Kỹ năng sống Sưu Tầm

DỤNG NHÂN NHƯ DỤNG MỘC

DỤNG NHÂN NHƯ DỤNG MỘC

 

                                                                                                               

Chúng tôi thường hay nói đùa với nhau mình là “tướng không quân”, vì chúng tôi có một thời cầm quân oanh liệt trong tập thể, từng làm việc say mê, phát triển và đầy thú vị kỷ niệm. Nhưng bây giờ chỉ là chuyện quá khứ, không còn cầm quân trong tay nữa nên gọi là “tướng không quân”. Một anh bạn thế hệ đàn em ngồi chung bàn cà phê tán gẫu, anh bạn trẻ này đang là tướng cầm quân. Anh ta luôn miệng phàn nàn  về những cộng sự kém cõi, anh hứa một ngày nào đó sẽ sa thải hết những thứ “hàng dạt” này ra ngoài. Anh bạn tôi từng là cựu  Đoàn trưởng liền giải thích cặn kẽ cho anh bạn trẻ nghe về câu “ Dụng nhân như dụng mộc”.

      Anh nói : Người thợ mộc giỏi không hề bỏ sót một miếng gỗ nào, đối với anh ta miếng gỗ nào cũng có ích của nó, nếu ta biết đặt vào đúng chỗ của nó. Một thân gỗ thẳng tắp, tùy kích thước ta có thể xẻ ván, làm kèo, làm cột nhà…Một cây gỗ cong queo tưởng vô tích sự không thể làm được gì nhưng thợ mộc đã tận dụng được chiều cong của nó để  biến nó làm cái ách cày hữu dụng. Những khúc gỗ ngắn có thể làm chân ghế nhỏ, khúc gỗ dư dài có thể tận dụng cho việc phù hợp khác. Và ngay đến vỏ gỗ được bào ra cũng gom lại làm chất đốt nấu cơm hoặc đóng bao bán cho các nhà sản xuất nghiền bột làm ván ép.

       Ngay đến vỏ bào của gỗ tưởng có thể loại bỏ mà vẫn biến nó thành hữu ích. Vậy nếu thợ mộc tận dụng không bỏ sót miếng gỗ nào, tại sao người lãnh đạo lại không biết dụng nhân như dụng mộc.

     Khi sinh ra đời Thiên Chúa đặt để cho mỗi người năng khiếu riêng. Không ai có đủ tất cả mọi năng khiếu, nhờ đó mỗi người cộng góp năng khiếu của mình làm cho xã hội thêm phong phú, tập thể thêm đa dạng. Trời ban không ai là vô tích sự cả, người tài giỏi bay lên cung trăng không được phép chê người công nhân ngày đêm quét đường, không có họ, đường xá thành bãi rác ô nhiễm, các phi hành gia đi bộ trên đường ô nhiễm sinh bệnh mà chết. Các cây kim trong một đồng hồ, cái ngắn, cái dài, cái chạy nhanh, cái chạy chậm nhưng không cây nào là vô tích sự, mỗi cây một nhiệm vụ, không cây nào chê bai hay nạnh hẹ công việc của nhau, vì 1 trong 3 cây kim ấy chệch choạc là cả đồng hồ bị sai giờ ngay.

     Con người sinh ra có trí khôn cao cả hơn mọi loài thọ tạo khác tại sao lại bảo là vô tích sự “ hàng dạt ”. Xét đoán hàm hồ như vậy là xúc phạm đến Đấng Tạo Dựng. Ngài cố ý dựng nên mỗi người mỗi kiểu để cộng vào sự phong phú của nhân loại. Vấn đề là người lãnh đạo cần nhận ra năng khiếu riêng của từng cộng sự để giao trách nhiệm cho họ. Có những người làm tốt được những việc nhỏ mà ta lại không làm được. Cái ta không làm được, mà kẻ khác làm được thì kẻ đó sẽ là thầy ta dù đó là công việc nhỏ nhất. Đúng với một số danh ngôn từng nói : “ mỗi người đều có chỗ hơn cho tôi học” hoặc câu “ Mỗi người đều là thầy và là trò của ta”. Anh bạn trẻ nghe xong câu chuyện, anh chẳng nói gì nhưng cái đầu anh luôn gật gù đồng ý và trầm ngâm suy nghĩ ./.

 

Chim én

 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời