Suy niệm

MÔSÊ – NGƯỜI THÁNH HIẾN CHO CHÚA VÀ CỘNG ĐOÀN DUNG MẠO CHO TU SĨ HÔM NAY

MÔSÊ – NGƯỜI THÁNH HIẾN CHO CHÚA VÀ CỘNG ĐOÀN

DUNG MẠO CHO TU SĨ HÔM NAY

Suy tư về hình ảnh Môsê trong chương trình lịch sử cứu độ, chúng ta có thể cảm nhận ông không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Thiên Chúa, nếu ở đó không có dân mà ông được trao trọng trách lãnh đạo. (x. Xh 34, 12-17; Đnl 9, 22-29). Đây được xem như là ý tưởng tóm tắt đời sống và sứ mệnh của Môsê, và có lẽ cũng qua ý tưởng này, Môsê phơi bày con người chân thật của mình trước mặt Thiên Chúa, khi ông dừng chân bên ngưỡng cửa Đất Hứa và yên nghỉ tại đó.

Thật vậy, dựa trên Kinh Thánh, khuôn mặt của Môsê được làm nổi bật như một người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa (x. Xh 14,31; Ds 12,7; Đnl 34,5; Gs 1,1-2; Tv 105,26), nhưng đồng thời như một vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, tuyệt đối trung thành với dân Chúa (x. Xh 3, 10-12; 32, 11-14. 30-35; 34, 12-17). Hai tâm tình này hòa hợp hoàn toàn trong con người của Môsê, làm cho ông sống trọn vẹn hai tâm tình mà nhìn vẻ bề ngoài xem ra đầy mâu thuẫn, dường như không hòa hợp với nhau.

Môsê được xuất thân từ một gia tộc tư tế (x. Xh 2,1), ông nhận rõ những trách nhiệm đòi buộc ở chức vụ mình là người luôn phải hiện diện trước nhan Thiên Chúa để ‘tế lễ’ (x. Xh 28, 35.43 – 29,30); là người đại diện cho dân vào cung thánh để đối thoại với Thiên Chúa (x. Xh 28, 35). Có thể nói, nhiệm vụ của một tư tế là luôn gắn liền với bàn thờ và Lời Chúa.

Và rồi, từ lúc được Thiên Chúa chọn lựa Môsê để lãnh đạo dân Người (x. Xh 3,10), ông cảm nghiệm sâu xa về chính bản thân: một vị tư tế ở giữa dân không chỉ là đại diện cho dân để liên đới với Thiên Chúa trong các cuộc tế lễ cũng như đối thoại trực tiếp với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn trung thành với dân được trao phó, dù rằng suốt cuộc đời ông phải đồng hành và chia sẻ cuộc sống với một đám dân “cứng đầu cứng cổ”, tội lỗi, bất trung. Nên bản thân ông nhận thấy nơi bản thân sự giằng co mãnh liệt giữa thế tục và tâm linh, giữa đám dân bất trung và Thiên Chúa mà ông tuyệt đối trung thành. Để chu toàn trách nhiệm được Thiên Chúa trao phó, nhiều khi ông phải đối diện với cô đơn, cô độc để luôn trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa.

Dung mạo và đời sống của Môsê là lời mời gọi cho mỗi tu sĩ trong sứ mệnh được trao phó hôm nay. Và qua hình ảnh của Ông, người tu sĩ có thể cảm nhận được những thách đố trong chức phận sống đời thánh hiến, để quyết tâm sống xứng đáng với bản chất dâng hiến của mình và trở nên dấu chỉ hiện diện của Chúa trong đời sống cộng đoàn, cầu nguyện và mục vụ.

Môsê, Tôi Trung của Thiên Chúa

Trong cương vị tư tế, Môsê đại diện cho dân dâng lên Thiên Chúa những tâm tình của họ (x. Xh 18,19), đồng thời đối thoại và nhận mệnh lệnh từ Thiên Chúa để truyền đạt lại cho dân (x. Xh 33, 9), ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi giới và nối kết giữa Thiên Chúa với dân bằng máu Giáo ước (x. Xh 24, 6-8), vì thế, ông được gọi là “người của Thiên Chúa” (Đnl 33,1; Gs 14,6).

Là “người bạn tâm phúc của Thiên Chúa”, Môsê đã sống trọn vẹn sứ mệnh của mình đối với Thiên Chúa. Những lúc tiếp kiến với Thiên Chúa, ông luôn gần gủi, tâm tình (x. Xh 3,1-12), ngay cả trong lần gặp gỡ đầu tiên với Thiên Chúa, ông được Thiên Chúa âu yếm gọi tên mình ‘Môsê! Môsê’ (Xh 3,4); để rồi từ đó, ông trở nên người bạn tri kỷ của Người, và Thiên Chúa giải bày tâm sự ra với ông về nỗi khổ của dân Người, đồng thời ‘sai’ ông đi và trao cho ông trách nhiệm để lãnh đạo dân vượt qua nỗi thống khổ đó. (x. Xh 5,7-10). Được Thiên Chúa mời gọi, được chia sẻ tâm tình và quyết định của Thiên Chúa, Môsê luôn lắng nghe và cúi đầu đảm nhiệm sứ mệnh trong vâng phục (x. Xh 3, 5-6).

Trong những cuộc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, được chan hòa trong sự hiện diện của Người, ông được hòa quyện trong vinh quang của Thiên Chúa đến nỗi dân chúng không dám tiến lại gần ông (x. Xh 34, 30). Và một khi trở nên người bạn tri kỷ của Thiên Chúa, ông đối thoại với Thiên Chúa ‘diện đối diện’ (Xh 33,11); và Thiên Chúa cũng không ngần ngại đồng hành với ông (x. Xh 33,12-17); đỉnh cao trong tương quan giữa Môsê với Thiên Chúa, là khi ông bộc lộ nguyện vọng sâu xa và thầm kín trong tâm hồn ông, mong ước được ‘thấy’ vinh quang nhan Thiên Chúa. Ông muốn mối tương giao giữa ông với Thiên Chúa không còn một khoảng cách nào nữa. Khát vọng mãnh liệt trong tương quan của ông với Thiên Chúa đã làm cho ông muốn vượt quá giới hạn, vượt qua bức tường mầu nhiệm bao quanh Thiên Chúa. Lòng khao khát trong ông đã được Thiên Chúa đặt vào đúng vị trí của ông trong tương quan với Người và đòi buộc ông phải có tâm tình kính trọng – suy phục: ‘Ngươi không thể nhìn thấy nhan Ta, vì người phàm không thể nhìn thấy nhan Ta mà vẫn sống’ (Xh 33,20); nhưng rồi, để đáp trả lời thỉnh cầu táo bạo của Môsê, Thiên Chúa đã nhượng bộ và cho ông nhìn thấy Người từ phía sau lưng (x. Xh 33,23).

Thật phi thường trong mối tương giao giữa Môsê và Thiên Chúa, có thể ví như mối tương giao của đôi tình nhân; Môsê muốn đến gần bên, muốn ôm trọn trong vòng tay, muốn chiếm hữu Thiên Chúa thuộc về mình; và cũng chính lúc đó, Môsê đã đụng chạm đến ranh giới ngưỡng cửa của đức tin, đụng chạm đến làn mức mà bất cứ ai trong chúng ta mỗi khi tiến đến gần Thiên Chúa đều cảm nghiệm cách sâu xa, và ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Hình ảnh người tôi trung nơi Môsê luôn đứng về phía Thiên Chúa, và trọn vẹn thuộc về Người; nhưng đồng thời ông vẫn muốn hoàn toàn và triệt để liên đới với dân mà Ông hằng gắn bó, đến độ ông phải bỏ mạng ngoài miền Đất Hứa (Đnl 34,5), không chỉ do lỗi phạm của cá nhân ông, mà vì ông là người tôi trung của Thiên Chúa, luôn gắn bó và thuộc về Người nhưng lại hoàn toàn liên đới với một dân ‘cứng cổ’ (x. Xh 32,9-34,9; Đnl 9,13). Sự kiện Môsê không được vào Đất Hứa được xem là hình phạt cá nhân, tuy nhiên, điều đáng chú ý là vì ông muốn hoàn toàn liên đới với dân mà ông đã theo lệnh Thiên Chúa lãnh đạo từ miền đất đau khổ đến vùng Đất Hứa trong thanh luyện vì sự bất trung của dân mà Ông cảm nhận như là phần không thể thiếu trong cuộc đời Ông.

Môsê: Con Người Của Cộng Đoàn

Trong những lần sống bên cạnh Thiên Chúa, đối thoại với Người, tâm hồn của Môsê lại hướng về dân Chúa, một cộng đoàn gắn liền với cuộc đời Ông, nên Ông đã bao lần bào chữa cho dân, và dâng những thỉnh nguyện của dân lên Chúa (x. Xh 34), ông không xem mình là cá nhân bên cạnh Thiên Chúa mà là toàn dân, là cả cộng đoàn Israel, ông không đặt mình ở trên dân, cũng không ở ngoài dân, nhưng hoàn toàn liên đới đến độ đồng hóa với dân, ngay cả nhận lấy trách nhiệm về tội lỗi của dân.

Lỗi lầm cá nhân của Môsê phải chăng đã thiếu lòng tin khi đập vào tảng đá hai lần! Nếu hiểu như thế, thì Thiên Chúa quá khắt khe với người bạn tâm giao của Người. Nhưng không, Môsê bị phạt không phải vì tội cá nhân mà vì chính tội bất trung của dân, và ông muốn liên đới với tội lỗi ấy (x. Đnl 1,37). Môsê nằm xuống ở ngưỡng cửa Đất Hứa, cái chết của con người chưa được toại nguyện (x. Đnl 3, 23-25). Vì ông muốn không chỉ chia sẻ hoàn toàn số phận của dân mà ông đã yêu thương và chịu đựng để hướng dẫn suốt thời gian đầy gian truân, mà ông còn muốn chấp nhận đồng số phận với thế hệ mà ông hướng dẫn, đã nằm xuống ngoài Đất Hứa, nên ông cũng ‘không muốn’ vào Đất Hứa một mình khi vắng họ.

Nhìn vào cuộc đời của Môsê, chúng ta có thể nói: Môsê đã đau khổ khôn cùng với cộng đoàn dân Chúa và cho dân Chúa; Môsê đã chết với cộng đoàn dân Chúa và cho dân Chúa. Một con người được tuyển chọn lãnh đạo dân với lòng yêu thương, tình liên đới bênh vực của Môsê với sự kiên nhẫn, tận tụy chịu đựng một đoàn dân lòng chai dạ đá, bất tín – phản bội. Một hình ảnh rạng ngời về lối sống vì mọi người, vì lợi ích của cộng đoàn, của tập thể.

Với tấm lòng quảng đại, đầy tình xót thương của một Môsê, con người hiến tế làm trung gian Giao ước, làm người hướng dẫn cộng đoàn một dân tộc thường xuyên thất tín và phản bội. Dù ông luôn đồng hóa bản thân với dân trong tình liên đới, nhưng ông vẫn hoàn toàn trung tín và đứng về phía Thiên Chúa.

Môsê: Thách Đố Cho Đời Sống Dâng Hiến

Cuộc đời và sứ mệnh của Môsê trong sự trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa và hoàn toàn liên đới với cộng đoàn dân Chúa là hình ảnh sống động và là sức mạnh kỳ diệu trong lịch sử dân Người. Khuôn mặt của Môsê đã in sâu trong tâm hồn cộng đoàn dân Chúa, cuộc đời của ông đã trở nên không những là một lời mời gọi, mà còn là một thách đố cho bất cứ ai đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa sứ mệnh sống đời dâng hiến.

Môsê được tuyển chọn, mời gọi để sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và theo lệnh Người mà hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa, thế nhưng sứ mệnh của Ông dường như bị thất bại vì dân mà Ông hằng gắn bó, một cộng đoàn của Giáo ước, cộng đoàn mà Ông hướng dẫn đã dùng máu để nối kết tương giao với Thiên Chúa (x. Xh 24, 8). Tuy nhiên, tất cả thế hệ dân mà ông hướng dẫn đã gục ngã trong sa mạc, ngay cả bản thân ông cũng phải đồng số phận với họ khi phải bỏ mạng nơi ngưỡng cửa Đất Hứa.

Để tìm lời giải đáp cho số phận cuộc đời dấn thân của Môsê sống trọn vẹn trong sứ mệnh với lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa và liên đới hoàn toàn với cộng đoàn dân Chúa, được họa lại trong đời sống dâng hiến của người tu sĩ.’ Những khát vọng của Môsê và của dân ông hướng dẫn không thể tìm gặp sự nghỉ ngơi hạnh phúc trong Thiên Chúa, đó là thách đố và được giải đáp được họa lại trong cuộc đời của Đức Kitô, Đấng “đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (Dt 2,17). Chính Đức Kitô đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên Đấng Hiến Tế của Thiên Chúa, và trung tín tuyệt đối với Ngài (x. Dt 5, 5-6), đồng thời Người cũng thể hiện trọn hảo sự liên đới với mọi người (x. Dt 5,9) bằng sự hiến dâng làm lễ tế giao hòa cho Thiên Chúa vì con người (x. Dt 5,8). Để hiến dâng làm của lễ đền tội và đem ơn cứu độ cho con người, Đức Kitô đã dùng chính máu mình để thiết lập giao ước mới, một lần nữa nối kết Thiên Chúa với con người (x. Mc 14,24; Mt 26,28; Lc 22,20; 1Cor 11,25) bằng cái chết của Người như một tội nhân (x. Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Ga 19,17-30) để đáp trả cuộc đời đầy thách đố của Môsê!

            Thay Lời Kết:

Cuộc đời của Môsê và của Đức Kitô đan xen những biến cố và những hình ảnh tuyệt hảo về con người được tuyển chọn Thiên Chúa để thi hành sứ mệnh với lòng trung tín tuyệt đối nơi Thiên Chúa và triệt để liên đới với những con người và cộng đoàn được Thiên Chúa ủy thác. Dung mạo của Môsê và của Đức Kitô đang hiện diện trong xã hội hôm nay, nơi những ai được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi sống đời thánh hiến, là tu sĩ – những người được Thiên Chúa tuyển chọn để sống một đời sống dâng hiến trọn vẹn hôm nay, chắc hẳn chúng ta luôn thi hành sứ mệnh cao cả như Môsê, để có thể dâng lên Thiên Chúa những tâm tình: Lạy Chúa, con muốn được sống hạnh phúc bên Chúa, và ở đó có cả cộng đoàn mà con cùng đồng hành.

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời