Bài Vở Cũ Khoa học

TetTrongTrang PhanDucVinh



Tết Trông Trăng

Phan Đức Vinh

Trong văn hóa Việt-Nam có bao nhiêu cái tết, ít ai biết đích thực. Mỏi mòn theo năm tháng, dựa vào tài liệu còn để lại, có 5 hoặc 6 cái tết đã một thời ngự trị trong lòng dân tộc Viêt-Nam. Ngày nay chỉ còn tết Trung Thu và tết Nguyên- Đán vẫn sống sót. Qua bao nhiêu năm tháng nghiêng ngã của cuộc đời, tết Trung Thu chẳng những sống sót, thậm chí còn nhập vào lối sống văn minh tây phương nói chung, và ở Úc nói riêng, qua người Việt “tha hương”, được gọi Childrent Festival, hay Street Festival. Chúng ta nên ôn lại vài điều về cái tết đã một thời được tiếp đón nhộn nhịp, không thua gì tết Nguyên-Đán.

Hàng năm tết Trung Thu đến với chúng ta vào rằm tháng tám âm lịch. Ngay từ đầu tháng, không khí chuẩn bị tết Trung Thu với những lồng đèn muôn hình thù, bánh dẻo, bánh nướng được gọi là bánh Trung Thu, cộng với đồ chơi trẻ con. Trong đêm rằm tháng Tám âm lịch đáng kể nhất thời xưa là rước đèn đón tết thành từng đoàn reo vui hò hát, cùng nhau vui chơi, đi khắp cả thôn xóm, có những đám múa lân rầm rộ, ngoài Bắc gọi là múa Sư-Tử hòa với tiếng trống kèm theo tiếng pháo.

Vậy Trung Thu là gì?
Là đúng giữa Mùa Thu mùa mát mẻ đẹp đẽ nhất trong năm với trăng tròn gió mát.

1) Nguồn Gốc Tết Trung Thu

Hình 1: Mặt trăng qua viễn vọng kính

Theo sánh xưa còn để lại, bắt đầu từ đời nhà Đường bên Trung-Quốc, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn-Minh, năm đó vào đêm rằm tháng tám, trời  đẹp trăng tròn sáng tỏ gió mát hây hây, say cảnh đẹp trời đất, nhà vua chơi ngoài thành mãi đến khuya, lúc đó có một ông già đầu bạc phơ, trắng như tuyết chống gậy tới bên nhà vua, trông người theo cử chỉ nhà vua đoán ngay là một vị Thượng-Tiên giáng trần.

Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi:

– Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không?

Nhà vua liền trả lời:

– có.

Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hóa phép ra làm một chiếc cầu vồng, một đầu tiếp giáp cung trăng, còn đầu kia cắm xuống đất, tiên đưa nhà vua đi lên chiếc cầu vồng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, một vẽ đẹp khác xa nơi trần thế, có những nàng tiên nữ nhan sắc với những xiêm y lỗng lẫy, xinh như mộng nhảy múa theo những điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn màu sắc sặc sở. Nhà vua đang say mê với cảnh đẹp, thì ông tiên đưa trở lại cung điện. về nơi trần thế, vua còn luyến tiếc cảnh trên Cung-Quản và những giây phút đầy thơ mộng đã qua đi. Để kỷ niệm cái ngày thưởng thức Cung-Quản, vua đặt ra tết Trung Thu, trong ngày này, người ta uống rượu thưởng Trăng, vì vậy tết này gọi là tết trông trăng.

2) Những Mẫu Chuyện Về Trăng

Theo chuyện thần thoại Trung-Quốc, có những linh vật trên Cung-Quản gồm những con Thiềm-Thừ, Ngọc-Thỏ, Cây Đan Quế, Thằng Cuội.

A. Con Thiềm-Thừ

Là một con giống cóc, đầu có sừng bằng thịt, bụng có vệt chữ bát màu đỏ, tiền nhân Thiềm-Thừ là nàng Hằng-Nga vợ chàng Hậu-Nghệ, vua xứ Hữu-Cung, có tài thiện xạ, bách phát bách trúng. Hậu-Nghệ có dịp lên vườn Lãng-Uyển, xin đức Giao-Tri-Vương-Mẫu ban cho thuốc trường sinh bất tử. mang thuốc về, Hậu-Nghệ không uống ngay, phải mang quân đi đánh giặc nên cất thuốc vào lò. Ở nhà Hằng-Nga ăn trộm thuốc trường sinh uống rồi nàng bay lên mặt trăng ra mắt Thái-Âm thần nữ, kể rõ sự tình, cầu xin thần nữ che chở. Thái-Âm thần nữ biến Hằng-Nga thành con Thiềm-Thừ đem giấu ở một nơi kín đáo trong Cung-Quản. Hậu-Nghệ đi trận về, thấy mất cả vợ lẫn thuốc trường sinh, tức giận lắm chàng cho là vợ đã lên trời, chàng quyết định tìm nàng cho bằng được. Thời ấy trên trời có 10 mặt trời, người vợ có thể đang ẩn nấp trong những mặt trời ấy. Hậu-Nghệ đã bắn rơi 9 mặt trời nhưng không thấy, Hậu-Nghệ bớt lại mặt trời thứ 10 để lấy ánh sáng ban ngày, cũng như chàng không bắn rơi mặt trăng vì ban đêm chỉ có một mặt trăng, chàng cần có ánh sáng ban đêm để soi đường cho chàng đi tìm vợ, chàng không tìm thấy Hằng-Nga, nàng vẫn biến hình ẩn núp trong Cung-Quản cho tới ngày nay.

B. Chuyện Tích Con Ngọc Thỏ

Ngày xưa, có thời mất mùa, người vật đều nhịn đói, các loài vật khó kiếm thức ăn, tàn sát lẫn nhau. loài thỏ yếu đuối, không dám thò ra ngoài kiếm ăn, chúng đành mằn một chỗ kín đáo cùng nhau nhịn đó;, đã đói lại rét, chúng rủ nhau tới một đống lửa, không biết co ai đốt sẵn, nằn quanh đống lửa nhìn nhau, con nào mắt cũng ươm ướt lệ. Trước trình trạng não nề ấy, một con thỏ vì thương đồng loại, nhảy mình vào đống lửa tự thui để những con khác có cái ăn cho đỡ đói, vừa lúc ấy, đức Phật qua, ngài thầm khen nghĩ khí của con vật, ngài nhặt nắm xương tàn của nó, hóa phép thành hình khác toàn bằng ngọc thơm tho và trong sáng, đưa lên Cung Quản, xin cho nó một viên thuốc trường sinh và nói với thái âm thần nữ, cho nó được lưu lại ở đây.

C. Cây Đan Quế

Ngoài các linh vật tại Cung Quản còn có bóng một cây, ở trần gian nhìn lên thấy hình đen trên mặt trăng, đó là cây Đan Quế. theo sách Trung Quốc, cây này cao một trăm linh năm thước, gốc lớn vô cùng, đường kính khổng lồ vô kể, cây sống hàng vạn năm, gỗ và vỏ rắn như thép, gốc cây có nhiều vết băm đổ. vì quanh năm lúc nào cũng có người suốt đời cầm búa chặt vào gốc cây, đêm đêm nhìn lên ta thấy bóng đen người đó ở gốc cây. Người đó ta gọi là thằng Cuội, nhưng theo tích của người Tàu hắn là Ngô- Cương. khi xưa Ngô-Cương đã tu tiên đắc đạo, nhưng sau vì làm nhiều điều gian dối trong chốn cung tiên, bị đức Ngọc-Hoàng nổi giận bắt đày xuống cung trăng, giao cho việc chặt và bóc vỏ cây Đan Quế. cây cứng như thép, đâu có như cây quế thường, chặt làm sao cho nổi, và bóc làm sao được vỏ, bởi vậy cho tới ngày nay, Ngô-Cương vẫn cố chặt cây này và bóc vỏ, để người trần gian mỗi đêm nhìn lên, thấy bóng chàng đang lúi húi ở gốc cây.

D. Chuyện Thằng Cuội

Như đã nói ở trên, kể đến Ngô-Cương của người Tàu, không lẽ lại quên mất thằng Cuội của Việt Nam chúng ta hay sao, nó đã in sâu vào dân gian Việt Nam, qua câu ca dao như:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời!
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa, đi mời quan viên

Có bài khác như sau:

Bắc thang lên hỏi cung mây,
Hỏi sao Cuội phải, ôm cây suốt đời,
Cuội nghe nói thấy cuội cười,
Tại vì nói dối, cuội ngồi gốc cây.

Thằng cuội là ai? Cuội chính là cái bóng người trên cung trăng, người Tàu gọi là Ngô-Cương và cây Đan Quế, đối với chúng ta chỉ là cây Đa Thần. sự tích thằng cuội ai cũng biết rồi, nó chỉ là một kẻ nói dối cha, về nhà nói dối chú. suốt đời chỉ nói dối đánh lừa người ta, sau cùng Cuội đánh lừa được lão Trượng hiền lành, và lão cho Cuội cây Đa-Thần, có thể dùng lá chữa bệnh người chết sống lại. lão Trượng dặn nó đem về phải luôn luôn tưới cho cây tốt. nghe lời lão Trượng, Cuội mang cây về trồng ở phía Đông, và dặn vợ phải hàng ngày tưới nước cho cây, lão Trượng cũng dặn cuội, cây Đa Thần kỵ nước tiểu, trồng cây ở hướng Đông thì mọi người phải đi tiểu về hướng Tây, bằng không cây sẽ dông lên trời mất, về nhà Cuội cũng dặn vợ y như vậy:

Có tiểu thì tiểu đằng Tây.
Chớ tiểu đằng Đông, cây dông lên trời.

Hàng ngày Cuội vào rừng đốn củi, ở nhà vợ Cuội vẫn tưới cây rất chăm chỉ. cho đến một hôm, vợ Cuội mãi mê công việc khác quên không tưới cây, chợt thấy cuội về đến ngõ, vợ Cuội mới nhớ ra nhiệm vụ tưới cây của mình, sợ đi múc nước chồng trông thấy sẽ mắng, nàng vội vàng chạy tới gốc cây, tiểu vào đó! nàng đã phạm điều kiêng, vừa tiểu vào gốc cây, cây bổng dưng từ từ nhổ gốc bay lên trời, Cuội thấy vậy sẵn tay có cây cuốc, liền móc ngay vào gốc, mong giữ cây lại, nào ngờ Cuội đã không giữ được cây Đa Thần, mà chính Cuội lại bị cây Đa-Thần đem lên Cung-Quản cho tới ngày nay. chẳng biết ở trên cung trăng, Cuội có nhìn xuống trần gian để ngắm chúng ta không, nhưng trần giới hằng năm rằm tháng Tám, chúng ta uống rượu trông trăng nhìn lên Cuội.

Như vậy thằng Cuội là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.

3) Những tục lệ trong ngày tết Trung Thu

Trong ngày tết để hưởng trăng, có nhiều cuộc vui được bày ra, có cuộc vui riêng cho gia đình, có cuộc vui nơi công cộng, người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.

A. Thi làm bánh và làm lồng đèn

Trong tết trung thu người ta bày bánh trái hình mặt trăng, trưng đèn kết hoa, có nhảy múa ca hát và nhiều nơi có những cuộc rước đèn múa lân rất tưng bừng náo nhiệt. trăng hôm rằm tháng tám thường trong và đẹp, để thưởng thức trăng và gió mát, các văn nhân thi sĩ bày ra ngâm vịnh trước mâm bánh trung thu. đây là dịp để khuyến khích các bà nội trợ và các cô gái trong việc nữ công gồm đèn treo kết hoa thêm màu sắc, bánh, trái. có những nơi mở cuộc thi đèn làm hình mặt Trăng, hình các linh vật trên cung quản, trông Trăng chơi đèn đêm rằm tháng Tám để nhớ lại sự tích Đường Minh Hoàng du nguyệt điện.

B. Hát trống quân

Về ca hát, có tục hát trống quân, nam nữ đối đáp cùng nhau. sách chép rằng tục hát trống quân bắt đầu từ đời nhà Tống, dưới triều vua Tống Nhân Tông. vào thời đó thường có giặc, quân lính phải luôn đi đánh giặc, khi tết Trung Thu đến, ông Bao Chuẩn đặt ra lời hát trống quân với những câu hát cho quân lính ganh đua nhau đối đáp, để quên đi nỗi nhớ nhà, dân chúng thấy hay hay, hàng năm tới tết Trung Thu đem ra hát để thưởng Trăng.

Trống quân lập ra ở các thôn xóm bằng những vật liệu rẻ tiền. Trống gồm một chiếc thùng gỗ hoặc thùng sắt, trên bề mặt căng một sợi dây thừng, hai đầu buộc chặt vào hai cái cọc đóng xuống đất cạnh chiếc thùng và mỗi bên cánh nhau 1 thước. Muốn cho giây thừng được căng, dùng 1 hoặc 2 cây que nhỏ chụm vào nhau, chống đỡ sợi dây trên mặt thùng, đánh vào sợi dây căng, bật ra những tiếng thình, thùng, thình, làm nhịp cho câu hát.

Trống quân, trống quýt, trống còi,
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta. (thình, thùng, thình)
Trống quân anh đánh nhịp ba,
Lúc vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười. (thình, thùng, thình)

Hát trống quân, nam nữ đối đáp với nhau bằng những câu hát vận, nghĩa là theo vần, theo ý, hoặc bằng những câu hát đối, hát đối nhau, có khi những câu hát đã có sẵn. Về nguồn gốc hát trống quân, có người cho rằng, lối hát này thuần tuý Việt Nam, bắt đầu từ đời nhà Trần, thời đó quân lính Việt Nam phải chống quân Nguyên, đức Trần Hưng Đạo đặt ra lối hát để quân lính mua vui với nhau.

Ông Văn Thơn, trong văn hóa Nguyệt san số 23, tháng 7 năm 1957, cho rằng hát trống quân, có từ đời vua Quang Trung, ông viết:

Riêng về nước ta, vị anh hùng dân tộc Quang Trung, đánh dấu ngày rằm tháng 8, bằng một cử chỉ không nhuộm vẽ hoang đường, muốn cho binh sĩ đi đánh Đông dẹp Bắc, quên nỗi nhớ nhà, nhà vua cho họ trong giờ rãnh rỗi, nhất là các đêm có gió mát trăng thanh, cùng nhau hội họp và hát đối, một bên Nam, một bên giả Nữ, vừa đánh nhịp vào một đường giây thép, căng trên một chiếc thùng lũng ruột, nhân dân thấy hay và lạ, đã bắt chước rồi áp dụng cuộc tiêu khiển vào ngày rằm tháng 8, gọi là tục hát trống quân.

C. Múa Sư Tử

Múa này còn gọi là múa Lân, bắt đầu từ mồng 7, mồng 8 tháng 8 âm lịch trở đi, xưa kia tại các đô thị, cũng như vùng quê, những đám múa Lân được tổ chức, có đám hoàn toàn của người lớn, có đám dành riêng cho trẻ con. Người lớn thường chỉ họp đoàn múa lân vào hai đêm, đêm 14 và ngày rằm. Trong những ngày này, các tư gia thường treo giải thưởng trên cao để các con Lân kiếm cách chiếm lấy. Trẻ em múa Lân sớm hơn, tổ chức để cùng nhau mua vui, không có mục đích đi lấy giải, tuy nhiên, nếu có ai yêu mến các em, gọi các em lại treo giải, các em cũng xin lĩnh. Múa Lân thường gồm một người đội chiếc đầu sư tử làm bằng giấy và múa với những điệu bộ của con vật này, khi chồm lên, khi bò xuống, và có một cái đuôi bằng vải màu do một người cầm phất phất theo điệu bộ của người múa Lân, cùng với nhịp trống, đám múa đi trước, người lớn trẻ em đi theo sau, tới trước mỗi nhà có treo giải, đám rước ngừng lại, trong lúc Lân múa để lĩnh giải có đốt pháo.

D. Sự tích múa Sư Tử

Về đời nhà Đường, có một bà lão, tuổi đã cao không có con cái họ hàng, quanh năm chỉ lấy nghề may vá quần áo đem ra chợ bán để nuôi than. Một hôm, vào ngày rằm tháng 8, bà đến một làng kia nhận quần áo về may, khi trở về vào lúc tối trời, thấy dân làng thi nhau thắp đèn, ăn uống vui vẽ, hỏi ra dân làng cho biết họ ăn tết Trung Thu. Bà nghĩ, dù có một mình cũng thưởng trăng được, bà bèn mua ít bánh trái hoa quả để thưởng trăng tuổi già. Trên đường về, khi đi qua khu rừng vắng vẽ, con sư tử xông ra, đây là con sư tử dữ tợn thường bắt người ăn thịt, biết mình không tránh nổi, bà lão van xin nó cho về thưởng trăng, vì đã bỏ công mua bánh trái hoa quả, sau đó sẽ đến nộp mình cho nó ăn thịt.

Sư tử ưng thuận quay đi nơi khác để bà lão về đến nhà bình yên hưởng trăng. Khi trăng bắt đầu mờ dần trong bóng mây, sực nhớ tới giờ phút cuối cùng của mình, bà lão liền khóc lóc thảm thiết, tiếng khóc làm động lòng tới Qủy Thần. Qủy Thần liền sai một con Rít tới trước mặt bà, ra hiệu cho bà yên tâm và nó sẽ giúp bà trừ con Sư Tử độc ác! Dù không hiểu hết ý con Rít, nhưng bà cũng yên lòng trước cử chỉ của nó, vừa lúc ấy con Sư Tử tới để đòi ăn thịt bà, con Rít liền nhảy ra cắn chết nó. Ngày hôm sau bà loan tin nói rõ cho dân làng, việc thần linh sai con Rít giết con Sư Tử, tin này đến tai vua, vua ban thưởng cho bà lão. Từ đó hàng năm, nhắc lại sự tích con Sư Tử hay ăn thịt người, bị giết chết, vào tết Trung Thu người ta có mục múa Sư Tử.

4) Trăng và văn chương

Trong văn chương Việt Nam, có nhiều bài nói về trăng, xin trích lược một vài câu thơ nhân dịp tết trông trăng như:

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Gái bao nhiêu tuổi gọi là gái non
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.

Trăng rằm mười sáu, trăng thanh
Thiên hạ ngủ hết, còn anh với nàng
Kề vai hỏi thử, bạn vàng
Cha mẹ không gả, còn nàng tính sao.

hoặc câu:

Trăng rằm vừa tỏ vừa cao
Cho nên ai cũng, ước ao trăng rằm

Trăng rằm tỏ khắp mái đình
Chén son chưa cạn, sao tình đành quên

Dân gian Việt Nam có bài vè, diễn tả mặt trăng theo các ngày trong tháng như sau:
Mồng một lưỡi trai                          Hai mươi giấc tốt
Mồng hai lá lúa                               Hai mươi mốt nửa đêm
Mồng ba câu liêm                           Hai mươi hai bằng Tai
Mồng bốn lưỡi liềm                        Hai mươi ba bằng đầu
Mồng năm liềm giật                        Hai mươi bốn ở đâu
Mông sáu thật trăng                       Hai mươi lăm ở đấy
Mười rằng trăng náu                      Hai mươi sáu đã vậy
Mười sáu trăng reo                        Hai mươi bảy làm sao
Mười bảy sảy(trãi) giường chiếu    Hai mươi tám thế nào
Mười tám rám trấu                         Hai mươi chín thế ấy
Mười chín ụn ịn                              Ba mươi không trăng

Lúc còn ở ghế nhà trường có bài sáng trăng như sau:

Trăng nhà ai sáng quá
nhờ ánh trăng sáng ngời
trăng tròn như cái dĩa
lơ lững mà không rơi
những hôm nào trăng khuyết
trăng giống con thuyền rơi
em đi trăng theo bước
như muốn cùng đi chơi

Vài điều về trăng

Hình 2 :
Quỹ đạo trái đất và vị trí mặt trăng
theo các ngày trong tháng

Mặt trăng nhìn từ trái đất
Màu trắng và đen là vùng sáng và tối trên mặt trăng

Nhân dịp tết trông trăng, chúng ta nên bàn một vài chi tiết về trăng. Một số tài liệu cho biết mặt trăng di chuyển cùng chiều với trái đất (phía Đông đi trước phía Tây), từ đó mới có hiện tượng “đầu tháng trăng lên ở phía Tây, cuối tháng trăng lên ở phía Đông”. Bây giờ chúng ta bàn thêm, tại sao ngày mồng một trăng lưỡi liềm, và ngày rằm trăng tròn?

Hai điều ảnh hưởng đến trăng nhiều nhất đó là vùng đen trên mặt trăng và mặt trăng di chuyển.

Nhìn vào hình 2, trái đất quay theo chiều A, B, C, D. Giả sử ngày mồng 1 (điểm A), vị trí mặt trăng nằm trong vùng sáng, quý vị sẽ không thấy trăng, cho đến khi trái đất quay quý vị tới điểm B, là lúc màn đêm buông xuống ánh trăng mới lên, lúc này điểm A nằm về phía Tây so với điểm B, cho đến khi trái đất quay quý vị gần tới điểm C, trái đất làm che khuất ánh trăng, như vậy trăng mọc và lặn ở phía Tây.

Hình 3: Trăng ngày 30 âm lịch nhìn từ

trái đất,
đây cũng là ngày dễ sảy ra
hiện tượng
Nhật Thực

Ngày xưa lúc học ở trường, các học sinh thích dùng mỹ từ diễn tả ban đêm như “trăng nhô lên khỏi ngọn cây”, trong trường hợp này, vào ngày mồng một âm lịch, phải leo lên ngọn cây mới thấy trăng, bởi vì trăng vừa mọc đã lặn rồi, lý do lặn sớm như vậy là do lỗi trái đất cứ quay liên tục, làm che khuất ánh trăng “Mới vừa thấy đó lại bay mất rồi”, từ đó mới có danh từ ‘lặn’. Muốn thấy trăng nhô lên khỏi ngọn cây phải đợi tới ngày mồng 2 hoặc mồng 3, hoặc mồng 4.

Chúng ta áp dụng cánh giải thích này cho ngày mồng 7 (điểm B). Lúc trăng lên nằm ngay trên đầu quý vị, cho đến khi trái đất quay gần tới điểm D, lúc này điểm B nằm về phía Tây so với D. Giả sử ngày rằm 15 (điểm C), khi màn đêm buông xuống ở điểm B, đã thấy trăng lên ở phía Đông rồi, lý do lúc này điểm C nằm về phía Đông so với điểm B. Cứ lặp lại giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác theo vòng tròn, cho đến hết tháng, mặc dầu sau ngày 25 khi bình minh ló dạng ở điểm D vẫn còn thấy trăng, nhưng không thấy ánh sáng, đó là lý đo đầu tháng trăng mọc phía Tây, cuối tháng trăng mọc phía Đông.

Một điểm nữa cũng đáng chú ý là tại sao các ngày khác trăng không tròn, mà chỉ có ngày rằm? Trên thực tế, mặt trăng là một hành tinh nhỏ, có vùng sáng vùng tối y hệt như trái đất. Lúc trăng xuất hiện ở vùng ban ngày trên trái đất, thời gian này vùng đen mặt trăng hướng về trái đất nhất là ngày 30, (xem hình 3), đó là lý do trong bài vè dân gian Việt Nam có câu “Ba mươi không trăng”, cho đến khi trăng di chuyển càng tới ngày rằm, vùng sáng xuất hiện càng rõ và tròn hơn, kết quả như ta thấy hằng đêm, như trong câu vè trăng lưỡi trai, trăng lá lúa, trăng lưỡi liềm. v v..(xem hình 2), sau đó trăng di chuyển trở lại, vị trí ngày 30 âm lịch.     

Ngày xưa lúc còn ở tiểu học có bài “Mặt trời mọc ở phương Đông, mặt trời lặn ở phương Tây, khi mặt trời lặn gà rủ nhau lên chuồng”, chính nhờ trái đất quay, mà trên trái đất có hiện tượng ngày và đêm như ta thấy.

Kết Luận

Qua các điều trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, tết Trung Thu trước kia là tết người lớn, nhưng đã dần dần biến thành tết nhi đồng, với những cuộc vui trong ngày tết. Vào dịp này, người lớn đặc biệt chăn sóc tới các trò chơi của trẻ em côi cút, tàn tật, bệnh hoạn, các cơ quan từ thiện đến tận nơi phân phát đồ chơi, bánh quà, nhất là đèn giấy và bánh Trung Thu, để các em kém may mắn cũng có một tết Trung Thu như các em khác.

Phan Đức Vinh.

Tài liệu trích từ sách “Tín ngưỡng Việt Nam”, do nhà xuất bản TP HCM
Năm 1999, và Tục Ngữ Việt Nam

Trở Lên Trên

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời