không tưởng tượng nổi cảnh hoành tráng như thế này, muôn người từ khắp nơi về bên Mẹ; bên Vị Tông Đồ kiên trung và can đảm của Chúa – Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh; thế hệ này nối tiếp thế hệ kia Đức Cha Tiền Nhiệm Phêro Trần Thành Chung – và Quý Cha (có khoảng 300 vị) – Những cụ già đến em bé còn đang bú sữa – Người bình thường-bệnh nhân hay đang vắt vẻo trên đìu của mẹ – Lương Dân hay Giáo Dân. Tất cả đã trở nên một trong niềm tin vào Thiên Chúa. Nên một sức mạnh mà thế gian phải run sợ. Và cứ thế thánh lễ được diễn ra còn dòng người thì vẫn đang đổ về.
Thánh lễ được cử hành bằng ba ngôn ngữ Jrai, Bana và Kinh. Trước thánh lễ Đức Cha Micae nói: “… Để tỏ lòng yêu mến Mẹ, là Chủ sự trong thánh lễ này tôi yêu cầu những ai đang che dù xin vui lòng cất đi và giả sử nếu trời mưa nặng hạt hơn thì tất cả chúng ta cùng đứng yên dưới mưa để dâng thánh lễ …” rồi lại nghe không rõ. Thực tình, chúng tôi đứng khá xa với lễ đài nên chỉ nghe tiếng được tiếng mất nhưng chỉ cảm nhận và xin một điều Chúa hiểu lòng con, xin hợp một ý với mọi người (tuy nhiên điều đáng mừng là chúng ta có thể theo dõi sự kiện này qua các trang mạng khác). Sau thánh lễ, mọi người đã vâng lời Đức Cha và BTC không tràn lên lễ đài cũng như sờ vào tượng Đức Mẹ để bảo đảm cho tượng và an toàn trật tự. Phép lạ đã xảy ra: mấy ngày liên tục cả vùng Măng Đen trời mưa đêm ngày, thế mà đến khoảng 06g sáng trước thánh lễ trời chỉ có mưa phùn rồi dịu mát và bây giờ sau thánh lễ trời bắt đầu có nắng nhẹ; đường xá, người xe như vậy nhưng không có một tai nạn nào xảy ra, ấy chẳng phải là phép lạ sao?. Thánh lễ xong ai nấy đều được các lán trại cung cấp thức ăn với giá thật là mềm, cũng có một số đông mang theo thức ăn. Ai nấy thỏa lòng và vui vẻ. Một điều mà nhiều người tận mắt chứng kiến là: sau khi dâng thánh lễ gần 03 tiếng đồng hồ nhưng Đức Cha Micae không lên xe về nghỉ mà Ngài lại âm thầm đi … nhặt rác. Điều mà không ai nghĩ tới, cứ từ phía sau đi tới Ngài thinh lặng cúi mình nhặt và nhặt lâu lâu lại vịn vào thành ghế hay gốc cây để nghỉ rồi lại tiếp tục công việc cách thầm lặng. Ai nấy cũng giật mình, xúc động can Ngài không xong rồi chẳng cần nhắc bảo mọi người cũng nhặt rác giống Ngài. Không phải Ngài làm tượng trưng đâu, coi đồng hồ để về chúng tôi thấy có đến gần 02 giờ Ngài làm một công việc thường chỉ dành những phận hèn kém.

V. Lại tiếp tục lên đường

Chúng tôi về đến TGM thì Ngài đã lại đi thăm bà con các buôn làng ở Gia lai. Chị giúp việc TGM nói: “Ông có ơn riêng, Ông đi công việc liên tục, chẳng kể ngày hay đêm, phải đến hai, ba tài xế mới chịu nổi, Ông bệnh mà sao cứ đi riết”! Chúng con xin bái phục Đức Cha.
Tối đến, Ngài biết chúng tôi sắp phải trở về nhà nên cho người gọi qua phòng Ngài chơi dù lúc ấy đã gần 21g00. Chúng tôi ái ngại quá, Ngài vừa về mà không qua cũng không được vì ngày mai chủ nhật biết bao việc Ngài phải làm. Phòng khách của Ngài thật giản dị và thoải mái, ai ngồi cứ ngồi vì ghế thì bao la (nơi đây cũng để họp với các Cha), mỗi bàn liền với ghế, ai khát thì cứ lấy nước uống; bánh kẹo đấy ai ăn thì cứ ăn. Bên chiếc máy vi tính Ngài vừa làm việc vừa thăm hỏi gia đình, vợ con từng ngừơi, Ngài cũng gửi lời thăm Cha xứ, Quý Cha, Quý Tu sỹ, Ban hành giáo và mọi người “Tôi nhớ Bình Giả lắm có dịp Tôi nhất định sẽ ghé thăm, Tôi cũng biết ơn người Bình Giả và nhiều năm nay Tôi được Sơ Nữ là người Bình Giả giúp đấy thôi” (Sơ Nữ, con ông cố Trương Yên ở Phi Lộc – Vinh Hà hiện đang tu trong dòng Chúa Qua Phòng Kontum). Ngài cũng tặng cho chúng tôi vài món quà cho vui. “ Sáng mai các con nhớ dậy đi với Ông dâng lễ Chúa nhật ở nhà Dòng và xin ăn sáng ở đó, rồi Ông sẽ vào Sài gòn ngay vì có công việc”. Nghe xong chúng tôi dạ răm rắp rồi lắc đầu “Thua Ông Nội luôn”.

IV. Tuyên Tín Trong Cuộc Đời.

Lễ Chúa nhật 24 thường niên, chúng tôi được dâng lễ tại Tỉnh dòng Chúa Quan Phòng – Kontum. Ngay trước lễ Đức Cha nói: “Tỉnh dòng Chúa Quan Phòng ở Việt Nam đã chính thức được tách ra thành ba Tỉnh Dòng: Cần Thơ; Cù Lao Diêng và Kon tum. Riêng Tỉnh dòng Tỉnh dòng Chúa Quan Phòng Kontum hiện nay chưa có nhà ở, phải ở nhờ, ở ké TGM dù chật chội nhưng cha con cũng chia nhau ra mà ở. Ông đã dự tính xin lại lô đất phía trước Nhà thờ chánh tòa cho các Sơ, chính quyền đã nhận lời rồi đùng một cái họ đổi ý và chỉ trong một đêm họ đã cho xây dựng ào ạt với nhiều người và máy móc phương tiện cứ như là ăn cướp vậy. Thôi các Sơ, các con cứ chịu khó đùm bọc lẫn nhau có Chúa sẽ lo liệu cho các con. Mình thua người ta về miếng ăn, cái mặc nhưng mình hơn hẳn họ về tình thương về niềm tin, có rau ăn rau cứ thực thi công bằng bác ái đấy mới là con Chúa là Chúa Quan Phòng ”. Các em say sưa và sốt sắng dâng lễ; từ giúp lễ, đàn hát các em làm rất tốt. Lại một bài học nữa cho chúng tôi. Người Dân Tộc.
Dâng lễ xong chúng tôi được ăn sáng với Đức Cha và Quý Sơ; Các em đông hơn thì ăn nơi khác.
Sau đó chúng tôi chào tạm biệt Đức Cha và Quý Sơ để chiều nay ra về.
Còn mấy tiếng đồng hồ nữa phải chia tay Giáo phận Kontum, mãnh đất phì nhiêu cho công cuộc truyền giáo, nhưng thợ gặt thì ít. Giáo phận Kontum và cả Giáo hội đang rất cần nhiều bạn trẻ dấn thân theo ơn gọi tu trì để đem tình thương của Chúa đến cho muôn dân tộc. Ngồi chờ xe đến đón, chúng tôi cũng chứng kiến các em và các Sơ đang quyến luyến chia tay 07 tập sinh nữ sẽ về miền Đồng nai để tiếp tục ơn gọi. Cầu chúc cho các em luôn kiên vững theo tiếng Chúa mời gọi, xa núi rừng Tây nguyên các em được vui vẻ và bình an nơi miền đất mới. Người dân tộc ít người lại phục vụ nơi phố thị. Đúng là việc Chúa làm.
Chúng tôi tranh thủ chào và cảm ơn mọi người, từ Chú (chưa biết tên) đã 10 năm làm nghề …. canh cổng TGM đến chị Loan 18 năm giúp việc cho ba đời Đức Cha; Các Cha Hưu; Các Thầy; Các Sơ trong TGM; Các Yaophu trẻ, Các anh Chương, anh Bình tài xế và tất cả các em. Hẹn ngày gặp lại!

Jos. Nguyễn Xuân Lam

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời