Sưu Tầm

Nghĩa các từ cổ trong các kinh sách Công giáo Việt Nam – Nguyễn Kim Binh

Xưa nay người Việt Nam ta vẫn thường đọc kinh trong gia đình, trong nhà thờ, với những kinh có truyền thống từ rất lâu. Có những từ mà nhiều khi chúng ta không hiểu được nghĩa và không hiểu nguồn gốc ra sao.

Với mong ước giúp các bạn có thể hiểu được những từ cổ trong kinh nguyện đó, Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn mục:

Nghĩa các từ cổ trong các kinh sách Công giáo Việt Nam

do Ông Nguyễn Kim Binh khởi xướng.

Rất mong nhận được góp ý, bổ túc của các bạn.

Nghĩa các từ cổ trong các kinh sách Công giáo Việt Nam
Trong các giờ cầu kinh trong nhà thờ hay ở gia đình, nhiều lúc chúng ta bắt gặp khá nhiều những từ ngữ khó hiểu, lạ tai chỉ áng chừng nghĩa của nó theo một ngữ cảnh nhất định nào đó.
Chẳng hạn:

  • Chúng con hiệp nhau kính lạy thờ phượng Chúa khong khen cảm tạ Chúa về mọi ơn lành…( xem tr.57, Kinh Nghĩa đức tin, Sách kinh Quy Nhơn).

– Chúng con quyết lòng từ này nhẫn sau (tr.369, sách kinh Quy Nhơn).
Song le chúng con nhớ lại xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy(tr.355, sách kinh Quy Nhơn).
– Nhà chúng con phải ghe phen, phải rủi ro vì có kẻ phải đi xa vắng.( tr.374)
– Ta rao trước đàng tua bồi bổ ( tr.449).
– Vì Chúa khấng ở cùng chúng con trong một nhà.(tr.372).

  • Lòng tin dạ tưởng mựa chớ lo ra (tr.397).

– Chúng con chẳng biết lấy đí gì mà phạt tạ Chúa cho xứng (tr.364).
– Xin Chúa con vào ở phô kẻ ấy cho chúng con được giảm bớt cơn phiến (tr.374).
Những từ ngữ khó hiểu này không phải là những điển tích hay là những từ ngữ Hán Việt cổ vốn chiếm nhiều trong các thư tịch cổ trước đây. Các từ ngữ này vốn là những từ ngữ thuần Việt bình thường đã có thời gian được sử dụng phổ biến trong lời nói hàng ngày, nhưng đến nay chúng không còn được thông dụng nữa mà chỉ còn tồn tại trong các tác phẩm cổ hay trong tục ngữ ca dao Việt Nam.Đặt biệt, theo khảo sát của chúng tôi, các từ ngữ này còn tồn tại khá nhiều trong các bản kinh Công giáo. Sách kinh giáo phận Quy Nhơn là một điển hình.
Theo lời tựa, Sách kinh Qui Nhơn có từ thời Thánh Giám mục Stêphanô, gồm những kinh đọc hằng ngày và những kinh đọc các ngày lễ, biên sọan từ bản kinh Latinh. Sách Kinh Nhật Khóa, Sách Mục Lục, Sách Kinh Lớn và nay là Sách Kinh Giáo Phận Quy Nhơn. Các bài kinh được sắp xếp trong 3 phần chứa trong 532 trang, tái bản năm 1996 và được Đức giám mục Paulus Hùynh Đông Các imprimateur trước đó.
Để tìm hiểu các từ ngữ cổ Công giáo, chúng tôi bắt đầu đọc kĩ các bản kinh để nắm được những đặc điểm về mặt biên sọan cũng như cách sắp xếp các đơn vị “Tiếng” trên mối quan hệ gần gũi về mặt ý nghĩa, ngữ âm địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng so sánh , đối chiếu các từ ngữ Hán Nôm trong các Sách kinh Công giáo, các từ ngữ , ngữ âm có xuất hiện trong các văn bản cổ khác cũng như trong các từ điển cũ và nhất là nơi các giáo dân lão thành đã “sống” với các từ ngữ cổ Công giáo này trong các giờ đọc kinh trước đây và hàng ngày nữa.

Giải thích nghĩa của các từ cổ tiếng Việt trong “Sách kinh giáo phận Quy Nhơn”.

1. khong khen: khen ngợi.
(xem từ điển Việt – Pháp của J.F.M. Génibrel; Chinh phụ ngâm)

2. nhẫn : đến, cho đến, tới, tới lúc
(xem từ điển Từ Việt cổ của nguyễn Ngọc San, thơ Nôm Quốc âm thi tập).
3. song le : nhưng, nhưng mà
(xem các Thánh truyện chữ Nôm, từ điển Từ cổ của Vương Lộc)
4. ghe (phen) : nhiều, nhiều phen, nhiều lần
(xem Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Của).
5. tua: nên, phải (âm cổ do chữ Hán “tu”
(xem thơ Nôm Quốc âm thi tập; từ điển Từ cổ của Vương Lộc)
6. mựa: chớ, sá…
(xem Quốc âm thi tập; từ diển Từ Việt cổ của nguyễn Ngọc San)
7. đí (gì): cái gì, thứ gì, giống gì
(xem Truyện các Thánh- chữ Nôm; từ điển Từ Việt cổ Nguyễn Ngọc San).
8. phô: các (dùng trước một số danh từ, đại từ với ý nghĩa số nhiều
( xem từ điển Paulus Của, từ điển Từ cổ -Vương Lộc).
9. rày : nay, giờ đây, lúc này, bây giờ
Ví dụ:
-thì rày chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống..(trích từ tr.7, sách kinh giáo phận Quy Nhơn).
10. Trần cấu : trần gian, thế gian
Ví dụ:
-Vui non nước khỏi vòng trần cấu (trích từ tr. 449, sách kinh địa phận Quy nhơn)
11. khấng ( khứng): ưng, thuận,chịu. Âm này được xuất phát từ âm Hán Việt “ khẳng”
Ví dụ:
_Vì Chúa khấng ở cùng chúng con trong một nhà (trích từ tr.372, sách kinh Quy Nhơn).
Trong khi khảo sát các bản kinh cũng như các tài liệu khác của Công giáo, chúng tôi bắt gặp khá nhiều từ ngữ tiếng Việt khó hiểu, cổ kính …mà các thế hệ đi trước đã để lại. Không những là những từ ngữ cổ mà cả những từ ngữ, thành ngữ Hán Việt rất xa lạ với hiện nay mà cả những từ ngữ lịch sử, thuật ngữ, tên gọi chỉ có riêng cho Công giáo. Thiết nghĩ : nhu cầu giải thích để hiểu chúng là việc nên làm. Nếu các bạn còn nhã hứng, chúng tôi xin tiếp tục.
Theo quan niệm các nhà ngôn ngữ, từ cổ là những từ bị đẩy ra ngoài hệ thống từ vựng hiện tại, bởi trong quá trình phát triển, biến đổi, đã xảy ra những xung đột về đồng nghĩa hoặc đồng âm và bị từ khác thay thế.
Có hai dạng từ cổ :
1. Những từ đã mất hẳn trong từ vựng hiện đại. Muốn tìm và hiểu những từ này phải lùi lại những tài liệu ghi chép ở quá khứ.
2. Những từ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình: trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó; hoặc cũng có khi đứng trong một thành ngữ, tục ngữ nào đó mà người ta hiện nay không biết ý nghĩa.
Ví dụ: Âu (lo âu); rập (giúp rập); giã (giã từ); đóan ( xét đóan, phán xét)
Lại có một số từ tuy không trở thành thành tố cấu tạo từ như trên mà vẫn đứng trong một số lối nói hạn chế nào đó; nhưng người ta ít hiểu hoặc không hiểu chúng nữa. Ví dụ:
khôn (khôn lường; khôn xiết); dấu (yêu dấu); cả (sông cả; con cả; cả và mình) ; dái = sợ, kính, nể).


Giải thích nghĩa các từ cổ trong kinh sách.
1. Trẩy : đi xa, tới nơi khác

– Liền trầy qua thành Bêlem vào hang đá (trích tr.204,sách kinh Quy Nhơn).

– Ông thánh Joseph khi ấy cũng trẩy bởi thành Nazareth…(Phép giảng 8 ngày)

2. Thửa: (từ được dùng để chỉ cái gì thuộc về của ai, hay để thay thế cho người, vật nói ở trên). Hán Tự viết “sở”, âm Nôm đọc “thửa”.
– Xin thương xót thửa lòng chúng tử (Trích tr.207, sách kinh Quy Nhơn)
– Biết thửa lòng : biết được lòng người nào.
– An thửa phận: an bổ phận mình.
(Xem thêm Đại Nam quốc Âm tự vị, Paulus Của).

3. Khá : đáng, nên, xứng (Hán tự viết chữ “khả”, âm Nôm đọc “khá”

– Ấy phận hèn chớ khá kiêu căng (trích tr.207, sách kinh Quy Nhơn)
Khi đứng trước động từ có nghĩa là “hãy”
Khá lắng tai mà nghe cho biết (trích tr.215, sách kinh Quy Nhơn)

4. Thìn: giữ, giữ gìn. Hán tự viết “thần”, âm Nôm đọc “thìn

– Thuở hoan hỉ chẳng thìn nết vặt, ngày mạng chung nào lập khóc than? (trích tr.208, sách kinh Quy Nhơn)
– Nguyệt Nga liếc thấy cũng thìn nết na (xem Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

5. Tiêu sái: phóng khoáng, tự do, không bị ràng buộc

– Lại con sẽ làm cho linh hồn con cùng linh hồn kẻ thân nghĩa con được nhờ phần phước đời này và đời sau được vui vẻ tiêu sái vô cùng. Amen (trích tr.351, sách kinh Quy Nhơn ).
– Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế (xem Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi)

6. Phỉ: no, đầy đầy đủ , thỏa mãn

– Song lòng quân dữ hãy còn chưa phỉ, lại tìm cách lạ mà làm khổ sở cho Đức Chúa Giêsu. (trích tr.247, sách kinh Quy Nhơn)
– Chơi cho phỉ chí tang bồng (Nguyễn Công Trứ)

7. Đã: xong, khỏi bệnh

– Đọan liền chữa tai người ấy được lành đã.(trích tr.240, sách kinh Quy Nhơn)

– Kẻ đau nặng thì cho đã (xem Phép giảng 8 ngày)

8. Hản : chắc chắn, thật, rõ, không nghi ngờ gì

– Linh hồn con mơ ước cho hản lời Chúa hứa, mà con trông cậy Chúa.

– Ớ trái tim Chúa nhân từ lân mẫn, hản thật con đã đáng Chúa lấy oai gia thạnh nộ mà đoán phạt. (trích tr.364, sách kinh Quy Nhơn)

9. Trót : suốt, trọn, cùng tận.

– Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu là tòa trót tính Đức Chúa Trời ngự. (trích tr.32, sách kinh Quy Nhơn)
– Chúng tôi trót đêm chịu khó bỏ lưới mà chẳng được đí gì. (xem Phép giảng 8 ngày)

10. Khắn khắn: canh cánh, nghĩ tới luôn, một mực không thay đổi.

– Xin giúp chúng con ghi tạc vào lòng con khắn khắn. (trích tr.117, sách kinh Quy Nhơn).

– Khăn khắn dặn dò thửa lòng (xem Quốc Âm Thi Tập, b 187)

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời