Chia Sẻ Lời Chúa

Chúa Nhật 17 Thường Niên – Năm C

Chúa Nhật 17 Thường Niên – Năm C

(ngày 25 tháng 07 năm 2010)

Lc 11, 1-13 “Các ngươi hãy xin thì sẽ được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông:

“Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'”.

Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

“Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

Đó là lời Chúa.

Suy Niệm Lời Chúa


Cầu Nguyện thế nào để đẹp lòng Chúa

Phó Tế Phêrô Đặng Phi Hùng

Các Thần học gia Công giáo khuyến khích giáo dân khi cầu nguyện đừng nên chú ý quá vào việc “xin” mà quan tâm đến việc “tán tụng và cám ơn” Thiên Chúa thường không ban cho chúng ta những điều xin xỏ có tích cách cá nhân nhưng Ngài ban nghị lực phấn đấu (motivation) và ơn linh ứng (inspiration) cho đời sống tâm linh. Chúa không hiện đến để sửa cái xe đang hư, hoặc cho ta trúng số độc đắc nhưng ban nghị lực và khôn ngoan để ta tự định liệu.

Tại sao chúng ta cầu nguyện với Chúa mỗi ngày? Để tán tụng Chúa và cảm tạ những ân ban từ Ngài mỗi ngày trong đời sống chúng ta.

Có thể chúng ta khó mà cám ơn và chúc tụng Chúa luôn luôn khi mà một số người hay sự việc làm chúng ta thất vọng, chán nản vì không như ý của mình. Có thể tình yêu giữa chúng ta và người ấy không còn. Có thể đau ốm, bệnh tật, không kiếm được việc, nợ nần chồng chất, con cái khó bảo v.v…Thực khó mà chúc tụng Chúa khi mà dường như Chúa không thi ân giáng phúc cho ta.

Kinh nghiệm giúp cá nhân tôi để cảm tạ và chúc tụng Chúa là mỗi sáng sau khi mở mắt thức dậy, biết mình còn thở và còn sống bên người thân và mỗi tối trước khi nhắm mắt ngủ, tôi kiểm điểm lương tâm, nhớ lại mọi tư tưởng và mọi hành động tôi đã làm trong ngày để xem ưu, khuyết điểm và xin lỗi cũng như cảm tạ Ngài. Rồi tôi chúc tụng, cám ơn Ngài về mọi việc đã xảy ra, điều tốt cũng như sự xấu, cả những điều khác lạ. Tôi khám phá ra rằng Chúa thật gần gũi tôi trong ngày đó, nhất là những ngày mà tôi cho là “ngày xấu,” lại chính là ngày mà Chúa thật gần.

Cách cầu nguyện tốt và hiệu quả nhất không bao giờ chứa đựng “cái tôi” trong đó. Tất cả các tôn giáo thờ Trời khi nói tới việc cầu nguyện đều có đồng một quan điểm. Đó là tin vào Thiên Chúa, sống một đời sống liên hệ mật thiết với Chúa. Luôn biết ơn về những hồng ân Ngài ban. Tin tưởng Thiên Chúa bao giờ cũng ban điều thiện hảo tốt lành, sự khôn ngoan và luôn quan phòng con người.

Qua Bài Đọc I chúng ta thấy một Abraham nói chuyện dễ dàng với Thiên Chúa với lòng tin tưởng và thân thiện. Bài Đọc II chúng ta cũng thấy một Phaolô tỏ lòng thán phục đối với Thiên Chúa cao cả qua Đức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, có bao nhiêu người trong chúng ta tin tưởng và cậy trông trong đời sống thường nhật khi cầu nguyện như Chúa Giêsu chỉ dạy? Có bao nhiêu người trong chúng ta dám dùng lời của Chúa Giêsu dạy làm lời cầu của mình? Nói cách khác, chúng ta có can đảm nói và làm mỗi khi chúng ta đọc “xin Cha tha tội cho chúng tôi cũng như chúng tôi cũng tha kẻ có lỗi với chúng tôi” trong Kinh Lạy Cha? Chúng ta chi xin Thiên Chúa tha như chúng ta tha cho người khác hay sao?

Qua Tin Mừng, Chúa Giêsu hứa rằng chúng ta sẽ nhận được tất cả những gì mà chúng ta xin. Chúng ta xin gì? Nếu đọc tiếp Tin Mừng chúng ta sẽ thấy những gì mà chúng ta xin là những điều chúng ta cần. Không phải tất cả những điều chúng ta muốn là những điều chúng ta cần (Not what we want but what we need)

Nhưng mất công tốn sức để cầu nguyện làm gì nếu biết rằng chúng ta sẽ chỉ nhận được điều mà Chúa muốn thay vì điều mà chúng ta muốn? Nếu chúng ta là Chúa thì chúng ta cũng sẽ chỉ có thể làm như Chúa mà thôi. Là cha mẹ, chúng ta sẽ không thể cho con cái con rắn nếu chúng nó xin con cá. Ngay cả nếu khi chúng nó xin con rắn thì chúng ta có dám cho con rắn hay không. Chúng ta biết điều nào và điều nào xấu cho con cái mình và chúng ta làm điều tốt cho chúng nó.

Nhưng chúng ta vẫn muốn con cái tự nguyện xin mình.

Thiên Chúa cũng giống như vậy. Khi cầu xin giúp chúng ta làm sáng tỏ những điều xin, giúp chúng phân biệt đâu là điều tốt, đâu là điều xấu, đâu là điều muốn và đâu là điều cần thiết. Cầu xin sự nầy điều nọ giúp chúng ta khám phá ra ước vọng thầm kín nhất, đó là lý tưởng của đời sống. Và đó chính là mục đích của cầu nguyện đẹp lòng Chúa.

Có nhiều lúc chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho hợp ý Chúa. Thánh Phaolô viết rằng chúng ta không biết cầu thế nào, xin gì và muốn gì. Những lúc đó chính Chúa Thánh Thần, Đấng xếp đặt ý muốn của chúng ta cho hợp lý và qui củ trước ngai toà Chúa.

Cái tôi tham lam, cái tôi mù quáng dẫn chúng ta đến tai ương, thảm hoạ và biến chúng ta thành một con người mà chính chúng ta không muốn trở thành. Hãy nghe Thánh Phaolô tâm sự: “Điều tôi đáng làm thì tôi không làm, điều tôi đáng phải làm thì tôi lại không làm.

Hãy cầu nguyện với tấm lòng thống hối ăn năn vì tội phạm đến Chúa, đến tha nhân và đến chính mình. Hãy có tấm lòng tha thứ. Oán thù nên cởi không nên thắt. Oán thù như môt cái mụn nhọt, cái bướu trong tâm hồn. Nếu giữ lâu sẽ đau nhức không nguôi. Cởi gỡ sẽ cảm nhận yên hàn và bình an.

Điều kiện tiên quyết là sạch tội, kết hiệp với Chúa hằng ngày. Sau đó việc cầu nguyện cũng dễ dàng như đàm thoại với người yêu, cần thiết như ăn và ngủ.

Phó Tế Phêrô Đặng Phi Hùng

Trở Lên Trên


Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D

Kính thưa quí ông bà anh chị em, nếu ở Việt Nam, ai đi chợ lại không một lần trả giá; trả giá không những một lần mà có khi đôi ba lần, bởi đó người ta mới nói: “ Nói cả trả nữa ”. Trả giá, có nghĩa là bớt xuống, nhưng nếu trả giá quá cũng ngượng, nên cùng lắm, ai mạnh miệng thì chỉ dám trả gía 4 và cùng lắm là 5 lần thôi, không dám trả hơn nữa, thế mà hôm nay ta nghe trong bài đọc 1, sách Sáng Thế nói về sự trả giá giữa Ápraham và Thiên Chúa. Vấn đề trả giá của Ápraham là một sự trả giá khác thường vì: kẻ trá giá lại tự mình đặt giá ra và tự mình trả giá, thế mà Ông Chủ vẫn chiều theo người trả giá, và cũng không hỏi tại sao? Đến đây ta hỏi tại sao vậy? Câu trả lời là: tại vì hai tình yêu gặp nhau; Một bên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và một bên tình yêu của con người đối với con người, nhưng tình yêu của Chúa thì quá bao la hải hà, nên xin tha bao nhiêu, Ngài cũng tha, tha không có giới hạn. Còn tình yêu của con người thì chật hẹp hay nói cách khác; sự tha thứ của con người còn có mức độ, cho nên Ápraham tuy rằng ông đã nại vào lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng vẫn còn giới hạn lòng thương xót của Thiên Chúa theo sự suy nghĩ của con người, chính vì thế lời xin từ con số 50, xuống chỉ còn 10, qua 6 lần xin bớt xuống. Và Ápraham không dám bước thêm nữa, vì sợ bớt quá Chúa lại nổi cơn thịnh nộ chăng, nhưng nếu Ápraham can đảm xin tiếp, dù chỉ có một người công chính thôi, thì thành Sôđôma cũng không bị phá hủy.

Ôi! Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thường xót; Chúa giàu lòng thương xót hơn con người tưởng nghĩ, nên cho dù con người là phàm đất, vật hèn mà mở miệng kêu xin tới lòng thương xót của Chúa thì Ngài chẳng nỡ từ chối, biết rằng con người chúng ta không có tư cách gì mà huyênh hoang trước mặt Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, quyền năng cao cả, mà chúng ta chỉ nại đến lòng thương xót của Chúa mà thôi. Chính vì thế mà Ápraham đã quả quyết: “ Chúa có quyền xét xử tất cả, nhưng Chúa không xét xử như thế đâu” ( St 18,25). Lòng nhân từ của Chúa là như thế, còn chúng ta là con cái của Thiên Chúa thì sao đây? Quả thật, chúng ta dù muốn dù không, đã là con thì phải noi gương bắt chước người Cha của mình, đó là sống theo lời chỉ dạy của Ngài, có như thế ta mới phản chiếu lại sự thương yêu, sự hoàn thiện của Thiên Chúa. “ Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” ( Mt 5,48).

Trong Kinh Lạy Cha như bài Tin Mừng chúng ta nghe trong tuần này, đây là lời kinh, là lời mời gọi và cũng là sự nguyện ước của Thiên Chúa muốn con cái của Ngài phải tuân theo. Một lời cầu nguyện rất đặc biệt mà chính Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ và mỗi người chúng ta; với phần lý thuyết (đọc), có lẽ ai lại không thuộc lòng Kinh Lạy Cha, nhưng phần thực hành thì không dễ dàng, bởi vì làm sao mà làm cho Danh Cha cả sáng được khi con cái của Ngài cứ sống trong thù hận, bê bối, ham hố, bất công, xảo trá, nham hiểm, gian dối, ích kỷ….. như hình ảnh mà Chúa Giêsu đưa ra trong bài Tin Mừng : “ Có người đêm khuya, đến gõ cửa nhà bạn mình để vay bánh, vì có người bạn nghé nhà mà không có gì thiết đãi, nhưng bạn anh ta đã từ chối, viện lý do: cửa nhà đã đóng, các con đã lên gường, tôi không thể chổ dậy lấy bánh được”. Đưa ra những lý do không chính đáng để che đậy cho sự lười biếng, thiếu lòng thương xót, và sự keo kiệt của anh ta đối với người bạn đang cần sự giúp đỡ. Như vậy, nếu là con cái của Thiên Chúa mà hành động như vậy thì làm sao diễn ta được lòng thương xót của Cha mình được, và làm sao người ta nhận ra được con cái của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót được.

Điểm tiếp theo, là bất cứ người Kitô hữu nào mà cứ sống trong hận thù, chửi rủa người khác, thì làm sao khi đọc Kinh Lạy Cha, lại không xấu hổ khi mình không thực hiện lời dạy của Chúa. Nếu thực sự họ đọc bởi tâm hồn, đọc bởi con tim: “ Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con”. Tha nợ ở đây là tha những lỗi lầm, những gì người khác xúc phạm đến mình… Tha nợ tinh thần, nợ thiêng liêng và cả nợ vật chất nữa nếu họ thực sự không có khả năng trả mà xin ta tha cho họ. Qủa thật tha thứ không phải là chuyện dễ, nhưng khi ta nghỉ rằng: mỗi một người chúng ta đều mắc một món nợ khổng lồ đối với Thiên Chúa và không ai có khả năng trả nổi: ( Dụ ngôn con nợ mắc nhà vua mười ngàn yến vàng, trong khi đồng bạn y chỉ mắc y một trăm quan tiền. (Xin đọc Mt 18, 23-35). Như vậy mỗi khi ta không có lòng thương xót người khác, không tha thứ cho người mắc nợ ta, thì làm sao Chúa tha thứ cho ta được, và chúng ta cũng đừng than phiền về lời Chúa phán: “ Các con hãy xin, thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì mở cho” thế mà biết bao nhiêu lần ta xin, và xin đủ thứ mà ta chẳng nhận được thứ gì, như thế, Chúa nói với chúng ta: “ Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì mở cho” có đúng không? Đúng hay không thì ta thử đặt vấn đề: Tại Chúa không giữ lời hứa hay tại ta không biết xin, hay nói khác đi, ta chỉ xin những gì chỉ phục vụ cho sự dễ dãi, cho danh vọng, lợi lộc vật chất . Tóm lại, con người hay có xu hướng xin những gì phục vụ cho cái tôi ích kỷ của mình. Thánh Giacôbê Tông Đồ cũng đã cảnh báo: “ Anh em xin mà không được, vì anh em cầu xin bởi lòng xấu, để tiêu xài cho thỏa dục tình của anh em.( Gc 4,3). Để hiểu rõ hơn, xin đơn cử lời cầu xin của chúng ta: trước hết lời cầu xin của chúng ta có phải là cầu xin theo ý của Thiên Chúa, hay là bắt Thiên Chúa làm theo ý của mình. Ta xin mà không được vì: ý của Chúa là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống; trong khi ta lại xin cho giàu sang, phú qúi, danh vọng này, danh vọng kia, được dễ dãi tư bề, đừng ai quấy rầy. Công lý của Chúa là yêu thương, tha thứ; trong khi con người lại hận thù, không chịu tha thứ, cố chấp, cứng lòng. Sự thật của Thiên Chúa là sự thật nước trời; trong khi sự thật của con người là ưu tiên và bảo vệ sự thật của dễ dãi, toa rập theo số đông nương chiều dục vọng mù quáng….

Vậy, để lời cầu xin của chúng ta được Chúa nhậm lời, thì chi bằng ta hãy xin cho những gì có ích cho phần rỗi chúng ta và của người khác, xin những gì để cho Danh Cha được cả sáng. Nếu ta xin như thế với một lòng tin tưởng tuyệt đối nơi quyền năng của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được điều ta xin, như các thánh đã từng xin bao điều và tất cả đều được; vì các ngài luôn xin cho mình sống vâng theo ý của Thiên Chúa, để cho danh Ngài được cả sáng. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D

Trở Lên Trên

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời