Tin Tức

TAM NHẬT THÁNH ở vùng tôi sống.

 

Kính thưa quý vị, sở dĩ phải nói vậy vì cũng không phải là xứ đạo của tôi, mà cũng chẳng phải nhà thờ của Việt Nam như những bà con đồng hương đã – đang – sẽ sống, mà là một ngôi nhà thờ ĐA SẮC DÂN cùng chung dưới một mái ấm nhà Chúa.

“Nó” không xa nhà tôi mất (nếu so sánh đi đến nhà thờ VN mất 25’, thì từ nhà tôi đến “Nó” mất chừng 5’ hơn, cho nên khi cần thiết và (gần đến giờ mới chạy) thì chúng tôi “chạy đến “Nó” nhanh hơn và chắc chắn kịp giờ Lễ! (vì không được siêng năng lắm).

Đa sắc dân bởi vì trong Thánh lễ có khi đọc tiếng Anh, tiếng Tân Ban Nha, tiếng Phi Luật Tân . . . nhưng chưa có tiếng Việt đâu (vì đã có nhà thờ VN rồi), bởi thế cho nên các chương trình phụng vụ có khi “theo” Mỹ, theo . . . tùy theo BTC hôm đó (hay nói theo dân mình thì các ÔB Trùm hôm đó là sắc dân nào), cho nên có hôm chúng tôi ngồi nghe hát mà cứ ngỡ là đang ở Vatican, vì giọng họ hát cao vút, nhiều bè, trống và các nhạc cụ của nhiều dân tộc cùng “hòa trộn” với nhau, có bửa thì tưởng đang ở một cái hội lễ nào đó của dân TBN, có lúc miệng thì hát theo chân lại nhịp nhàng theo điệu nhạc của dân da màu . . ., có lúc thì trầm bổng say xưa với tiếng kinh cầu của người PLT mà cứ ngở mình đang ở . . . nhà mình vì có âm hưởng “chút đỉnh” của vùng Đông Nam Á.

Nhưng đến dịp lễ trọng thì không khí mừng lễ lại khác hẵn, dân Việt ta thường thì đọc kinh, nhưng họ không quen đọc mà lại hát, còn 15’ nữa là Thánh lễ, thì đoàn Linh Mục đã áo choàng tề chỉnh ngồi ở gần hàng ghế gần giáo dân (hình như các nhà thờ Mỹ các Cha không có thói quen ngồi “ngất ngưỡng” trên cung thánh, mà các Ngài thường ngồi gần giáo dân – cho dễ nói chuyện riêng hay sao đó?), thế rồi ca đoàn bắt đầu hát 1, 2 bài thánh ca . . . đến những thông báo của giáo xứ, tập hát . . .

Thế là Thánh lễ bắt đầu nhanh – gọn – chính xác theo thời gian đã ấn định, không dài dòng, (nói đến đây tôi xin mở ngoặc trong những giáo xứ Mỹ, từ các Cha đến những người có trách nhiệm như Ban Hành giáo thường là có nhận lương, một mức lương tương đối nào đó, vì họ là những người có học vị đã từng được huấn luyện và kinh nghiệm về tổ chức hành chánh, tài chánh . . . nên ở giáo xứ Mỹ có nhiều chi tiêu hơn và dễ bị “tán gia bại sản” nếu thiếu kinh nghiệm điều hành), giáo dân họ không thích thời gian “cao su”, nếu so đo giữa công việc và đàng thiêng liêng thì chắc chắn họ chọn công việc và gia đình là trên hết, trong lúc phụng vụ con họ đòi gì mà họ có thể làm được là . . . xong! Đặc biệt họ không ở ngoài “gốc”, vì có máy lạnh nên tất cả các “loại nhà đều đóng kín cửa nẻo”!

Các bài đọc rất trang trọng, những người lên đọc lịch sự trong trang phục, lại có những “cách đọc” như là diễn giả thuyết trình, làm “hút hồn” người nghe, đến các bài giảng ngắn gọn, vui vẻ được các Cha chia sẻ với giáo dân, rồi cộng đoàn lên “bỏ giỏ”, tặng thức ăn cho người vô gia cư . . . (chúng ta cũng nên “suy nghĩ” cách giáo dân lên xuống trong nhà thờ rất lịch sự trong yên lặng trật tự, trong đó có cả những đứa con nít, người già cả, người ngồi xe lăn, chống nạng . . .), nói thì dài nhưng họ lên xuống trong một Thánh lễ ít là 2 lần, mà không mất bao nhiêu thời giờ, thế mà những tiếng ồn không cần thiết ít bao giờ nghe thấy được, kể cả tiếng chuông điện thoại, tiếng của các thiết bị nghe nhìn, trò chơi điện tử cũng không nghe, may chăng vài ba tiếng khóc của trẻ em khi chúng “khó chịu”!

Cũng thế! Tam Nhật Thánh năm nay chúng tôi mới chú ý nhiều hơn về tổ chức của họ, trước các nghi thức nhà thờ đóng cửa không cho giáo dân vào ngồi “xí chổ” trước (ngoại trừ những người có trách nhiệm mới được trật tự viên mở cửa cho vào), thế là giáo dân “náo nức – trông chờ” giờ “BƯỚC VÀO ĐỀN THÁNH” và khi bước vào thì có 2 hàng người tay cầm nến “rước” vào rất lịch sự, trong tiếng hát vút cao của ca đoàn phía trong kia (làm người ta cứ tưởng vào Thiên đàng vậy?), rồi các người “vũ công” bước ra múa hát tưng bừng như đón chào đoàn dân Chúa về dâng lễ.

Thế rồi những nghi thức cứ tuần tự được quý Cha và đoàn đồng tế  cử hành đúng như giáo luật (chỉ khác chăng là tiếng nói), vì là Tuần Thánh nên có nhiều bài đọc hơn, họ lại không đọc và “diễn” kịch nói, họ thay phiên nhau đối đáp trong các câu nói của các nhân vật, thí dụ như trong thứ 5 TT sau các bài đọc đến Phúc âm, khi đến đoạn Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ,, bài đọc tạm ngưng ở đó rồi các Cha rửa chân cho nhau, xong rồi đến giáo dân cũng “HỌC” mà rửa cho nhau, người đi trước rửa cho người đi sau cho đến người cuối cùng “như Thấy đã rửa chân cho các con, thì các con hãy rửa chân cho nhau. . .”, xong thì có người lo lau khô những vùng có nước giọt . . . rồi mới đọc tiếp, cho đến phần rước Mình thánh Chúa cũng thế cả nhà thờ đi lên con nít người lớn cứ thế mà lên, trong trật tự vui vẻ thoải mái tự nhiên, nhưng không thiếu sự cung kính cần thiết, kể cả trẻ em cũng hai tay khoanh trước ngực để báo rằng con chưa được rước lễ đó nhe Cha!

Xong một ngày, qua hôm sau cũng vậy cũng đi đàng Thánh giá phía ngoài với các ngôn ngữ thay phiên nhau, xong rồi cũng phải chờ giờ “mở cửa Nhà Chúa” thì mọi người mới được rước vào, đoàn múa Phụng vụ ra múa mời vô, nhưng hôm nay lại khác chút chứ, trong bài thương khó họ không diễn nguyện, họ không đọc hay hát, mà họ cũng diễn NHẠC KỊCH, sau khi Cha cất tiếng giới thiệu Phúc âm của Thánh sử . . . thì cộng đoàn ngồi để theo dõi, chỉ 3 người thôi họ thay phiên nhau “diễn thuyết” theo tâm trạng của mình trong vai diễn, họ kết hợp với ca đoàn làm cho bài thương khó thật là hùng hồn, thật là sống động và thật là lạ lùng như mình đang xem một khúc phim sống ngay trước mặt vậy.

Kế đó là suy tôn THÁNH GIÁ, với các Thầy “phụ lễ” các Cha cùng bái mình hôn kính Thánh giá, sau đó cộng đoàn cùng lên hôn kính một cách cung kính, trật tự và họ còn thay phiên nhau để “vác đỡ” Thánh giá trong khi cộng đoàn hôn kính, nhìn thật là xúc tích ý nghĩa:

Trong yêu thương chúng ta cùng nâng đỡ,

Như ngày nào Chúa đã chết vì ta.

Hy vọng sao mai sau ở nước Trời,

Chúng ta sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh.

 

 

 

Bước qua chiều thứ 7 vọng Phục sinh, thì không khí của Thánh đường hình như “nhộn nhịp” hơn, vì có một số “tân tòng”, họ mặc y phục mà từ xa cứ ngỡ là các tu sĩ, rồi vì có đốt lửa LÂMBÔ (gần giống như đi huấn huyện đốt lửa trại vậy), nên họ đốt một đống lửa từ trước cả giờ để . . . “hút tầm nhìn” của mọi tín hữu tập trung về một cõi nào đó, để rồi đoàn rước các Cha tiến đến lấy lửa.

Thế rồi Cha con cùng tiến bước, khi vào đến nhà thờ thì mỗi người được phát 1 cây nến (sáng bằng pin cho chắc ăn không cháy nhà) và khi ‘ÁNH SÁNG CHÚA KYTÔ” đến đâu thì cùng nhau bật nến sáng, thế cũng hay! Đở cháy nhà và nước sáp không chảy lung tung.

 

 

 

 

Đến bài công bố Tin mừng Phục sinh, thì đến 7 vị cùng lên cung thánh để “diễn đạt”, mỗi cung giọng đều các người đó công bố niềm vui Phục sinh đến với cộng đoàn, hòa lẫn tiếng đàn nhạc trộn theo, mà cái lạ là họ đọa lên cả 2 ngôn ngữ TBN + Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau khi làm phép nước, Cha chủ tế làm phép rửa cho các tân tòng, Ngài xuống hẳn dưới hồ và mời từng người một cùng xuống, Ngài dìm người đó trong hồ nước (có thể vì tân tòng đều là người lớn), nhìn cảnh này trong lòng tôi cứ lâng lâng và . . . hết hồn. Xong tất cả cùng đi thay quần áo đẹp (kể cả Cha cũng vào phòng để thay bộ áo lễ khác), trong thời gian này ca đoàn cùng cất lên những bài ca vui tươi chúc mừng những “thần dân mới của nước Chúa), khi tất cả đã “xiêm y như thể Thiên Thần” thì Cha mời tất cả tân tòng đi một vòng ra mắt cộng đoàn trong tiếng vổ tay chúc mừng họ.

Rồi Thánh lễ lại tiếp tục trong bài hát Vinh danh . . .

Trong các nghi thức vừa qua, BTC không cho phép chụp hình quay pjim đâu, vì để cho buổi lễ được long trọng (riêng tôi cứ lâu lâu “nhá” máy cướp cò vài nhát, các trật tự viên vừa thấy thì tôi đã nhanh tay cất máy, thế là . . . thoát), làm người quen mới từ VN sang cứ cười và “canh me” dùm. Tội lỗi.

Hy vọng bài tường thuật vừa rồi, phần nào miêu tả được vài nét của người Âu Mỹ cử hành các nghi thức Tam nhật Thánh cho bà con biết chút chút và cầu mong tất cả mọi người luôn xứng đáng đón nhận được nhiều hồng ân của mầu nhiệm PHỤC SINH của Chúa chúng ta. –  AMEN . –

 

Yakêu viết từ LAS VEGAS/ 2017.

Follow Me:

Trả lời