Sáng tác

Người Mẹ

Mỗi người có mặt trên cõi đời này, dù sung sướng hay đau khổ đều “phải có” một Người Mẹ!

(dù người đó có Cha hay không, hay bị người sinh ra bỏ rơi khi mới chào đời thì vẫn phải có người Mẹ chứ nhỉ!) và vẫn cứ cho rằng khi lớn khôn, đến tuổi biết suy nghĩ người đó có “Hận Cha Hận Mẹ” đến cỡ nào đi nữa lúc sinh ra họ, thì một ngày nào đó họ cũng sẽ vẫn dễ dàng tha thứ cho người Mẹ mình hơn, vì một hoàn cảnh nào đó mới bỏ đi cái nhau rốn mà họ đã đau đớn nứt da xẻ thịt để sinh ra đứa con của chính mình!

Bởi thế khi nói đến công ơn của một ai đó, chúng ta hay nói đến Tình và Nghĩa đối với người đó và vì vậy toàn nhân loại dành riêng một ngày trong tháng 5 để nói đến công ơn của Người Mẹ (MOTHER’S DAY).

Việc này ai mà không biết sao lại phải nói đến, nhất là những người như tôi, ít “lộ” tình cảm ra ngoài và cũng vì là người sống nội tâm nên có người cho tôi là người “vô tâm”, tôi thường không hay tỏ ra những hành động, hoặc những lời nói “bóng bẩy văn chương” đối với người Mẹ mà hằng ngày hằng giờ tôi vẫn thường gặp, nói làm gì nữa khi đụng chuyện gì tôi cũng phải nói và “cho quà tặng hoa” chi nữa khi mà mỗi ngày tôi vẫn đưa tiền chợ, ghi ra những gì tôi cần để “gởi” bà ấy đi ra tiệm mua sắm hoa quả thực phẩm cho gia đình và mỗi cuối tuần cả gia đình tôi cùng với bà đi ăn tiệm sau khi đến nhà thờ, đi cắm hương cầu Phật, đi thăm người quen, đi công viên ngắm cảnh thay đổi không khí, đi đến trường các cháu ngày khai trường hay lễ phát thưởng cuối năm, đi mua sắm quần áo dịp những ngày nghỉ lễ trong năm . . .

Và còn nhiều thời gian khác mà chúng tôi đã cùng với nhau “chung sống” dưới một mái nhà, trong những sinh hoạt thường lệ, đó là chưa nói đến về thói quen, về suy nghĩ, về sự khác biệt tuổi tác, về sức khỏe, về đủ mọi thứ, đến nỗi có lúc tôi vẫn phải “thường xuyên” nhắc nhở bà ấy về sự nhạt mặn của thức ăn, phải ăn cái này quăng bỏ thứ kia, sự thức khuya dậy sớm đi tới lui làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con cháu . . . Ôi thôi đủ mọi thứ linh tinh mà chúng tôi thường hay “đụng”, có khi là mùi “hơi khác” từ thân thể của Bà ấy nữa!

Không biết có phải vì bà ấy là Mẹ tôi! hay vì bà ấy thường xuyên làm nhiều việc trong nhà quá, kể cả lúc mà cả nhà đã xong bữa ăn đến ngồi xem TV nơi phòng khách, rồi khi cả nhà đi ngủ thì bà ấy lại cứ “lọ mọ lụm khụm” làm việc này việc kia, đụng cái nọ đụng cái kia làm chúng cứ thay nhau khua loảng choảng! Tôi vẫn cứ suy nghĩ sao mà có nhiều lý do để “bực mình” với bà ấy thế! sao bà ấy không nghỉ ngơi cho khỏe xác nhỉ! sao bà ấy kiếm đâu ra nhiều việc để làm thế!

Cho đến một hôm tôi thoáng nghe lời bài hát: “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi đã “thẩn thờ” im lặng lắng nghe và đã cảm nhận ra rằng, tâm hồn của mình gần như “chai đá” với tình yêu của Mẹ đã bao năm theo tôi, thương yêu tôi và đã giúp đỡ chở che cho tôi, một tình yêu thương cao cả bao la như vậy đó, đã khiến những người con “còn nhớ đến” Mẹ phải “chùng” xuống, đã làm cho nhiều trái tim “thổn thức” khiến có người đã phải rơi lệ khi có dịp nghe qua:

Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ Mẹ khóc như trẻ con.
Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi thơ thẩn (ngớ ngẩn) nhớ ngôi nhà xưa.
Ngày xưa Cha từng gian khổ (ngồi uống rượu), Mẹ đời lam lũ (ngồi đan áo).
Ngoài kia, mùa đông cây bàng lá đổ . . .
Ngày xưa Mẹ (chị) hát vu vơ những câu ca cổ cho con (em) nằm mơ.
Ngày xưa Mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm hơi Mẹ tôi.
Ngày xưa bên giường Cha nằm Mẹ ngồi xa vắng.
Nhìn Cha, thương Cha chí lớn không thành . . .

Biển sóng thét gào một ngày nhớ Mẹ sóng trào khơi xa.
Trời gió mây ngàn một ngày khóc Mẹ trăng tàn sao rơi.
Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt . . .

Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ Mẹ khóc như trẻ con.
Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi thơ thẩn (ngớ ngẩn) nhớ ngôi nhà xưa.

Ngày xưa Cha từng gian khổ (ngồi uống rượu), Mẹ đời lam lũ (ngồi đan áo).
Ngoài kia, mùa đông cây bàng lá đổ . . .
Ngày xưa Mẹ (chị) hát vu vơ những câu ca cổ cho con(em) nằm mơ.
Ngày xưa Mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm hơi Mẹ tôi.
Ngày xưa bên giường Cha nằm Mẹ ngồi xa vắng.
Nhìn Cha, thương Cha chí lớn không thành . . .

Biển sóng thét gào một ngày nhớ Mẹ sóng trào khơi xa.
Trời gió mây ngàn một ngày khóc Mẹ trăng tàn sao rơi.
Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.
Dù cho phú quý vinh quang,vinh quang không bằng có Mẹ . . .

Trèo lên dãy núi thiên thai (ối a), Mẹ tôi trông áng mây vàng.
Mẹ ơi! Hãy dắt con theo ối a, để con mãi mãi bên Mẹ.
Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ . . .

Biển sóng thét gào một ngày nhớ Mẹ sóng trào khơi xa.
Trời gió mây ngàn một ngày khóc Mẹ trăng tàn sao rơi.
Trèo lên dãy núi thiên thai ối a, Mẹ tôi về đâu?
Ngàn năm mây trắng bay theo ối a, Mẹ ơi Mẹ về đâu?
Trèo lên dãy núi thiên thai ối a, Mẹ tôi về đâu?
Ngàn năm mây trắng bay theo ối a, Mẹ ơi . . . Mẹ về đâu? . . .

Nghe qua tôi ngồi “chết lặng” vì có nhiều ý lời giống như cuộc đời tôi, cũng như “lâng lâng” vì có những cảm xúc khó tả kèm theo vài giọt lệ rơi qua khóe mắt (cho dẫu “nước mắt đàn ông không rơi từng giọt”!). Tuy từ nhỏ tôi cũng đã từng nghe, từng “ê a” ngân nga những lời của bài hát: “Lòng Mẹ” của Y Vân, từng biết so sánh nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra, bao la như biển Thái Bình dạt dào . . . nhưng rồi dòng đời cứ trôi đi, công việc của cuộc sống đã đưa tôi đi vào “vòng xoáy” đời thường, đã phần nào làm cho tâm hồn tôi hầu như phai nhạt đi hình bóng của “nải chuối buồng cau”, là “dòng suối ngọt ngào quê hương”, là “dòng sữa ngọt ngào” chảy vào tim con . . ., tôi hầu như không là người con nữa! Mà cứ loay hoay để làm tròn trách nhiệm người Cha người Mẹ trong gia đình nhỏ bé của mình, cũng như cố bon chen trong công việc mỗi ngày, hầu mong có đầy đủ mọi thứ đồ dùng trong căn nhà mà tôi đã bỏ bao nhiêu công sức mồ hôi để xây dựng ra nó. Song song đó, còn phải lo trả biết bao nhiêu thứ vào mỗi tháng cho các hóa đơn mà gia đình tôi đã chi dùng!

Bởi thế có thể tôi dần quên mất đi người mà luôn “theo dõi” tôi từng bước đi, từng thời gian khi tôi ở nhà hay đi ra ngoài và cũng có thể cả luôn trong giấc ngủ, miếng ăn. Người đó hầu như chỉ “im lặng” vì sau nhiều lần bị “xung đột” với con cháu về suy nghĩ, về cách sinh hoạt, về nhiều thứ linh tinh trong công việc gia đình! Kể cả có những khi vì bênh vực con mình phạm lỗi, mà tôi đã lỡ xúc phạm to tiếng với Mẹ (hoặc vì tôi đã “quên” không ghé thăm Mẹ trong nhà hưu dưỡng, vì một lý do nào đó để Mẹ ngóng trông!).

Về sau nhiều lần tôi đã “ẩn núp” để nhìn trộm Mẹ, tôinhận ra trước mắt mình không phải là người mà tôi thường “khó chịu”, mà là người “chịu khó” dọn đi đống rác mà tôi đã gom lại mấy ngày rồi mà đã quên mất, không phải là người mà tôi đã cho là “thiếu sạch sẽ” khi đang cố chùi rửa góc bếp từ lâu nay không ai để ý tới, có khi còn gom những tấm vải, quần áo đã lâu nay không xài đến đem đi giặt, sau đó còn xếp gọn gàng để có lúc sẽ xài đến và những khi trong nhà có người bị bệnh, giữ trẻ coi cháu cho con đi làm, Mẹ không những làm tròn trách vụ mà còn “chăm nom” trên cả cẩn thận, quên luôn sức khỏe của mình vì đó là niềm vui, vì đó là máu mủ là gia đình của mình, nhiều khi tôi vì quên hay chưa sẵn tiền đưa để “trả công”, Mẹ cũng chưa bao giờ hỏi đến hoặc “kì kèo hơn thua”. Có khi không biết ai kể lại mà Mẹ còn dúi vào tay tôi một ít tiền để “cho con tùy đó mà tiêu xài cho công việc sắp tới nhe con”!

Thật may cho tôi, khi vẫn còn kịpnhận ra sự hiện diện của người Mẹ, còn thấy được sự giúp đỡ vô vị lợi, còn nghe được những lời nói dạy bảo của người Mẹ, vì cho đến nay dưới mắt Mẹ, tôi vẫn là đứa con nhỏ bé của Mẹ cần được chở che, cần được vỗ về yêu thương, cần được hướng dẫn dạy bảo điều hay lẽ phải. Có đêm tôi đã phải giựt mình bật dậy với mồ hôi đẫm mình, vì nằm mơ Mẹ tôi bị bất tỉnh được xe cứu thương chở đi cấp cứu, sau đó phải nằm liệt giường ở bệnh viện vì bị tai biến mạch máu não! Mỗi ngày tôi chạy tới lui chăm sóc, nhiều khi bực mình tôi cũng “cằn nhằn” đổ thừa cho Mẹ!

Tôi tự hỏi chung quanh tôi có một số người không được cài bông Hồng đỏ trên áo, vì không còn Đấng sinh thành, không còn chung một mái nhà với Cha Mẹ thì sao? Có thể đỡ đụng chạm la mắng ồn ào, đỡ lo lắng nuôi chăm món ăn tấm mặc, có thể không phải “mệt tai mệt lòng” vì những lời nhủ khuyên của Mẹ Cha và còn có nhiều thứ khác nữa. Cũng có thể các Đấng bậc này đang ở trong nhà hưu dưỡng, các nhà dành cho người già lão suốt ngày ăn nghỉ nghe nhạc tập thể dục, tuy đầy đủ nhưng vẫn cứ mong ngóng chờ đợi các con ghé thăm hỏi han!

Nhưng những người con này sẽ không còn có một “kho tàng vô giá” đó là còn Cha còn Mẹ, còn có âm hưởng lời ru khi nghe thấy con mình được Mẹ mình ru, được nhìn thấy con mình được Mẹ mình chăm và cảm nhận được những lời giáo huấn của Mẹ qua những người con của mình.Khi nghĩ đến đây với đôi mắt đẫm nhòa nước mắt ăn năn, tôi chạy vội đến ôm chầm lấy Mẹ, xin lỗi Mẹ và:

Cho con gánh Mẹ một lần , cả đời Mẹ đã tảo tần gánh con ,
Cho con gánh Mẹ đầu non, cả lòng Mẹ đã gánh con biển trời .

Ngày xưa Mẹ gánh à ơi, con xin gánh lại những lời Mẹ ru ,
Đường đời sương gió mịt mù, vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan .

Để con gánh Mẹ đừng can, sợ khi Mẹ mất muộn màng gánh ai ,
Cho con gánh cả tháng dài, gánh qua năm ròng những ngày đắng cay .

Cho con gánh cả đôi vai, thân cò lặn lội sớm mai vai gầy ,
Mẹ già lá sắp xa cây, lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao .

Mẹ ơi sông biển dạt dào, con sao gánh hết công lao một đời ,
Bông hồng cài áo đúng nơi, đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la ,

Cho con gánh lại Mẹ già ,
Để sau người gánh chính là con con … (Người sau sẽ gánh . . . chính là . . . con . . . con . . .)

Từ đó tôi “nghiệm” ra rằng:

Còn Cha còn Mẹ đời vô tận,

Giữ tròn chữ Hiếu, đức vô biên.

Làm người phải biết ơn dưỡng dục,

Để mãi kiếp sau vẫn lưu truyền.

Người Mẹ được ví như là nơi dưỡng nuôi đầy tràn sức sống cho đàn con cháu, có lúc lại là chỗ nương dựa ấm êm cho mái ấm gia đình, có khi lại là nền tảng vững chắc về niềm tin, lại có lúc lại là “Thầy dạy” về nhiều phương diện cho các thành viên trong gia đình. Tuy mặc lấy thân xác người Nữ yếu đuối mỏng manh, nhẹ nhàng thướt tha, nhưng khi cần thiết Mẹ lại là người dám đứng lên vươn ra phía trước để trở thành bức tường thành kiên cố, vững chắc hiên ngang như gà mẹ xòe cặp cánh đối phó với nhiều phong ba bão táp của cuộc đời, của kẻ thù đang hăm he nanh vuốt tấn công những người con, người thân thuộc!

Nếu người Cha được cho là nền tảng vững chắc, thì người Mẹ lại là chỗ nương tựa cho gia đình.

Nếu người Cha được cho là nguồn cội, thì người Mẹ lại là bóng mát cho đàn con.

Nếu công Cha được cho là cao như Thái Sơn, thì ơn Mẹ ví bao la như biển Thái Bình.

Nếu ơn Cha tựa như đuốc cao soi trên đường, thì nghĩa Mẹ lại là làn hơi ấm, lan tỏa suốt cả cuộc đời con.

Người Mẹ có thể là những người “Kế Mẫu” nhân ái, xem những đứa con nào cũng đều là con của mình, đều chăm sóc dạy dỗ như nhau; có thể là Mẹ chồng hoặc Mẹ vợ, tuy “khó khăn” hay “soi mói” chút chút về mọi thứ, nhưng cũng vì thương con của mình nên họ hầu như không muốn chia sớt  cho “người dưng”; còn có thể là Quý tu sĩ nam nữ các tôn giáo, các Cô giáo những người đang nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, đang nuôi dạy trẻ em ở các trường học.

Tất cả những Người Mẹ nêu trên đều xứng đáng được tôn vinh, được quí trọng, được yêu mến, được nhiều người noi gương tốt lành và sẽ được những người con nhớ đến trong những giờ thắp hương cầu khấn Phật mỗi ngày đêm dịp lễ Vu Lan hay đầu năm ngày Tết, trong mỗi Thánh lễ cầu nguyện cho những Người Mẹ, xứng đáng được hưởng nhiều phần thưởng vinh phúc mai sau ở cõi Thiên đàng:

1. Xin cảm tạ Cha, xin cám ơn Trời đã ban cho đời con có Mẹ Cha. Công Cha thì cao, cao hơn là núi Thái, nghĩa Mẹ dạt dào như sóng trào biển Ðông. Con không có Mẹ ai dạy ngày qua, con không có Cha tìm đâu mái nhà.
ÐK: Xin cho Cha, xin cho Mẹ, được trọn đời mạnh khỏe yên vui. Con xin Chúa thiết tha ân tình, tình người Cha và trái tim Mẹ hiền.
2. Cha Mẹ mồ hôi vất vả đêm ngày giúp con no đầy manh áo hạt cơm. Công Cha dạy con đi trên đường mến Chúa, nghĩa Mẹ mời gọi con sống đời tình yêu. Bao nhiêu gánh nặng, ôi chẳng hề quên, nuôi con lớn lên nào mong đáp đền.

Ước mong những người con luôn biết đến công ơn các đấng sinh thành, luôn nhớ ơn dưỡng dục và luôn:

Ngày đêm thắp nén hương lòng,

Nguyện xin ơn cả xuống tràn Mẫu thân.

Hồn an xác mạnh ước mong,

Đương thời vui vẻ cõi Thiên ly trần!

Viết dịp Ngày Hiền Mẫu (The Mother’s day) tháng 5/2020.

Yakêu.

Follow Me:

Trả lời