Kỷ Niệm 60 năm thành lập Bình Giả

TÌNH LÀNG XÓM – NGHĨA ĐỒNG HƯƠNG.

Nếu nói “sơ sơ” thì TÌNH và NGHĨA bằng nhau, nhưng nếu đem lên cân tiểu ly (hay nói một cách khác), nếu cân nhắc kỹ càng thì chữ NGHĨA sẽ nặng hơn chữ TÌNH. Vì trong đời sống con người đôi khi chúng ta sống với nhau vì NGHĨA cho dù đã đánh mất cái TÌNH thuở ban đầu “lưu luyến” ấy.
Xin lỗi quí vị vì tôi phải “đánh” một vòng xa xa, để mới nói hết lên cái Tình LÀNG XÓM Nghĩa ĐỒNG HƯƠNG của bà con Bình Giả chúng ta từ trong làng xóm ra đến . . . cái cảnh sống ở nước ngoài (cho nên mới có chữ ĐỒNG HƯƠNG).
 (Nhà thờ đầu tiên tại trại định cư Bình Giả 1956)
(Gia đình ÔB cố Trương (Nghi Lộc) chụp ngay bên “Nhà thờ bạt” của trại định cư 1955)
Tôi được sinh ra tại miền đất đỏ mà Cha Ông di cư năm 1954, 1955 từ Nghệ An vào miền đất đỏ bazan có tên là Bình Giả, bám đất bám rẫy ruộng để tạo ra cơ ngơi và nuôi nấng con cái học hành, hầu mong chúng sống “sung sướng” hơn. Chung quanh Làng có luỹ Tre dày đặc, có những cổng gác để dân ra rẫy ruộng và về, sau đó cổng được khoá lại gài chất nổ để ngăn bước đối phương. Mỗi sáng sớm nghe tiếng chuông Nhà thờ “réo” gọi là cả nhà thức giấc đi dự lễ, chiều đến kinh nguyện Nhà thờ Họ. Tuổi thơ như các bạn được đến trường, mỗi ngày sau khi nghe tiếng TRỐNG thùng thùng là mấy đứa ví tui chạy lật đật xếp hàng vào lớp, tiếng đọc bài vang vang đến tận từng nhà từng xóm chung quanh và cứ thế mỗi ngày cứ tiếp theo ngày ngày tháng “trau dồi” chữ nghĩa để mong bằng mặt bằng mày với người ta, cho dù có đôi khi phải nghỉ học nữa chừng vì súng đạn, vì chiến tranh. Rồi còn học Giáo lý Bổn lẽ cần, thi khảo giáo lý Mùa Chay, đi Ngắm Than. Tình Làng nghĩa xóm được thắt chặt trong những buổi kinh chiều nơi các Nhà thờ, Nhà nguyện, đài Đức Mẹ (ngoài ra còn có những “huyền thoại” khó giải thích về chuyện mất Bò lại tìm thấy, đạn rơi trong vườn nhà không nổ và chuyện “lính tráng” 2 bên không bắn nhau trong Làng nữa). 
Lớn lên được lên Barịa (không có dấu HUYỀN mô), hay Vũng Tàu, hoặc Sài gòn để học tiếp, nhưng có một số bạn phải lên đường nhập ngũ để bảo vệ quê hương tổ quốc, thế là có người:
Trai phong sương dặm ngàn gió bụi,

Tạm gác cho những kỳ vọng huy hoàng.

Dẫu trải qua muôn muôn ngàn nguy hiểm,

Ta vẫn bước hiên ngang dưới bóng cờ.
Rồi cũng có người huy hoàng với biết bao chiến tích, với huy chương với cấp bậc lên vù vù. Nhưng cũng có đôi gia đình phải nhận bằng Tổ Quốc ghi ơn và cũng có người . . . “Dấu chân tròn vẫn in dài trên con đường mòn cát ĐỎ yêu thương . . .” Dẫu như thế nào xảy ra chúng tôi vẫn luôn là những người bạn “nối khố”, có khi còn phải “nhận” người yêu bạn mình làm Vợ, vì “Nó” đã hy sinh. Hoặc có người phải qua nhà thằng bạn để nhận Cha Mẹ hấn làm Mẹ Cha mình, vì . . . có một mình hấn là con trai đi lính gần Quận mà cũng . . . đi (mà không có ngày về)!!!!!
Thế đó, Làng Bình Giả chúng tôi không lớn như những vùng di cư khác, nhưng GẶP – BIẾT – BỊ và ĐƯỢC nhận rất nhiều kỷ niệm, những hình ảnh “giống” như mọi nơi trên mọi miền đất nước, cũng phải đào hầm chạy trốn giặc thù, cũng phải “lãnh nhận” biết bao loại súng đạn bom mìn, cũng có nhiều Bà Mẹ đâu phải là lính cũng phải “tử nạn” vì “tên bay đạn lạc”, có người còn “được” mời đi không có ngày trở lại, cho nên tuy nhỏ bé hơn các vùng sinh sống khác, nhưng bà con chúng tôi biết rất nhiều, có kinh nghiệm không ít về chiến tranh và cuộc sống “bị cũng như được” nhiều thứ như các vùng dân cư đông đúc.
Rồi thời thế xoay vần không báo trước, sau ngày 30/ 4 (hay còn gọi là Tháng Tư đen). Bà con Bình Giả ví tui mới “đoàn tụ”, tuy hơi “lật đật” và cuộc sống bị xáo trộn (hay nói một cách khác là đổi đời), vì có người lâu nay xa làng xóm để đi làm việc, để đi làm quan chức, để đi hoạt động, để đi chiến đấu . . . nay quay trở về cùng với gia đình chung sống với bà con gia quyến. Nhưng người tính đâu bằng Trời tính, có một số đông phải đi “học tập cải tạo” và thế là lại có một số gia đình phải lâm vào cảnh “chia ly”, không còn định hướng được tương lai. Có nhiều gia đình bây giờ mới “được” lao động, có nhiều “mệnh phụ phu nhân, cậu chiêu cô tú giờ đây phải “chân lấm tay bùn” xuống ruộng lên rẫy làm cỏ cấy lúa trồng khoai, có anh vào rừng còn mang theo sách vở để tìm phương hướng, chặt cây phá rừng mà còn nhìn và rờ cây xem độ ẩm để tìm hướng nào cây ngã đúng nhất. Đi kiếm cây xẻ gổ về làm nhà mà đi “chu du” (LẠC) vào rừng CẤM để rồi phải “chạy chọt” đưa Người và Bò xe về chờ dịp khác, có người còn đi làm quen với người ở địa phương khác để rồi đi xa hơn kiếm các loại gỗ quí về trồng Tiêu, về làm nhà vài ngày mới về.
Nói đến đây xin cho mở một cái ngoặc nhỏ để nhắc lại một hình ảnh “khó quên”, đó là cứ chiều chiều bà con về sớm để ra nơi mấy chổ hay “mắc xục”, giúp nhau chuyền đồ đạc, hay kéo phụ mấy con Bò để xe vượt qua . . . “mấy chổ ni, bây phải chú ý chí, cứ mắc hoài rứa răng!” Mới nói xong đến xe “thằng nứ” . . . lại bị, rứa mới Tài chí (thật là chữ Tài đi với chữ Tai một vần). Vui lắm mà cũng cực lắm, có khi đến khuya mà vẫn còn có nhà phải hì hà hì hục chưa về đến nhà và sáng sớm mai lại phải dậy sớm . . . “để làm cỏ cho xong đám Bắp chuẩn bị trổ cờ, Thật là khổ!!!”

(Làm công tác – việc Làng)
Nhưng chỉ có một cái mà ai cũng giống ai, đó là quần áo chắp vá, ăn uống khổ cực và có khi phải ngủ lại trong RẪY, với những cái LỀU tự tạo bên “những ánh lửa hồng reo lách tách vui tai”. Rồi tay nối tay, người giúp người, những người đi “HTCT” từ . . . lâu lắm nay đã trở về, mừng mừng tủi tủi, vì những người “có ăn học có tài” đi hồi còn Trai trẻ, nay trở về với thân xác già nua, chân run tay mõi lưng còng. Nhưng khí chất vẫn còn như ngày nào, thế là ai biết gì chỉ nhau cái nấy, người ở lâu hướng dẫn cho người mới biết “kỹ thuật” làm NÔNG, người giỏi hơn chỉ bày cho những gì mình biết đến với anh em làng xóm, qua những tổ chức của các Giáo xứ, các kỳ thi Giáo lý của Thiếu Nhi, của Giới Trẻ, của Phụ huynh, thế là một lần nữa dân Bình Giả lại được đón nhận những cái HAY – MỚI – LẠ – VĂN MINH “đích thực” từ khắp nơi “qui tụ” về cái làng bé nhỏ này. Thật là: “Trong cái RỦI lại có cái MAY, trong cái DỞ vẫn có cái HAY như thường”, biết bao nhiêu tài năng được giáo dục theo mọi đường hướng, nhưng vẫn bước theo cái nguyên tắc Thủ Bản, Nghi thức, Phong trào . . . tuy là một vùng dân quê, nhưng khi nghe đến tên Bình Giả ít có ai mà nói “không biết”, vì từ lúc còn chiến tranh là TÊN của một địa danh nổi tiếng và sau ngày “mất nước” lại trở nên một VÙNG trù phú sản xuất ra biết bao nhiêu là thực phẩm như: Lúa, Bắp, Khoai, Bầu (Bù) Bí . . . cho nhiều địa phương đến để mua bán trao đổi. Không những thế lại còn “sinh sản” ra nhiều “sáng kiến” để phục vụ cho DÂN LÀM NÔNG, máy lột bắp, máy gặt đập Lúa, máy làm cỏ . . . bắc cầu qua khe suối ngặt nghèo nguy hiểm . . . rồi các hội đoàn tổ chức đi làm thuê kiếm quỹ . . . lại đến chắt chiu để tu sửa lại Nhà thờ Xứ, nhà nguyện Họ . . . cuộc sống từ từ đổi thay qua sự chịu khó HỌC – LÀM của dân Làng tôi.
Chuyện Vượt biên – Xuất cảnh – Đoàn tụ – Du học . . . mấy cái từ này tuy nghe rất “đơn giản”, nhưng lại nảy sinh nhiều chuyện khác, chứ không phải như “đan giởn”. Một lần nữa NÓ lại nói đến chia ly, vui buồn lẫn lộn có chuyến đi đến nơi thì mừng đi tạ ơn khắp nơi, có chuyến thất bại thì xin cầu hồn, có chuyến bị trục trặc, rứa là choa đi chơi dăm ngày rồi . . . mới về á răng? Đi đi về về cho bằng được, biết bao gia đình phải bán đi nhiều thứ để có người . . . vượt biên, rồi ngày qua ngày, thư đi tin lại, rồi đi nhận một ít quà “lưu niệm”, nhận một ít tiền gởi về . . . thế là . . . “Nhà nứ nay cũng đở nhiều rồi vì có quà của con ở nước ngoài gởi về giúp”. Rồi giấy tở bảo lãnh gởi về, gia đình lo làm thủ tục chờ tin vui.
Có người “NHỜ” đi cải tạo lâu năm nhiều tháng, nay nhận được đi xuất cảnh theo diện HO, rồi có gia đình đi theo diện có con Lai, đi theo diện làm cho Sở Mỹ, đi theo diện Vợ Chồng . . . thế là cả Làng cứ “rộn ràng” lên . . . “mai tui đi rồi bay có buồn không bay? mai tui đi rồi tương lai không được biết? nhưng tui hy vọng sẽ có ngày vinh quang, để đón bạn qua chơi bù đắp cho những tháng năm đã qua . . .” 
Chuyện xuất cảnh theo diện bảo lãnh đoàn tụ, đi du học là chuyện cơm bữa ở Làng tôi, tiệc tiễn đưa cơm chia tay cứ tiếp nối tiếp nối, xe nối xe ngày qua ngày, cứ gia đình này vừa đi xong dăm tuần vài tháng, thì lại đến nhà kia chuần bị hợp đồng xe đi sân bay . . . “Thuê xe đưa nhà hấn đi vui thì cũng có mà buồn thì lại nhiều, nỏ biết ra răng nữa giừ, hừ hừ hừ . . .”.
Hình ảnh gởi về từ những người thân cho thấy, những nụ cười xen lẫn nước mắt khi đoàn tụ tại quê hương thứ 2 đã làm náo nức những gia đình ở lại, nhìn thấy xe hơi nhà cửa, phong cảnh tuyết rơi ngày Giáng sinh . . . nghe mấy đứa cháu sinh ở Nước Ngoài nói chuyện lơ lớ thấy dễ thương chi lạ. Rồi những chuyến về thăm quê hương Làng xóm, gia đình của những người xa xứ lại làm bao trái tim rộn ràng, biết bao câu chuyện từ lâu không dám nói nay cứ “trôi chảy” ra không ngớt, có nhiều gia đình qua những lần “thăm nuôi” đã trở thành nhà cao cửa rộng, cổng đóng im lìm vì sợ . . ., xe này xe kia bù lại cho bao ngày tháng khó nhọc, cũng có nhiều em nhỏ được “hưởng dùng” nhờ những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ từ mối Tình Làng xóm Nghĩa Đồng hương gởi giúp. Làng xóm có vẻ đẹp hơn, đường xá mở rộng hơn sạch sẽ hơn và hình như “con người” ở Bình Giả dễ nhận ra là có “văn minh” hơn, quần áo “lượt là” hơn, người có da có thịt hơn và cũng có một vài “Ả” bổng nhiên đẹp hẳn ra, nỏ biết tại làm răng nựa?
Ở Hải ngoại thì cuộc sống rất khác với ở quê hương, nó thay đổi hoàn toàn từ cách suy nghĩ đến nếp sống của con người, bởi vì Họ là dân TÂY còn mình là AN NAM MÍT, họ thực dụng mình thì tình cảm, họ luôn nghĩ đến tiện ích cá nhân còn mình thì cứ nếp sống gia đình làm “chuẩn”, ai muốn gì thì phải nói lên không ngại ngùng. Nhưng người “già” (xin lỗi phải nói là người có nhiều tuổi) là Ông bà Cha Mẹ lại nghĩ khác, muốn nói nhưng rồi lại thôi vì sợ con cháu buồn, hay sợ đụng chạm (có người mỗi lần đi Nhà thờ phải im hơi lặng tiếng như kẻ trộm, vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ con cháu, rồi cùng nhau “dung giăng dung dẻ nắm tay nhau tiến về Đền thánh Chúa Trời” từ sáng sớm để kịp giờ Lễ, rồi xong lại cùng nhau “cuốc bộ” về khi . . . “cả nhà vẫn đang còn yên giấc”). Cái xứ sở chi mà lạ lùng, lâu lâu lại dở chứng đổi giờ, làm khổ người khác, có lần nớ, vợ chồng choa đi lễ Chúa nhật như thường lệ. Cứ “đường ta ta cứ đi hiên ngang chứ có chi mà ngại ngùng, vì đã quen sơ sơ ngõ đi đường về”, khi gần đến Nhà thờ thấy xa xa người ta ra xe về, hơi nghi nghi vì sợ “khủng bố”, choa lật đật đi sát vô tường rào mấy cái “Ap-pa-mần” đi từ từ tới, thấy càng lúc họ ra nhiều hơn, đến nơi “rặn” một hồi hết cả vốn liếng tiếng ra mới biết là Lễ đã xong, nếu cần thì sau 1tiếng rưỡi nữa mới đến giờ lễ kế, xin lỗi họ xem mấy giờ mới hay là . . . mình trễ cả 1 tiếng . . . trách chi!!! 
Còn đi ra đường là nghe họ nói tiếng “cõi trên” mà mình thì đang ở “cõi ni” thì mần chi hiểu nổi đây Trời! Có nhiều khi nỏ hiểu chi chỉ nghe ai ai mi mi (mà nỏ nghe tau tau chi hết, rứa là cứ ô kê ô kê thôi, lắm có khi họ nhìn mình như nhìn . . . nứ). Cho mở ngoặc chút hấy: Có người qua đây khi lái xe đi lạc đường, nhìn mãi nỏ thấy ai “quen” mà hỏi đường, nhìn thấy người Cảnh sát trong cây xăng ra, người này xuống xe chạy vội đến thì người cảnh sát tay vừa thủ để rút súng, tay kia khoát dừng lại, làm cho những người đang ở cây xăng phải ngồi núp. Sau khi hiểu ra thì người Cảnh sát đã vui vẻ chỉ đường và còn chạy xe đi trước để hướng dẫn, còn người kia vì hiểu lầm là cứ hỏi Cảnh sát là . . . “xong”, thật là còn một tí nữa là . . . cũng “XONG” mà xong đời thật, vì cái bóp cò để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình của người Cảnh sát.
Thật là hú hồn! Nói ra thì ngại thằng Rể con Dâu, làm ồn thì mấy đứa cháu hấn nói cho một tràng . . . tuỳ đó muốn hiểu sao thì hiểu (vì khác ngôn ngữ sao biết được!) Có người qua kiếm được công việc thì tối tăm mặt mũi vì cày 2 ca không có giờ nghĩ, người khác thì đành phải đi làm ở trang trại chăn nuôi hay trồng tỉa: hái Cam, nhổ Rau . . . đào Trùn . . . Có người đi làm Nails tuy nhẹ nhàng “trắng trẻo” hơn, nhưng lại phải “nghe” mùi hoá chất cũng như những lời “này nọ” của khách hàng của chủ tiệm mỗi ngày, riết rồi cũng nhàm tai và thêm chất “CHAI LÌ”. Nhưng có người nhờ phúc đức Ông Bà để lại được người bản quốc nhận làm con nuôi, hoặc đỡ đầu cho làm ăn, cho đi học thành tài. Có người lại có sẵn người nhà đã sinh sống lâu năm có cơ ngơi Nhà hàng, Tiệm Xưởng . . . rồi cứ thế mà làm thêm ra, rồi cứ thế sinh lời lãi thêm ra làm tăng thêm thu nhập, làm cho gia đình càng ngày càng giàu sang phú quí. Có nhiều Ông Bà về “hưu non” cứ “tà tà ở nhà” chăm cháu Nội Ngoại, nghĩ cũng hay “2 người” nói 2 thứ tiếng khác nhau mà lại hiểu (nhất là ÔB người xứ Nghệ nói như hát, âm “chuẩn” không sai, mấy đứa cháu thì yes, ahha, ok . . . lo ăn đi thằng (con) tê, xong rồi choa còn phải đi lai con Chị đi học ở trường nứ về nựa, thật là . . . nhọc (nói nhỏ và còn che miệng để không ai nghe chữ này, phiền lắm!!!) May mà còn biết lái xe, chứ mà nỏ biết hấn mà chiếc xe nỏ biết mình nữa thì . . . thật là què chân (đã lỡ mù mắt vì không biết cái computờ là chi rồi).
Rồi tiếng thơm đồn rất xa, người này nói cho người kia biết rồi chỉ dẫn rồi mời về sống gần cho có Đồng hương Làng xóm, thế rồi có Xóm Gia Hoà ở Porland Oregon, Làng Nghi Lộc ở Alanta Geogria , Xóm Phi Lộc ở Garland Texas, họ Xuân Phong ở Houston, người Bình Giả ở California, đồng hương ở Canada . . . và còn nhiều nơi khác nữa, mà đến đâu sinh sống là họ đồng cộng tác với tất cả những khả năng, góp vào những kinh nghiệm để “nâng” sự sinh hoạt vùng đó tiến lên thấy rõ, như những khoá huấn luyện GLV cũng thấy các Cựu Huynh trưởng TNTT ra “nghề” hành hạ khoá sinh, những trò chơi thật “hú hồn”, những hình phạt “thẳng tay” cũng được thi hành rất bài bản, làm cho nhiều người phải than với thở . . . dài: “Vui thật nhưng ê ẩm mình mẩy quá, sợ mấy đứa huynh trưởng qúa, thật là . . .”.
Tuy thế trong cuộc sống muôn hình vạn trạng này, kề bên cái Tốt luôn đi kèm song song cái Xấu (thế mới là cõi Trần gian chí, chứ không là cõi Thiên đàng rồi), vẫn còn có một số người “lỡ lầm”, chúng ta nên “nhân ái”, mở rộng vòng tay chờ đón họ quay trở về, biết dùng “lời hay ý đẹp hợp lý lẽ” để khuyên bảo họ nhận ra “chính lộ”, đừng xa lánh, đừng ruồng bỏ, hoặc đừng “thây kệ hấn cho hấn chết luôn đi”!!!!! Hay là có ai lỡ xúc phạm là lôi tên Ông Bà, Cha Mẹ, Họ hàng hấn ra mà chưởi cho đã miệng, mà nhiếc mắng, đến lúc . . . “nói lại” thì thêm xấu hổ nhột nhạt trong “ngài”.
Đúng thật là dân Bình Giả ở đâu cũng có mặt, nghề nào cũng đụng vào và đâu mà có người Bình Giả là ở đó có Đồng hương. (Điều này đã được chứng minh qua 2 lần tổ chức ĐHBG để kỷ niệm ngày di cư (1955 ~ 2005 tại Atlanta và 1955 ~ 2010 tại Porland), lại chuẩn bị cho lần thứ III (1955 ~ 2015 tại Atlanta), những truyền thống tốt đẹp cứ được lưu truyền từ đời này đến đời nọ . . . từ đời nọ đến đời kia . . . Tuy vẫn biết rằng khi tổ chức cần biết bao nhiêu thứ: BTC sẽ là những người nào, tài chánh bao nhiêu là đủ, địa điểm sao cho thích hợp, số lượng người từ bốn phương qui tụ về, rồi thời gian nào phù hợp cho cả bên Âu lẫn bên Á, kiếm ra những trò chơi, những quản trò, những MC “múa môi múa mỏ” hay hơn cả các MC chương trình văn nghệ, sao cho phù hợp với mọi đối tượng thành phần tuổi tác . . . rồi còn mời quí Cha đồng hương dâng Thánh lễ cho cả Làng, ca đoàn thì từ khắp thế giới cần phải qui tụ lại “giao” cho ca trưởng mô “nổi tiếng” ôn tập sao cho mau chóng mà phải hát hay như . . . “ở Nhà thờ Đức Bà Sàigòn nghe mới đã!”
Nói đến đây một lần nữa cho tôi mở ngoặc để nói 2 cái chuyện ni hấy: (chuyện nhỏ nhỏ thôi)
Một là chuyện trang web binhgia.net, từ những suy tư buổi ban đầu của một vài anh chị em “xa xứ”, nảy sinh ra một trang mạng để nhắn tin qua lại, kèm theo một vài tấm hình với cảm nghĩ của mình, thế là họ đã “khai mở” ra một trang mạng cho cả . . . làng Bình Giả, qua đó bà con từ trong nhà Nội ra đến nhà Ngoại đều vào để biết thêm tin tức của người thân yêu, thấy được hình người này người kia, biết mà cầu nguyện giúp đỡ cho những người thiếu may mắn, hoặc ra đi trước mình, rồi lại biết và thấy được cả quê hương xứ Mẹ ngoài Bắc. Dần dần thêm nhiều anh chị em cộng tác, Rồng thêm vây vẫy vùng khắp nơi, nay có cả nhóm BBT cộng tác viên ở 3 Xứ trong làng, nhóm anh chị em đi làm đi học ở Sài gòn, ở Canada, ở Hoa Kỳ, ở Úc Thòi Lòi . . . có nhiều Cha nhiều tu sĩ Nam nữ “soi sáng” nhiều điều bổ ích về tâm hồn, góp ý về tình thân ái. BBT còn kêu gọi bà con viết thêm bài vở, rồi tổ chức các cuộc thi đua viết bài về Giáng sinh, về Tết Cổ truyển, về ngày họp mặt Đồng hương . . . rứa là lại “kiếm” thêm nhiều người tài không kể tuổi tác, giới tính, trình độ . . .

(Chụp từ tháp chuông Gx Vinh Châu)
Hai là chuyện họp mặt Cựu Huynh trưởng 3 Xứ, những khuôn mặt nay tuổi thì cao, tên cũng đã một thời “oanh liệt”, sao mà mỗi khi họp mặt Đồng hương là ta lại có giờ để nghe . . . . _ . . . . _ . . . . _ . . . . . . . . . . rứa là ta cùng chạy đến điểm tập họp mà: . . . Cùng nhảy chung quanh vòng cùng nhảy múa cùng vui . . . ta cùng vui múa đều . . . nắm tay nhau bắt tay nhau ta cùng vui múa ca . . . tuy bây giờ đã là những Ông Bà Lão (có khi ra đang nhảy với nhau lại có vài baby chạy ra khóc mếu máo Bà ơi bồng cháu mau đi cháu sợ quá!), lại còn bài múa: “Giakêu ơ ơ lùn Giakêu ơ ơ lùn, người đâu mà lùn quá, “nỏ” thấy Chúa đi qua . . .”, chắc chắn lúc đó sẽ có nhiều nụ cười trên khuôn mặt nhăn nheo, xen lẫn vài giọt lệ rơi rơi và biết bao nhiêu là lời hỏi thăm và sẽ có những vòng ôm ‘PHỤNG SỰ” thắm thiết như ngày nớ . . . ước mong thay!
Xin gởi đến quí vị bài hát được cải biên như sau: 
Bao nhiêu năm rồi lại thấy anh em, bao nhiêu năm qua bây giờ hội ngộ, giang đôi tay ra ôm chầm người bạn, để biết hôm nay mình thấy ta rồi.

Xin cho ơn Trời đổ xuống trên ta, cho anh cho em cho chị cả nhà, mong sao hôm nay mối TÌNH NGHĨA này, được sống yên vui và mãi không dời.

Này người Làng 3, này người Làng 1, ở tận đầu kia là người ở tại . . . Xứ Vinh Châu. Nụ cười ta trao cho thật lòng mình, mặc dù đời ta vẫn còn nhiều điều khổ đau.

Bao nhiêu năm rồi mà vẫn như xưa, khi xưa thanh niên bây chừ người già. Tay chân run run hơi thở chập chờn, mình vẫn gắng vui vì có bạn hiền.

Sau hôm nay rồi sẽ phải chia tay, nhưng trong tâm tư ta vẫn cầu nguyện. Ta xin ơn Trên ban nhiều điều lành, để chúng ta luôn giữ mãi tình người (2 lần để kết).
Thế đó bà con ơi, người 3 làng Bình Giả tôi nói chung (kể cả người Bình Trung mới được chia ra trong năm 2012 vừa qua), và từng giáo họ nói riêng ngày ngày càng phát triển Nội cũng như Ngoại. Chúng tôi càng ngày càng phát triển về cả nếp sống tâm linh và cả về vật chất, từ văn hoá học vấn đến hiểu biết các phương tiện đại chúng về máy móc hiện đại, từ sự đoàn kết đùm bọc lẫn nhau đến biết chia sẻ nỗi khó khăn của người đồng loại, chẳng những thế chúng tôi còn tạo ra một “tiền đề”, một truyền thống đẹp về QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU, đó là 5 năm một lần tổ chức ngày họp mặt tất cả mọi người trong Làng, trong Xứ, trong Họ viết lên truyền thống của chính nơi mình được sinh ra, được nuôi dưỡng, được giúp đỡ và nói lên lời CÁM ƠN đến quí Cha, những vị ân nhân, những người Niên trưởng đã sáng lập ra các đoàn thể trong 3 Xứ còn sống hay đã qua đời, kể cả những búp Măng đang lớn lên để cùng với những cây Tre đang vươn cao đứng vững để che chở, để đùm bọc sự sống còn của Tình ĐỒNG HƯƠNG Nghĩa LÀNG XÓM càng ngày càng TỐT – ĐẸP và HỮU ÍCH cho mọi người chung quanh khắp mọi nơi trên thế giới này.
 (Nhà thờ Làng I)
 (Nhà thờ Làng II) 
 (Nhà thờ Làng III)
Kính chúc tất cả bà con Đồng hương luôn được khoẻ mạnh an vui, làm ăn tấn tới, gia đình đầm ấm hạnh phúc, tuổi Già thì trường thọ, người Trẻ thì vinh thân và ai trong chúng ta cũng luôn mong muốn mỗi khi gặp nhau thì tay bắt mặt mừng, tặng nhau những lời tốt đẹp và sự bình an chắc chắn sẽ đến với hết mọi người từ trong tâm hồn đến cái thân xác hèn mọn này. Ước mong được như rứa luôn hầy và đời đời chẳng cùng . . . Amen!
YAKÊU viết nhân dịp 60 năm họp mặt ĐỒNG HƯƠNG BÌNH GIẢ -2015
(Hình ảnh BBT).

Ban Biên Tập

https://binhgia.net BÌNH GIẢ - Quê Hương Yêu Dấu
Follow Me:

Trả lời