Bài Vở Cũ Khoa học

PhongTucNgayTet HoangThiThanSt

Trai Mang Cut

Phong Tục Ngày Tết

CHÚC TẾT VÀ MỪNG TUỔI

Sáng sớm mồng một Tết hay ngày “Chính đán”, mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng và mừng tuổi lẫn nhau. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người tự nhiên tăng lên một tuổi. Bởi vậy ngày mồng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên; và các người lớn thì “mừng tuổi” các trẻ em một cách cụ thể bằng những đồng tiền mới bỏ trong những “phong bao”. Tục này ở Nam Phần Việt Nam quen gọi là “lì xì”. Tiền mừng tuổi mà mình nhận được trong ngày tết gọi là “Tiền mở hàng”. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Về chúc Tết, trong ba ngày Tết, những thân bằng quyến thuộc, hoặc những người phải chịu ơn người khác thường phải đi chúc Tết và Mừng Tuổi gia chủ; sau đó xin lễ ở bàn thờ Tổ Tiên của gia chủ. Tục này ngày nay ít còn, vì thì giờ eo hẹp, đường xá xa xôi cho nên đã được thay thế bằng những thiệp “Chúc Mừng Năm mới” hay “Cung Chúc Tân Xuân”.

LÌ XÌ

Chữ lì xì được phiên âm từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt, nguyên là chữ lợi thị (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Để mừng tuổi các em, những người lớn trong gia đình, họ hàng, bạn bè của cha mẹ tặng các em những món tiền nho nhỏ (lì xì) và chúc các em chóng lớn, học hành đỗ đạt…. Những món tiền này được cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có văn hoa vàng. Cũng như màu hồng thắm, màu đỏ hoặc các màu có sắc đỏ được tin là tượng trưng cho sự may mắn. Thuở trước, sau khi nhận những lời chúc thọ, các vị cao niên trong gia đình lì xì tất cả con cháu bất kể tuổi tác với những món tiền nho nhỏ, vừa bạc lẻ vừa tiền chẵn, ngụ ý chúc con cháu làm ăn phát đạt, tiền bạc sinh sôi nảy nở trong năm.

XUẤT HÀNH VÀ HÁI LỘC


Đầu năm mới, người mình còn có tục xuất hành nữa. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần….

Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết nữa. Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui, chẳng hạn:

– Gió Nam: chỉ đại hạn
– Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc
– Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả
– Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải
– Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu
– Gió Đông: chỉ có lụt lớn….

Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người mình còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc.” cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành xi, cây xương rồng… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ Tiên.

Tục Xông Đất

Tục lệ xông đất đã có lâu đời ở nước ta. Người dân Việt Nam quan niệm ngày mồng Một là ngày đầu của một năm. Họ cho rằng vào ngày mồng Một, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, mau mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối một năm, mọi người có ý tìm xem những người nào vui vẻ, linh hoạt, đạo đức, và thành công trong bà con hay láng giềng để nhờ sang thăm. Tục này gọi là tục xông đất.

Người khách đến xông đất phải đến thăm sáng sớm ngày mùng Một (vì muốn là người khách đầu tiên), mang theo quà biếu như trái cây, bánh mứt, và tiền lì xì cho trẻ con trong nhà. Chủ nhà, do đã sắp đặt trước, sẽ tiếp đón niềm nở và nhận những lời chúc tốt lành. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thong suốt.

Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.

KHAI BÚT TÂN XUÂN


Vào những ngày đầu Xuân, các người có văn học còn có tục “khai bút Tân Xuân” nữa.

Sự “khai bút” này nhằm mong mỏi đón nhận được mọi sự tốt lành nhân năm mới tới. Thường thường người ta phải chọn ngày và giờ tốt để khai bút. Nhiều khi sự khai bút cũng chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi; chẳng hạn như viết lên giấy hồng điều vài chữ: ngày, tháng, năm….. “khai bút đại cát” hay “tân Xuân đại cát” (nghĩa là đầu năm mới khai bút để gặp được những điều tốt lành lớn).

Đối với những danh sĩ thì đôi khi khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu Xuân bày tỏ nguyện vọng hoặc ý chí của mình. Những bài thơ khai bút này được viết lên giấy hồng điều (giấy màu đỏ) hoặc trên giấy hoa tiên (giấy có vẽ hoa) rồi dán bài thơ lên tường để thưởng Xuân. Sau dây là bài thơ nổi tiếng của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến:

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi, lẻ có ba
Sách vở ích gì cho tuổi ấỷ
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
Xuân về, ngày loạn còn lơ láo,
Người gặp, khi cùng những ngẩn ngơ!
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng?
Sao con đàn hát vẫn say sưa?

Những người có chức vụ lớn như Tổng Đốc, Tuần Phủ, Tri Phủ, Tri huyện…. thì có lên Khai ấn và Khai triện nữa. Tục này cũng được thực hiện ở các bộ đường ở kinh đô Huế dưới triều Nguyễn nữa (tục khai ấn, triện này mô phỏng của nhà Thanh).

Ấn và triện là những con dấu của những người giữ chức vụ chỉ huy trong chính quyền. Các vị này nhân đầu năm làm lễ khai ấn, triện bằng cách đóng dấu vào những giấy tờ công văn để cầu mong cho “thiên hạ thái bình” và dân chúng được “an cư lạc nghiệp” Lễ khai ấn và khai triện thường được cử hành vào ngày khai hạ mồng 7 tháng giêng âm lịch. Đối với các quan võ thì có tục Khai Kiếm nghĩa là dùng gươm chọc huyết (trâu bò) hay cắt tiết (lợn, gà, vịt) các con vật dùng trong các tế lễ….

Còn dân chúng thì tùy theo nghề nghiệp của mình cũng làm lễ Khai trương cửa hàng hay công việc của mình bằng lễ cúng các vị tổ của các nghề gọi là “lễ cúng Tiên Sư” (thường là vào ngày mồng 9 tháng Giêng âm Lịch).

Tranh Tết

Cũng để trang hoàng nhà cửa và mừng Xuân mới, người mình còn có thú trưng bày và thưởng thức tranh tết nữa. Những tranh này được in bằng mộc bản (bản in bằng gỗ khắc) với những màu sắc và hình vẽ hết sức đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa…

Để cầu mong cho năm mới được sung túc, thịnh vượng, nguời ta ưa treo những tranh tết “đàn lợn, mẹ và con”… “đàn gà, mẹ và con”. Ngụ ý được dồi dào sức khỏe để làm việc quanh năm. Người ta thích tranh “Con gà trống gáy sáng” hay tranh “người nông phu” ngồi nghỉ ở dưới gốc trâu nằm….. Ước vọng tới sự giàu sang nhiều tiền thì có tranh “tiền tài, tiến lộc” về hình hai vị thần mặc triều phục cầm bảng có đề chữ “tiến tài” (mang lại tiền bạc) và “tiến lộc (mang lại bổng lộc) hoặc là tranh Tiền là tranh vẽ có những đồng tiền xếp liền nhau ngụ ý sự ăn nên làm ra và được nhiều tiền nhiều bạc…

Khuyến khích các trẻ em chăm chỉ học hành có tranh “thầy đồ cóc dạy học” (với quan cảnh nhà trường), tranh “Lý Ngư vọng tuyệt” (tức cá chép trong trăng) ý nói người học trò mong mỏihọc tập rồi thi đỗ ví như “cá vượt vũ môn” hóa thành rồng vậỵ Lại có cả tranh “đám cưới chuột” hay “trạng Nguyên chuột vinh quy bái tổ” nhằm khuyến học nữa.

Cũng có người thích tranh các vị thần linh anh hùng dân tộc như “Sơn Tinh Thuỷ Tinh”, “Phù đổng Thiên Vương”, “Trọng Thủy Mỹ Châu”, “Bà Trưng Trắc”, “Bà Triệu”, “đinh Tiên Hoàng”, “Lý Thường Kiệt”.v..v.. Chịu ảnh hưởng Trung Hoa thì có những tranh “Tứ Bình” (tức bốn bức tranh) như: Mai, Lan, Cúc, Trúc; Ngư (người đánh cá), Tiều (người đốn củi); Canh (người làm ruộng), Mục (kẻ mục đồng), tranh ông Lã Vọng (tức Khương Tử nha câu cá ở Tây Kỳ) và các tranh dựa trên các truyện tích Tàu và Ta như “Tam Quốc Chí”, “Chinh Đông Chinh Tây” tranh “Quan Âm Thị Kính” tranh “Nhị Độ Mai” tranh “Thạch Sanh Lý Thông”.v..v…đặc biệt những tranh Tết trào lộng và thuần túy Việt Nam được nhiều người ưa thích là tranh trai gái “đánh đu” (Trai ôm gối hạc khom khom cật, gái uốn cong lưng ong ngửa ngửa lòng!) tranh “hứng dừa” (với hình một thanh niên đang trèo hái dừa ở trên cây và hình một thiếu nữa đứng dưới gốc dừa đang “tốc váy” lên để hứng lấy trái dừa to người con trai hái và bỏ xuống) và tranh “đánh ghen” giữa người vợ cả và vợ lẽ…

KIÊNG KỴ TRONG NGÀY TẾT

Đặc biệt ngày Tết người ta kiêng không dùng những tiếng hay làm những hành động xấu có thể đem lại sự không may cho mình. Sự xui hay không may này sẽ làm cho mình bị “giông” cả năm.

Đầu năm mới, người ta tránh chửi bới, giận dữ hay cãi lộn. Người ta cũng cố tránh làm đổ vỡ những đồ vật. Vận quần áo đen hay trắng, nhân năm mới là xui vì đó là màu của tang tóc, tối tăm. Người ta tránh không đòi nợ (hay bắt nợ). Ngày tết, mọi sinh hoạt thường nhật đều đình chỉ, người ta “kiêng” không quét nhà và đổ rác vì sợ sẽ đổ hay vứt bỏ mất những sự may mắn tốt lành tới nhà mình trong năm mới Thường thường người ta phải đợi đến ngày “động thổ” mới tiếp tục đổ rác và quét nhà!

Đặc biệt, nếu có tang thì không nên đi xông nhà hay đi mừng tuổi người khác (để tránh cho người khác không bị xui như mình). Cũng vậy, đàn bà có thai thường “kiêng” không đi đâu cả trong những ngày đầu năm mới vì tục ngữ có câu: “sinh dữ, tử lành!”

Ngày xưa, ở chốn thôn quê còn có tục “kiêng” để cối xay gạo trống không vào những ngày đầu năm. Bởi vậy, người ta phải đổ một ít lúa vào cối xay ngụ ý cầu mong năm mới lúc nào cũng có lúa gạo sung túc.

CÂU ĐỐI TẾT


Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân “tồn cổ” vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ. Những chữ nghĩa ở các câu đối này thường là những chúc tụng nhân năm mới, chẳng hạn như:

– Phước thâm tự hải (hạnh phúc nhiều sâu như biển)
– Lộc cao như sơn (của cải nhiều cao như núi)

Hay là:

– Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ (Trời đất ngày gia tăng ngày tháng ví như con người mỗi năm tăng thêm tuổi thọ)
– Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường (mùa xuân về đầy trong Trời Đất ví như hạnh phúc đầy nhà)

Câu đối cũng còn được gọi là liễn nữa. Liễn thường là những dải giấy màu đỏ hay hồng đào, hai đầu dải giấy có làm trục bằng gỗ hay bằng tre để khi treo lên thì dải câu đối được ngay ngắn. Cũng có khi liễn không cần có trục và chỉ là những giải giấy để tiện dán vào những nơi cần treo như ở hai bên bàn thờ, các cột nhà cửa, cổng hay ngõ….

Trước đây ở chốn thôn quê, mỗi khi Tết đến, người ta còn cẩn thận dán liễn đỏ ở nơi các cửa chuồng lợn, trâu, bò hoặc ở thân cây dừa, nhãn, ổi, nạ… để ngụ ý cầu mong cho mọi sự được tốt đẹp như lợn, trâu, bò hay ăn chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn… các cây thì sai trái. Những nhà không có đủ khả năng và phương tiện viết câu đối ăn Tết thường phải nhờ những cụ đồ Nho chuyên viết và bán những câu đối Tết, những năm trước chiến tranh 1939-1945 đã được thi sĩ Vũ Đình Liên mô tả trong bài thơ bất hủ “Ông Đồ”

Các văn nhân nhân dịp Tết cũng thường làm câu đối để bày tỏ ý chí của mình hoặc chỉ trích những thói hư tật xấu của người đờị Chẳng hạn như :

Thiên hạ xám rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi

(Trần Tế Xương)

Hay:

Tối ba mươi khép cánh càn khôn
Ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng theo tạo hóa
Mở toang ra, cho thiếu nữa đón xuân vào

(Hồ Xuân Hương)

Tục Tảo Mộ Tết

Phong tục thuần tuý Việt Nam khác trong dịp Tết là tục tảo mộ cuối năm hay vào những ngày đầu năm mới (Tảo mộ nghĩa đen là quét mộ). Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, các gia đình thường tụ họp ở nghĩa địa để sửa sang, quét dọn phần của tổ tiên va `những thân quyến quá cố. Họ đem hương hoa lễ vật bày ở mộ và “cung thỉnh” hương hồn những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu …

Tục tảo mộ Tết này, trước các thời kỳ chiến tranh vẫn còn được duy trì nhiều nơi ở Bắc Phần và nhiều tỉnh ở Trung Phần Việt Nam như ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình định, Phú Yên, Khánh Hòạ.v…v.. Theo sách “đại Nam thống Chí” nhiều nơi ở Bắc Phần nhất là quanh vùng Hà Nội còn có tục cả họ (nghĩa là tất cả mọi người trong cùng một gia tộc) tụ họp nhau lại để cùng đi tảo mộ tổ tiên và thân quyến quá cố, vaò những ngày trước tết… Có nơi thì đi thăm mộ vào những ngày đầu năm. Tục tảo mộ Tết này được gọi là Lễ Tổ Lạp.

Tục tảo mộ Têt này cho thấy ta khác với Tàu, vì chính lễ Thanh Minh tảo mộ của Trung Hoa là vào tháng Ba âm lịch, do đó thơ Kiều mới có câu:

Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh..
.”

Táo Quân (Vua Bếp)

Không khí Tết nhộn nhịp bắt đầu kể từ ngày “tiễn táo quân về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 Âm Lịch)

Theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ, “đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nơi nhà bếp của người mình ngày xưạ Vào ngày nói trên, Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay Ông Trời) Táo quân cũng còn gọi là Táo Công là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp nữa. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về Chầu Trời rất là trọng thể. Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Tái bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấỵ Màu sắc của mũ, áo hay hia ông công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Thí dụ:

+ Năm hành kim thì dùng màu vàng
+ Năm hành mộc thì dùng màu trắng
+ Năm hành thủy thì dùng màu xanh
+ Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ
+ Năm hành thổ thì dùng màu đen

Những đồ “vàng mã” này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo công.

Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữạ Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!

Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc Việt Nam người ta còn cúng một con cá chép hãy còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông táo về trờị Con cá chép này sẽ “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).

Ở miền Trung Việt Nam thì người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở Nam Phần Việt nam thì giản dị hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…v…v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v…v…) để tiễn táo Công.

Sự tích Táo quân bắt nguồn từ Trung Hoa, cho nên truyện đã được “Việt Nam hóa” với nhiều tình tiết khác nhaụ Tuy nhiên, các câu truyện vẫn nói lên “tình nghĩa yêu thương” giữa một người vợ và hai người chồng cũ và mớị Chính vì những mối ân tình đó mà ba người đều đã quyên sinh vì nhaụ.. Thượng đế thông cảm mối tình sâu nghĩa đâ,m này đã cho về bếp núc ở gia đình… Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là “Định Phúc táo Quân” nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.

Ngày Tết ở Việt Nam và một số nước Châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc….bắt đầu vào ngày mùng 1 âm lịch……

…ở những miền quê thường có tục trồng cây nêu, mở các cuộc thi gói bánh chưng,

….múa lân ngày Tết…..

Sr Hoàng Thị Thân st (Một trăm điều nên biết về phong tục)

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời