Bài viết khác

THÓI QUEN hay QUEN THÓI!

Khi nói đến 2 thành ngữ này, tôi cứ phân vân mình viết ra cái tựa này đúng hay sai và sai hay đúng như thế nào, nay xin nhờ mọi người nếu được hãy cho biết ý kiến về 2 cái “vấn nạn” trên nhe.
· THÓI QUEN: Chắc đó là 1 “cái” chuyện TỐT mà một người nào đó thường xuyên “làm”.
· QUEN THÓI: Chắc là ngược lại mà cũng thường xuyên “làm”.
Ngay chỗ tôi sinh sống có một vị Linh mục mỗi lần mà Ngài giảng là cả nhà thờ cứ phải “ngóng cổ” lên, để mà trả lời các câu hỏi và cũng như cười rồ lên vì những câu trả lời phản biện của Ngài (nhưng Ngài lại có “nhếch mép” cười đâu, cứ “bơ” cái mặt trong lúc mọi người thì cười), Ngài dẫn nhập từ xa, từ mọi chuyện trên trời dưới đất, ở đẩu đâu đâu rồi mới vào đến bài Phúc âm hôm lễ, làm mọi người cứ như đi “phi thuyền” vậy, đặc biệt khi Ngài cử hành các nghi thức, hay bí tích thì Ngài lại cử hành rất long trọng và rất “thực tế” vui vẻ (thí dụ: như Ngài rửa tội cho một bé nào đó, mà bé cứ gạt tay ra không cho Ngài rờ đầu, thì Ngài nói là bé này không muốn rửa tội mà ba mẹ cứ bảo là CÓ). Trong lúc giao tiếp với mọi người Ngài rất gần gũi và Ngài hầu như giải thích hết tất cả ngọn nguồn mọi vấn đề.
Kết quả hình ảnh cho ngủ gật trong giờ họcVà cũng gần nơi đó có vài vị thì lại “khó khăn” trong lúc nói chuyện, thật là “khó gần” khi trao đổi một vấn đề gì đó, bài giảng thì “chán phèo” vì vị này cứ cắm cúi đọc những lời đã soạn sẵn, các nghi thức thì làm như “chiếu lệ”, cứ nại cớ là theo phụng tự cần phải bắt buộc nghiêm trang! Chán đến nỗi một số người thì ngáp ngắn thở dài, lứa tuổi trẻ trẻ một chút đành phải nói “lời chia tay” để rồi có thể họ đi nhà thờ khác, hoặc là họ đành phải “giã từ” sự có đạo của họ (và cho rằng giữ “đạo tại tâm” quí hơn), họ để thời gian đi nhà thờ vào các công tác phục vụ tha nhân giúp đỡ người tàn tật, chăm sóc con cái họ . . .
Một hình ảnh khác mà tôi nhìn thấy mỗi ngày, đó là ông bà hàng xóm có một thói quen chả biết tốt hay không, bởi vì ông bà cứ kêu mời mọi người nếu có thể được thì mua thức ăn đem đi cho các người neo đơn nghèo khổ, thế mà lại có nhiều người nghe theo, thế là họ cứ đi xe đến nhà “đồng nghiệp” chất đồ dùng thực phẩm í ới nhau mỗi sáng và mãi đến chiều họ mới trở về.
Và tôi cũng tin chắc rằng chúng ta còn nhìn được nhiều thói quen khác ở khắp mọi nơi mà mình đang sinh sống, làm ăn, học tập, đi tập thể dục, thức khuya dậy sớm . . . hoặc là cắt cỏ vườn hay rửa xe cuối tuần, thay nhớt xe mỗi ba hay năm tháng . . . Nhất là nơi làng họ xứ đạo của chúng ta lại còn để lại biết bao nhiêu là thói quen tốt như: đọc kinh mỗi tối, Thánh lễ mỗi ngày, kiệu tượng Đức Mẹ HCG, lòng thương xót Chúa, học giáo lý hằng năm, nguyện ngắm khi đến mùa chay tịnh, kinh nguyện cho người quá cố, làm nhà viếng thăm các gia đình không gặp may trong cuộc sống . . .
Đó là nếp sống tâm linh, còn công việc và nếp sống thường nhật thì trong trong công việc hoặc xã giao hằng ngày, có người thường hay khéo tay năng nổ làm đủ mọi chuyện, có người thì giỏi tổ chức nên đứng ra chỉ bày mọi chuyện, có người thì vừa làm vừa pha trò làm cho mọi người vui vẻ làm việc hăng say hơn . . . Những đám tiệc dạo này có MC hay, làm cho đám tiệc thêm phần nhộn nhịp vui hơn . . .
Thời gian bỏ quê “mẹ” qua quê “người ta” ở cho đến nay, đã trên 10 năm rồi thế mà! Tôi vẫn chưa quen một vài ngày lễ của người Âu Mỹ này, mà phải công nhận họ “khôn ngoan” thật cứ chia đều mỗi tháng có ít nhất là một ngày lễ để làm chi quý vị biết không? (có lẽ vì làm việc nhọc quá sợ stress nên cứ lâu lâu “nghỉ lễ” cho bớt mệt), mà có nhiều ngày lễ thật là tôi chưa quen nên đến ngày lễ tôi không làm biết làm cái gì cho hết ngày, nào ăn thịt gà tây, ăn crawfist . . .nên thật tình mà nói chưa trở thành thói quen được, tôi cứ cơm nấu ăn với canh tôm, thịt cá kho mặn hay kiếm gà đi bộ mua về kho xả ớt, dưa leo dằm nước mắm ớt, dưa chua cà muối. . . sao mà nó cứ ngon hơn bánh mì kẹp thịt bơ của quý Ngài thôi!
Có một hình ảnh này tôi cần phải nói đến, đó mà khi mời khách đến nhà “dùng bữa”, thường thì “người mình” cứ phải chờ nhau đầy đủ mới vào chuyện bàn luận gì đó, sau đó mới “nhậu” (nên trễ lắm rồi mới ăn), còn “người ta” cứ đến giờ là ăn cái đã, sau đó mới vào chuyện chính như: bàn bạc nói chuyện gì đó . . . đó cũng là một thói quen của mỗi nơi, không biết nên theo bên nào cho hợp lý.
Và còn nhiều nhiều cái thói quen khác, xin quý vị cứ điền vào chỗ trống cho . . . đầy đủ.
Bây giờ nói đến chuyện QUEN THÓI, đến đây tôi xin lỗi trước vì sẽ đụng chạm một số người, quen có lạ có mong thông cảm bỏ qua cho. Bởi vì cũng những hình ảnh trên, những công việc thánh thiêng trên, hay cũng những hình ảnh “thân thương” ở xứ họ làng xóm trên, tôi lại “nói ngược” hay nói một cách khác, tôi phản biện lại những gì đã nêu ra và đã nói ở trên.
Kết quả hình ảnh cho học giáo lýNgày xưa, khi còn bé thơ được đi học bổn mùa chay, tôi vừa sợ vừa lo vừa mừng vừa khóc, bởi vì học kinh bổn thì có khi ngủ gục hay bữa nào làm biếng thì trốn đi chơi với mấy thằng bạn, thế là ông Câu, ông Biện “tặng” cho một mớ roi về nấu cháo lươn, tối thì hay “trò chuyện” dông dài ngủ muộn, mới chợp mắt là “bị” kêu dậy đi lễ sáng, rứa là mắt nhắm mắt mở vùng dậy mau kẻo “ăn roi” nơi Cha hay Mẹ, lên tới nơi gặp bữa mô Cha giảng hay thì còn mở mắt há mồm ngồi nghe, còn hôm nào “thần” mà không “nhập” thì Ngài giảng “sai hay đúng” tôi cũng đồng ý từ trái sang phải, từ trước ra sau. Đến ngày mùa thì cây trái ăn không hết, nhà này cho nhà kia ăn cho biết, riết rồi quen tay nhìn thấy trái cây của nhà nào đó nằm “lơ lửng” ngoài hàng rào, là tôi liền thò tay cầm dép ném cho bằng rớt thì thôi (í chưa thôi, mà còn lượm để ăn, mà thật ăn như thế mới ngon làm sao!).
Đến những dịp nhà hàng xóm hay trong xứ họ có người qua đời thì cũng buồn mà cũng . . . vui, buồn vì có một người mới phải chia tay để một đi không bao giờ trở lại, không còn gặp lại họ, nhưng vui vì có nhiều “thú vui” trong những tối sau khi kinh nguyện thì ngã ra cờ tướng, đánh bài . . . hay nhậu, mà khổ nổi những thứ sát phạt này khi ăn thì hí ha hí hửng ta đây khoe tài to tiếng, còn lỡ mà thua thì tức giận, một đù hai cũng đù, quên mất nhà hiếu đang buồn canh thức nguyện cầu cho người thân yêu, còn bên ngoài thì có một số người tập trung nói tiếng “lạ”! hoặc là uống thì hay thách thức, ganh đua, nhậu xong gây lộn đánh nhau chưởi cha chưởi mẹ chưởi luôn cả dòng họ thằng nớ! Đồng ý là thức khuya thì cũng cần có “một cái gì đó” để khuây khỏa, nhưng có nên cái (thói quen – quen thói?) này hay không?
Ai có đề nghị một cái model mới nào cho phù hợp? Có thể mở máy hát thánh ca có dư âm “buồn”, hay những bài giảng về cuộc sống . . . mai sau, thế chỗ cho những tiếng “lạ”, những trò chơi vô bổ, thức khuya đối với những người cần thức, còn bao nhiêu thì về nhà nghỉ ngơi, mai sớm đến phụ nhà hiếu . . . trong tang gia cũng thế cho con nít nghỉ ngơi, canh phiên cho có người trực “nói chuyện” với người qua đời, dọn dẹp . . . còn bao nhiêu kiếm chỗ mà nghỉ ngơi, vì người chết thì đã chết rồi, còn người sống nên giữ sức khỏe để còn . . . “mỗi ngày đều có những khốn khó của ngày đó”.
Rồi nay chúng ta nhận thấy quê ta có những “phong trào” bộc phát, nhà nhà đổi mới từ cái sân đến nóc nhà, xe đi thay đổi từ đời này qua đời kia, quần áo con người ta cũng mát mẻ, tươi trẻ hơn, mỗi nơi đổi mới từ đường đi đến lỗ cống, xứ họ nào cũng thay đổi màu tường nóc nhà thờ kiểu dáng cho mới lạ, cho oai vệ, cho tốt đẹp hơn . . ., mỗi khi đến quan thầy bổn mạng là có trại, có thể thao, có hội thao, có phố ẩm thực, có . . . nhiều thứ khác, thi đua nhau từ nền gạch đến tháp chuông, đến nỗi xe tang cũng “đổi mới” . . . MC khi nắm chương trình quên mất trách nhiệm của mình chỉ là người dẫn dắt những tiết mục, hay tìm chuyện này chuyện nọ khỏa lấp khi chương trình trục trặc, chứ không phải là một nhà diễn thuyết đang hùng biện, chiếm lĩnh sân khấu nhiều giờ, nói đủ mọi chuyện (nhiều khi nói sai mục đích, nói trạng quá xá trời), thế rồi khán giả chuyển thái độ từ: thán phục -> than thở -> thở dài -> ngáp ngủ -> chán nản -> khiếp sợ.
TỐT hay XẤU xin miễn bàn, cá nhân tôi nêu ra nơi đây chỉ vì Thói quen hay Quen thói mà thôi, có những điều anh cho là tốt là hay là đúng là phù hợp, nhưng tôi lại cho là sai là . . . “trật lất”, vì gia cảnh tôi không giống anh, vì hoàn cảnh tôi không hợp, rồi tôi lại “bắt chước” làm theo, tính ra tôi lại càng “trất lật”! Thế giới càng văn minh con người ta càng copy việc người ta, rồi cải biên chút chút “sáng tác” ra của mình.
Nay cũng có nhiều “phong trào” mà nhà nhà đều đua nhau “bộc phát” như: xây hầm gas, thắp điện cho Thanh Long mau ra trái, phun thuốc cho hoa quả đẹp to hơn, chích thuốc cho gia súc to mập mau hơn, xịt thuốc sâu rầy cho trái cây không bị . . . rầy sâu ăn để bán cho người khác ăn . . . “dùm”: “ . . . nầy cả nhà đừng ăn mấy cấy trái ngoài vườn đó hấy, tau mới xịt thuốc rầy đó, mốt mang ra chợ bán xong tau mua thứ khác cho mà ăn nghe chưa”; thế rồi nhà đó lại mua cấy thứ khác cũng có thuốc xịt sâu rầy của nhà hàng xóm làm “y chang”, hên thật! Còn nhiều và nhiều lắm như: hút thuốc ở khắp mọi nơi kể cả những nơi các cháu nhỏ tuổi vui chơi, hút cả trong nhà ở, trong xe hơi không sợ những tương lai của “dân tộc” bị bệnh vì hút thuốc gián tiếp, bệnh lèo nhèo chậm lớn, uống rượi bia thì hò hét như chỉ có mình ta trên đời, có ai đề nghị thì tìm cớ kiếm chuyện ăn thua, chai bia ly uống nằm ngổn ngang không dọn dẹp (có khi cho chó ăn chè thì lại có người lo sao! Thế thì đâu phải dân biết “nhậu”, nếu rành chuyện này thì khi bắt đầu mua rượu, mua mồi cho đến khi nấu nướng đồ mồi, cho đến khi tàn tiệc nhậu thì có bao nhiêu chiến hữu là đó có bấy nhiêu người dọn dẹp trả lại mặt bằng cho gia đình, cho hàng xóm, cho mọi người, thế mới là dân chơi thứ thiệt không làm ảnh hưởng và làm khó dễ bất cứ ai!
Kết quả hình ảnh cho ô nhiễm môi trường đấtNgay cả chuyện quăng rác, quăng súc vật, quăng nhiều thứ khác mà nhà mình không xài tới qua hàng rào nhà người ta, qua khu vườn nhà người khác, qua khu vực sinh sống của các nhà hàng xóm . . . gương lành gương tốt gương sáng đâu không thấy, chỉ thấy môi trường sống ô nhiễm trầm trọng, luồng không khí để thở hôi thối, ai cũng bịt mũi mà không “DÁM” lên tiếng vì sợ mất lòng khó nhờ vả, hoặc tìm cách ngừng chuyện đó lại, ruồi nhặng từ vài con nay đến vài đàn, mưa xuống nắng lên ngấm xuống đất vào nguồn nước, khi uống vào cơ thể bị nhiễm rồi sinh bệnh . . . “lạ”, khi phát hiện ra thì vào . . . thời kỳ cuối, bác sĩ bó tay, người đó bó chiếu, gia đình bó khăn . . . tang, thế là xong một kiếp nhân sinh vì . . . thói quen hay quen thói!
Kết quả hình ảnh cho háng xóm cãi nhauCàng nhiều đợt thi đua thì “hình như” cũng có kết quả chính và song song đó cũng có vài tác dụng phụ, con người ta cứ quen thi đua riết rồi nhàm, cái gì cũng thi với đua, ganh với đua, rồi ganh với tị, tị với hiềm, hiềm với khích, khích với bác . . . rồi ai cũng như ai, ai cũng giống nhau, dần dần không ai nghe ai, ngày xưa là hàng xóm tốt bụng với nhau, khi cần thiết bước qua cái hàng rào dâm bụt là giúp nhau liền, nay chỉ có cái “hàng tường” cao đâu có bao nhiêu (chỉ có 2m chứ mấy), thế mà nhảy không qua để rồi từ từ xa nhau từng bước và rồi xa nhau từng ngày và dần xa nhau mãi mãi mất tình hàng xóm, tối lửa tắt đèn nay nỏ có nhau, ôi thôi sự đời là thế đó! (ăn trộm nó đâu có “sợ” mấy bức tường như thế đâu, nó đang ở ngay trong nhà quý vị đó, chứ đâu ngoài ngõ mà xây tường).
Thưa với gởi, méc với bẩm hình như chứng bệnh này đã vượt ra cái vòng gọi là nan y rồi, nên chúng ta đã quá quen, con nít đụng một cái là méc, người lớn đụng quẹt xe chút đỉnh thì thưa, tính ra cả hai đứa bé đều bị đòn, còn người thưa thì mất vài chầu nhậu mới được, người bị thưa cũng mất một số tiền chắc cũng tương đương, chả ai được gì chỉ có người dưng người lạ thì được (được cười vì hai đứa bé đều khóc và được nhậu mà còn được nói là cả hai thằng nớ hơi . . . ngu vì cho choa nhậu không mất tiền), í mà họ cũng được đó chứ, đó là được mất lòng nhau và . . . “tau thề là không thèm nhìn mặt thằng nớ từ nay đến chết” hay là “bo xì nghỉ chơi mày ra”!
Xin chân thành cám ơn những thời gian quí báu mà quý vị đã bỏ ra để đọc qua những dòng chữ vô bổ này và cũng thành thật xin lỗi những lời văn tầm thường của tôi lỡ đụng chạm đến một ai đó. Tôi chỉ hy vọng những ý kiến tôi đưa ra chỉ phần nào phụ họa với những làn gió mát của mọi người trong trưa hè, để thổi bớt đi những luồng gió độc hằng ngày trong cuộc sống và xin làm một hạt cát bé nhỏ trong tờ giấy nhám lớn của bà con, để mài mòn bớt đi những cái gọi là vô bổ trong đời sống, hầu cho cuộc sống của mỗi người mỗi nhà được yên vui hạnh phúc hơn và đời sống chúng ta sẽ tươi mới, sẽ đậm đà tình hàng xóm, cùng làm cho chữ ĐỒNG HƯƠNG càng đậm chất cả bề ngoài lẫn bề trong.
Một lần nữa chân thành cám ơn quý vị.
Yakêu.
Follow Me:

Trả lời