Giáo dục Giới trẻ

Ðạo Hiếu Trong Thi Ca

Ðạo Hiếu Trong Thi Ca

                                                                                                     Thanh Trí Cao

  Trích Trung Tâm Việt Ngữ

(Thượng Tọa Thích Quảng Thanh với bút hiệu Thanh Trí Cao, tác giả hai thi phẩm “Trăng Ngủ Trong Mây” & “Trên Dòng Tử Sinh”. Ngoài những công việc quan trọng trong lãnh vực tôn giáo, nhà thơ Thanh Trí Cao còn là nghệ sĩ đa dạng về hội họa, cắm hoa,  cấu trúc non bộ… đang xúc tiến công việc thực hiện Phòng Triển Lãm Văn Hóa Nghệ Thuật để góp phần vào việc bảo tồn Văn Hóa Việt Nam. Bài Ðạo Hiếu Trong Thi Ca được nhà thơ Thanh Trí Cao trình bày trong Khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm vào tháng 8-2001 tại Ðại Học Long Beach – Ban Biên Tập TVMY)

                     Anh và tôi bắt đầu từ mẹ

                      Sữa ngọt ngào nuôi nấng yêu thương

                      Bàn tay mẹ nhiệm mầu đến thế

                      Mẹ hy sinh cao cả phi thường ”  
        
   Nói đến đạo hiếu tiềm ẩn trong thi ca Việt Nam thật phong phú kỳ diệu. Ðâu là sự bắt đầu và chấm dứt? chúng ta không thể đo lường được bằng sự hiểu biết thường tình. Cảm nhận tình mẹ, cha bằng một tâm hồn trong sáng thanh cao, người ấy sẽ trưởng thành và tiếp nối truyền thống yêu thương một cách hãnh diện. Cho dù có văn minh vượt bậc đến đâu nếu tự mình chối bỏ đặc tính đạo hiếu người ấy trở nên máy móc hành động. Những sản phẩm thiếu tình người sẽ không có đủ hấp lực cho từng thế hệ mai sau khôn lớn, đó là ý thức truyền thống hiếu đạo rất Ðông phương.

      Ðời sống được nâng cao bằng kiến thức và trí tuệ, đó là một đời sống tiêu biểu nặng tính giáo dục của gia đình, học đường và tôn giáo. Công cha nghĩa mẹ tình cảm ấy rất thiêng liêng phải được giáo dục có truyền thống. Nơi học đường, thiết tưởng nên nâng cao tinh thần đức dục hơn các môn học mới đúng nghĩa một nền giáo dục nhân bản khả kính, khả ái. Ngày nay, thực trạng bạo động nơi học đường làm cho các nhà giáo dục đạo đức, các bậc lãnh đạo tôn giáo quan ngại chuyện lâu dài đối với tuổi thanh-thiếu niên.

     Một đất nước văn minh như Hoa Kỳ, tiện nghi vật chất dư thừa, tuy nhiên đức dục thiếu sựï quan tâm làm cho các bậc phụ huynh âu lo sợ hãi con em của mình sa vào con đường không được lành mạnh. Một mặt lo sinh kế cho gia đình, một mặt lo chăm sóc con cái khi đến trường hay lúc ra về quả thật cực nhọc vô vàn. Nếu ai đó có con em hư hỏng bước vào đường nghiện ngập xì ke, ma túy. Chao ôi! khổ tâm biết chừng nào? Các bậc phụ huynh lúc nào cũng quan tâm đến con cái và đặt niềm hy vọng, nhưng khổ nỗi có những kẻ chuyên môn rình rập và đầu độc tuổi thiếu niên trở thành người bất chấp luật pháp xã hội. Trong xã hội có đầy dẫy sự mâu thuẫn kiếp đảm, thế cho nên những ai hằng quan tâm đến một nền giáo dục lành mạnh tốt đẹp phải có nhiều sáng kiến và thích ứng với hoàn cảnh thực tại. Trong mọi nỗ lực cao quý đáng kể, chúng ta phải ghi nhận và vinh danh những thầy, cô giáo của các trung tâm Việt ngữ khắp nơi trên thế giới, nói riêng là Hoa Kỳ. Một nhà giáo thiện nguyện yêu nghề, một việc làm khá phi thường trong xã hội tại Hoa Kỳ. Một nền giáo dục hướng về nguồn cội không được trả lương xứng đáng thế mà vẫn vui lòng chấp nhận vượt bao khó khăn chỉ vì các thế hệ tương lai. Ðáng khâm phục! từ ý thức trách nhiệm chung, chúng ta nên hỗ trợ tối đa cho một đường hướng giáo dục về nguồn của các Trung Tâm Việt Ngữ.

    Theo tôi, có lẽ từ nền tảng giáo dục học đường cho nên trong thi ca vẫn giữ gìn được những nét đẹp tuyệt vời như câu:

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thời mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

     Bốn câu thơ trên đây rất xưa như những đền đài cổ kính, nhưng lúc nào cũng mới, cần lập lại để nhắc nhở chúng ta hằng tư duy và gặm nhấm. Còn nữa:

     “Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”

           “Còn cha còn mẹ là hơn

Mất cha, mất mẹ như đờn đứt dây”

      “Một đời gánh nắng, gánh mưa

Mòn vai đời mẹ vẫn chưa yên lòng”

    “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo nhường con”

Tình mẹ luôn luôn là như vậy các bạn ạ!.

     Tôi thường khảo cứu các tôn giáo, hầu như tôn giáo nào cũng khích lệ con người kính trọng và phụng dưỡng cha-mẹ khi tuổi già nua. Ðừng bao giờ để cha- mẹ cô đơn khi tuổi già sức yếu vì cha- mẹ đã hiến tặng cho con quá nhiều. Ngạn ngữ Việt Nam có câu:

“Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng

Con nuôi mẹ tính tháng tính ngày”

    Rồi một lúc nào đó làm lữ khách, ta bơ vơ giữa chợ đời có đầy dẫy sự thử thách đối với thân phận kiếp người, chừng ấy ta sẽ thấy cô đơn và cần có một chút tình thương yêu của mẹ để sưởi ấm cuộc đời.

     “Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruộït đau chín chiều”

Bi ai hơn thế nữa, người xưa đã nhắn nhủ:

“Phụ mẫu tình thâm chung hữu biệt

Phu thê nghĩa trọng giã phân ly

Càn khôn số tận, tình nan tận

Giang Hán lưu càn lệ bất càn”

    Bốn câu này xin để nguyên vẹn âm điệu để chúng ta cảm nhận được cái thâm thúy ân đức cha- mẹ hơn là dịch nghĩa. Chúng ta hãy dành những giây phút trầm lặng để quán thông ngôn ngữ, và hiểu rằng ngôn ngữ ø đích thực là phương tiện dẫn dắt chúng ta hội nhập vào thế giới siêu nhiên tình mẹ. Nếu ai đó đã mất mẹ, mùa Vu Lan lại về cài lên trái tim mình một đóa hồng trắng để tưởng nhớ mẹ và đọc bốn câu thơ:

“Ðây chén cơm đầy nặng ước mong

Mẹ ơi! đây ngọc với đây lòng

Ðây tình còn đọng trong tha thiết

Ân nghĩa sinh thành trả chưa xong”

    Âm hưởng xưa cổ còn nhiều vô vàn hơn nữa, trong phạm vi bài này không thể nào trích dẫn hết được những nét đặc thù mà thi ca nhân gian mô tả tình mẹ – cha đối với con cái. Ðối với người Việt Nam, cuộc sống đồng áng quê mùa họ nghèo vật chất, song rất giầu tình cảm, nhất là thi ca. Họ đối đáp với nhau bằng câu hát, câu hò rất ư thâm thúy kỳ lạ. Ngàn xưa cho đến ngàn sau thi ca Việt Nam được tồn tại trong lòng dân tộc bất cứ hoàn cảnh thế nào và ở đâu.

Mẹ tôi như một buồng cau

Ðời sống nghèo khó nhưng giầu sắc hương

Mẹ tôi như áng văn chương

Chảy dài bất tận – yêu thương vô vàn

Tình mẹ như thể không gian

Không ai đo được dọc ngang bốn chiều

   Nói đến chữ hiếu, chúng ta không thể đo lường được bằng ngôn ngữ mà chỉ biết dùng ngôn ngữ để ca ngợi tính chất yêu thương. Kho tàng ngôn ngữ thi ca Việt Nam tự tồn với sự thăng trầm vinh nhục của dân tộc, lắm lúc hình thức có biến thể để thích ứng hoàn cảnh, nhưng chất liệu tình người Việt Nam vẫn tiềm tàng nét đẹp riêng.

    Ngày nay thời đại văn minh, người Việt tiếp cận các nền văn hóa khắp thế giới, thi ca Việt Nam trở nên quan trọng hơn bởi lẽ người ly hương nào cũng thương nhớ cội nguồn –phải không các bạn? Xa quê hương nhớ mẹ hiền! Chỉ có những ai xa cha, mẹ làm khách ly hương mới thấm thía nỗi niềm thương nhớ vô bờ đối với bậc sinh thành. Nếu có ai đó vô tình hỏi anh có đạo nào chưa?

-Tôi sẵn sàng trả lời: Tôi đã có đạo hiếu. Thiết nghĩ, từ buổi sơ khai người Việt Nam lúc ấy chưa có tôn giáo du nhập, tổ tiên ông bà chúng ta lấy chữ hiếu làm đầu và tôn thờ kính ngưỡng. Ðạo hiếu là đạo tự nhiên của con người không cần phải đặt vấn đề cương lĩnh hay giáo điều chi hết. Bởi vì trước khi con người chọn một tôn giáo và được gọi là mình có đạo, họ đã có đạo hiếu. Thờ kính tổ tiên ông bà theo một truyền thống thừa kế, tế tự nét đẹp ấy đã ăn sâu trong dòng văn hóa Việt Nam đáng hãnh diện lắm chứ. Người xưa có câu:

“Có hạnh nào đẹp hơn hạnh hiếu

Không thể lường cần có bao nhiêu

Ân cha- mẹ ví như biển cả

Lòng mẹ tôi đẹp nhất thương yêu”

     Hình ảnh cha-mẹ hương vị ấy đã tràn đầy trong thi ca cổ kim hòa điệu. Bởi vì mẹ thương con không lấy gì so sánh được, tuy rằng có một số trường hợp ngoại lệ nào đó người mẹ can đảm xé ruột, xé gan phải đành xa con. Chúng ta thử liên tưởng thời kỳ chiến tranh tàn khốc, hình ảnh bà mẹ ôm con trên đôi tay chạy giặc, nhưng không biết con mình đã chết tự lúc nào, khi biết được thế ấy mẹ khóc nức nở nghẹn ngào. Mẹ lúc nào cũng sẵn sàng cho con không điều kiện. Không biết bao nhiêu bà mẹ khổ vì con cái, cho dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa mẹ vẫn thương con, tình thương không giới hạn tuổi tác. Sách có câu:

 “Mẹ già trăm tuổi vẫn thương con tám mươi”.

   Ngày nay tại Hoa Kỳ cứ mỗi độ tháng bảy mùa Vu Lan Báo Hiếu, dưới nhiều hình thức người Việt Nam không quên tô đậm truyền thống ghi nhớ công ơn cha mẹ. Bài hát Lòng Mẹ trổi lên làm cho lòng người nao nao xúc động quay về chiêm ngưỡng công ơn cha mẹ:

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…”

…Âm điệu chỉ cất lên chừng ấy cũng đủ thấy rung động xao xuyến kỳ lạ.

 “Mẹ già như chuối ba hương

  Như xôi nếp một như đường mía lau”

Ngôn ngữ âm điệu ấy giúp chúng ta cảm nhận được hương vị thiêng liêng tình cha, nghĩa mẹ không cần pha trộn bất cứ một thứ gì ngoại lệ. Hương yêu thương của cha mẹ là hương vị đặc thù nguyên chất tuyệt vời. Các bạn ạ! thi nhân có câu:

“Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Như mất cả bầu trời”

     Mất mẹ là mất cả bầu trời ấm êm. Hình ảnh mẹ rất đẹp như bầu trời bao la thi vị khôn ngần. Hằng hà câu ca, tiếng hát tạ ơn sinh thành của cha- mẹ rất là êm đềm thiết tha. Người ta có thể nói trái tim của mẹ, là một trong những kỳ quan đẹp nhất của nhân loại. Bất cứ một sinh vật nào cũng đều bắt đầu từ mẹ. Thật vậy, có sinh con mới biết niềm đau của mẹ -đó là lời phát biểu của phái nữ.

     Xưa và nay văn nhân thi sĩ, nhạc sĩ không biết  bao ngôn từ để mô tả tình mẹ , công cha. Bởi vì mẹ là người khai phóng lộ trình yêu thương cho mọi sự hiện hữu trong cuộc đời này. Từ đứa con rồi trở thành cha hay mẹ mới hiểu được thiên chức ấy như thế nào.

“Nước mắt chảy xuôi tình mẫu tử

Chảy theo nước mắt cuộn mồ hôi

Mẹ đem cái chếát làm nên sống

Nước mắt một dòng vẫn chảy xuôi

Nói làm sao hết mẹ hiền ơi

Công đức niềm đau lẫn tiếng cười

Mẹ lấy bụi đời làm phấn sáp

Che dù trời nắng đội mưa rơi

Nguyện cầu đức Phật và danh Chúa

Rủ đức từ bi xuống phước lành

Mẹ sống muôn đời cùng vũ trụ

Ngôi sao mẹ ngự giữa thiên đình”

Những lời thơ trên, thi nhân Thanh Tịnh ông nói một cách chân thành xúc cảm từ trái tim. Bài thơ “Khói Trắng” một trong những bài thơ làm rung động lòng người khi ai đó cất giọng ngân nga theo tiếng sáo diều hay tiếng đàn tranh. Chúng ta có thể rơi nước mắt, xao xuyến và cảm nhận ân đức cù lao của mẹ-cha. Cho dù cha mẹ không còn trên cõi đời này, nhưng hương vị thương yêu không thểâ chết theo ngày tháng phải không bạn? khi va chạm đến bất cứ một hình thức yêu thương nào đó, mặc nhiên tình yêu thương của mẹ – cha hiện hữu trung hòa huyền diệïu. Nói thế để chúng ta hiểu rằng mẹ- cha là di sản yêu thương phải được bảo tồn cho sự sống. Nghĩa là sự sống nào có văn hóa, có truyền thống nhân bản không thể chối bỏ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái.

“Ai lấy thước đo chiều biển rộng

Có biết không tình mẹ lớn hơn

Mẹ không giống như bao huyền thoại

Mẹ ngút ngàn như ngọn thái sơn”

    Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, âm hưởng thi ca dâng lên và thôi thúc chúng ta phải làm một cái gì đó để bày tỏ tấm lòng hiếu đạo. Sự thành tựu nào mà không có tình mẹ trong ấy bạn nhỉ! Ánh sáng và bóng tối của tâm hồn luôn luôn chuyển động theo nhịp độ tư duy. Nếu tâm hồn sáng suốt gìn giữ hiếu đạo kính thờ cha mẹ, người ấy đáng hãnh diện về mình. Có lẽ đời người sợ nhất là bóng tối của lòng mình. Một tâm hồn thiếu minh mẫn chuyện gì sẽ xảy ra mỗi chúng ta thừa biết điều đó. Chúng ta hãy thắp sáng niềm tin tín ngưỡng bằng lý trí yêu thương để hiểu được mình và giúp tha nhân. Muốn đạt đến chân -thiện –mỹ, đức hạnh vẫn là yếu tố căn bản. Người xưa có câu: “Trong đời có vô vàn hạnh, nhưng hạnh hiếu là hạnh đứng đầu.” Bậc thánh nhân, chữ hiếu canh cánh bên lòng, chính chữ hiếu tạo cho họ một phong thái ung dung kỳ đặc mà người đời đã và đang kính phục chiêm ngưỡng. Bởi thế cho nên thi nhân có thơ:

Con đốt nến soi vào bóng tối

Và lắng nghe sâu thẳm không gian

Tiếng của mẹ êm đềm như cũ

Dù đất trời có phủ màu tang

  Người Việt ly hương sống tại Hoa Kỳ đã tuần tự hội nhập vào nền văn hóa bản xứ. Mỗi năm đến ngày “Mother’s day hay Father’s day” chúng ta cũng cảm nhận được một cái gì đó rất đẹp. Ngày ấy đã đánh động lòng hiếu kính của các người con. Giới truyền thông, báo chí nhân dịp ấy ca tụng tình mẹ, cha làm xao xuyến vô vàn. Những bài hát được cất cao âm điệu réo gọi thiết tha như nhắc nhở ai đó hãy dâng lên cha- mẹ một bông hồng. Có người thơ ngây bảo rằng: Việt Nam không có truyền thống ngày nhớ ơn cha mẹ. Chỉ có những đứa con mất gốc thiếu hiểu biết mới không cảm nhận ngày Báo Hiếu mẹ- cha mà người Việt Nam đã thôi thúc tự ngàn xưa. Ngày mẹ bao giờ cũng thiêng liêng cao cả đó mà. Bài hát “Mẹ Là Biểu Tượng Cao Siêu” đã nói lên một phần nào tinh thần hiếu đạo của những người con

“… Mẹ là thủy thủ con thuyền

Vượt bao sông ngạn hiểm nguy muôn trùng

Mẹ như biển rộng bao dung

Tình thương chan chứa vô cùng những cho

Mẹ cho cuộc sống ấm no

Mẹ cho hương sắc, mẹ cho mặn nồng

Lòng mẹ như một dòng sông

Con như chiếc lá bềnh bồng nước trôi

Mẹ như cả một bầu trời

Vòng tay kỳ diệu trọn đời thương con

Mẹ là biểu tượng cao siêu

Cho con tất cả thật nhiều tinh hoa

Mẹ là vũ trụ bao la

Vòng tay diệu huyền thiết tha vô ngần

Mẹ chịu cam khổ gian nan

Mẹ vươn vai gánh phong trần thay con

Bài thơ tình mẹ sắt son

Con xin dâng hiến ngợi ca mẹ hiền

Thi nhân thăng hoa mẹ là Phật, mẹ là đấng thiên thần cứu rỗi đời con. Cho dù cha mẹ còn tại thế hay đã hóa ra người thiên cổ, chúng ta một lòng thờ kính gìn giữ cho tròn đạo hiếu. Thi nhân, nhạc sĩ và ca sĩ hòa điệu với nhau tạo thành âm hưởng “Bông Hồng Cài Áo” réo rắt lòng người mà bao giờ cũng thất êm đềm thắm thiết vào da thịt. Thiền sư Nhất Hạnh đã viết những lời ca tụng mẹ tha thiết như sau:

“… Mẹ! mẹ là dòng suối dịu hiền

Mẹ! mẹ là bài hát thần tiên

Là bóng mát trên cao

Là mắt sáng trăng sao

Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…

Mẹ là lọn mía ngọt ngào

Mẹ là nải chuối buồng cau

Là tiếng dế đêm thâu

Là nắng ấm nương dâu

Là vốn liếng yêu thương của cuộc đời…

      Lại nữa, nếu đứng trên bình diện tín ngưỡng của tôn giáo mà nói, mỗi tôn giáo đều có những lời ca ngợi cha –mẹ rất hay rất đẹp. Riêng tôi công trình sưu tập thi ca nói về đạo hiếu có quá nhiều, ngoài sức tưởng tượng! Tuy nhiên, người viết bài này không thể đi xa hơn để ghi nhận và mô tả ảnh hưởng sâu rộng chữ hiếu trong nền thi ca Việt Nam. Bài này chỉ được xem là duyên gợi cảm và chia sẽ với bạn đọc một phần rất nhỏ trên bình diện thi ca rộng lớn. Hy vọng từ đó các bạn có nhiều sáng kiến hơn để khám phá kho tàng thi ca Việt Nam rất phong phú ca ngợi tình cha nghĩa mẹ. Những tưởng mỗi chúng ta là đứa con của mẹ tâm hồn đã dung chứa thật nhiều chất liệu thương yêu như mẹ- cha đã từng cho ta. Này anh, này chị hãy tự mình cảm nhận hương vị thiêng mầu nhiệm mà cha mẹ đã trao truyền. Trong phạm vi hạn hẹp của bài này, người viết xin độc giả rộng lượng bỏ qua những gì chưa vừa ý.

 Thưa quí vị, tình mẹ – cha có phải là một thứ tình tuyệt đối? Xin mời quý vị  cùng cất cao tiếng hát bài “Tạ Ơn Sinh Thành”.

Lạy tạ ơn me! sứ mệnh thiêng liêng

Lời mẹ êm ái thiết tha diệu huyền

Lạy tạ ơn cha vũ trụ muôn lối

Hiến dâng cuộc đời vui buồn đầy vơi

Lạy tạ ơn me!ï suốt đời hy sinh

Cần cù năm tháng xiết bao ân tình

Lạy ơn cha! dãi dầu mưa nắng

Xá chi nhọc nhằn gieo mầm ngày mai

Lạy tạ ơn mẹ! mạch máu luân lưu

Con vươn sức sống từ lời mẹ ru

Lạy tạ ơn cha! khuyên giải ân cần

Tâm hoài nguyện ước con mình thành nhân

Lạy tạ ơn mẹ! tình những bao la

Cho con ánh sáng vượt nghìn trùng xa

Lạy tạ ơn cha!, ơn thầy, ơn bạn

Ơn của tổ quốc, ơn người gần xa

Lạy tạ ơn mẹ!ï có mẹ trong tâm

Tình mẹ nhung gấm chứa chan vô vàn

Lạy tạ ơn cha! vững lòng đi tới

Bước chân vào đời an lành thảnh thơi

Lạy tạ ơn mẹ! bóng mẹ lung linh

Mẹ là tia sáng chiếu soi đưa đường

Lạy tạ ơn cha! sánh bằng non thái

Khắc ghi trong lòng muôn đời nào quên

Công cha nghĩa mẹ con nguyền đền ơn!

                             

                                                            Thanh Trí Cao

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời