Bài Vở Cũ Thiếu nhi

GDNB Bai11 KinhTrongThatLong ChimEnST

Giáo Dục Nhân Bản

Bài 11 : Kính Trọng Thật Lòng

1. Tự trọng

Tự trọng là biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội, biểu hiện ở chỗ: cư xử đàng hoàng, đúng mực, biết giữ lời hứa và luôn làm tròn nhiệm vụ của mình, không để người khác phải nhắc nhở, chê trách.

Tự trọng là phẩm chất đạo đức cao quý và cần thiết của mỗi con người. Lòng tự trọng giúp ta có nghị lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao phẩm giá, uy tín cá nhân của mỗi người và nhận được sự quý trọng của mọi người chung quanh.

Mỗi người không phải hơn nhau ở bề ngoài, địa vị mà hơn nhau ở nhân cách. Những người “ chân lấm tay bùn” cũng có giá trị của họ.

Bao giờ xã hội cũng tran trọng những con người biết sống nhờ vào đôi bàn tay lao động của chính mình.

Chỉ có những kẻ lười biếng gian dối, bê tha, sống bám, sống dựa, không còn tự trọng mới là những kẻ đánh mất nhân phẩm và đáng lên án.

2. Tập sống tự trọng

Là thiếu nhi, em cố gắng tập sống tự trọng trong mỗi công việc và bổn phận.

Ví dụ :

Em không làm được bài thi hay kiểm tra, nhưng kiên quyết không quay cóp, và không nhìn bài của bạn.

Dù khó khăn đến mấy, em cũng cố gắng thực hiện lời hứa của mình với người khác.

3. Tâm tình

Một là người tự trọng bản thân
Hai là kính trọng người gần kẻ xa
Nói năng ý nhị mặn mà.
Dịu dàng lịch thiệp thật là dễ thương.

Giá trị người ta
Gọi là nhân phẩm
Chân bùn tay lấm
Chẳng giảm đâu mà
Gian dối bê tha
Mới là đánh mất

Đứng đắn trong mọi sự

Trong danh dự bản thân
Thành thật và chuyên cần
Sống có nhân có nghĩa./.

(Trích  “CHIA SẺ NHÂN BẢN” Của Đaminh Saviô)

Đón đọc bài 12 kỳ tới: Học Hỏi Không Ngừng

Chim én (sưu tầm)

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời