Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng CN 6 Mùa Thường Niên Năm B

Tin Mừng Chúa Nhật 6 Mùa Thường Niên Năm B

Kính thưa quí ông bà anh chị em, cuộc sống chắc hẳn ai lại không một lần bị đau ốm.  Ốm đau là khổ, nên không ai muốn mình đau ốm, bởi vậy khi bị đau ốm thì bằng mọi cách người ta tìm thầy, chạy thuốc hay làm bằng bất cứ cách gì, miễn sao mình khoẻ mạnh lại là được.

Đã có một căn bệnh thật khổ đau không những về thể xác, mà còn  đau khổ về tinh thần nữa, đó là bệnh phong hủi.  Phong hủi là cơn bệnh làm cho bệnh nhân cùi lở tanh hôi, nhan sắc tàn tạ.  Ai mắc bệnh này thì mọi người tránh xa họ, những bệnh nhân phải ở một chổ cách biệt.  Thời xưa, theo luật của Do-thái, ai mắc phải bệnh này phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế!  Ô uế!’  Lại nữa, người Do-thái cho rằng: những người bị bệnh này là do tội lỗi của họ nên bị Thiên Chúa trừng phạt.  Như thế bệnh nhân quả thật là đau khổ muôn phần.  Cho nên, ai mắc bệnh này đều muốn mình được chữa lành.

Người mắc bệnh phong hủi như Thánh Mác-cô thuật lại trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần thứ sáu năm B này, cho ta thấy, bất chấp luật ngăn cấm người cùi tiếp xúc với những người bình thường, người phong hủi đã không ngần ngại xông vào giữa đám đông, chạy tới quì xuống trước mặt Chúa Giêsu, để van xin Người cứu chữa anh mà rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”  Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy sạch!”  Lập tức, bệnh phong cùi biến khỏi anh, và anh được sạch. (Mc 1, 40-42).

Chúa Giêsu thấu hiểu những sự đau khổ của bệnh nhân cũng như ao ước duy nhất của họ lúc này là gì.  Nên chi Ngài cũng đã bất chấp luật cấm không được đụng vào những người bị bệnh phong hủi.  Qua đó, Ngài muốn chia sẽ với bệnh nhân nổi đau khổ, bị bỏ rơi, bị khinh bỉ và bị đẩy ra bên lề xã hội.

Như vậy, vì lòng thương xót mà Chúa Giêsu đã phá bỏ mọi ngăn cách để đến với con người mà không nề hà một sự gì, kể cả sự tanh hôi dơ bẩn của bệnh phong hủi.  Ôi!  Con người quả là diễm phúc, vì Thiên Chúa là Đấng cao cả thánh thiện mà Ngài chẳng nề hà chi, mà chỉ mong sao cứu vớt con người khỏi vũng lầy đau khổ, nhơ nhớp của lội lỗi để đưa con người trở về sự tốt đẹp của buổi ban đầu, và hưởng được một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc trong Chúa ngay ở đời này và đời sau.

Kính thưa quí ông bà anh chị em, ngày hôm nay bệnh phong cùi cũng đang hoành hành nơi một số người ở đó đây, và tin chắc rằng tôi cũng như quí vị đang đọc bài chia sẽ bài này, có lẽ không ai mắc bệnh phong hủi thể xác cả, nhưng biết đâu chúng ta đang mắc những bệnh phong hủi của tâm hồn.  Những bệnh đó có thể là những bệnh mà như thánh Phaolô liệt kê sau đây: sự bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác, gian tà; nào là ganh tỵ, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan cáo vạ, ngược ngạo, kiêu căng, khoác lác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. (Rm 1,29-31).  Và chính Đức Giêsu cũng đã đưa ra một loạt các chứng bệnh nguy hiểm trong tâm hồn con người như: “Những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loan, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7,21-22).  Tất cả những chứng bệnh đó, bằng mọi cách, ta phải chạy đến quì lạy trước Chúa Giêsu như người phong hủi xưa kia, để xin Ngài chữa trị, và chắc chắn Ngài sẽ cầm tay ta và nói: “Ta muốn, con hãy được sạnh, bởi vì Ta thương con.”

Nếu ai thấu hiểu được tình Chúa yêu thương ta quá đỗi như thế, thì con người không thể ngậm miệng làm thinh, mà phải mở miệng ra để ca tụng tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa; và ta phải sống làm sao, để đền đáp phần nào những ân huệ lớn lao mà ta đón nhận từng giây từng phút chẳng ngơi.

Thánh Phaolô là người đã cảm nghiệm được điều này, nên qua lá thơ thứ nhất, gởi giáo đoàn Côrintô, chẳng những ngài mời gọi mọi người, mà chính ngài đã sống.  Bởi vậy, ngài khuyên nhủ mọi Kitô hữu rằng: “Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.  Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.” (1 Cr 10,31; 11,11)

Như thế thì việc dâng lời cảm tạ, biết ơn qua cuộc sống gắn bó với Chúa không chỉ dừng lại ở lời kinh, cầu nguyện, dâng thánh lễ, dự những buổi tĩnh tâm hay những cuộc hành hương đó đây; mà là trong mọi nơi, mọi lúc, làm việc hay nghỉ ngơi, ta đều gắn bó mật thiết với Chúa.  Làm sao mà sự gắn bó tha thiết đến nỗi như thánh linh mục Gioan Maria Vianey đã nguyện cầu, đại để như sau: “Con yêu Chúa, Chúa ơi, đây niềm khát vọng duy nhất của con, là được luôn yêu Chúa đến hơi thở cuối cùng và nếu con không yêu Chúa, Chúa ơi ôi đau khổ vô ngần.  Con yêu Chúa, Chúa ơi, dù miệng con chẳng thốt lên được mọi lú.  Lạy Thiên Chúa hằng sống, con thiết tha yêu Chúa, ít là mỗi nhịp tim, tình con dâng cho Ngài.  Và con thích được chết, đang lúc con yêu Chúa, hơn là sống một giây mà con không yêu Ngài.”  Quả thật, đó là lời nguyện của một vị thánh.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con ý thức được những cơn bệnh nguy hiểm của tâm hồn rõ ràng như những bệnh tật của thể xác, để chúng con bằng mọi cách lo chữa trị những căn bệnh nguy hiểm đó nhờ chạy đến với Chúa, qua bí tích giải tội và bí tích Thánh Thể. Và xin cho chúng con luôn sống biết ơn Chúa để chúng con dùng những ơn Chúa ban hầu mang lại lợi ích phần rỗi cho chúng con.  Xin mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể các thánh trên trời cầu thay nguyện giúp cho chúng con nữa.  A-men.

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời