Bài viết khác

NGƯỜI ANH HÙNG CỦA THỜI ĐẠI

NGƯỜI ANH HÙNG CỦA THỜI ĐẠI

 

   Việc cử hành thánh lễ sáng nay cũng như mọi ngày, chẳng có gì để suy tư nếu như không có Đức Cha Giáo Phận Kontum cử hành thánh lễ tại Giáo xứ Vinh Châu. Việc Đức Cha Hoàng Đức Oanh  chủ tế thánh lễ cũng chẳng có nhiều suy tư nếu như Ngài không để lại những cử chỉ tuyệt vời. Chính những cử chỉ này đã để lại cho mọi người những ấn tượng khó quên. Trong niềm cảm kích đó tôi không thể không ghi lại những cảm nghĩ đang đến.

    Đức Cha Micae vẻ ngoài chẳng có phông độ của một vị Giám Mục, Ngài sinh ngày 23/10/1938 năm nay đã 73 tuổi. Có lẽ nhiều người mới biết thông tin này sẽ ngạc nhiên rất nhiều vì dáng đi của Ngài còn lanh lẹ, giọng nói tuy hơi khàn nhưng nói nhanh và linh hoạt như những người chưa thể gọi là già. Điều này cho thấy Ngài là một con người năng động trong công việc truyền giáo ở địa phận vùng cao nguyên.

    Trong bài giảng gần 30 phút, Ngài kể về nhưng trải nghiệm truyền giáo ở Kontum, những thành quả đạt được khi “xâm mình” để đưa những người con xa lạ về với vòng tay mở rộng của Đức Kytô. Ngài mượn lời của Thánh Phao lô “Thật vô phúc cho tôi, nếu tôi không đi rao giảng Tin Mừng” để  mời gọi mọi người hãy ra khỏi ngôi nhà, ra khỏi xứ sở của mình để truyền giáo cho 20.000 lương dân chung quanh. Để đáp ứng lời mời gọi của Đức Cha, cuối thánh lễ Cha xứ Vinh Châu đã kêu gọi hình thành một nhóm thiện chí và tâm huyết để làm công tác phục vụ truyền giáo sắp tới của giáo xứ.

    Kết lễ vị đại diện Giáo xứ đọc lời cám ơn và tặng hoa cho Đức Cha. Ngài đón nhận lẵng hoa và phát biểu cách bình dị: hãy đi và nói với mọi người những gì mình thấy… ( ý truyền giáo). Sau đó Ngài đưa tay mời một em bé ngồi bàn đầu đến với Đức Cha. Cám ơn Chúa !  không hiểu sao đứa bé gái trạc 6-7 tuổi lại đơn sơ mạnh dạn đến với Đức Cha trên Cung Thánh một cách dễ dàng để đón nhận lẵng hoa Đức Cha trao cho bé. Ngài mời 2 ông Ban hành giáo dẫn em tới tòa Đức Mẹ bên phía trái để dâng hoa lên Đức Mẹ. Ngài nói “ Đây là bó hoa Giáo xứ dâng lên cho Mẹ chứ không phải cho tôi”. Tiếp đến Ngài khen  ca đoàn hát hay và mời một đại diện ca đoàn đến với Ngài, không như em bé gái kia, ca đoàn do dự và chậm trễ làm mọi người hơi xót ruột một chút. “Thầy có gia đình chưa?”. Ngài hỏi và anh đại diện ca đoàn rụt rè trả lời…,lấy chiếc mũ nhỏ trên đầu xuống Ngài lại hỏi “Thầy có dám đội chiếc mũ này không?… ( tính hài hước) Ngài nói tiếp “Tôi còn cây gậy và chiếc mũ lớn ở nhà, tôi sẽ trao cho thầy để đi truyền giáo”. Cử chỉ cuối cùng Ngài trao tặng cho anh đại diện ca đoàn một hộp quà nhỏ. Ngài cám ơn một lần nữa, mọi người bỗng vỗ tay hoan hỉ hơn. Đứng bên cạnh tôi một người buột miệng “Thế là Ngài trắng tay”.

     Sau thánh lễ mọi người ra về với một cảm giác khác thường, mọi người như đọc được một niềm vui hoan hỉ nơi gương mặt của những người khác. Họ vui vẻ và nói chuyện nhiều hơn khi đang dẫn xe ra khỏi bãi xe.

     Nếu trước đây tôi từng “dị ứng” và ngán ngẫm  trước những “Vị” tỏ ra uy quyền hoặc cố tạo vị thế uy quyền của mình, thì giờ đây tôi như vừa cởi trói được ý tưởng đó, tôi cảm thấy dễ thở và nhẹ nhõm trong lòng khi cảm phục một vị Chủ chăn đứng đầu của một Giáo phận uy quyền đến vậy nhưng Ngài thật bình dị, nhẹ nhàng và hòa đồng với mọi người trong từng lời nói và cử chỉ của Ngài. Và hơn hết, một hành động gương mẫu, một đời sống để “chỉ biết cho đi chứ không nhận lại” . Đúng như lời người đứng bên cạnh tôi nói “Ngài trắng tay”. Lẵng hoa kia Ngài hướng mọi người dâng lên cho Mẹ, Ngài không là gì cả, Ngài nhận mình không xứng đáng, Ngài từ chối khoác lên mình một chút uy quyền và vinh dự. Gói quà kia tôi không rõ lắm nhưng có lẽ là số tiền được dâng tặng?? Ngài trao lại hết cho ca đoàn và khuyến khích họ hãy hát ca ngợi Chúa. Cuối cùng Ngài “Trắng tay”.

     Những cử chỉ nhỏ nhắn này khiến tôi tin vào Đức Kytô hơn, Ngài đã đào tạo nên những  đệ tử trung tín trong ngôn từ và hành động gương mẫu.  Những đệ tử đó chính là hiện thân sống động của Đức Kytô. Lúc này tôi cảm nhận rất riêng! Những bài giảng thần học cao siêu, thâm thúy để làm gì? Và chẳng so sánh được tí nào với những cử chỉ khiêm tốn nhỏ bé của một vị Chủ chăn trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, có sức thu phục và ngưỡng mộ rất lớn nơi lòng người.

       Những người phục vụ tông đồ trong mọi thành phần của Dân Chúa dễ rơi vào trường hợp mượn danh Chúa để làm vinh danh mình. Họ sẽ phải cảm thấy “ngượng” khi nhìn một vị Chủ chăn, Một Giám Mục trọng vọng lại hòa đồng, gương mẫu và khiêm tốn đến vậy. Còn tôi thì đáng là gì?.

     Người hùng trong thời đại ngày hôm nay không phải là người dám xông pha vào mọi hoạt động để tìm vinh danh mình, nhưng là người biết khiêm tốn. Người khiêm tốn là người vĩ đại.

      Chim én.

 

 

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời