Bài viết khác

TÝ VỀ THĂM QUÊ MẸ

       Tý rất sung sướng khi được ba mẹ đồng ý cho thực hiện một chuyến đi ra Miền Bắc thăm bà con. Từ ngày đất nước Thống nhất, Tý nghe kể nhiều về miền quê xa nơi Ba Mẹ Tý từng sinh sống trước khi vào Nam. Mặc dầu sinh trong Miền Nam nhưng Tý vẫn mơ ước được một lần về thăm quê xưa của Ba mẹ. Ước mơ ấy nay đã đến trong tầm tay của Tý, hắn hồi hộp, sung sướng với đôi mắt tròn xoe, tươi cười.

    Hồi ấy chỉ 900 đồng, là mua được một vé tàu Thống nhất từ Nam ra Bắc. So với bây giờ 1000 đồng chỉ mua được một cây kẹo que. Nhà Tý còn nghèo nên Mẹ Tý phải làm thêm món vừng mè khô để đi ăn dọc đường. Mỗi lần con tàu Thống nhất ghé một ga nào đó cho hành khách nghỉ ngơi ăn uống, Tý lại lọt tọt vào một quán cóc mua một nắm cơm rồi lên tàu ngồi ăn với món vừng mè. Tý không phàn nàn phải ăn kham khổ, chỉ thấy tâm hồn luôn hạnh phúc khi được mở ra với cuộc sống đang dâng đầy trong tâm hồn thơ mộng, Tý không tin được mình lại có diễm phúc hơn bao đứa trẻ khác, được đi thăm suốt chiều dài của đất nước, trải qua biết bao làng mạc, tỉnh thành, đi qua Miền trung với Huế, lên đèo Hải Vân để nhìn thấy những ngôi làng nhỏ xíu, nằm xa tít mù khơi. Lòng Tý phấn khích lắm, hắn thu thập tất cả qua giác quan và cất dấu kỷ niệm ấy trong lòng. Nhất định ngày trở về hắn sẽ kể cho các bạn nghe thật nhiều về chuyến hành trình Nam Bắc đầy tự hào của hắn.

    Trải qua ga Mường Mán, ga Đồng Hới, ga Đà Nẵng, ga Vinh và cuối cùng là ga Si. Từ ga Si phải băng qua một cánh đồng ruộng mới tới quê của Ba mẹ. Bà con trong làng nghe tin có phái đoàn Miền Nam ra thăm, họ kéo nhau chạy nhanh qua các bờ ruộng để đón người thân về nhà. Họ ôm chầm lấy nhau mừng tủi và khóc lên vì sung sướng. Có lẽ đây là một trong những phái đoàn bà con Miền Nam đầu tiên của ngôi làng này đặt chân ra thăm đất mẹ kể từ sau ngày thống nhất hai miền đất nước.

   Mặc cho người lớn ngồi hàng giờ nói chuyện với nhau. Tý cứ trốn ra ngoài dạo quanh khắp xóm để khám phá, để hiểu biết thêm.  Đầu tiên Tý đến ngôi nhà Ba mẹ xưa, bây giờ là nhà của bác Hậu anh kế của Ba đang ở. Sau đó Tý một mình dạo khắp làng, mãi đến trưa mới về nhà ông anh con Bác Cả để dùng  cơm. Ngôi làng của Ba Mẹ xưa thật khiêm tốn, chỉ đi chưa hết buổi là hết làng, chung quanh làng được giới hạn và bao bọc bởi đồng ruộng lúa mênh mông, xanh ngát . Nhà nào cũng mái lá nhỏ bé lụp xụp, có đôi nhà mái tôn, xây bằng vôi sò, còn đa phần xây bằng đất trộn rơm, kiểu nhà mà thuở chưa đi học Tý từng xây nhà đất trộn rơm to bằng cái thúng với chúng bạn trong xóm. Khi vào nhà ai không phải lúc nào cũng có ghế ngồi hẳn hoi, có nhà nền đất chưa có ghế ngồi, khách vào thăm phải ngồi ở cạnh giường. Những con đường đất quanh co trong làng luôn có con mương nước chạy nho nhỏ lượn theo. Con mương nước này không được chăm sóc lắm nên có chỗ đọng nước, trở thành nguồn nuôi muỗi sinh sôi…Buổi tối xóm làng chỉ lù mù với những  ngọn đèn dầu leo lét, không có bóng chụp đèn. Thực ra bóng đèn khi bị bể, bà con làm biếng đi chợ xa để mua nó. Trong làng chỉ một ngôi trường cỏn con cho lớp mầm, lớp lá, khi lên lớp mẫu giáo cha mẹ phải đưa con đi học rất xa ra tận ngoài xã, ở đấy có trường tiểu học, có đường lớn cho xe chạy và có chợ mua thức ăn. Bà con trong làng ít khi đi chợ, họ tự kiếm cá kiếm rau từ nơi đồng ruộng cho bữa ăn. Hoặc chỉ đi chợ để đổi cá lấy vài cân thịt đãi khách.

     Buổi tối đầu tiên Tý ngủ tại nhà người anh con Bác Cả, nhà được xem là khá giả trong làng, vì anh đã sắm được một chiếc xe đạp, xe đạp là một trong những niềm tự hào đáng nể của dân làng. Cứ xem nhà nào có xe đạp là có thể đánh giá được nhà ấy giàu có. Ấy thế mà đêm đó Tý không tài nào chợp mắt được, không phải vì muỗi cắn mà vì cả nhà ông anh tám đứa con  mà chỉ có một cái mùng để cho mẹ và con mọn ngủ. Nhưng hôm nay lại nhường cái mùng ấy cho khách Miền Nam ngủ mùng, Tý nghĩ mãi, tại sao mình được nằm mùng sung sướng không bị muỗi đốt, trong khi đêm nằm cứ nghe tiếng “vỗ” đen đét vì muỗi cắn của những người trong gia đình không có mùng nằm. Nghĩ càng thấy thương họ. Tý nghĩ đến nhà có xe đạp như thế này thì những nhà không có ghế để ngồi thì thế nào?…

    Đêm sau bác Hậu, em kế của Bác Cả, anh kế của Ba lại mời đến ăn cơm chiều, Tý và người anh họ đi cùng chuyến đến thăm bác Hậu từ sáng sớm. Bác già yếu, ít nói, nhưng Bác gái lúc nào cũng vui mừng đến luýnh quýnh. Nhà Bác tuy đông con nhưng các chị lớn đã “ xuất giá” (lập gia đình). Thấy thiếu vắng hai chị kế út , Tý hỏi? Bác gái thật lòng trả lời, hai em nó đi từ tối hôm qua!… Nghĩa là sao? Tý chưa hiểu hỏi thêm. Em nó… đi mò cá tuốt trên đồng suốt đêm. Chi vậy bác? Để đổi cá lấy thịt. Té ra để mời khách đến nhà, hai chị (chỉ lớn hơn Tý chút xíu ) lại phải đi mò cá suốt đêm để ra chợ đổi lấy thị bò, thịt heo về đãi khách, Tý nghẹn trong lòng, cũng vì mình mà hai chị phải vất vả trắng đêm mới có cái để đãi khách… Anh tôi hỏi : vậy một đêm mò được nhiều cá không Bác ? Chừng hai cân! ( 2kg )…

     Đêm thứ hai tại nhà bác Hậu Tý và ông anh lại được ưu tiên nằm mùng. Nhưng hởi ôi có thể cười ra nước mắt được. Gọi là mùng mà thực chất nó chỉ che được rơm từ trên mái nhà khỏi rơi xuống vào mắt thôi, còn muỗi thì tự do ra vào, vì chân mùng còn cách 50cm nữa mới đến giường nằm!!! Dĩ nhiên lần  này Tý không ngủ được vì muỗi cắn suốt đêm. Tý vừa thương bà con ở đây nghèo đến cái mùng cũng không sắm được, lại cảm phục họ có thể ngủ không mùng giữa một môi trường quanh làng là đồng ruộng, ao hồ, nước đọng, ẩm thấp, ruồi muỗi như ong bay khắp nơi.

    Sáng hôm sau Tý và ông anh đi thăm nhà Bác Cả. Nhà Bác Cả chính là ngôi nhà của ba mẹ ông anh ngày xưa trước khi vào Nam. Căn nhà này đã hơn 30 năm không tu sửa, không thể nói là có lối đi vào nhà hẳn hoi mà phải lom khom chui vào, Tý không thể tin được nơi này là nhà của con người ở, nó tồi tàn đến không thể mô tả được. Chỉ là một cái khung nhỏ chống đỡ mái tranh rũ rục lâu năm, nền đất, ẩm thấp và chung quanh kín mít, chỉ một khung cửa sổ nhỏ bằng cái nón lá trên cái phên đất trộn rơm cho anh sáng lọt vào, góc nhà là nơi chứa chất những đồ hư hỏng. Không bàn không ghế, chỉ một cái giường nằm sát vách, hôi mùi quần áo của người già. Bác đã già lắm, mắt kém, tai phải nói to mới nghe được, Bác mừng lắm nhưng Bác không thể diễn tả được, Bác chỉ ngồi dậy nhìn 2 cháu từ Nam ra thăm Bác. Trông Bác còn đẹp lão nhưng tính tình đã cố hữu. Có khuyên cách mấy Bác cũng không rời cái “chòi” này để vào ở với con cái. Tý vừa xót xa, vừa thấy hổ thẹn khi nghĩ mình dù nghèo đến đâu vẫn còn sung sướng gấp bội bà con ở đây.

    Số tiền Tý nhịn ăn lúc đi đường ít ỏi cũng có thể góp với ông anh để di dời ngôi mộ của ông tổ từ nơi đồng xa về lại nghĩa trang của bà con, đây là một trong những mục đích cuối cùng của chuyến đi về quê cha đất tổ.

      Hoàn tất nhiệm vụ, trong thời gian vắn vỏi. Tý, ông anh cùng phái đoàn Miền Nam từ biệt bà con ra về trong sự xúc động, sự quyến luyến tình cảm của bà con đồng bào ruột thịt.  Ba lô quần áo mang theo Tý bỏ lại hết toàn bộ để những anh em cùng trạc tuổi có thể mặc vừa như một món quà đơn sơ của Tý. Có thế Tý mới thấy một chút nhẹ nhõm khi trong lòng luôn xót xa, cảm động với cái nghèo của bà con nơi đây. Suốt đường về ròng rã 3 ngày 3 đêm Tý lại mua cơm trắng lên tàu ngồi ăn với món vừng mè./.

   Chim én

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời