Bài viết khác

LỠ CHUYẾN XE CHIỀU

Đầu thập niên 80, miền trung quê tôi rất nghèo. Vì là trung tâm bão lũ, vì là tâm điểm của đòn gánh chiến tranh giữa hai mền Nam Bắc. Ngày thống nhất Bắc Nam cả nước vui mừng chiến thắng, thì miền Trung đổ nát xơ xác điêu tàn. Sau chiến tranh chỉ còn lại đất cát sỏi đá và con người đói khổ.

Tôi đã nhìn thấy từng lớp người hào hùng như cha ông của tôi buông thả cuốc cày tay ôm vũ khí đi bảo vệ hòa bình cho quê hương cho Tổ Quốc mà ra đi không trở lại. Cô tôi dì tôi đều có mặt trong đoàn quân Thanh Niên Xung Phong làm tròn trách nhiệm công dân khi Tổ Quốc cần. Quê tôi chỉ còn lại bà già mẹ yếu sống nương tựa vào con cháu dại khờ mà cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm.

Năm tôi 15 tuổi dù chưa phải đủ khôn lớn nhưng là chị cả trong nhà, tôi muốn chia xẻ gánh nặng cho bà cho mẹ, nên tôi theo các anh chị lớn đi vào miền Nam để kiếm việc làm. Tôi được nhận làm giúp việc cho một gia đình cùng quê Nhân Hòa – Nghệ An, họ được di cư năm 1955 nên cuộc sống gia đình họ cũng sung túc lắm. Điều làm tôi sung sướng nhất là mỗi buổi chiều Chủ Nhật trước và sau Thánh Lễ gặp được những người đồng hương đồng cảnh xem có ai mới vào để trao đổi thông tin và hỏi thăm nhau sức khỏe gia đình ở quê. Có ai về trước gởi cho mẹ lá thư và tiền để cả nhà biết tôi vẫn bình yên.

Hai năm xa quê tôi đã quen dần với cuộc sống mới, bước vào tuổi trưởng thành tôi cảm nhận được sự khôn lớn và thay đổi trong tôi. Dù là người giúp việc nhưng tôi vẫn được cánh thanh niên ưu ái nhìn ngó hỏi han và có luc tôi nhận được quà. Trong số đông đó tôi chọn cho mình được một người ưng ý, đồng cảnh ngộ nên dễ làm quen. Lâu ngày gần gũi thân thương, cho đến một ngày tôi chợt nhận ra mình đã vượt xa tình cảm. Tôi bắt đầu lo sợ người ấy sẽ bỏ rơi mình khi có biến cố và điều đó đã xảy ra khi tôi báo tin mình mang thai thì người ấy đã âm thầm cuốn gói về quê, để lại mình tôi khổ dau tủi nục với cái bụng càng ngày càng lớn. Chỉ có một điều duy nhất an ủi tôi là chị chủ nhà, người hiểu chuyện biết thông cảm mà không đuổi tôi ra khỏi nhà, chị dùng tình thương bảo bọc tôi như ngươi mẹ lo cho con gái. Sinh con và nuôi con tôi  tôi phải dấu kín để tránh tai tiếng về quê, chỉ gởi tiền cho mẹ và nhắn tin ngắn gọn: con vẫn khỏe.

Rồi có một ngày con tôi bệnh, ho mãi không dứt, có lúc ho tím tái khó thở. Chị chủ lại giúp tôi đón xe ra nhà thương tỉnh, con tôi phải ở lại điều trị hết bốn ngày. Buổi trưa tôi được báo tin con khỏe cho về nhưng chờ khám lại lấy thêm thuốc.

Ba giờ chiều rời khỏi nhà thương ra đón xe về Bình Giã. Thời đó hai bên đường xe ít nhà thưa. Tuyến xe đò Bà Rịa – Bình Giã – Xuân Sơn chỉ có vài chiếc xe cũ nát, chạy xục xịch cũng có lúc phải nằm đường.

Tôi hết đứng lại ngồi, đã xế chiều mà không thấy chiếc xe nào cả. Khi trời nhá nhem tối tôi bắt đầu lo sợ không biết tối ngủ đâu. Tay bồng tay xách tôi đi dọc theo lề đường cầu mong có cơ may gặp được chuyến xe cuối ngày. Hình như ông trời đã phụ lòng tôi, sương khuya đã rơi xuống nhiều lòng tôi se thắt, mở gói đồ lấy chiếc khăn lớn bọc cho con. Hy vọng không còn khi bóng đêm ập xuống nhưng tôi lại nhìn thấy một bóng đèn trong đêm tối, tôi tiến lại gần mong được xin tá túc. Đi tới gần tôi nghe tiếng hát ru: “Đời… con ơi con ngủ cho ngoan, mẹ con đi chợ đường xa chưa về”. Trong nhà có đứa bé khó ngủ và người cha đang cố gắng dỗ dành nó: “À ơi..Thương con sớm phải mồ côi…mẹ đi lấy chồng con ở với cha”. Tiếng ru như ai oán trách hờn, như cảnh gà trống nuôi con. Rồi ánh đèn chợt tắt, họ đã ngủ. Không dám gõ cửa, tôi ngồi bệt xuống đất tựa lưng vào tường tay vẫn ôm con, suy nghĩ mông lung tôi chìm dần vào giấc ngủ. Khi nghe tiếng gà gấy sáng tôi giật mình thức giấc tay sờ vào con: “Trời ơi! Sao nó lại nóng thế này ?” Bất chợt tôi nhìn thấy ánh đèn và bàn tay trao cho tôi chai dầu gió: “Buổi tối tôi nhìn thấy chị và cháu ngủ ngon nên đã đem mền đắp ấm cho mẹ con chị, tôi ở nhà một mình nên không tiện mời chị vào trong. Nếu không ngại chị có thể bế cháu vào nhà uống ly trà nóng. Lòng tôi như bị chia làm mấy khúc: Chờ sáng đem con vào nhà thương hay đón xe về nhà ? Anh nói: “Chắc bị cảm thôi, chỉ cần ăn cháo nóng rồi uống thuốc là khỏe ngay”. Bàn tay anh thoăn thoắt xoa dầu vào lòng bàn chân con tôi. Khi con tôi thức dậy anh trao cho tôi tô cháo nóng có đánh lòng đỏ trứng gà: “Mẹ con chị ăn cho ấm lòng”. Bưng tô cháo trên tay tôi cảm ơn anh (và tạ ơn Chúa đã cho tôi chiếc phao cứu nạn). Khi tôi thổi cháo đút cho con, thì anh cũng có động tác giống toi, thổi từng thìa cháo đút cho con mình. Thật lạ lùng sau bữa ăn con tôi như có thêm năng lượng đã bớt nóng sốt. Nhìn hai đứa nhỏ vô tư chơi đùa với nhau dù chứa nói rõ lời nhưng có vẻ hợp ý nhau lắm. Tôi cảm ơn anh vì tô cháo, vì niềm tin anh đã cho tôi. Chào anh tôi phải về, anh không giữ chân tôi nhưng lại cho tôi một gợi ý: “Thường thì xe Bình Giã ra thật sớm nhưng tới hai giờ mới có xe về. “Tôi mời chị và cháu ở lại dùng bữa cơn trưa”. Buổi sáng anh đã bắt nhốt một con gà, ra vườn hái trái đu đủ xanh và hái thêm ít rau nữa. Tôi phụ anh làm cơm, còn hai đứa nhỏ vẫn nô đùa với nhau, Anh sống đơn thân nhưng biết tề gia nộ trợ, thế vợ anh đâu ? Tôi không dám hỏi. Bữa cơm đơn sơ nhưng không kém thịnh soạn đối với người giúp việc như tôi phải “Ăn sau – làm trước”. Lòng gà xào rau muống, gà kho sả ớt, canh đu đủ nấu với hai đùi gà danh riêng cho hai đứa nhỏ. Người lớn vừa ăn vừa nói chuyện, tôi đã hiểu cảnh ngộ của anh nhiều hơn ( bị vợ chê nghèo bỏ đi lấy chồng khác). Hoàn cảnh của tôi cũng không khác gì anh (bị người tình bỏ rơi từ lúc con chưa chào đời). Rồi tôi từ giã anh bước lên xe… Hẹn ngày gặp lại.

Một năm sau tôi có dịp lên chợ tỉnh, tôi mua thêm quà để tạ ơn sự giúp đỡ của anh khi tôi gặp gian khó. Đứa bé đã lớn hơn nhiều nhưng người cha thì vẫn thế, từ sau vườn vào rửa tay chân, mồ hôi ướt áo. Chúng tôi tay bắt mặt mừng như người thân từ lâu không gặp, lại cùng nhau ăn cơm trưa. Anh hỏi thăm sức khỏe con gái tôi và dặn tôi lần sau nhớ mang con theo cho anh gặp. Tôi nói đùa: “Một đứa con anh chưa đủ mệt sao còn muốn gặp con tôi”. Anh cũng đùa theo: “Chưa đủ, có thêm vài đứa nữa thì anh cũng không ngán đâu”. Chúng tôi thay đổi cách xưng hô và anh xin tôi địa chỉ nhà.

Lúc đầu tôi cũng ngại lắm nhưng thành thật mà nói tôi cũng không muốn giấu tôi điều gì, vì anh là người trung thực không phải dạng người: “Xấu che – tốt khoe”.

Năm con tôi ba tuổi, một hôm có người đàn ông dẫn theo đứa con trai đến nhà cô chủ xin hỏi cưới tôi, tôi ngỡ ngàng không dám tin đó là sự thật. Rồi sau đó, mẹ tôi, ba tôi và các em tôi đã vào Nam cùng với gia đình cô chủ tổ chức lễ cưới cho tôi.

Đám cưới đơn giản nhưng tràn đầy hạnh phúc vì tôi và anh đã lỡ duyên đầu, nên cả hai chúng tôi đều quyết tâm giữ lấy những gì mình đang có. Đã có thêm hai đứa con chung nhưng chúng tôi vẫn dặn dò nhau: Tuyệt đối không nói hai từ con anh, con em, mà phải nói con chúng mình không phân biệt đối xử. Phải đối mặt với hiện tại để xây dựng tương lai.

Tôi đã lỡ một chuyến xe đò nhưng lại được một chuyến xe hoa đón rước, điều mà trước kia tôi có nằm mơ cũng không dám nghỉ tới. Đúng là Thiên Chúa đã không bỏ tôi, Ngài đổ xuống tràn đầy Hồng Ân cho tôi khi tôi chơi vơi thất vọng với nỗi đâu khốn khổ. Ngài đã ban cho tôi những người bạn tốt để an ủi giúp đỡ tôi. Nếu không có bàn tay Thiên Chúa dẫn đường thì số phận sẽ đem tôi về đâu.

Câu chuyện này nhắc nhở tôi: Hãy sống làm người tử tế, đừng biến mình thành kẻ ác tâm. Thành ngữ có câu:

Muôn đời mang ơn người có nghĩa

Vạn đại nhớ mãi kẻ bạc tình.

Bình Trung 13 – 11 – 2017

 

 

Nguyễn Thị Thành

Thành Tín

 

 

Follow Me:

Trả lời