Bài Vở Cũ Giới trẻ

NguoiThayVaNhungToTienCu NgocHaSuuTam



Người Thầy và Những Tờ Tiền Cũ – Ngoc Ha Suu Tam

Người Thầy và Những Tờ Tiền Cũ

Ngọc Hà sưu tầm

Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy. Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”. Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về…
Trúc Nguyễn

******************************

Khi nhớ lại hình ảnh thầy cô, bạn bè, kỷ niệm xa xưa nơi học đường, tôi không thể nhớ được bài học của cô giáo hôm xưa, nội dung bài giảng của ông thầy dạy toán hôm ấy. Điều tôi nhớ được là một lời thăm hỏi thân tình của cô giáo khi biết gia đình tôi đang gặp sự khó, cái nhìn rộng lượng tha thứ của thày khi bắt gặp đám học trò phá phách mà không bắt phạt, cái xoa đầu êm dịu của cô khi đi ngang sân trường, sự nhiệt tình “thấy ghét” của cô chủ nhiệm khi bắt lũ học trò ôn thi. Tất cả vẫn còn in đậm trong tim một hình ảnh đẹp về một vị thầy, người cô đã qua trong đời. Bài học không nhớ được bởi lời giảng hùng hồn nhưng bằng một cử chỉ sống thật rất sinh động.

Bên cạnh tầng lớp giáo viên chuyên nghiệp được đào tạo chính quy, hưởng lương của xã hội, tôi còn thấy đây đó trong xã hội bon chen hình ảnh một tầng lớp giáo viên không chuyên nghiệp mà người ta gọi họ là “Giáo lý viên”. Họ đi làm vất vả như bao người và đến trường vội vã trong ngày cuối tuần để rao truyền Lời Chúa, tiếng Mẹ đẻ cho các em nhỏ lớn lên trên đất khách quê người. Họ không hề được ăn lương dù ít, cũng chẳng được đào tạo qua trường lớp. Họ yêu mến Chúa, yêu mến các em nhỏ, họ đang rút tỉa từ sức sống, kiến thức, đức tin đơn sơ của họ để truyền giao lại cho các em như người thầy gởi gắm những đồng bạc nhỏ cho đứa học trò phương xa. “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52:7)

******************************

Lạy Thầy Chí Thánh Giêsu, nhân ngày Hiến chương các nhà giáo 20 tháng 11, xin Chúa ban phúc lành cho tất cả các thầy cô biết theo gương Thầy Giêsu để rao giảng những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người cho những tâm hồn bé bỏng đơn sơ. Xin cho các thầy cô không chỉ truyền dạy những kiến thức khoa học, mà còn chú ý đến việc đào tạo con người theo hình ảnh Chúa nơi học đường. Xin ban thêm sức mạnh và lòng can đảm cho các thầy cô để họ không chỉ dạy mà còn sống những điều mình dạy cho dù đồng lương có ít ỏi. Lạy Chúa, xin ban bình an và chúc phúc cho tất cả các thầy cô trong ngày lễ tưởng nhớ đến công ơn thầm lặng của những “kỹ sư tâm hồn”. Amen!

Langthangchieutim

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời