Bài viết khác

Cám Ơn và Xin Lỗi.

Bài học nhân bản thiếu nhi

Trong lớp học Nam ngồi kế bên Hùng, hôm ấy Nam vô ý làm rơi cây viết của Hùng xuống nền nhà, Nam vội nói “oh cho Nam xin lỗi nhé” Hùng đáp nhẹ nhàng: “ không sao đâu”. Lúc ấy bạn Minh ngồi ở bàn sau vội cúi xuống nhặt cây viết lên và đưa cho Hùng, Hùng đỡ lấy cây viết và nói: “ cám ơn Minh”. Nam định nhặt cây viết lên nhưng Minh đã nhanh tay giúp đỡ nên Nam cũng nói lời cám ơn Minh. Minh đáp lại hai bạn: “không có chi”.
Cám ơn và xin lỗi là nét văn hóa lịch sử không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Mỗi con người trong xã hội khi sống chung nhau đều cần đến sự giúp đỡ của nhau và đôi khi cũng vô ý làm phiền nhau. Vậy để thể hiện một con người có lễ phép, có lịch sự ai cũng học biết nói lời cám ơn và xin lỗi.
Khi ai giúp đỡ ta một việc gì dù nhỏ bé, ta đều nhanh nhẹn thể hiện phép lịch sự bằng cách nói lời “Cám ơn”. Tránh lơ đểnh, im lặng làm ngơ khi có ai giúp đỡ mình vì thái độ đó là thiếu lễ phép, thiếu văn hóa lịch sự.
Khi ta vô ý xúc phạm danh dự của ai, làm dơ bẩn quần áo, làm mất, hay làm hư hỏng đồ gì của ai… ta đều nói lời xin lỗi ( con xin lỗi ba mẹ, cô thầy, ông bà, chú bác, bạn bè…). Tránh việc có lỗi mà im lặng, tự bao che mình bằng cách đổ lỗi cho việc gì hay đổ cho kẻ khác, thái độ đó không những thiếu phép lịch sự mà còn phạm thêm tội dối lòng thiếu trung thực.

Vậy cám ơn và xin lỗi là phép lịch sử căn bản tối thiểu của mỗi người, học làm người đầu tiên là học biết cám ơn và xin lỗi. Chúng ta phải thực hiện điều này từ khi còn bé nhỏ.

Câu chuyện Chúa dạy chúng ta về cám ơn :
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đến gặp Người. Họ dừng lại đàng xa và xin Người chữa lành. Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Vì theo luật pháp khi thầy tư tế tuyên bố họ đã thôi bệnh thì họ sẽ được trở về với cuộc sống cộng đồng bình thường (Levi 13.16,17) Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Đức Giê-su nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?. Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”( Lc 17,11-19).

Hãy lắng nghe để nhận ra những ơn lành của Chúa và sự giúp đỡ của cha mẹ, thầy cô và bạn bè quanh ta để luôn cất lời cám ơn. Hãy xin lỗi về những thiếu xót của ta trong bổn phận, với Chúa, với mọi đấng bậc chăm sóc dạy dỗ ta.

Bài học tự vấn:
1- Em có thói quen tốt, thường xuyên cám ơn và biết xin lỗi không?
2- Em có tập cám ơn và xin lỗi dù là đứa em nhỏ của mình?
3- Em có xin lỗi Chúa về những lầm lỗi của mình không?

Thực hành : Các em tập cám ơn và xin lỗi nhau: 2 em ngồi gần nhau bắt tay nhau một em nói lời cám ơn vì… em kia nói lời xin lỗi vì… rồi lại làm ngược lại.

Follow Me:

Trả lời