Kỹ năng sống Sưu Tầm

Những mẩu truyện ngắn có ý nghĩa

Viết cho cha

Con xin tiền đóng học phí học bằng B Anh văn. Cha nói: “Để cha tính”.
Một lần sau giờ học, lũ bạn rủ con đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen – cha của con. Cha chạy honda ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm.
—————————————————–
Lãi

Quán rất nghèo, lèo tèo dăm chai nước. Hiếm hoi mới có vài người khách.
Con trai càu nhàu:
– Chín muời năm rồi, chẳng thấy lời lãi gì cả, chỉ tổ nhọc thân. Đã bảo u dẹp quách đi cho rồi. Rõ khổ.
Bà mất vì lao phổi. Con trai dỡ quán bỏ, thấy một cuộn giấy cất kỹ trên hốc kèo. Mở ra, một dòng chữ nghuệch ngoạc: “Lãi của quán, dành cho con”. Gần ba triệu. Tờ giấy run bần bật.

—————————————————–
Nhớ mẹ

Mẹ tôi bị chứng lở miệng. Mỗi lần bị lở mẹ ăn rất khó khăn. Khi ấy mẹ chỉ thích có tô cháo hành hoa cho dễ nuốt nhưng tôi thường tìm cớ né tránh để khỏi phải nấu. Thấm thoát mẹ mất cũng đã gần 10 năm.
Mấy hôm nay nuốt thức ăn thấy đau đau. Soi gương thấy hóa ra miệng có vết lở giống như mẹ ngày trước. Cầm tô cháo hành mà nước mắt tôi cứ lăn dài.
—————————————————–
Nguồn cội

Chị sắp có con đầu lòng, bao nhiêu niềm háo hức, mong đợi, hạnh phúc được chị thể hiện bằng cách sắm sửa cho con không thiếu thứ gì. Vậy mà hôm lên đón cháu về, má chị lại rầy: “Sao lại bận cho thằng nhỏ cái áo cũ mèm như vầy?” . Chị cười: “Má không nhớ cái áo này sao?” . Rồi nước mắt chợt rơi. Đó là cái áo má chị may bằng tay khi sinh chị mà chị còn giữ được tới bây giờ. Cái áo đó bốn đứa em của chị lúc nhỏ đứa nào cũng đã từng mặc qua.
—————————————————–
Cãi nhau

Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó, đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.
—————————————————–
Cần thiết

Ngày cô theo gia đình định cư nước ngoài. Thấy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời Thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi: ” Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền “. Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp: ” Anh chỉ cần em “.
—————————————————–
Câu hát

Mưa. Hồi trước. Thấy tôi đến người yêu tôi vui mừng. Hai đứa ngây ngất trong vòng tay nhau, hạnh phúc. Cánh cửa bị hư chốt cài, gió thổi vào hung bạo. Vẫm ấm áp. Đưa tôi về. Người yêu tôi hát nhỏ: “Anh ước mong một chiều đông giá…”
Mưa. Bây giờ. Thấy tôi đến người yêu tôi hững hờ. Hai đứa ngồi lại bên nhau trong căn phòng có gắn điều hòa và mở hết số. Vẫn lạnh run. Khi tôi về. Phố trắng xóa, mờ mịt. Lòng rưng rưng với câu hát cũ “…và quên đường về”.
—————————————————–
Mẹ ghẻ.

Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.
6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ…
Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
– Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
– Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói, dường như bà mẹ ghẻ thì ở lại với nấm mồ , còn cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm – rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu…

—————————————————–
Những tờ báo của tôi

Mẹ tôi già, nguồn giải trí duy nhất là đọc báo. Mẹ thích đọc những bài báo của tôi. Có bài, tôi mua một tờ để đọc, tờ báo biếu để lưu. Tờ lưu tôi cất kỹ cho mới. Mẹ qua nhà tôi, lấy báo về đọc: ” Mẹ đọc hết, không sót mục nào “. Bài viết của tôi, khi mẹ khen, khi mẹ chê. Thỉnh thoảng, cần lục tìm lại những bài báo, không thấy tôi cằn nhằn: ” Đọc xong mà mẹ không đem qua cho con “.
Bị tiểu đường, mắt mẹ mờ. Đi khám. Có hai hạt cườm đang che lấp dần con ngươi. Chưa mổ được, vì phải trị hết tiểu đường. Mắt mẹ mờ dần. Những tờ báo của tôi bây giờ nằm im gọn gàng trên kệ, hàng ngày từng lớp bụi áo lên. Chẳng có ai qua lấy báo về đọc, để tôi có dịp cằn nhằn mỗi khi tìm không thấy nữa.

—————————————————–
Xa xứ

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: “ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…”
Cuối năm viết: “mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…”
Mùa đông sau viết: “em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…”
—————————————————–
Khoảng cách

Anh lớn hơn nàng già con giáp. Sợ cảnh chồng già vợ trẻ sau này, anh dằn lòng nói lời chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.
Ba năm sau, nàng cũng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.
– Sao ngày xưa em không giữ anh lại? Giọng anh đầy tiếc nuối và trách móc.
Nàng nhìn anh trân trối:
– Cứ nghĩ anh không muốn cưới em…
Tất cả những truyện này do tui sưu tầm trên báo mục Câu chuyện của tôi
—————————————————–
Bên sân

Một khung trời vàng rơm. Chút nắng cuối cùng hắt qua cửa. Nhà tôi – buổi chiều tà. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường tụ tập lại, dàn trận đánh nhau. Nó ngồi co ro, run rẩy tội nghiệp. Cơn bệnh tim của nó đã cướp mất cái quyền làm trẻ con như những đứa trẻ cùng xóm chúng tôi, dù chỉ trong một trận đánh giả. Nhà nó nghèo lắm, nhưng nó ngoan, nó luôn bảo với chúng tôi về lời dặn của mẹ nó: “Khi nào mẹ có tiền để chữa bệnh, rồi con hãy chơi cùng chúng nó”.
Chiều vàng. Nắng sắp tắt. Không còn nó ngồi xem chúng tôi dàn trận nữa. Mẹ nó thẫn thờ ngồi bên bát nhang. Tôi cay sống mũi, thế là bên sân nhà tôi không còn một đứa trẻ chăm chú nhìn chúng tôi thèm thuồng.

Nguyễn Thị Quyên
—————————————————-
Soong cơm tráng

Xưa, nhà nghèo, đông con, cơm còn bữa rau bữa cháo, nói gì đến thức ăn. Lâu mới có món cá con kho mặn. Soong cá ăn xong, đổ cơm vào tráng ăn rất ngon. Ba luôn nhường cho con cơm tráng lần đầu và tráng lại lần hai cho mình. Ba lao động cực nhọc, không một lời than, cố nuôi con ăn học nên người.
Nay trưởng thành, xa nhà, các món Tây Tàu con đã từng nếm nhưng không thể nào bằng món cơm tráng ngày xưa. Chiều mưa làm con nhớ nhà, nhớ Ba và thèm chén cơm tráng, Ba ơi!

Nguyễn Thanh Thanh
—————————————————-
Tình bạn

Mở rộng hẻm. Cả xóm hân hoan. Riêng con bé ôm gốc mận già thút thít khóc. Làm sao cứu được người bạn lớn? Cứu những chùm mận căng bóng, cắn vào, mát ruột giữa trưa hè? Chả ai chịu để một cây mận đứng chơ vơ giữa đường cả!
Ngày đốn cây. Con bé trốn qua bà ngoại. Chiều về, nhìn góc sân trống huơ, nó òa khóc nức nở. Thương quá! Bố chọn đoạn thân mận đẹp nhất, khắc vào đấy mặt một ông cụ hiền từ.
Bây giờ, buồn vui nó lại rủ rỉ cùng cụ Mận!

Thạch Nhung
—————————————————–
Chung riêng

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mải chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh… cuối cùng thì anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa…anh giờ đã riêng của người ta…

Nga Miên
—————————————————-
Câu hỏi

Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang, không nhà cửa.
Cuối buổi học.
– Cô ơi! Dạy hát cho tụi con đi cô.
– Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi , cô dạy cho tụi trẻ bài Đi học về .
– Hát theo cô nè, “Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen…”
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
– Tao không có ba mẹ thì chào ai?
– ….!
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.

—————————————————–
Con gái

Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa: “Con gái là con người ta”.
Mẹ gục đầu vào vai anh nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại… Mẹ cũng là con gái…

Lữ Gia

—————————————————–
Lòng tin

Xe ngừng…
– Mận ngọt đây!…
– Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
– Dạ 2000.
– Hổng có tiền lẻ!
– Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
– Trời! đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
– Ai mà tin cái lũ đó chứ!
– Bà tin người quá!…
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
– Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho!

—————————————————–
Cổng trường

Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh & phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.
“Út, Út, Út ơi!”. Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
“Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đâu đấy”.
“Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!”. Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy…
…Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. “Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!”.

Thanh Hải
—————————————————–
Mẹ & con

Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.

—————————————————-
Nuôi con !

Nhà có cháu, bố mẹ đi làm cả ngày nên muốn thuê người ngoài. Bà nội muốn tự tay mình chăm sóc.
Mẹ làm ngành y rất kỹ lưỡng về vệ sinh, có ý không thích để bà nuôi. Một hôm mẹ làm về sớm thấy bà mớm cho cháu, không bằng lòng nên nói với bố. Đến tối, bố nói: bà nuôi theo kiểu dân gian, mất vệ sinh lắm nên cháu bệnh hoài, thôi để con thuê người chăm cho cháu.
Bà ngỡ ngàng, chống chế yếu ớt: con cũng lớn, mạnh khỏe mà có sao đâu!

—————————————————–
Những đôi chân

Mới giữa tháng, Kiên đã gởi thư về xin thêm tiền. Mẹ thở dài xoa đầu cô Út:
– Thôi, để một thời gian nữa mới tính chuyện mua xe đạp cho con vậy nhé!
Nhưng, cả năm bị mất mùa. Cả nhà gồng gánh hết sức mới tạm đủ tiền cho Kiên, nói chi đến việc mua một chiếc xe đạp mới.
Tết, Kiên đóng bộ thật bảnh về nhà. Ba mẹ và em mừng rỡ ra đón. Cậu tháo đôi giầy ra, và chợt nhìn xuống chân: chân ba mẹ nứt nẻ vì công việc nhà nông vất vả, chân em sần sùi, đen đủi vì phải lội bộ gần chục cây số đến trường hàng ngày. Chỉ có chân Kiên trắng hồng. 
                                                                                                                 

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời