Lịch sử Bình Giả

Hồi Tưởng, Cảm nghĩ, Tri ân – Nguyễn Đức Hiến

 

Hồi Tưởng – Cảm Nghĩ – Tri Ân
Các Vị Ân Nhân Bình Giả

 

Nguyễn Đức Hiến

Thời gian trôi qua nhanh chóng, nhìn lại như mới ngày nào, nhưng đã hơn nửa thế kỷ. Từ khi những cặp chân đất, dắt díu nhau tới vùng đất đỏ, rừng cây bao phủ, sơn lam chướng khí, định cư lập nghiệp với cái tên Bình Giả còn mơ hồ trong tâm trí mọi người dân Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ.

Những ngày đầu tiên (1955) ấy vô cùng lo âu, bỡ ngỡ với hai bàn tay trắng, không lương thực, hoàn toàn vô sản. Tất cả lương thực,nhà ở đều trông chờ vào sự trợ cấp của chính phủ.

Hiện trạng di dân đến vùng đất mới đã làm cho lòng dân bớt ngao ngán, buồn rầu ray rứt vì nhớ nhung quê cha đất tổ ở phía bờ bên kia vĩ tuyến. Với hy vọng một ngày đẹp trời nào đó, con tạo xoay vần, lại được trở về chốn cũ. Nhưng cuộc thế đã thay đổi hoàn toàn; không còn nghi ngờ gì nữa, Bình Giả đã trở thành quê hương thực sự cho thế hệ kế tiếp.

Những chiếc lều bạt viện trợ to tướng, chứa cả trăm người ăn ngủ, ban ngày nóng như lửa đốt, đêm về gió rừng lạnh buốt thấu xương, mau chóng được thay thế bằng những căn nhà một kiểu: gỗ cấp phát 9 cột, 6 kèo, 2 vày, mái tranh, vách lá… nhưng dẫu sao mỗi gia đình được thoải mái hơn, sống riêng, tránh được nạn nhân mãn.

Nhà thờ, trường làng cũng được chính phủ cấp tốc cất lên bằng khung tiền chế, vách ván, lợp tôn làm nơi thờ phượng và những phòng ốc để tạm thời có chỗ cho các con em học hành.

Mọi người, mọi nhà đang dần dần lấy lại niềm tin, bước vào cuộc sống thực tại; Bỗng chốc những xui xẻo từ đâu xảy ra: bệnh sốt rét, nặng hơn nữa là dịch cúm quái ác hoành hành, gây chết chóc nhiều trẻ em đã làm cho một số đông gia đình phải chạy nạn một lần nữa, tìm những nơi bình yên hơn.

Đại đa số cương quyết ở lại, vật lộn với bệnh tật và khó khăn. Thế rồi một ngày không xa, nhờ ơn trên che chở, mây mù tan biến. Những người ở lại có sức mạnh tự tin, bắt tay vào việc phá rừng, làm rãy, làm ruộng để có cơm ăn áo mặc khi chương trình cấp phát của chính phủ chấm dứt.

Ở giai đoạn mới mẻ, khó khăn thiếu thốn chồng chất, chính hai cha quản xứ: cha Đoàn Duy Đông và cha Nguyễn Văn Kiều ( cha Cần bị bệnh nặng) lê gót đi khắp nơi: từ cơ quan chính phủ, từ thiện đến cả những trại lính của Pháp để xin từng bao gạo, bột mì, bột bắp, dầu ăn và dụng cụ phát rãy, làm ruộng… mang về phân phát lại cho đồng bào toàn trại để phụ thêm vào khẩu phần của chính phủ rất hạn chế. Song song với cuộc sống vật chất là vấn đề văn hoá, giáo dục cho con em. Các cha và Uỷ Ban Định Cư phải lo lắng tìm đến các cơ quan liên hệ giúp đỡ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã hiểu rõ nhu cầu cấp thiết này nên đã biếu tặng một ngân khoản lớn để xây dựng ngôi trường cho tất cả học sinh toàn trại lấy tên Trung Tiểu Học Tấn Đức. Các cha cử cha Lê Đức Trung và phụ tá là hai ông: Đinh Huỳnh Lục (cụ Trương, Nghi Lộc) và ông Phan Quảng lo thiết kế, điều động thợ xây, phụ bản là giáo dân tự nguyện. Sau cả năm trời, bỏ ăn bỏ ngủ, ngôi trường đã hoàn thành. Được giấy phép của Bộ Giáo Dục cho hoạt động và bổ nhiệm cha Kiều làm Giám Đốc, cha Đông làm Hiệu Trưởng. Niên khóa đầu tiên chỉ có 2 lớp đệ thất và cấp Tiểu Học. Càng về sau mỗi năm con số học sinh càng cao, trường không đủ phòng ốc phải dời qua cả căn nhà vòm tiền chế. Trường rất có tiếng tăm và hoạt động mãi cho tới 30-4-1975. Hằng trăm học sinh ưu tú đã được đào tạo từ cái nôi Tấn Đức này, qua sự điều hành của nhiều cha, nhiều thầy dạy dỗ mà chúng ta phải ghi ơn đó là: cha Kiều, cha Đông, cha Trung, cha Thụy, cha Trọng, thầy Ngô Viết Cẩn, Nguyễn Văn Chín, Cha Huỳnh Tấn Vinh, thầy Hồ Minh Thiện, cha Phương, và rất nhiều thầy khác nữa nhưng vì trang giấy có hạn không thể kể hết.

Phần sau đây tôi xin trình bày về cảm nghĩ và nhận xét đồng thời cũng viết lên đôi lời tri ân tất cả những vị ân nhân của Bình Giả một cách cụ thể. Với hy vọng các con em biết được những đóng góp của các bậc cha ông. Dưới con mắt của người không chuyên nghiệp và trình độ văn thơ thấp kém, không diễn tả được mạch lạc như ý, nhưng xin đoan chắc với con tim trung thực và lương thiện. Những gì viết ra hoàn toàn không hổ thẹn với lương tâm.

 

 

  1. Học đường: Từ ngôi trường Tấn Đức, biết bao người thành danh, thành người đã đi tới tận mọi nơi; từ cao nguyên đất đỏ, duyên hải trù phú, thành phố hoa lệ hay miền Tây sông nước tới những làng Bản dân tộc thiểu số để phục vụ công ích. Từ linh mục, công chức, sĩ quan, quân đội … đều có mặt khắp nơi.
  2. Các linh mục xuất thân từ Tấn Đức gồm có: Đinh Tiến Đường, Đậu Văn Minh, Đinh Tiến Hướng, Đinh Huỳnh Hoa, Phan Kế Sự, Đinh Huỳnh Phùng, Đinh Thanh Sơn, Nguyễn Xuyên.
  3. Các nữ tu: Trần Thị Chế, Đinh Thị Thế, Phạm Thị Nhu, Trần Thị Kiểm, Trần Thị Liên, Trần Thị Uyển, Nguyễn Thị Lý, Cao Thị Quý…Ngoài ra còn có nghị viên như Nguyễn Văn Liệu, Đặng Thị Tuyết Mai (sau 75) và hàng loạt tên tuổi từ Dòng Phan-Xi-Cô hay các dòng khác.
  4. Tất cả các học sinh muốn dự thi vào chủng hay tu viện đều phải nhờ đến giấy chứng nhận đặc biệt của linh mục Hiệu Trưởng mới có thể qua các cửa ải chặt chẽ và nguyên tắc tuyệt đối của chủng viện hay tu viện.
  5. Trường có giấy ban khen của Bộ Giáo Dục, được một giáo viên thủ khoa lớp Sư phạm Trung Ương Thủ Đức, một thủ khoa Sư phạm ở Tỉnh, một bằng nhất văn nghệ các trường.

 

Thành tích này (5) xin dành công ơn cho cha Đinh Quốc Thụy, Giám học kiêm Tổng Giám Thị nổi bật nhất về thành tích của trường với những sáng kiến đặc biệt của ngài: sửa đổi cách sinh hoạt mới mẻ, sinh động, đoàn ngũ hóa học đường, đồng phục, tổ chức thi thử, học nhóm cho những học sinh kém, gởi toàn bộ giáo viên thụ huấn sư phạm. Ngài là quản xứ Vinh Trung nhưng cũng là Ban Giám Đốc của trường, phục vụ cho toàn thể Bình Giả. Ngoài vấn đề giáo dục, ngài cũng nổi bật trong tổ chức tôn giáo, chung cả ba giáo xứ. Điển hình là cuộc cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du thế giới tổ chức luân phiên đến các nước, các địa phận, hạt và giáo xứ. Cha được các cha cử làm trưởng ban tổ chức, thiết lập ba nghênh đài chính nguy nga lộng lẫy. Vinh Châu là trung tâm điểm để cử hành thánh lễ đồng tế và tuần tam nhật. Sau đó Kiệu Thánh Tượng và kiệu Mình Thánh được long trọng tổ chức rước vòng quanh các giáo xứ, đi qua những cổng yết được kết hoa, đèn nến lung linh của các Họ. Một cuộc rước Đức Mẹ và Thánh Thể vĩ đại chưa từng có tại Bình Giả với tất cả các đoàn thể đều đồng phục. Việc tổ chức quy mô, nổi tiếng lên tới Địa phận nhờ sự nhận xét của phái đoàn nên được Đức cha gửi thư ban khen. Cũng là một thiếu sót nếu không vinh danh ngài trong việc tạo dựng lại sự đoàn kết thực sự giữa các cha và các xứ mà trước ngài và sau ngài chưa bao giờ có được giữa các cha Địa phận Vinh với nhau. Tôi thường xuyên tham gia vào hầu hết các sinh hoạt chung từ tôn giáo, phụng vụ, ca đoàn, khánh tiết, đoàn thể kể cả xã hội, chính quyền nên khẳng định như vây. Ngoài ra Ngài cũng nổi danh vì chăm lo đời sống an ninh cho dân. Thành tích này vẫn còn in dấu trong lòng mọi người tuy không nói ra vì tế nhị thời cuộc.

 

Một người không phải con dân Bình Giả, nhưng lại là một ân nhân của toàn thể giáo dân Bình Giả. Người ấy là Đại úy Báu ở tận Bình Tuy về đây phục vụ trong thời gian chiến tranh khốc liệt. Vào một đêm, từ đâu không ai biết, mấy chục quả đạn cối phóng vào rải rác trong trại, nhiều nhất là phía sau căn nhà vòm 9 quả, tất cả không nổ, không ai bị chết hay bị thương. Tất cả mọi người, ai cũng tin rằng đây là một phép lạ mà mẹ Maria đã ra tay cứu vớt con dân Bình Giả. Để tạ ơn Mẹ, ông Báu đã khởi xướng và cùng với anh em bạn bè đi từng nhà quyên góp tiền bạc xây dựng tượng đài ghi ơn Mẹ đời đời, lưu dấu một biến cố linh thiêng Mẹ đã ban cho. Tên tuổi của ông Đại úy Báu cũng phải được những người Bình Gỉa ghi vào sử sách lưu lại cho những thế hệ tương lai.

 

Viết lại những chứng tích lịch sử này, tôi muốn gởi gắm tâm tình biết ơn đến các bậc tiên nhân đã đóng góp bao công khó để xây dựng một vùng đất thân thương Bình Gỉa. Ước mong các thế hệ tương lai nối gót cha ông tiếp tục đóng góp, kiến tạo một Bình Gỉa phồn vinh, không những về vật chất, nhà cửa phố xá, mà còn thắm đượm tình yêu thương.

Nguyễn Đức Hiến
Xuân Đinh Hợi 2007

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời