Tùy Bút

THÓI QUEN VÀ TÍNH CÁCH

Tôi là người sống khô đạo niềm tin mất hết, từ thủa hàn vi, cuộc đời tôi đúng là ba chìm bảy nỗi. Tuổi trẻ hăng say cố gắng học hỏi, lớn lên biết vượt khó lao động vất vả rồi cũng có ngày được tiếng “Đại gia”. Thế nhưng:

Lên voi xuống chó chẳng tay gang

Bỏ phố lên rừng cắt cỏ đổi cơm

Một bao tạ cỏ tươi vác muốn gãy xương sống đến tận chuồng bò người ta chỉ đổi được một chén gạo, khi đầy lúc lưng.

Thập niên 80 Bình Giã có tiếng là vua lúa miền Đông nên tôi đem cả gia đình về sinh sống. Khi đó nhà tôi nghèo nhất xã tạm trú ở ven đường để làm thuê cuốc mướn và buôn bán nhỏ lẻ từng điếu thuốc – mua mít và xẻ mít bán (cũng có lúc phải ăn hột mít luộc trừ cơm). Trời cao có thấu cũng hiểu cho tôi:

                    Tháng ngày vất vả bôn ba

                    Nuôi đủ tá con với một chồng

Tôi làm việc cả ngày lẫn đêm ai thuê gì làm nấy “Bán nghệ – không bán nhân”, có nghĩa là ban ngày đi hái tiêu, đi cấy, đi làm cỏ…tối về tôi đan thêu – may – vá, nói về nghề tay trái thì tôi giỏi bắt chước người ta đã nhìn thấy thì bằng mọi cách tôi sẽ làm được. Vậy mà không khi nào dư được một đồng tiền lẻ dằn túi hay một cục đất ném chim cũng không có mơ gì có được một miếng đất dựng nhà. Nhiều lúc túng thiếu đi vay bị người ta mai mỉa: Con đông – Chồng lười – Nợ vay khó trả.

Mọi người có biết không? Đối với tôi, nghèo chưa phải là khổ, nhưng nhìn con đói chồng đau mà bất lực thì cuộc sống không bằng chết. Chồng bệnh không tiền – Cả nhà đói thiếu ăn – Con đành thất học. Nhiều đêm vì đói khó ngủ nên thức uống nước dằn bụng, tôi ngồi viết những dòng tâm sự gởi đi thật xa cho nhẹ bớt lòng đau. Thế rồi trong cơn tuyệt vọng tôi được nhiều người chia sẻ, đó chính là động lực là niềm vui giúp tôi vượt khó, cầm tờ giấy báo có tiền nhuận bút là con mình có bữa ăn no. Tôi lại tích cực viết để có tiền khám bệnh cho chồng, bệnh nan y khó chữa. Hai thận dính vào nhau luôn bị ối nước. Những ngày tháng đó tôi luôn ngước mắt lên trời cầu xin bình yên cho gia đình và một cơ hội làm đủ ăn thoát nghèo. Mỗi tuần đi được một ngày lễ lại đứng nép mình ở góc cuối vì sợ áo quần không tươm tất làm chia trí người khác, khi đó nhà thờ chật giáo dân đông đi trễ là không có chỗ ngồi. Không phải như bây giờ Thánh đường mới xây rộng rãi thoáng mát, vậy mà có nhiều người không thích vào trong, mà đứng xa ngoài cửa ngó. Tôi tự nghĩ: Nếu Chúa bỏ lơ tôi thì tôi sẽ đứng gần hơn để nhìn và nghe rõ hơn, biết đâu một ngày nào đó Chúa sẽ ghé mắt nhìn tôi. Tính cách ngang bướng đó vô tình lại tạo thành thói quen, bao nhiêu năm rồi tôi vẫn ngồi một chỗ, nếu chậm chân có ai ngồi vào đó thì tôi sẽ buồn một chút, tuần sau tôi lại đi sớm hơn để ngồi ở vị trí đó.

Tuổi già đến gian khổ trôi qua, tôi không còn nhiều thời gian để mong đợi, đành phó thác số phận mặc trời thì lúc đó ông trời lại ngó đến tôi. Khi cái nhà cũ nát gần sập của tôi bị qui hoạch, tiền đền bù đủ mua mấy sào đất và làm lại cái nhà mới, thì ra: Không ai giàu ba họ – không ai khó ba đời, cố gắng làm Chúa sẽ ban cho.

Làm việc tốt tạo thành thói quen tốt sẽ có được nhân cách tốt. Lương tâm của mỗi người thì: Trẻ gắng rèn – Già cố giữ. Đừng để người khác tác động lên mình như con rối bị giựt dây. Người nghèo chỉ mong lương thực đủ dùng để vững tin giữ đạo, người giàu thì khác đa số chỉ coi đạo như thời trang để ngắm nhìn. Trước khi đi lễ phải dũa bộ móng, gội cái đầu, nước hoa và phấn son có đủ, chưa nói tới những bộ cánh nhìn thấu cả nội y. Đúng vậy trước giờ Thánh lễ bắt đầu từ lời mời gọi của Cha của Thầy: “Xin mời anh chị em, quí ông quí bà dời gót bước lên trên, ai đứng ngoài cửa xin bước vào trong – Xin cảm ơn”. Chỉ một câu này thôi mà tuần nào cũng phải nói. Vậy cảm nhận của người nghe như thế nào? Trẻ con 4 đến 5 tuổi học lớp Mầm Non sang năm sẽ lên lớp 1 và mỗi năm lên một lớp, vậy mà có một số người vẫn đứng in một chỗ nghe hoài một câu mà không hiểu. Đó là vì thói quen đã khống chế họ, vậy Cha và Thầy có nên đổi câu khác không “Muốn chiêu binh – Phải khích tướng”. Ai muốn tham dự Thánh lễ và rước lễ hãy tiến thẳng lên phía bàn thờ. Ai đứng ngoài để ngó thì hãy về nhà giữ đạo tại gia đừng liên lụy đến cộng đoàn.

Mưa dầm mà không thấm đất thì như nước đổ đầu vịt. Nói nhiều mà không hiểu như đàn gãi tai trâu. Trở thành vật vô tri vô giác, loài người được Chúa ưu ái ban cho có cả thể xác lẫn tâm hồn nên phải quý trọng những gì mình đang có. Cảm tạ ơn trời, đời tôi chưa biến thành người thực vật.

Tái bút:

Trên trời dưới đất giữa có ta

Thân cứng lòng mềm dạ thẳng ngay

Lương tâm điểm tựa luôn trong sáng

Không lách không lòn đứng thẳng lưng

                                                            Bình Trung, ngày 03 – 03 – 2019

                              Tác giả : Thành Tín                                                 Bút

Follow Me:

Trả lời